Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Điểm lại những vụ tàu cá TQ hoạt động trái phép bị các nước bắt giữ, xử lý thời gian qua

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019 17:40 // ,

Những năm qua, trong khi Trung Quốc tìm mọi cách đe nạt, cản trở tàu thuyền các nước khu vực, nhất là ngư dân Việt Nam đánh cá hợp pháp tại các vùng biển ở Biển Đông, thì tàu cá Trung Quốc lại liên tục vi phạm vùng biển các nước và đã bị bắt giữ, xử lý. Những vụ việc dưới đây là bằng chứng cho thấy sự ngang ngược, bất chấp luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu cá TQ hoạt động trái phép bị lực lượng chức năng Hàn Quốc, Nhật Bản bắt giữ, xử lý. Nguồn: Reuters/Yonhap
Tại Nhật Bản, Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (2/2/2019) đã bắt giữ một thuyền trưởng tên Chen Wenting (40 tuổi) vì bị tình nghi vi phạm các quyền đánh bắt của Nhật Bản và cố gắng trốn tránh việc bị kiểm tra.Chen Wenting và các thuyền viên gồm 10 người bị phát hiện xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách đảo Hahajima, phía Tây Thái Bình Dương khoảng 300km về phía Đông Nam. Khi một tàu của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản kéo còi báo động và yêu cầu tàu cá Trung Quốc dừng lại để kiểm tra thì ông Chen Wenting đã cho tàu quay đầu và bỏ chạy. Tàu Nhật Bản đã đuổi theo và sau 30 km rượt đuổi thì tàu cá Trung Quốc đã buộc phải dừng lại. Vụ việc xảy ra cùng ngày Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đang có chuyến thăm Bắc Kinh. Trước đó đã xảy ra nhiều vụ việc các ngư dân Trung Quốc bị giới chức Nhật Bản bắt giữ. Đáng chú ý nhất là một vụ việc xảy ra vào năm 2010, khi một tàu cá Trung Quốc đâm va với một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Năm 2013, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cũng từng bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Nagasaki, phía Tây Nam Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, Hàn Quốc (2018) đã thu giữ tổng cộng 42 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt bất hợp pháp, với số tiền phạt lên tới 2,7 tỷ Won. Trong đó, Hàn Quốc đã phá hủy 10 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của Hàn Quốc. Vào năm 2015, Hàn Quốc đã phải yêu cầu Trung Quốc ký thỏa thuận về việc bắt giữ và phá hủy tàu cá có hành vi vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không được kiểm soát của ngư dân Trung Quốc. Theo Yonhap, nạn đánh cá trái phép của các tàu Trung Quốc trở thành một vấn đề đau đầu từ lâu đối với Hàn Quốc. Ngư dân Trung Quốc thường sử dụng bạo lực để chống lại khi bị trấn áp, dẫn đến những xung đột đôi khi gây thương vong. Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc (01/2018) cũng phải bắn hàng trăm phát đạn để xua đuổi 50 tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển cách đảo Gageo-do phía Tây Nam Hàn Quốc khoảng 60 km. Trước đó, Cảnh sát biển Hàn Quốc (12/2017) cũng chạm trán và bắn cảnh cáo hơn 40 tàu Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc ở vùng biển phía Tây nước này. Hồi năm 2012, Cảnh sát biển phía Tây Hàn Quốc đã bắt giữ tổng cộng 70 tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong lãnh hải của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.
Tại Indonesia, Lực lượng tuần duyên Indonesia (3/2016) đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Tháng 5/2016, Lực lượng tuần duyên Indonesia tiếp tục phát hiện và chặn tàu Gui Bei Yu của Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp.
Tại Philippines, Lực lượng tuần duyên Philippines và Cục Ngư nghiệp và Nguồn lợi Thủy sản Philippines đã bắt giữ hàng trăm lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép trong vùng biển giữa đảo Babuyan và tỉnh Batanes, miền Bắc Philippines. Vùng biển trên không nằm trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Không những vậy, tàu quân sự Trung Quốc còn thường xuyên ngăn cản và tịch thu toàn bộ cá đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển Scarborough nằm trong EEZ của Philippines.
Tại Argentina, Bộ An ninh Argentina (6/5/2018) cho biết Argentina đã bắt giữ và phạt tàu đánh cá “Jing Yuan 626” của Trung Quốc 09 triệu peso (khoảng 400.000 USD) vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Tàu đánh cá Jing Yuan 626 bị phát hiện khai thác trái phép trong vùng biển của Argentina ngày 21/2 vừa qua, nhưng đã phớt lờ cảnh báo của lực lượng biên phòng Argentina và chạy thoát ra hải phận quốc tế với sự trợ giúp của một số tàu đánh cá khác mang cờ Trung Quốc. Sau khi bắn một số loạt đạn cảnh cáo, biên phòng Argentina đã xác định được số hiệu của con tàu này và yêu cầu cơ quan tư pháp vào cuộc để xử lý vụ vi phạm. Tháng 3/2016, một tàu cá của Trung Quốc cũng đã bị Argentina bắt và đánh chìm sau khi cố tình đụng độ với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina để trốn thoát khi bị phát hiện đánh bắt hải sản trái phép ở ngoài khơi Puerto Madryn, trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina.
Tại Ecuador, Chính phủ Ecuador (8/2017)cho biết nước này đã bắt giữ toàn bộ thủy thủ của 01 tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt và vận chuyển trái phép cá mập ở quần đảo Galapagos. Đáng chú ý, số lượng cá mập có trên tàu lên tới 300 tấn. Hầu hết số cá này là cá mập, trong đó có loài cá mập đầu búa đang được bảo vệ. Những kẻ bị bắt sẽ phải đối mặt với hình phạt lên đến 03 năm tù giam vì tội đánh bắt trái phép các chủng loài được bảo vệ. Hiện nay, nhu cầu về vây cá tăng cao đang khiến các loài cá mập đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán bất hợp pháp.
Tại Nga, Lực lượng chức năng Nga đã bắt giữ hơn hàng chục lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm và đánh bắt trái phép trong vùng biển của Nga. Những tàu này đều bị tịch thu tài sản, phạt tiền và trao trả cho phía Trung Quốc.
Tại Mỹ,một chiếc máy bay tuần tra hàng hải CP-140 của Mỹ (5/2014) đã phát hiện chiếc tàu cá mang tên Yin Yuan ở vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương. Tàu đang chở theo các thiết bị đánh bắt cá bất hợp pháp quy mô lớn, bao gồm lưới vét dài 3,3km, phao lưới và máy kéo lưới trên boong. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ khẳng định, chiếc tàu cá Trung Quốc này sử dụng các thiệt bị đánh bắt bị cấm, không lưu đầy đủ lịch sử đánh bắt, và đánh bắt khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đánh bắt cá bằng lưới vét kích thước lớn trên đại dương sẽ hủy hoại số lượng lớn các loài cá, chim biển và động vật biển. Việc sử dụng lưới vét bị lên án rộng rãi trên toàn cầu và bị coi là một mối đe dọa lớn đối với các hệ sinh thái.
Tại châu Phi, tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” cho biết trong năm 2017, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ và xử phạt vì đánh bắt lậu ở vùng đặc quyền kinh tế của Senegal Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau thuộc vùng biển Tây Phi. Thành viên của tổ chức Hòa bình Xanh cho biết số lượng tàu Trung Quốc bị bắt giữ khá lớn, gây ngạc nhiên cho nhà chức trách địa phương bởi chủ các tàu cá đã biết trước về chiến dịch tuần tra xử lý của cơ quan chức năng các nước, song vẫn cố tình vi phạm. Khu vực Tây Phi sở hữu những vùng biển giàu tài nguyên nhất thế giới nhưng nguồn cá đang dần cạn kiệt do bị đánh bắt trái phép. Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers ước tính hằng năm, các nước Tây Phi bị tổn thất khoảng 2,3 tỉ USD do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và mất kiểm soát. Tháng 5/2016, Hải quân Nam Phi đã bắt 3 tàu Trung Quốc cùng khoảng 100 thuyền viên do nghi ngờ câu mực bất hợp pháp. Hải quân Nam Phi đã bắt 3 tàu Trung Quốc cùng khoảng 100 thuyền viên do nghi ngờ câu mực bất hợp pháp.
Kết luận: Biển Đông vốn là vùng biển đã gắn bó lâu đời với nhân dân các nước, trong đó nghề cá đang nuôi sống hàng trăm triệu người dân. Đây là nguồn lợi chung cần được các quốc gia chung tay giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay những hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến an ninh, hòa bình khu vực. Những vụ việc nêu trên là những bằng chức rõ nét nhất cho thấy sự ngang ngược, bất chấp luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khi cản trở tàu cá Việt Nam và các nước hoạt động, trong khi tàu cá của Trung Quốc lại không ngừng xâm phạm vùng biển các nước.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.