Tin Biển Đông – 08/02/2019
Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019
17:18
//
Biển Đông
,
Slider
Trung Quốc điều tàu chiến đến gần đảo Thị Tứ
Trung Quốc bị cáo buộc cho điều lực lượng gần cả trăm tàu đến khu vực đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa nhằm ngăn Philippines thực hiện công tác xây dựng ở đó.
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin ngày 8 tháng 2 như vừa nêu sau khi Tờ báo Philippines Daily Inquirer loan tải tin này trích nguồn từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế của Hoa Kỳ.
Các ảnh vệ tinh của trung tâm này cho thấy số tàu của Trung Quốc trong khu vực là 42 chiếc vào ngày 26 tháng 1/2019. Còn trước đó là đến 95 chiếc vào cuối tháng 12/2018. Các tàu này được điều đến từ bãi san hô Subi (còn gọi là đá Subi) hiện do Trung Quốc chiếm đóng, cùng với nhiều tàu đánh cá.
Các tàu chiến này chỉ cách một chiến hạm Philippines khoảng 7 hải lý.
Báo Phi nói rằng việc điều tàu Trung Quốc đến khu vực đảo Thị Tứ là để ngăn cản Manila xây dựng một cầu tàu, và kéo dài đường băng sân bay ở đây.
Tên gọi Thị Tứ là theo tiếng Việt, người Phi gọi là Pagasa, còn Trung Quốc gọi là đảo Trung Hiệp. Cả ba nước và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines là ông Delfin Lorenzana nói hồi tháng 11 vừa qua, Đại sứ Bắc Kinh tại Phi đã hối thúc ông ngừng việc xây cất tại Thị Tứ.
Ông Lorenzana dự báo công trình xây cất trên đảo Thị Tứ sẽ hoàn thành trong quí một năm nay. Ông này cũng được truyền thông Philippines dẫn lời là Manila không hề ngạc nhiên về việc Trung Quốc điều lực lượng tàu đến khu vực đảo Thị Tứ; tuy nhiên Philippines vẫn tiếp tục kế hoạch của nước này tại đảo Thị Tứ.
Biển Đông: TQ Sẽ Thua, VN Lợi
Huỳnh Quang
Tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều bất trắc và Trung Cộng vẫn không buông bỏ tham vọng xâm chiếm vùng biển nhiều tài nguyên và địa thế chiến lược này, dù trong thời gian qua TC phải đối phó một cách vất vả với cuộc chiến thương mại mà Mỹ đã khai hỏa.
Nhưng theo giáo sư và khoa trưởng Kinh Tế tại LIU Post ở New York là Panos Mourdoukoutas, trong vài viết “China Will Lose The South China Sea Game,” cũng như phân tích gia Gary Sands tại Wikistrat, trong bài viết “How Vietnam Benefits From The US Strategy in The South China Sea,” thì TC rồi sẽ phải thua cuộc ở Biển Đông và Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
GS Panos cho rằng chính vì TC muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, từng tấc biển, cho nên một ngày nào đó họ sẽ mất tất cả. GS Panos đưa ra giải thích như sau.
Trong trò chơi tại Biển Đông, TC là tay chơi chống lại tất cả những tay chơi khác còn lại trong vùng: Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á, Đài Loan, và Việt Nam. TC cũng đang địch lại tất cả hải quân của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh Quốc, và Úc Đại Lợi. Những lực lượng hải quân này đang tìm kiếm việc thực thi tự do hàng hải trên vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, mà mỗi năm có tới 5 ngàn tỉ đô la trị giá hàng hóa được chuyên chở qua đây.
Tuy nhiên, vấn đề là tại sao TC lại chống lại tất cả mọi nước khác? GS Panos nêu ra lý do như sau. Đó là bởi vì đường biển rất quan trọng đối với TC để giúp họ trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Đó cũng là lý do tại sao TC đang bắt đầu kế hoạch con đường tơ lụa trên biển.
“TC cho rằng con đường tơ lụa trên biển phải bắt đầu từ Biển Đông,” theo Vijay Eswaran, doanh nhân Mã Lai và cũng là Chủ Tịch của Nhóm Công Ty QI, nói như thế. “Họ [TC] tự thấy cần phải đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trên biển trong tương lai.”
Một lý do nữa, theo GS Panos, đó là TC nhìn thấy Biển Đông như là tài sản của chính họ. Tất cả, những nguồn tài nguyên bên dưới, TC đều muốn khai thác. Đó là lý do tại sao TC xây dựng các đảo nhân tạo. Và rằng điều đó nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc TQ, cần phải được hỗ trợ và tăng cường bằng hiện trạng chính trị.
Còn những tuyên bố chủ quyền trùng lập lên các lân bang của TQ thì sao? Theo Vijay, “TC không nhìn thấy bất cứ một tuyên bố chủ quyền trùng lập nào từ các lân bang đối với Biển Đông như là mối đe dọa họ. Và họ [TC] đã sử dụng sự đe dọa để bảo đảm rằng điều này sẽ không xảy ra. Khi TC bị thua kiện Phi Luật Tân tại tòa trọng tài quốc tế đối với các tranh tụng tại Biển Đông hơn một năm rưỡi trước đây, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều bước để đảm bảo rằng TT Duterte không làm bất cứ điều gì với chuyện đó. Bước thứ nhất là đe dọa Duterte sẽ nổ chiến tranh nếu Phi Luật Tân dám thực thi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Bước thứ hai là đưa ra lời hứa sẽ đầu tư hào phóng để giúp Phi Luật Tân giải quyết nhiều khó khăn.
Và điều đó đã thành công. Duterte đã nhanh chóng hoan hô, và quên hết mọi chuyện về phán quyết.
Và gần đây, TC áp dụng “mô thức Duterte” để đe dọa Việt Nam. Vào tháng 7 vừa rồi VN tuyên bố họ sẽ ngưng khai thác dầu, theo sau cảnh báo thẳng thừng của Bắc Kinh rằng TC có thể tấn công các giàn khoan và căn cứ khoan dầu và khí đốt của VN.
Tuy nhiên, có nhiều quân đội hải quân các nước thách thức tham vọng của TC. “Đó là ảnh hưởng khả hữu đối với Tây Phương, như Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc và các lực lượng hải quân của những nước này, rằng ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn lên chính sách của TC trong khu vực.”
Có phải TC đã chuẩn bị để chống lại thách thức này? Khó mà nói.
Điều dễ nói là các quốc gia chơi trò chống lại tất cả thì cuối cùng sẽ thua sạch. Đó là điều đã xảy ra cho lân bang Nhật Bản trong quá khứ, và nó cũng có thể sẽ xảy ra cho TC trong tương lai.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vào những thị trường tài chánh của khu vực đang quan sát kỹ bất cứ phát triển nào sẽ mang TC tới gần hơn cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó nhà phân tích Gary Sands phân tích tình hình Biển Đông nói rằng Washington bắt đầu chống lại Bắc Kinh trên nhiều mặt trận — kinh tế, chính trị và quân sự — chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) của chính phủ Trump đang nhanh chóng đạt được nhiều thắng lợi. Chiến lược FOIP chỉ được phát động mạnh khi Trump dự cuộc họp Thượng Đỉnh APEC taị Đà Nẵng vào tháng 11 năm 2017.
Những ngày gần đây, các viên chức Hoa Kỳ, gồm Phó Tổng Thống Mike Pence, đã bắt đầu bình luận công khai về các chi tiết đối với chiến lược này. Một viên chức Hoa Kỳ khác là Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đặc trách An Ninh Vụ Á Châu và Thái Bình Dương là Randall G. Schriver, gần đây đã thăm viếng VN để nói về ý nghĩa chiến lược FOIP của Hoa Kỳ đối với Hà Nội. Schriver đề cập đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như là ưu tiên hàng đầu, trong lúc TC đang có nhiều hành động xâm lấn hơn trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông.
Schriver định nghĩa Chiến Lược Quốc Phòng mới của Hoa Kỳ dựa trên 3 cột trụ: 1) thừa nhận sự cạnh tranh đại cường, đặc biệt giữa TC, Nga và Hoa Kỳ; 2) phát triển và hỗ trợ các liên minh và đối tác quốc phòng; 3) cải tổ cấu trúc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ để thực hiện sứ mệnh tốt hơn.
Một trong những điều mà Việt Nam có thể được lợi từ chiến lược FOIP là thông qua các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) gồm nhiều tay chơi tầm cỡ trong khu vực. Các chiến dịch này cho Bắc Kinh và những quốc gia duyên hải của Biển Đông thấy được rằng các tàu chiến hải quân có thể đi lại tự do và mở cửa, dù TC tuyên bố chủ quyền khoảng 90% vùng biển và khẳng định quyền kiểm soát việc đi lại. Schriver cũng cho thấy rằng chính phủ Trump sẽ có thêm hành động để chống lại các công ty TQ can dự vào việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, mà điều này có nghĩa là sẽ có trừng phạt kinh tế.
Trên không trung của các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, Schriver lưu ý chính sách của FOIP sẽ chống lại bất cứ tuyên bố đang có và sẽ có bởi Bắc Kinh về Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ), một trong những cách mà TQ cố gắng khẳng định chủ quyền của họ trong khu vực.
Tuy nhiên, trong khi Chiến Lược Quốc Phòng mới của Hoa Kỳ kêu gọi sự phát triển và hỗ trợ của các đối tác quốc phòng như VN, thì Hà Nội lại chủ trương chính sách “3 không”: không cho ngoại quốc lập căn cứ, không liên minh quân sự, và không dính vào phe thứ 3 trong cuộc tranh chấp.
Hà Nội nghĩ rằng có thể được lợi khi chơi với cả 3 cường quốc đang cạnh tranh là TC, Nga và Mỹ.
Nhưng CSVN có thực sự đang ở ngoài vòng cương tỏa của 3 cường quốc này không, hay là đã bị TC cấy sinh tử phủ từ lâu?
Việt-Nga khai thác mỏ dầu mới tại Biển Đông
Một liên doanh Việt-Nga bắt đầu sản xuất dầu thô tại một địa điểm mới ở Biển Đông. Dự án này hy vọng sẽ mang lại hơn 1 tỉ đô la cho Hà Nội trước năm 2032, theo Nikkei Asian Review.
Công ty Vietsovpetro, do công ty quốc doanh PVEP của Việt Nam cùng đối tác Nga kiểm soát, hiện đang thăm dò một giếng dầu cách bờ biển phía nam Việt Nam 160 km.
Địa điểm này gần giếng Bạch Hổ lớn nhất Việt Nam cũng do Vietsovpetro điều hành. Tuy nhiên giếng dầu này nằm bên ngoài “Đường Chín Đoạn” một khu vực tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Mức thu hàng ngày của giếng này dự kiến lên tới 230 thùng dầu, tờ Nikkei Asian Review cho biết.
Giếng dầu Bạch Hổ bắt đầu sản xuất vào năm 1986 biến Việt Nam trở thành một trong các nước sản xuất dầu hàng đầu tại châu Á. Tuy nhiên sản lượng đầu ra tiếp tục giảm sau khi lên đến cao điểm vào năm 2004, khi sản lượng từ Bạch Hổ sụt giảm. Hậu quả là Việt Nam được cho là đã trở thành một nước nhập khẩu dầu vào khoảng năm 2010.
Hà Nội có kế hoạch thăm dò thêm trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại nhiều địa điểm trong khu vực khiến cho một số dự án phải ngưng lại.
(Nguồn Nikkei Asian Review)
0 nhận xét