Đai Dương: Thế chiến thứ III – tuyên truyền hay thực tế
12/02/2019
Nhân loại đã gánh chịu thảm hoạ khủng khiếp trong hai cuộc Thế chiến Thứ nhất và Thứ hai nên cứ rùng mình trước nguy cơ Thế chiến Thứ ba khi vũ khí giết người hàng loạt ngày càng nhiều, tinh xảo và có mức độ huỷ diệt khó lường.
Cuộc Chiến tranh Lạnh (1947-1991) đã chấm dứt êm đẹp dù Liên Sô và Hoa Kỳ thủ đắc 99% kho vũ khí nguyên tử trên Thế giới do không thể đơn phương huỷ diệt địch thủ.
Bước vào Thế kỷ 21, Trung Cộng trở thành yếu tố bất ổn nhất thế giới. Bắc Kinh đang đe doạ sự ổn định của loài người trên ba phương diện tuyên truyền, quân sự, kinh tế.
Cộng đồng quốc tế phải đối phó thế nào hay là chấp nhận? Ai có đủ điều kiện?
Trong bài China Acts Like It’s ‘Preparing for World War III’ ngày 31/01/2019, Đài MSN dẫn lời Trưởng ban Quân vụ Thượng viện, James Inhofe “Hình như Trung Quốc đang chuẩn bị cho WWIII” và đặt câu hỏi với tờ Navy Times “Các bạn có nói chuyện với đồng minh và đối tác chiến lược rồi tự hỏi họ đang đứng về phía ai”.
Hàng năm, Bắc Kinh tung ra khoảng $500 triệu cho bộ máy tuyên truyền khắp thế giới như Đệ tam Quốc tế từng làm nhằm lũng đoạn dư luận về: (1) Trung Quốc trỗi dậy trong hoà bình. (2) Không tranh giành vị trí siêu cường. (3) Hợp tác kinh tế để mọi quốc gia đều phát triển.
Trung Cộng trỗi dậy trong hoà bình?
Cộng đồng quốc tế không đe doạ mà còn tích cực giúp Trung Cộng phát triển mọi phương diện, bất chấp khác biệt về thể chế chính trị. Tỉ phú George Soros phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 “Bắc Kinh áp đặt một mối đe doạ chết người đối với các xã hội theo những cách chưa từng có trong lịch sử” như lời ai điếu cho “chính sách phát triển kinh tế kéo theo thay đổi chính trị của Tây Phương”. Bắc Kinh nỗ lực chế tạo chiến cụ, vũ khí hiện đại với tốc độ chóng mặt để tiến hành “chiến thuật cắt lát salami” hay “chiến thuật tằm ăn dâu” nhằm chiếm từng mãnh “đất, biển, đảo”, quyền-chủ-quyền của quốc gia khác mà chẳng bị nạn nhân phản ứng mạnh và sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh lập tức áp đặt và thực thi luật pháp quốc gia ở nơi nào đã tuyên bố chủ quyền, bất chấp công pháp quốc tế. Bắc Kinh viện trợ vũ khí, huấn luyện quân đội của các quốc gia “thân hữu” nhằm lôi kéo khỏi ảnh hưởng của Hoa Thịnh Đốn.
Không tranh giành vị trí siêu cường?
Tổng thống Barack Obama đồng ý khái niệm “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” do Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra khi gặp mặt thân mật, riêng tư tại California năm 2013, nhưng, bị dư luận chỉ trích nên chẳng còn nhắc tới. Tại các diễn đàn quốc tế, Tập Cận Bình thường xuyên lập lại và tuyên bố sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu mà Bắc Kinh vẫn nhai lại “Trung Quốc không có tham vọng siêu cường”. Davos 2017, khi Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc có khả năng lãnh đạo nền kinh tế thế giới đã bị cử toạ cười oà. Các tập đoàn đa quốc tán thưởng Tập Cận Bình vì thị trường 1.4 tỉ dân Hoa Lục. Nhưng, nhân loại, đặc biệt ở Châu Á coi Trung Cộng như “một gã to xác chuyên đi bắt nạt”. Bắc Kinh gây sự với Ấn Độ, Nhât Bản, Nam Hàn, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á. Chỉ có 32% người Nam Hàn có cảm tình với Trung Cộng so với 56% ghét cay ghét đắng. Chỉ có 3% người Nhật có cái nhìn tích cực với Trung Cộng so với 73% ở chiều ngược lại. Hầu hết người Việt Nam không thích Trung Cộng vì mưu đồ xâm lược trường kỳ.
Năm 2012, Obama làm trung gian khiến cho Phi Luật Tân mất quyền kiểm soát Scarborough Shoal vào tay Bắc Kinh; 2014 bỏ mặc chuyện Tập xây 7 đảo nhân tạo tại Spratly Islands (Trường Sa, Nam Sa); 2015, Tập long trọng cam kết với Obama “không quân-sự-hoá Biển Nam Trung Hoa” mà nay Paracel Islands (Hoàng Sa, Tây Sa) và Spratly Islands đủ điều kiện thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Nam Trung Hoa; 2016 Obama chỉ trích gay gắt Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte về chiến dịch bài trừ ma tuý. Obama đã tạo điều kiện cho Tập tăng tư thế siêu cường và đẩy một số quốc gia trên thế giới vào vòng tay Bắc Kinh.
Hợp tác quốc tế để mọi quốc gia cùng phát triển?
Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn thay mặt cho Tập Cận Bình phát biểu tại Davos 2019: “Hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể thiếu nhau … chúng ta cùng làm chiếc bánh ngày càng to mà không nên quan tâm ai chia phần hơn … Tăng trưởng GDP 6.6% không tệ”. Giáo sư Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo) thuộc Đại học Nhân Dân Bắc Kinh cho rằng nhóm nghiên cứu tăng trưởng GDP đã đưa ra hai kết luận 1.67% hoặc là âm. Dư luận quốc tế cũng hoài nghi vì nền kinh tế Trung Cộng có nguy cơ bễ bóng. Soros chỉ trích quyết liệt Sáng kiến Đới và Lộ (BRI) vì nó được thiết kế để thúc đẩy lợi ích của Trung Cộng, chứ không phải lợi ích của các nước tiếp nhận”.
Trong Thông điệp đầu năm 2019, Tổng thống Donald Trump nói: “Tôi không đổ lỗi cho Trung Cộng đã lợi dụng chúng ta mà trách các nhà lãnh đạo và đại diện của chúng ta đã để chuyện này cứ tái diễn”.
Hầu hết các quốc gia giao thương với Trung Cộng đều bị thâm hụt mậu dịch, bất kể giàu/nghèo, phát triển/lạc hậu. Có 5 quốc gia đã sập “bẫy nợ” của Bắc Kinh buộc phải cầm thế đất đai, quyền-chủ-quyền trong khi hàng chục nước khác đang đứng trên bờ vực “bẫy nợ” của gã khổng lồ tham tàn.
Maldives, Pakistan, Mã Lai Á, Myanmar, Thái Lan … đang huỷ bỏ các dự án quan trọng với Bắc Kinh vì sợ chính sách thực dân và đồng hoá của Hán Tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam có quá nhiều gắn bó với Bắc Kinh nên giới lãnh đạo tiếp tục sao chép mô hình Trung Cộng trong không khí sục sôi phẫn nộ của toàn dân tộc.
Trung Cộng lớn mạnh nhanh chóng về quân sự, kinh tế, ngoại giao nhờ sự sai lầm về chính sách của giới lãnh đạo và sự vô tâm của cộng đồng nhân loại. Bắc Kinh chẳng những duy trì các nguyên tắc Mác-Lê-Mao mà còn gia tăng yếu tố thực dân phong kiến khi trị quốc và bang giao làm cho nước lớn hoặc nhỏ đều bị tổn thương.
So sánh tương quan lực lượng ngoại giao, kinh tế, quân sự thì chẳng có quốc gia nào đủ sức đương đầu với Trung Cộng, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump khởi đầu một cuộc trường chính chống Trung Cộng trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế, quân sự. Mỗi chiến dịch đều nhằm lật tẩy sự dối trá và gian manh của Bắc Kinh để danh chính, ngôn thuận mà đối phó khiến cho nhiều quốc gia dù muốn hay không cũng khó làm ngơ.
Hoa Kỳ rút khỏi Thoả ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do bị Trung Cộng lợi dụng. Thoả ước Nguyên tử Iran mệnh danh là Chương trình Hành động Chung (JCPA) chỉ giúp cho Iran đủ thời gian hoàn chỉnh chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Thoả ước Khí hậu Paris (UNFCCC) không có cam kết ràng buộc và thiếu cơ chế thực thi, Trung Cộng-Ấn Độ-Nga chiếm 41% lượng khí thải toàn cầu mà tha hồ xài than đá cho tới năm 2030 trong khi Hoa Kỳ-Châu Âu-Nhật Bản chiếm 27% khí thải lại bị cấm, hơn nữa Bắc Kinh-Tân Đề Ly-Nga chẳng đóng đồng nào vào quỹ $100 tỉ để thực thi! Giờ chót, Obama đã đóng $1 tỉ từ mồ hôi của dân Mỹ. Ba Thoả ước Hành pháp đó đã không được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Giải trừ Lực lượng Nguyên tử Tầm trung 1987 (INF) để tăng cường phương tiện chống hoả tiễn nguyên tử tầm trung của Trung Cộng đe doạ khu vực Châu Á.
Hoa Kỳ giúp cho Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Ấn Độ và một số quốc gia duyên hải Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng thủ mà ít can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ. Úc Đại Lợi, Pháp, Anh tiếp tục gửi thêm lực lượng Hải quân vào khu vực Đông Á.
Trump gia tăng các biện pháp ngăn chặn hành vi phá hoại công pháp quốc tế của Tập ngày càng được nhiều quốc gia đồng ý và tham gia nhằm tạo ra một môi trường thương mại bình đẳng và trong sạch.
Bắc Kinh bắt đầu co rút. Ngoại giao hết linh thiêng. Kinh tế chao đảo. Nguy cơ xáo trộn xã hội lồ lộ. Quân sự lép vế. Đồng minh ít, kẻ thù nhiều. Dấu hiệu bị cô lập đã rõ nét.
Con đường tồn tại của Trung Cộng là tuân theo luật pháp quốc tế, ngưng đe đe doạ chèn ép nước khác, dù lớn hay nhỏ. Bắc Kinh hãy nhớ bài học Trân Châu Cảng và Đệ nhị Thế chiến.
Đại-Dương, Feb 12, 2019
0 nhận xét