Tin Việt Nam – 01/01/2019
Việt Nam : Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực
Thụy MyĐạo luật An ninh mạng khắt khe, buộc các công ty internet phải gỡ bỏ tất cả những nội dung bị chính quyền cho là « độc hại », bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/01/2019 tại Việt Nam. Những người chỉ trích tố cáo luật này là « một mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin ».
Luật An ninh mạng được Quốc Hội Việt Nam thông qua hồi tháng Sáu đã bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các nhà đấu tranh cho tự do internet chỉ trích là bắt chước Trung Quốc trong việc kiểm duyệt thế giới mạng.
Luật này buộc các trang mạng trong vòng 24 giờ phải gỡ bỏ mọi lời bình đe dọa đến « an ninh quốc gia ». Các tập đoàn như Facebook, Google phải cung cấp dữ liệu của người sử dụng, khi chính quyền yêu cầu, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bộ Công An, hồi tháng 10 đã khẳng định với Quốc Hội là đạo luật nhằm tự vệ trước tin tặc và diệt trừ « các thế lực thù địch, phản cách mạng » sử dụng internet, vào tháng 11 đã công bố dự thảo nghị định, cho các đơn vị liên quan 12 tháng để chuẩn bị thích ứng với luật mới.
Facebook trong một thông cáo gởi qua mail cho AFP cho biết cam kết bảo vệ quyền của người sử dụng và khả năng tự do biểu đạt, khẳng định « Chúng tôi sẽ gỡ bỏ mọi nội dung vi phạm các tiêu chí (của Facebook) khi được báo cáo ». Còn Google, mà Hà Nội cho biết đang tiến hành mở văn phòng tại Việt Nam, hiện chưa muốn đưa ra lời bình luận với hãng tin Pháp.
Theo các nhà đấu tranh, tự do thông tin tại Việt Nam đã bị thu hẹp kể từ năm 2016. Human Rights Watch (HRW) đòi hỏi chính quyền Việt Nam xem xét lại Luật An ninh mạng và dời lại thời gian áp dụng. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á nhận định : « Luật này được soạn thảo để tăng cường khả năng giám sát của bộ Công An nhằm nhận diện những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền của đảng Cộng Sản ».
Một tuần trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Hội Nhà Báo Việt Nam đã công bố bản Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, cấm các nhà báo đăng những tin tức, hình ảnh và bình luận « chống lại Nhà nước ».
Ông Daniel Bastard của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) tố cáo bản quy tắc nói trên và Luật An ninh mạng là « mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin ». Theo ông, luật này có nguy cơ làm các start-up phải suy nghĩ lại trước khi đến làm ăn tại Việt Nam, đất nước đang muốn trở thành trung tâm công nghệ ở Đông Nam Á.
Hơn phân nửa trong số 93 triệu dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ người sử dụng Facebook.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190101-viet-nam-luat-an-ninh-mang-bat-dau-co-hieu-luc
Đầu năm, nhìn về Việt Nam từ Hoa Kỳ
“Biến cố” quan trọng nhất là Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đảng CSVN nói: “Luật này không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân, không cấm người dân sử dụng mạng xã hội,” nhưng tất cả 43 Điều trong Luật này đã quy định những ràng buộc pháp lý để tiêu hủy quyền tự do ngôn luận và kiểm soát tư tưởng người dân. Luật mới bắt ngưởi sử dụng phải lưu trữ thông tin và các công ty cung cấp dịch vụ trên mạng như Google và Facebook phải “lưu trữ dữ liệu, kể cả lý lịch cá nhân người sử dụng ở Việt Nam và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” cho chính phủ theo dõi. Luật này cũng cho phép bộ công an và bộ thông tin & truyền thông can thiệp, điều tra và chấm dứt hoạt động trên mạng của công dân bất kỳ lúc nào.Thêm vào đó, từ 3 tháng qua, bộ quốc phòng CSVN đã đưa khoảng 10,000 “quân nhân an ninh mạng” vào công tác ngăn chặn các tin bất lợi cho đảng và quân đội. Lý do vì đảng CSVN sợ thông tin trên Internet, khi càng ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên và người dân bỏ báo-đài lề đảng để đọc tin và giao lưu trên mạng xã hội. Việt Nam có khoảng 60 triệu người sử dụng Internet, 53 triệu người dùng Facebook và 23 triệu người sử dụng mạng xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị, sau khi bị dân chúng gây áp lực đình chỉ kế hoạch lập 3 đặc khu kinh tế có lợi cho Trung Cộng hồi tháng 6/2018, tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã được quốc hội trao thêm chức chủ tịch nước ngày 23/10/2018. Từ đó, ông đã tập trung quyền lực để thanh lọc hàng ngũ qua các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm cấp lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương trong 2 tháng 11 và 12/2018. Kết quả có 205 người trong 3 độ tuổi dưới 55, dưới 50 và dưới 45 đã được chọn vào danh sách “chuẩn ứng viên” cho khóa đảng 13, bắt đầu từ tháng 01/2021.
Nhưng từ bây giờ cho đến đại hội đảng 13, điều ông Trọng lo âu không phải là thành công hay thất bại trong công tác nhân sự, mà là tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đang đe dọa sự sống còn của đảng. Ông Trọng cũng chỉ thị công an phải ngăn chặn không cho thành hình tổ chức chính trị đối lập với đảng CSVN ở Việt Nam. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dau-nam-nhin-ve-viet-nam-tu-hoa-ky/
2018: Có ít nhất 11 người chết trong đồn công an,
quá nửa bị cho là tự tử
Vụ việc anh Nguyễn Minh Sang qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy hôm 23/12/2018 sau vài tiếng bị giam giữ trong trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình TPHCM là trường hợp mới nhất liên quan đến Vấn nạn người dân chết trong đồn Công an Việt Nam năm 2018, nâng con số nạn nhân lên 11 trong năm nay được ghi nhận trên truyền thông.Báo chí Việt Nam không tổng hợp về con số nạn nhân chết trong nhà tạm giam, nhà tạm giữ của công an trong những năm qua, chỉ duy nhất một báo cáo của Bộ Công an hồi năm 2015 về số người chết trong 3 năm từ 2011-2014 cho thấy, đã xảy ra 226 vụ chết trong đồn Công an.
Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Vậy đây có phải là sự kéo giảm trong vấn nạn này?
Quá nửa những vụ chết người trong trụ sở Công an 2018 là “tự tử”
Trong các trường hợp phơi bày trên mặt báo trong năm nay, có 6 người được cho là tự tử hoặc tự ngã dẫn đến tử vong, và các vụ này phần lớn đều rơi vào trạng thái im lặng, người nhà nạn nhân ít khi có ý kiến trên mặt báo.
Khởi đầu năm 2018, báo Tuổi trẻ online đưa tin về một nạn nhân không nêu danh tính “treo cổ tự tử” trong Trụ sở Công an xã Trường an, thành phố Vĩnh Long hôm 11/1.
Hôm 5/6, tại nhà tạm giữ Công an thành phố Cà Mau, nghi can Nguyễn Việt Khoa (31 tuổi) chết trong tư thể treo cổ sau khi bị bắt vì chống người thi hành công vụ.
Cụ thể là nạn nhân khi bị kiểm tra về việc sử dụng trái phép chất ma túy đã chống trả và dùng dao đâm khiến dân phòng bị thương
Một trường hợp mà báo chí Việt Nam không đề cập đến là ông Huỳnh Tuấn Long sinh năm 1979 tại Hà Nội tử vong vào ngày 21/8 sau khoảng 1 tuần lễ giam giữ tại Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội.
Khi pháp y quân đội khám nghiệm tử thi, gia đình cho RFA biết nạn nhân bị gãy 4 xương sườn, tuy nhiên công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa nói với Đài Á Châu Tự Do cho hay, người này cắn lưỡi tự tử và bị bắt khi có nghi vấn tàng trữ ma túy.
Gia đình nạn nhân nhiều lần yêu cầu giấy khám nghiệm tử thi và gửi đên đề nghị khởi tố vụ án nhưng các cơ quan im lặng trước đòi hỏi này.
Trong vụ bà Huỳnh Thị Nhung – em dâu của nhà báo Hoàng Khương, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ bị cho là “tự đâm kéo vào cổ” tử vong sau khi được đưa về trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa hôm 13/10, cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tố vụ án.
Nhà báo Hoàng Khương hôm 17/11 còn cho biết cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hòa còn có dấu hiệu làm sai lệch vụ án.
Theo luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ các năm vừa qua cho hay, rất khó để những người bị giam có thể tự kết liễu đời mình.
“Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị đánh chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự từ.
Thực sự mà nói thì không ai vào đó mà tự tử được hết, một cái phòng giam ít nhất có 2, 3 người trở lên làm sao mà tự tử được, có gì đâu mà tự tử. Cho nên tôi nghĩ là không bao giờ có trường hợp đó (tự tử).
Bên cơ quan điều tra nếu mà công bố sự thật thì phải khởi tố, nếu khởi tố thì phải đi tù nhiều.
Không có cách nào nói nên nói tự tử là an toàn nhất!” – Luật sư Đôn khẳng định.
Ông Đôn thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên hiện đã bị tước thẻ luật sư và đang khiếu nại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên về việc không thụ lý đơn khởi kiện Bộ trưởng Tư pháp của ông.
Phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân
Chính phủ Hà Nội, dẫn đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có 2 buổi điều trần hôm 14 và 15/11/2018 trước Ủy Ban Chống Tra Tấn (CAT) của Liên Hợp Quốc qua đó phủ nhận các thông tin về việc công an dùng nhục hình tra tấn người dân Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) dẫn số liệu không được kiểm chứng độc lập như sau:
“Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam. Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%. Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1 trường hợp là tự tử,” ông Cục trưởng Nguyễn Ngọc Anh nói.
Sau cuộc điều trần của Việt Nam, Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc đã có kết luận về báo cáo sơ khởi, trong đó có những yêu cầu cấp thiết mà chính quyền Việt Nam phải trả lời như sau: (1)
Khoản b điều 17 yêu cầu Quốc gia thành viên nên: “Thiết lập một sổ đăng ký tại trung ương về các trường hợp giam giữ, trong mọi giai đoạn điều tra và thụ lý, bao gồm việc thuyên chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, thông báo cho Ủy ban biết về loại thông tin được ghi nhận lại và các biện pháp cụ thể được thực hiện để đảm bảo việc lưu giữ hồ sơ chính xác nhằm phòng ngừa việc giam giữ một cách bí mật và làm ra vẻ nạn nhân mất tích.
Khoản a điều 21 cũng khuyến cáo Việt Nam cần: “Đảm bảo rằng tất cả các trường hợp bị cáo buộc về việc gây ra tử vong trong khi bị giam giữ và các khiếu nại về việc sử dụng vũ lực quá đáng, ở trong các cơ sở quốc gia thành viên và trên đường phố, được điều tra kịp thời, hữu hiệu và công minh bởi một cơ chế độc lập không có mối liên hệ với các cơ sở bị cáo buộc.”
Khoản c điều 29 yêu cầu: “Truy tố và trừng phạt tất cả các viên chức, quan chức đã cho phép thu thập bằng chứng bằng cách tra tấn, bao gồm cả những người khai man và cung cấp tài liệu giả mạo.Ủy ban Chống
Trong kết luận của mình, Ủy ban Chống tra tấn của LHQ cũng cho hay, có báo cáo về việc “Tù nhân bất đồng chính kiến bị tra tấn tâm lý và buộc phải uống/chích thuốc, trong đó có một số thuốc không được xác định và có tác dụng phụ.”
Công lý chưa được thực thi đầy đủ
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong năm 2018 chỉ có 6 viên công an trong 2 vụ án bị đem ra xét xử vì cáo buộc “dùng nhục hình” với mức án cao nhất là 9 năm tù.
Một phiên tòa phúc thẩm xử các quản giáo của Trại giam Long Hoà, Long An dùng nhục hình làm chết phạm nhân chưa thành niên với ba bị cáo là công an dự định xử vào ngày 21/11 nhưng đã không diễn ra như dự kiến.
Ngay trước buổi điều trần, ngày 14/11/2018, ông Nguyễn Văn Bảo – công an trại giam phân trại số 2, trại giam Thanh Xuân, Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an bị tuyên 9 năm tù giam vì tội “dùng nhục hình”.
Nạn nhân là ông Cầm Văn Chứn (sinh năm 1974) được cho là bị tát dẫn đến ngã về phía sau, đập đầu chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hôm 14/3/2018.
Ngày 16/11, sau buổi điều trần của Chính phủ Hà Nội trước Liên hiệp quốc, 2 cán bộ công an thuộc Nhà tạm giữ Công an quận 11, thành phố Hồ Chí Minh bị bắt để điều tra về tội “dùng nhục hình” liên quan đến cái chết của ông Châu Dung Thành, người qua đời sau 12 tiếng bị bắt giữ vì cáo buộc “ăn cướp và cố thủ trong tiệm game bắn cá”.
Cái chết của ông Châu Dung Thành lúc đầu được kết luận là “phù phổi cấp” trong khi người nhà nạn nhân đặt rất nhiều nghi vấn về các dấu vềt đánh đập hằn trên người nạn nhân.
Cái chết của ông Châu Dung Thành lúc đầu được kết luận là “phù phổi cấp” trong khi người nhà nạn nhân đặt rất nhiều nghi vấn về các dấu vềt đánh đập hằn trên người nạn nhân.
Theo luật sư Võ An Đôn, 3 trường hợp ông nhận bào chữa, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị chết trong đồn công an, ông đều yêu cầu tòa án xử những người gây ra cái chết với tội danh “giết người” nhưng tòa từ chối và thường xử theo cáo buộc “dùng nhục hình” với mức án nhẹ hơn.
Vị này nhận định, để hạn chế các trường hợp chết trong trại tạm giam, tạm giữ thì nhất thiết phải có cơ quan chức năng giám sát việc giam giữ và hệ thống tư pháp phải độc lập, nhưng theo ông Đôn thì với chế độ hiện nay là rất khó.
Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc.
Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết từ 2015 tới nay, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chỉ thụ lý 6 vụ với 11 bị can về tội dùng nhục hình.
(1) Theo bản dịch của tổ chức BPSOS ngày 26/12/2018
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2018-at-least-11-dead-in-police-custody-01012019103446.html
Nhân vụ 152 người trốn lại Đài Loan
nghĩ về danh dự dân tộc
Nguyễn LễGửi tới BBC Tiếng Việt từ Washington DCHết vụ này tới vụ khác, nỗi nhục quốc thể bao giờ mới dứt?
Hơn 150 du khách Việt mất tích ở Đài Loan – nhiều khả năng là bỏ trốn – chưa từng có trong lịch sử du lịch của Đài Loan và của cả du khách Việt Nam.
Nào có phải một, hai người gì. Đằng này là toàn bộ 152 người. Họ không những làm xấu mà còn làm xấu ở quy mô thật lớn đến mức không người dân nước nào bì kịp.
Đài Loan cân nhắc tăng hình phạt nhập cư trái phép
Bắt ba du khách Việt ‘mất tích’ ở Đài Loan
153 du khách Việt sang Đài Loan, 152 người ‘mất tích’
Vừa trước vụ này cũng có tin bốn người Việt vừa bị tuyên án tù ở Singapore vì qua nước người ta ăn trộm quần áo. Trước đó một người Việt ở Úc bỏ kim khâu trong dâu tây khiến ngành nông nghiệp nước này điêu đứng.
Đó chỉ là những vụ việc mới nhất. Nếu thống kê cho hết những vụ việc ô nhục của người Việt ở nước ngoài từ trước đến giờ thì có lẽ phải hết cả sớ Táo Quân.
Danh dự của người Việt còn được bao nhiêu mà các vị này cứ phá cho bằng sạch? Để rồi dân Việt mãi không dám ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ.
Hộ chiếu không quyền lực
Để xem thanh danh của người Việt đứng đâu trên trường quốc tế, trong chừng mực nào đó chúng ta có thể dựa vào bảng xếp hạng mức độ quyền lực của các hộ chiếu. Hộ chiếu nào xếp hạng càng cao thì có nghĩa là quốc gia đó càng được nhiều nước tín nhiệm và ngược lại.
Trong bảng xếp hạng mới nhất được công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners công bố hồi tháng 10 thì hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 90 trên tổng số 199 hộ chiếu.
Mặc dù phía sau người Việt còn hơn trăm nước, nhưng kết quả trên không khiến chúng ta tự hỏi, nói như lời một vị lãnh đạo Việt Nam, thì mình có làm sao mà người ta mới dựng hàng rào chặn mình vào ra trong khi người dân nước khác thì họ dang rộng hai tay chào đón?
Người Việt nào có xin thị thực du lịch tự túc vào nước Đông Á như Hàn, Nhật hay Đài mới thấu đoạn trường như thế nào.
Riêng với Đài Loan thì bản thân tôi đã thấm thía.
Số là tôi đang phối hợp xin visa cho một số cô chú người quen ra Giêng đi Đài Loan. Các cô chú này đã lớn tuổi, đã nghỉ hưu, gia đình ở Việt Nam đề huề, có nhà cửa đất đai đàng hoàng, có tài khoản trong ngân hàng, có thu nhập ổn định hàng tháng, cũng đã từng đi du lịch nước ngoài. Lẽ dĩ nhiên, họ không có động cơ gì trốn ở lại Đài Loan cả.
Đài Loan đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính
Đài Loan phá vỡ vụ trẻ Việt nhập cư lậu
Đài Loan phản đối VN trao nghi phạm cho TQ
Ấy vậy mà họ đã bị ‘quần’ cho lên bờ xuống ruộng và cuối cùng bị từ chối.
Tôi cảm thấy tự ái dân tộc thật sự: mình du lịch đến đất nước họ là đem tiền bạc đến cho họ chứ có phải đi xin đâu? Lẽ ra họ phải hoan nghênh không hết chứ?
Để xin visa tôi đã đặt sẵn hết vé bay và khách sạn nên giờ đây nên tôi phải nhờ công ty du lịch giúp đỡ về visa. Mọi việc vừa mới xúc tiến thì đùng một cái xảy ra vụ 152 người không thích sống đàng hoàng ở nhà mình mà thích trốn chui trốn lủi trong nhà người ta.
Thế là bao nhiêu tiền bạc đổ vào chuyến đi tan tành theo mây khói!
Tôi và các cô chú kia là nạn nhân của 152 người này, và tôi tin chắc rằng còn rất nhiều người Việt khác cũng tiền mất tật mang giống như chúng tôi.
Cùng chung vận mệnh
Tức mình vì cách đối xử của họ coi người Việt mình như đối tượng phạm tội tiềm tàng, nhưng nghĩ đi thì phải nghĩ lại: nếu mình cũng trong hoàn cảnh như họ, nếu giả sử người họ vào nước mình rồi làm đủ điều tệ hại thì mình có phải có những biện pháp phòng ngừa như thế không?
Thế nên việc làm của phía Đài Loan là không thể trách họ được. Có trách là trách những người đã bỏ trốn kia. Nhưng tôi và những người Việt đàng hoàng khác có lỗi gì đâu mà cũng lãnh đủ?
‘Lỗi’ của chúng tôi, theo cách nhìn của Đài Loan cũng như của các nước khác, là có cùng chung hộ chiếu giống như họ. Chúng tôi và họ cùng hòa làm một trong một nồi canh mà chỉ cần trong đó có một con sâu hay vết bợn thôi thì cả nồi canh sẽ bị vứt bỏ.
Những người Việt đàng hoàng và những người Việt phá hoại đều sống chung trong một ngôi nhà mà những kẻ phá hoại đó thay vì gia cố, bồi đắp cho nó thêm vững chắc thì họ lại gặm nhấm, phá phách khiến cho căn nhà đó trở nên rách nát, tả tơi. Dĩ nhiên, cùng sống chung trong một căn nhà thì tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng khi nó bị hư hỏng. Nói cách khác, tất cả người Việt đều gắn chặt với nhau trong cùng một vận mệnh.
Nếu có người Việt có thành tích vẻ vang trên trường quốc tế, chúng ta được thơm cùng; ngược lại, nếu có người Việt nào làm chuyện tai tiếng ở nước ngoài, chúng ta đều thấy hổ lây. Đội tuyển bóng đá Việt Nam chỉ có vài chục người, nhưng khi họ vô địch, tất cả người Việt đều có cảm giác mình là vô địch Đông Nam Á.
Người dân Mỹ dù nghèo nàn, vô gia cư, hút sách, phạm pháp đủ thứ nhưng nếu ra nước ngoài với hộ chiếu Mỹ thì họ vẫn được nhìn với ánh mắt tôn trọng, còn người Việt dù trong nước có là người đức cao trọng vọng thì khi đem theo hộ chiếu Việt Nam vẫn bị nhìn với ánh mắt dò xét.
Thú ăn đêm không thể bỏ qua ở Đài Loan
Đài Loan, hòn đảo ‘xin lỗi’ của thế giới
Bắc Sơn Thành và cuộc chiến âm thanh Trung-Đài
Thế mới thấy, cái ‘cùng chung vận mệnh’ đó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều thế nào, nhất là trong thời đại thế giới giao lưu nhiều như ngày nay.
Tuy nhiên, ‘mía sâu có đốt, nhà dột có nơi’, tại sao chỉ một vài người Việt phá hoại mà cả dân tộc không thể ngẩng cao đầu? Người Việt cũng như bất kỳ dân tộc nào khác cũng có người này người khác, tại sao lại quơ đũa cả nắm?
Giữa người Việt với nhau thì dù ai có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là một cá nhân, còn nếu ra nước ngoài, do khác biệt dân tộc mà người Việt được nhìn nhận không chỉ là một cá nhân mà còn là đại diện cho cả dân tộc Việt. Chẳng phải người Việt nghe tin người Trung Quốc sang Việt Nam lừa đảo này nọ rồi đánh giá là người dân Trung Quốc đều như vậy cả sao?
Tiếng xấu vang xa
Vậy thì những người Việt phá hoại đã phá ‘ngôi nhà chung’ đó đến mức nào? Tôi tự hỏi có còn góc nào trên thế giới mà người Việt không mang tai mang tiếng?
Châu Á như nước Nhật đã không lạ gì những người Việt ăn cắp hàng trong siêu thị. Châu Âu thì đầy những vụ buôn người liên quan đến người Việt, trong đó có buôn người sang Anh để trồng cần sa. Châu Phi thì người Việt sang đấy buôn sừng tê giác đẩy loài này vào diện khẩn nguy. Châu Mỹ thì có đại sứ quán tại Chile ngang nhiên phơi vây cá mập trong khuôn viên.
Còn ở Mỹ, người Việt đa phần đã trở thành ‘người gốc Việt’ nhưng tật xấu không vì thế mà bớt đi.
Người gốc Việt nào ở Mỹ mà không biết chuyện có đi làm nhưng giấu để ăn welfare hay làm ăn buôn bán lấy tiền mặt để trốn thuế. Ít có nơi công cộng nào ở Mỹ để bảng yêu cầu cẩn thận tài sản tiền bạc như ở Thương xá Phước Lộc Thọ ngay giữa Little Saigon. Mặc dù ‘người gốc Việt’ không còn chung vận mệnh với người Việt trong nước nhưng vì là ‘gốc Việt’ nên những gì xấu mà họ làm cũng ít nhiều bị liên hệ với cái ‘gốc’ đó và ảnh hưởng đến cả cộng đồng gốc Việt.
Nói đâu xa, ngay ở những nước láng giềng, những nơi mà dân Việt có điều kiện sang dễ dàng nhất thì tiếng tăm người Việt vì thế cũng từa lưa theo.
Từng sống ở Thái Lan trong nhiều năm, tôi chưa từng nghe hay thấy có giựt dọc hay cướp bóc gì nhưng đến khi báo chí đưa tin thì là người Việt sang trà trộn vào đám đông móc túi. Người Thái thuần thành, hiền lương rất yêu thương chó hoang nên khi chứng kiến truyền hình quay lại những chiếc xe tải nhét đầy những con chó bị bắt trên đất Thái để đưa về Việt Nam giết thịt họ cảm thấy rất bất nhẫn. Thiệt tình tôi không biết giấu mặt đi đâu trước các bạn Thái!
Tầm nhìn đầy gang
Người Việt đại đa số vốn xưa nay hiền lành, chân chất do bắt nguồn từ văn minh nông nghiệp lúa nước. Nhưng văn minh nông nghiệp cũng dẫn đến một điểm yếu chết người: người Việt suy nghĩ quá nhỏ, tầm nhìn không quá một gang tay. Điều này đặc biệt có ảnh hưởng trong mối tương quan giữa cá nhân và dân tộc.
Những người biến mất ở Đài Loan có lẽ họ chỉ thấy họ kiếm thêm được chút tiền nữa. Nhưng họ có thấy số tiền của mà xã hội đã bỏ ra để truy tìm và đưa họ về nước không? Họ có thấy bao nhiêu tiền bạc của những người khác vì họ mà đổ sông đổ biển không? Họ có thấy bao nhiêu công ty du lịch phải lao đao và bao nhiêu người làm công ăn lương có nguy cơ bị mất nồi cơm? Họ có thấy bao nhiêu người Việt khác có nhu cầu chính đáng sau này khó lòng mà sang Đài Loan lao động, du lịch, du học, công tác hay thăm thân không? Họ có biết hành động tùy tiện, vô kỷ luật, gian trá của họ đã hạ thấp uy tín của người Việt trong mắt các đối tác trên thế giới, nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế hay không?
Một khi uy tín đã bị sứt mẻ thì mọi cơ hội học hỏi, hợp tác, đầu tư hay làm ăn đối với người Việt sẽ trở nên khó khăn hơn. Tóm lại họ có thể được một mà đất nước chắc chắn mất cả trăm cả ngàn.
Khi đa số người Việt chỉ chăm chăm vào cái lợi trước mắt của cá nhân họ thì khó mà mong họ nhìn thấy lợi ích lớn hơn của đất nước, của dân tộc.
Cá nhân dù hùng mạnh đến đâu vẫn hữu hạn, nhưng dân tộc thì mãi trường tồn. Vô lượng mãi về sau, dân tộc luôn còn đó nhưng lần lượt từng cá nhân sẽ tan biến sạch trơn như bong bóng xà phòng. Theo lý đó thì mỗi cá nhân sinh ra là để phụng sự cho sự trường tồn của dân tộc chứ không phải bắt dân tộc phục vụ cho mình.
Vậy cho nên, mỗi cá nhân biết hy sinh lợi ích của cá nhân mình cho dân tộc thì dân tộc sẽ vững mạnh. Dân tộc mạnh, cái nhà chung đó mạnh thì cá nhân mình, đồng bào mình và con cháu mình cũng được lợi. Ngược lại, mỗi cá nhân phá phách, gặm nhấm làm cho căn nhà chung đó xiêu vẹo đổ sập xuống sẽ chôn luôn mình và tất cả đồng bào mình.
Nên thương hay giận?
Vào lúc này, với sự quyết liệt của chính quyền Đài Loan thì 152 người này không thể trốn mãi được. Từng người một sẽ bị tóm hết, bị thẩm vấn, phạt tiền, bị tống khứ về nước để hứng chịu búa rìu dư luận. Tiền mất hết, trắng tay mà chẳng được gì: du lịch thì trốn chui trốn lủi, công việc gì đó thì có thấy đâu, lại còn ôm thêm cục nợ và bị đuổi về trong ê chề, nhục nhã.
Nếu biết trước có kết cục như vậy thì họ có đi không? Nhưng họ nghĩ sao mà 152 con người cùng một lúc có thể ‘biến mất’ êm thấm ở một hòn đảo bé tẹo như vậy? Họ nghĩ sao mà chính quyền Đài Loan có thể để yên cho từng ấy con người làm việc bất hợp pháp? Có lẽ ngoài công việc kiếm được nhiều tiền như người ta hứa hẹn ra họ không còn thấy gì nữa hết. Vậy thì mong chi họ nghĩ đến quyền lợi đất nước.
Nếu nhận thức của họ đơn giản thế thì tội nặng nhất là những kẻ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ để gạt tiền, tổ chức cho họ đi (khó mà tin 152 người hành động mà không có sự tổ chức).
Nếu xét như thế thì họ cũng chỉ là nạn nhân – đáng thương hơn đáng giận. Nhưng dù có là nạn nhân đi nữa thì những gì họ nhận lãnh cũng đích đáng, không phải vì hậu quả họ gây ra mà còn vì họ cần bài học nhớ đời để nâng cao nhận thức để về sau không bao giờ tái phạm.
Nhưng nếu họ quả thật cùng quẫn, bí bách đến nỗi không còn con đường khác thì sao? Hoàn cảnh có thể cảm thông nhưng không thể lấy đó mà biện hộ cho hành động được. Đạo lý người Việt bao đời nay vẫn là ‘giấy rách phải giữ lấy lề’. Khổ thì người khác cũng khổ nhưng tại sao làm bậy chỉ có anh? Ai khổ cũng làm bậy thì xã hội còn ra thể thống gì? Chẳng lẽ anh khổ anh được tự tiện xâm nhập nhà người ta bất hợp pháp sao? Anh làm vậy chẳng những tổn thương lòng tự trọng của mình mà còn chà đạp lòng tự trọng của dân tộc nữa.
Nhưng khổ gì mà đến nỗi phải ra nước ngoài làm bừa vậy? Không còn đường sống? Tôi không tin đến mức như vậy. Có thể ở Việt Nam vẫn còn rất cơ cực nhưng nếu anh chịu làm lụng thì lẽ nào không nuôi nổi bản thân mình? Bao người miền dân miền Trung khổ cùng khổ cực vào Sài Gòn buôn gánh bán bưng, bán vé số, nhặt vé chai, đi giúp việc nhà họ vẫn sống được đó thôi.
Cho nên, nhìn đi nhìn lại nhiều khả năng họ bỏ trốn ra nước ngoài chỉ vì họ mong kiếm được nhiều tiền hơn mà thôi. Kiếm nhiều tiền ai mà chẳng ham? Vấn đề là anh không thể phạm pháp để thỏa mãn lòng tham của mình.
Đó là chưa kể tâm lý chung của nhiều người Việt rất là sính ngoại, vọng ngoại. Không hiểu sao người Việt trong nước, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, lúc nào cũng mơ tưởng cuộc sống ở nước ngoài để đổi đời. Nước ngoài làm việc còn cực gấp mấy lần nước trong. Sống ở nước ngoài nằm không có người bưng cơm cho ăn chắc? Mọi người chỉ thấy Việt kiều có tiền bạc gửi về và mỗi lần về nước thì xông xênh nhưng đâu có biết rằng đằng sau đó là nước mắt chan cơm. Mà những Việt kiều họ sĩ diện đâu dám thể hiện sự thật cho mọi người biết khiến ảo tưởng lại càng thêm ảo tưởng.
Tuy nhiên, nói gì đi nữa thì chắc chắn vụ việc này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với giới lãnh đạo Việt Nam.
Làm sao mà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã thoát khỏi kiếp nô lệ nhưng nay lại có biết bao dân Việt lưu lạc khắp nơi làm cu li cho người.
Làm sao mà, đất nước chưa bao giờ có được vị thế như ngày hôm nay mà vẫn có những người tìm đủ mọi cách dứt áo ra đi tìm đường sinh nhai ở xứ khác.
Cho dù đó không phải làn sóng ra đi ồ ạt như ở Venezuela hay đoàn di dân các nước Trung Mỹ nhưng nhất thiết vẫn phải tìm hiểu rõ ngọn ngành gốc nôi sự việc để tìm phương cách giải quyết sinh kế cho người dân.
Nói tóm lại, thay vì mỗi người dân Việt tìm mọi cách để lấy hộ chiếu nước ngoài trong khi chà đạp lên hộ chiếu nước mình thì tại sao chúng ta không chung tay giữ gìn hộ chiếu của nước mình và làm cho nó ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế?
Điều đó có gì là xa vời: mỗi người chỉ cần ứng xử đàng hoàng đúng mực khi ra nước ngoài với ý nghĩ rằng mỗi người Việt chúng ta đều là đại diện của dân tộc mình.
Bài thể hiện quan điểm riêng của người viết, thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại University of California, San Diego và từng là thực tập sinh ở CSIS và Stimson.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46727805
Dừng thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương,
bắt 5 cán bộ trốn thuế
Trong cùng ngày 1-1-2019, trạm thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương dừng thu phí đồng thời có 5 cán bộ liên quan bị bắt giữ với hành vi trốn thuế.Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn thông tin từ Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết bắt đầu từ ngày 1/1/2019, trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ dừng thu phí để bàn giao lại cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy nhiên không rõ thời hạn thu phí trở lại.
Đồng thời, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bắt giữ 4 cán bộ thuộc công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (công ty quản lý trạm thu phí) và 1 thuộc công ty Xuân Phi với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh từ nay sẽ bàn giao công tác quản lý thu phí và nhân sự cho Tổng công ty Cửu Long (Bộ Giao thông vận tải).
Tổng công ty Cửu Long cũng sẽ bàn giao việc quản lý tuyến đường cao tốc này cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi tiếp nhận, cơ quan này sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp trạm thu phí và báo cáo các cơ quan thẩm quyền để đưa ra các phương án sử dụng trạm sau đó.
Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có chiều dài toàn tuyến gần 62 km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỉ đồng được thông xe ngày 3/2/2010.
Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư trúng đấu giá quyền thu phí 5 năm của dự án này (từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2018) do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp tổ chức bán đấu giá.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/stop-collecting-bot-fee-on-trungluong-hcmcity-highway-01012019101639.html
Metro Bến Thành- Suối Tiên:
Dọn đường cho Trung Quốc vào thay Nhật Bản!
Gió BấcViết về tiêu cực trong dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên, báo Tiền Phong có bài “Ðường hầm tuyến metro số 1 TPHCM: Sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng”, nêu “sai phạm” của ông Minh Quang là gây mất đoàn kết, làm ông Hoàng Như Cương, Phó Ban Quản lý ĐSĐT phải làm đơn xin nghỉ việc ba lần vì “không hạp” với trưởng ban {1}. Cách thông tin này dễ làm người đọc hiểu rằng ông Cương đi nước ngoài do mâu thuẫn với ông Quang.
Nhưng thực tế, ông Cương đã là Phó Ban MAUR nhiều năm trước khi ông Quang được bổ nhiệm và còn là Bí thư đảng ủy của MAUR. Ông Quang chỉ mới tiếp nhận dự án từ tháng 7/2016 và chỉ vướng trách nhiệm sai thủ tục khi :”bào mòn” tường vây từ 2m xuống còn 1,5m, tiết kiệm cho dự án 4 triệu USD và rút ngắn 5 tháng thi công. Những con số khủng về đội vốn và sai phạm tài chính của dự án đã xảy ra trước khi ông Quang được bổ nhiệm và có phần trách nhiệm của ông Cương, Phó ban kiêm Bí thư đảng ủy.
Củi chạy thoát lò: Ông Phó Ban, Bí thư đảng ủy!
Khác với dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông đội vốn do phát sinh trong quá trình thi công, Metro Bến Thành Suối Tiên đội vốn lên gấp 2 lần chủ yếu là do thay đổi thiết kế, yêu cầu sử dụng.
Những con số khủng về đội vốn và sai phạm tài chính của dự án đã xảy ra trước khi ông Quang được bổ nhiệm và có phần trách nhiệm của ông Cương, Phó ban kiêm Bí thư đảng ủy.
Đầu tiên, dự án có tổng mức đầu tư là 17.000 tỉ đồng, do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư. Theo luật, với quy mô này, dự án xếp vào nhóm A, do Thủ Tướng phê duyệt và thực tế đã được phê duyệt.
Đến năm 2011 dự án điều chỉnh một số hạng mục như qui mô nhà ga Bến Thành từ 2 tầng (diện tích sàn 12.720m2 với chức năng nhà ga trung tâm) tăng lên 4 tầng (diện tích sàn 30.000m2 với chức năng ga trung tâm tích hợp Trung tâm thương mại ngầm). Điều chỉnh này làm tăng vốn 3.224 tỉ đồng.
Điều chỉnh 310m kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp tường vây, kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U, thay đổi kích thước nhịp từ 33m xuống 30m, phát sinh thêm 54 trụ cầu (từ 467 trụ lên 519 trụ) khiến giá trị công trình tăng thêm 1.420 tỉ đồng.
Dự án được phê duyệt điều chỉnh bằng Quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT do Phó trưởng ban Hoàng Như Cương ký, tổng mức đầu tư tương đương 54.006 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo của chủ đầu tư trong quyết định 4480/QĐ-UBND vẫn là 47.325 tỉ đồng. Ở đây, cả ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP và ông Cương đều đã ký lạm quyền, vì theo quy định, những dự án có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỉ đồng đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia phải do Quốc Hội phê duyệt. Những lùng nhùng bế tắc của dự án bắt đầu từ sự lạm quyền ký và triển khai dự án vượt quá thẩm quyền.
Ngoài sai sót thể thủ tục, thẩm quyền, về quản lý tài chính trong phê duyệt và thực hiện dự án, điều chỉnh thực tế cũng xảy ra nhiều sai phạm khủng.
Báo cáo kiểm toán xác định tổng mức đầu tư tăng do nguyên nhân trượt giá và thay đổi hợp lý trong thiết kế tương đương 29.211 tỉ đồng, chênh lệch so với QĐ 4480 là 18.114 tỉ, so với QĐ 178 là 24.795 tỉ. Trong đó, tổng mức đầu tư tính toán chưa hợp lý (hàng trăm mục) khiến tăng 9.668 tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 2.898 tỉ đồng, bao gồm thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỉ đồng; nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng; giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96,5 tỉ đồng; xử lý khác là 2.648. Tất cả các khoản này phát sinh ở thời điểm trước khi Lê Nguyễn Minh Quang tham gia dự án nhưng báo chí Việt Nam cứ nêu con số mà không đề cập đến trách nhiệm của ai.
Phải chăng đây là lý do ông đi nước ngoài khi chưa được phép giống như Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Nhôm trước đây? Vì sao báo chí không mấy mặn mà với ông Bí thư đảng ủy bỏ trốn này mà tập trung vào người đổ vỏ vĩ đại Lê Nguyễn Minh Quang?
Như vậy, về trách nhiệm cá nhân ông Hoàng Như Cương phải chịu trách nhiệm về việc lạm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng và phải chịu một phần trách nhiệm trong số tiền sai phạm tài chính hơn 2.898 tỉ đồng cần phải xử lý. Phải chăng đây là lý do ông đi nước ngoài khi chưa được phép giống như Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Nhôm trước đây? Vì sao báo chí không mấy mặn mà với ông Bí thư đảng ủy bỏ trốn này mà tập trung vào người đổ vỏ vĩ đại Lê Nguyễn Minh Quang? Đây là câu hỏi khó trả lời trực tiếp mà chỉ có thể suy đoán ai là người hưởng lợi nếu dự án thất bại?
Không quyết, cũng không trình Quốc Hội
Việc tuyến metro bị đội vốn từ 17.400 tỉ đồng lên hơn 47.300 tỉ đồng nhưng chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, nên dự án gặp khó khăn trong việc bố trí vốn.
Dù UBND TP nhiều lần kêu cứu với các Bộ và Thủ tướng, tiền thì không thiếu, phía Nhật chấp nhận cho vay ODA theo tỉ lệ 90% tổng mức đầu tư của dự án, TP.HCM sẵn sàng tự lực chi đối ứng, nhưng do các nguyên tắc, các Bộ vẫn chỉ bố trí vốn theo phương án 17.000 tỉ ban đầu. Cụ thể, năm 2017, vốn ODA được giao chỉ là 2.119 tỉ đồng, trong khi nhu cầu là 5.422 tỉ đồng (đáp ứng được 39%), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn là 20.930 tỉ đồng thì tuyến metro 1 mới được giao 7.500 tỉ đồng (đáp ứng 36%).
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND TPHCM đã tạm ứng ngân sách 3 lần với số tiền gần 2.300 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, mới đây căn cứ vào quy định, TP cũng không được tạm ứng vốn mà phải chờ Quốc Hội phê duyệt.
Sáng 25.6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã kiểm tra thực tế dự án và đã nghe UBND TP báo cáo kiến nghị, ông Nguyễn Đức Kiên cũng trả lời theo kiểu nước đôi, đoàn sẽ cùng với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tìm hiểu xem việc đội vốn các dự án thay đổi gì về thiết kế, hướng tuyến, kết cấu, chiều dài tuyến và công năng sử dụng của các nhà ga, dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh.
Về việc TPHCM có kiến nghị muốn “tự quyết” việc phê duyệt dự án đầu tư đường sắt đô thị, ông Nguyễn Đức Kiên cảnh báo là “Luật Đường sắt năm 2005 và Luật Đường sắt mới 2017 đều quy định các tuyến đường sắt đô thị do UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quyết định đầu tư, nhưng phải theo quy định thống nhất của Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công”, nhưng ông cũng ỡm ờ gợi ý là “Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện về cơ chế chính sách để TPHCM năng động và thực hiện vai trò đầu tàu phát triển kinh tế đất nước”.{3}
Cũng với thái độ nước đôi hứa sẽ xem xét báo cáo nhưng không cho giải ngân vốn ODA, cũng không cho tạm ứng, Trung ương đã làm dự án cạn hết nguồn vốn, không tiền trả lương nhân viên và nợ các nhà thầu thi công nhiều tháng liền ở những hạn mục họ đã thi công hoàn thành.
Thật kỳ lạ là trong khi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội có dư thời giờ để xem bóng đá và làm chuyện đáng xấu hổ là giành nhau với cầu thủ Quang Hải tấm biển giải thưởng danh hiệu vô địch AFF cúp trước hàng vạn khán giả và ống kính truyền hình quốc gia, quốc tế, thì lại không có thì giờ xem xét giải quyết dự án trọng điểm quốc gia. Hệ quả của sự tắc trách này không chỉ gây lãng phí vốn liếng, ảnh hưởng kinh tế xã hội mà còn gây sứt mẻ uy tín trong quan hệ đối ngoại.
Muốn Nhật buông tay để Trung Quốc thao túng?
Vào giữa tháng 11, Đại sứ Nhật tại Việt Nam đã có công văn gởi Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP.HCM cảnh báo việc chậm trả nợ sẽ gây khó khăn cho nhà thầu Nhật, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư rất điềm tĩnh trả lời báo chí nước ngoài là việc này chờ Quóc Hội thông qua và Bộ này không được giao nhiệm vụ báo cáo Quốc Hội.{4} Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thì dũng cảm cho rằng số nợ 100 triệu là rất nhỏ!!!
Ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii cho biết ông đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trước đó vào buổi sáng cùng ngày về số tiền nợ của dự án Metro. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ rằng phía Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM đang bắt đầu các thủ tục để thanh toán những chi phí còn lại.{5}
Những thông tin này không chỉ được báo chí trong nước quan tâm mà là chủ đề nóng nhiều báo đài quốc tế như Spunhik của Nga, BBC, VOA quan tâm đăng tải.
Đặc biệt là những năm gần đây, nguồn vốn ODA của các quốc gia và định chế quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng thắt chặt đến mức cạn kiệt, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi nếu không nói là duy nhất còn ưu ái tiếp tục tài trợ ODA. Thế nhưng sau bê bối tham nhũng Xa lộ Đông Tây, tuyến đường sắt phía Bắc, lần này lại xảy ra chây ì trả nợ, vì sao các Bộ, Chính Phủ không chút e ngại trước cảnh báo của nguồn cung ứng ODA hiếm hoi còn lại này? Tại sao báo chí lại khủng bố người đổ vỏ Lê Nguyễn Minh Quang mà lãng quên kẻ ăn ốc Bí thư đảng ủy đã trốn ra nước ngoài?
Xu thế mở rộng cửa đón nhà đầu tư Trung Quốc của Đảng và chính quyền Việt Nam ngày càng rõ, càng sâu đậm. Trung Quốc được ưu đãi mọi lĩnh vực, được mời đón ở mọi miền đất nước. Đặc biêt lượng người Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM năm qua tăng vọt. Người Trung Quốc cũng công khai ý muốn giành lấy dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên.
Đây không phải suy đoán của người Việt mà chín trang mạng Jaipo, cổng thông tin Nhật Bản đã đưa tin “Ngày 16/10, Báo Sichuan Daily của Trung Quốc thông tin: Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị nhà thầu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông kế hoạch thôn tính dự án Metro TP.HCM từ tay nhà thầu Nhật Bản. Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc có cuộc họp tổng kết quý III năm 2017, đồng thời đưa ra các dự án đầu tư mới năm 2018…..
Tập đoàn cục 6 Trung Quốc đã lên kế hoạch cụ thể, giúp phía Việt Nam thanh lý toàn bộ hợp đồng với nhà thầu Sumitomo Nhật. Sau đó sẽ thay thế nhà thầu Sumitomo hoàn thành ự án theo đúng bản thiết kế cũ với chi phí thấp hơn và đảm bảo sử dụng công nghệ tốt nhất của Trung Quốc.
Ngoài ra, Tập đoàn cục 6 Trung Quốc cũng có phương án dự phòng trong trường hợp TP.HCM không đồng ý sự xuất hiện của nhà thầu Trung Quốc. Đó là Tập đoàn sẽ thành lập liên doanh với nhà thầu Sumitomo Nhật Bản. Trong đó phía Trung Quốc sẽ đảm bảo hoàn toàn vấn đề tài chính để dự án được thực hiện một cách nhanh nhất. Trong khi vẫn đảm bảo giữ nguyên toàn bộ thiết kế và công nghệ từ phía Nhật Bản”. {6}
Yêu nước là cái gai cần loại bỏ!
Về tính cách và thực tế hành động, Lê Nguyễn Minh Quang không chỉ nghiêm khắc minh bạch trong chọn thầu, đã từng va chạm và làm nản lòng, vô hiệu hóa các thủ thuật mua chuộc của nhà thầu Trung Quốc, mà còn dũng cảm thể hiện lòng yêu nước, tự hào, chống ngoại xâm một cách công khai. Fb có nick Huong Quynh của nhà báo Tuổi Trẻ đã viết rằng thời làm Tổng Giám Đốc , ông Quang đã đặt tên các phòng làm việc, phòng họp trong công ty theo tên của các danh nhân lịch sử, địa danh chiến thắng quân Tàu như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và khi về Ban Quản Lý dự án Đường sắt ông cũng thực hiện tương tự như vậy.
Fb Pham Minh Hoang, một bạn học cùng thầy ở Pháp với ông Quang, hiện là giảng viên Đại Học cũng có bài viết ca ngợi tâm huyết, lòng yêu nước của Quang. Chính giáo sư hướng dẫn luận văn Tiến sĩ của Quang đã viết thư cho chính phủ Việt Nam bày tỏ sự hài lòng về Quang và đề nghị tiếp tục gởi cho ông những sinh viên nhiệt huyết như vậy.
Còn ngồi ghế Trưởng Ban, chắc hẳn ông Quang sẽ là cái gai, là viên đá cản đường doanh nghiệp Trung Quốc.
Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ở Biển Đông, vị trí địa chính trị của Việt Nam hết sức quan trọng với người Nhật. Các quan chức Việt Nam ý thức điều đó nên hồn nhiên đu dây trong thế ngư ông đắc lợi. Sự minh bạch của người Nhật không đáp ứng quyền lợi riêng, họ cứ rộng tay chào đón người Trung Quốc vì biết rằng người Nhật không thể vì kinh tế mà mất chính trị. Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nhật đã phải xuống giọng kêu gọi “Trong thời gian tới đây, Nhật Bản mong muốn sẽ sử dụng hiệu quả và áp dụng những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến của Nhật để giúp Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo an trên biển như hoạt động phòng chống hải tặc, Bộ trưởng Keiichi Ishii nói máy bay của các cơ quan bảo an trên biển Nhật Bản đã sang Việt Nam từ ngày 25 đến 28-12. Hoạt động phái cử lần này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan bảo an trên biển của cả hai nước, đồng thời tăng cường trật tự trên vùng biển mở và tự do, trên tinh thần thượng tôn pháp luật của khu vực Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương” {5}
1- https://www.tienphong.vn/xa-hoi/%C3%B0uong-ham-tuyen-metro-so-1-tphcm-sa…
2- https://thanhnien.vn/thoi-su/hang-loat-sai-pham-tai-metro-ben-thanh-suoi…
3- https://laodong.vn/xa-hoi/quoc-hoi-vao-cuoc-giai-cuu-tuyen-metro-ben-tha…
4- https://vn.sputniknews.com/vietnam/201811276632398-vi-sao-no-tien-lam-me…
5- https://vn.sputniknews.com/business/201812266820722-nhat-ban-mong-viet-n…
6- https://japo.vn/contents/tin-tuc/44613.html
7–https://www.facebook.com/profile.php?id=100026988406827&__tn__=%2CdCH-R-…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/metro-benthanh-suoitien-replace-japan-by-china-12312018214442.html
0 nhận xét