Du lịch An Giang với nhiều kỳ vọng
22/02/2019
Năm 2018 khép lại với nhiều dấu ấn vô cùng ấn tượng đối với ngành du lịch An Giang, tỉnh đón trên 8,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 4.800 tỷ đồng. Những kết quả đạt được là đòn bẩy quan trọng cho ngành du lịch An Giang bước vào năm 2019 với nhiều kỳ vọng mới…
Tiềm năng, lợi thế
An Giang có vị trí địa lý khá thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều danh lam, thắng cảnh. An Giang có dãy Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước. Đó là tiềm năng, thế mạnh để ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du lịch sinh thái ngày càng thu hút du khách
Với việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, du khách rất thuận tiện trong việc khám phá vùng đất “non nước hữu tình” bằng nhiều cung đường khác nhau, với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phong phú. Du khách có thể đến An Giang vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Những tháng đầu năm 2019, không khí lễ hội ngập tràn và thời tiết dễ chịu. Không những thu hút hàng triệu lượt du khách đến các điểm du lịch tâm linh hành hương, chiêm bái mỗi năm, An Giang còn trở thành điểm đến “hot” đối với giới trẻ, để săn những bức ảnh “sống ảo” mộng mơ, du ngoạn vùng đất mộc mạc, bình yên và thưởng thức những món ăn đặc sản tuyệt ngon.
Giải quyết bài toán giữ chân du khách
Năm 2018, du lịch An Giang đã có sự tăng trưởng ấn tượng, khi đón 8,5 triệu lượt khách, tăng 16% so cùng kỳ, trong đó đón 100.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ. Đó là kết quả rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực không chỉ riêng ngành du lịch mà toàn hệ thống chính trị tỉnh. Những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã không ngừng đổi mới, được đầu tư nâng chất cho các sản phẩm du lịch; tập trung đào tạo nhân lực, thay đổi phương pháp và năng động xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh liên kết…
Du khách nước ngoài rất thích thú khi đến An Giang
Tuy nhiên, làm thế nào để giữ chân du khách ở lại lâu hơn đang là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu đối với ngành du lịch An Giang. Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc này, như: thiếu cơ sở lưu trú, các trung tâm mua sắm đạt chuẩn; chưa có các khu vui chơi, giải trí quy mô; các sản phẩm du lịch giữa các vùng, địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ; môi trường du lịch mặc dù được cải thiện song vẫn còn tiềm ẩn hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh; tình trạng chèo kéo, “chặt, chém” tuy có giảm nhưng vẫn còn xuất hiện…
Anh Lê Hoàng Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hàng năm anh và gia đình đến An Giang để du lịch. Sau khi viếng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, anh cùng gia đình vi vu rừng tràm Trà Sư, thưởng ngoạn núi Cấm và thưởng thức những món ăn đặc sản. Nhưng tất cả cũng chỉ gói gọn trong 2 ngày 1 đêm. Anh Sang chia sẻ: “An Giang sở hữu rất nhiều điểm đến hấp dẫn và có những món ăn rất ngon. Hầu hết mọi người ở xa đến đều nghỉ ở Châu Đốc nhưng rất hay hết phòng, những lúc cao điểm bị đẩy giá lên cao và còn tình trạng chèo kéo, “chặt, chém” ở các điểm du lịch; chỉ chơi vui ban ngày, ban đêm không biết đi đâu, không thể giữ chân được du khách. Nếu muốn du khách ở lâu hơn, tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đặc biệt, phải làm sao dẹp được tình trạng chèo kéo, “chặt chém”, tạo môi trường du lịch sạch đẹp, hấp dẫn”.
Nắm bắt thời cơ
Sức hút và thương hiệu du lịch An Giang ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thị trường du lịch An Giang đang thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư. Nắm bắt cơ hội, tỉnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn quy mô lớn, hiện đại tại các khu du lịch trọng điểm, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc. Qua đó, từng bước thay đổi cơ cấu chi tiêu, tăng về mua sắm cùng việc sử dụng, trải nghiệm các dịch vụ khác, như: chăm sóc sắc đẹp, vui chơi, chiêm ngưỡng các giá trị văn hóa, nghệ thuật…
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều cho biết, hướng đến mục tiêu trên 9 triệu lượt du khách trong năm 2019 và phát triển bền vững cho những năm tiếp theo, ngành du lịch tỉnh chú trọng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người An Giang với cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch, từng bước đáp ứng cho sự phát triển của du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng thì việc thúc đẩy du lịch nông dân, du lịch sinh thái, du lịch sông nước vẫn là mục tiêu mà ngành du lịch tỉnh đang hướng đến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh liên kết, xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác phát triển du lịch… nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhằm tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… tại các điểm du lịch, để An Giang trở thành điểm đến thân thiện, có sức hút đối với khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều nhấn mạnh: “Mục tiêu của tỉnh là lấy sự hài lòng của du khách làm trọng tâm. Để thực hiện được điều này, người dân phải thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, tham gia cùng doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm du lịch, để cùng hưởng lợi và phát triển kinh tế từ du lịch”. |
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU
http://baoangiang.com.vn/du-lich-an-giang-voi-nhieu-ky-vong-a240913.html
0 nhận xét