Tin khắp nơi – 12/01/2019
Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019
15:34
//
Slider
,
Tin Thế giới
NYT: FBI mở điều tra phản gián
nhắm vào Trump sau vụ sa thải Comey
Các quan chức chấp pháp đã lo ngại về hành vi của Tổng thống Donald Trump trong những ngày sau khi ông sa thải Giám đốc FBI James Comey tới mức họ bắt đầu điều tra xem liệu ông có đang làm việc cho Nga chống lại lợi ích của Mỹ hay không, báo The New York Times loan tin.Bài báo đăng tối ngày thứ Sáu dẫn lời các cựu quan chức chấp pháp không nêu danh tính và những người khác nắm rõ cuộc điều tra.
Cuộc điều tra đã buộc các nhà điều tra phản gián phải thẩm định liệu ông Trump có phải là mối đe dọa tiềm năng đối với an ninh quốc gia hay không, và họ cũng tìm cách xác định liệu ông Trump có cố tình làm việc cho Nga hay bị Moscow gây ảnh hưởng mà không có chủ ý hay không.
Tờ Times đưa tin các đặc vụ FBI và một số quan chức hàng đầu bắt đầu nghi ngờ về những liên hệ của ông Trump với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 nhưng đã không mở một cuộc điều tra vào thời điểm đó, bởi vì họ không chắc chắn làm thế nào để thực hiện một cuộc điều tra nhạy cảm và quan trọng như vậy, theo các nguồn tin. Nhưng hành vi của ông Trump trong những ngày xung quanh vụ sa thải ông Comey vào tháng 5 năm 2017, cụ thể là hai sự việc mà trong đó ông dường như liên kết việc sa thải ông Comey với cuộc điều tra Nga, đã kích hoạt phần phản gián của cuộc điều tra, theo tờ báo.
Ông Trump sáng ngày thứ Bảy viết trên Twitter rằng bài báo cho thấy lãnh đạo FBI “mở một cuộc điều tra về tôi, không vì lí do gì & không có bằng chứng gì” sau khi ông sa thải ông Comey.
Robert Mueller tiếp quản cuộc điều tra khi ông được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt ngay sau vụ sa thải. Cuộc điều tra tổng thể đang xem xét sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử và liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có cấu kết với người Nga hay không. Báo Times nói không rõ liệu ông Mueller có còn đang theo đuổi khía cạnh phản gián hay không.
Luật sư của ông Trump, Rudy Giuliani, nói với tờ Times rằng ông không biết gì về cuộc điều tra nhưng nói rằng vì nó được mở cách đây một năm rưỡi và họ vẫn không nghe thấy tăm hơi gì, rõ ràng là “họ không tìm thấy gì cả.”
Ông Trump vẫn kịch liệt phủ nhận thông đồng với Nga. Moscow cũng phủ nhận cáo buộc can thiệp bầu cử.
https://www.voatiengviet.com/a/new-york-times-fbi-mo-dieu-tra-phan-gian-nham-vao-trump-sau-vu-sa-thai-comey/4740237.html
Trump nói không tuyên bố
tình trạng khẩn cấp lúc này
Tổng thống Donald Trump hôm 11/1 nói ông sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia “ngay lúc này” để chấm dứt tình trạng đối đầu về an ninh biên giới khiến 1/3 chính phủ Mỹ đóng cửa. Như vậy, chắc chắn ông Trump sẽ là Tổng thống chứng kiến chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử.Cuộc tranh chấp đã làm gián đoạn mọi thứ từ du hành hàng không cho đến thu thuế trong khi gần 800.000 công chức chính phủ không nhận được tiền lương.
Ông Trump đã nhiều lần mô tả tình hình ở biên giới Mỹ-Mexico là một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” trong khi có nhiều đồn đoán trong tuần này rằng ông sẽ gạt Quốc hội qua một bên để bắt đầu xây dựng bức tường biên giới hứa hẹn thời tranh cử – một hành động mà chắc chắn sẽ bị phe Dân chủ kiện ra tòa.
Thay vào đó, Tổng thống kêu gọi các nhà lập pháp cấp cho ông 5,7 tỉ đôla mà ông đang tìm kiếm cho an ninh biên giới.
“Giải pháp dễ dàng cho tôi là tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tôi có thể làm điều đó rất nhanh,” ông Trump nói trong một sự kiện ở Nhà Trắng về an ninh biên giới. “Tôi có quyền tuyệt đối để làm vậy. Nhưng tôi sẽ không làm điều đó quá nhanh. Bởi vì đây là điều mà Quốc hội nên làm.”
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chế nhạo Tổng thống khi bà nói với các phóng viên rằng hành động kế tiếp là tùy thuộc ở ông Trump.
“Hãy cho ông ấy thời gian để suy nghĩ kĩ. Suy nghĩ? Tôi nói là suy nghĩ phải không?” bà nói.
Ông Trump phát biểu sau khi các nhà lập pháp ngưng nghị họp để nghỉ cuối tuần, nghĩa là sẽ không có bất cứ hành động khả dĩ nào cho đến tuần sau. Bước sang ngày 12/1, đợt đóng cửa chính phủ lần này trở thành dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Trước đó hôm 11/1, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã biểu quyết với tỉ lệ 240-179 để khôi phục ngân khoản cấp cho Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hai trong số các cơ quan đã bị đóng cửa kể từ ngày 22 tháng 12.
Nhưng phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện cho đến giờ vẫn sát cánh cùng ông Trump và nhấn mạnh rằng bất kì dự luật chi tiêu nào cũng phải bao gồm tiền xây bức tường do Tổng thống đề xuất. Thượng viện ngưng họp mà không đưa dự luật của Hạ viện lên để biểu quyết.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ cho phép ông Trump chuyển tiền từ các dự án khác để thanh toán tiền xây tường, một lời hứa trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 của ông. Điều này, ngược lại, có thể khiến ông ký các dự luật khôi phục ngân khoản cấp cho các cơ quan đã bị ảnh hưởng vì chính phủ đóng cửa để toàn bộ cổ máy vận hành trở lại.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-khong-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-luc-nay/4739608.html
Tổng thống Trump phát biểu trước toàn dân
về khủng hoảng an ninh biên giới
Tối thứ Ba (8/1) theo giờ Mỹ (tức sáng nay, thứ Tư theo giờ Việt Nam), Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald Trump đã có bài phát biểu tới toàn dân về “cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo đang gia tăng” và sự cần thiết của bức tường biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.Trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết: “Sẽ có nhiều người Mỹ chết vì ma túy trong năm nay hơn là chết trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam”. Tổng thống Trump kêu gọi chặn đứng “số lượng lớn những ma túy bất hợp pháp gồm meth, heroin, cocaine và fentanyl” từ bên kia biên giới du nhập vào Mỹ.
Mở đầu bài phát biểu, ông Trump nhấn mạnh: “Mỗi tuần, 300 công dân của chúng ta bị giết bởi riêng heroin – 90% trong số ma tuý đó tràn qua biên giới phía nam của chúng ta”.
“Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo – khủng hoảng về trái tim và khủng hoảng tâm hồn. Tháng trước, 20.000 trẻ em di cư đã được đưa vào Mỹ bất hợp pháp – một sự gia tăng đáng kể. Những đứa trẻ này được sử dụng như những con tốt của những kẻ như những con sói
hung ác và các băng đảng tàn nhẫn. Một phần ba phụ nữ bị tấn công tình dục trên chuyến đi nguy hiểm xuyên qua Mexico. Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân lớn nhất từ trước đến nay”, Tổng thống Trump nói.
Tổng thống Trump cũng tưởng nhớ một số người Mỹ đã bị sát hại, mà nghi phạm là những người nhập cư bất hợp pháp. Trong số những người mất đi sinh mệnh gồm có viên cảnh sát tại California, người bị sát hại chỉ một ngày sau lễ Giáng sinh – vụ án được cho là do một người nhập cư bất hợp pháp lái xe khi đang say rượu.
“Trái tim những người Mỹ đã vỡ vụn một ngày sau Giáng sinh, khi một cảnh sát trẻ ở California bị sát hại dã man bởi một kẻ máu lạnh mới vượt biên bất hợp pháp [vào nước ta]. Cuộc sống của một người hùng Mỹ đã bị đánh cắp bởi một kẻ không có quyền gì tại đất nước chúng ta”, Tổng thống Trump nói.
“Trong vài năm qua, tôi đã gặp hàng chục gia đình có người thân bị lấy đi sinh mệnh do nhập cư bất hợp pháp. Tôi đã nắm tay những người mẹ đang khóc và ôm lấy những người cha đau buồn. Thật đáng buồn. Thật khủng khiếp. Tôi sẽ không bao giờ quên nỗi đau trong mắt họ, sự run rẩy trong giọng nói của họ, hay nỗi buồn nắm lấy tâm hồn họ”.
“Bao nhiêu máu của người Mỹ phải đổ hơn nữa trước khi Nghị viện thực hiện công việc của mình?”, Tổng thống Trump đặt câu hỏi và đề cập đến việc đảng Dân chủ tại Nghị viện từ chối cấp ngân sách xây dựng bức tường biên giới mà ông đề xuất.
Đối với những bình luận của Chủ tịch Hạ viện Dân chủ Pelosi nói rằng, một bức tường sẽ là vô đạo đức, Tổng thống Trump nhận xét: “Một số người cho rằng một rào cản là vô đạo đức. Vậy thì tại sao các chính trị gia giàu có thường xây tường, hàng rào và cổng quanh những ngôi nhà của họ? Họ xây tường không phải vì họ ghét những người ở bên ngoài, mà vì họ yêu những người ở bên trong”.
“Đây là sự lựa chọn giữa đúng và sai, công bằng và bất công. Đây là về việc liệu chúng ta có thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với các công dân Mỹ mà chúng tôi phục vụ hay không. Khi tôi tuyên thệ nhậm chức, tôi đã thề sẽ bảo vệ đất nước của chúng ta và tôi sẽ luôn làm như vậy. Xin Chúa hãy giúp con”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25767-tong-thong-trump-phat-bieu-truoc-toan-dan-ve-khung-hoang-an-ninh-bien-gioi.html
Hạ viện thông qua dự luật mở cửa lại
một số cơ quan chính phủ
Hạ viện Hoa Kỳ do phe Dân chủ kiểm soát hôm 11/1 biểu quyết khôi phục ngân khoản cấp cho một số cơ quan liên bang bị đóng cửa vì tranh chấp với Tổng thống Donald Trump về kinh phí xây tường biên giới, trong khi ước tính khoảng 800.000 công chức chính phủ, từ nhân viên thu thuế cho đến các đặc vụ FBI, chưa nhận được chi phiếu trả lương.Không biết đến bao giờ hoạt động của chính phủ tại các cơ quan đó mới được tái tục trọn vẹn. Thượng viện đã ngưng họp để nghỉ cuối tuần mà không có hành động nào, và Lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố ông sẽ không đưa dự luật của Hạ viện ra để biểu quyết. Phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện đến giờ vẫn sát cánh với ông Trump và nhất mực nói rằng bất kì dự luật chi tiêu nào đều phải bao gồm tiền cho bức tường như Tổng thống đề nghị.
Dự luật của Hạ viện, thông qua với tỉ lệ 240-179 chỉ với 10 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, sẽ khôi phục ngân khoản cấp cho Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hai trong số các cơ quan đã không nhận được tiền kể từ ngày 22 tháng 12 vì tranh chấp về bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Dự luật trị giá 35,9 tỉ đôla cao hơn so với yêu cầu của ông Trump 6 tỉ đôla.
Đối diện viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử, ông Trump nói ông có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để bỏ qua Quốc hội nhằm lấy tiền xây tường. Đây là một lời hứa trọng tâm của chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông.
Bước vào ngày thứ 21, tình trạng đóng cửa chính phủ một phần tính tới ngày 11/1 đã ngang bằng kỉ lục dài nhất trong lịch sử của Mỹ.
Sân bay Quốc tế Miami cho biết họ sẽ đóng sớm một trong những ga hành khách trong vài ngày tới vì thiếu nhân viên rà soát an ninh. Những người này đã gọi điện thoại cáo bệnh với tần suất cao gấp đôi bình thường trong thời gian gần đây.
Một nghiệp đoàn đại diện hàng ngàn kiểm soát viên không lưu đã kiện Cục Hàng không Liên bang vào ngày 11/1, nói rằng cơ quan này vi phạm luật tiền lương liên bang vì không trả lương cho nhân viên. Đây ít nhất là vụ kiện thứ ba được đệ trình bởi các nghiệp đoàn thay mặt nhân viên không được trả lương.
Khoảng 800.000 công chức liên bang đã không nhận được tiền lương mà lẽ ra được xuất quỹ vào ngày 11/1. Một số người túng thiếu đến mức phải bán đồ đạc của họ hoặc đăng những lời khẩn cầu trên các trang mạng gây quỹ xã hội để giúp thanh toán chi tiêu.
Phó Tổng thống Mike Pence nói ông Trump sẽ kí luật được Quốc hội thông qua, cam kết sẽ trả lại tiền lương cho công chức liên bang một khi chính phủ mở cửa trở lại, Reuters cho biết.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã nhiều lần cam kết Mexico sẽ thanh toán tiền xây bức tường mà ông nói là cần phải có để ngăn chặn dòng người nhập cư và ma túy bất hợp pháp vào Mỹ. Nhưng chính phủ Mexico từ chối và ông Trump hiện đang yêu cầu Quốc hội cấp 5,7 tỉ đôla tiền của người đóng thuế ở Mỹ để xây bức tường.
Phe Dân chủ trong Quốc hội gọi bức tường là phương án không hữu hiệu, lỗi thời cho một vấn đề phức tạp.
https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-thong-qua-du-luat-mo-lai-mot-so-co-quan-chinh-phu/4739602.html
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa giới thiệu dự luật
giúp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chính phủ đóng cửa
Washington DC – Một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa vào thứ Sáu (11 tháng 1) đã giới thiệu một dự luật giúp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chính phủ đóng cửa, bằng cách đề nghị biện pháp tự động gia hạn đối với các khoản ngân sách tài trợ các cơ quan liên bang, giúp cho phép chính phủ liên bang vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi Quốc hội không đạt được thỏa thuận ngân sách.Hiện tại, Quốc hội đã trễ hạn phê chuẩn dự luật ngân sách chính phủ, và các cơ quan không có được tài trợ đều phải ngừng hoạt động. Thông thường, khi gần đến hạn chót, Quốc hội thường sẽ phê chuẩn một quyết định được gọi là quyết định gia hạn, nhằm hoãn thời hạn phê chuẩn ngân sách, và tiếp tục cấp tiền cho các cơ quan liên bang ở mức hiện tại.
Dự luật End Government Shutdowns Act sẽ tự động tạo ra quyết định gia hạn đối với mọi dự luật ngân sách không được phê chuẩn vào ngày 1 tháng 10, vốn là hạn chót để quyết định ngân sách chính phủ cho năm tài chính sắp tới. Trên lý thuyết, dự luật này sẽ cho phép các thành viên Quốc hội tiếp tục tranh luận trong lúc vẫn giữ cho chính phủ mở cửa. Theo dự luật mới, dù tự động có quyết định gia hạn, ngân sách cho các cơ quan vẫn sẽ bị giảm 1% sau 120 ngày, và sẽ giảm 1% mỗi 90 ngày sau đó, cho tới khi Quốc hội hoàn thành trách nhiệm về việc quyết định ngân sách hàng năm.
Dự luật mới được giới thiệu bởi các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đại diện cho nhiều nhóm tư tưởng, bao gồm thượng nghị sĩ bảo thủ Steve Daines của Montana, thượng nghị sĩ tự do Mike Lee của Utah, và chính trị gia trung dung Lisa Murkowski của Alaska. Dự luật cũng được ủng hộ bởi thượng nghị sĩ Rob Portman của Ohio và thượng nghị sĩ Chuck Grassley, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/mot-nhom-thuong-nghi-si-cong-hoa-gioi-thieu-du-luat-giup-cham-dut-vinh-vien-tinh-trang-chinh-phu-dong-cua/
Texas đóng cửa ‘thành phố tạm trú’
của thiếu niên di dân
Trẻ em di dân xếp hàng đi trong khu lều trại câu lưu di dân vượt biên giới vào Mỹ bất hợp pháp, ngày 18 tháng 6 ở Tornillo, bang Texas, ngày 18 tháng 6, 2018.Chính phủ Mỹ đã dời tất cả các thiếu niên di dân tá túc trong ‘thành phố lều trại’ ở vùng hoang mạc Texas và chuẩn bị đóng cửa nơi này, theo tổ chức điều hành cơ sở này, sau khi nơi đây trở thành biểu tượng gây tranh cãi cho chính sách của Tổng thống Donald Trump trấn áp di dân tới Mỹ bất hợp pháp.
BCFS, một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại San Antonio đang điều hành nơi tạm trú vừa kể, hôm 11/1 nói với Reuters rằng “không còn trẻ em ở Tornillo,” nhưng không cho biết liệu tất cả các em đã được thả về với người bảo trợ của chúng hoặc đã được đưa đến các cơ sở khác hay chưa.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) trước đó cho biết có hơn 850 di dân bị câu lưu tại đây tính tới thời điểm gần nhất là ngày 6 tháng 1 nhưng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc thả các thiếu niên đó, theo Reuters.
Khu tạm trú này mở cửa vào ngày 14 tháng 6 để giải quyết số lượng trẻ em không có người lớn đi kèm bị câu lưu. Những người ủng hộ di trú nêu lo ngại về thời gian trẻ vị thành niên bị câu lưu trong các căn lều tạm bợ và một số người biểu tình đã dựng trại gần cơ sở.
Vào lúc đỉnh điểm là tháng 12, bãi đất rộng toàn những căn lều màu be chứa 2.800 thiếu niên chủ yếu đến từ Trung Mỹ đã vượt qua biên giới một mình.
Ông Trump gọi số trẻ em và gia đình đổ vào Mỹ ngày càng nhiều là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Điều này, cùng với tuyên bố của ông rằng những người nhập cư và ma túy đang tràn qua biên giới phía nam, đã thôi thúc ông đòi xây một bức tường biên giới, mặc dù số liệu thống kê cho thấy những vụ vượt biên bất hợp pháp ở mức thấp trong 20 năm qua và nhiều lô hàng ma túy được tuồn qua các cửa khẩu nhập cảnh hợp pháp nhiều hơn.
Chính phủ về mặt pháp lí không thể câu lưu những trẻ vị thành niên nhập cư này lâu hơn một thời hạn nhất định, nhưng chính sách tăng cường rà soát những người bảo trợ tiềm năng đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc xử lí các trường hợp trẻ vị thành niên này, khiến một số em bị để lại cho chính phủ chăm lo suốt nhiều tháng.
Tính đến ngày 6 tháng 1, vẫn còn khoảng 11.400 em không có người lớn đi cùng hiện đang bị HHS câu lưu trên toàn quốc, chính phủ cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/texas-dong-cua-thanh-pho-tam-tru-cua-thieu-nien-di-dan/4739595.html
Tư lệnh hải quân Mỹ sẽ thăm Trung Quốc
Thanh PhươngHãng tin AFP, ngày 11/01/2019, dẫn các nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, đô đốc John Richardson, sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới. Mục đích là nhằm tìm cách giảm nguy cơ đối đầu quân sự trong bối cảnh căng thẳng song phương do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Đây sẽ là lần thứ hai đô đốc Richardson đến Trung Quốc với tư cách tư lệnh hải quân Hoa Kỳ. Theo lịch trình dự kiến, đô đốc Richardson sẽ thăm hai thành phố Bắc Kinh và Nam Kinh từ ngày 13 đến 16/01 và sẽ gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc, Phó đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh hải quân Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, ông Richardson nhấn mạnh: “ Việc trao đổi quan điểm một cách thường xuyên là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hai nước đang có nhiều mâu thuẫn, nhằm giảm thiểu các rủi ro và tránh các tính toán sai lầm.”
Tư lệnh hải quân Mỹ cũng cho rằng các cuộc đối thoại “chân thành và thẳng thắn” có thể giúp cải thiện quan hệ theo hướng xây dựng, giúp tìm ra các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, giảm thiểu rủi ro, trong lúc hai bên nỗ lực giải quyết những bất đồng.
Chuyến đi của đô đốc Richarson đến Trung Quốc diễn ra vào lúc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn căng thẳng, chủ yếu là do các tranh chấp thương mại, nhưng một phần cũng do Hoa Kỳ bán các phụ tùng chiến đấu cơ cho Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là một tỉnh của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh luôn xem việc hợp nhất Đài Loan với Hoa Lục như là một mục tiêu và tuyên bố rằng nếu cần sẽ sử dụng đến vũ lực để đạt mục tiêu đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190112-tu-lenh-hai-quan-my-trung-quoc-cang-thang-quan-su
Người Mỹ không hiểu
‘tiếng Anh mỉa mai’ của người Anh
Chúng ta hay nghĩ người Anh và người Mỹ sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc giao tiếp bởi cả hai đều có một ngôn ngữ chung và có nhiều điểm chung về văn hóa, lịch sử và chính trị.Tuy nhiên theo YouGov, một trong những công ty khảo sát uy tín nhất của Anh vừa phát hiện ra, có nhiều câu nói thường ngày của người Anh đã bị người Mỹ hiểu hoàn toàn khác.
Theo như lời của YouGov, “một nửa số người Mỹ sẽ không nhận ra rằng người Anh đang nói họ là một tên đần”.
Người Anh nói tiếng Anh khó hiểu nhất?
Có thể mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình không?
Thụy Sĩ: Đất nước đa ngôn ngữ
Cụm từ “with the greatest respect” (với sự tôn trọng lớn nhất) được hầu hết người Anh sử dụng theo nghĩa “I think you are an idiot” (Tôi nghĩ anh là một thằng đần), nhưng gần một nửa số người Mỹ lại hiểu là “I am listening to you” (Tôi đang lắng nghe anh đây).
YouGov đã tiến hành cuộc khảo sát này với khoảng 1.700 người Anh và 1.900 người Mỹ, và hỏi họ những cụm từ giải nghĩa nào phù hợp nhất theo cách hiểu của họ.
Người Anh nói… | Ý của người Anh là… | Người khác hiểu… |
I hear what you say (Tôi nghe anh nói rồi) | I disagree and do not want to discuss it further (Tôi không đồng ý và không muốn thảo luận thêm nữa) | He accepts my point of view (Anh ta chấp nhận quan điểm của tôi). |
With the greatest respect… (Với sự tôn trọng lớn nhất…) | I think you are an idiot (Tôi nghĩ anh là một thằng đần) | He is listening to me (Anh ta đang lắng nghe tôi). |
That’s not bad (Nó không tệ) | That’s good (Nó tốt đấy) | That’s poor (Nó tệ) |
That is a very brave proposal (Đó là một lời đề nghị dũng cảm) | You are insane (Anh bị điên à) | He thinks I have courage (Anh ta nghĩ tôi dũng cảm) |
Quite good (Khá tốt) | A bit disappointing (Hơi thất vọng) | Quite good (Khá tốt) |
I would suggest… (Tôi muốn đề nghị…) | Do it or be prepared to justify yourself (Hãy làm theo đi hoặc là chuẩn bị tinh thần để mà tự lý giải cho bản thân) | Think about the idea, but do what you like (Thử nghĩ về ý tưởng này, nhưng hãy làm cái anh muốn) |
Oh, incidentally/by the way (Oh, và tiện thể…) | The primary purpose of our discussion is… (Mục đích chính của cuộc trò chuyện của chúng ta là…) | That is not very important (Oh, và cũng không quan trọng lắm đâu…) |
I was a bit disappointed that(Tôi khá là thất vọng là…) | I am annoyed that(Tôi khá là khó chịu là…) | It doesn’t really matter(Nó không thực sự quan trọng lắm – vì chỉ khá là thất vọng thôi) |
Very interesting (Rất thú vị) | That is clearly nonsense (Rõ ràng là vớ vẩn) | They are impressed (Họ rất ấn tượng, thích thú) |
I’ll bear it in mind (Tôi sẽ suy nghĩ) | I’ve forgotten it already (Tôi quên ngay rồi) | They will probably do it (Họ có thể sẽ cân nhắc điều đó) |
I’m sure it’s my fault (Tất nhiên đó là lỗi của tôi) | It’s your fault (Đó là lỗi của anh) | Why do they think it was their fault? (Tại sao họ lại nghĩ đó là lỗi của họ nhỉ?) |
You must come for dinner (Bạn phải đến ăn tối với chúng tôi đấy) | It’s not an invitation, I’m just being polite (Đây không phải là lời mời, tôi chỉ lịch sự thôi) | I will get an invitation soon (Tôi sẽ sớm nhận được giấy mời từ họ) |
I almost agree (Tôi gần như đồng ý) | I don’t agree at all (Tôi không đồng ý chút nào) | He’s not far from agreement (Anh ta cũng khá đồng ý rồi) |
I only have a few minor comments (Tôi chỉ thấy có một vài vấn đề nhỏ) | Please re-write completely (Làm ơn viết lại từ đầu đi) | He has found a few typos (Anh ta tìm thấy vài lỗi đánh máy) |
Could we consider some other options? (Chúng ta có thể cân nhắc các lựa chọn khác không?) | I don’t like your idea (Tôi không thích ý tưởng của anh) | They have not yet decided (Họ vẫn chưa quyết định) |
Nhưng hầu hết người Anh đều dùng hai câu “I’ll bear it in mind” (Tôi sẽ suy nghĩ) và “I hear what you say” (Tôi nghe anh nói rồi) là một cách để dập tắt cuộc đối thoại.
Người Anh hay có cách nói châm biếm, mỉa mai (passive-aggressive) trong khi người Mỹ thì có cách nói và tư duy thẳng thắn hơn
Nhiều người Mỹ làm việc tại Anh cũng than phiền về cách nói ẩn ý, nói giảm nói tránh và hay nói vòng vo của người Anh.
Nhưng người Mỹ đâu phải là không biết nói mỉa mai, họ đôi khi cũng nói giảm nói tránh vì muốn lịch sự.
Một phóng viên BBC Bắc Mỹ cho một số ví dụ:
Người Mỹ nói… | Có nghĩa là…. |
I love it! You just don’t CARE, do you? (Tôi thích nó! Anh đúng là chẳng hề ngại ngùng tí nào nhỉ?) | What the hell did you just do? I’m dying of embarrassment here (Anh vừa làm cái quái gì vậy? Tôi muốn chết vì xấu hổ đây) |
Oh, you can get away with it, you’re British (Ồ, anh sẽ được bỏ qua thôi, vì anh là người Anh mà) | An American wouldn’t be seen dead wearing what you’re wearing or doing what you just did (Một người Mỹ sẽ không bao giờ mặc cái anh đang mặc, hay làm cái điều anh vừa làm đâu) |
Bless her heart! (Phước lành cho trái tim cô ấy) | This phrase is a bit of a put down, effectively allowing the speaker to slag off someone without recrimination. (Một kiểu nói coi thường, chỉ trích, chê bai nhưng không muốn nghe có vẻ đả kích.) |
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46848993
Phần lớn người Canada ủng hộ
bắt giám đốc tài chính Huawei TQ
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 9/1, hơn 80% số người Canada cho biết họ mang ấn tượng tiêu cực về chính quyền Trung Quốc và hơn một nửa số người tin rằng Canada có quyền bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei để dẫn độ sang Hoa Kỳ.Theo The Canadian Express, cuộc khảo sát được tiến hành ngẫu nhiên trong 1.000 người trên khắp Canada qua điện thoại và internet.
Cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Canada nói rằng họ có ấn tượng tiêu cực hoặc hơi tiêu cực về nhà cầm quyền Trung Quốc và tập đoàn viễn thông Huawei, và hơn một nửa số người được khảo sát nghĩ rằng Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia lớn đối với Canada.
Việc chính phủ Canada bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã khiến mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc căng thẳng. Tuy nhiên, 56% người Canada được khảo sát đồng ý với việc bắt giữ này.
Bên cạnh đó có 29% người Canada được khảo sát cảm thấy việc bắt giữ bà Mạnh là mang động cơ chính trị và kinh tế, có thể gây tổn hại mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới và hiện nay Huawei đang tìm cách cung cấp công nghệ cho các mạng 5G trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Huawei được coi là một rủi ro an ninh tiềm tàng do mối quan hệ chặt chẽ của tập đoàn này với chính quyền Trung Quốc. Người sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei, ông Nhậm Chính Phi là cựu thành viên quân đội Trung Quốc, và theo luật tình báo quốc gia Trung Quốc năm 2017 đòi hỏi sự hợp tác của các tập đoàn, tổ chức và công dân nước này phải hỗ trợ cho công tác tình báo của Trung Quốc khi được yêu cầu.
Canada là thành viên duy nhất của liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước: Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand) chưa cấm Huawei dưới bất kỳ hình thức nào. Các thành viên của Five Eyes là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand đều đã cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ. Vương quốc Anh đang tiến hành đánh giá tính bảo mật công nghệ Huawei 5G.
http://biendong.net/bien-dong/25768-phan-lon-nguoi-canada-ung-ho-bat-giam-doc-tai-chinh-huawei-tq.html
Cô gái Ả-rập Xê-út xin tị nạn sẽ rời Thái Lan
đi Canada vào tối 11/1
Nữ thanh niên trẻ người Ả-rập Xê-út – vừa chạy trốn sang Thái Lan và nói rằng cô sợ gia đình sẽ giết cô – đã được cho phép tị nạn ở Canada, giám đốc cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan nói với Reuters hôm 11/1.Rahaf Mohammed al-Qunun, 18 tuổi, sẽ lên chuyến bay của Korean Air từ Bangkok đến Seoul vào tối 11/1, giám đốc cục xuất nhập cảnh Surachate Hakpark cho biết, trước khi cô đi tiếp chuyến bay nối chuyến đến Canada.
“Canada đã cho cô ấy tị nạn”, ông Surachate nói với Reuters. “Cô ấy sẽ rời đi tối nay lúc 11h15 tối”.
https://www.voatiengviet.com/a/co-gai-a-rap-xe-ut-xin-ti-nan-se-roi-thai-lan-di-canada-vao-toi-11-thang-1/4739150.html
Trung Quốc “vi phạm” quyền miễn trừ ngoại giao
của công dân Canada
Thanh PhươngNgày 11/01/2019, thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của một công dân Canada, ông Michael Kovrig, bị giam tại Trung Quốc từ một tháng nay vì bị nghi làm gián điệp.
Là một nhân viên của bộ Ngoại Giao Canada, ông Kovrig đã xin nghỉ không ăn lương để cộng tác với một cơ quan tham vấn, International Crisis Group. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông ngày 10/12 năm ngoái, sau vụ bắt giữ tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei).
Cũng như đồng hương Canada Michael Spavor, bị bắt ở Trung Quốc ngày 12/12, ông Kovrig bị xem là đã có những hoạt động “đe dọa an ninh quốc gia”, cụm từ mà Bắc Kinh thường sử dụng đối với những người bị tình nghi làm gián điệp.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, thủ tướng Trudeau khẳng định Trung Quốc đang giam giữ trái phép hai công dân Canada, trong đó có một trường hợp đã không tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao, ám chỉ trường hợp của ông Michael Kovrig.
Theo Công ước Vienna, những người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi họ ở nước ngoài. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Trudeau cho thấy là ông Kovrig có mang theo hộ chiếu ngoại giao cho dù ông đang nghỉ không ăn lương.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là vụ bắt giữ hai công dân Canada nói trên là không liên quan gì đến vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nhiều nhà quan sát xem đó là một biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi thấy con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt ở Canada.
Đầu tháng Hai tới, bà Mạnh Vãn Châu sẽ trình diện trước một thẩm phán để nghe quyết định về việc dẫn độ bà sang Mỹ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ giám đốc tài chính của Hoa Vi đồng lõa gian lận để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay loan tin là tập đoàn Hoa Vi vừa thông báo sa thải nhân viên của tập đoàn này bị bắt tại Ba Lan hôm thứ Ba 08/01 vì tội làm gián điệp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190112-canada-trung-quoc-vi-pham-quyen-mien-tru-ngoai-giao
Venezuela : Đối lập kêu gọi biểu tình lớn
để đòi bầu cử lại
Trọng ThànhNgày 11/01/2018, chủ tịch Quốc Hội Venezuela, đã kêu gọi người dân xuống đường đông đảo vào ngày 23/01 tới đây, nhằm ủng hộ cho việc thành lập một « chính phủ chuyển tiếp ». Ông tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo chính phủ này để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm.
Lời kêu gọi này được đưa ra một ngày sau khi ông Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ hai, một nhiệm kỳ bị phản đối từ mọi phía và được cho là « bất hợp pháp ».
Theo phân tích của thông tín viên Benjamin Dellile từ Caracas, tuy Quốc Hội Venezuela, định chế duy nhất do đối lập kiểm soát, được một bộ phận lớn cộng đồng quốc tế ủng hộ, nhưng việc thuyết phục được dân chúng trong nước không phải là dễ dàng.
« Trong một cuộc biểu tình tại trung tâm thủ đô Caracas, chủ tịch Quốc Hội Juan Guiado đã dựa trên ba điều khoản của Hiến pháp để chứng minh chính phủ hiện tại là bất hợp pháp. Ông khẳng định : ‘‘Chúng tôi có thể hoàn toàn đảm nhiệm được vai trò của tổng thống nước Cộng Hòa, bởi Hiến pháp cho phép chúng tôi làm điều này. Nhưng liệu trong một nền độc tài, Hiến pháp có được tôn trọng hay không ? ‘‘Không !’’ (Đám đông hô vang). Trong trường hợp đó – ông nói – nhân dân Venezuela, quân đội Venezuela và cộng đồng quốc tế sẽ đưa chúng tôi lên nắm quyền ! »
Chủ tịch Quốc Hội Venezuela kêu gọi biểu tình lớn khắp nơi tại Venezuela ngày 23/01 tới. Đây là một ngày mang tính biểu tượng, đánh dấu sự sụp đổ của một lãnh đạo độc tài năm 1958.
Tuyên bố của chủ tịch Quốc Hội Venezuela có thể sẽ khiến cho quan hệ giữa chính quyền và đối lập thêm căng thẳng. Bộ trưởng phụ trách nhà tù, Iris Varela, nhanh chóng phản ứng trên Twitter, với lời cảnh cáo nhắm vào ông Juan Guido, là ‘‘phòng giam và bộ quần áo tù đã có sẵn’’ cho ông.
Ngoài việc bắt bớ các chính trị gia đối lập có thể xảy ra, cuộc biểu tình ngày 23/01 tới có thể sẽ bị đàn áp mạnh, cũng giống như các cuộc tuần hành lớn vào năm 2017. Năm đó, hơn một trăm người thuộc cả hai phía đã thiệt mạng.
Huy động đông đảo người tham gia là một thách thức thực sự đối với đối lập, vì dân chúng Venezuela đã quá mệt mỏi với bạo lực. Và thuyết phục được quân đội lại còn khó khăn hơn. Hôm thứ Năm 10/01 vừa qua, quân đội đã tuyên bố ủng hộ ông Nicolas Maduro ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190112-venezuela-doi-lap-keu-goi-bieu-tinh-lon-de-buoc-chinh-quyen-bau-cu-lai
Chuyên gia LHQ: Nên đưa nhân quyền
vào đàm phán hạt nhân Triều Tiên
Một nhà điều tra về quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 11/1 kêu gọi các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân Triều Tiên phải bao gồm tình hình nhân quyền thảm hại của nước này.Tomas Ojea Quintana nói với các phóng viên rằng ông muốn Triều Tiên chấp nhận lời kêu gọi đối thoại về tình hình nhân quyền. Ông cho biết Triều Tiên đã không cho phép ông đến thăm mặc dù ông đã yêu cầu hợp tác suốt ba năm qua.
Ông Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền của Triều Tiên, nói vấn đề này bị gạt ra ngoài lề trong các nỗ lực ngoại giao vào năm ngoái thúc giục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc kết luận vào năm 2014 rằng Triều Tiên đã phạm các tội ác chống nhân loại, bao gồm thủ tiêu, giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn, cầm tù, hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, truy bức, bỏ đói và bắt đi biệt tích.
Ngoại giao hạt nhân đạt được rất ít tiến bộ kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Triển vọng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tăng lên sau khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Trung Quốc trong tuần này mà theo nhận định của các chuyên gia là nhằm điều hợp các lập trường trước cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-lien-hiep-quoc-nen-dua-nhan-quyen-vao-dam-phan-hat-nhan-trieu-tien/4739583.html
Pháp: vụ nổ gas lớn làm hai lính cứu hỏa chết
ở trung tâm Paris
Hai người lính cứu hỏa đã thiệt mạng sau một vụ nổ lớn ở trung tâm thủ đô Paris, giới chức cho hay.Các lực lượng khẩn cấp đang trên đường tới xử lý vụ rò rỉ đường ống gas khi “vụ nổ kịch tính” xảy ra, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner nói.
37 người đã bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng, trong vụ nổ tại đường Rue de Trévise ở Quận 9 vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra ở Paris và các thành phố khác.
Ôi Paris một thời hoa lệ nay còn đâu!
Biểu tình ở Pháp: Bạn cần biết nếu đến Paris cuối tuần
Paris tiếp tục bạo động chống chính phủ
Ngay sau vụ nổ, các mảnh vụn từ xe hơi và cửa kính các cửa hàng văng đầy trên đường phố ngay trước cửa hiệu bánh đang cháy ngùn ngút. Người dân sững sờ đứng nhìn trước sức phá hủy lớn của vụ nổ.
Chừng 80.000 sỹ quan cảnh sát được huy động hôm Thứ bảy 12/1 để đối phó với những người biểu tình ‘áo vàng’.
Vụ nổ không được cho là có liên quan tới những người biểu tình.
Tại sao làm ‘ẩm thực Việt – Pháp’ ở Paris?
Quán rượu biểu tượng ở Paris liệu có mất đi?
Chuyện gì xảy ra?
Tiệm bánh Hubert nằm tại Số 6 đường Rue de Trévise chưa mở cửa tại thời điểm xảy ra vụ nổ, tờ Le Parisien đưa tin.
Đã có người gọi điện báo có gas rò rỉ trong tòa nhà, và lính cứu hỏa đang trên đường tới xử lý thì vụ nổ xảy ra.
Nguồn tin cảnh sát cho hay vài người lính cứu hỏa nằm trong số 20 người bị thương, trong đó có chín người bị thương nặng.
Một người dân có tên Killian cho biết ông đang ngủ thì cửa sổ của ông bị vỡ tung. Mọi người trong tòa nhà chạy xuống cầu thang, ông nói, và ông nghe thấy mọi người la hét.
Vụ nổ cũng phá hủy một nhà hát, ông nói với kênh truyền hình BFMTV của Pháp.
Paula Nagui, nhân viên lễ tân tại Khách sạn Diva ở gần đó, nói đã có “một vụ nổ rất lớn” làm vỡ tung các cửa sổ.
Những người đang ở khách sạn được trấn an rằng đây không phải là một vụ tấn công khủng bố, bà Paula nói với tờ Le Parisien.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46849803
Pháp điều tra Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản
vì tình nghi tham nhũng
Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản, Tsunekazu Takeda, đang bị các công tố viên Pháp điều tra vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến việc Nhật giành được quyền đăng cai Thế vận hội 2020, Reuters dẫn một nguồn tin tư pháp của Pháp cho biết hôm 11/1.Theo nguồn tin này, ông Takeda, một vận động viên môn cưỡi ngựa đã nghỉ hưu, đã bị văn phòng công tố tài chính quốc gia ở Paris truy tố hồi tháng trước. Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke nghi ngờ ông Takeda đã trả tiền hối lộ để “mua phiếu” giành quyền đăng cai Olympic.
Tại Tokyo, ông Takeda nói hoàn toàn không có hành động “không phù hợp” nào như hối lộ xảy ra liên quan đến việc tranh đăng cai thế vận hội của Tokyo, và ông không bị chính quyền Pháp truy tố.
Theo luật của Pháp, truy tố có nghĩa là hiện đang bị đối xử như một “nghi phạm chính thức”, tuy nhiên bản cáo trạng đầy đủ chỉ có sau khi vụ án được đưa ra tòa.
“Tôi xin lỗi vì những điều khiến cho người dân Nhật Bản phải lo lắng, những người đã ủng hộ rất nhiều cho Olympic và Paralympic Tokyo, và để chấm dứt mọi nghi ngờ, tôi dự định sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan điều tra”, Reuters dẫn lời ông Takeda nói .
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết họ đã liên hệ với các cơ quan tư pháp của Pháp. Ủy ban đạo đức của tổ chức này đã mở một hồ sơ về vụ án và sẽ họp vào cuối ngày 11/1.
“Ông Takeda vẫn được xem là vô tội”, Reuters dẫn tuyên bố của IOC.
Ông Takeda cũng là thành viên của IOC kể từ năm 2012 và đứng đầu ủy ban tiếp thị.
Năm 2016, các công tố viên Pháp đã công bố một cuộc điều tra về hơn 2 triệu đôla thanh toán được thực hiện bởi ủy ban tranh đăng cai Olympic của Nhật Bản cho một công ty tư vấn Singapore là Black Tidings.
Năm 2017, ông Takeda và nhiều người khác đã bị các công tố viên Nhật Bản thẩm vấn theo yêu cầu của chính quyền Pháp liên quan đến các khoản thanh toán trên, theo tin tức của Kyodo News vào thời điểm đó. Ông Takeda và những người khác đã phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Black Tidings do ông Ian Tan Tong Hon lãnh đạo. Ông này có mối liên hệ mật thiết với Papa Massata Diack, con trai của cựu giám đốc thể thao quốc tế bị thất sủng Lamine Diack, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Thời điểm đó, các quan chức Nhật Bản nói hai khoản thanh toán là phí tư vấn hợp pháp, và một hội đồng do Ủy ban Olympic Nhật Bản ủy quyền vào tháng 9 năm 2016 nói rằng họ nhận thấy các khoản thanh toán là hợp pháp.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike nói bà rất bất ngờ trước tin tức về cuộc điều tra.
Ông Takeda, 71 tuổi, đã tham gia vào phong trào Thế vận hội từ rất lâu. Ông đã thi đấu trong tư cách một vận động viên cưỡi ngựa trong các cuộc tranh tài năm 1972 và 1976. Ông cố của ông là Hoàng đế Meiji và bản thân ông là anh em họ thứ hai của đương kim hoàng đế Nhật Bản.
Ông Takeda là thành viên của Ủy ban Olympic Nhật Bản từ năm 1987 và là chủ tịch cơ quan này từ năm 2001. Ông giúp điều phối việc chuẩn bị cho rất nhiều thế vận hội mùa đông với tư cách là thành viên cấp cao của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Ông Takeda đã tham dự một buổi lễ ở Tokyo hôm thứ Sáu cùng với cựu Thủ tướng Yoshiro Mori, là chủ tịch của Thế vận hội Tokyo 2020, theo tin từ văn phòng của ông Mori.
https://www.voatiengviet.com/a/phap-dieu-tra-chu-tich-uy-ban-olympic-nhat-ban-vi-tinh-nghi-tham-nhung/4739122.html
Thảo luận toàn quốc : TT Macron kêu gọi
dân Pháp ”nắm bắt cơ hội”
Trọng ThànhCuộc Thảo luận toàn quốc, theo quyết định của tổng thống Pháp, để đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng, dự kiến mở ra ngày 15/01/2019. Tối hôm qua, 11/01/2019, từ điện Elysée, tổng thống Macron đã trình bày một số quan điểm của ông về cuộc thảo luận đặc biệt này, trước khi gửi một bức thư chính thức đến cử tri Pháp vào đầu tuần tới. Nguyên thủ quốc gia Pháp tin tưởng đây là « một cơ hội rất quan trọng », mà mỗi người cần tham gia « với phần trách nhiệm của mình ».
Một cơ hội lớn, nhưng với « nhiều bất trắc »
Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ : « Tôi muốn là chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận thực sự, và như vậy đây không phải là một cuộc thảo luận mà chúng ta biết trước được các kết quả. Đây là một cuộc thảo luận mà tôi hy vọng tất cả chúng ta đều tham gia, trước hết là tôi, bởi tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm lịch sử đối với đất nước ».
Ý thức rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, tổng thống Macron nhấn mạnh : « Đoàn kết dân tộc sẽ không thể trở lại trong một sớm một chiều. Cần phải có rất nhiều nỗ lực, tinh thần khiêm nhường và lòng kiên nhẫn ».
Tổng thống Pháp hứa sẽ trình bày rõ chủ trương của ông về cuộc thảo luận toàn quốc này trong lá thư sẽ được gửi tới tất cả các công dân ngay vào ngày thứ hai tuần tới.
Các phát biểu nói trên được tổng thống Pháp đưa ra trong buổi tiếp những người dạy nghề làm bánh nhân dịp lễ « Bánh Vua » (Galette des rois). Cũng trong dịp này, tổng thống Macron đã cổ vũ cho giá trị của lao động và nỗ lực, đồng thời chỉ trích tư tưởng thụ hưởng mà không muốn nỗ lực của khá nhiều người trong xã hội Pháp. Nhận xét nói trên của tổng thống Pháp ngay lập tức bị một số lãnh đạo đối lập chỉ trích là mang tính kích động.
Theo AFP, thuyết phục được người Pháp là một thách thức rất lớn đối với tổng thống Macron, bởi cuộc Thảo luận toàn quốc bị đa số hoài nghi. Kết quả một thăm dò dư luận được công bố hôm qua, 11/01, cho thấy 77% người được hỏi cho rằng cuộc Thảo luận sẽ bị chính quyền chi phối. 70% dự đoán Thảo luận sẽ không mang lại lợi ích cho đất nước. Ngay trong hàng ngũ những người thân cận với tổng thống, cũng có ý kiến cho rằng tổng thống Macron đã mạo hiểm về chính trị, khi tổ chức cuộc thảo luận này.
Hiện tại, Ủy Ban Thảo Luận Toàn Quốc đang tìm kiếm khẩn cấp một người điều phối để cuộc Thảo Luận bảo đảm được « tính độc lập », sau khi bà Chantal Jouanno, cựu bộ trưởng Thể Thao, cựu vô địch môn karate, thông báo từ nhiệm do bị nhiều chỉ trích trong dư luận.
Thứ Ba, 15/01, tổng thống Macron sẽ khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc tại một làng nhỏ ở tỉnh Eure – vùng Normandie, nơi ông sẽ đối thoại với khoảng 600 thị trưởng, xã trưởng và dân biểu. Dự kiến trong thời gian hai tháng tới, ông Emmanuel Macron sẽ có hơn một chục cuộc đối thoại với các thị trưởng, xã trưởng của toàn bộ 13 vùng của nước Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20190112-thao-luan-toan-quoc-tong-thong-macron-phap
Pháp : « Áo Vàng » lại xuống đường,
3 ngày trước cuộc thảo luận toàn quốc
Thanh PhươngNgày 12/01/2019, những người « Áo Vàng » lại xuống đường biểu tình chống chính phủ tại Paris và nhiều thành phố khác, ba ngày trước khi tổng thống Emmanuel Macron khởi động cuộc thảo luận toàn quốc nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Đây là lần thứ 9, những người « Áo Vàng » biểu tình vào ngày thứ bảy. Nhà chức trách Pháp dự báo số người tham gia sẽ đông hơn và những người xuống đường sẽ có nhiều hành động cực đoan hơn so với cuối tuần trước. Tổng cộng có 80.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân được huy động trên toàn nước Pháp để đối phó với biểu tình. Riêng tại Paris, 5.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai, cùng với xe thiết giáp của hiến binh, để ngăn chận bạo động.
Vào trưa nay, tại Paris, theo ghi nhận của phóng viên AFP, hàng ngàn người « Áo Vàng » đã tuần hành từ trụ sở bộ Tài Chính để đi đến quảng trường Etoile. Trên đường, đoàn biểu tình đã dừng lại ở quảng trường Bastille, hô các khẩu hiệu đòi tổng thống Macro từ chức. Vào buổi chiều, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với cảnh sát ở khu vực quảng trường Etoile và đại lộ Champs-Elysée.
Nhà chức trách cũng chờ đợi sẽ có rất nhiều người « Áo Vàng » kéo đến Bourges, một thành phố nhỏ chỉ có 66 ngàn dân, nằm ở miền trung nước Pháp. Người dân tại đây rất lo ngại vì chưa bao giờ có một cuộc biểu tình lớn như thế ở Bourges.
Sau khi chựng lại vào cuối năm, phong trào biểu tình « Áo Vàng » đã rầm rộ trở lại vào thứ bảy tuần trước (05/01), với khoảng 50.000 người xuống đường trên khắp nước Pháp, theo số liệu của bộ Nội Vụ. Phe « Áo Vàng » cho rằng số người tham gia đông hơn con số đó. Cuộc biểu tình thứ bảy tuần trước đã xảy ra nhiều vụ bạo động, đặc biệt là vụ dùng xe công trường ủi sập cửa trụ sở một bộ của chính phủ Pháp.
Theo lãnh đạo cảnh sát quốc gia, tổng số người « Áo Vàng » xuống đường hôm nay rất có thể sẽ bằng với mức trước Noel, tức là có thể lên đến 60 ngàn.
http://vi.rfi.fr/phap/20190112-phap-bieu-tinh-ao-vang-hoi-ix-cuc-doan
Ba khái niệm di cư, nhập cư và tị nạn
khác nhau thế nào?
Cách mà chúng ta thường nhắc đến những người di cư có thể gây ra nhầm lẫn.Chuyên gia ĐH Sussex Anh sẽ giúp chúng ta chỉ ra sự khác biệt trong cách sử dụng các thuật ngữ về di trú trong bối cảnh nhiều vấn đề toàn cầu hiện nay.
5 cách di cư chính của dân Việt thời nay
Người di cư tiếp tục tiến về biên giới Hoa Kỳ
Campuchia: Gần 10.000 người Việt phải tái di cư
Trung Quốc và nỗi sợ ‘chết vì nóng’
Bạn sẽ nghe đến những thuật ngữ khác nhau như migrant (người di cư), refugee (người tị nạn), asylum seeker (người xin tị nạn), immigrant (người nhập cư).
Vài tháng vừa qua chứng kiến nhiều trường hợp vượt eo biển Manche để vào Anh, gây ra sự tranh cãi lớn cho dư luận nước này.
Nhiều người trong số đó có nguồn gốc từ Iran và Pakistan.
Charlotte Taylor hiện là tiến sĩ, chuyên gia bộ phận di trú trực thuộc trường đại học Sussex, Anh quốc.
Bà hay viết về cách phương tiện truyền thông sử dụng dạng từ ngữ ra sao để mô tả những người vượt biên.
Dưới đây, chuyên gia Charlotte Taylor sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những thuật ngữ liên quan đến chủ đề di cư.
Migrant – người di trú
Migrant có lẽ là thuật ngữ mà bạn thường được nghe tới nhiều nhất.
Đây thường là người di cư khỏi quê hương nhằm tìm kiếm việc làm hoặc điều kiện sống tốt hơn.
Nếu như bạn đang sống tại Anh và quyết định bay tới Tây Ban Nha tìm việc làm hè này, thì bạn chính là một người di trú.
Còn ‘Di cư vì lý do chính trị’ (political migrant) là khái niệm phức tạp hơn.
Nó thường được dùng để chỉ người chạy đang trốn khỏi một chế độ nào đó.
Charlotte Taylor cũng có những mối lo ngại về từ ngữ được sử dụng quanh chủ đề di trú như ” làn sóng di cư, dòng chảy di cư,”.
Bà tin rằng dạng ngôn ngữ này ám chỉ người bản địa tại quốc gia nơi những người di cư có mặt chỉ coi họ như “những sản phẩm chứ không phải con người”.
Immigrant – người nhập cư
Immigrant chỉ những người đến định cư vĩnh viễn tại một quốc gia khác.
Họ có quyền lựa chọn đi hoặc ở chứ không bị ép buộc phải rời bỏ quê hương của họ.
Bên cạnh đó, bà Charlotte Taylor cho hay tại Anh, phương tiện truyền thông thường thường hay nhắc đến “immigration”, chứ không phải “emigration”
Emigration cũng là một thuật ngữ cũng mang ý nghĩa nhập cư nhưng ít được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.
“Emigration gần như đã bị gạt bỏ ra khỏi những cuộc hội thoại,” chuyên gia cho hay.
Refugee – người tị nạn
Refugee nhắc tới những người bị buộc phải rời bỏ quê hương do lo sợ chiến tranh, đàn áp hay thảm họa thiên nhiên.
“Đây thực sự là một trường hợp khác biệt,”
“Khi mà bạn coi ai đó là người tị nạn thì bạn thừa nhận họ là những người được hưởng một số quyền nhất định,” bà Charlotte Taylor cho biết.
Asylum seeker - người xin tị nạn
Alysum seeker chính xác là người ‘đi tìm’ hoặc ‘xin được tị nạn’, và có lẽ là sự kết hợp của tất cả những thuật ngữ trên.
Nó nhắc tới những người bị buộc phải rời khỏi quê hương, tìm đến quốc gia khác vì lý do chính trị.
Trí thức bị trục xuất thì đi đâu?
Sang Mỹ năm nào thì không bị Trump đuổi về VN?
Lê Thu Hà bị trục xuất khỏi VN theo luật gì?
Bỉ trục xuất cán bộ Bộ Công an TQ sang Mỹ để xử
Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đặt câu hỏi liệu những người di chuyển từ Pháp qua Anh bằng thuyền có thực sự đúng là những người tị nạn chính trị.
Asylum seeker có lẽ là thuật ngữ mà chuyên gia Charlotte Taylor cảm thấy thoải mái khi sử dụng cho những người đi trên những con thuyền nhỏ, thiếu an toàn để vượt eo biển Manche.
Điều luật trong EU cho phép một quốc gia như Anh có thể trả lại người xin tị nạn cho quốc gia châu Âu đầu tiên mà những người tị nạn đặt chân đến.
Những người xin tị nạn thường nói rằng họ muốn đến Anh vì muốn được nói tiếng Anh và vì họ đã có những mối liên hệ gia đình tại quốc gia này.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46837037
1.000 tỉ USD đang chảy khỏi Anh vì Brexit
Brexit vẫn chưa diễn ra nhưng ngành dịch vụ tài chính Anh đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi các ngân hàng và công ty tài chính chuyển ít nhất 1.000 tỉ USD giá trị tài sản khỏi nước này.Đài CNN dẫn số liệu từ tập đoàn kiểm toán EY, trụ sở tại London, hôm 7.1 cảnh báo về nguồn tài chính đang chảy từ Anh về Liên minh châu Âu (EU) bởi vì Brexit.
Nhiều ngân hàng đã thiết lập các văn phòng mới ở những nơi khác của EU để đảm bảo hoạt động tại khu vực sau khi Anh rời khỏi khối, có nghĩa là họ buộc phải di chuyển những tài sản đáng kể đến địa điểm mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của giới quản lý EU.
Bên cạnh đó, các công ty khác cũng tìm cách di chuyển tài sản để bảo vệ khách hàng trước nguy cơ biến động thị trường và đối phó những thay đổi đột ngột về mặt chính sách.
EY cho hay con số trên đại diện cho 10% trên tổng số tài sản của ngành ngân hàng Anh và đây chỉ là ước tính “dè dặt” vì một số ngân hàng chưa tiết lộ kế hoạch cho tương lai.
“Thống kê của chúng tôi chỉ phản ánh những chuyển động đã được công bố”, theo Omar Ali, người đứng đầu mảng dịch vụ tài chính của EY.
EY theo dõi 222 trong số các công ty lớn nhất trong lĩnh vực tài chính của Anh kể từ khi kết quả trưng cầu dân ý về Brexit được công bố vào tháng 6.2016.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25765-1000-ti-usd-dang-chay-khoi-anh-vi-brexit.html
Hộ chiếu Nhật ‘mạnh nhất’
còn VN thứ 75 thế giới năm 2018
Theo bảng xếp hạng từ Henley Passport Index, hộ chiếu Nhật Bản ‘có sức mạnh’ nhất thế giới năm 2018.Hộ chiếu Việt ‘yếu hơn hộ chiếu Cuba’
Hộ chiếu VN có vấn đề với dòng chữ ‘full name’?
Anh sẽ dùng lại hộ chiếu xanh dương sẫm
Tấm hộ chiếu của một quốc gia không tồn tại
Công dân Nhật Bản được miễn thị thực lên tới 190 quốc gia trên thế giới.
Hai siêu cường châu Á khác là Singapore và Hàn Quốc cùng nắm giữ vị trí thứ hai (đi 189 nước không cần visa).
Pháp và Đức tiếp tục duy trì vị trí thứ ba năm 2018, công dân hai nước này được tới 188 quốc gia miễn thị thực.
Trong khi đó, hộ chiếu Mỹ và Anh tiếp tục ‘rớt hạng’ khi cùng đứng ở vị trí thứ 6 (đi 185 nước không cần visa).
Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong châu Á có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng gồm Malaysia, Hong Kong.
Còn theo một bảng xếp hạng khác là Arton Capital’s Passport Index, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 75 trên 166 nước, cùng hạng với Lào và được miễn thị thực nhập cảnh ở 56 quốc gia.
Tuy nhiên, hộ chiếu Việt Nam có vị thế thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan (xếp thứ 53), Indonesia và Trung Quốc (đồng hạng 59), Philippines (64) và kém hơn cả Campuchia (73).
Nằm cuối bảng xếp hạng là Afghanistan. Công dân nước này chỉ được phép đi 29 nước nước không cần thị thực.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46837042
Có bao nhiêu người dân Đài Loan
ủng hộ ‘Một quốc gia, hai chế độ?
Đài Loan đã thực hiện cuộc khảo sát người dân về chính sách đơn phương “Một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng đề cập đến trong lễ kỷ niệm 40 năm “Đồng bào Đài Loan” vừa qua.Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 5 – 6/1, có 1.074 người trưởng thành truy cập vào cuộc khảo sát, mức độ tin cậy khoảng 95%, sai số lấy mẫu là cộng hoặc trừ 2,99%. Cuộc khảo sát được thực hiện tại Đài Loan bằng cách sử dụng điện thoại người dân Đài Loan, và số điện thoại được lấy ngẫu nhiên theo hai số cuối cùng để tiến hành khảo sát.
Hôm 9/1, Hiệp hội Chính sách Xuyên eo biển Đài Loan tuyên bố có tới 80,9% người dân Đài Loan không tán thành chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Trong khi đó, 68,5% người dân cho rằng “nguyên tắc một Trung Quốc” của Trung Quốc sẽ không có sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Và 55,7% người dân tin rằng, hai bên Eo biển sẽ không có “Đồng thuận năm 1992” (thuật ngữ liên quan đến quan hệ xuyên Eo biển Đài – Trung ở Eo biển Đài Loan), Liberty Times Net đưa tin.
Đối với tuyên bố của Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, có tới 82,4% tin rằng động thái này không giúp ích gì cho mối quan hệ xuyên eo biển.
Ngoài ra, 85,2% người dân ủng hộ chính sách “Bốn điều cần thiết” của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhằm phát triển mối quan hệ xuyên eo biển, trong khi đó 87,3% người tán thành phương án xây dựng “Tam Đạo phòng hộ” cũng của bà Thái.
Biểu đồ cho thấy, 87,3% người dân Đài Loan ủng hộ chính sách “Bốn điều cần thiết” của Tổng thống Thái Anh Văn. (Ảnh: LTN)
78% người dân ủng hộ đề xuất tham vấn chính trị qua eo biển của Tổng thống Thái Anh Văn nên do người dân Đài Loan ủy quyền và giám sát.
Ngoài ra, có khoảng 65,8% người dân bày tỏ sự hài lòng với Biện pháp phòng dịch sốt heo châu Phi của chính phủ Thái Anh Văn, song song cũng có 29,1% người dân tỏ thái độ không hài lòng
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25769-co-bao-nhieu-nguoi-dan-dai-loan-ung-ho-mot-quoc-gia-hai-che-do.html
Trung Quốc triển khai tên lửa
sau khi tàu chiến Mỹ đi tuần ở Biển Đông
Truyền hình Trung Quốc và tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 9/1 cho biết quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu DF-26 đến khu vực sa mạc Gobi, và cao nguyên Tây Tạng ở vùng tây bắc nước này.Trước đó, vào ngày 7/1, Hoa Kỳ vừa điều tàu chiến USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Người phát ngôn của hạm đội, bà Rachel McMarr được CNBC dẫn lời cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện họat động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và hoạt động này không nhắm đến một quốc gia nào hay đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào. Đồng thời bà McMarr cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng tàu Mỹ đã xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói rằng việc triển khai tên lửa DF-26 là một nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tên lửa DF-26 còn được mệnh danh là kẻ huỷ diệt Guam có tầm bắn khoảng 3.400 miles và vì vậy có thể đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam vào vòng nguy hiểm.
Theo trang tin Stars and Stripes, hồi tháng trước, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Lou Yuan còn lên tiếng nói rằng việc đánh đắm một đôi tàu sân bay của Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, một học giả thuộc Viện nghiên cứu Hải quân của Trung Quốc, Zhang Junshe, mới đây nói với hãng tin ABS – CBN rằng nếu có bất cứ xung đột nào xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc thì Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-deployed-missile-to-target-american-ships-01122019091039.html
TQ cam kết mua một lượng hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ
Thông tin được đưa ra sau khi cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc chiều 9/1 (Bắc Kinh, Trung Quốc).Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 9/1 cho biết, Trung Quốc cam kết sẽ mua một khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và chế tạo từ Mỹ. Thông tin được đưa ra sau khi cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc chiều cùng ngày tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tuyên bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nêu chi tiết một số kết quả của đàm phán trong đó nhấn mạnh, hai bên đã thảo luận cách thức nhằm đạt được sự công bằng, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ thương mại song phương. Hai bên cũng thảo luận các vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ và sự cần thiết phải có thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng tại thủ đô Bắc Kinh song không thông báo kết quả cuộc đàm phán này.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung ban đầu được lên kế hoạch diễn ra trong 2 ngày 7-8/1 nhưng sau đó được kéo dài sang ngày 9/1. Theo các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán, Trung Quốc và Mỹ dự định tổ chức một cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng trong đó sẽ có sự tham gia của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
http://biendong.net/bi-n-nong/25766-tq-cam-ket-mua-mot-luong-hang-hoa-va-dich-vu-tu-my.html
TQ chuẩn bị quân đội sẵn sàng chiến đấu
là vì đâu?
Trên eo biển Đài Loan, ý đồ của Mỹ trong vấn đề Đài Loan là điều khiến Trung Quốc tức tối và phản ứng quyết liệt nhất…Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng bí thư trong thông điệp của mình đã nêu rõ 2 điểm nóng có thể xảy ra đối đầu quân sự Mỹ-Trung đó Đài Loan và Biển Đông là hệ quả lây lan tất yếu từ đối đầu thương mại sang quân sự.
Ông cho rằng: Người Mỹ đã có sách lược “ngoại giao pháo hạm”, tức dùng “cây gậy” để trấn áp, thì có lẽ nào một “cuộc chiến” thương mại lại không xảy ra điều đó. Nếu như ai đó cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ xảy ra mà không có bóng dáng của “cây gậy” đằng sau là nhầm lẫn.
Đánh giá về phía Mỹ
Để thực hiện, hỗ trợ cho cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, Mỹ dựa vào ưu thế quân sự của mình đã nhằm vào 2 điểm nhạy cảm để gây áp lực với Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại sắp xảy ra…
Trên Biển Đông, ngày 7/1, Mỹ cho tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampell tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm trái phép năm 1974).
Đây là hành động “leo thang” của Mỹ với Trung Quốc, bởi thay vì trước đây, tàu Hải quân Mỹ chỉ xuất hiện quanh khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực được xác định là khu vực tranh chấp, thì nay tại Hoàng Sa.
Đến đây phải lưu ý một điều rằng, Việt Nam không phản đối các tàu quốc tế đi lại trên Biển Đông nếu như tuân thủ theo UNCLOS. Tuy nhiên Trung Quốc phản đối Mỹ điều này là do Trung Quốc đơn phương coi khu vực trong “đường chín khúc” mà họ tự vẽ ra là thuộc “khu vực đặc quyền quân sự” của họ.
Chính vì thế, việc Mỹ cho khu trục hạm USS McCampell tự do đi lại trong khu vực này là sự “thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc”, tức là Mỹ coi tuyên bố “đường chính khúc” của Trung Quốc không có giá trị nên Trung Quốc phản đối…
Về vấn đề này lập trường, quan điểm của Mỹ không chỉ phù hợp với tự do hàng hải quốc tế, lợi ích của Việt Nam mà còn là của Philipines, Malaysia và Brunei (4 nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông).
Trên eo biển Đài Loan, ý đồ của Mỹ trong vấn đề Đài Loan là điều khiến Trung Quốc tức tối và phản ứng quyết liệt nhất…
Trong năm 2018, thực hiện “tự do hàng hải” Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ đã 2 lần cho hải quân đi qua eo biển Đài Loan với tuyên bố của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương “Các tàu chiến Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển và bay ở bất cứ khu vực nào được luật quốc tế cho phép…”
Ngày 31/12. Tổng thống Mỹ Trump đã phê chuẩn Đạo luật ARIA thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ với các đồng minh như Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm vũ khí. Đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Đây là hành động can thiệp chủ quyền trực tiếp của Mỹ vào nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc thì sao?
Trong tình thế cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp xảy ra (đã ngưng chiến sau “hiệp đấu” đầu), thông điệp của Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ rằng, sẽ không từ bỏ dùng vũ lực để thu phục Đài Loan nếu Đài Loan không chấp nhận “một nước 2 chế độ” và yêu cầu quân đội chuẩn bị cho chiến tranh.
Tuyên bố của Tập Cận Bình có lẽ chưa đủ “đô” với các thế lực “diều hâu” nên thiếu tướng La Viện còn tuyên bố sẵn sàng đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ, diệt hơn 10.000 lính Mỹ để buộc Mỹ khiếp sợ, ngồi vào bàn đàm phán…
Rõ ràng là, chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ sắp xảy ra thì Mỹ đã gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc đã khiến cho Biển Đông và eo biển Đài Loan nóng lên…ngược lại Trung Quốc cũng răn đe phá hoại chiến lược của Mỹ.
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thống nhất Đài Loan theo nguyên tắc “một Trung Quốc 2 chế độ” thì người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn khẳng định, hòn đảo này sẽ không chấp thuận việc dàn xếp chính trị theo hướng “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25747-tq-chuan-bi-quan-doi-san-sang-chien-dau-la-vi-dau.html
Huawei sa thải nhân viên
bị bắt ở Ba Lan về cáo buộc gián điệp
Công ty sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc hôm thứ Bảy cho biết họ đã sa thải một nhân viên người Trung Quốc bị bắt giữ về cáo buộc gián điệp ở Ba Lan, trong khi công ty này đã tìm cách tránh dính líu đến vụ việc.Nhà chức trách Ba Lan bắt giữ Vương Vĩ Tinh và một cựu quan chức an ninh Ba Lan vào ngày thứ Sáu về các cáo buộc này. Điều này có thể khơi lên thêm những lo ngại an ninh của phương Tây về Huawei và quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc.
Huawei nói trong một thông cáo rằng những hành động bị cáo buộc của ông Vương “không liên quan gì đến công ty.”
“Tuân theo các điều khoản và điều kiện hợp đồng lao động của Huawei, chúng tôi đưa ra quyết định này vì vụ việc này đã gây tổn hại danh tiếng của Huawei,” thông cáo nói.
Một phát ngôn viên của cơ quan an ninh Ba Lan trước đó nói với Reuters rằng các cáo buộc liên quan đến các hành động cá nhân, và không liên quan trực tiếp đến công ty này của Trung Quốc.
Hai người đàn ông này đã nghe các cáo buộc và có thể bị câu lưu trong ba tháng.
Người phát ngôn của Huawei, Joe Kelly, từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết, Reuters nói.
Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hiện đang bị phương Tây săm soi quyết liệt về mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và các cáo buộc của Mỹ rằng thiết bị của họ có thể được Trung Quốc sử dụng để do thám.
Chưa có bằng chứng nào được đưa ra công khai và công ty đã liên tục phủ nhận các cáo buộc, nhưng một số nước phương Tây đã hạn chế khả năng của Huawei tiếp cận thị trường của họ.
“Huawei tuân thủ mọi luật và quy định có thể được áp dụng tại các quốc gia nơi công ty hoạt động, và chúng tôi yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại,” thông cáo của công ty nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về vụ việc và đang thúc giục Ba Lan xử lí vụ việc “một cách công bằng.”
https://www.voatiengviet.com/a/huawei-sa-thai-nhan-vien-bi-bat-o-ba-lan-ve-cao-buoc-gian-diep/4740213.html
Thông điệp Trung Quốc gửi đến Mỹ
qua chuyến thăm của Kim Jong-un
Vào thời điểm Mỹ – Trung đàm phán thương mại, Bắc Kinh muốn nhắc nhở rằng Washington còn cần phải dựa vào họ để gây áp lực với Triều Tiên.Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 8/1 đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại cấp trung giữa Trung Quốc và Mỹ bước sang ngày thứ hai.
Mặc dù Trung Quốc nói rằng các sự kiện này không liên quan, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có thể làm phức tạp hóa nỗ lực theo đuổi các mục tiêu khác của chính quyền Trump – bao gồm việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên – nếu hai cường quốc không đạt được thỏa thuận thương mại, theo NYTimes.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung ban đầu được lên kế hoạch kết thúc vào ngày 8/1 nhưng sau đó kéo dài thêm một ngày. Trong cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump bên lề G20 tại Argentina hồi đầu tháng 12 năm ngoái, hai bên đã đồng ý ngừng áp thêm thuế với nhau trong ba tháng. Hai bên giờ cần đạt được một thỏa thuận trước kỳ hạn là ngày 2/3.
Chuyến thăm của ông Kim là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để thúc đẩy giải quyết vấn đề nhanh chóng. Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại đáng kể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm, doanh số bán xe cũng đi xuống. Chiến tranh thương mại không phải là lý do duy nhất khiến tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi nhưng nó đang khiến cho sự sụt giảm trở nên tồi tệ hơn.
Theo những người am hiểu cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, Trung Quốc đã đưa ra một số gợi ý về cách giải quyết cuộc chiến thương mại nhưng phía Mỹ thấy những biện pháp này chưa thỏa đáng và mô tả chúng là những hứa hẹn mơ hồ. Mỹ muốn Trung Quốc
cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế trợ cấp của chính phủ cho công ty nội và ngừng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ có giá trị cho Trung Quốc.
Chuyến thăm của Kim Jong-un có thể cung cấp cho Trung Quốc đòn bẩy cần thiết trong đàm phán với Mỹ. Chiến lược quan trọng của Trump đối với Triều Tiên là sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây áp lực tối đa với đất nước bị cô lập này và việc đó dựa rất nhiều vào sự hợp tác của Trung Quốc, vì hơn 90% giao dịch với bên ngoài của Triều Tiên là qua Trung Quốc, họ cũng đôi khi được Trung Quốc viện trợ.
“Kim muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác ngoài những gì Washington và Seoul có thể cung cấp”, Harry Kim Kazisis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington, đánh giá.
Kazianis nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông Kim tới Bắc Kinh diễn ra vài ngày sau khi ông nói trong bài phát biểu năm mới rằng ông sẽ tìm “con đường mới” để bảo vệ lợi ích của đất nước nếu Washington kiên quyết duy trì lệnh trừng phạt.
“Điều này có thể khiến Mỹ lo lắng”, Kazianis nhận xét, “Trung Quốc có thể làm tiêu tan chiến lược gây áp lực tối đa của Trump, vì hầu hết giao dịch với bên ngoài của Triều Tiên đi qua Trung Quốc”.
Tuy nhiên, chiến lược này có nguy cơ phản tác dụng. Việc liên kết tranh chấp thương mại với các vấn đề an ninh quốc gia có thể mang lại cho Trung Quốc lá bài thương lượng nhưng nó cũng có nguy cơ khiến những quan chức “diều hâu” trong Nhà Trắng tức giận và khiến Trump có lập trường cứng rắn hơn.
Chiến lược của Kim Jong-un cũng có thể không hiệu quả vì Trump về cơ bản đã tuyên bố đạt được chiến thắng ngoại giao với Triều Tiên và nói rằng ông không vội vàng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Trong cuộc họp báo vào ngày 8/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng các cuộc đàm phán và chuyến thăm của Kim Jong-un không liên quan với nhau. “Trung Quốc có nhiều sự kiện ngoại giao và lịch trình ngoại giao của chúng tôi cũng kín. Nếu có một số sự kiện chồng chéo, đó là điều tự nhiên”, ông Lục nói.
Mặc dù Trump dự kiến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 23-26/1 tại Davos, Thụy Sĩ, chính quyền của ông đã khước từ những nỗ lực của Trung Quốc để sắp xếp bất kỳ cuộc đàm phán thương mại chính thức nào vào thời điểm đó. Washington cũng trì hoãn chuyến thăm Washington của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho đến sau khi Trump đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 29/1.
Sự trì hoãn này đồng nghĩa với việc bất kỳ tiến triển nào từ chuyến thăm của ông Lưu cũng sẽ đến quá muộn để củng cố niềm tin của người tiêu dùng trước kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 4/2. Những tuần trước tết là thời điểm người dân chi tiêu nhiều, đặc biệt là mua xe.
“Vì vậy, chuyến thăm của ông Kim cho Trung Quốc cơ hội để thể hiện rằng họ vẫn còn nắm giữ điều mà Mỹ muốn”, cây bút Keith Bradsher của NYTimes nhận xét.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25756-thong-diep-trung-quoc-gui-den-my-qua-chuyen-tham-cua-kim-jong-un.html
Trung Quốc “vi phạm”
quyền miễn trừ ngoại giao của công dân Canada
Thanh PhươngNgày 11/01/2019, thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của một công dân Canada, ông Michael Kovrig, bị giam tại Trung Quốc từ một tháng nay vì bị nghi làm gián điệp.
Là một nhân viên của bộ Ngoại Giao Canada, ông Kovrig đã xin nghỉ không ăn lương để cộng tác với một cơ quan tham vấn, International Crisis Group. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông ngày 10/12 năm ngoái, sau vụ bắt giữ tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei).
Cũng như đồng hương Canada Michael Spavor, bị bắt ở Trung Quốc ngày 12/12, ông Kovrig bị xem là đã có những hoạt động “đe dọa an ninh quốc gia”, cụm từ mà Bắc Kinh thường sử dụng đối với những người bị tình nghi làm gián điệp.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, thủ tướng Trudeau khẳng định Trung Quốc đang giam giữ trái phép hai công dân Canada, trong đó có một trường hợp đã không tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao, ám chỉ trường hợp của ông Michael Kovrig.
Theo Công ước Vienna, những người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi họ ở nước ngoài. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Trudeau cho thấy là ông Kovrig có mang theo hộ chiếu ngoại giao cho dù ông đang nghỉ không ăn lương.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là vụ bắt giữ hai công dân Canada nói trên là không liên quan gì đến vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nhiều nhà quan sát xem đó là một biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi thấy con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt ở Canada.
Đầu tháng Hai tới, bà Mạnh Vãn Châu sẽ trình diện trước một thẩm phán để nghe quyết định về việc dẫn độ bà sang Mỹ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ giám đốc tài chính của Hoa Vi đồng lõa gian lận để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay loan tin là tập đoàn Hoa Vi vừa thông báo sa thải nhân viên của tập đoàn này bị bắt tại Ba Lan hôm thứ Ba 08/01 vì tội làm gián điệp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190112-canada-trung-quoc-vi-pham-quyen-mien-tru-ngoai-giao
Phe dân tộc Ấn Độ
nay nói thần Ramayana ‘đã lái máy bay’
Một số nhà khoa học tự tôn dân tộc Ấn Độ được sự ủng hộ của Thủ tướng Narendra Modi nay bác bỏ cả các tên tuổi lớn như Newton, Einstein và khoe là thần thoại nước họ đã có các công trình khoa học hiện đại.Biến chuyện cổ đại và huyền thoại thành “khoa học” là mục tiêu của Đại hội Khoa học Ấn Độ lần thứ 106 từ 3 đến 7 tháng 1/2019, theo BBC News.
Được chính thủ tướng Modi khai mạc, đại hội này không chỉ bàn về khoa học thời nay mà còn nhấn mạnh đến các thành tựu thời xa xưa, thậm chí thời huyền thoại.
Tại sự kiện vừa qua, hiệu trưởng một đại học miền Nam nước Ấn Độ nói trong sách cổ của đạo Hindu đã có bằng chứng về “nghiên cứu tế bào gốc”.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tin giả ở Ấn Độ
Tài ứng biến ‘siêu đẳng’ của người Ấn Độ
Tượng cao nhất thế giới sắp hoàn thành
Chuyến bay định mệnh từ Đà Nẵng
Chủ tịch Quang thăm chùa Mahabodhi
Theo ông G Nageshwar Rao, hiệu trưởng ĐH Andhra, hàng nghìn năm trước nghiên cứu này “đã được thực hiện” ở Ấn Độ.
Ông còn nói vị thần Ramayana từng dùng 24 loại máy bay, và có một mạng lưới sân bay ở chỗ nay là Sri Lanka.
TS KJ Krishnan từ bang Tamil Nadu thì nói cả Isaac Newton và Albert Einstein đều nhầm lẫn.
Newton để lại công trình về lực vạn vật hấp dẫn còn Einstein tìm ra thuyết tương đối.
Nhưng ông Krishnan nói Newton nhầm lẫn, không hiểu gì về sức đẩy của lực hấp dẫn còn thuyết của Einstein hoàn toàn sai.
Ông đề nghị gọi “sóng lực hấp dẫn” là “sóng Narendra Modi”, mang tên của thủ tướng đương quyền tại Ấn Độ.
Dân tộc chủ nghĩa và tự tôn
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Ấn Độ cho rằng trong thần thoại nước họ đã có nói về phi cơ.
Hồi 2017, thứ trưởng giáo dục Satyapal Singh in 2017 không chỉ cho rằng thần thoại Ramayana mô tả máy bay, mà còn thêm rằng chiếc phi cơ thực, bay được trên thế giới là do một người Ấn Độ, ông Shivakar Babuji Talpade thiết kế, tám năm trước khi anh em nhà Wright có chuyến bay đầu tiên.
Tuy nhiên, giới bình luận đôi khi không hiểu quan chức Ấn Độ nói thật hay nói đùa.
Theo phóng viên Soutik Biswas, BBC News ở Delhi thì chính quyền Ấn Độ nay đang pha trộn huyền thoại với khoa học và tạo môi trường để ‘giả khoa học’ (pseudoscience) từ quan điểm bên lề thành dòng chính.
Ông giải thích rằng các phát biểu ‘quái lạ’ của chính những nhân vật hô hào cho chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ và đảng BJP là cách tạo ra hào quang quá khứ để tăng tính tôn giáo cho chính trị hiện thời.
Thần Ganesha là sản phẩm ’phẫu thuật chỉnh hình’?
Bản thân thủ tướng Narendra Modi hồi 2014 từng nói “thần Ganesha có thân người nhưng mang đầu voi” trong thần thoại Ấn, là bằng chứng thời xa xưa người Ấn đã biết “phẫu thuật chỉnh hình”.
Ông Modi nổi tiếng là người từng tu hành theo truyền thống Ấn Giáo và phổ biến yoga ra thế giới.
Việc đề cao cội nguồn văn hóa Ấn Độ cũng khiến một bộ trưởng giáo dục cấp tiểu bang ở Rajasthan nói nghiên cứu bò là hết sức quan trọng.
Vì theo ông, con bò – động vật linh thiêng theo Ấn giáo – là cơ thể duy nhất có cách hấp thụ ô-xy cách hít vào thở ra cùng một lúc.
Nhà nghiên cứu địa chất Ashu Khosla thì nêu quan điểm rằng thần Brahma đã tìm ra các loài khủng long và ghi lại về chúng chi tiết trong các kinh sách cổ xưa.
Công trình này của ông Khosla được giới thiệu trong bản tham luận tại Đại hội Khoa học Ấn Độ đầu năm 2019.
Dân biểu quốc hội Ramesh Pokhriyal Nishank hồi năm 2014 từng nói “khoa học phải nhường chỗ cho chiêm tinh học”.
Ông cũng nêu quan điểm rằng Ấn Độ từng “thử nguyên tử” hơn 100 nghìn năm trước đây.
Theo một số thuyết, loài người có mặt ở tiểu lục địa Ấn Độ từ 100-120 nghìn năm trước, còn một số thuyết khác tin rằng người chỉ đến vùng Nam Á từ 60-70 nghìn năm trước.
Bằng chứng khảo cổ cho thấy 75 nghìn năm trước, các dụng cụ loài người để lại ở vùng này vẫn là đồ đá thô sơ và khoảng 5000 năm trước họ mới biết trồng cấy.
Nền văn minh sông Hằng mà các chính trị gia thuộc đảng BJP cầm quyền ở Ấn Độ đang đề cao chỉ mới hình thành chừng 5000 năm trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46829870
Quốc vương Campuchia chuẩn y luật mới
mở đường cho phe đối lập trở lại chính trường
Quốc vương Norodom Sihamoni đã chuẩn y luật sửa đổi về đảng chính trị, có thể mở đường cho các chính trị gia thuộc phe đối lập trở lại chính trường và đối đầu với Thủ tướng Hun Sen.Việc chuẩn y được thực hiện sau khi quốc hội Campuchia thông qua luật sửa đổi hồi cuối năm 2018 và luật đã có hiệu lực từ hôm 6.1, là ngày Quốc vương phê chuẩn, theo Phnom Penh Post hôm nay 9.1.
Theo luật mới, Thủ tướng Campuchia có quyền đề nghị phục hồi quyền hoạt động chính trị cho các chính trị gia sau khi thụ án, trong đó có 118 thành viên của đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP).
Cùng với bản án giải tán đảng, tòa Campuchia hồi năm 2017 cũng tuyên cấm những thành viên này tham gia hoạt động chính trị bất kể dưới hình thức nào. Phán quyết được đưa ra hai tháng sau khi lãnh đạo của CNRP, ông Kem Sokha bị bắt với cáo buộc phản quốc, cấu kết với Mỹ lật đổ chính phủ Campuchia. Cựu lãnh đạo này đang được tại ngoại để chờ hầu tòa.
Người phát ngôn của Bộ tư pháp Campuchia, ông Chin Malin cho biết Thủ tướng Hun Sen và Bộ nội vụ sẽ trình đề xuất ân xá cho Quốc vương xem xét và chuẩn y, cho dù những người được ân xá không có đơn yêu cầu.
Ou Chanrath, một luật sư của CNRP đã giải thể, nói rằng luật mới mang lại dấu hiệu tích cực cho chính trường Campuchia nếu việc ân xá được thực hiện cho tất cả 118 thành viên của CNRP. Tuy nhiên, theo luật sư này, việc ân xá sẽ không có ý nghĩa nếu các thành viên không đệ đơn, dù điều này không bắt buộc.
“Chúng ta nhìn nhận nỗ lực của chính phủ và quốc hội trong việc thúc đẩy sửa đổi và ban hành luật mới. Nếu luật đưa các chính trị gia đối lập quay trở lại chính trường, đó là dấu hiệu tích cực, một giải pháp chính trị, nhưng nếu không chính trị gia nào xin ân xá thì điều đó (nỗ lực của chính phủ và quốc hội-NV) vô nghĩa”, ông Chanrath phát biểu.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25764-quoc-vuong-campuchia-chuan-y-luat-moi-mo-duong-cho-phe-doi-lap-tro-lai-chinh-truong.html
Tàu chiến TQ cập cảng Campuchia
Phái đoàn hải quân Trung Quốc sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia khi ba tàu chiến thăm cảng ở tây nam nước này trong 4 ngày.“Mục tiêu của chuyến thăm là tăng cường quan hệ và hợp tác quân sự, đặc biệt là giữa hải quân hai nước”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat hôm nay phát biểu về chuyến thăm cảng Sihanoukville ngày 9-12/1 của ba tàu chiến Trung Quốc, theo AFP.
Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia Campuchia cho biết hai tàu Wuhu và Handan dài 135 m và rộng 16 m với lượng giãn nước 4.100 tấn. Tàu còn lại, Dong Ping Lake, dài 179 m và rộng 25 m với lượng giãn nước 20.500 tấn.
Socheat nói rằng phái đoàn hải quân Trung Quốc sẽ gặp các chỉ huy quân sự Campuchia và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh trong chuyến thăm.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia, đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế của nước này. Trung Quốc và Campuchia cũng có nhiều cuộc trao đổi quân sự cấp cao. Bắc Kinh hồi tháng 6 năm ngoái hứa cung cấp 100 triệu USD để giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang Campuchia.
Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng hai lần tổ chức diễn tập chung với Trung Quốc. Quân đội hai nước cũng nhất trí sẽ tiếp tục tổ chức tập trận “Rồng Vàng” vào năm 2019 với quy mô lớn hơn và tăng cường hợp tác song phương.
Trong nhiều năm đã có tin đồn rằng Trung Quốc sẽ xây căn cứ quân sự ở bờ biển tây nam của Campuchia. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen tháng 11 năm ngoái khẳng định Campuchia sẽ không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện trên đất nước.
http://biendong.net/bi-n-nong/25763-tau-chien-tq-cap-cang-campuchia.html
0 nhận xét