Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Chòng chành một khúc sông

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019 18:37 // ,

09/02/2019 - 19:35

Hình ảnh chiếc ghe hủ tiếu bà Đen như là một ký ức, một điều cuối cùng còn sót lại của hồn quê xưa.

Thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi những địa danh ấn tượng một thời hay món ăn đặc sản bánh tằm Ngan Dừa. Ngan Dừa còn nổi tiếng bởi đã từng tồn tại một khu chợ - chợ nổi Ngan Dừa.
Chợ nổi chỉ còn trong ký ức
Mới chừng chục năm trước, một nhà văn bạn tôi như bị “bỏ bùa” bởi hình ảnh chợ nổi Ngan Dừa với các nàng áo xanh, áo đỏ dưới ghe xuồng, với cảnh chợ nông sản buổi sớm nắng rọi như dát vàng, với tiếng í ới gọi nhau trên các ghe hàng… Anh thường ngồi hàng giờ bên quán cà phê nhỏ ven chợ, kêu một ly “xây chừng” nóng (cà phê đen) rồi thả hồn vào cảnh chợ với bao nhiêu xúc cảm.
Thế rồi bây giờ trở lại, anh cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi khi bỗng chốc mất đi một khúc sông, một phiên chợ lòng. Cảnh trên bến dưới thuyền giờ đã trở thành ký ức, thành nỗi tiếc nuối của không chỉ người dân của huyện mà còn cho bất cứ ai đã từng biết đến chợ Ngan Dừa xưa.
Nhớ lại thời điểm năm 2005, lúc hay tin chợ nổi Ngan Dừa sẽ bị san lấp để làm đường, làm công viên, làm khu trung tâm thương mại, trong tôi như có gì mất mát. Phải là những người đã từng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp, nét thơ mộng của chợ nổi Ngan Dừa mới thật sự thấm thía nỗi buồn ấy.
Từ ngày chợ nổi Ngan Dừa biến mất, thay vào đó là một trung tâm thương mại hoành tráng, tôi đã rất nhiều, rất nhiều lần trở lại với Hồng Dân, với Ngan Dừa. Thế nhưng tôi không thể tìm được hình ảnh chợ nổi vừa như là hồn quê, vừa như là một nét văn hóa đặc sắc, không, phải nói là đặc sản của người dân Nam Bộ nói chung, dân vùng sông nước nói riêng ấy nữa. Ngay cả người dân nơi đây cũng có vẻ chưa kịp hòa nhập với nhịp sống hối hả của đô thị. Mà không khéo, với những đổi thay nửa thành thị nửa thôn quê, chẳng mấy chốc Ngan Dừa chẳng còn lại những nét cuốn hồn người một thời.
Tôi hay hỏi nhiều người ở chợ huyện (bởi Ngan Dừa cũng là thị trấn trung tâm của huyện Hồng Dân), chợ nổi mất rồi, người dưới bến sông đi đâu, về đâu. Có ai còn nhớ dòng sông quê, phiên chợ chất đầy hàng hóa những buổi sáng vẫn đậm hơi sương. Đáp lại chỉ là những nụ cười buồn…


Người bám trụ cuối cùng
Khi đi tìm kiếm những con người, những cuộc đời đã từng gắn bó với bến sông, với chợ nổi Ngan Dừa xưa, tôi nghe kể nhiều về một người đàn bà và chiếc ghe nhỏ. Người ta kể rằng chợ nổi đã đi vào dĩ vàng gần chục năm rồi, bao nhiêu người ngày xưa buôn bán dưới sông, trên những chiếc ghe hàng, xuồng chèo cũng đã theo dòng thời gian lên bờ kinh doanh ở những hiệu tiệm, cửa hàng hoặc vào khu chợ nhà lồng mà bán. Còn dì, dì không đi. Vẫn chiếc xuồng nhỏ lênh đênh theo con nước lớn ròng, vẫn ngày ngày ôm lấy một dòng sông.
Dì tên thật là Nguyễn Thị Mỹ, nhưng ở khu vực chợ Ngan Dừa, người ta chỉ biết đến bà Đen với ghe hủ tiếu trên sông, gọi là hủ tiếu bà Đen. Hỏi sao tên Mỹ đẹp vậy, dì không đặt cho hủ tiếu của mình, dì Mỹ cười: đời dì lênh đênh trên chiếc ghe hủ tiếu này đã hơn 30 năm. Từ khi chợ nổi còn sung túc cực thịnh đến lúc nó biến mất, dì luôn ở dưới sông. Xưa bán thì thả ghe trôi theo dòng nước, mẹ bán con chèo chống. Cái nắng, cái gió khiến dì đen bóng nên người ta quen kêu bà Đen, riết thành tên cho ghe hủ tiếu luôn.
Từ ngày chợ nổi không còn, dì Mỹ không chèo ghe đi bán mà đậu ghe cặp theo bến sông của gia đình. Nhưng dì vẫn phải xuống ghe ngồi bán chứ nhất quyết không chịu lên bờ. Mấy đứa con của dì, đứa thì bàn đưa mẹ lên Sài Gòn để phụng dưỡng, đứa ở quê thì lén đóng cho mẹ tủ bàn để lên phố mở tiệm hủ tiếu (bởi hủ tiếu của dì rất ngon, lại rẻ, bán ở đâu mà chẳng đắt). Thương con, dì cũng trèo lên bờ. Lúc lắc được ba ngày ở Sài thành, nhìn tứ bề nhà ống cao vòi vọi, dì chợt rơi nước mắt nhớ quê. Về quê, cũng nghe lời con, mở tiệm ra bán trên bờ mà sao ánh mắt cứ vọng ra bến sông, nghe tiếng xuồng ghe chạy qua là dì nhấp nhổm không yên.
Mấy đứa con thấy mẹ như vậy không đành lòng, đành trả dì về với chiếc ghe nhỏ dưới bến. Dì mừng muốn khóc, líu ríu mang nồi niêu xuống ghe, chụm than chụm củi nổi lửa từ tờ mờ sáng để đón những khách quen vẫn chưa rời bến sông. Ghe hủ tiếu bà Đen lại chòng chành, lắc lư mà nụ cười của người phụ nữ đã quá nửa đời lênh đênh trên sông nước cứ rạng rỡ. Thật là lạ!
Chữ tình của người miền quê
Dì Mỹ nói với tôi giờ gia đình dì khấm khá, con cái lớn hết rồi, không phải cực khổ kiếm sống như xưa. Nhưng dì nhớ dòng sông với con nước lớn ròng, nhớ cái lắc lư, chòng chành của chiếc ghe, nhớ những khách hàng thân quen là những người nghèo khó, lam lũ trên những ghe hàng xuôi ngược miệt này. Không có ghe hủ tiếu của dì để lót dạ trước những buổi chợ, họ phải nhịn đói, vì lên tiệm, lên phố chợ ăn, tiền đâu mà đủ.
Ngồi nói chuyện với dì một chút thì đã có mấy chiếc ghe tấp vào. Từ xa, liếc mắt dì đã biết là anh Tư bán dừa hay chú Sáu đi hàng bông. Mắt nhìn, tay thoăn thoắt chuẩn bị trụng hủ tiếu, xắt thịt. Hỏi “Ủa, dì hổng hỏi người ta ăn gì luôn hả?” thì dì cười, nụ cười rất bình dị “Những ghe hàng dưới dòng sông này dì đều biết. Họ là khách hàng của dì mấy chục năm rồi. Dì thương họ lắm…”.
Câu nói sau cùng như thả vào trong gió, tôi nghe vẫn chưa hiểu. Cho đến khi tô hủ tiếu tú hụ được anh Tư dừa ngồi húp sì sụp, nghe thoáng tiếng dì hỏi: “Còn đói không, trụng thêm hủ tiếu nghe”. Một tô hủ tiếu vừa thịt vừa xương, nhìn thôi đã no bụng mà “bà Đen” chỉ lấy có 10 đến 15 ngàn đồng, chưa no thì được ăn thêm. Còn mấy đứa học trò trường huyện, nhà ở xa, buổi sáng hay buổi trưa tan học, ôm cặp ra bến sông, gọi bà Đen ơi cho con 5 ngàn, 7 ngàn hủ tiếu là no cái bụng đi học hay học tiếp buổi chiều.
Tôi hỏi tiếp, dì bán vậy sao lời? Dì cười, lời ít xịt hà. Nhưng thích bán vậy đó. Tụi nó nghèo, nhà xa, đi học được là mừng cho nó. Mình phụ chút công đức. Xưa bán là để nuôi con, vì cuộc sống. Giờ bán là vì nhớ sông, nhớ ghe, nhớ những người quen xưa cũ.
Tôi xin dì Mỹ được phép xuống ghe hủ tiếu của dì ngồi thử. Ngồi một chút thì đã không thể chịu được sự chòng chành, lắc lư của sóng nước. Nhất là khi có ghe xuồng lớn chạy ngang, chiếc ghe với bao nhiêu thứ đồ dùng dụng cụ trên đó gần như muốn lật úp. Vậy mà dì ngồi trên đó hơn 30 năm, với nồi hủ tiếu lúc nào cũng nóng hổi như tấm lòng thơm thảo của dì với dòng sông, với bến quê. Hình ảnh chiếc ghe hủ tiếu bà Đen như là một ký ức, một điều cuối cùng còn sót lại của hồn quê xưa.
Chia tay, tôi chỉ ước dì Mỹ còn mạnh khỏe hoài, để hằng ngày sông quê còn thấy bóng con đò nhỏ với tiếng rao “Ai hủ tiếu hông?”. Nếu vắng những người như dì, sông quê sẽ quạnh quẽ lắm…
Theo KIM PHƯỢNG (Pháp luật TP. HCM)


0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.