Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Không có Hưu chiến Mỹ-Hoa

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019 20:13 // ,



Hình minh họa. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và đoàn Mỹ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và đoàn Trung Quốc tại Buenos Aires, hôm 1/12/2018 AFP
Tuần này, phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ lại đàm phán để tránh một trận thương chiến giữa hai nước. Nhưng việc hưu chiến nếu có thì cũng khó bền vì nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn giữa hai nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao…
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên sau Tết Kỷ Hợi 2019. Thưa ông, tuần này các thị trường trên thế giới đều theo dõi những mâu thuẫn đa diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà nổi bật nhất là mâu thuẫn kinh tế trong các tranh chấp ông gọi là “thương chiến” giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới, vì sẽ chi phối sinh hoạt kinh tế của các nước khác. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nghĩ sao về kết quả đàm phán giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng Chính quyền Hoa Kỳ gặp bất lợi về chiến thuật nên Tổng thống Donald Trump cần tìm một thành quả biểu kiến, nhưng điều ấy không bền vì có nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn nằm trong luồng giao dịch giữa đôi bên trong khi Chính quyền Trung Quốc mới thật sự gặp khó khăn từ cơ cấu, thuộc loại chiến lược. Cho nên, nếu hai nước có đạt một số đồng thuận sau hai ngày hội họp trong tuần này, chúng ta chưa nên vội mừng. Câu chuyện phức tạp hơn những gì người ta có thể thấy trên mặt nổi, ở bề ngoài.
Thanh Trúc: Như vậy, chúng ta sẽ đi từng bước để tìm hiểu về sự phức tạp này. Vì sao ông cho rằng sự đồng thuận nếu có giữa đại biểu của hai nước chỉ có giá trị biểu kiến, tượng trưng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tổ chức Trade Partnership Worldwide vừa công bố một nghiên cứu về kịch bản thương chiến toàn diện giữa hai nước (https://tradepartnership.com/wp-content/uploads/2019/02/All-Tariffs-Study-FINAL.pdf) theo đó kinh tế Mỹ sẽ giảm đà tăng trưởng hơn một điểm bách phân - thí dụ như thay vì tăng 3% một năm thì chỉ còn 2% - và bình quân thì lợi tức của các hộ gia đình Hoa Kỳ mất 2.294 đô la một năm, mà kinh tế Mỹ mất hai triệu việc làm. Trong một xứ dân chủ, phí tổn kinh tế đó là một vấn nạn chính trị cho Chính quyền Trump khi nước Mỹ lại có tổng tuyển cử vào năm tới.
- Có thể là vì vậy mà phía Hoa Kỳ bắn ra tín hiệu là ông Trump muốn có thượng đỉnh vào Tháng Ba với Tổng bí thư Tập Cận Bình để tránh một trận chiến thương mại chắc chắn là có tổn thất khi Hoa Kỳ đòi áp thuế thêm 25% trên 267 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ, tức là tăng thuế lên mọi mặt hàng của Trung Quốc. Tôi gọi đó là một bất lợi về chiến thuật với hậu quả tai hại về dài vì mâu thuẫn giữa đôi bên sâu xa hơn người ta có thể nghĩ.
Thanh Trúc: Trước khi nói tới những mâu thuẫn sâu xa đó, Thanh Trúc xin được hỏi ông về những khó khăn ông gọi là chiến lược của lãnh đạo Bắc Kinh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế Trung Quốc đi hết chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau 30 năm cải cách kể từ 1979 và đã gặp nhiều khó khăn ngày càng dồn dập nhưng Tổng bí thư Tập Cận Bình không giải quyết nổi dù đã tập trung tối đa quyền lực vào trong tay. Ông ta không có nhu cầu tái tranh cử mà thật ra vẫn bị quần chúng và thị trường phê phán nên có thể nhượng bộ phía Hoa Kỳ để mua thời gian khắc phục các nan đề trong nội bộ. Khi cơ cấu kinh tế xã hội lâm nguy, việc hưu chiến với Mỹ là yêu cầu ngắn hạn, chứ về dài thì vấn đề nằm trong nội tình Trung Quốc.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/11/2018: công nhân Trung Quốc kiểm tra các bộ phận ở máy tính xách tay ở một khu công nghiệp ở tỉnh An Huy AFP
- Thứ nhất, đà tăng trưởng sa sút, thực tế chẳng lên tới 6,6% như họ nói mà vẫn là mức thấp nhất từ ba chục năm nay; thứ hai, các biện pháp kích thích chỉ là liều thuốc ngoài da, như giảm thuế cho tiểu doanh nghiệp và sinh viên vừa tốt nghiệp và cho giới cùng khốn; thứ ba, lại tiếp tục bơm tiền cấp cứu các xí nghiệp đang vỡ nợ; sở dĩ như vậy vì nạn thất nghiệp và biểu tình phản đối của công nhân đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhất là tại khu vực duyên hải miền Đông là nơi giao dịch với thế giới bên ngoài. Sau cùng, ta không nên quên bối cảnh quốc tế là kinh tế thế giới có thể bị nạn suy trầm trong năm tới, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa cảnh báo.
Thanh Trúc: Ông có nêu hai ý kiến hơi bất ngờ, thứ nhất là lãnh đạo một xứ dân chủ như Hoa Kỳ phải nhìn vào tấm lịch bầu cử mà có khi sẽ nhượng bộ, nhưng lãnh đạo một xứ độc tài như Trung Quốc lại có một bài toán khác còn trầm trọng hơn trong nội tình của mình. Khán thính giả của chúng ta có thể muốn ông giải thích thêm về chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu thêm một ý thứ ba để chúng ta cùng hiểu ra chuyện đó.
- Trong Tháng 12 vừa qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ bị dao động mạnh vì một số lý do, trong đó có trận thương chiến Mỹ-Hoa sau vụ hưu chiến giữa lãnh tụ hai nước hôm mùng một. Thị trường mà dao động là chính trường phải quan tâm vì sẽ bị quần chúng luận công hay tội. Vì sao lại như vậy? - Vì vai trò của khu vực tư nhân.
- Tổng sản lượng kinh tế của Mỹ là khoảng 19 ngàn tỷ đô la một năm, kết số thị trường chứng khoán Mỹ tại New York là 28 ngàn tỷ, tức là cao hơn GDP tới 50%. Kinh tế Trung Quốc sản xuất chừng hơn 12 ngàn tỷ đô la một năm mà thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ có chừng hơn bốn ngàn tỷ, chưa bằng một phần ba GDP. Điều ấy cho thấy sức mạnh của khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ so với Trung Quốc và cổ phiếu Thượng Hải có mất giá 25% trong năm qua chẳng thấy ai oán! Nếu nhìn về dài thì đấy mới là thực lực kinh tế của hai nước và việc chế độ dân chủ phải quan tâm đến ý dân mới là ưu thế trường kỳ dù có bất lợi ngắn hạn….
Thanh Trúc: Nói về ưu thế trường kỳ và Thanh Trúc xin nêu câu hỏi khác, thưa ông. Lãnh đạo Bắc Kinh tất nhiên có biết nhược điểm chiến lược của Trung Quốc và tìm cách sửa sai, vì sao họ không sửa được để lâm vào tình trạng nghiêm trọng ngày nay nên phải tìm cách hưu chiến với Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây mới là mấu chốt của mâu thuẫn giữa đôi bên.
- Kinh tế Trung Quốc có lợi thế là dân số đông và nhân công rẻ nên đạt tăng trưởng cao sau 30 năm cải cách với trọng tâm là đầu tư mạnh để chế biến mặt hàng tiêu dùng với giá rẻ và ào ạt bán ra ngoài. Nhưng lợi thế đó hết còn vì dân số bị lão hóa sẽ co cụm mà nhân công cũng không còn rẻ. Trong khi đó, từ thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo hơn chục năm trước, lãnh đạo Bắc Kinh đã nói tới nhược điểm kinh tế của Trung Quốc là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Nhưng họ không thể cải cách nổi và khi kinh tế thế giới bị nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 thì lại theo phương pháp của kinh tế gia John Maynard Keynes mà ào ạt bơm tiền, trong một hệ thống chính trị Mác-xít là lãnh đạo khỏi bị trách nhiệm gì với thần dân. Kết quả là một núi nợ vĩ đại và cả trăm cái bẫy xập về tài chính chưa nói tới cái bẫy về lợi tức thấp. Lên lãnh đạo từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình muốn cải cách nên tập trung quyền lực để thanh lọc và thanh trừng các xu hướng đối nghịch qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng vốn dĩ là thuộc tính của các chế độ độc tài.
Hình minh họa. Người dân đi qua một tấm biển có hình Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trong dịp đại hội đảng 19 hôm 23/10/2017 AFP
- Năm 2015, Bắc Kinh mới công bố nhiều kế hoạch công nghiệp hóa đầy tham vọng, nổi bật nhất là kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025”, theo Anh ngữ là “Made in China 2025”, là một kế hoạch 10 năm đầu để lên trình độ công nghiệp tiên tiến nhất vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Đáng tiếc là quần chúng Mỹ lại ít biết về kế hoạch này, tưởng như là tài liệu tuyên truyền, chứ thật ra Tồng bí thư Tập Cận Bình muốn ra khỏi chiến lược sử dụng dân số đông và nhân công rẻ nhằm bắt kịp Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mới là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.
Thanh Trúc: Xin đề nghị ông trình bày thêm về cái kế hoạch Made in China mà ông gọi là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ban đầu thì kế hoạch này có vẻ mơ hồ và duy ý chí nên được coi như một tài liệu tuyên truyền. Khi gặp phản ứng nghi ngờ của nhiều nước thì Bắc Kinh tránh nói tới nội dung mà vẫn tiến hành trong thực tế và nay là mâu thuẫn trầm trọng nhất với nước Mỹ. Bắc Kinh không thể nào làm khác nếu muốn có một bước nhảy vọt lên một trình độ công nghiệp cao hơn.
- Về nội dung, kế hoạch Made in America nhắm vào 10 khu vực ưu tiên có phần đóng góp của nội địa lên tới 70% vào năm 2025. Các khu vực đó là 1/ Công nghệ Tin học mới; 2/ Thiết bị tự động điều khiển bằng máy tính và người máy tự động hay robots; 3/ Kỹ nghệ hàng không và không gian; 4/ Thiết bị hải dương và công nghiệp đóng tầu; 5/ Thiết bị hỏa xa cao cấp và cao tốc; 6/ Tiết kiệm năng lượng và ráp chế xe hơi chạy bằng điện; 7/ Sản xuất điện lực sạch; 8/ Sản xuất nông cơ nông cụ; 9/ Tìm ra và sản xuất vật liệu tiên tiến; và 10/ Sản xuất dược phẩm nhờ sinh học và dụng cụ y khoa có công hiệu cao hơn.
Thanh Trúc: Nhưng mọi quốc gia đều có thể đề ra những mục tiêu ưu tiên như vậy, thưa ông, vì sao Kế hoạch Made in China 2025 lại là vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là mọi quốc gia, như Nhật Bản, Nam Hàn ngày xưa hay nước Đức vào năm 2011 đều có loại kế hoạch công nghiệp hóa như vậy. Nhưng trường hợp của Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Ta không nên quên là tại Trung Quốc thì đảng Cộng sản, nhà nước, các doanh nghiệp, đại học hay trung tâm nghiên cứu đều “nhất thể hóa”, là một tập thể hợp nhất dưới sự chỉ đạo của đảng. Thí dụ cụ thể và nóng bỏng là công ty nặc danh Huawei Hoa Vi, nó không là một doanh nghiệp tư nhân như người ta nghĩ. Thứ nữa, nội dung có vẻ hiền hòa đó lại che giấu phương pháp gian trá là bắt ép để ăn cắp hay ăn cướp công nghệ của thiên hạ khi làm ăn với các nước. Thứ ba, lãnh đạo Bắc Kinh không từ bỏ tinh thần đấu tranh nên sử dụng mọi công nghệ hay thuật lý tiên tiến nhất vào mục tiêu an ninh và quân sự không chỉ cho mục tiêu tự vệ mà còn trong mục tiêu tấn công vào “không gian điện não” hay “cyberspace” của thiên hạ. Ngoài hồ sơ kinh tế, cách cư xử của Bắc Kinh với khu vực tư doanh hay việc họ đàn áp đối lập vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay chính trị đang là vấn đề được thế giới quan tâm và báo động. Vì vậy, mâu thuẫn với Hoa Kỳ không gói tròn vào thuế nhập nội mà vào cách hành xử của Bắc Kinh và Chính quyền Trump có thể tận dụng luật lệ Hoa Kỳ mà đòi Trung Quốc phải thay đổi nhiều hơn.
Thanh Trúc: Ông kết luận thế nào về mâu thuẫn này giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong tình trạng phân cực chính trị hiện nay tại Hoa Kỳ, điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa lại là đối sách cứng rắn với Bắc Kinh. Hoa Kỳ mất cả năm đàm phán với Trung Quốc và thực ra đang có thế mạnh để đòi Bắc Kinh cải cách cơ chế kinh tế và chính trị của họ theo chuẩn mực bình thường của các nước văn minh. Vì lý do chính trị ngắn hạn, Chính quyền Trump có thể ra vẻ tin tưởng vào nhượng bộ và cam kết của Trung Quốc, nhưng cẩn kiểm chứng và gia tăng sức ép thì mới khiến Bắc Kinh thay đổi.
- Kết luận của tôi là Hoa Kỳ đã đánh giá sai bản chất của Trung Quốc trong nhiều thập niên trải qua bảy đời Tổng thống, kể từ Jimmy Carter. Ông Trump đang có cơ hội sửa sai nên sẽ lại sai nữa nếu muốn tìm thảnh quả chính trị ngắn hạn.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
---------

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.