Cốc “tàu hủ” của nữ sinh viên Trung Quốc “thổi bùng” cơn giận ở Philippines
Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019
15:15
//
Slider
,
Tin Châu Á
15/2/2019
Việc một nữ sinh Trung Quốc hất cốc tàu hủ vào một nhân viên hành pháp ở nhà ga tàu Philippines đã khiến dư luận quốc gia Đông Nam Á sôi sục vì cho rằng đây là hành động thể hiện sự “sỉ nhục” với quốc gia này.
Theo SCMP, sự việc xảy ra ngày 9/2, khi cô gái Trung Quốc Zhang Jiale, 23 tuổi, sinh viên năm nhất của một học viện thiết kế thời trang bị nhân viên hành pháp Willam Cristobel ở nhà ga Mandaluyong, Manila chặn lại, ngăn không cho mang một cốc tahu (giống món tàu hủ của Việt Nam) vào bên trong.
Khi đó, nhân viên an ninh đã lịch sự yêu cầu Zhang ăn hết cốc tàu hủ trước khi vào ga, viện dẫn quy định không được cầm chất lỏng lên tàu điện ngầm. Mặc dù được nhắc nhở cẩn thận nhưng Zhang lại có thái độ chống đối và cãi cọ. Sau đó, cô gái trẻ cầm cả cốc tàu hủ hất vào Cristobel. Những hình ảnh ghi lại ở hiện trường đã nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội và khiến dư luận Philippines phẫn nộ.
Một ngày sau đó, Cristobel đã nộp đơn kiện Zhang với cáo buộc tấn công cản trở người thi hành công vụ. Nếu bị khép vào có tội, nữ sinh viên Trung Quốc có thể đối mặt với án tù giam và bị trục xuất khỏi Philippines.
Nhiều cư dân mạng Philippines suy diễn rằng đây là một sự “sỉ nhục” tới danh dự quốc gia. Họ nói rằng sự thô lỗ của một công dân Trung Quốc trước lực lượng hành pháp Philippines dường như cho thấy vị thế của Manila đang bị coi thấp hơn Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng sự cố này như “giọt nước tràn ly” khiến tâm lý không thích Trung Quốc ở một bộ phận người dân Philippines lan truyền nhanh chóng.
Theo SCMP, trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte rất nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc ở cấp chính phủ, nhưng dường như vẫn có những sự bất mãn ngầm trong dư luận nước này.
“Sự cố tàu hủ” đã lôi kéo cả sự tham gia của giới chính trị. Họ cũng chỉ trích động thái của Zhang.
Thượng nghị sĩ Ping Lacson đã gọi sự việc này là “sự xúc phạm” tới người Philippines.
“Là công dân Philippines, chúng ta phải đoàn kết. Ngay cả khi là nước nhỏ, còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không thể để họ đối xử như vậy. Hãy đoàn kết và đứng lên”, ông Lacson nói.
Ngay cả Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cũng tuyên bố rằng: “Những gì đã xảy ra không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọn quy định ở nơi công cộng mà còn cả với đất nước Philippines”.
Trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, các lãnh đạo đảng đối lập đã tận dụng cơ hội này để đưa ra quan điểm hoài nghi với chính sách hướng về Trung Quốc của ông Duterte, theo SCMP.
Trong những tháng gần đây, dư luận Philippines đã thể hiện sự bất bình trước tình trạng dòng lao động bất hợp pháp từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào Philippines, cũng như sự xuất hiện của hàng loạt các sòng bạc tại đây. Giá thành bất động sản tăng lên cao, và nhiều lao động địa phương đã không thể tìm được việc làm.
Các thượng nghị sĩ như Grace Poe cũng công khai phản đối việc Trung Quốc muốn hiện diện tại những ngành và khu vực chiến lược ở Philippines. Một số ví dụ điển hình có thể kể tới gần đây như là việc công ty Trung Quốc China Telecom muốn xâm nhập vào ngành viễn thông của Manila. Hay việc Trung Quốc muốn thao túng cảng biển ở vịnh Subic, nơi Mỹ từng đặt căn cứ quân sự.
Tổng thống Duterte cũng đã lên tiếng về vấn đề này, cam kết sẽ chỉ thị các bên trừng trị thích đáng hành vi chống đối người thi hành công vụ của nữ sinh Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền ông Duterte đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc nhưng các khảo sát vẫn cho thấy tâm lý không ưa thích Trung Quốc ở Philippines vẫn không có nhiều thay đổi. Theo báo cáo của tổ chức Social Weather Stations, tâm lý của người Philippines với Trung Quốc là khá tiêu cực và Bắc Kinh nằm cuối cùng trong danh sách những quốc gia nước ngoài mà người Philippines muốn trở thành đối tác trong nhiều năm qua.
Theo SCMP
0 nhận xét