Xây dựng núi Cấm thành “công viên tôn giáo quốc tế”
03/01/2019 - 07:50
Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi Cấm có đủ các yếu tố để phát triển thành điểm du lịch quốc tế hấp dẫn, giữ chân được du khách và thu hút họ quay lại nhiều lần. Vấn đề cần làm là quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, giao thông, thu hút nhà đầu tư đủ mạnh để xây dựng núi Cấm thành “công viên tôn giáo quốc tế”.
Trả lại sự thanh bình
Được UBND tỉnh mời nghiên cứu, tư vấn cho du lịch An Giang, ông Guillaume Van Grinsven, chuyên gia của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan (PUM), đặc biệt ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh.“Địa hình An Giang rất đa dạng, có sông ngòi, rừng và 37 ngọn núi mọc lên sừng sững giữa vùng đồng bằng với những huyền tích bí ẩn. An Giang có rất nhiều nét văn hóa và lịch sử, với những câu chuyện về tôn giáo, về những nơi tôn nghiêm, thần thánh, với những ngôi chùa, miếu” - ông Guillaume nhận xét.
Núi Cấm với cảnh quan hùng vĩ, yên bình, tiềm năng phát triển thành trung tâm du lịch tâm linh quốc tế
Chuyên gia này cho rằng, trong khi núi Sam với miếu Bà Chúa Xứ đặc biệt gắn liền với văn hóa, thích hợp cho khách du lịch Việt Nam thì núi Cấm có nhiều bối cảnh tôn giáo, có khả năng phát triển thành một điểm đến quốc tế.“Núi Cấm vừa có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vừa đặc sắc về văn hóa với những ngôi đền, chùa, tượng Phật có kiến trúc đẹp mắt, thu hút nhiều du khách hành hương, cúng bái. Trải nghiệm không khí tâm linh là lý do quan trọng để khách du lịch đến với Đông Nam Á. Khách du lịch có thể ở đây vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng để hiểu thêm về bản thân, để luyện sức khỏe về mặt tinh thần và thể chất trong các cơ sở tín ngưỡng như thiền viện(những nơi này thường có kết hợp với các khu spa nghỉ dưỡng). Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh. Núi Cấm đóng một vai trò quan trọng để phát triển lĩnh vực du lịch này” – ông Guillaume phân tích.
Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân du khách đến đây, núi Cấm phải khắc phục được những bất cập hiện nay. Trước hết, cần nghiên cứu điều phối giao thông, trung chuyển khách trên đỉnh núi bằng xe điện hoặc xe chạy bằng năng lượng mặt trời, tiến tới chấm dứt hoạt động của “đội quân” xe máy vốn gây ồn ào, ảnh hưởng đến sự thanh tịnh, nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tiếp theo, cần cải thiện, phục hồi đỉnh núi Cấm thành một nơi an bình, hạnh phúc và an yên như cách đây hàng trăm năm. Hiện nay, bên cạnh hoạt động xe máy nguy hiểm, ngày càng có nhiều người sinh sống tạm bợ, bất hợp pháp tại đỉnh núi, ảnh hưởng nhiều đến sự yên bình, hạnh phúc của ngày xưa. “Cần giải quyết những vấn đề này mới có thể phát triển núi Cấm theo hướng tích cực, bởi đây là nơi có tiềm năng phát triển khách du lịch quốc tế cao nhất tại An Giang” - chuyên gia Hà Lan lý giải.
Nâng tầm quốc tế
Ông Guillaume Van Grinsven cho biết, núi Cấm hiện đã có tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm, nhiều chùa, điện, miếutâm linh. Đây là những điểm thu hút du khách nhưng cần cải thiện theo chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế. “Có thể phát triển nơi đây thành một trung tâm thông tin để giới thiệu về tôn giáo trong khu tượng Phật, lối đi bộ thiện ngẫm trong rừng, một khu trung tâm thiền định.Điều quan trọng nhất là cần phát triển một trung tâm quốc tế tập trung vào sự yên bình, hạnh phúc, sự khỏe mạnh, một trung tâm tôn giáo cho Việt Nam để có thể cạnh tranh với Thái Lan, Lào hay Campuchia” - ông Guillaume gợi ý.
Hiện nay trên thế giới, “chánh niệm” (mindfulness) - sự an yên về tâm trí - là một khái niệm đang rất phổ biến toàn cầu. “Đó là một khái niệm Phật giáo nhưng rất ít người biết được điều này bắt nguồn từ Việt Nam”- ông Guillaume khẳng định. Theo đó, mỗi năm, hàng trăm ngàn khách Tây “ba-lô” và khách du lịch đến khắp Đông Nam Á, họ tìm kiếm sự bình yên trong tâm trí và xem mindfulness là một phương pháp rèn luyện quan trọng. Hiện nay, khách dành phần lớn thời gian ở Ấn Độ hoặc Thái Lan, Campuchia là điểm đến của cộng đồng tôn giáo, thiền viện. “Họ di chuyển từ Campuchia đến TP. Hồ Chí Minh, ngang qua An Giang mà không dừng lại. Đây là cơ hội để kết hợp truyền thống với những giá trị tôn giáo từ hàng thế kỷ nay cùng khái niệm bình yên của người Việt, đó là chánh niệm” - ông Guillaume thông tin.
Theo chuyên gia này, để thu hút khách trải nghiệm không khí tâm linh,không cần bắt đầu với một trung tâm lớn, hãy bắt đầu với chất lượng, từng bước một và phát triển trung tâm này trở nên lớn hơn. “Có thể bắt đầu với cơ sở lưu trú từ 2-3 sao và mời những bậc thầy, thiền sư tốt nhất với những khóa đào tạo tốt cùng cơ sở vật chất tốt. Qua thời gian, phát triển thêm cơ sở lưu trú cao cấp, kết hợp với spa và cơ sở chữa bệnh, tận dụng những loài thảo mộc, cây quý được tìm thấy trên núi.Việc đầu tư phát triển với các hạ tầng, dịch vụ mang tầm quốc gia hoặc quốc tế sẽ tạo nên sự khác biệt, thu hút nhiều du khách lưu trú và chi tiêu hơn. Khi đầu tư thực tế sinh lợi sẽ tạo điều kiện để tái đầu tư phát triển. Từ đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, góp phần phát triển dân sinh” - ông Guillaume nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN
0 nhận xét