Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong hai ngày 27-28/2.

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019 18:08 // ,


Tiến sỹ Trần Công Trục

(GDVN) - Người Việt Nam sẽ làm hết sức mình để mảnh đất linh thiêng này vẫn và sẽ luôn là nơi “đất lành, chim đậu”! 





Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/2 (theo giờ Mỹ) khi đọc thông điệp liên bang đã xác nhận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong hai ngày 27-28/2.
Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 9/2, trên trang mạng xã hội Twitter ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp của ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội. 
Người đứng đầu Nhà Trắng viết: "Các phái viên của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un sẽ diễn ra tại thành phố Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28/2. Tôi mong đợi cuộc gặp với ngài Kim Jong-un và tiến tới xây dựng hòa bình".
Trong những ngày tưng bừng đón mừng Xuân Kỷ Hợi, mỗi một người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu, dù làm bất kỳ việc gì, ở bất kỳ cương vị nào… đều đón nhận thông tin này như là một điềm lành đến với mỗi người con Đất Việt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2  (Ảnh minh họa: moneycontrol.com).
Trong khi quyết tâm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vừa xây dựng đất nước phát triển, thịnh vượng, vẫn không quên nghĩa vụ chung sức cùng nhân loại gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, qua theo dõi phản ứng của dư luận trong và ngoài nước trước thông tin rất “sốt dẻo” này, chúng tôi muốn cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin một cách đầy đủ, khách quan;
Để từ đó, chúng ta sẽ góp phần cùng các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan triển khai công tác tổ chức, bảo đảm cho sự thành công của một sự kiện chính trị quốc tế đương đại, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin được đề cập đến một số nội dung liên quan sau đây:
Tại sao Việt Nam được lựa chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2?
Phát biểu tại Seoul, người phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết, Việt Nam sẽ là một địa điểm "rất tốt” cho Mỹ và Triều Tiên để "viết nên trang sử mới” cho quan hệ song phương.
Người phát ngôn Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc hy vọng Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được những bước tiến cụ thể và thiết yếu tại cuộc gặp dự kiến diễn ra ở Việt Nam.
Ông Kim Eui-kyeom chỉ rõ: "Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ là một địa điểm tuyệt vời để Mỹ và Triều Tiên tạo nên một lịch sử mới”.
Giới phân tích, bình luận quốc tế đã nêu ra khá nhiều lý do khiến Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Kim Jong un thống nhất lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2.
Môi trường chính trị, xã hội ổn định, an toàn: Theo AP, Việt Nam rõ ràng là một lựa chọn phù hợp cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Bởi vì, Việt Nam duy trì sự ổn định chính trị chặt chẽ và bộ máy đảm bảo an ninh hoạt động hiệu quả.
Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong việc đăng cai các hội nghị quốc tế khi tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017 và là phiên bản khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2018.

Việt Nam, điểm đến tuyệt vời cho những quyết định quan trọng

Ông Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington nhận định:
"Tương tự Singapore, nơi họ (Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong un) gặp nhau lần gần đây nhất, Việt Nam là một địa điểm rất an toàn”.
Theo chuyên gia Hiebert, việc Tổng thống Trump có mặt tại Việt Nam để dự hội nghị APEC cách đây 2 năm có nghĩa ông chủ Nhà Trắng “đã quen thuộc với Việt Nam và có mối quan hệ tốt đẹp” với các nhà lãnh đạo của Việt Nam”.
Vị trí địa lý gần với Triều Tiên: Theo Japan Times, Việt Nam có vị trí tương đối gần Triều Tiên, do vậy nhà lãnh đạo Kim Jong un có thể di chuyển tới đây mà không cần nối chuyến giữa chừng hay mượn máy bay để đi được xa hơn.
Một chuyến bay từ thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tới Việt Nam chỉ bằng 2/3 khoảng thời gian bay kéo dài 6 tiếng tới Singapore.
Việt Nam cũng là nơi cả Mỹ và Triều Tiên đều đặt đại sứ quán. Những cơ quan này sẽ phụ trách việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia trung lập và có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên.
Mô hình kinh tế, cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội: Giới phân tích nhận định điều quan trọng nhất là Việt Nam được cho là mô hình tiềm năng để Triều Tiên có thể học hỏi theo.
Đây có thể là một trong những yếu tố được Mỹ tính đến khi chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim.
Báo Nhật Bản đánh giá từ giữa thập niên 1980, Việt Nam đã khởi động một chương trình cải cách kinh tế toàn diện với tên gọi "Đổi Mới”, biến Việt Nam từ một nước từng là cựu thù của Mỹ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới”.
Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên, cho biết: "Việt Nam thuận tiện về hậu cần, khả thi về ngoại giao và có ý nghĩa lớn về hình tượng.
Việt Nam đủ gần gũi với Triều Tiên và có cơ sở hạ tầng phát triển để hỗ trợ một hội nghị thượng đỉnh lớn.
Cả Triều Tiên và Mỹ đều có quan hệ với Việt Nam - tấm gương về một quốc gia đã cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh”.
Theo Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson ở Washington, Việt Nam "thường được xem là hình mẫu điển hình để Triều Tiên học hỏi và người Triều Tiên cũng đang nghiên cứu mô hình này, mặc dù Triều Tiên vẫn đang tìm cách áp dụng vào các tình huống cụ thể của chính Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho từng có chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái.
Truyền thông nhận định chuyến đi này của quan chức cấp cao Triều Tiên có thể để nghiên cứu mô hình cải cách kinh tế "Đổi Mới” của Việt Nam, điều mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề xuất trong chuyến thăm tới Hà Nội hồi tháng 7:
"Việc chúng ta hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định xây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn với Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình.
Tổng thống Trump tin đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam nếu ngài nắm bắt cơ hội này. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài”…
Phó giáo sư Vũ Minh Khương tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định:
Bằng việc lựa chọn Việt Nam, hai nhà lãnh đạo muốn gửi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng họ sẵn sàng đưa ra một quyết định mang tính đột phá để biến cựu thù thành bạn bè và cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, học theo hình mẫu của quan hệ Việt - Mỹ. 
Bởi vì, chỉ trong vài thập kỷ, quan hệ Mỹ-Việt Nam chính thức bình thường hóa, gác lại quá khứ để mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia, chuyển đổi từ thù địch sang hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về nhiều lĩnh vực.

Ông Kim Jong-un đi Trung Quốc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Người Mỹ giờ đây được chào đón ở Hà Nội, nơi đã trở thành một trung tâm trao đổi kinh tế, du lịch và tương tác văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ năm 1994 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 đã có một tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.
Việt Nam hiện nay là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, vươn lên từ một quốc gia còn nhiều khó khăn trong những năm 1980 để trở thành một nền kinh tế mở và sôi động.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 200 lần trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 2016 và đạt 213 tỷ USD vào năm 2017, trong đó 80% là hàng sản xuất, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần đáng kể.
Hơn nữa, Việt Nam đã vượt xa nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, trên tổng giá trị hàng xuất khẩu.
Cả Việt Nam và Mỹ đều nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược và có những nỗ lực mạnh mẽ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của cả hai.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, không phải lý do nào vừa được đề cập ở tên cũng đều được chúng tôi hoàn toàn chia sẻ, tán đồng.
Chẳng hạn, về mô hình phát triển kinh tế, xã hội, quan hệ chính trị… của Việt Nam trong thời gian qua chưa hẳn đã là khuôn mẫu duy nhất, thích hợp có thể áp dụng cho đất nước Triều Tiên. Bởi vì, bối cảnh chính trị, xã hội, điều kiện kinh tế của Triều Tiên có những đặc trưng riêng.
Chúng tôi tin rằng những nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại có đủ bản lĩnh và trí tuệ để nhìn nhận, lựa chọn áp dụng, sao cho đất nước của họ có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để phát triển một cách độc lập, tự chủ và bình đẳng, không có sự can thiệp của bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào.
Có lẽ, điều này mới là sự tương đồng giữa hai dân tộc Việt Nam và Triều Tiên. Bởi vì, cả hai dân tộc đều là tuyến đầu của cuộc cạnh tranh địa - chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà kết quả là sự chia cách 2 miền Nam Bắc diễn ra từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
Vì vậy, cả hai dân tộc đều phải trải nghiệm qua nhiều thử thách của tình cảnh chia ly, phân cách và  những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà tàn dư của nó cho đến nay vẫn còn là những nỗi đau khôn nguôi trong lòng của mỗi một người dân của cả 2 dân tộc Việt – Triều.
Từ những bài học lịch sử đó, cùng với với mối quan hệ truyền thống, chiến lược với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và Hàn Quốc, Việt Nam đã được các bên lựa chọn làm địa điểm trung lập, thích hợp cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này.
Việt Nam được lựa chọn làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ mang đến những lợi ích gì cho Việt Nam?
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là một sự kiện chính trị nổi bật trong lịch sử nhân loại. Bởi vì cuộc gặp này không chỉ giải quyết các nội dung có liên đến quan hệ giữa hai cựu thù đã tồn tại 6-7 thập kỷ nay, mà nó còn bàn đến một nội dung có quan hệ đến sự tồn vong của cả loài người.
Đó là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh thế giới đang tồn tại những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các quốc gia trong bang giao quốc tế mà tình trạng bất bình đẳng, “cá lớn nuốt cá bé”, sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực…vẫn còn là xu thế chủ đạo.
Vì tính chất phức tạp và tầm vóc lịch sử của cuộc gặp thượng đỉnh trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc chuẩn bị kỹ các nội dung đàm phán, trao đổi, địa điểm của cuộc gặp cũng hết sức có ý nghĩa.

“Con đường mới” trong thông điệp 2019 của ông Kim Jong-un

Về chính trị: Việt Nam là địa điểm họp được thống nhất lựa chọn có thể nói đã khẳng định uy tín và vai trò chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự kiện này, một lần nữa khẳng định những thành tích nổi bật của Việt Nam trong những hoạt động đối ngoại trong thời gian qua.
Về kinh tế: Trước mắt, hiệu ứng của sự kiện này chính là lượng khách du lịch đến Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên một cách đáng kể. Nắm bắt cơ hội này, ngành du lịch sẽ phát huy được thế mạnh của mình để nâng cấp và phát triển bền vững.
Về lâu dài, sự kiện này sẽ là một động lực mạnh mẽ để khuyến khích nhiều người nước ngoài đến đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam, nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Về xã hội, an ninh, quốc phòng: Sự kiện này, một lần nữa, tạo thêm những điều kiện vật chất và tinh thần cho các cơ quan, lực lượng chuyên trách tăng cường khả năng, kỹ năng đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Đặc biệt sẽ là một cơ hội để củng cố niềm tin, phát huy tinh thần tự hào dân tộc, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.
Chúng ta phải làm gì để xứng đáng là điểm đến lý tưởng của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ 2?
Trước hết cần tuyên truyền cho người dân biết về tin vui này nhân dịp đầu năm mới. Chúng ta có quyền tự hào về vai trò của mình với tư cách là địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều mà không phải ai muốn cũng có thể được lựa chọn.
Chúng ta vui mừng và nhiệt liệt chào đón các vị lãnh đạo tối cao của 2 nước Mỹ, Triều đến Việt Nam để trao đổi các nội dung hết sức quan trọng và cấp bách trong quan hệ quốc tế.
Tình cảm đặc biệt này của người dân Việt Nam đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thể hiện trong nội dung trả lời phóng viên báo chí trước phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào ngày 27-28/2:
"Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hoà bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên".
Rõ ràng, cùng với không khí hân hoan chào đón thông tin tốt lành vào dịp đầu năm mới, người Việt Nam chắc chắn sẽ đóng góp tích cực và hiệu quả cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 đạt được những mục tiêu tích cực theo đúng kỳ vọng của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Người Việt Nam sẽ làm hết sức mình để mảnh đất linh thiêng này vẫn và sẽ luôn là nơi “đất lành, chim đậu”!
Tiến sỹ Trần Công Trục

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.