Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang cho biết: “Thông qua việc xác định giá trị của nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định, tỉnh An Giang là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo. Cư dân cổ này đã từng sinh tụ và phát triển tại đây, họ là những cư dân bản địa sớm tiếp nhận tinh hoa của văn hóa Ấn Độ và tạo dựng nên nền văn hóa huy hoàng tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII đầu công nguyên. Không gian phân bố văn hóa Óc Eo vô cùng rộng lớn cả Nam Bộ Việt Nam và ra một số nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Óc Eo - Ba Thê (An Giang) được xác định có thể là một cảng thị, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của nhà nước Phù Nam khi xưa”.
Từ những tiềm năng văn hóa như thế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo để phát triển du lịch. Trong đó có việc hình thành Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang để quản lý trực tiếp về chuyên môn, thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo ở cấp tỉnh. Đây là một tổ chức chuyên ngành văn hóa Óc Eo đầu tiên trong khu vực Nam Bộ. Đồng thời, đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhân lực, vật lực cho xây dựng hoàn thiện trụ sở làm việc và nhà trưng bày; nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nối liền các di tích, thống kê xây dựng bản đồ di tích văn hóa Óc Eo toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và thám sát, khai quật di tích; hoàn thiện báo cáo đề xuất UNESCO gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, thông qua việc đề xuất của tỉnh An Giang, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp địa phương triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa từ tháng 8 - 2017 với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Đây là chủ trương khoa học lớn nhất từ trước đến nay, khi hoàn thành sẽ góp phần tiếp tục làm sáng tỏ thêm các giá trị nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, trong đó lấy An Giang làm tiêu điểm để nghiên cứu; xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO; có kế hoạch bảo tồn hiện đại hơn bằng nhiều hệ thống các mái che, cống thoát nước, tường rào bảo vệ… Ngoài ra, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang còn hợp tác với nhiều đơn vị để nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và đầu tư phát triển du lịch.
“Công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê còn được sự chung tay góp sức của cộng đồng địa phương. Người dân chính là những chủ nhân thật sự của di sản này, họ đã chấp hành chủ trương đầu tư phát triển của tỉnh, địa phương và hiến tặng hàng ngàn hiện vật văn hóa Óc Eo; quan trọng hơn là đa số người dân đồng thuận trong việc giao đất cho Nhà nước hơn 10ha để thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Người dân còn góp phần cùng các cơ quan chức năng phát triển di tích và bảo vệ di tích, tránh tình trạng đào phá, mua, bán trái phép cổ vật, bảo đảm tính toàn vẹn của quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
“Việc bảo tồn và phát huy đầy đủ giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, ngoài việc để UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, còn tạo sức hút đối với các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư kinh doanh vào vùng đất của Dinh lũy, Đền đài từ hàng ngàn năm trước, qua đó để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Người xưa đã từng xây dựng một cảng thị cổ phát triển sầm uất nơi đây, thì chúng ta với thời đại 4.0 hoàn toàn có thể vực dậy, phát triển vùng đất này. Như thế, văn hóa Óc Eo mới có thể trường tồn, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước và du khách gần xa” - thạc sĩ Nguyễn Hữu Giềng khẳng định.
P.V
0 nhận xét