Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được 51 nước thành viên Liên hợp quốc thừa nhận
Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019
20:22
//
Pháp Luật
,
Slider
Ngoài việc Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, một số văn kiện pháp lý quốc tế từ Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên ngôn Hội nghị Potsdam năm 1945, Hòa ước San Francisco năm 1951 và Hội nghị Geneve năm 1954 cũng đều đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một quốc gia về lãnh thổ đó là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong tập quán quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Đó là một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước theo quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.
Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước. Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chứng lịch sử đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển đảo của Nhà nước Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những nội dung cơ bản của quá trình triển khai chính sách về biển đối với các Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên các vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khu vực Biển Đông luôn được xác định rõ ràng, nội dung này được thể hiện qua những nội dung cơ bản của quá trình hoạch định và thực thi chính sách về biển của quốc gia, điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ vô chủ đương thời. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, bởi vậy, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của luật biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuyên bố Cairo
Năm 1943, bối cảnh chung của thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các mối quan hệ quốc tế liên tiếp diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, song mục đích chính của các nước lớn là tranh dành phạm vi ảnh hưởng và phân chia lại biên giới lãnh thổ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Để xem xét một số vấn đề quan trọng của thế giới có liên quan đến biên giới lãnh thổ, đại diện ba nước Anh, Mỹ và Trung Quốc (Cộng hòa Trung Hoa do Tưởng Giới Thạch đứng đầu) đã nhóm họp tại Cairo Thủ đô của Ai Cập ngày 27/11/1943. Hội nghị kết thúc đã đưa ra được Tuyên bố chung: “Các phái đoàn quân sự đã đồng ý tiến hành các chiến dịch quân sự trong tương lai nhằm chống lại Nhật Bản. Ba Đồng Minh Vĩ Đại bày tỏ quyết tâm gây áp lực quân sự liên tục lên kẻ thù hung bạo ở trên biển, trên đất liền và trên không. Áp lực này đã bắt đầu gia tăng. Ba Đồng Minh Vĩ Đại đang chiến đấu để ngăn cản và trừng phạt cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Họ không ham muốn lợi ích gì cho bản thân và không nghĩ đến việc bành trướng lãnh thổ. Mục tiêu của họ là hất cẳng Nhật Bản ra khỏi tất cả các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm hoặc chiếm đóng từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, và tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đoạt từ người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ phải được trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham. Nhận thức được ách nô lệ mà nhân dân Triều Tiên đang phải chịu đựng, ba cường quốc trên đây kiên định rằng Triều Tiên phải được tự do và độc lập. Hướng tới các mục tiêu trên, phù hợp với những mục tiêu của Liên hiệp các Quốc gia đang chiến đấu chống Nhật Bản, Ba Đồng Minh sẽ tiếp tục kiên trì tiến hành các chiến dịch nghiêm túc và kéo dài cần thiết để giành được một sự đầu hàng vô điều kiện từ Nhật Bản”. Ở đây chúng ta xem xét chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên hai khía cạnh cơ bản:
Thứ nhất, vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cairo đã khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc bao gồm: Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ, không có gì liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi vì chủ quyền đó đã thuộc về Việt Nam từ lâu.
Thứ hai, Tuyên bố Cairo đã không đề cập đến chủ quyền của quốc gia nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì, hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ XVII đã có những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, những người đứng đầu của hội nghị đã không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ của Hoàng Sa và Trường Sa là lẽ đương nhiên.
Tựu trung lại, nội dung của Tuyên bố Cairo năm 1943, được xem là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để hợp thành hệ thống cơ sở pháp lý quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời là một trong những căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng để Nhà nước Việt Nam vận dụng, nhằm bác bỏ những luận thuyết sai trái về hiện thực khách quan. Đồng thời phản đối sự khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.
Hội nghị Postdam
Vào năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai dần dần đi vào kết thúc, thế giới có nhiều việc phải làm đối với các cường quốc thắng trận như vấn đề lãnh thổ, phân chia phạm vi ảnh hưởng… Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc ở mặt trận châu Âu, tháng 7/1945, đại diện ba nước lớn là Anh, Mỹ và Liên Xô đã tổ chức nhóm họp tại Postdam của Đức, nội dung chính của cuộc họp là để thảo luận về tương lai chính trị, đặc biệt về vấn đề tổ chức tuyển cử tại các nước Đông Âu và Trung Âu. Hội nghị Postdam đã ra Tuyên bố chung ngày 26/7/1945, nội dung của Tuyên bố còn ấn định thể thức giải giáp quân đội Nhật Bản sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, cụ thể:
Tuyên bố chung ba nước Mỹ, Anh, Trung: (1) Chúng tôi, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc và Thủ tướng Đại Anh, đại diện cho hàng trăm triệu công dân của chúng tôi, đã thảo luận và đồng ý rằng Nhật Bản sẽ được trao một cơ hội cuối cùng để kết thúc cuộc chiến tranh này. (2) Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Hoa Kỳ, Đế quốc Anh và Trung Quốc đã liên tục được tăng cường từ sự tăng viện cho quân đội và các phi đoàn không quân từ phía tây, đang sẵn sàng để tiến hành những trận tấn công cuối cùng vào Nhật Bản. Điều này được khẳng định bằng sức mạnh quân sự và ý chí quyết tâm của tất cả các quốc gia Đồng Minh để khởi động một cuộc tổng tấn công chống lại Nhật Bản cho đến khi nước này không còn sức chống cự. (3) Kết quả của cuộc kháng cự vô ích và vô nghĩa của nước Đức có thể đánh thức những dân tộc trên thế giới, cho họ thấy rõ những hiểm họa khủng khiếp là một ví dụ dành cho người dân Nhật Bản. Như đã áp dụng khi phản công Đức Quốc xã, nhất thiết cuộc tiến công sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến đất đai, các vùng công nghiệp và cuộc sống của nhân dân Đức; việc tập trung sức mạnh chống lại nước Nhật Bản còn vô cùng lớn hơn. Việc áp dụng đầy đủ sức mạnh quân sự của chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các giải pháp của chúng tôi, và điều đó có nghĩa là sẽ có sự hủy diệt không thể tránh khỏi và hoàn toàn của các lực lượng vũ trang Nhật Bản cũng như không tránh khỏi sự tàn phá chắc chắn xảy ra đối với tổ quốc của người Nhật Bản. (4) Đã đến lúc người Nhật Bản phải tự quyết định xem họ có nên để cho mình tiếp tục bị những người có đầu óc hiếu chiến kiểm soát mà không sáng suốt nhận thấy rằng chính họ đang đưa Đế quốc Nhật Bản đến ngưỡng cửa của sự hủy diệt; hoặc hành động theo con đường của lương tri. (5) Sau đây là các điều kiện của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thay đổi chúng. Cũng không có lựa chọn thay thế. Chúng tôi cũng sẽ không chờ đợi thêm nữa. (6) Phải xác định thời hạn cho việc loại bỏ tất cả các quyền hạn và ảnh hưởng của những người đã lừa dối người dân Nhật Bản bắt tay vào cuộc chinh phục thế giới. Chúng tôi nhấn mạnh rằng sẽ không thể có một trật tự mới của hòa bình, an ninh và công lý cho đến khi chủ nghĩa quân phiệt vô trách nhiệm hoàn toàn bị loại bỏ trên thế giới. (7) Đến khi một trật tự mới được thiết lập và đến khi có bằng chứng thuyết phục rằng sức mạnh chiến tranh của Nhật Bản đã bị tiêu hủy, những địa điểm trong lãnh thổ Nhật Bản sẽ bị chiếm đóng theo chỉ định của các nước Đồng Minh để bảo đảm đạt được các mục tiêu cơ bản mà chúng tôi đang thiết lập ở đây. (8) Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định. (9) Các lực lượng quân sự Nhật Bản, sau khi đã hoàn toàn giải giáp, được phép trở về gia đình họ với những cơ hội được sống một cuộc sống trong hòa bình và trong lao động. (10) Chúng tôi không có ý định biến Nhật Bản thành nô lệ như là một chủng tộc hoặc một quốc gia đã bị hủy hoại, nhưng sự công bằng phải được thực thi bằng luật pháp một cách nghiêm túc đối với tất cả tội phạm chiến tranh, kể cả những người đã truy bức một cách tàn bạo trên những tù nhân của chúng tôi. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải loại bỏ tất cả những trở ngại ảnh hưởng đến việc tái thiết và tăng cường các xu hướng dân chủ trong nhân dân Nhật Bản. Quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và tư tưởng, cũng như sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người phải được xác lập. (11) Nhật Bản sẽ được phép duy trì những ngành công nghiệp cũng như duy trì nền kinh tế của mình và chỉ phải bồi thường chiến tranh bằng hiện vật, nhưng không bao giờ được phép phục hồi những ngành công nghiệp mà sẽ cho phép họ tái vũ trang để phục vụ chiến tranh. Để đáp ứng điều kiện này, cần có sự truy xét và kiểm soát gắt gao đối với những nguyên vật liệu sẽ được cho phép sử dụng. Cuối cùng, Nhật Bản có thể tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép. (12) Các lực lượng chiếm đóng của quân Đồng Minh sẽ được rút khỏi Nhật Bản ngay sau khi đạt được những mục tiêu này và ngay sau khi thành lập một chính phủ có lập trường hòa bình và chịu trách nhiệm trước luật pháp, phù hợp với chính kiến tự do của người dân Nhật Bản. (13) Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức đối với toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật Bản, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện chí của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là bị hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ.
Đối với Việt Nam, để giải giáp quân đội Nhật, ba nước Anh - Mỹ - Liên Xô đã quyết định chia Việt Nam thành 2 khu vực từ vĩ tuyến 16, theo đó quân đội Trung Hoa có nghĩa vụ giải giáp và hồi hương quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc và quân đội Anh được ủy nhiệm giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Theo tuyên bố Postdam, phía Trung Quốc do phái đoàn Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng) có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tọa lạc tại vĩ tuyến 16: nhóm Lưỡi Liềm phía Tây Nam tại vĩ độ 16030’N và nhóm An Vĩnh phía Đông Bắc tại vĩ độ 16050’N. Trong khi đó, quân đội Hoàng gia Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, kể cả quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến từ 120 đến 70 N, tính từ Cam Ranh xuống tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong nội dung của tuyên bố Postdam, đó là lực lượng của các nước Cộng hòa Trung Hoa và Anh thay mặt Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, chứ không phải tiếp thu hay chiếm hữu lãnh thổ của quốc gia đến làm nhiệm vụ. Xét tính chất đóng vai trò quan trọng là nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong bản tuyên bố là giải giáp quân Nhật, đồng thời thực tế này cho thấy, các nước Đồng minh đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam là lẽ đương nhiên.
Tháng 8/1945, quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng vào miền Bắc để tiến hành việc giải giáp quân Nhật ở đây. Sau một thời gian, Trung Quốc đã ký với Pháp bản Hiệp ước Trùng Khánh vào ngày 28/02/1946. Theo nội dung chính của Hiệp ước thì “Pháp khước từ trị ngoại pháp quyền và các quyền liên hệ khác tại Trung Hoa” điều thể hiện rõ nét là Pháp trả Trung Quốc các tô giới tại Thượng Hải và Quảng Châu Loan. Đổi lại Trung Quốc đồng ý để quân đội Pháp vào bắc vĩ tuyến 16 thay thế quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng để thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Ngay sau thời điểm đó, Chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hiệp định Sơ bộ vào ngày 06/3/1946, xoay quanh vấn đề nước Pháp thừa nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một Quốc gia tự do và tự trị nằm trong Liên bang Đông Dương và trong Khối Liên hiệp Pháp và quân đội Pháp sẽ ra miền Bắc của Việt Nam để thay thế quân Tưởng.
Hội nghị hòa bình San Francisco
Hội nghị San Francisco được tổ chức từ ngày 04 - 08/9/1951, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản. Đầu tháng 9/1951, theo lời mời của Chính phủ Mỹ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị hòa bình nhóm họp tại thành phố San Francisco của Mỹ để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn cũng được mời tham gia hội nghị. Tuy nhiên, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đều không được mời tham dự Hội nghị. Trong Hội nghị này, nội dung chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Mỹ đề nghị ngày 12/7/1951. Ngày 08/9/1951, các nước tham dự Hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản, ngoại trừ ba nước còn lại là Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc đã không ký.
Mỹ đã gạt Trung Quốc ra ngoài Hội nghị, chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ cuối năm 1950 đã có phản ứng gay gắt. Một mặt Chính phủ Trung Quốc đã ra một số tuyên bố chính thức, mặt khác họ cho đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung Quốc tham dự Hội nghị và để trình bày quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 05/9/1951, trong phiên họp toàn thể thứ hai của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô là Andrei A. Gromyko Tại phiên họp toàn thể ngày 05/9/1951, Andrei Gromyko, trưởng đoàn đại biểu của Liên Xô đó đề nghị một tu chỉnh trong Dự thảo Hòa ước với Nhật Bản, theo đó Nhật Bản công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên các quần đảo Paracels và Spratlys. Nhưng Hội nghị đó bỏ phiếu bác bỏ tu chỉnh này với 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống gồm: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc và một phiếu trắng.
Tại Hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951, phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham gia Hội nghị đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 07/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc: Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam. Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản. Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam tại Hội nghị San Francisco.
Về khía cạnh pháp lý, với sự công bố khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 50 quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham dự hội nghị San Francisco năm 1951, cho thấy: từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới đương nhiên thừa nhận là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trong một Hội nghị quốc tế có sự tham gia của 50 quốc gia thành viên của tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc. Sự kiện 92% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị tuyệt đối phù hợp với luật pháp quốc tế, buộc các quốc gia khác phải thừa nhận, kể cả đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ không tham dự Hội nghị như Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Việc hòa ước San Francisco tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) tự nó đã bao hàm ý nghĩa không công nhận chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Tại khoản f quy định: Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với quần đảo Spratlys and Paracels.
Như vậy, việc phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham gia Hội nghị San Francisco tháng 9/1951 và ra tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm chứng minh về sự xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo này ra các hội nghị quốc tế và khu vực, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, cũng có thể đưa vào hồ sơ pháp lý để đấu tranh với các bên có yêu sách chủ quyền tại tòa án quốc tế.
Hội nghị Geneve
Hội nghị Genève bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc vào ngày 08/5/1954, một ngày sau khi Việt Nam giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Tham dự hội nghị chính thức có 9 phái đoàn gồm Anh, Mỹ, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia. Liên Xô và Anh làm đồng chủ tịch hội nghị. Hai phái đoàn của Chính phủ kháng chiến Lào (Pathet Lào) và Chính phủ kháng chiến Campuchia (Khmer Issarak) không được công nhận tư cách đại biểu và chỉ do Việt Nam dân chủ Cộng hòa đại diện trình bày nguyện vọng trước hội nghị.
Sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneve kết thúc, thông qua tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình, tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành Hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Sự nghiệp cách mạng của Dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới. Cùng với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác, Hội nghị Geneve 1954 cũng là một chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Hội nghị Geneve kết thúc ngày 21/7/1954 với 3 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Năm 1954, Pháp đã hoàn thành xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Pháp thay mặt Việt Nam thực hiện chủ quyền của Việt Nam, đưa lực lượng đóng quân tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi rút khỏi Việt Nam năm 1956 và trao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam, theo Hiệp định Geneve năm 1954, đối tượng được thừa hưởng, thừa kế toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa là Chính phủ quốc gia Việt Nam, sau này là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trung Quốc với tư cách là một quốc gia lớn tham gia Hội nghị với 214 người, trong đó đích thân Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.
Trung Quốc cũng là quốc gia cuối cùng ký tuyên bố Hội nghị. Điều này cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng Hội nghị Geneve và những điều khoản được ký kết năm ấy. Theo các tài liệu để lại, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được đề cập trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, cụ thể, nó được đề cập ở Điều 1 và Phụ lục của Điều 1 trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khi quyết định về giới tuyến quân sự tạm thời giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam tại sông Bến Hải, tức là vĩ tuyến 17 kéo dài ra Biển Đông. Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như vậy trong tuyên bố cuối cùng và Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Điều 1 và Điều 4 đã xác nhận vấn đề pháp lý chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Hiệp định Geneve năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới là chủ thể quản lý khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Trong thực tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cả trên lĩnh vực quân sự lẫn dân sự để thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cộng động quốc tế cũng đã công nhận điều này. Trung Quốc là một bên ký kết Hiệp định Geneve năm 1954, đương nhiên Trung Quốc phải có trách nhiệm tôn trọng Hiệp định họ đã ký kết và tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tôn trọng việc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam mà Hiệp định Geneve đã xác định.
Năm 1954, Trung Quốc là một bên tham gia Hội nghị Geneve và họ đã chấp nhận tất cả các điều khoản được ký kết tại Hội nghị. Khi đặt bút ký vào Tuyên bố chung của Hội nghị năm ấy, nghĩa là họ đã thừa nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam Cộng hòa với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một Hiệp định được cộng đồng quốc tế công nhận, được xây dựng bởi hệ thống luật pháp quốc tế và Trung Quốc không được quyền chối bỏ. Dưới những góc nhìn phân tích khác, các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc phủ nhận các kết quả của Hội nghị San Francisco năm 1951 và Hội nghị Geneve là sự phi lý, đi ngược lại quan điểm và chữ ký của chính họ tại Hội nghị năm ấy. Dư luận quốc tế đánh giá rất cao Hiệp định Geneve, như vậy họ thừa nhận những nội dung cơ bản của Hiệp định này, trong đó có vấn đề chủ quyền pháp lý của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy Trung Quốc đã thừa nhận gián tiếp chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc phủ nhận quyết định của Hội nghị San Francisco và Hội nghị Geneve là phi lý.
Nhìn chung, từ những văn kiện pháp lý quốc tế trên cho thấy các vùng lãnh thổ mà Tuyên bố Cairo xác nhận và Hòa ước San Francisco khẳng định lại là của Trung Quốc chỉ bao gồm Đài Loan và Bành Hồ. Xuyên suốt các hội nghị quốc tế, từ Tuyên bố Cairo, Hội nghị San Francisco cho đến Hội nghị Geneve đều đã thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thừa nhận chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 51 nước thành viên của tổ chức Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng và sinh động, nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực và trên thế giới có cơ sở pháp lý quốc tế từ các hội nghị quốc tế để tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến tới buộc các bên hữu quan có yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải tiến hành trao trả lại cho Nhà nước Việt Nam đúng theo quy định của luật pháp quốc tế.
0 nhận xét