Tin Việt Nam – 27/10/2019
Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019
17:14
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Thêm cáo buộc quản lí sai trái
nhắm vào cựu lãnh đạo TP.HCM
Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bị khởi tố về một cáo buộc quản lí sai trái tài sản nhà nước nữa liên quan tới một giao dịch giữa một cơ quan văn hóa của thành phố và một công ty bất động sản, Bộ Công an Việt Nam cho biết.
Đây là cáo buộc hình sự thứ hai nhắm vào ông Tài, người đã bị khởi tố và câu lưu vào tháng trước vì “vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến một khu đất “vàng” trên đường Lê Duẩn ở Quận 1 của thành phố.
Thông cáo của Bộ Công an công bố hôm thứ Sáu cho biết quyết định khởi tố được đưa ra vào ngày 18 tháng 1 dựa trên những “tài liệu, chứng cứ” thu thập được trong quá trình điều tra. Ông Tài bị nêu tên cùng với ba cựu quan chức khác của TP.HCM là Trần Nam Trang, phó giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Thành Rum, nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và Vy Nhật Tảo, nguyên giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Một người khác là Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông cáo nói thêm.
“Tài liệu điều tra xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về quản lí, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước,” Bộ Công an nói.
Bộ không nêu cụ thể giá trị thiệt hại là bao nhiêu hay hành vi vi phạm bị cao buộc xảy ra vào lúc nào.
Các bị can hiện đang bị tạm giam trong khi cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ tiếp tục “điều tra làm rõ, mở rộng vụ án,” Bộ nói.
Ông Nguyễn Thành Tài từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố từ năm 2011 đến năm 2015. Ông Vy Nhật Tảo là một nhạc sĩ được biết tiếng với một số bài hát quen thuộc với công chúng như “Yêu nhau ghét nhau” và “Chuyến đò quê hương.”
Nữ đại gia nổi tiếng một thời ở Sài Gòn
và 4 quan chức CSVN bị bắt
Tin Saigon – Báo Vnexpress ngày 26 tháng 1 loan tin, cơ quan cảnh sát điều tra bộ công an CSVN đã bắt giam bà Dương Thị Bạch Diệp, giám đốc công ty Diệp Bạch Dương vào ngày 18 tháng 1, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án này còn có ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND của nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn; ông Trần Nam Trang, phó giám đốc Sở tài chính thành phố; ông Nguyễn Thành Rum, nguyên giám đốc Sở văn hoá thể thao và du lịch và ông Vy Nhật Tảo, nguyên giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố Sài Gòn. 4 bị can này bị bắt về tội “vi phạm quy định về cai quản tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Các bị can được xác định đã vi phạm quy định về hoán đổi tài sản của nhà cầm quyền CSVN tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở văn hoá Sài Gòn với công ty Diệp Bạch Dương và Agribank chi nhánh Sài Gòn. Sự việc này được đánh giá gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Theo thông tin thì bà Bạch Diệp trước đây từng là viên chức nhà nước của nhà cầm quyền CS, đã từng bị nhà cầm quyền bắt giam 2 lần nhưng cơ quan công an không tìm ra được bằng chứng phạm tội nên bà được trả tự do. Sau những biến cố này, bà Diệp nghỉ việc và ra ngoài kinh doanh bất động sản vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Thời gian này bà được xem là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, không có đối thủ cạnh tranh nên bà sớm trở thành nữ đại gia bất động sản lừng lẫy một thời ở Sài Gòn.
An Nhiên
Vì sao nhiều người Việt ở lại Đài Loan bất hợp pháp?
Cindy SuiBBC News, Đài Bắc
Vụ việc 152 công dân Việt Nam “mất tích” ngay sau khi tới Đài Loan bằng visa du lịch tháng 12 năm 2018, cũng thể hiện chính phủ Đài Loan đã “vất vả” thế nào khi tìm cách tăng du khách vì lượng thăm viếng từ Trung Quốc giảm mạnh.
152 trong số 153 người Việt vào Đài Loan hôm 21 và 23/12 đã biến mất tức thì.
Theo giới chức Đài Loan, sau đó họ biết rằng ba người trong nhóm đã rời khỏi Đài Loan, một người thì bắt được liên lạc, nghĩa là còn 148 người biến mất.
Tính đến ngày 20/1, Đài Loan nói đã tìm ra 87 người khác, và cố gắng tìm tiếp 61 người còn lại (gồm 44 đàn ông, 17 phụ nữ).
Từ khi quan hệ với Bắc Kinh xấu đi dưới thời tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên cầm quyền năm 2016, số du khách Trung Quốc tới hòn đảo giảm 39%, từ hơn 3,43 triệu năm 2015 còn hơn hai triệu năm 2017.
Mất doanh thu du lịch, và cũng muốn bớt phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, chính phủ Đài Loan từ 2016 đề ra chính sách Hướng Nam Mới để xây dựng quan hệ với nhiều nước, gồm cả Đông Nam Á.
Đài Loan cũng quảng bá dự án visa điện tử Quan Hồng, nhằm tăng số lượng nhóm khách du lịch (ưu đãi cho nhóm khách từ 5 người trở lên) từ tháng 11/2015. Theo đó, công dân sáu nước như Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ…được thăm Đài Loan theo thủ tục dễ dàng nếu nộp đơn qua các công ty du lịch do Đài Loan chỉ định.
Tuy vậy, một số người tới thăm đảo không có ý định làm du khách.
Trong vụ việc mới nhất liên quan nhóm công dân Việt Nam, thông tin mới nhất cho hay các tay trung gian đã lấy từ 1.000 đến 3.000 đôla Mỹ mỗi người, hứa hẹn tìm việc cho họ làm ở Đài Loan.
Trong số 88 người được tìm thấy, đa số làm việc ở các nông trại, hay công việc phi pháp, có người thì ở chung với gia đình đã có giấy tờ ở Đài Loan. Cũng có một số nhỏ tham gia bán dâm và nợ tiền nhóm trung gian, khiến họ thành nạn nhân buôn người, theo lời giới chức.
Thống kê khác của cơ quan di trú Đài Loan cho thấy trong 31.455 người nước ngoài ở lại quá hạn visa ở Đài Loan tính tới tháng 11/2018, thì đa số lại là người Việt, theo sau là Indonesia.
Hsieh Wen-chung, một quan chức của cơ quan di trú Đài Loan, nói họ tin rằng người Việt tới Đài Loan làm việc phi pháp vì có người thân đã sống ở Đài Loan.
“Đa số người tới đâu không có giàu. Nhiều người muốn tìm thân nhân, bạn bè, và tất cả muốn làm việc.”
“Đa số có liên hệ tại đây. Ví dụ, một người thì đã có chồng làm việc hợp pháp ở Đài Loan.”
Ông Hsieh nói trong số 88 người vừa tìm ra, có khoảng 10 người đến để bán dâm.
“Không phải ai cũng tự nguyện. Một số bị lừa, bị lấy tiền. Họ nói họ không biết phải bán dâm.”
“Một số bị nhóm trung gian tịch thu hộ chiếu, và bọn chúng lấy khoản tiền vay để đe dọa, kiểm soát họ.”
Theo ông Hsieh, một nguyên do có thể khiến những người này đến Đài Loan phi pháp vì như thế, họ sẽ không phải trả bớt tiền lương tháng cho những công ty trung gian.
Phí trung gian ở Việt Nam lâu nay có tiếng là rất cao. Nhiều người tin rằng đây là lý do vì sao người Việt chiếm gần một nửa – 24.000 người – trong số 51.982 người lao động nhập cư rời bỏ công việc hợp pháp để làm việc phi pháp ở Đài Loan, tính tới tháng 11/2018.
Gần đây cơ quan di trú Đài Loan có sáng kiến về chương trình ra đi tự nguyện dành cho những ai ở lại quá hạn. Nếu họ ra trình diện, họ sẽ không bị giam giữ, không tiền phạt.
Chương trình visa Quan Hồng dự kiến sẽ kết thúc ngày 31/12/2019.
Một chương trình khác nhằm đưa sinh viên Đông Nam Á sang học ở Đài Loan cũng làm chính phủ đau đầu. Có phát hiện nhiều sinh viên Indonesia sang đây thì lại đi làm ở nhà máy.
Nhưng do rất muốn tăng du khách, có lẽ chính phủ Đài Loan vẫn sẽ tìm thêm cách để thu hút người sang, dù là du khách hay sinh viên.
Một số dân biểu cho rằng các chương trình tạo điều kiện visa như Quan Hồng cứ tiếp diễn vì số người mất tích chưa đầy 1%.
Tuy nhiên, cũng có lo ngại sẽ có thêm nhiều người muốn tới Đài Loan làm việc phi pháp.
Tổ chức Stefanusalliansen kêu gọi viết thư
cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển
Tin từ Oslo – Tổ chức Stefanusalliansen (Stefanus Alliance International) đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế và trong nước viết thư động viên cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án tù tại Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Bắc Truyển là một phật tử Hòa Hảo, người đã bị giam cầm hai lần vì tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Sau khi ra tù năm 2010, ông sáng lập tổ chức Hiệp hội Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, một tổ chức hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ đến thăm nhà tù, trợ giúp pháp lý và học bổng cho những con em nếu không có tiền đi học. Ông đã cung cấp trợ giúp pháp lý và giáo dục pháp lý miễn phí cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số và tôn giáo, những người gặp phải sự phân biệt đối xử ở Việt Nam như Hòa Hảo, H’Mông, Kitô hữu và Cao Đài.
Vào tháng 7 năm 2017, ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị bắt trên đường phố và bị biệt giam trong nhiều tháng mà gia đình không có biết chuyện gì đã xảy ra. Vào tháng 4 năm 2018, ông bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế.
Stefanusalliansen kêu gọi gửi thư cho ông trong nhà tù để khích lệ ông nhằm yêu cầu nhà tù cải thiện điều kiện giam giữ. Bằng cách gửi thư cho các tù nhân, họ sẽ nhận được nhiều thức ăn, thuốc men và đối xử tốt.
Stefanusalliansen là một tổ chức truyền giáo và nhân quyền Kitô giáo, tập trung đặc biệt vào tự do tín ngưỡng và tôn giáo như được thể hiện trong Điều 18 của Tuyên bố Nhân quyền của Liên Hợp quốc.
Quốc Tuấn
Kiểm điểm về nhân quyền
UPR 2019 tại Geneve, Thụy Sĩ
Vào ngày thứ Ba (22 tháng 01), nhân lúc cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của nhà cầm quyền CSVN đang diễn ra lúc 14g30, có khoảng 500 người Việt Nam và thân hữu Thụy Sĩ đã biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, tại Genève.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Tăng Lũy – trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình cho biết, đã có 34 tổ chức và hội đoàn ngừoi Việt từ khắp thế giới về Thụy Sĩ để tham gia cuộc biểu tình.
Đây là lần thứ ba nhà cầm quyền CSVN là đối tượng của báo cáo nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Lần báo cáo UPR trước là vào năm 2014. Lần này nhà cầm quyền quyền CSVN đã nhận được 227 khuyến nghị cải thiện.
Theo cô Jade Dussart, giám đốc văn phòng Á châu của Kitô giáo chống tra tấn (ACAT) thì “tự do báo chí đã bị hạn chế kể từ chu kỳ UPR lần trước.” Lý do là một đạo luật về an ninh mạng đã bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng này, và theo cô, CSVN bắt buộc những cơ quan truyền thông mạng phải kiểm duyệt mọi nội dung được coi như chống đối chính phủ, phải lưu trữ các dữ kiện của khách hàng trên lãnh thổ Việt Nam và cung cấp cho nhà cầm quyền khi được yêu cầu.
Dân biểu của Genève, ông Rolin Wavre (đảng Tự do Cấp tiến), chủ tịch của COSUNAM, có mặt trong cuộc biểu tình, đã cho biết: “Tập báo cáo SHADOW REPORT mà COSUNAM đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc bao gồm 450 trường hợp có hồ sơ của những người bị hăm dọa và bắt giữ vì bất đồng chính kiến.”
Trước đó một ngày, vào thứ Hai, một đêm văn nghệ đấu tranh với sự hiện diện đặc biệt của nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh từ Mỹ sang đã quy tụ hơn 300 người tại hội trường Ferme Sarasi.
Ông Nguyễn Tăng Lũy cho biết thêm là các đài truyền hình và báo chí Thuỵ Sĩ đã tường thuật rộng rãi về diển tiến cuộc vận động của đồng hương VN. (BBT)
Hoãn EVFTA: Sức mạnh nào của giới xã hội dân sự?
Ngay sau khi tin tức về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) bị Liên minh châu Âu (EU) hoãn lại việc phê chuẩn lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trong dư luận (trừ mặt báo nhà nước) vào ngày 24/1/2019, một số nguồn tin từ nội bộ đảng CSVN đã xác nhận tâm trạng chung của giới lãnh đạo cao cấp là bị bất ngờ và thất vọng đến mức ‘mặt cứ thượt ra’ mà không biết phải nói gì.
‘Mặt cứ thượt ra’
‘Không biết nói gì’ cũng là cách mà Bộ Ngoại giao thông qua người phát ngôn của mình thể hiện vào ngày 24/1 trong một cuộc họp báo. Trang thông tin điện tử của Chính phủ tường thuật rằng khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một số tổ chức dân sự kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu thông qua EVFTA, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ nói là hiện nay cả Việt Nam và EU đang tích cực các nỗ lực và thủ tục để sớm có thể chính thức phê chuẩn và đưa EVFTA đi vào thực thi. Nhưng hoàn toàn không có bất kỳ một lời lên án hay chỉ trích nào – theo não trạng và thói quen trước đây – đối với ‘một số tổ chức dân sự’ mà trong rất nhiều lần thể chế độc đảng độc trị Việt Nam đã gán ghép với ‘các thế lực thù địch’ và ‘diễn biến hòa bình’.
Vậy ‘một số tổ chức dân sự’ là những tổ chức nào?
‘Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng’
Vào trung tuần tháng 11 năm 2019 khi Hội đồng châu Âu chuẩn bị một cuộc họp để bỏ phiếu về khả năng có phê chuẩn EVFTA và sau đó trình cho Nghị viện châu Âu hay không, một bản kiến nghị khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, yêu cầu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyền Việt Nam đã không làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền, và ‘nhân quyền trên hết’ – điều kiện cần của Nghị viện châu Âu – cho tới nay đã hoàn toàn bị chính thể độc trị ở Việt Nam phớt lờ.
Nhiều cái tên tổ chức xã hội dân sự trong nước mà chính quyền Việt Nam nhẵn mặt đã hiện diện trong bản kiến nghị trên: Hội Bảo vệ quyền tự do tôn giáo, Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Bầu Bí Tương Thân, Defend the Defenders và một số tổ chức tôn giáo khác. Hoàn toàn có thể thông cảm với tâm trạng bị bất ngờ và thất vọng của giới chóp bu Việt Nam khi nhận được tin EVFTA bị hoãn. Bởi trước đó, ‘đảng và nhà nước ta’ vẫn tự tin với kết quả ‘EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn’ cùng một luồng dư luận trong nội bộ đảng về ‘châu Âu cần Việt Nam hơn Việt Nam cần châu Âu’, đặc biệt sau cuộc điều trần EVFTA tại Brussels của Bỉ vào tháng 10 năm 2018 mà sau đó Ủy ban châu Âu đã chuẩn thuận EVFTA và gửi tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét phê chuẩn, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng ca về ‘thắng lợi EVFTA’.
Trạng thái tự tin của giới chóp bu Việt Nam còn kéo dài đến giữa tháng 1 năm 2019, với những tờ báo nhà nước khấp khởi tin tức ‘EVFTA sắp được phê chuẩn’ khi Hội đồng châu Âu, do sức ép của một số nghị sĩ và doanh nghiệp châu Âu muốn thúc đẩy nhanh thủ tục của hiệp định này mà không đếm xỉa đến tình trạng nhân quyền bị xâm phạm trầm trọng ở Việt Nam, chuẩn bị mở một cuộc họp về vấn đề này.
Nhưng thái độ tự tin thái quá đã phải trả giá. Những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam – giới mà chính quyền luôn coi thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của đảng CSVN, đã làm nên một chiến thắng ngoạn mục nhưng được tích lũy bởi chiều sâu hệ thống: bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA đã có tác động đáng kể đến EU.
Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng lòng’ đối với đảng CSVN: nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn. Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối trá về nhân quyền.
Chỉ ít tháng trước chiến thắng về hoãn EVFTA, giới tổ chức xã hội dân sự cũng đã giành một thắng lợi quan trọng: vào tháng 9 năm 2018, 50 tổ chức dân sự đã đồng loạt gửi thư cho các cơ quan quốc tế về tình trạng hãng Facebook có nhiều dấu hiệu và biểu hiện ‘đi đêm’ với chính quyền Việt Nam để bóc gỡ nhiều ‘tin phản động’ – mà thực chất là bài viết mang tính phản biện chính quyền của những người đấu tranh nhân quyền. Sau đó và cùng với một cuộc điều trần của lãnh đạo Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ, Facebook đã phải điều chỉnh thái độ ‘bóc gỡ’, để cho đến đầu năm 2019 Facebook đã bị chính quyền Việt Nam chỉ đạo cho hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng loạt đấu tố về thái độ ‘bất hợp tác’ và không chịu đóng thuế.
Còn giờ đây sau vụ EVFTA bị hoãn, có lẽ giới chóp bu Việt Nam đã phải nhìn nhận Xã hội dân sự không chỉ là một thực thể, mà còn là một thực thể không hề yếu ớt trong cuộc chiến nhân quyền với chính quyền, rất tương hợp với cảnh ‘nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng’.
Chiến thắng mang tên EVFTA của giới xã hội dân sự vào đầu năm 2019 có thể là một điềm tốt cho xu thế nhân quyền tăng tiến tại Việt Nam trong năm nay, nhưng lại là một điềm xấu cho sự tồn vong của chế độ ‘Việt Nam cùng Venezuela nắm tay nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội’.
Cơ hội còn lại cho đảng độc trị
Theo lịch trình dự kiến trước đây mà chính phủ Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng và đã triển khai nhiều cuộc vận động vừa ngấm ngầm vừa công khai để hoàn thành thủ tục ký kết và phê chuẩn càng sớm càng tốt, Hiệp định EVFTA có thể sẽ được Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét phê chuẩn vào tháng Hai năm 2019. Tiếp đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để thông qua.
Nhưng quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.
Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU và là cơ quan có thẩm quyền rất quan trọng, bên cạnh Hội đồng châu Âu, để trình dự thảo EVFTA cho Nghị viện châu Âu xem xét – tuy là người được xem là ôn hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử một quốc hội mới của châu Âu – với những gương mặt mới và quan điểm mới mà rất có thể sẽ ưu tiên nghị trình cho những vấn đề cấp thiết khác chứ không phải là xem xét phê chuẩn EVFTA để Việt Nam được ‘ăn sẵn và ăn ngay’.
Nhưng thực tế là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến phiên họp của Nghị viện châu Âu – cơ hội cuối cùng để thể chế cộng sản Việt Nam nhận được hy vọng từ EVFTA. Chính quyền Việt Nam sẽ phải làm gì từ đây đến lúc đó để ‘còn nước còn tát’?
0 nhận xét