Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Xử lý đất cơ sở tôn giáo

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019 15:51 // ,

18-1-2019
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp: “… theo Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính nhà đất xác nhận đến 30/4/1975, Hội đồng quản trị địa phận công giáo Sài Gòn, (nay là Tòa tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh), vẫn là chủ sở hữu khu đất 184.360 m2 tọa lạc tại xã Phú Thọ Hòa, Số địa bộ 6, Số bản đồ 126/5, tờ bản đồ thứ 2, trong đó có 30.000 m2 đất tại vườn rau…” theo Trang số 3 – Công văn số 1.83.2007.285 ngày 31/8/2007 của Tòa Tổng giám mục về quan điểm của Tòa tổng giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại Khu Vườn rau, phường 6, quận Tân Bình.
Rõ ràng, theo cách gọi hiện nay đây là Hồ sơ địa chính. Nếu viết theo quy định hiện nay như sau:
Trích lục bản đồ: số bản đồ 126/5, tờ bản đồ thứ 2;
Sổ địa chính: 6;
Người sử dụng đất: Hội đồng quản trị địa phận công giáo Sài Gòn, (nay là Tòa tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh) – Đất của cơ sở tôn giáo.
Diện tích: 184.360 m2
Đây là tài liệu hợp pháp theo áp dụng pháp luật tương tự Điểm e – Khoản 1 – Điều 50 Luật đất đai 2003 và Điểm e – Khoản 1 – Điều 100 Luật đất đai 2013 “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”.
Nguồn gốc đất ban đầu định danh người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo. Mục đích sử dụng đất sau này khi người dân tới sinh sống có 2 mục đích: Đất ở và Đất nông nghiệp (trồng rau). Quan hệ dân sự về đất đai: quan hệ cho thuê, cho mượn hợp pháp tại thời điểm đó. Quan hệ hành chính (có thể có): lấn, chiếm.
Thời điểm áp dụng Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ để xử lý các mối quan hệ không phải dùng cho mục đích tôn giáo (thờ tự, hành lễ…) thì các mối quan hệ sẽ phải điều chỉnh đối với người dân: lấn chiếm, cho thuê, cho mượn.
Phía Nhà nước phải có giấy tờ chứng minh giáo dân đã “giao cho Nhà nước” theo quy định tại Quyết định số 111/CP “…Những nhà cửa ĐẤT ĐAI khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung…” Nếu không xuất trình được, giáo dân bảo chưa giao cũng có nghĩa là phá sản xét theo Hồ sơ địa chính về nguồn gốc đất.
Nhà nước can thiệp mạnh mẽ nhất vào đất khu Lộc Hưng có lẽ là thời điểm áp dụng Luật đất đai 2003 đỉnh điểm là ban hành:
Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 25/4/2008 của UBND thành phố về việc thu hồi đất giao cho UBND quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của thành phố và quận. Lưu ý, Quyết định số 1824/QĐ-UBND nguồn lấy trên báo không chính thống. Trên công báo của UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng không xuất hiện quyết định này. Quyết định số 1824/QĐ-UBND chỉ đứng vững khi Nhà nước có hồ sơ chứng minh giáo dân đã giao cho Nhà nước.
Khu đất Lộc Hưng trải qua quá trình áp dụng 2 Luật đất đai nhưng khác nhau cơ bản giữa Luật đất đai 2013 và Luật đất đai 2003 là Luật đất đai hiện hành cho phép hợp pháp hóa đất đai của cơ sở tôn giáo dùng cho mục đích nông nghiệp bằng việc cấp giấy chứng nhận (Khoản 3 – Điều 28 – Nghị định số 43/2014/NĐ-CP). Nên đất của cơ sở tôn giáo dùng cho mục đích nông nghiệp không được coi là vi phạm pháp luật, không đúng mục đích sử dụng đất để tiến hành thu hồi đất.
Cách thức hợp pháp hóa đất đai đất của cơ sở tôn giáo để giải quyết các mối quan hệ pháp luật phát sinh thực tế: lấn chiếm, đất ở cả Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013 đều có cách thức giải quyết giống hệt nhau.
Các thức thực hiện Quyền quản lý Nhà nước đối với đất đai khi đã phát sinh các quan hệ nêu trên và có nguồn gốc từ cơ sở tôn giáo, Nhà nước yêu cầu cơ sở tôn giáo phải tự rà soát, kê khai và báo cáo. Riêng đất đã dùng vào mục đích đất ở chia ra 2 dạng: đất ở của cơ sở tôn giáo, đất ở của hộ gia đình và cá nhân. Sau khi cơ sở tôn giáo tự rà soát, kê khai và báo cáo xong Nhà nước bắt đầu thực hiện quyền quản lý bằng 2 cách:
– Thu hồi đất từ cơ sở tôn giáo đối với các phần sử dụng sai mục đích sử dụng để nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với hộ gia đình, cá nhân: lấn, chiếm, thuê, mượn, sử dụng đất để ở… (Điểm a – Khoản 2 – Điều 102 – Luật đất đai 2013).
– Riêng đất ở mà cở sở tôn giáo dùng để ở Nhà nước thực hiện quyền quản lý của mình bằng việc cơ sở tôn giáo phải Bàn giao lại cho Nhà nước nếu phù hợp với quy hoạch sẽ được cấp giấy chứng nhận (Điểm b – Khoản 2 – Điều 102 – Luật đất đai 2013).
Sau khi thu hồi đất và Bàn giao từ cơ sở tôn giáo Nhà nước tiếp tục xử lý các mối quan hệ đối với hộ gia đình, cá nhân bằng thực hiện quyền quản lý của mình. Đáng chú ý nhất tại Điểm a – Khoản 2 – Điều 28 – Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: “Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế”. Cần lưu ý khi áp dụng Điểm a – Khoản 2 – Điều 28 – Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như sau:
– Bản thân đất có nguồn gốc tôn giáo Khoản 7 – Điều 66 – Luật đất đai 2003 và Khoản 7 – Điều 125 – Luật đất đai 2013 đều được quy định là “Đất sử dụng ổn định lâu dài”. Nên hộ gia đình, cá nhân sống trên đất của cơ sở tôn giáo bản thân đất đã là “Sử dụng đất ổn định” kể cả mất giấy tờ. Quyền lợi của hộ gia đình cá nhân phụ thuộc vào ngày ghi trên loại giấy tờ chứng minh sử dụng đất ổn định Khoản 2 – Điều 21 – Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
– Cơ sở pháp luật quy định để giải quyết là dựa trên nhu cầu của cơ sở tôn giáo (đất nông nghiệp, đất tôn giáo); hộ gia đình, cá nhân (đất ở, đất nông nghiệp). Đồng thời, dựa trên nhu cầu hoàn toàn khác với dựa trên quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Pháp luật quy định cơ sở giải quyết dựa trên nhu cầu không liên quan đến các quyết định hành chính của Nhà nước.
Tóm lại, Luật đất đai hiện hành và Luật đất đai 2003 đều quy định, Nhà nước muốn thực hiện Quyền quản lý nhà nước về đất đai đối với cơ sở tôn giáo có 2 biện pháp là Quyết định Thu hồi đất và Giấy tờ Bàn giao. Nguyên tắc Giấy tờ Bàn giao còn thể hiện tại Quyết định số 111/CP “…Những nhà cửa ĐẤT ĐAI khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân GIAO cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung…”.
Từ hồ sơ địa chính thời Pháp thuộc đã định danh người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo nên Nhà nước muốn thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với đất đai phải có 2 loại giấy tờ Quyết định thu hồi đất từ cơ sở tôn giáo, Giấy tờ bàn giao (đất ở của cơ sở tôn giáo, đất ở nông nghiệp & đất ở đối với giáo dân – hộ gia đình cá nhân).
Căn cứ Thư kêu cứu ngày 15/01/2019 của người dân Lộc Hưng và Công văn số 1.83.2007.285 ngày 31/8/2007 của Tòa Tổng giám mục thì phía Nhà nước chưa thể thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước đối với đất đai do chưa Ban hành Quyết định thu hồi đất từ cơ sở tôn giáo, chưa có Giấy tờ Bàn giao. Nguyên tắc chuyển giao quyền quản lý này dẫn tới vấn đề xử lý xây dựng trái phép đã đủ điều kiện xử lý hay chưa khi mà quyền quản lý chưa được chuyển giao cho Nhà nước?
Cách thức bảo vệ quyền lợi cho chính mình người dân Lộc Hưng nên bắt đầu bằng việc khởi kiện hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính. Hiện nay trong thư kêu cứu của người dân không nêu quyết định hành chính nên sẽ khởi kiện hành vi hành chính (Thông báo và Căn cứ Kế hoạch 347/KH-UBND ngày 17/12/2018 của UBND quận Tân Bình).
Giải quyết qua con đường tố tụng hành chính là ngắn nhất, bởi lẽ nghĩa vụ sưu tập chứng cứ chuyển sang nghĩa vụ của Tòa án. Đồng thời phía nghĩa vụ tài chính khi theo đuổi vụ kiện phù hợp với người dân Lộc Hưng theo giá xé vé đồng hạng 300 ngàn đồng/vụ. Nhưng bù lại sẽ được bồi thường trách nhiệm dân sự từ phía Nhà nước, án phí dân sự trong vụ án hành chính sẽ không phải nộp đối với vụ án hành chính trước khi xét xử là 1 thuận lợi về tài chính.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.