Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 02/01/2019

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019 17:14 // ,

Tin Việt Nam – 02/01/2019

Nhiều người có ảnh hưởng

 kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2019, nhưng trong những ngày này, liên tục có nhiều nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và những người khác có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng đưa ra lời kêu gọi hãy bất tuân hoặc thách thức luật này.
Bộ luật gây nhiều tranh cãi, lo lắng đã được ban hành từ hồi tháng 6/2018. Hôm 1/1/2019, các báo lớn ở Việt Nam, trong đó có Lao Động và trang Zing News, công bố tóm tắt “những hành vi bị cấm trên mạng” kể từ thời điểm luật có hiệu lực.
Đứng hàng đầu là các hành vi được coi là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, hay “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không đủ nguồn lực.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Đưa ra thông tin “sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ” cũng là hành vi có thứ tự cao trong danh sách cấm.
Ngoài ra, bản tóm tắt đề cập đến những hành vị bị cấm khác, trong đó có việc “thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, cùng thời điểm đầu năm mới, nhóm các nhà hoạt động trẻ có tên SaveNET đã tung ra trên mạng cuốn cẩm nang “Luật An Ninh Mạng: Những điều cần biết”, mà theo lời giới thiệu của nhóm, có mục đích xóa đi những “đồn đoán rằng giờ đây bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội đều dễ dàng bị bắt bớ và xét xử”.
Nhóm được thành lập vào tháng 6/2018 và hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền tự do ngôn luận, cho biết thêm rằng cuốn sách 90 trang của họ cũng giúp trả lời câu hỏi đặt ra là “chúng ta có nên ‘tự kiểm duyệt’ mình hay không?”
Theo SaveNET, cuốn sách có những phân tích thấu đáo về luật, nhờ đó “mỗi người có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và chủ động hơn trong cách ứng xử trên internet, đặc biệt trong việc nói lên chính kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội”.
Trong phần cuối cuốn cẩm nang, các tác giả khẳng định rằng một số điều của Luật An ninh mạng là “không cần thiết” và “không phù hợp” trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Dù luật đã được thực thi, nhóm tác giả vẫn đưa ra đề xuất “hoãn thi hành”, và đề nghị các cơ quan nhà nước, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hãy “nghiên cứu và đánh giá lại”, và nếu cần, hãy “điều chỉnh Luật An ninh mạng và các quy định liên quan”.
Hai ngày trước khi luật có hiệu lực, nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang viết trên trang Facebook cá nhân rằng trong khi có những người lo sợ, chị không tin rằng Đảng Cộng sản và Bộ Công an có thể “bịt miệng” được những người như chị.
Người được vinh danh với nhiều giải thưởng nhân quyền của nước ngoài lý giải về niềm tin của chị, trong đó điều hàng đầu, theo chị, là “đến lúc này, khi người dùng Việt Nam đã quen với internet và mạng xã hội, đã nghiện, bắt họ trở về trạng thái câm mù điếc như trước kia là điều bất khả thi”.
Một lý do khác, theo nhà hoạt động nữ có khoảng 58.000 người theo dõi trên mạng xã hội, đó là “với năng lực quản lý tồi tàn của mình, nhà cầm quyền độc tài chẳng hy vọng làm được cái gì triệt để”. Chị viết thêm: “Không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không đủ nguồn lực, nhất là trong tình trạng kinh tế sa sút, ngân sách thâm hụt, lòng dân đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay”.
…vì nó xâm phạm quyền con người và quyền công dân, nên bổn phận lương tâm và đạo đức của mỗi công dân là xem nó như chưa bao giờ tồn tại, thậm chí khi cần, hãy vi phạm nó!
Cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định
Từ góc nhìn của một cựu luật sư, ông Lê Công Định đưa ra phân tích trên trang Facebook cá nhân cho thấy Luật An ninh mạng một mặt “cho phép nhà nước thu thập thông tin cá nhân của công dân”, mặt khác lại “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của công dân”, vốn là các quyền được nêu trong Hiến pháp.
Nhà hoạt động từng là tù nhân lương tâm nhấn mạnh rằng luật này thật “bất công” và “bất hợp lý”, vì nó “xâm phạm quyền con người và quyền công dân”. Trên trang Facebook có khoảng 40.000 người theo dõi, ông Định đưa ra lời kêu gọi rằng với “bổn phận lương tâm và đạo đức của mỗi công dân”, họ hãy “xem nó như chưa bao giờ tồn tại, thậm chí khi cần, hãy vi phạm nó!”
Nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân có lượng theo dõi lên đến xấp xỉ 75.000 người trên Facebook không trực tiếp nhắc đến Luật An ninh mạng và một quy định mới đây về những điều nhà báo không được làm trên mạng xã hội. Song ông đưa ra ý kiến hôm 2/1 rằng “Khi chúng ta viết đúng, viết không đổi trắng thay đen hay ngược lại, khi chúng ta viết một cách vô tư không vì lợi ích của ‘phe nhóm’ nào mà chỉ vì lợi ích của đất nước và người dân thì chẳng sợ bất cứ thứ gì. Nếu sợ thì không nên làm báo”.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội và có lượng người theo dõi lên đến trên 305.000, đăng một ý kiến ngắn hôm 2/1, bày tỏ rằng cho dù Luật An ninh mạng đã đi vào thực thi, song nếu mọi người “viết đúng, phê đúng, đặt câu hỏi đúng… thì cứ việc viết thôi”. Theo bà, khi làm như vậy, những người lên tiếng trên internet, trên mạng xã hội không phải sợ bất cứ ai cả.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là nhà văn và phóng viên, trong bài viết mà ông gọi là “đôi lời đầu năm” với bạn bè trên Facebook, ông cho rằng Luật An ninh mạng hay bất kỳ một luật nào sinh ra “cũng không bao giờ khiến những con người yêu quý sự thật và có khát vọng cải tạo xã hội bằng ngòi bút nao núng chứ đừng nói tới run sợ”.
Liên hệ đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Châu bày tỏ quan điểm rằng nếu người dân “không dũng cảm lên tiếng”, nếu mạng xã hội “bị hạn chế sức mạnh”, nhiều quan chức bị nghi phạm tội tham nhũng ở các địa phương “sẽ thoát tội và sẽ ‘hạ cánh’ an toàn”.
Do vậy, võ sư có tầm ảnh hưởng tới gần 100.000 người theo dõi đã gửi đi thông điệp tới giới lãnh đạo nhà nước rằng “Các ông hãy chọn người thực thi Luật An ninh mạng một cách tử tế để tránh lạm quyền, dùng luật sai mục đích, cản trở sự phát triển của đất nước”.Các bài viết của các nhà hoạt động và những người có nhiều ảnh hưởng như kể trên đã nhận được nhiều ủng hộ, thể hiện qua hàng nghìn phản ứng “yêu thích” và hàng trăm lời bình luận đồng tình.
… luật ANM [An ninh mạng] hay bất kì một luật nào sinh ra cũng không bao giờ khiến những con người yêu quý sự thật và có khát vọng cải tạo xã hội bằng ngòi bút nao núng chứ đừng nói tới run sợ.
Võ sư Đoàn Bảo Châu
Trên Facebook những ngày này, giới hoạt động chia sẻ những hình ảnh cho thấy nhiều người cầm các biểu ngữ kêu gọi “bất tuân”, “phản đối” Luật An ninh mạng” hoặc các biểu ngữ viết rằng “Luật An ninh mạng tước đoạt tự do, nhân quyền”.
Trong một bài báo đăng hôm 1/1, trang Zing.vn ở Việt Nam trích lời Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, khẳng định Luật An ninh mạng “không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận”.
Theo lời vị trung tướng công an, “không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm”. Ông Thuận giải thích thêm rằng Luật An ninh mạng nhắm đến việc cấm những hành vi trên mạng tương ứng với “29 nội dung mà Bộ luật hình sự cấm”.
Quan chức công an này đưa ra ví dụ minh hoạ: “Không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào kích động biểu tình ngoài đời thì bị xử lý còn trên mạng thì không…”.
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 30/12/2018 đăng thông báo “Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019, với phần tóm tắt các quy định chính trong luật.
Bài viết nhận được hơn 600 phản ứng “yêu thích” và 28 lời bình luận, trong đó, bình luận hiện lên trên cùng viết rằng “Mấy đứa phẫn nộ [về Luật An ninh mạng] thì 1 là phản động, 2 là hay đặt điều vu oan, 3 là bán hàng online”.
Lời bình luận hiện lên ở vị trí thứ nhì cho rằng người dân Việt Nam ủng hộ luật này vì nó “đúng đắn, hợp lòng dân”. Vẫn lời bình luận này nói thêm rằng luật “đã ngăn chặn” những người bị xem là “bọn phản động, lưu vong, xuyên tạc chống nhà nước Việt Nam”.
Hai lời bình luận này nhận được lần lượt 45 và 11 phản ứng “yêu thích” trên trang Facebook Thông tin Chính phủ.
https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-nguoi-co-anh-huong-keu-goi-thach-thuc-luat-an-ninh-mang/4725778.html

Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực

Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay ngày 1/1 năm 2019 khiến cho việc biểu đạt ý kiến trên mạng ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, đạo luật này cũng đã bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là ‘mô hình kiểm soát thông tin toàn trị’. Hà Nội được cho rằng đã bắt chước Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt nội dung Internet một cách đàn áp.
Đạo luật này yêu cầu các công ty Internet phải dỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là ‘độc hại’.
Các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook và Google sẽ phải giao nộp dữ liệu người dùng nếu được chính quyền yêu cầu và phải mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, đạo luật này quy định.
Hồi tháng 11, Bộ Công an đã ra thông tư hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng và cho thời hạn 12 tháng để các công ty cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam tuân thủ.
Bộ Công an cũng nói rằng Đạo luật này nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công mạng và nhổ sạch các ‘thế lực phản động và thù địch’ vốn sử dụng Internet để kích động bạo lực và bất đồng, theo bản ghi phiên chất vấn tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 10.
Đạo luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6.
Facebook nói rằng họ cam kết bảo vệ quyền của người dùng và tạo điều kiện để mọi người có thể biểu đạt dự do và an toàn.
“Chúng tôi sẽ dỡ bỏ những nội dung vi phạm chuẩn mực của Facebook khi chúng tôi được thông báo,” Facebook cho biết trong một email gửi đến hãng tin AFP và nói rằng hãng này có quy trình rõ ràng để xử lý các yêu cầu từ các chính phủ trên thế giới.
Hà Nội cho biết hãng Google đã có những bước mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để tuân thủ đạo luật.
Đạo luật cũng cấm những người sử dụng Internet ở Việt Nam lan truyền những thông tin được cho là chống phá Nhà nước, chống phá chính quyền, xuyên tạc lịch sử và ‘đăng tải những thông tin thất thiệt có thể gây hiểu nhầm và phá hoại các hoạt động kinh tế-xã hội’.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi giới chức cộng sản sửa chữa lại đạo luật và hoãn thực thi.
“Đạo luật này nhằm để nâng cao hơn nữa khả năng giám sát sâu rộng của Bộ Công an để truy tìm những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản,” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, được AFP dẫn lời nói.
Đạo Luật An ninh mạng có hiệu lực chỉ một tuần sau khi Hội Nhà báo Việt Nam thông qua bản quy tắc ứng xử mới dành cho các nhà báo về cách sử dụng mạng xã hội. Theo đó, các nhà báo bị cấm đăng tin tức, hình ảnh hay bình luận ‘đi ngược lại’ với quan điểm của Nhà nước.
Ông Daniel Bastard thuộc tổ chức Nhà báo Không biên giới được AFP dẫn lời lên án những quy định này đối với nhà báo cũng như Luật An ninh mạng. Ông gọi đây là ‘mô hình kiểm soát thông tin một cách chuyên chế’.
https://www.voatiengviet.com/a/lu%E1%BA%ADt-an-ninh-m%E1%BA%A1ng-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-c%C3%B3-hi%E1%BB%87u-l%E1%BB%B1c/4724788.html

Hỏa hoạn đầu năm ở trụ sở Bộ Công an VN

‘không làm ai bị thương’

Vụ hỏa hoạn xảy ra do ‘chập điện’ hôm 02 tháng 1 ở trụ sở Bộ Công an Việt Nam tại Hà Nội đã nhanh chóng được khống chế.
Vụ việc xảy ra tạo “cột khói đen bốc cao từ trụ sở Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hà Nội”, theo trang VnExpress.
Ai ở VN rơi vào tầm ngắm của Luật An ninh mạng?
‘Luật An ninh mạng, bước lùi lớn cho VN’
Giáng quân hàm Trung tướng Bùi Văn Thành vụ Vũ ‘Nhôm’
Trực thăng và đại liên cho công an huyện?
Nổ lớn tại Công an Đăk Lăk
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và nhiều xe cứu hỏa đã tới hiện trường và phải một số mảng tường bằng kính để thoát khói.
Sau đó, đơn vị cứu hỏa đã đưa ống phun nước qua cửa kính bị vỡ để dập lửa và đến cuối giờ chiều thì mọi việc đã ổn định trở lại.
Vẫn nguồn tin trên cho hay nguyên nhân vụ cháy do chập điện.
“Ngọn lửa đã nhanh chóng được khống chế; không có ai mắc kẹt và bị thương.”
Nhưng sau đó, trang PLO.vn trích lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, khẳng định không có việc trụ sở cơ quan này xảy ra cháy.
Ông Lương Tam Quang nói rằng “cột khói xuất phát từ quá trình dọn dẹp trụ sở, còn hàng chục xe cứu hỏa được điều động là để chuẩn bị cho Hội nghị Công an toàn quốc được tổ chức vào ngày 3 tháng 1″.
Hồi 2015 Bộ Công an đã tổ chức diễn tập phòng cháy lớn tại đây, nhưng so với cuộc diễn tập đó thì vụ hỏa hoạn này thực ra là rất nhỏ.
Một số trang mạng xã hội Việt Nam hôm 02/01 đăng video của người dân trên đường Phạm Văn Đồng quay cảnh vụ cháy cho thấy chỉ có luồng khói nhỏ bốc lên từ một tòa nhà.
‘Trụ sở tầm cỡ quốc tế’
Cuối năm 2011, Bộ trưởng Công an khi đó là Đại tướng Lê Hồng Anh đã làm lễ khánh thành trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, sau bốn năm xây dựng.
Theo trang web của chính phủ Việt Nam, đây là công trình “có kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tầm cỡ quốc tế”, nằm trên diện tích trên 5 ha.
Thông tin khi đó cho hay đây là trụ sở, văn phòng làm việc cho 4000 người.
“Trụ sở có 182.000 mét vuông sàn, bao gồm diện tích làm việc, hội trường, phòng họp, nhà khách, khu vực thể thao… được xây dựng kiên cố, có thể chống được động đất cấp 7, cấp 8.
Đặc biệt, công trình được lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng tiết kiệm điện năng, hệ thống điều khiển tòa nhà thông minh và hệ thống kiểm soát an ninh hiện đại.”
Tại buổi lễ năm 2011, thiếu tướng Bùi Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật đã báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng, hoàn thành công trình trụ sở Bộ Công an (Dự án DA239/05).
Khi đó, báo chí chính thống ở Việt Nam trích lời các quan chức cao cấp khen ngợi công trình này.
Hồi năm 2009, các báo Việt Nam đưa tin công trình do chủ đầu tư là Tổng cục Hậu cần, Bộ Công An, có giá trị hợp đồng 500 tỷ VND và thời gian thực hiện là 3 năm.
Được biết đến cuối năm 2018, ông Bùi Văn Thành, quê Ninh Bình, bị khởi tố trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
Trước đó, ông Bùi Văn Thành đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân, mất chức thứ trưởng, hạ quân hàm từ trung tướng xuống đại tá.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46739135

Du khách VN ở Đài Loan:

124 người được kêu gọi ra đầu thú

Cơ quan Di trú Đài Loan (National Immigration Agency-NIA) kêu gọi 124 du khách Việt Nam còn đang lẩn trốn ra đầu thú.
Họ đã lập ban chuyên án đi truy tìm 152 du khách Việt Nam bỏ trốn, gây sửng sốt trong dư luận đảo quốc.
Cho đến ngày 1/1/2019, Đài Loan đã giữ 24 người, trong đó 15 người bị bắt còn lại 9 người ra tự thú.
Ngoài bốn người đã tự nguyện về Việt Nam, còn 124 người vẫn đang lẩn trốn tại Đài Loan.
Du khách Việt trốn lại Đài Loan và danh dự dân tộc
152 người Việt mất tích: Đài Loan cân nhắc tăng hình phạt nhập cư trái phép
Du lịch Đài Loan: 152 khách Việt đột nhiên ‘mất tích’
Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?
Ngày 1/1/2019, tại họp báo ở sân bay quốc tế Đào Viên, đại diện NIA đã kêu gọi ai biết hoặc liên lạc với người bỏ trốn, thì thông báo với họ nên tự thú với NIA hoặc cảnh sát càng sớm càng tốt.
Đại diện NIA trưng cả số điện thoại và dòng chữ tiếng Việt yêu cầu 124 du khách VN bỏ trốn hãy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, theo trang tin Central News Agency của Đài Loan.
NIA cho biết, mặc dù nhóm du khách đã vi phạm pháp luật, nhưng ra đầu thú sẽ được đối xử khoan hồng và được phép nhanh chóng trở về Việt Nam.
Theo Đạo luật Di trú của Đài Loan, những người cư trú bất hợp pháp có thể bị kết án lên tới ba năm tù hoặc đối mặt với mức phạt lên tới 90.000 đô la Đài Loan, tương đương 2900 USD.
Ngoài ra, bất kỳ ai cung cấp chỗ ở hoặc trợ giúp cho họ có thể bị kết án lên tới hai năm tù.
Vụ 152 người du lịch từ VN ‘mất tích’ thu hút cả các báo khu vực đăng tin và bình luận.
Trang South China Morning Post ở Hong Kong có bài đùa rằng những người này “không thích đi tour” mà thích “phiêu lưu riêng lẻ” (solo advanture).
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46736517

Đài Loan đã tìm thấy 24 du khách Việt bỏ trốn

Cơ quan Di trú Đài Loan đã tìm thấy 24 người trong tổng số 152 du khách người Việt bỏ trốn sau khi đến Đài Loan vào tháng 12/2018 vừa qua.
Hãng tin AP loan tin cho biết như vừa nêu vào hôm 2/1/2019.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Đài Loan xác nhận đã tìm thấy du khách thứ 24 trong tổng số 152 du khách Việt bỏ trốn tại nước này. Trong số 24 người đã được tìm thấy có 10 nam và 14 nữ, trong đó có 9 người đã tự đến cơ quan di trú trình diện và 15 người khác bị lực lượng chức năng Đài Loan bắt giữ.
Theo số liệu của cơ quan di trú Đài Loan thì 152/153 du khách đã bỏ trốn thuộc 4 đoàn khách tới Đài Loan từ 21/12 – 23/12. Sau khi sự việc xảy ra cơ quan di trú đã liên lạc được với 4 vị khách đã rời khỏi hòn đảo này vì vậy số khách mất tích là 148 người, đã tìm thấy 24 còn lại 124 người bao gồm 88 nam và 36 nữ.
Cơ quan di trú Đài Loan đã ra thông báo kêu gọi những du khách còn lại sớm trình diện với cơ quan chức năng để sớm được hưởng khoan hồng.
Theo cơ quan này, những người Việt bỏ trốn này đã vi phạm pháp luật Đài Loan và có thể sẽ bị nhận mức phạt lên tới 3 năm tù giam và 90.000 Đài tệ tức khoảng 3.000 USD.
Từ năm 2015, Đài Loan cho phép mở cửa đón khách du lịch từ các nước Đông Nam Á nộp đơn xin thị thực bằng điện tử nếu họ có giấy phép cư trú hoặc visa tại một số nước như Mỹ, Canada, Úc, Nhật….Tuy nhiên, giới chức Đài Loan cho rằng chính sách này đang bị các nhóm tội phạm lợi dụng để đưa người vào Đài Loan để thực hiện mục đích khác ngoài du lịch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/taiwan-seeks-vietnam-tourists-who-left-groups-on-arrival-01022019072800.html

Việt Nam không phải là điểm đến

của công ty lắp ráp iPhone

Tập đoàn Foxconn Technology, hãng gia công điện thoại iPhone lớn nhất của Apple đã chọn Ấn Độ làm nơi đặt nhà máy để lắp ráp các dòng điện thoại cao cấp từ năm 2019.
Hãng tin Reuters loan tin này vào hôm 2/1/2019, dẫn nguồn tin thân cận giấu tên cho biết như vừa nêu.
Trước đó vào tháng 12/2018, các hãng tin lớn đều dự đoán rằng Hà Nội hoặc Bangkok sẽ là điểm đến của tập đoàn có xuất xứ Đài Loan sau khi rời Trung Quốc để tránh thương chiến Mỹ – Trung.
Theo nguồn tin này, nhà máy của Foxconnn dự định sẽ đặt ở thị xã Sriperumbudur, phía Nam của bang Tamil Nadu, Ấn Độ.
Bộ trưởng công nghiệp của nước này cho hay, tập đoàn Foxconn, vốn đang sản xuất điện thoại cho hãng Xiaomi tại Ấn Độ, sẽ đầu tư 25 tỷ rupees (khoảng 356 triệu USD) để mở rộng sản xuất, bao gồm việc đầu tư vào sản phẩm iPhone.
Công ty này sẽ lắp ráp các dòng điện thoại cao cấp nhất, bao gồm các sản phẩm đầu bản trong nhóm iPhone X, có khả năng đưa việc kinh doanh của Apple ở Ấn Độ lên tầm cao mới.
Việt Nam được dự đoán sẽ là nơi “tránh bão” của các tập đoàn lớn đang đầu tư tại Trung Quốc để tránh chiến tranh thương mại mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát động.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo việc Việt Nam sẽ bị áp các mức thuế nặng nề từ Mỹ khi các sản phẩm Trung Quốc đơn thuần núp bóng “made in Vietnam”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-not-selected-by-foxconn-01022019072644.html

Việt Nam làm gì trước cuộc so găng Trung – Mỹ (phần 1)

Nguyễn Anh Tuấn
Bản chất cuộc so găng
Không giống như sự nổi lên của Nhật Bản thập niên 70s-80s biến nước này thành một hội viên được đón chào của câu lạc bộ phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang dáng dấp của Nga Xô sau Thế Chiến II ở chỗ đều thách thức trật tự quốc tế hiện hành do phương Tây kiểm soát với sự tự tin rằng họ đang vận hành một mô hình phát triển ưu việt hơn.
Những thành tựu phát triển của Nga Xô thời bấy giờ và của Trung Quốc hiện nay quả nhiên có thể biện minh cách tiếp cận này của họ. Hơn thế nữa, trở thành siêu cường khi mà phương Tây đã bao vây khắp mọi nơi, không có nhiều lựa chọn cho Nga Xô và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn này ngoài việc phải xô đổ trật tự cũ. Nếu Nga Xô phải phá vòng vây bằng cách hỗ trợ các dân tộc thuộc địa vùng lên chống thực dân phương Tây và sau đó tham gia vào hệ thống XHCN do họ dẫn dắt, thì Trung Quốc đang tổng hợp những nỗ lực tương tự của mình trong Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.
Như vậy, cũng như Nga Xô trước đây, cuộc so găng của Trung Quốc với phương Tây không chỉ bó hẹp trong một lãnh vực cụ thể mà thực chất là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai mô hình phát triển: Về kinh tế, một bên nhấn mạnh vai trò quyết định của nhà nước, bên kia coi trọng sáng kiến tư nhân; về chính trị, một bên tăng cường độc đoán cưỡng bách đảng trị, bên kia dựa vào dân chủ tự do pháp trị.
Bản chất mô hình phát triển dựa vào nhà nước là không khác nhưng Trung Quốc hơn Nga Xô ở chỗ tận dụng thành công bối cảnh toàn cầu hoá để học hỏi phương Tây bổ sung các yếu tố thị trường vào nền kinh tế; và cũng vì thế mà kém Nga Xô ở chỗ chưa thể xây dựng một hệ thống toàn cầu theo mô hình của mình bởi lẽ chính Trung Quốc cũng chưa đủ thời gian để hệ thống hoá chặt chẽ một mô hình mà họ chỉ mới mày mò nhờ ‘dò đá qua sông’.
Nghĩa là hơn Nga Xô về chiến thuật nhưng kém về chiến lược vậy.
Đấu trường chính của cuộc so găng
Lenin từng nói một câu mà hậu bối của ông ít khi muốn nhớ, rằng xét đến cùng chủ nghĩa xã hội nếu muốn thắng chủ nghĩa tư bản sẽ phải thắng về năng suất lao động [1]. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Đó là lý do vì sao người ta đang dần nhận ra cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ [2] – yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng năng suất. Điều này cũng giải thích vì sao hai nước vừa tuyên bố đình chiến thương mại tạm thời nhưng ngay sau đó con gái chủ tịch Huawei – tập đoàn chủ đạo trong tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc – vẫn bị bắt.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vấn đề này khi mà sự phát triển vượt bậc vài thập kỷ qua của họ không dựa vào công nghệ phát triển tự thân. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất.
Công thức phát triển này của Trung Quốc, bởi vậy, đặt trọng tâm vào việc sao chép công nghệ của phương Tây bằng 3 cách thức chủ yếu sau (1) gián điệp công nghệ, (2) mua bán và sát nhập tập đoàn phương Tây để chiếm lấy công nghệ, và (3) dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Không phải Tây phương không nhận ra chiến lược này của Trung Quốc, song chỉ khi họ vỡ mộng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn đến cởi mở về chính trị mà trái lại còn giúp gia tăng quyền lực độc đoán đảng trị, và bừng tỉnh rằng siêu cường mới nổi này muốn tiếp bước Nga Xô thách thức trật tự quốc tế hiện hành, họ mới bắt đầu ra tay tấn công vào công thức phát triển của Đại lục với 3 đòn tương ứng sau (1) truy bắt gián điệp công nghệ, (2) siết chặt việc mua bán&sát nhập có yếu tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài), và (3) đẩy mạnh thương chiến nhằm sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu vào tạo thế bảo vệ các tập đoàn làm ăn trên đất Trung Quốc.
Trung Quốc quả thật nên lo lắng, nhất là khi mới đây họ đã thất bại trong việc dùng lợi ích gây chia rẽ nội bộ khối Tây phương [3] và đang chứng kiến mỗi khi một quốc gia Tây phương ra đòn thì cả khối lại hùa theo hưởng ứng. Giờ đây vận mệnh của Trung Quốc, như Tập tuyên bố, sẽ được đặt trong nỗ lực của quốc gia này tự lực phát triển công nghệ. [4]
Phe nào sẽ thắng?
Thái độ cẩn trọng không cho phép chúng ta dựa trên thiên kiến mà vội vàng đưa ra câu trả lời, đặc biệt khi chứng kiến sự phát triển vũ bão của Trung Quốc vài thập niên qua.
Tuy nhiên nếu đồng ý rằng công nghệ là đấu trường chính của cuộc so găng, Trung Quốc rõ ràng đang gặp quá nhiều bất lợi:
Đầu tiên, những diễn biến thời gian gần đây cho thấy mặc dù rất nỗ lực, Trung Quốc vẫn chưa chế ngự được khả năng sáng tạo công nghệ. Sự khốn đốn của ZTE – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dưới lệnh cấm vận công nghệ của Hoa Kỳ là một minh chứng không thể rõ nét hơn.
Hơn thế, trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra tự do chính trị quan trọng thế nào đối với khả năng sáng tạo về dài hạn [5], yếu tố này lại không thể chấp nhận được đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Nghĩa là tham vọng tự lực công nghệ thông qua chiến lược Made in China 2025 của họ, ngay cả khi không bị để ý cũng đã không dễ thành công, huống hồ hiện nay lại đang là đích nhắm tấn công của toàn khối Tây phương thì lại càng khó khăn bội phần.
Hy vọng sót lại của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng tinh thần quốc gia phục thù một khi được thổi bùng lên sẽ là nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo quốc gia như những gì từng xảy ra ở Đức sau Thế Chiến I. Chưa rõ nỗ lực này sẽ đi về đâu nhưng nếu nhớ rằng trong khi Đức thuộc về nòng cốt của khối Tây phương, thừa hưởng sinh lực sáng tạo mạnh mẽ bắt rễ trong lối nghĩ, lối sống lý tính hóa cao độ hàng trăm năm của Tây phương nên đã chế ngự được khả năng sáng tạo, thì Trung Quốc, dù tăng trưởng liên tục những thập kỷ vừa qua nhưng chỉ mới chập chững những bước đầu tiên trong việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, sẽ thấy hi vọng của Trung Quốc dẫu chưa tới mức áo tưởng nhưng vẫn khá mong manh.
Một thước đo khác, trực quan hơn, có thể giúp dự đoán kết quả cuộc so găng. Sáng tạo vốn dĩ gắn liền với nhân tài, là sản phẩm của cá nhân và tập thể nhân tài. Thử xem nhân tài trên thế giới đã, đang và sẽ đổ về Mỹ và phương Tây hay là về Trung Quốc để thấy viễn cảnh Trung Quốc u ám ra sao nếu vẫn đẩy quốc gia dấn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược này. [6]
[1]https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/jun/19.htm[2]https://www.washingtonpost.com/amphtml/opinions/its-not-a-trade-war-with-china-its-a-tech-war/2018/12/14/ec20468e-ffc5-11e8-862a-b6a6f3ce8199_story.html[3]https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-eu-exclusive/exclusive-china-presses-europe-for-anti-us-alliance-on-trade-idUSKBN1JT1KT[4]https://amp.scmp.com/news/china/economy/article/2148189/xi-jinping-urges-china-go-all-scientific-self-reliance-after-zte[5]https://www.weforum.org/agenda/2018/01/why-political-and-economic-freedom-drives-creativity[6]https://relocateme.eu/blog/11-tech-talent-relocation-trends-to-expect-in-2018/* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-should-vn-do-in-us-china-trade-war-01022019085215.html

Ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa
Làm sao ra khỏi bóng rợp kinh tế của Trung Quốc? Câu hỏi đó ám ảnh nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Mở đầu một năm mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày một số giải đáp từ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế cho đài Á Châu Tự Do từ Tết Đinh Sửu, 22 năm về trước….
Nhìn lại lịch sử
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong buổi phát thanh đầu năm 2019. Thưa ông, tiếp theo chương trình tuần trước về những ưu tiên kinh tế của Việt Nam, kỳ này, Nguyên Lam xin tìm hiểu tiếp về những việc cụ thể nếu như Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được gọi ước muốn chính đáng ấy là “ra khỏi bóng rợp Trung Quốc” và xin đi từng bước vào lĩnh vực kinh tề thuần túy vốn là tôn chỉ của tiết mục. Nhưng vì sao ta lại có nhu cầu thoát Tầu, hay “Thoát-Hoa”? Có lẽ câu trả lời nằm trong lịch sử kinh tế nếu chúng ta lạnh lùng nhìn lại.
Nguyên Lam: Quý thính giả của chúng ta có thể hỏi rằng ông thấy là nên nhìn lại như thế nào?
Kinh tế Việt Nam lên hay xuống chỉ là hậu quả của việc đầu tư quốc tế tràn vào hay chảy ra thôi. Không xứ độc lập nào muốn vậy vì đẩy lao động vào lực lượng gia công cho nước ngoài thì cũng là mất chủ quyền.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hơn 60 mươi năm trước, thời Chiến Tranh Lạnh, nhiều quốc gia chậm tiến hay đang phát triển đã lầm tưởng mô hình phát triển kinh tế kiểu cộng sản là phép thần kỳ khiến kinh tế Liên bang Xô viết sẽ đuổi kịp và vượt qua xứ dân chủ tiên tiến nhất là Hoa Kỳ. Chính lãnh tụ Nikita Krushchev đã hăm như vậy và nhiều kinh tế gia Tây phương cũng nghĩ thế. Rốt cuộc thì đúng 30 năm trước, kinh tế Liên Xô khủng hoảng và xứ này tan rã. Cũng thế, 40 năm xưa, người ta từng tiên đoán là kinh tế Nhật Bản sẽ vượt Mỹ đến độ xã hội Hoa Kỳ có phong trào sợ Nhật và bài bác Nhật. Vậy mà sau đó kinh tế Nhật sa sút trong mấy chục năm và nay vẫn chưa phục hồi. Tương lai không thể là một đường tuyến vạch ra từ quá khứ, nhưng quá khứ cũng cho ta nhiều bài học nếu biết.
- Nói đến chuyện ngày nay, ta thấy lý luận sai lầm tương tự, rằng với đà tăng trưởng ngoạn mục sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành kế hoạch cải cách và khai phóng cách nay 40 năm, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, chẳng vào năm 2025 thì vào năm 2040. Vì vậy, một số người Việt Nam cho là nên học mô thức Trung Quốc sau khi thấy mô thức Liên Xô sụp đổ, họ gọi đó là “đổi mới”.
- Quan niệm ấy sai vì 1/ Việt Nam không là Trung Quốc hay một quận huyện của xứ láng giềng này, và 2/ vì mô thức Trung Quốc đang sụp đổ, mà có khi còn thua kinh tế Ấn Độ. Ngược lại, và đây là một bài học khác, nền kinh tế công nghiệp hóa của các nước dân chủ, kể cả Hoa Kỳ, thường gặp vấn đề mà cũng có khả năng tự cải sửa là nhờ chế độ tự do và sức sáng tạo của tư doanh, doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên Lam: Qua câu trả lời đó, phải chăng ông hàm ý là về lý luận, mô thức kinh tế Trung Quốc không có tương lai và chẳng đáng cho Việt Nam bắt chước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ta nên học mọi người, nhưng ngoài lý do ý thức hệ nhằm che giấu mục tiêu chính trị và tiền bạc, lãnh đạo Hà Nội nên sớm ra khỏi qũy đạo Trung Quốc. Vấn đề là làm thế nào và ai sẽ dám làm?
Thoát khỏi bóng rợp Trung Quốc
Nguyên Lam: Chúng ta đi vào đề mục chính của kỳ này. Thưa ông, làm thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như các nước lạc hậu đi sau, chứ chẳng có gì là kỳ diệu, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6-7% một năm, nhưng gây ra nhiều vấn đề, từ môi sinh tới nợ nần, mất cả chục năm mới thanh toán được, mà từ chục năm qua vẫn chưa hề giải quyết. Khi kinh tế Trung Quốc đi vào chu kỳ sa sút nay đã mười mươi rõ ràng thì đấy là cơ hội cho Hà Nội và cho Việt Nam. Khỏi nói về cải tổ chính trị cho một chế độ vừa tự bịt mắt theo Bắc Kinh với việc áp dụng luật An Ninh Mạng làm thế giới khinh thường như mọi người đã thấy và than, tôi chú ý tới vài bước cụ thể khác riêng về mặt kinh tế.
Nguyên Lam: Thưa ông, những bước cụ thể đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, từ xa tới gần thì nhìn vào viễn ảnh dài là 10 năm, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực quốc gia, về kinh tế là doanh nghiệp của tư nhân hay tư doanh. Tiềm lực đó tùy thuộc vào giáo dục, đào tạo và cơ sở luật tệ, kể cả luật doanh nghiệp. Bước thứ hai, vì có dân số đông và tương đối trẻ với tiềm năng cao về lợi tức, hãy quan tâm nhiều hơn đến khả năng tiêu thụ nội địa và tránh sai lầm của Trung Quốc là tìm lực đẩy ở đầu tư rồi xuất khẩu. Điều ấy quan trọng vì nhờ xuất khẩu thì càng lệ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc như nhánh tầm gửi. Bước thứ ba là nên đi ngược chủ trương của Bắc Kinh mà ráo riết tiến hành việc giải tư – tư nhân hóa, cổ phần hóa – các doanh nghiệp nhà nước. Đấy là trung tâm dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế cho các đảng viên và thân tộc bỗng chốc thành đại gia mà chẳng đóng góp nhiều cho sản xuất. Thứ tư và gần trước mắt, hãy phá vòng luẩn quẩn là cứ trông cậy vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và càng lệ thuộc vào xuất khẩu càng bị hiệu ứng của quốc tế.
Nguyên Lam: Thưa ông trong bối cảnh của sự chuyển dịch tại Trung Quốc đã thấy từ năm năm trước và của trận thương chiến Mỹ-Hoa hiện nay thì Việt Nam đang thấy triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Tại sao ông lại gọi đó là vòng luẩn quẩn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giới đầu tư nước ngoài đi theo quy luật ta có thể gọi là “đất lành chim đậu”, là tìm nơi có tiền. Nhưng họ vào kiếm tiền để sử dụng nguyên nhiên vật liệu xứ khác do nhân công rẻ của Việt Nam ráp chế với trị giá đóng góp thấp rồi xuất khẩu qua xứ khác. Doanh lợi, kiến năng – “know-how” là kiến thức và khả năng – cũng nằm trong tay họ và sẽ chạy ra ngoài nếu họ thấy có nơi tốt hơn. Trong khi đó công đoạn của dân Việt nằm ở dưới đáy chu trình sản xuất với giá trị gia tăng thấp, thí dụ nổi bật là khu vực ráp chế điện thoại, máy móc điện tử gia dụng, chế biến dệt sợi và may mặc áo quần.
- Khỏỉ nói về quyền lợi và điều kiện lao động tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế thí dụ như Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định sắp tới với Liên Âu, chúng ta có thể đo trị giá gia tăng ấy từ một hệ số vĩ mô là phần đóng góp quá ít của công nghiệp trong tổng sản lượng của kinh tế Việt Nam. Đâm ra, kinh tế xứ này lên hay xuống chỉ là hậu quả của việc đầu tư quốc tế tràn vào hay chảy ra thôi. Không xứ độc lập nào muốn vậy vì đẩy lao động vào lực lượng gia công cho nước ngoài thì cũng là mất chủ quyền. Huống hồ nhà đầu tư nước ngoài lại là Trung Quốc thì ta rơi vào cảnh “đất lành chim độc”, mà bất cứ ai than vãn thì vào tù!
Cái khác đầu tiên, như kinh nghiệm của vài nước Đông Á thành công và trái hẳn với Trung Quốc, là dám nói tới việc cải cách thể chế chính trị. Nếu Việt Nam dám làm như vậy trong vài năm tới thì đấy mới là bước đầu ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, những bước về sau thì chỉ là chính sách và kỹ thuật mà thôi.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam nhìn ra sự hợp lý trong cách trình bày của ông nhưng đi vào cụ thể thì Việt Nam nên làm những gì là thiết thực nhất để bước ra khỏi bóng rợp Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì hiệu ứng Trung Quốc, thế giới nói tới triển vọng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng tin vào đó là lại mộng mị. Trước hết, Việt Nam cần cải tiến hạ tầng cơ sở vận tải là điều thật ra chưa đủ, ngoại trừ trên mặt báo. Muốn có tiền xây dựng hạ tầng thì phải thúc đẩy tư nhân hóa hệ thống quốc doanh. Bước thứ ba từ làn sóng lạc quan hiện nay mà cải thiện chiến lược đầu tư quốc tế là ưu tiên cho khu vực có giá trị đóng góp cao, như điện tử và công nghệ hiện đại. Thứ tư là khuyến khích liên doanh hàng dọc giữa doanh nghiệp nước ngoài với tư doanh Việt Nam theo đà hỗ trợ của chính quyền cho tư doanh nội địa. Xin nói rõ là khuyến khích chứ không ép buộc theo kiểu Trung Quốc, và trong chính sách khích lệ thì phải gạn lọc thế lực của Bắc Kinh để tránh nạn đất lành chim độc. Sau cùng, tư doanh Việt Nam không thể từ trên trời rơi xuống mà cần hỗ trợ để sẽ là đối tác với cơ sở ngoại quốc theo một trình tự mà mọi người cùng biết.
Nạn tham nhũng
Nguyên Lam: Có một câu hỏi đang có vẻ thời sự là nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam, ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ vấn đề nó trầm trọng hơn vậy vì ít ai nói tới nạn tham nhũng do chính sách. Do chính sách sai lầm có dụng ý từ cả chục năm trước, Việt Nam mới bị tham nhũng hoành hành như hiện nay. Cái gốc là chính sách và thể chế, cái ngọn mới là cả chục nghi can bị kỷ luật vì đi giữa lằn ranh kinh tế với chính trị và luật pháp, trên đầu có hai cái mũ của đảng và của nhà nước.
- Nhưng Hà Nội chỉ làm thế giới chú ý khi diệt tham nhũng như là cứ theo bài bản Bắc Kinh sau năm năm quan sát học hỏi. Muốn ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, Việt Nam nên cải sửa luật lệ để từ nay không ai có thể tái phạm, sau đấy mới cho thấy mình không bắt chước Tổng bí thư Tập Cận Bình. Kế đó là kêu gọi doanh nghiệp ngoại quốc cùng hợp tác để giải trừ tham ô vì điều ấy chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo cho quốc tế cùng thấy.
- Sau cùng, then chốt vẫn là quyết tâm cải cách thể chế chính trị vì kinh tế cũng là chính trị. Khi thế giới đã thấy lãnh đạo Bắc Kinh cứ đề cao kinh tế thị trường mà duy trì sự cấm đoán hà khắc ở bên trong và chế độ bảo hộ mậu dịch, thậm chí ăn cắp và ăn cướp công nghệ và thuật lý cao cấp của thiên hạ ở bên ngoài, lãnh đạo Việt Nam cần cho thấy rằng mình khác.
- Cái khác đầu tiên, như kinh nghiệm của vài nước Đông Á thành công và trái hẳn với Trung Quốc, là dám nói tới việc cải cách thể chế chính trị. Tôi khỏi nói tới việc dân chủ hóa mà nhìn vào cái gốc của dân chủ, là tự do cởi mở cho xã hội dân sinh được phát triển trong một nhà nước hết bị đảng chi phối. Nếu Việt Nam dám làm như vậy trong vài năm tới thì đấy mới là bước đầu ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, những bước về sau thì chỉ là chính sách và kỹ thuật mà thôi.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn đầu năm và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/getting-out-from-chinese-shadow-01022019095746.html

Sự nghiệp giáo dục:

Chưa bao giờ nhục như ngày nay!

Gió Bấc
Trong buổi gặp mặt đại diện ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện năm học 2017-2018, tổ chức chiều ngày 3/11, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí Thư, Chỉ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã hể hả tuyên bố “Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày nay”{1}
Vui với thành tích giả
Nghe câu nói ấy người ta cứ ngỡ ngành Giáo Dục Việt Nam đang ở top đầu thế giới với điều kiện giáo dục tối ưu và học sinh sinh viên đang phát triển toàn diện cả về trí dục và đức dục…. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Làn sóng tị nạn giáo dục tiếp tục lan rộng không ngừng, người Việt đổ xô cho con đi tị nạn không chỉ ở các nước tiên tiến Âu Mỹ mà còn cả các nước lân cận như Singapore, Mã Lai, Thái Lan. Không chỉ đi ở bậc đại học mà ngay từ cấp học phổ thông.
Cái lý lẽ mà ông Trọng vin vào để tự hào chính là những con số giả tạo về cái gọi là thành tích giáo dục về số lượng học sinh giỏi, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học mà học sinh đã thực hiện, số lượng các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế…. Ai cũng biết rằng tất cả những con số đẹp đẽ ấy đều do các quan chức giáo dục vo tròn bóp méo tạo ra, hoàn toàn không phản ánh thực chất trình độ học sinh cũng như bản chất của nền giáo dục. Ngay hàng vạn giáo sư, tiến sĩ đương đứng trên các vị trí cao chót vót của bộ máy quan chức mỗi năm tiêu tốn hàng chục ngàn tỉ kinh phí đầu tư nghiên cứu ở nước ngoài cũng chỉ sản xuất ra những công trình nghiên cứu khoa học tốn kém chỉ để cất vào ngăn tủ sau khi báo cáo xếp hạng và nhận tiền thù lao nghiên cứu thì nói gì đến các đề tài nghiên cứu của học trò. Chính cái nhìn tự sướng, tự ru ngủ chính mình ấy mà hai chữ giáo dục làm nản lòng học sinh, tăng lo buồn cho cha mẹ,
Ngược với vẽ lòng tự hào chưa bao giờ được như thế này của cụ Tổng Bí Thư – Chủ tịch Nước, sự vênh váo tự đắc của ngài Bộ trưởng, ngành giáo dục và chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống đến mức không còn chỗ thấp hơn. Riêng năm qua, nhiều vết đen ô nhục mà lẽ ra ông Bộ trường và các quan chức có trách nhiệm phải nhận lỗi, từ chức nhưng họ vẫn bịt tai bịt mắt mình, dùng mọi phương tiện, thủ đoạn kể cả sự lì lợm để bịt miệng người dân. Hoàn toàn vô trách nhiệm, họ khoái trá ban tặng nhau danh hiệu huy chương, bỏ mặc cho con bệnh ung thư giáo dục tiếp tục phá hoại từ tri thức, nhân cách đến tâm hồn bao thế hệ trẻ.
Thử nhìn lại những vết đen ô nhục đau đớn nhất của ngành giáo dục năm 2018:
Kỳ thi Quốc gia 2 trong 1: Dối trá tệ hại
Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học đồng thời lấy kết quả xét tuyển đại học, tại hội nghị trực tuyến 6 tháng của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hùng hồn đánh giá cơ bản là thành công, kỳ thi tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ {2}. Nhưng với quan sát của các nhà chuyên môn, người ta phát hiện ra hầu hết các thủ khoa đều thuộc về các tỉnh miền núi, vùng sâu những nơi thường được xem là vùng trũng của giáo dục, và cũng chính các tỉnh này tỉ lệ học sinh thi đậu cũng cao ngất ngưởng. Lập tức các quan giáo dục từ cấp tỉnh đến Cục khảo thí của Bộ ra rả khẳng định kỳ thi nghiên túc đúng quy trình.
Trước áp lực của dư luận, Bộ buộc lòng phải kiểm tra những nơi gian lận quá lộ liễu và cả ba tỉnh bị kiểm tra đều có gian lận nghiêm trọng đến mức phải khởi tố vụ án
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử khẳng định khâu coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ GD&ĐT và cơ quan công an kết luận 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng chênh lệch so với ban đầu. Có em được nâng gần 30 điểm/3 môn thi. Ba cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Giang đã bị bắt giam.
Kết quả chấm thẩm định ở Sơn La cho thấy 42 bài thi môn văn điểm công bố hôm 11/7 cao hơn điểm chấm thẩm định. Kết quả rà soát có 16 thí sinh điểm thi trên bài thi sai lệch với điểm được Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La công bố. Năm cán bộ của Sơn La bị khởi tố trong đó có Phó Giám đốc Sở.
Cơ quan điều tra tỉnh này Hòa Bình đã khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình bắt tạm giam 2 bị can là cán bộ giáo dục {3}.
Tuy nhiên, tính trong cả nước thì số lượng 3 tỉnh được kiểm tra xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Ngay ở các tỉnh này việc điều tra gian lận cũng chỉ thu hẹp ở các đối tượng bị nghi vấn chứ chưa kiểm tra toàn bộ hội đồng thi với tất cả các môn thi theo yêu cầu dư luận. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho rằng, sau những nghi vấn về gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, cần xem xét thêm các địa phương Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu bởi điểm thi ở đây đang có bất thường. “Mục tiêu gian lận thi cử là nâng điểm phục vụ cho việc thi đại học nếu không tính mục tiêu khác và nâng cho khá nhiều thí sinh (khoảng 1% trở lên – Hà Giang là 2%). Với các giả thiết này, việc gian lận thi cử với số lượng đủ lớn sẽ làm giảm số bài thi điểm thấp và tăng số bài thi điểm cao, dẫn đến tỷ lệ bài thi điểm cao tăng lên đáng kể”
Đến lúc này, Bộ trưởng Nhạ chỉ tuyên bố gọn lỏn, xin nhận trách nhiệm mà không nói được trách nhiệm gì, sửa chữa như thế nào, và cũng chỉ đối phó kiểm tra 3 tỉnh quá lỏng lẻo, sai phạm quá rõ ràng mà không dám kiểm tra thêm các tỉnh bị tố cáo khác.
Nếu thật sự biết lắng nghe, thật sự thực hiện nền khoa cử minh bạch, ông Nhạ phải kiểm tra điểm thi ở toàn quốc và loại bỏ các bài thi gian lận làm đảo lộn các đánh giá.
Tra tấn học sinh như xã hội đen
Tình trạng giáo viên tra tấn học sinh theo kiểu đòn thù của xã hội đen ngày càng phổ biến. Điểm đỉnh là cô Nguyễn Thị Phương Thủy – giáo viên Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục. Tổng cộng N đã hứng trọn có 231 cái tát. Trước khi N chịu hình phạt này, nhiều học sinh khác cũng bị bạn tát và từng là người tát bạn. Cũng như các bạn, cậu em họ của N, học cùng lớp cũng phải thực hiện lệnh của cô giáo “tát bạn 10 cái”. Dù không muốn, nhưng cậu em vẫn phải thực hiện, vì sợ bị cô phạt cho tát ngược trở lại. Và cậu em vừa tát anh vừa khóc {5}.
Dư luận còn chưa nguôi thì một cô giáo ở Long An đánh một học sinh cấp 1 bầm dập thân thể.
Theo TS Trần Thành Nam (giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), điều khiến ông lo ngại nhất trong câu chuyện này là cách người lớn dạy, giáo dục học sinh theo kiểu “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng, tiếp thu thông tin một chiều”. TS Nam cho rằng việc giáo dục theo cách này sẽ tạo ra những con người chỉ biết “cúi đầu”, chỉ biết làm theo mà không có sự nhận biết đúng – sai, hoặc dù biết sai nhưng không dám phản biện, không dám phản ứng lại.
Không chỉ giáo viên với học sinh mà ngay với những nhà giáo, những người quản lý giáo dục cũng thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau. Tại học viện quản lý giáo dục, một giáo viên đã đấm vào mặt một trưởng bộ môn ngay trong cuộc họp. Ứng xử bằng sức mạnh thô bạo không chỉ là hành vi cá biệt mà đã hình thành tập quán phổ biến trong cán bộ giáo dục Xã hội chủ nghĩa.
Thầy giáo, hiệu trưởng dâm ô học sinh
Sáng 8/6, TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Đình Lê 6 năm tù giam về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Theo cáo trạng của VKSND, Lê mở lớp dạy thêm cho học sinh lớp 3 và sử dụng căn phòng ở tầng 3 nhà riêng để làm nơi dạy học và lợi dụng việc các học sinh nữ đến nhà học thêm, anh ta đã có hành vi xàm xỡ, dâm ô đối với 7 nữ sinh tiểu học. Có nạn nhân bị Lê giở trò đồi bại nhiều lần {6}
Mới đây là vụ Hiệu trường Trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) bị khởi tố vì nhiều năm liền có hành vi dâm ô với hàng trăm học sinh của trường ngay trong chính văn phòng của mình. Người tiếp tay đưa học sinh đến phục vụ cho Hiệu trưởng chính là cô giáo dạy môn giáo dục công dân. Đặc biệt trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh với chủ đề về chống xâm hại tình dục trẻ em do chính quyền địa phương tổ chức, vị hiệu trưởng này còn đăng đàn tham luận . Nhiều giáo viên biết được chuyện này trêu ghẹo các nạn nhân là được cho “mút kẹo” nhưng không ai tố giác, không ai góp phần ngăn chặn. Những tổ chức đoàn thể của nhà trường từ chi bộ, chi đoàn, công đoàn, cả cộng đồng sư phạm trong trường đều bưng tai bịt mắt để mặc cho con quỷ dâm dục hành hạ học sinh. Lương tâm con người bình thường đã không có mặt trong tập thể này thì làm sao có lương tâm chức nghiệp.
Trước sự việc nhơ nhuốc tày trời như vậy, ông Nhạ thấy đau lòng và cho rằng phải đi từ gốc, chứ xử lý chỉ là phần ngọn. Muốn đi từ gốc thì bản thân các cháu học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại. Bộ đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại. {6}
Ông Nhạ quên rằng giải pháp của ông đã vô hiệu trong thực tế, chính ông Hiệu trưởng dạy học sinh chống xâm hại tình dục đã xâm hại các em. Trong cuộc sống muốn thực hiện điều gì đó cần phải có điều kiện cần và đủ. Những đứa trẻ non nớt cả thể lực, nhận thức phải tay không, một mình đối phó với ông Hiệu trường và cô giáo môn giáo dục công dân đầy quyền lực thì kiến thức giáo dục giới tín chỉ là miếng giẻ rách chứ không phải tấm khiên bảo vệ các em. Trẻ em nước ngoài đều được học thuộc lòng một số điện thoại, chỉ cần bấm vào số đó, cảnh sát sẽ có mặt để bảo vệ các em. Đó mới là biện pháp bảo vệ các em thưa ông!
Sinh viên sư phạm được bán dâm 3 lần
Cũng trong năm qua, Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có nội dung “sinh viên sư phạm bán dâm đến… lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học” {7}. Đọc quy chế này chỉ có một cách hiểu duy nhất là sinh viên được phép bán dâm ba lần. Mặc dù sau đó Bộ đã chối biến trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho thằng đánh máy nhưng thực tế cho thấy quan chức giáo dục không chỉ rộng cửa mà còn trực tiếp lôi kéo giáo viên vào những sinh hoạt không lành mạnh, thậm chí chà đạp lên nhân phẩm của họ. Một số nữ giáo viên trẻ ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị điều động đi làm “lễ tân” hay tiếp khách ở Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc các trẻ ở trường. Trưởng phòng Giáo dục thị xã coi đó là “nhiệm vụ cần phải thực hiện”. Trong lúc đi ăn uống, hát hò sau liên hoan, họ còn bị ôm vai, bá cổ. Nói theo ngôn ngữ ăn chơi của giới trẻ, các nữ giáo viên này là thứ “rau sạch” được dâng đến tận miệng các quan. Thế nhưng từ cấp Bộ đến cấp tỉnh đều bình thản nhắm mắt làm ngơ với Phòng giáo dục Hồng Lĩnh mà không hề có hình thức xử lý nhắc nhở nào.
Hậu quả thực tế đã xảy ra. Tối 21-12 Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra phòng karaoke Dubai, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê. Tại đây, cơ quan chức năng bắt quả tang 13 người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Trong nhóm người bị tạm giữ, có ông T.H.T., phó giám đốc một ngân hàng ở huyện Hương Khê, ông P.Đ.C., cán bộ kiểm lâm huyện Hương Khê, cô Ng.Th.L.Q. (kế toán Trường mầm non Phúc Trạch) và Tr.Th.H. (giáo viên Trường tiểu học Hương Trà, huyện Hương Khê) {9}.
··
Tiến sĩ dỏm mất chức, kẻ đạo văn làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư
Không chỉ thiểu năng và vô trách nhiệm trong vai trò Bộ trưởng, về nhân cách năng lực bình thường của một con người ông Nhạ cũng có lắm vấn đề cần phải tu dưỡng. Người ta có thể thông cảm cho sự lười nhác, thiếu rèn luyện của ông, cứ duy trì giọng nói ngọng líu ngọng lo do đặc điềm địa phương nhưng không thể chấp nhận một giáo sư, tiến sĩ, Bộ trưởng lại thiếu tự trọng đến mức đạo văn để tạo thành tích khoa học.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, ngày 18-2-2018 đã gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, đưa ra bằng chứng là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn”. Bản báo cáo cũng được công bố trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi vị Bộ trưởng từ chức.
Bản báo cáo 10 trang được GS Dũng gửi hôm 18/2 tới Tổng thư ký của Hội đồng, GS Trần Văn Nhung, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.{10}. Rất tiếc là cái Hội đồng mà Giáo sư Dũng gởi đơn lại chính do ông Nhạ làm chủ tịch theo cơ cấu. Một lần nữa ông Nhạ lại cố tình làm ngơ, không xem xét, không trả lời cũng không tranh luận. Từ thái độ trơ trẽn này, người ta buộc lòng tư hỏi, phải chăng ngoài khuyết nhược về phát âm, ông Nhạ còn có thêm khuyết nhược là điếc và mù nên không đọc thấy nghe thấy lá đơn ông Dũng để ngỏ trên các phương tiện nghe nhìn?
Nhà dột từ nóc, Bộ trưởng là giáo sư tiến sĩ đạo văn thì Hiệu trưởng xài bằng dỏm là chuyện binh thường nhưng điểm ưu việt của nền giáo dục XNCH là ông hiệu trưởng bị mất chức còn ông Nhạ lại được phong làm Chủ tịch Hội Đồng chức danh giáo sư.
Ông Trần Quang Nam đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng ĐH HUFLIT từ tháng 3/2016 Ngày 30/10, Nam bị miễn nhiệm vì có bằng cấp không rõ ràng. Năm 2000, ông Nam đăng ký học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tập trung của ĐH chuyên ngành Nam California của Mỹ (Southern California – SCUPS), chương trình liên kết với ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD&ĐT cho phép. Sau đó, ông học tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ) theo chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của UBND TP.HCM.
Ngày 7/8, Hội đồng Quản trị ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM có thông báo, yêu cầu ông Trần Quang Nam làm thủ tục, đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng do nước ngoài cấp cho mình. Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Điều lệ trường đại học năm 2014, hiệu trưởng trường đại học có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài thì phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT công nhận {10} nhưng suốt một thời gian dài sau khi nhận chức vụ Hiệu Trưởng, ông Nam không được Bộ công nhận bằng cấp của mình.
Nếu mục tiêu ngành giáo dục là để quan chức hợp thức hóa những văn bằng, danh hiệu cho mình, đào tạo thế hệ trẻ thành đàn cừu với người chăn, thành chó sói cắn giết lẫn nhau thì ông Nhạ và ngành giáo dục đã thành công rực rỡ chưa lúc nào bằng lúc này. Nhưng nếu mục đích giáo dục là để ươm mầm con người thì nó đang thảm hại hơn bao giờ hết. Trong mắt ngài Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nó đã thành công nhưng trong mắt người dân nó là nỗi ô nhục thưa ngài!
1-http://thoidai.com.vn/thoi-su/chua-bao-gio-chung-ta-co-duoc-su-nghiep-giao-duc-nhu-ngay-nay_t114c3n972732-https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-ky-thi-thpt-quoc-gia-khach-quan-nhe-nhang-782246.vov3- https://news.zing.vn/nhung-phat-ngon-nguoc-thuc-te-sau-loat-gian-lan-diem-thi-o-3-tinh-post866414.html4- https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/gian-lan-thi-cu-ky-thi-2018-khong-co-gioi-han-dieu-tra-1099486.html5- https://laodong.vn/giao-duc/co-giao-phat-hoc-tro-231-cai-tat-su-that-bai-trong-giao-duc-tu-duy-phan-bien-6435836- https://thanhnien.vn/giao-duc/hieu-truong-xam-hai-hoc-sinh-bo-truong-canh-bao-can-giai-quyet-tu-goc-1034224.htm7- https://laodong.vn/giao-duc/quy-dinh-sinh-vien-su-pham-ban-dam-den-lan-thu-4-moi-bi-duoi-hoc-vua-trai-luat-vua-xuc-pham-sinh-vien-638796.ldo8- https://vnexpress.net/cong-dong/nu-giao-vien-di-tiep-khach-la-lam-nhiem-vu-nong-tren-vitalk-3497679.html9- https://tuoitre.vn/pho-giam-doc-ngan-hang-va-co-giao-tieu-hoc-cung-su-dung-ma-tuy-20181222134649098.htm10- https://news.zing.vn/hieu-truong-dai-hoc-o-sai-gon-bi-mien-nhiem-vi-nghi-van-bang-cap-post889141.htmlBài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/education-never-before-have-we-been-like-this-01022019103800.html

Thủ tướng VN lại kêu gọi đánh bại cái gọi là

 âm mưu chống phá đảng – nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại lên tiếng kêu gọi đánh bại cái mà người đứng đầu chính phủ Hà Nội cũng như lãnh đạo Việt Nam lâu nay gọi là ‘âm mưu chống phá Đảng, nhà nước’.
Đó là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo điều hành trong năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong bài viết nhân dịp năm mới.
Bài viết được báo chí nhà nước đăng tải toàn văn trong ngày đầu của năm mới 2019 trong đó có trọng tâm thứ năm về Quốc phòng, An ninh được ông Phúc viết như sau:
Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Quyết liệt trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “tín dụng đen”; tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,…; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.”
Nhiệm vụ thứ 6 mà người đứng đầu Chính phủ VN quan tâm là:
Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, vi phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019 là năm rất đặc biệt vì theo ông đây là “Năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Nguyên văn câu viết của ông Nguyễn Xuân Phúc là “Thấm nhuần tư tưởng và mong muốn của Người, chúng ta phải có tầm nhìn rộng mở, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Người và cũng là ước mơ của triệu, triệu người dân Việt Nam“.
Theo một thống kê chưa đầy đủ của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, trong năm vừa qua đã có ít nhất 51 người đấu tranh ôn hòa, chủ yếu hoạt động trên Internet bị chính quyền Hà Nội bắt giam và khởi tố với các tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, tuyên truyền chống Nhà nước” và “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân”.
Hàng trăm người khác trên cả nước bị bắt giữ, kết án sau các cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và An Ninh Mạng trong tháng 6/2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-pm-reiterates-call-to-counter-so-called-scheme-to-undermine-vcp-and-state-01022019073615.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.