Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Sân chơi đậm nét văn hóa ngày xuân

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019 19:04 // ,

03/02/2019

ết đến xuân về, nhà nhà quây quần bên nhau gói bánh tét, trang trí mâm ngũ quả thật tươm tất, ý nghĩa và hòa mình trong không khí rộn ràng của tiếng trống múa lân, ca nhạc. Những hoạt động quen thuộc đó đâu đâu cũng có, nhưng trở thành nét văn hóa riêng biệt của TP. Long Xuyên.

Hội thi “Gói, nấu bánh tét truyền thống” là sân chơi đã duy trì được 6 năm tại TP. Long Xuyên, khởi đầu do Trung tâm Văn hóa TP. Long Xuyên tổ chức, các năm sau có sự phối hợp của Liên đoàn Lao động thành phố, gắn với chuỗi chương trình Tết sum vầy cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Không gian Tết xưa với nhiều thế hệ cùng ngồi bên nhau, phụ nữ trong áo bà ba, khăn rằn gợi lên những cảm xúc khó tả, nhất là với những người con xa quê. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Long Xuyên Phạm Công Vinh cho biết, hội thi thử nghiệm lần đầu vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), sau đó gắn liền trong ngày Tết với quy mô lớn hơn, truyền tải nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa. Mỗi đợt thi có ít nhất 30 đơn vị đến từ các phường, xã và nghệ nhân ở địa phương, các đối tượng dự thi được mở rộng, yêu cầu bắt buộc phải có người lớn tuổi, quy định về trang phục, cách làm bánh, trang trí… Mỗi đội thi phải thực hiện sản phẩm bánh tét truyền thống theo đúng yêu cầu và bánh tét sáng tạo với những biến tấu về nhân, màu, hương vị. Kèm theo sản phẩm trưng bày là lọ hoa hoặc cành mai điểm xuyết, bảng thuyết minh về phương pháp, nghệ thuật chọn lọc các nguyên vật liệu, sơ chế các nguyên vật liệu, kỹ thuật gói, nấu…

Thi gói, nấu bánh tét
Để tái hiện chân thực hình ảnh sum vầy của gia đình bên nồi bánh tét, hội thi được tổ chức vào ban đêm tại Công trường Trưng Nữ Vương. Giữa trung tâm đô thị với nhà lầu san sát đối lập với ánh lửa bập bùng gây ấn tượng khó tả. Bất kỳ ai nhìn vào hình ảnh đó sẽ gợi lên cảm xúc của tuổi thơ, cảm xúc đoàn tụ, cảm xúc ấm cúng của gia đình. Đây là dịp để các nghệ sĩ nhiếp ảnh tác nghiệp, ghi lại những khoảnh khắc hiếm có của đô thị năng động đan xen nhịp sống xưa và nay. Sau nhiều năm duy trì, thành công nhất hội thi mang lại là tạo hoạt động hướng về cội nguồn. Nhiều người hỏi tại sao không làm bánh khác, ông Vinh trả lời: “Ở Nam Bộ, bánh tổ là bánh tét, không có loại bánh nào đặc trưng hơn. Nếu đất tổ Thăng Long có bánh dày, bánh chưng, thì vùng đất Chín Rồng phải có bánh tét. Bánh tét có đầu hình vuông tượng trưng cho đất, thân hình tròn tượng trưng cho trời. Ngoài ra, những nguyên liệu làm nên bánh còn có nhiều ý nghĩa riêng: hạt nếp, hạt đậu được nghệ nhân chắt chiu sàng lọc rất kỹ, là tinh túy sản sinh ngay vùng đất Nam Bộ này. Ngày xưa “Nơi đây xứ sở lạ lùng - Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, “Chèo ghe thì sợ sấu cắn chân - Xuống bưng thì sợ đỉa, lên rừng thì sợ ma”, ngót nghét 300 năm trở thành vùng trù phú. Ghi nhớ công ơn các thế hệ trước, chúng ta chọn những tinh túy sinh ra từ vùng đất này làm ra tác phẩm dâng cúng tổ tiên, mang tính giáo dục cho nhiều thế hệ rất sâu sắc”. Điểm cộng nữa của hội thi là toàn bộ kinh phí gần như xã hội hóa kêu gọi từ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh ẩm thực tham gia. Mỗi đơn vị làm 20 đòn bánh, sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ trích 2/3 số lượng đem tặng những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cùng “ăn” Tết với mọi người.
Bên cạnh hội thi gói, nấu bánh tét, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Long Xuyên còn tổ chức Liên hoan múa lân - sư - rồng. Hoạt động này đã duy trì hơn chục năm qua, dưới hình thức mời 1 đơn vị tài trợ toàn phần. Các đoàn lân tham gia liên hoan biểu diễn được mời từ những đội lân xuất sắc nhất của tỉnh và đã thi đạt giải quốc tế như: Thành Sư Lâm, Quan Đế miếu, đình Châu Phú. Tiếng trống sôi động cùng với những màn lân nhảy múa “thót tim”, phô diễn điệu “Mai hoa thung” trong những đêm cuối chuẩn bị đón năm mới luôn thu hút người xem đông nghẹt. Mọi người được sống hòa trong không khí náo nức của Tết giữa thế giới sắc màu, âm thanh, hương vị trọn vẹn.

Liên hoan lân-  sư-  rồng
Không diễn ra hàng năm nhưng hội thi “Chưng mâm ngũ quả” do Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên tổ chức là điểm nhấn cho ngày xuân thêm ấn tượng. Hội thi tập trung vào chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và những truyền thống quý báu của dân tộc, các thế hệ gia đình Việt Nam. Vẫn là các loại trái cây quen thuộc nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của các thí sinh bỗng hóa cảnh vật tứ linh, biểu tượng, biểu trưng, hình ảnh cách điệu có ý nghĩa tinh thần, có tính nhân văn sâu sắc và thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ… Đây là nét đẹp văn hóa ngày xuân, tạo không khí Tết thêm rộn ràng.
MỸ HẠNH

http://baoangiang.com.vn/san-choi-dam-net-van-hoa-ngay-xuan-a239814.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.