Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Dã tâm thâm độc của Đặng Tiểu Bình tấn công Việt Nam năm 1979

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019 19:37 // ,

14-2-2019
Thật xúc động ko chỉ vì lần đầu được viết hết sự thật – mà thật sự xúc động vì sự chuyển hướng kịp thời – dù hơi trễ – để có thể thoát Trung.
DÃ TÂM THÂM ĐỘC CỦA ĐẶNG TIỂU BÌNH TẤN CÔNG VIỆT NAM 1979.
Sau một thời gian bí mật âm thầm chuyển quân, vũ khí, xe tăng và pháo hạng nặng áp sát biên giới mà phía tình báo Việt Nam không hề hay biết (phía Việt Nam ngay khi nghe đạn pháo nổ rung chuyển khắp dải biên giới cũng thực sự cũng không thể nghĩ rằng Trung Quốc lại có thể tấn công với qui mô chiến tranh lớn chưa từng có với một nước vốn là bè bạn thân thiết như vậy). Đúng 5 giờ sáng ngày thứ Bảy 17/2/1979, chọn thời gian bất ngờ nhất, không kịp chuẩn bị, đề phòng đối với người dân và người lính Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã đồng loạt cho nã pháo cấp tập và đưa 9 binh đoàn gồm 600.000 binh lính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tham chiến tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn dải biên giới giết hại nhiều chục ngàn người dân Việt Nam vô tội, tàn phá biết bao làng mạc thị trấn Việt Nam.

Rất nhiều người dân, phụ nữ, trẻ em và người lính Việt Nam trúng đạn pháo, đạn xe tăng, đạn đại liên, trung liên và AK của quân Trung Quốc trong đợt tấn công đầu tiên từ tờ mờ sáng, trước khi chết ngã gục xuống cũng không bao giờ tin là mình bị giết chết tức tưởi dưới tay quân đội Trung Quốc anh em môi hở răng lạnh được báo đài lặp đi lặp lại trước giờ.

Đối phó với dư luận trong nước và quốc tế, Ban Tuyên Giáo và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên truyền dối trá vu cáo cho Việt Nam gây hấn trước, gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc tố cáo trắng trợn Việt Nam đánh lấn chiếm Trung Quốc và gọi cuộc xâm lược là Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam (对越自卫还击战 – ‘Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến’), ‘dạy con hổ Việt Nam một bài học’, nhưng thực chất âm mưu với chiến thuật dàn quân biển người của quân đội Trung Quốc là đánh nhanh đánh thẳng về Hà Nội trong thời gian sớm nhất vì Đặng Tiểu Bình biết rõ các cánh quân chủ lực thiện chiến cúa Việt Nam đang tập trung ở Cam Pu Chia và sát biên giới Tây Nam ko thể nào chuyển ra phía Bắc ứng phó kịp.

Ngay từ đêm hôm sau 18/2/1979, tại sân bay Tân Sân Nhất, phía Việt Nam đã huy động tất cả các loại máy bay quân sự, vận tải và hành khách để chuyển quân từ phía Nam ra phía Bắc. Tiếng động cơ cất cánh liên tục suốt đêm. Những người lính thức trắng siết chặt súng trong tay im lặng ánh mắt đanh lại hướng về phương Bắc khi biết điều gì đang xảy ra với tổ quốc đồng bào mình. Và nhiều người trong số họ đó là chuyến bay cuối cùng vĩnh viễn không trở về nhà được nữa.

Trong vòng một tháng, hơn 20.000 binh lính Trung Quốc tử trận, rất nhiều lính Trung Quốc bị bắt. Trung Quốc với chiến lược biển người, biển xe tăng sau cùng đã thất bại thảm hại trước ý chí tinh thần và lòng yêu nước của người Việt Nam và buộc phải rút quân về nước. Nhưng đó lại là mở đầu của cuộc chiến tranh chấp biên giới kéo dài suốt 10 năm sau đó ở Vị Xuyên, Bản Giốc… với biết bao hy sinh xương máu âm thầm của nhiều người lính Việt Nam mà cho đến bây giờ ít được công bố con số thương vong.

Nguyên nhân của cuộc chiến tranh xâm lược 17/2/1979 này bắt nguồn từ việc ĐCSTQ dung túng cho Khmer Đỏ thảm sát 1/4 dân số Campuchia, trong đó có cả kiều bào Trung Quốc và Việt Nam. Vì để bảo vệ người dân Việt Nam tại vùng sát biên giới và ở Campuchia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa quân đến Campuchia, quét sạch Khmer Đỏ và giải cứu người dân Campuchia thoát khỏi địa ngục. Sau đó, ĐCSTQ đã đưa quân tiến đánh Việt Nam, ‘dạy Việt Nam một bài học’, trả đũa Việt Nam đã tiêu diệt Khmer Đỏ.

Đến nay, Khmer Đỏ đã sụp đổ, tàn dư của tổ chức này cũng đã được giao cho Tòa án quốc tế xét xử. Điều này chứng minh rằng, việc Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh ở biên giới Việt Nam, không chỉ là thảm bại về mặt quân sự, mà còn đại bại về chính trị.

Đặng Tiểu Bình chủ trương đưa quân tiến đánh Việt Nam, thực tế là có mục đích riêng, muốn thông qua việc điều binh khiển tướng từ đó giành được quyền lực quân sự từ tay Chủ tịch Hoa Quốc Phong, sau đó lật đổ Hoa Quốc Phong độc chiếm bá quyền. Chiêu dương đông kích tây này cũng là một loại thủ đoạn thường thấy trong đấu đá quyền lực chính trị Trung Quốc từ xưa đến nay. Đáng tiếc là Hoa Quốc Phong không phát hiện ra điều này nên đã rơi vào cái bẫy của Đặng Tiểu Bình. Sự xảo quyệt của Đặng không khác gì Tư Mã Ý thời Tam Quốc.

Năm 1989, khi giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Đặng Tiểu Bình đã điều động 1/3 quân chủ lực với tổng cộng 300.000 quân tiến vào Bắc Kinh nổ súng đàn áp những người dân thành thị và học sinh sinh viên tay không tấc sắt, gây nên cuộc đàn áp phong trào dân chủ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc: Sự kiện Lục Tứ. Theo mệnh lệnh cực đoan của Đặng, quân đội ĐCSTQ trang bị xe tăng tàn bạo cán người, dùng súng máy bắn quét khiến máu nhuộm đỏ quảng trường, xác người chất thành đống. Sự kiện Lục Tứ quả thực khiến cả thế giới phải chấn động.

“Giết 200 ngàn người, đổi lấy 20 năm ổn định”. Đây là câu “danh ngôn” tâm đắc mà Đặng Tiểu Bình đưa ra trong khoảng thời gian diễn ra vụ thảm sát năm 1989. Câu “danh ngôn” này trên bề mặt là vì để ổn định quốc gia, nhưng mục đích thực tế là để ổn định chính quyền. Câu “danh ngôn” này còn một hàm ý khác, liên quan đến dục vọng cá nhân của ông ta, ít nhất để cho họ Đặng sống yên ổn những năm tháng cuối đời.

Khi ra lệnh cho học sinh sinh viên tôn trọng cúi rạp chào, Đặng Tiểu Bình cảm thấy rất thích thú, thoả mãn. Nhưng khi nghe họ hô “đả đảo Đặng Tiểu Bình” thì hắn ta trở nên sôi sục giận dữ. Nắm quyền lực trong tay, gã chỉ vì những hỷ nộ của bản thân mà tùy tiện sinh sát. Để được sống yên ổn những năm cuối đời, và cái giá để đổi lấy điều đó chính là hàng chục ngàn người đầu rơi máu chảy, hàng trăm ngàn người bị giam giữ và hàng triệu người bị bức hại. Chủ mưu gây ra cuộc tàn sát ngày 4/6 tại Thiên An Môn, cái tên Đặng Tiểu Bình đã bị đóng đinh kiên cố trên cây trụ dã man ô nhục của lịch sử.

Trước ngày 4/6, khoảng giữa tháng 5/1989, Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương đã đến gặp Đặng Tiểu Bình, đề xuất đối thoại với học sinh để có thể hai bên hiểu nhau hơn. Đặng đáp lại rằng: “Tôi đang cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tai ù, đầu óc không suy nghĩ gì được, lời ông nói tôi cũng không nghe rõ.” Lúc đó ông này diễn lại độc chiêu “Tư Mã Ý giả bệnh lừa Tào Sảng” trong thời Tam Quốc, nhằm đối phó với ông Triệu Tử Dương. Trên thực tế, Đặng Tiểu Bình dựa vào khởi nghĩa vũ trang mà gây dựng sự nghiệp, nhờ vào lực lượng vũ trang ĐCSTQ giành chính quyền, một khi gặp phản đối, thì điều đầu tiên nghĩ tới chính là bạo lực.

Ngay sau phong trào của học sinh sinh viên mùa đông năm 1986, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố, chúng ta không ngại đổ máu để dẹp tan các cuộc biểu tình của sinh viên, cuối cùng khiến nó biến mất. Phát ngôn sặc mùi máu của ông này thật khiến người ta ghê sợ!

Về sau, hễ thấy học sinh sinh viên xuống đường biểu tình, Đặng Tiểu Bình lập tức mưu tính giới nghiêm hoặc thiết quân luật để kiểm soát, trong tâm thức lúc nào cũng cầm chặt báng súng. Chỉ cần tóm lược lại sự kiện Lục Tứ, cũng đủ để hình dung về một đời chém giết của ông ta. Trước khi chết, Đặng Tiểu Bình còn căn dặn lại: “Không lưu lại tro cốt, toàn bộ rắc xuống biển.” Hành động này trên bề mặt thì là học theo Chu Ân Lai, nhưng thực tế là sợ thi hài bị làm nhục. Chu Ân Lai là sợ Mao Trạch Đông, còn Đặng Tiểu Bình chính là sợ nhân dân làm nhục thi thể của mình.

Sau sự kiện Lục Tứ, hai tay Đặng Tiểu Bình nhuộm đầy máu của nhân dân. Hắn ta muốn xóa đi chuyện này, đã từng mượn lời con gái mình để nói ngụ ý rằng: “Tôi cũng là con dân của Trung Quốc, tôi cũng yêu mọi người dân một cách sâu sắc.” Có người nghe xong đã hỏi lại: “Con cái sát hại cha mẹ, đây là thứ đạo lý gì trên đời? Ai cũng biết rằng, từ xưa đến nay sát hại cha mẹ là đại tội trái với ý trời, không thể tha thứ được.”

Sau khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình do bất lợi nên ra sức phủ định Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên phủ định Cách mạng Văn hóa cũng chỉ là cái cớ, thực chất hắn ta muốn sửa đổi Hiến pháp, thủ tiêu đi “bốn quyền lợi tự do” của người dân, cuối cùng tiến đến thủ tiêu quyền lợi bãi công của công nhân. Việc Đặng Tiểu Bình chối bỏ Cách mạng Văn hóa, có thể nói chính là thẳng tay tước đi quyền lợi dân chủ của người dân.

ĐCSTQ khi mới bắt đầu đã tuyên bố “giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo”, có vấn đề gì phát sinh là họ bãi công, đối kháng với chính phủ quốc dân đương thời. Nhưng đến 30 năm sau khi ĐCSTQ nắm quyền, chính họ lại “lập pháp” nhằm thủ tiêu quyền lợi bãi công của công nhân. Điều này minh chứng rằng, chính quyền ĐCSTQ chuyên chế, độc tài và phản động hơn bất kỳ chính quyền nào khác.

Có người hy vọng Trung Quốc tiến tới dân chủ hóa và phó thác vào Đặng Tiểu Bình. Trong khi đó cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương lúc còn sống đã thẳng thắn nhận định trong phần ghi âm rằng: Đặng Tiểu Bình nói về dân chủ chỉ là những lời lừa gạt.

Lại có người bình luận: Đặng Tiểu Bình mới là Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Trên thực tế, Hoa Quốc Phong đã kết thúc nền chính trị chuyên chế cực đoan kiểu Mao Trạch Đông, bước đầu mở ra hình thế dân chủ trong Đảng. Nhưng do hoàn cảnh bất thường, trong vài năm, Đặng Tiểu Bình dùng thủ đoạn triệt tiêu Hoa Quốc Phong, ngang tàng khôi phục hình thức chính trị chuyên chế cực đoạn kiểu Mao Trạch Đông. Đặng tự xưng là “thế hệ hạt nhân” thứ hai kế tục sự nghiệp của Mao Trạch Đông, và hầu hết mọi việc đều do hắn ta quyết định.

Mùa xuân năm 1992, Đặng Tiểu Bình 88 tuổi, đột nhiên làm theo Mao Trạch Đông diễn vở kịch đi tuần phía nam. Lúc này do bất mãn với việc Giang Trạch Dân và Lý Bằng nắm quyền chính trị, nhận thấy họ quá thiên về cánh tả nên đã xướng ra phe ánh hữu, mục đích chính thực ra để phòng phe cánh tả. Đặng Tiểu Bình khi tuần tra Quảng Đông rộng lớn, vừa đi vừa chửi, buông ra những lời nặng nề: “Kẻ nào không cải cách, kẻ đó sẽ rớt đài.”

Có người hiểu rõ tình hình tiết lộ: Thời điểm đó Đặng Tiểu Bình âm mưu hạ bệ Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Nhưng Giang và Lý đề phòng vô cùng chặt chẽ, khi đó Đặng Tiểu Bình không có quyền hành, đến chức Chủ tịch Quân ủy cũng không phải; thêm nữa sau khi đi tuần phía nam trở về Bắc Kinh thì cảm thấy thân thể khó chịu, sức khỏe suy kiệt, nên có muốn can dự vào cục diện chính trị cũng lực bất tòng tâm.

Con người thật, dã tâm và tội ác của Đặng Tiểu Bình ghê tởm rõ như ban ngày như thế – không chỉ với Việt Nam mà đối với nhân dân Trung Quốc – Thế mà ở Việt Nam lại cho xuất bản sách vinh danh ca ngợi: “Đặng Tiểu Bình – Một Trí Tuệ Siêu Việt” như một danh nhân, một bậc lỗi lạc của thế giới ??

Sau tròn 40 năm đằng đẵng – thật xúc động – đây là lần đầu tiên các báo và người dân được viết thật hết về cuộc xâm lược của quân Trung Quốc. Linh hồn người lính và người dân Việt Nam đã hy sinh, chết trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đó lần đầu tiên ấm lòng nơi chín suối.

Vâng ! Xúc động không chỉ là được nói lên sự thật – mà xúc động vì một sự chuyển hướng kip xu thế – dù có trễ – để có thể thoát Trung – vì nước vì dân – Ước mơ của biết bao nhiêu lớp người và thế hệ Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
– (Viết trên phân tích Trần Phá Không – Nhà bình luận chính trị Trung Quốc, các tư liệu và ký ức cuộc chiến chống Trung Quốc một thời không quên

https://baotiengdan.com/2019/02/14/da-tam-tham-doc-cua-dang-tieu-binh-tan-cong-viet-nam-nam-1979/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.