Đại-Dương: Hệ lụy từ Bức Tường Biên Giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ
Biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ dài 2,000 km mới xây được bức tường 700 km và thường xuyên gây tranh cãi giữa hai quốc gia, giữa Đảng Cộng Hoà và Đảng Dân Chủ, giữa hai xu hướng bảo thủ và cấp tiến liên quan đến các vấn đề lịch sử, pháp lý, chính trị, nhân đạo, kinh tế.
Giai đoạn nhân loại mở rộng biên giới quốc gia khiến cho một số vùng của thổ dân Mễ Tây Cơ trở thành lãnh thổ của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ bằng một ranh giới thiên nhiên khó kiểm soát nên việc xâm nhập khá dễ dàng. Lịch sử loài người chỉ đi tới mà không thể thụt lùi vào thời đại các quốc gia chưa thành hình và được quốc tế chấp nhận.
Khi hai dân tộc láng giềng tự giác tôn trọng biên giới sẽ dẫn đến mối quan hệ hài hoà, ngược lại, cần phải làm rào giậu để phân định chủ quyền hầu tránh tranh chấp. Ai vượt biên giới bị coi như bất-hợp-pháp mà với số đông thì tương tự hành động xâm lăng.
Một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh bị thực dân Châu Âu cai trị và bóc lột. Hoa Kỳ giúp Châu Mỹ La Tinh phát triển và ngăn Cuba thống trị vùng này. Che Guevara, đồng chí của Fidel Castro, đã xuất cảng chiến thuật du kích tới Châu Mỹ La Tinh bị dập tắt khi sa lưới tại Bolivia năm 1967.
Kinh tế Hoa Kỳ phát triển như vũ bão nên rất cần nhân công từ người láng giềng phương Nam, kể cả người lao động khắp Châu Mỹ La Tinh.
Tuy nhiên, việc kiểm soát lỏng lẻo biên giới phía Nam tạo điều kiện cho băng đảng từ Nam Mỹ tuồn tội phạm, ma tuý, buôn lậu, gái điếm, buôn người làm nảy sinh quá nhiều tệ nạn cho Hoa Kỳ.
Hiện tại, 11 triệu di dân bất-hợp-pháp trên đất Mỹ và Toà Bạch Ốc cho biết hàng ngày có khoảng 2,000 người vào nước Mỹ bất-hợp-pháp, và mỗi năm bọn buôn người đã bán 100,000 trẻ em qua biên giới làm nô lệ tình dục. Di dân bất-hợp-pháp đã vào được Mỹ thì rất khó kiểm soát và trục xuất.
Bất cứ chính quyền nào cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ biên cương và an ninh, an toàn cho dân tộc bằng mọi giá.
Thử hình dung hàng chục ngàn di dân bị kích động tràn qua biên giới thì tốt nhất Chính phủ Mỹ đừng để chuyện khủng khiếp đó diễn ra.
Không thể đặt nhân đạo cho di dân quan trọng hơn đối với người Mỹ. Hoa Kỳ giàu mạnh không thiếu bàn tay, khối óc và máu xương của dân Mỹ nên phải đặt họ lên vị trí cao nhất.
Một số chính trị gia và giới tinh hoa Mỹ cư ngụ trong các ngôi nhà có tường, rào bao quanh lẫn hệ thống điện tử giám sát và khi ra ngoài đều có vệ sĩ. Tại sao dân tộc Mỹ không có quyền xây tường để bảo vệ quốc gia và gia đình? Phải chăng sinh mạng của người bình dân rẻ hơn kẻ có quyền thế?
Hôm 15/02/2019, Tổng thống Donald Trunp đã Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia vì Quốc hội chỉ cấp $1.4 tỉ, trong số $333 tỉ ngân sách quốc gia, để xây 55 dặm tường so với yêu cầu $5.7 tỉ dùng xây 234 dặm dù đã mặc cả suốt hai tháng trường với 35 ngày đóng cửa một phần chính phủ.
Điều luật Khẩn cấp Quốc gia (National Emergencies Act) hiệu lực từ năm 1979 đã có 58 lần tuyên bố mà 31 hiện còn hiệu lực.
Phe Dân Chủ cáo buộc Tổng thống Trump đã phá vỡ môi trường cân bằng quyền lực được Hiến pháp quy định nên có kế hoạch trình bày một dự luật nhằm chặn đứng Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp của Tổng thống.
Nhưng, khó tìm được 2/3 số phiếu tại Thượng viện mà dù được thông qua cũng sẽ bị Tổng thống Trump phủ quyết lần đầu kể từ khi nhậm chức. Chủ tịch Thượng viện, Mitch McConnell ủng hộ quyết định của Tổng thống.
Các chánh án ở California và Nữu Ước chắc chắn sẽ đâm đơn kiện Tổng thống Trump lạm quyền nhằm giúp Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử 2020. Tối cao Pháp viện có thể coi vụ này như tranh chấp chính trị nên sẽ để cho giới chính trị gia quyết định.
Mỗi dân tộc có toàn quyền quyết định hệ thống chính trị quốc gia và chịu trách nhiệm đối với sự tồn vong và phát triển của quốc gia, không có luật trừ.
Từ một thuộc địa của Vương quốc Anh, dân Mỹ đã đấu tranh vũ trang giành độc lập và từng bước xây dựng được một quốc gia giàu mạnh và tiến bộ nhất thế giới.
Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thông qua từ năm 1787 quy định hệ thống chính trị cân bằng quyền lực cho tới nay không hề thay đổi đã đóng vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng và hùng cường.
Trong Thông điệp đầu năm 2019, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Hoa Kỳ được thành lập bằng tự do và độc lập, không phải sự cưỡng chế, áp đặt và kiểm soát của chính phủ. Chúng ta khi sinh ra đã tự do và sẽ tiếp tục tự do … rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa”.
Hoa Kỳ khuyến khích các quốc gia láng giềng phương Nam noi gương, nhưng, không hề áp đặt khuôn mẫu.
Các quốc gia Châu Mỹ La Tinh đã chọn hệ thống dân chủ cấp tiến kiểu Châu Âu nên bị ngụp/lặn trong các tranh chấp chính trị và quân sự triền miên. Đảo chánh xảy ra thường xuyên càng làm cho quốc gia suy yếu dù cho có tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Dưới sự lãnh đạo của hai vị tổng thống thiên tả mà Ba Tây đã rơi vào khủng hoảng kinh tế nên cử tri đã bầu cho ứng viên Jair Bolsonaro làm tổng thống thứ 38 từ tháng 1-2019, từng ủng hộ và hữu khuynh hơn Tổng thống Trump. Hai vị tổng thống tiền nhiệm của Bolsonaro đang ăn cơm tù.
Venezuela có trữ lượng dầu hoả nhiều nhất thế giới, nhiều mỏ kim loại, kể cả vàng, mà chỉ cần hai thập niên, Tổng thống Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro áp dụng nền chính trị cực tả làm cho 3 trong số 30 triệu công dân đã phải chạy sang các nước láng giềng để kiếm thức ăn, giới trí thức moi thùng rác để kiếm thức ăn, lạm phát lên tới 1.5 triệu/phần trăm trong khi giới cầm quyền và 2,000 tướng lãnh vẫn sống phè phởn. Hàng cứu đói của quốc tế đã tới biên giới Colombia, Brazil, Curacao, nhưng, Tổng thống Maduro không cho đi vào Venezuela!
Đã có 600,000 người tình nguyện tham gia chiến dịch phân phối hàng cứu trợ, kể cả nhiều chuyên gia y tế độc lập theo lời kêu gọi của Tổng thống Tạm thời Juan Guaido.
Dân chúng Venezuela đang vùng lên đòi quyền tự quyết định số phận đã được 50 quốc gia trên thế giới ủng hộ so với Nga, Trung Cộng, Thổ Nhĩ Kỳ và một tá quốc gia đứng về phía Maduro.
Dân tộc Mỹ không có trách nhiệm tới sự phát triển hoặc lạc hậu, chiến tranh hoặc hoà bình của các quốc gia Châu Mỹ La Tinh mà sao phải gánh lấy thất bại của họ? Chính các dân tộc đó phải tự chọn hệ thống chính trị phù hợp chứ không phải Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là điểm đến hấp dẫn của nhiều dân tộc trên thế giới nên nhiều hình thức di dân hợp pháp lẫn bất-hợp-pháp đã diễn ra ngày càng nhộn nhịp.
Năm 2015, Hoa Kỳ đã triệt phá đường dây nhập tịch bằng du học. Tháng 1-2019, triệt hạ ba cơ sở thai phụ Trung Quốc sinh con tại Mỹ để nhận quốc tịch. Sau khi đứa trẻ trưởng thành có quyền bảo lãnh thân nhân đến Hoa Kỳ. Xu hướng xét lại tu chính án 14 hiệu lực từ năm 1868 liên quan đến quyền công dân cho người Mỹ gốc Phi Châu khi chấm dứt cuộc Nội chiến Bắc Nam chứng tỏ mối quan tâm của Chính phủ Trump về tình trạng di dân.
Nợ công của Hoa Kỳ đã lên tới $22,000 tỉ so với $19,300 tỉ GDP sẽ không thể cưu mang kiểu di dân hợp pháp lẫn bất-hợp-pháp ồ ạt như trước mà duy trì được vị trí siêu cường kinh tế cũng như quân sự.
Tổng thống Trump có toàn quyền trích $3.6 tỉ từ quỹ xây dựng căn cứ quân sự, $2.5 tỉ từ chương trình chống ma tuý liên bang, $600 triệu từ Quỹ Tịch thu của Bộ Tài chính cộng thêm $1.4 tỉ sẽ thành $8 tỉ để xây và tu chỉnh bức tường biên giới phía Nam.
Giáo sư Danh dự Harvey Sapolsky thuộc MIT hiến kế nên thu gọn các căn cứ quân sự để có thể bán cho tư nhân xây nhà cửa, thị trấn sẽ có món tiền cần thiết mà tránh các cơn bão chính trị không cần thiết.
Người Mỹ đã xây dựng một quốc gia khiến nhiều người muốn đến sinh sống, nhưng, di dân sẽ ra đi khi Hoa Kỳ cạn kiệt hoặc chẳng còn gì để lợi dụng.
Đại-Dương, Feb 18, 2019
Tài liệu tham khảo:
Trump Signs Spending Bill and Declares Emergency to Build Wall (Bloomberg)
Get Ready for a Real Estate Rumble and a Border Wall (National Interest)
Trump Declares National Emergency to Build Border Wall (NYT)
Trump Declares National Emergency to Fund Border Wall (Epoch Times)
Democrats vow to fight Donald Trump’s ‘unlawful’ national emergency as he reveals $8bn border wall plan (Telegraph)
Trump’s Border Battle Is Just Beginning (National Interest)
https://baotgm.net/dai-duong-he-luy-tu-buc-tuong-bien-gioi-hoa-ky-me-tay-co/
0 nhận xét