Cơ hội trổ tài thương thuyết của Trump khi gặp Kim Jong-un tại Hà Nội
VNExpress
18/02/2019
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là thời cơ tốt để Trump cho thấy mình có thể thành công với chính sách đối ngoại khác thường.
Trump tuyên bố 'không vội vàng' phi hạt nhân hóa Triều Tiên / Đoàn tiền trạm Mỹ, Triều Tiên đến Hà Nội
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AFP.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bay tới Hà Nội để tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến được tổ chức vào ngày 27-28/2, với kỳ vọng những kỹ năng đàm phán của mình có thể tạo ra "kỳ tích" trong lĩnh vực đối ngoại sau khi ông hứng chịu nhiều kết quả không khả quan ở trong nước.
Trump thông báo về cuộc gặp lần hai với Kim Jong-un trong bối cảnh đảng Cộng hòa vừa đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ và chính phủ của ông cũng phải đóng cửa trong thời gian lâu nhất lịch sử do bất đồng về ngân sách xây tường biên giới. Trump cuối tuần qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động tiền thực hiện dự án xây tường biên giới, nhưng cũng dự đoán về những thách thức pháp lý mà ông phải đối mặt với quyết định này.
Theo bình luận viên Eliana Johnson của Politico, trắc trở với chương trình nghị sự trong nước thúc đẩy Trump hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un, bởi đây là cơ hội lớn để ông có thể ghi điểm bằng việc thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt tình trạng bị cô lập về kinh tế.
"Rất nhiều điều tích cực đang diễn ra", Trump tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 15/2. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và đó sẽ là một sự kiện rất thành công".
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ có lý do để lạc quan, bởi hội nghị thượng đỉnh này không chỉ giúp ông thoát khỏi cảm giác nặng nề về chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ cuối năm ngoái mang lại, mà còn là một bước tiến hướng tới thành tựu ngoại giao mang tính lịch sử, có thể trở thành tâm điểm cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông.
"Các thành viên đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ chỉ trích Trump xa rời đồng minh, gần gũi với kẻ thù và không thể đàm phán thứ gì ra hồn theo cách mà ông gọi là ‘nghệ thuật thương thuyết"’, Eric Edelman, cựu quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc dưới thời George W. Bush, nói. "Nhưng nếu Trump có được sự nhượng bộ thực sự từ Kim, Tổng thống có thể chứng minh rằng phương pháp của ông không theo bất cứ khuôn mẫu nào, nhưng lại ra kết quả".
Các đồng minh của Trump chỉ ra rằng dù chính phủ Mỹ vừa trải qua đợt đóng cửa lâu chưa từng thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống theo thăm dò của Gallup vẫn tăng từ 35% lên mức 44% vào tuần trước, chỉ kém hai điểm so với khi ông vừa đắc cử. Họ coi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội là một thành công về mặt an ninh quốc gia, một phép thử về việc Mỹ có thuyết phục được Triều từ bỏ vũ khí hạt nhân để hòa nhập cộng đồng quốc tế hay không.
Một thành viên đảng Cộng hòa có quan hệ thân cận với Nhà Trắng cho biết phần lớn người Mỹ không quan tâm đến những chi tiết của chính sách ngoại giao hạt nhân, mà chỉ chú trọng vào một "thành công vang dội" hơn là tình trạng bế tắc kéo dài. "Điều đó rất đơn giản: Nếu đó là thành công, họ sẽ ca ngợi, còn không thì thôi", người này nói. "Đó sẽ là thành tựu phi phàm và đi vào lịch sử nếu thành công, nhưng chỉ là bước lùi nếu không phát huy hiệu quả".
Nhiều người từ lâu đã bày tỏ hoài nghi về khả năng Trump thuyết phục được Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân, cho rằng lãnh đạo Triều Tiên đang lợi dụng sự "ngây thơ chính trị" của Tổng thống Mỹ và dần dần làm suy giảm vị thế của ông trên trường quốc tế. Dẫn chứng được họ đưa ra là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore chỉ là một "màn phô trương truyền thông" mà không giúp tạo ra bất cứ thay đổi nào trên thực tế khi chỉ tạo ra một tuyên bố chung đầy mơ hồ.
Triều Tiên sau đó còn dội một gáo nước lạnh vào tuyên bố thành công của Trump, khi thẳng thừng từ chối đề xuất của Mỹ về lộ trình phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", thậm chí gọi đây là những yêu sách "không khác gì xã hội đen".
Tuy nhiên, Graham Allison, chiến lược gia về hạt nhân tại Đại học Harvard, cho rằng bằng cách tiếp cận của mình, Trump đã phá vỡ lớp vỏ cứng của một trong những vấn đề quốc tế khó khăn nhất, nguy hiểm nhất mà nước Mỹ từng đối mặt qua nhiều đời tổng thống.
"Đó không phải là chính sách ngoại giao thông thường, nhưng Trump cũng không phải là một tổng thống bình thường. Dù tính cách thế nào chăng nữa, Trump vẫn có những ý tưởng rất hay", Allison nói.
Theo đánh giá của chiến lược gia này, Trump phần nào có tính cách giống Kim Jong-un, lãnh đạo trẻ tuổi của một quốc gia khép kín nhưng vẫn quan tâm đến truyền thông xã hội, xem bóng rổ và điện ảnh. "Trump đang tiếp xúc với lãnh đạo trẻ này theo cách mà ông ấy có thể hiểu rõ hơn so với những học giả như tôi", Allison thừa nhận.
Minh chứng cho quan điểm này là những thành công gần đây của Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên được Trump bổ nhiệm hồi tháng 8 năm ngoái. Biegun ban đầu rất chật vật trong việc tổ chức các cuộc họp với phía Triều Tiên, nhưng sau đó đã thu được lòng tin của đối tác và nâng cao vị thế của mình. Các chuyên gia ngoại giao nhận thấy điều này trong bức ảnh chụp Phòng Bầu dục được Trump đăng lên Twitter đêm Giáng sinh, cho thấy Biegun đứng cạnh ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia Allison Hooker và thảo luận về vấn đề Triều Tiên với các quan chức chính quyền Trump.
"Buổi họp đêm Giáng sinh với đội ngũ về vấn đề Triều Tiên của tôi. Đã đạt được nhiều tiến bộ. Trông chờ vào hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Chủ tịch Kim", Trump viết chú thích cho bức ảnh.
Từ phải qua trái: Tổng thống Trump, ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia Allison Hooker và đặc phái viên Biegun trong phòng Bầu dục đêm Giáng sinh. Ảnh: Twitter/Donald J. Trump.
|
Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson, người từng tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Triều 1994, cho rằng bức ảnh này phát đi "tín hiệu quan trọng" tới Triều Tiên rằng Biegun là người "có thể gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ, đặc quyền không phải ai cũng có được".
Phát biểu tại Đại học Stanford tháng trước, Biegun thông báo Triều Tiên đã có những bước đi đầu tiên nhằm tháo dỡ hai cơ sở thử nghiệm tên lửa, hạt nhân và đã cam kết phá hủy các cơ sở làm giàu plutoni, urani của họ.
"Chúng ta đang chứng kiến sự tăng tiến dần dần từ cả hai phía, đó là dấu hiệu đầy khích lệ", Wit nói. "Nhiều người có cảm nhận rõ ràng rằng hội nghị thượng đỉnh thứ hai sẽ cho ra kết quả thực chất hơn so với cuộc gặp đầu tiên. Tôi cũng dự đoán sự kiện lần này sẽ tốt hơn".
Các quan chức chính quyền Trump kỳ vọng sẽ rời Hà Nội với bản lộ trình rõ ràng cho tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, gồm một loạt bước đi mà hai bên cùng cam kết để đạt được mục tiêu đó. Biegun cũng đã ám chỉ đến hướng đi này trong bài phát biểu tại Stanford, khi nói rằng Triều Tiên sẵn sàng thực hiện các hành động với điều kiện "Mỹ cũng có bước đi tương ứng".
Dù vậy, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng nếu thất bại trong nỗ lực lần này, Trump sẽ có nguy cơ bị nhìn nhận như một lãnh đạo thiếu năng lực. Nếu hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai không thu được thành quả thực chất hơn so với lần trước, cùng với sự bất lực của ông trong việc thương thảo với quốc hội, Trump sẽ không còn có thể tự hào rằng ông là "người một mình có thể khắc phục tất cả" hay "tôi là nhà thương thảo vĩ đại nhất mọi thời đại", Edelman nhận định.
Nhưng Trump cho thấy ông đặt rất nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh thứ hai cùng Kim Jong-un, thậm chí nhắc lại việc Thủ tướng Nhật Bản đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đàm phán với Triều Tiên. Dù không nhận được giải thưởng danh giá này, Trump vẫn có thể tự hào rằng mình là một người kiến tạo hòa bình.
"Obama từng nói với tôi rằng ông ấy đã tiến rất gần tới một cuộc chiến tranh lớn với Triều Tiên", Trump nói trong họp báo thứ 6 tuần trước. "Giờ thì chúng ta đang ra sao? Không có thêm vụ thử tên lửa, hạt nhân nào nữa. Chúng ta đã học hỏi được rất nhiều".
0 nhận xét