Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 11/01/2019

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019 15:23 // ,

Tin khắp nơi  – 11/01/2019

Ông Trump đe dọa

tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây tường

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đe dọa sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tài trợ cho bức tường biên giới mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
“Tôi có quyền tuyệt đối để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia,” ông Trump nói với các phóng viên khi ông đi dự một sự kiện ở thị trấn biên giới McAllen, bang Texas.
Ông cũng cho biết Mexico sẽ “gián tiếp” trả tiền cho bức tường – một điều mâu thuẫn với thông điệp lúc tranh cử của ông.
Đóng cửa chính phủ Mỹ: Tiếp theo là gì?
Trump ‘bye bye’ đàm phán về đóng cửa chính phủ
Trump đòi ngân sách xây tường để chấm dứt ‘khủng hoảng’
Một phần của chính phủ Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động trong 20 ngày, khiến khoảng 800.000 nhân viên liên bang không được trả lương.
Tổng thống Trump từ chối ký luật để cấp ngân quỹ và mở lại chính phủ nếu 5,7 tỷ đô la ngân sách chi cho hàng rào dọc biên giới Mỹ-Mexico không được chấp thuận.
Các cuộc đàm phán về ngân sách đã đi vào bế tắc khi đảng Dân chủ – bên kiểm soát Hạ viện – từ chối cấp tiền cho bức tường cho ông.
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa khẳng định đảng này vẫn luôn ủng hộ tổng thống, mặc dù một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ việc chấm dứt đóng cửa chính phủ.
Làm sao Trump có thể trả tiền cho bức tường mà không cần Quốc hội?
Hôm thứ Năm, ông Trump đã đến thăm một trạm tuần tra biên giới ở McAllen, trong Thung lũng Rio Grande của Texas.
Ông nói rằng nếu Quốc hội không phê duyệt tài trợ cho bức tường, “có lẽ … tôi gần như sẽ nói chắc chắn” tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để vượt quyền của các nhà lập pháp.
Các nhà phân tích nói rằng trong khi các tổng thống có thể chỉ đạo các dự án xây dựng quân sự trong chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp quốc gia, thì động thái này gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với một thách thức pháp lý và bị buộc tội vi phạm các thủ tục hiến pháp.
Tiền cũng sẽ phải đến từ các quỹ do Quốc hội phân bổ cho các mục đích khác – điều mà một số thành viên đảng Cộng hòa cũng sẽ phản đối.
Mặc dù vậy, một trong những người ủng hộ ông, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, nói rằng “đã đến lúc Tổng thống Trump sử dụng quyền hạn khẩn cấp để tài trợ cho việc xây dựng một bức tường biên giới”.
Thượng nghị sĩ theo Đảng Dân chủ Joe Manchin thì cho rằng tuyên bố khẩn cấp quốc gia của ông Trump sẽ là “sai trái”, nhưng nó có lẽ là “lối thoát duy nhất” của tổng thống.
Các nhà phân tích nói rằng một động thái như vậy sẽ cung cấp vỏ bọc chính trị để mở cửa lại chính phủ trong khi cho phép ông Trump lập luận rằng ông đã làm tất cả những gì có thể để thực hiện một trong những lời hứa chính trong chiến dịch tranh cử của mình.
Theo truyền thông Hoa Kỳ, ông Trump đã được báo cáo về kế hoạch chuyển nguồn vốn được phân bổ cho các dự án tái thiết ở các khu vực bị thiên tai thảm họa, như Puerto Rico, để trả tiền cho bức tường.
Trump lý giải thế nào về bức tường?
Ông Trump phát biểu tại nhà ga McAllen, đằng sau một giàn trưng bày vũ khí, ma túy và tiền mặt được cho là đã bị tuần tra biên giới tịch thu.
Có mặt bên cạnh ông Trump là các nhân viên tuần tra biên giới, và thân nhân của những người bị giết bởi những người nhập cư bất hợp pháp.
“Nếu chúng ta không có rào cản … bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề này”.
Ông nói thêm rằng mọi người phải đối mặt với “công việc khó khăn”, “vấn đề mệt mỏi” và “rất nhiều cái chết” nếu không có bức tường.
Ông Trump nói thêm: “Họ nói rằng một bức tường là một thứ của thời trung cổ … Những có những thứ trung cổ nhưng vẫn hiệu quả.”
Trump đã thay đổi cam kết tài trợ cho bức tường?
Ông Trump từng đưa bức tường biên giới thành một lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử chức tổng thống của ông – và cam kết sẽ khiến Mexico trả tiền cho nó. Tuy nhiên, phát biểu hôm thứ Năm 10/1, ông Trump tuyên bố ông không có ý là Mexico sẽ chỉ thanh toán một lần.
“Khi tôi nói Mexico sẽ trả tiền cho bức tường trước hàng ngàn và hàng ngàn người … rõ ràng tôi không bao giờ có ý là Mexico sẽ chỉ viết một tấm séc,” ông Trump nói.
Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với thông tin chiến dịch tranh cử năm 2016, khi đó ông Trump nói ông sẽ “buộc Mexico thanh toán một lần” với số tiền 5-10 tỷ đô la cho bức tường.
Ông Trump cho biết hôm thứ Năm rằng, thay vì thanh toán trực tiếp, Mexico sẽ “trả tiền cho bức tường một cách gián tiếp, nhiều lần, nhiều lần”, theo thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ, Mexico và Canada.
Các nhà kinh tế đã tranh cãi điều này và các nhà phê bình nói rằng bất kỳ khoản tiết kiệm nào phát sinh từ thỏa thuận này sẽ được chuyển trực tiếp đến các doanh nghiệp tư nhân thay vì chảy vào Kho bạc Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46833936

Tình trạng khẩn cấp quốc gia:

Những điều cần biết

Trong chuyến thăm biên giới phía nam hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đe dọa sử dụng thẩm quyền tình trạng khẩn cấp để bỏ qua Quốc hội và huy động hàng tỉ đôla để chi trả cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico trong khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần sang ngày thứ 21.
Một tuyên bố như vậy có nghĩa là gì? Sau đây là những điều cần biết:
Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia là gì?
Dự luật tình trạng khẩn cấp quốc gia được giới thiệu vì người ta nhận thấy cần phải chấm dứt các tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài không kết thúc và chính thức hóa quyền lực của Quốc hội. Luật được ban hành vào năm 1976 để cung cấp những sự kiểm tra và cân bằng nhất định đối với thẩm quyền tình trạng khẩn cấp của tổng thống, bao gồm chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia hai năm sau khi ban hành, và quy định không muộn hơn sáu tháng sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố, và không muộn hơn cuối mỗi giai đoạn sáu tháng sau đó trong suốt tình trạng khẩn cấp. Mỗi viện của Quốc hội phải biểu quyết về một nghị quyết đồng thời (concurrent resolution) để xác định khi nào cần chấm dứt tình trạng khẩn cấp.
Ông Trump có thể sử dụng thẩm quyền tình trạng khẩn cấp để xây tường được không?
Câu trả lời ngắn gọn là, có.
Là tổng thống, ông Trump có thẩm quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông có thể không có thẩm quyền rộng lớn gắn với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Chuyện này có thực sự là tình trạng khẩn cấp?
Ông Trump đã tuyên bố dòng di dân kéo đến biên giới phía nam là một tình trạng khẩn cấp nhân đạo và quốc gia. “Chúng ta có tội phạm kéo đến,” ông Trump nói hôm Chủ nhật. “Chúng ta có những kẻ buôn người kéo đến. Chúng ta có ma túy đổ vào. Chúng ta có những chuyện đang xảy ra mà bạn thậm chí không muốn biết tới.” Chính quyền cũng nêu ra chuyện những kẻ khủng bố vượt biên giới từ Mexico vào Mỹ. Nhưng những người chỉ trích lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy di dân tập trung ở biên giới giống như những gì mà chính quyền tuyên bố.
Tiền ở đâu ra?
Kinh phí cho bức tường có thể khó huy động. Một cách để có được tiền là sử dụng luật khẩn cấp quân sự cho bộ trưởng quốc phòng thẩm quyền chỉ thị tiến hành các dự án thi công mà không cần sự cho phép của Quốc hội. Tin tức ngày thứ Năm cho hay Nhà Trắng đang tìm kiếm ngân khoản trong ngân sách của Công binh Lục quân Hoa Kỳ. Nguồn tiền tiềm năng này có thể đến từ các dự án được chấp thuận trong một dự luật cung cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai cho Puerto Rico, Texas, California và Florida, theo các bản tin.
Quốc hội có thể làm gì?
Quốc hội có thể đảo ngược tuyên bố tình trạng khẩn cấp với sự chấp thuận của lưỡng viện. Nhưng chuyện này khó xảy ra vì phe Cộng hòa nắm thế đa số tại Thượng viện.
Tuyên bố cũng có thể đối mặt với vô số thách thức tại tòa án.
Chuyện này trước đây từng xảy ra chưa?
Trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn trong tình trạng khẩn cấp liên tục kể từ năm 1979. Đó là khi Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố tình trạng khẩn cấp để phong tỏa tài sản của Iran sau khi Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị chiếm giữ. Nó được triển hạn hàng năm kể từ khi đó, bởi sáu tổng thống khác. Các tình trạng khẩn cấp khác cũng được tuyên bố kể từ khi đó và vẫn còn hiệu lực, bao gồm tình trạng khẩn cấp năm 1996 của Tổng thống Bill Clinton, được tuyên bố sau khi quân đội Cuba bắn rơi hai máy bay dân sự ngoài khơi bờ biển Cuba, cũng như một tuyên bố của Tổng thống George W. Bush vào ngày 14 tháng 9 năm 2001 trao cho tổng thống thẩm quyền rộng lớn để huy động quân đội sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tính đến nay, 28 trường hợp khẩn cấp quốc gia vẫn còn hiệu lực. Hầu hết trong số này được tuyên bố theo Đạo luật Thẩm quyền Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế. Nó trao cho tổng thống thẩm quyền áp đặt các chế tài kinh tế cho chính sách đối ngoại.
https://www.voatiengviet.com/a/tinh-trang-khan-cap-quoc-gia-nhung-dieu-can-biet/4734440.html

Đóng cửa Chính phủ: Các kịch bản khả dĩ

Trong lúc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đang bước sang ngày thứ 20, Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội vẫn tiếp tục bị chia rẽ trước đòi hỏi của ông Trump muốn có ngân quỹ xây tường biên giới với Mexico. Giải pháp nhanh chóng lúc này là không có khả năng.
Ông Trump đã cắt ngang cuộc thương thuyết với lãnh đạo Đảng Dân chủ hôm 9/1, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện cho biết.
Sau đây là một số kịch bản khả dĩ cho bế tắc hiện nay.
Hai bên nhượng bộ
Khi thường dân Mỹ bắt đầu cảm thấy tác động của chính phủ đóng cửa đối với cuộc sống của họ, cả hai phía đều cảm thấy áp lực từ phía cử tri và sẽ có động thái đạt được thỏa thuận, có lẽ tập trung vào những vấn đề sau:
Dreamer: Những di dân trẻ, chủ yếu có nguồn gốc Mỹ Latin, vốn đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ và hiện vẫn đang sống ở Mỹ. Tổng thống Trump có thể chịu đưa ra giải pháp bảo vệ họ khỏi bị trục xuất để đổi lại Quốc hội cấp tiền xây tường cho ông. Một thỏa thuận theo hướng này trước đây đã gần đạt được nhưng đã sụp đổ.
Hàng rào thay vì bức tường: ông Trump khăng khăng đòi phải xây ‘tường’ nhưng mới đây đã đổi giọng điệu sang ‘hàng rào thép’ với hy vọng rằng cách dùng từ này không quá mang tính chính trị. Các hàng rào cao gồm các thanh chắn đã được dựng lên ở một số điểm ở biên giới và sẽ có thêm nhiều hàng rào nữa được dựng lên. Cấp tiền cho hàng rào hay các lựa chọn khác thay cho bức tường kiên cố có thể cho phép ông Trump tuyên bố thắng lợi và phe Dân chủ nói rằng họ đã chặn được bức tường.
Các bước khác: có nhiều cách nữa để củng cố biên giới Mỹ-Mexico, chẳng hạn như triển khai thêm các phương tiện mọi địa hình và lính biên phòng cưỡi ngựa. Các thiết bị dò kim loại cỡ lớn cũng sẽ được lắp đặt để rà soát các xe tải và xe buýt tình nghi có hoạt động bất hợp pháp.
Tăng giảm số tiền: hai bên có thể mặc cả để đạt được con số đâu đó ở giữa đòi hỏi của ông Trump là 5,7 tỷ đô la và đề xuất của Đảng Dân chủ là 1,6 tỷ đô la để tăng cường an ninh biên giới.
Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Ông Trump đã đe dọa tuyên bố tình trạng khẩn cấp với lý do rằng di dân bất hợp pháp đe dọa an ninh của Mỹ và nếu công bố tình trạng khẩn cấp ông được phép tái phân bổ những ngân quỹ liên bang hiện tại sang xây bức tường, có lẽ bằng cách lấy tiền dành cho Bộ Quốc phòng. Theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định chi tiêu tiền thuế của người dân như thế nào.
Tuy nhiên, ông Trump không hề đề cập đến khả năng đó trong bài diễn văn trên truyền hình vào tối ngày 8/1 về điều mà ông gọi là ‘khủng hoảng’ biên giới. Bước đi như thế của ông Trump sẽ leo thang thành một xung đột chính sách về quyền lực Tổng thống. Phe Dân chủ gần như chắc chắn sẽ có động thái chặn ông Trump lại và nhiều khả năng khởi động một cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Dân chủ lùi bước, Trump thắng
Các lãnh đạo Đảng Dân chủ là bà Nancy Pelosi và ông Chuck Schumer đã thề rằng họ sẽ không cho ông Trump một đồng để xây bức tường biên giới. Nhưng một khi đóng cửa chính phủ kéo dài, họ có thể suy nghĩ lại mặc dù điều này có vẻ như không có khả năng do bầu không khí chính trị hiện nay.
Đảng Dân chủ đã giành thế đa số ở Hạ viện một cách áp đảo trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 trong khi tỷ lệ ủng hộ của ông Trump tiếp tục dao động xung quanh mức 40%. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy các cử tri hoài nghi về sự cần thiết phải có một bức tường.
Thêm vào đó, ngay càng có nhiều người Mỹ đổ lỗi cho ông Trump đã gây ra tình trạng đóng cửa chính phủ ngay cả khi các cử tri Cộng hòa đa số vẫn ủng hộ ông, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Reuters/Ipsos.
Trump xuống nước, phe Dân chủ thắng
Một trong những trách nhiệm chính của ông Trump với tư cách Tổng thống là đảm bảo rằng chính phủ liên bang thực thi được nhiệm vụ. Do đó, việc đóng cửa chính phủ đối với ông Trump là quá rủi ro về mặt chính trị.
Các công viên quốc gia và các bảo tàng bị đóng cửa là một chuyện, nhưng các nhân viên an ninh sân bay và kiểm soát không lưu đang làm việc không lương là lời cảnh báo rằng an ninh và an toàn có thể bị hy sinh nếu tình trạng đóng cửa chính phủ tiếp diễn. Các quan chức công đoàn cho biết một số nhân viên làm việc cho các sân bay đã nghỉ việc.
Trong nhiều năm, ông Trump đã hứa hẹn xây dựng bức tường – ban đầu nói là Mexico sẽ chịu chi phí – và sau đó đã liên tục đả kích Đảng Dân chủ đã cản trở ông. Tuy nhiên ông có thể thấy việc đóng cửa là không bền vững, sau đó lùi bước và ủng hộ các dự luật mở cửa lại chính phủ của Đảng Dân chủ.
Hôm 9/1, phe Dân chủ ở Hạ viện đã bắt đầu thúc đẩy các dự luật chi tiêu cho từng cơ quan liên bang. Sau đó, các dự luật này sẽ được đưa lên Thượng viện. Phe Cộng hòa ở Thượng viện khi đó sẽ phải quyết định liệu có phê chuẩn các dự luật này hay không hay chặn chúng lại để giúp cho bức tường của ông Trump. Tuy nhiên, nếu chặn dự luật mở cửa lại Bộ Tài chính có thể làm trì hoãn việc hoàn thuế của hàng triệu người Mỹ.
Cho đến nay, Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đã không mấy quan tâm đến việc tổ chức bỏ phiếu cho các dự luật này.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-c%C3%A1c-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-kh%E1%BA%A3-d%C4%A9/4738361.html

TT Trump hứa thay đổi thị thực H1-B,

bao gồm khả năng trở thành công dân

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/1 cho biết ông đang lên kế hoạch thay đổi thị thực H-1B, được cấp tạm thời cho những người nhập cư có trình độ học vấn cao để họ có thể làm việc trong các ngành nghề đặc biệt. Ông nói những thay đổi sẽ mang lại sự đơn giản, ổn định, và khả năng những người lao động có thể trở thành công dân Hoa Kỳ.
“Những người được cấp visa H1-B ở Hoa Kỳ có thể yên tâm rằng sắp có những thay đổi, điều này sẽ mang lại cả sự đơn giản lẫn sự ổn định cho thời gian các bạn làm việc ở Mỹ, bao gồm cả khả năng trở thành công dân. Chúng tôi muốn khuyến khích những người tài và có kỹ năng cao theo đuổi các lựa chọn nghề nghiệp ở Hoa Kỳ”, ông Trump viết trên Twitter vào sáng 11/1.
Trong khi ông Trump thường mô tả những di dân không có giấy tờ và những người xin tị nạn đang cố gắng vào Mỹ qua Mexico là “tội phạm” và “khủng bố”, ông lại thường ca ngợi những người nộp đơn xin H-1B, là những người phải có bằng cử nhân hoặc cao hơn. Việc xin loại visa này khá cạnh tranh và khó khăn. Năm 2018, Hoa Kỳ đạt giới hạn về số lượng H-1B có thể cấp, là 65.000, ngay vào tuần đầu tiên của tháng Tư, theo Bộ An ninh Nội địa.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-hua-thay-doi-thi-thuc-h1b-bao-gom-kha-nang-tro-thanh-cong-dan/4738785.html

Dân biểu Mỹ tại các địa hạt biên giới

 phản đối tường thành

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên đường đến Texas để chứng minh cho lập trường của ông về bức tường ở biên giới với Mexico, ông cũng đối mặt với sự ngờ vực ngày càng tăng từ những người liên quan đến bức tường nhiều nhất.
Gần như tất cả các quan chức liên bang và tiểu bang đại diện cho các địa hạt dọc biên giới này phản đối ý tưởng xây tường, theo tờ Washington Post.
Dân biểu liên bang Mac Thornberry của bang Texas, thành viên Cộng hòa cao cấp nhất của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã nói rằng ông phản đối việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây bức tường. Một dân biểu khác của Texas là ông Will Hurd cũng thuộc Đảng Cộng hòa đã liên tục lên tiếng phản đối và bỏ phiếu chống ý tưởng này. Ông Dennis Nixon, một lãnh đạo ngân hàng ở Laredo vốn là một nhà tài trợ hàng đầu cho ông Trump, đã cho đăng tải một bài viết dài để bác bỏ mong muốn xây tường biên giới của ông Trump.
Hồi tuần trước, Hạ viện đã thông qua một dự luật cấp ngân quỹ cho các cơ quan liên bang bị đóng cửa, trong đó có Bộ An ninh Nội địa, nhưng không cấp khoản tiền nào cho tiền biên giới. Tất cả chín dân biểu đại diện cho các địa hạt dọc đường biên giới 2.000 dặm với Mexico, trong đó có một dân biểu Cộng hòa, đều ủng hộ dự luật này.
“Đó là giải pháp ở thế kỷ thứ 4 cho một vấn đề ở thế kỷ 21,” Dân biểu Vicent Gonzalez thuộc Đảng Dân chủ đại diện cho một địa hạt vùng biên giới, được CBS dẫn lời nói.
Ông Gonzalez nói ông không chống đối việc tăng cường an ninh biên giới nhưng ông phản đối mở rộng thêm bức tường hiện tại ở biên giới bởi vì ông cho rằng ‘nó không đem lại an ninh biên giới thực sự và nó hết sức tốn kém tiền thuế của người dân’.
Ông Gonzalez cho biết trong một bữa ăn tối riêng với ông Trump hồi năm ngoái, ông đã đề xuất một ‘bức tường biên giới ảo’ sử dụng công nghệ và các thiết bị giám sát quân sự hiện có mà hiện không được sử dụng. Tuy nhiên, ông Trump không hứng thú gì với lựa chọn thay thế cho bức tường thật sự bằng xi măng này, ông Gonzalez nói với CBS.
Địa hạt mà ông đại diện bao gồm McAllen, một thị trấn biên giới của Texas mà ông Trump đến thị sát hôm thứ Năm ngày 10/1 để nêu bật cái mà ông gọi là ‘cuộc khủng hoảng’ ở biên giới. Tuy nhiên, ông Gonzalez nói rằng McAllen là một trong những thị trấn an toàn nhất nước Mỹ và tình trạng tội phạm ở đây đang ở mức thấp nhất trong vòng 33 năm. Do đó, ông bác bỏ lập luận cho rằng đang xảy ra ‘khủng hoảng’ ở biên giới.
“Khi người ta nói về bạo lực tràn lan ở vùng biên giới, điều đó là phi lý,” ông Gonzalez nói thêm.
Khi cơ quan lập pháp bang Texas tái nhóm họp trong tuần này – lần đầu tiên trong vòng một năm rưỡi – Thống đốc Greg Abbott đã có bài phát biểu đưa ra những đề xuất như cắt giảm thuế, giải quyết vấn đề ngân sách giáo dục và cải thiện an toàn trường học. Ông Abbott, cũng như các quan chức hàng đầu khác của tiểu bang, không hề đề cập gì đến an ninh biên giới – vấn đề mà ông Trump cho rằng đang nghiêm trọng đến mức ông cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
“Thật lòng mà nói tôi nghĩ là các chính trị gia ở thủ đô Washington rất xa rời thực tế với những gì đang xảy ra ở biên giới,” Thượng nghị sỹ tiểu bang Juan Hinojosa thuộc Đảng Dân chủ đại diện khu vực biên giới mà ông Trump đi thị sát hôm 10/1, nói. “Họ đến đây, họ chụp ảnh trên một con tàu hay trực thăng tuần tra. Phe Dân chủ trỏ sang phía Cộng hòa trong khi những người Cộng hòa chỉ tay về phía Đảng Dân chủ. Sau đó họ rời đi – và họ để lại vấn đề cho chúng tôi.”
Nhiều người ở Texas, trong đó có cả các thành viên Đảng Dân chủ, nói rằng cần phải làm nhiều việc để củng cố an ninh biên giới. Cần bổ sung thêm nhân viên biên phòng. Công nghệ như camera và thiết bị bay cần được đưa vào sử dụng. Những vấn đề này đã được Đảng Dân chủ thúc đẩy thông qua ở Washington.
“Hệ thống di trú đã hoàn toàn đổ vỡ, nhưng bức tường không phải là câu trả lời,” ông Hinojosa nói. “Xây dựng bức tường này không có cơ sở hợp lý. Một số hàng rào là cần phải có, nhưng anh không thể xây một bức tường như ở Trung Quốc (Vạn Lý Trường Thành) chạy từ Brownsville (Texas) cho đến San Diego (California).
Tổng thống Trump thường nói về nhu cầu phải có một bức tường vật chất mà ông nói cần phải cao trên 9 mét và chạy dọc chiều dài biên giới. ‘Xây bức tường’ là tiếng hô đã định hình chiến dịch tranh cử tổng thống của ông và lời cam kết của ông rằng ông sẽ ép Mexico chịu chi phí xây tường đã thu hút được những tiếng reo hò đồng tình của những người ủng hộ ông.
“Đó không phải là hàng rào, đó là một bức tường,” ông quở trách các phóng viên như thế trước khi ông tuyên thệ nhậm chức hồi đầu năm 2017. Nhưng có ít người ở Texas, thậm chí thuộc Đảng Cộng hòa, đi xa đến mức đó. Họ dùng những từ ôn hòa hơn như ‘hàng rào’ thay vì ‘bức tường’.
Có những phức tạp trong việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Texas. Địa hình ở đây đầy thử thách. Nếu có con sông chảy qua thì càng phức tạp. Và không giống như ở Arizona hay New Mexico, phần lớn đất đai dọc biên giới của Texas là thuộc sở hữu tư nhân do đó nếu xây dựng bất cứ công trình nào chính quyền cũng phải sử dụng quyền thu hồi đất để lấy đất của người dân.
Các vụ tranh tụng pháp lý vẫn đang chờ đợi được xử lý thay mặt cho những người dân bị chính quyền lấy đất sau khi Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Hàng rào An ninh hồi năm 2006.
“An ninh biên giới bao gồm ba vấn đề: đó là hàng rào ở những nơi khó kiểm soát, đó là công nghệ như thiết bị cảm ứng mặt đất, radar, thiết bị bay và các thiết bị công nghệ được dùng để bổ sung cho bức tường, và đó là con người,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa John Cornyn, phát biểu trên kênh Fox News. “Đó thật sự là sự kết hợp của ba yếu tố này và không có một giải pháp chung duy nhất cho toàn bộ đường biên giới. Địa lý ở khu vực rất đa dạng.”
Ông Will Hurd, dân biểu Cộng hòa duy nhất đại diện cho một địa hạt khu vực biên giới, phản bác lời miêu tả của ông Trump về biên giới và cho rằng khu vực biên giới nằm trong số ‘những cộng đồng an toàn nhất nước Mỹ’ và ‘không phải là những bộ phim về băng đảng ma túy đáng sợ như trước’.
Trong bài diễn văn trên truyền hình vào tối ngày 8/1, ông Trump nói rằng vùng biên giới của Mỹ ‘đầy dẫy tội phạm’.
“Xây dựng một cấu trúc bê tông cao 30 foot từ bờ biển bên này đến bờ biển bên kia là cách tốn kém nhất và ít hiệu quả nhất để đảm bảo an ninh biên giới,” ông Hurd nói trên kênh CNN. Ông cũng kêu gọi ông Trump tái mở cửa chính phủ để cho các nhân viên biên phòng có thể nhận tiền lương.
“Nếu đây là một cuộc khủng hoảng,” ông lập luận, “thì những người đang phải đương đầu với khủng hoảng cần được trả lương.”
Ông Hurd là dân biểu đại diện cho địa hạt có đường biên giới dài hơn bất kỳ địa hạt nào của các dân biểu khác ở Hạ viện. Ông đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật mở cửa lại chính phủ hồi tuần rồi của Đảng Dân chủ.
Ông Hurd – vốn từng là điệp viên chìm của CIA – cũng đã đề xuất thông qua dự luật về ‘bức tường biên giới thông minh’, tức là một ý tưởng quản lý biên giới bằng công nghệ mà ông cho rằng tốn chưa tới 1 tỷ đô la so với số tiền 23 tỷ đô la cần để xây dựng toàn bộ bức tường biên giới.
Tuy nhiên, hầu hết các dân biểu Cộng hòa đại diện cho các địa hạt nằm cách biên giới hàng trăm dặm ở bang Texas đều ủng hộ ông Trump ngay cả khi không phải tất cả bọn họ đều kêu gọi xây dựng bức tường.
“Đối với những ai nói rằng hàng rào không có hiệu quả thì hãy đến xem các địa điểm hạt nhân, đến xem Nhà Trắng, đến xem nhà riêng của quý vị xem,” dân biểu Kevin Brady nói. “Hàng rào có tác dụng của nó.”
Dân biểu Lance Gooden, một người mới vừa được bầu vào Hạ viện từ vùng ngoại ô Dallas, hoàn toàn ủng hộ ông Trump và ông nói ông tin tưởng ông Trump làm tất cả những gì cần thiết để được cấp tiền xây tường biên giới.
“Tôi sẽ cảm thấy phấn khích nếu tổng thống nói rằng Quốc hội hãy biến đi trong chuyện này, chúng ta sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tự mình làm việc này nếu phe Dân chủ không muốn thương thảo với chúng ta với thiện chí,” ông nói.
Dân biểu Michael McCaul cũng không hề bác bỏ khả năng ông Trump sử dụng quyền về tình trạng khẩn cấp để xây bức tường.
“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là phương cách cuối cùng của ông ấy và đó là điều mà các luật sư của ông ấy đang nghiên cứu vào lúc này,” ông nói. “Đây là tình trạng khẩn cấp ở biên giới, theo đánh giá của tôi.”
Dân biểu Dan Crenshaw cũng là người mới được bầu vào Hạ viện từ ngoại ô Houston và là một cựu lính thủy đánh bộ mạnh mẽ ủng hộ đề xuất của ông Trump về bức tường biên giới.
“Từ kinh nghiệm trong quân ngũ của tôi tôi biết rằng hàng rào có tác dụng,” ông viết trong một thông cáo. “Lập luận của phe Dân chủ là bức tường không hiệu quả không dựa trên thực tế hay lý lẽ mà là quan điểm mang tính đảng phái.”
Hôm thứ Ba ngày 9/1, phe Dân chủ ở Hạ viện đã thông qua một dự luật để mở cửa trở lại Bộ Tài chính, một trong số các cơ quan liên bang bị ảnh hưởng bởi chính phủ đóng cửa một phần, để đảm bảo rằng Sở Thuế có thể làm việc khi mùa khai thuế bắt đầu với hàng chục triệu người dân Mỹ.
Bất chấp lời ông Trump kêu gọi Đảng Cộng hòa đoàn kết trước sức ép của phe Dân chủ, có tám dân biểu của Đảng Cộng hòa đã hòa cùng các đồng nghiệp Dân chủ đã bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Tuy nhiên dự luật này không có triển vọng trở thành luật do Tổng thống Trump đã nói là ông chống đối bất kỳ dự luật nào không bao gồm ngân quỹ xây tường biên giới.
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-bi%E1%BB%83u-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Ba-h%E1%BA%A1t-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-t%C6%B0%E1%BB%9Dng-th%C3%A0nh/4738360.html

Tương lai chiến tranh thương mại Mỹ – Trung:

Có thể đạt thỏa thuận nhưng khó lòng hạ nhiệt

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu áp lực lớn từ cuộc chiến thương mại, nhưng ngay cả khi có thể đạt được thỏa thuận, tình trạng căng thẳng giữa hai nước cũng khó lòng được triệt tiêu.
Trong Báo cáo Cập nhật về thương mại Mỹ – Trung Quốc, CTCP Chứng Khoán Bảo Việt đã nêu ra những kết quả tiềm năng trong cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, khả năng có thỏa thuận thương mại trước thời điểm ngày 1/3 là cao nhưng về tổng thể, sức ép từ Mỹ lên Trung Quốc sẽ không giảm. Tuy vậy, Mỹ có thể sẽ chuyển dần sức ép từ mặt trận thương mại sang các vấn đề mang tính chọn lọc khác như công nghệ, chính trị, quân sự…
Không như các lần áp thuế quan trả đũa lên nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, sự bất ổn của thị trường tài chính cũng như ngày càng có nhiều sự phản hồi từ phía các doanh nghiệp Mỹ gần đây đang đặt chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào một vị thế nhiều sức ép hơn so với giai đoạn đầu khởi phát chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Cuộc gặp cấp Thứ trưởng diễn ra trong hai ngày 7/1 và 8/1 ở Bắc Kinh nhiều khả năng chưa có kết quả đột phá mà phải đợi đến cuộc gặp cuối tháng 1/2019 giữa các nhân vật chủ chốt hơn của hai bên thì kết quả đàm phán có thể mới rõ ràng hơn.
Kinh tế Mỹ
Nền kinh tế Mỹ đang phát đi những tín hiệu trái chiều giữa khu vực sản xuất và thị trường lao động, khiến TTCK Mỹ tiếp tục có diễn biến trồi sụt, dao động trong biên độ lớn.
Cụ thể, chỉ số ISM Manufacturing (đo lường sức khỏe của khu vực sản xuất) của Mỹ đã giảm mạnh xuống mức 54,1 điểm trong tháng 12/2018 so với mức 59,3 điểm của tháng trước đó, báo hiệu xu hướng quay đầu trong hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.
Tiền lương gia tăng, đồng USD mạnh lên và nhu cầu từ thị trường nước ngoài suy yếu đang dần cho thấy tác động thực vào lĩnh vực sản xuất chế tạo của Mỹ.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thị trường lao động của Mỹ vẫn đang cho thấy diễn biến hết sức khả quan với bảng lương phi nông nghiệp tháng 12 cho biết có 312 nghìn việc làm mới được tạo ra (mức cao nhất kể từ tháng 2/2018).
Ngoài chỉ số ISM Manufacturing thì về mặt định tính, khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ diễn ra do ảnh hưởng của các nguyên nhân như: tác động từ gói giảm thuế của chính quyền Trump không còn nhiều trong năm 2019, chi phí nhân công tăng khiến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp giảm bớt hay chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…
Trong quá khứ thì chỉ số S&P 500 cũng có diễn biến khá tương đồng với chỉ số ISM Manufacturing.
Kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn bất chấp các biện pháp kính thích từ chính sách tài khóa và tiền tệ.
Kể từ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung nổ ra từ đầu quý III/2018, chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, bớt siết chặt hoạt động thị trường bất động sản…
Tuy vậy, các biện pháp này vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả khi các số liệu kinh tế của Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.
Sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn đang trong xu hướng giảm dần trong khi các chỉ số mang tính dẫn báo và khá “nhạy” như PMI hay Caixin cũng đã liên tục đi xuống và giảm xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 12/2018 vừa qua.
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm khoảng 1% nhằm tăng thanh khoản, khuyến khích hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Mặc dù về lý thuyết, việc cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc sẽ có tác động rất mạnh tới cung tiền nhưng bên cạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì Trung Quốc còn có nhiều công cụ khác để điều tiết thanh khoản của hệ thống.
Thế lưỡng nan của Trung Quốc hiện nay là đang chịu áp lực phải hỗ trợ cho tăng trưởng trong ngắn hạn trong khi vẫn phải thực hiện mục tiêu hạ đòn bẩy (deleveraging) và giảm rủi ro cho hệ thống tài chính trong dài hạn.
Ngoài cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc thì Trung Quốc có thể sẽ xem xét giảm lãi suất cho vay tham chiếu kỳ hạn 1 năm trong thời gian tới (hiện ở mức 4,35% ,không thay đổi kể từ tháng 10/2015).
Liệu có thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?
Những khó khăn nêu trên của kinh tế Trung Quốc cũng như sự bất ổn của TTCK Mỹ gần đây với việc các doanh nghiệp Mỹ, điển hình như Apple hạ triển vọng kinh doanh trong năm 2019, cho thấy những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang ngấm dần vào nền kinh tế thực.
Không như các lần áp thuế quan trả đũa lên nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, sự bất ổn của thị trường tài chính cũng như ngày càng có nhiều sự phản hồi từ phía các doanh nghiệp Mỹ đang đặt chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào một vị thế nhiều sức ép hơn so với giai đoạn đầu khởi phát chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Điều này có thể là nhân tố gây sức ép đối với cả Mỹ và Trung Quốc trong việc nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.
Tuy vậy, cuộc họp 2 ngày đang diễn ra ở Bắc Kinh mới chỉ diễn ra ở cấp thứ trưởng (đại diện phía Mỹ chỉ là phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish và David Malpass – thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ) nên sẽ khó có kết quả đột phá.
Nhân vật quan trọng nhất của Mỹ trong đàm phán thương mại là ông Robert Lighthizer không đến Bắc Kinh lần này. Do vậy, kết quả cuộc gặp tại Bắc Kinh sau ngày 8/1 nhiều khả năng sẽ khá hạn chế và chỉ là “bước đệm” để đi đến các cuộc gặp ở cấp cao và chủ chốt hơn khi phó Thủ tướng Lưu Hạc có thể sẽ gặp đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào cuối tháng 1/2019.
“Về tổng thể, chúng tôi nghiêng về khả năng vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 sắp tới, đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ có kết quả rõ ràng hơn và có thể theo hướng tích cực.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng sự tích cực này sẽ ở mức độ vừa phải, tức có khả năng Mỹ sẽ tạm thời chưa tăng mức thuế lên 25% kể từ đầu tháng 3/2019 và sẽ tiếp tục gia hạn thêm một khoảng thời gian để hai bên có thể tiếp tục đàm phán cũng như tạo điều kiện để Trung Quốc có thêm thời gian đáp ứng các yêu cầu của Mỹ liên quan đến các vấn đề rất gai góc như: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận thị trường hay kế hoạch “Made in China 2025″.
Đổi lại, Mỹ có thể có được cam kết mua thêm hàng nông sản (đậu nành) và năng lượng (dầu, khí đốt) của Trung Quốc”, báo cáo của chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Trong một bức tranh tổng thể hơn, năm 2018 đánh dấu thời điểm quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ trạng thái “hợp tác” sang “đối đầu”, trong đó thương mại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sự thay đổi về mặt chiến lược này được dự báo sẽ diễn ra rất phức tạp và còn kéo dài.
Khả năng có thỏa thuận thương mại trước thời điểm ngày 1/3 là cao nhưng về tổng thể, sức ép từ Mỹ lên Trung Quốc sẽ không giảm. Tuy vậy, Mỹ có thể sẽ chuyển dần sức ép từ mặt trận thương mại sang các vấn đề mang tính chọn lọc khác như công nghệ, chính trị, quân sự…
http://biendong.net/doc-bao-viet/25734-tuong-lai-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-co-the-dat-thoa-thuan-nhung-kho-long-ha-nhiet.html

Chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông :

Cô lập Iran

Tú Anh
Trong vòng công du Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chọn thủ đô Ai Cập để công bố bản « Tuyên bố Cairo » khẳng định Washington không có ý đồ thống trị Trung Đông. Thông điệp đọc tại Đại Học Mỹ, Cairo, ngày 10/01/2019, tập trung vào sách lược « hợp tác » với các nước trong khu vực để chống « Hồi giáo cực đoan », kẻ thù « thâm hiểm nhất » của các quốc gia Hồi giáo ôn hoà và cộng đồng Thiên Chúa giáo trong khu vực.
Trong diễn văn đọc tại Đại Học Mỹ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định những nét chính của sách lược Trung Đông đã được tổng thống Donald Trump loan báo vào năm 2017 tại Riyad : liên kết các nước đồng minh của Hoa Kỳ chống lại nước Iran hệ phái Shia, được mô tả là kẻ thù nguy hiểm nhất cho các chế độ ôn hoà và nước Mỹ.
Theo phân tích của Alexandre Buccianti, thông tín viên RFI tại Cairo, tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo có thể xem như sang trang chính sách của tổng thống Barack Obama năm 2009, cũng được tuyên bố từ Cairo.
Từ nay, Washington không nói đến quan hệ với Hồi giáo mà chỉ nhấn mạnh đến sự hợp tác với các quốc gia trong vùng vịnh Ba Tư, Ai Cập và Jordani.
Trong lúc Iran ngày càng tự tin – chế tạo tên lửa, trực tiếp can thiệp với lực lượng vệ binh cách mạng, hoặc qua các cố vấn quân sự, hay các tổ chức Shia võ trang như Hezbollah, Hamas, để bành trướng ảnh hưởng đến tận Liban và Syria -, thì các chế độ đồng minh của Mỹ lại chia rẽ, thậm chí đối nghịch như trường hợp Ả Rập Xê Út và Qatar.
Xây dựng « liên minh NATO tại Trung Đông »
Ngoại trưởng Mỹ phân tích ra sao và đề nghị giải pháp nào ? Theo cựu giám đốc CIA Mike Pompeo, tổng thống Barack Obama, mà ông không nêu đích danh, đã « khuyến khích » chính quyền Iran táo bạo hơn, vì không thấy bản chất « bướng bỉnh và thô bạo của Hồi giáo cực đoan ». Hậu quả là Mỹ bỏ rơi các đồng minh. Một khi Hoa Kỳ rút lui thì hỗn lọan tràn tới.
Theo ngoại trưởng Mike Pompeo, Hoa Kỳ không có tham vọng thống trị Trung Đông nhưng sẽ không rút quân cho đến khi nào cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc. Từ nay, Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân, nhưng « làm khác đi » theo nghĩa dùng ngoại giao và với các đồng minh để « đuổi Iran ra khỏi Syria ». Israel cũng được bảo đảm « duy trì khả năng quân sự » đối đầu với Iran.
Theo AFP, mục tiêu của « Tuyên bố Cairo » và vòng công du của ngoại trưởng Mỹ là nhằm chứng minh Washington có một « học thuyết mới », trong bối cảnh nhiều đồng minh hoang mang bởi hàng loạt quyết định của Donald Trump : bỏ hiệp định hạt nhân với Iran, dời sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem và rút quân khỏi Syria. Học thuyết này  nhắm đến việc thành lập một liên minh chiến lược tại Trung Đông, một hình thức « NATO Ả Rập ».
Để thực hiện mục tiêu này, Washington kỳ vọng vào các đối tác thân thiết nhất. Ngoại trưởng Mike Pompeo một mặt ca ngợi Cairo là đồng minh « vững chắc trong cuộc chiến chống khủng bố », nhưng mặt khác, tự nhận là tín đồ Tin lành phúc âm thuần thành, ông kêu gọi Ai Cập « phát huy nhân quyền, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo » khi gặp tổng thống Ai Cập, khi đi thăm một đền thờ Hồi giáo và một thánh đường của Thiên Chúa giáo thuộc hệ phái Copte. Một tín hiệu trấn an cộng đồng Thiên Chúa, thường xuyên là nạn nhân của khủng bố Hồi giáo, nhân mùa Giáng sinh của hệ phái Copte.
Liệu chiến lược mới của Washington có tác động ra sao ? Rob Malley, nguyên là thành viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời tổng thống Barack Obama, nay là chủ tịch Nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế International Crisis Group, phê phán : Có thể công luận Ả Rập sẽ « lên tinh thần » với thông điệp Cairo, nhưng công luận thế giới sẽ xem đây là « bức tranh tự mãn của chính quyền Trump ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190111-chien-luoc-moi-cua-my-tai-trung-dong-co-lap-iran

Cựu luật sư của Trump sẽ khai chứng trước Quốc hội

Ông Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Donald Trump ngày 10/1 cho biết ông đã đồng ý khai chứng công khai trước một Ủy ban Hạ viện vào ngày 7/2.
Ông Cohen nói trong một tuyên bố là ông đã chấp nhận lời mời của chủ tịch Dân chủ của Ủy ban là dân biểu Elijah Cummings để ra khai chứng công khai trước Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ.
“Tôi đang mong đợi có được cơ hội để làm chứng đầy đủ và khả tín về những sự kiện diễn ra,” ông Cohen nói trong một tuyên bố.
Tháng 12 vừa qua, ông Cohen bị kết án tổng cộng 3 năm tù vì vai trò của ông trong việc trả tiền bịt miệng một phụ nữ nhằm giúp ông Trump trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 và nói dối với Quốc hội về dự án Trump Tower được đề nghị tại Nga.
Ông Cohen, nhân vật thân tín trung thành với ông Trump, đã nhận tội vi phạm tài chánh trong cuộc vận động tranh cử vào tháng 8 năm ngoái và tội khai gian vào tháng 11.
Ủy ban đã công khai lên lịch phiên khai chứng của ông Cohen.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%B1u-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-c%E1%BB%A7a-trump-s%E1%BA%BD-khai-ch%E1%BB%A9ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i/4737926.html

Tổng thống Trump hủy bỏ chuyến đi Davos

Ngày 10/1 Tổng thống Donald Trump hủy bỏ chuyến đi dự trù đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, vào cuối tháng này giữa lúc chính phủ Mỹ đóng cửa. Đây là dấu hiệu cho thấy ông chuẩn bị cho một cuộc đối đầu chính trị kéo dài cho đến cuối tháng 1.
Hiện không rõ việc chính phủ đóng cửa một phần, hiện đang bước sang ngày thứ 20, có chấm dứt trước cuộc họp kinh tế toàn cầu dự trù diễn ra từ ngày 22/1 đến ngày 25/1, hay không. Ông Trump và đảng Dân chủ trong Quốc hội hiện đang tranh chấp về việc tài trợ cho chính phủ và bức tường ông hứa từ lâu dọc theo biên giới Mỹ-Mexico.
“Vì sự không khoan nhượng của đảng Dân chủ về An ninh Biên giới và tầm quan trọng to lớn của sự An toàn Quốc gia chúng ta, tôi hủy bỏ chuyến đi rất quan trọng của tôi đến Davos, Thụy Sĩ, để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới,” ông Trump viết trên Twitter.
Sáng ngày 10/1, Tổng thống nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc là ông có ý định phát biểu tại diễn đàn nhưng sẽ không tham dự nếu việc đóng cửa chính phủ tiếp tục.
Việc hủy bỏ này làm tiêu tan hy vọng về cơ hội gặp các nhà lãnh đạo thế giới khác về các vấn đề kinh tế trong đó có thương mại.
Chính quyền Trump đang có các cuộc thảo luận với Liên hiệp Châu Âu, Trung Quốc cùng các nước khác.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý 90 ngày ngưng chiến trong việc áp đặt thuế quan để đạt đến một thỏa thuận.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự cuộc họp tại Thụy Sĩ, nhưng không rõ có cuộc gặp nào được dự trù giữa ông Vương và ông Trump hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-h%E1%BB%A7y-b%E1%BB%8F-chuy%E1%BA%BFn-%C4%91i-davos/4737916.html

Thủ tướng Canada cũng nhức đầu vì « Áo Vàng »

Sau khi đã lan sang một số quốc gia khác như Bỉ và Bồ Đào Nha, phong trào « Áo Vàng » từ Pháp cũng đã vượt Đại Tây Dương sang tới tận Canada.
Hôm qua, 10/01/2018, khi được hỏi về những lời đe dọa nhắm vào ông trên các diễn đàn của những người « Áo Vàng » Canada, thủ tướng Justin Trudeau đã kêu gọi đồng bào của ông « hãy lắng nghe nhau » và hứa sẽ giải tỏa những mối lo của họ.
Theo hãng tin AFP, đến thăm miền tây Canada từ thứ ba tuần này, ông Trudeau đã nhiều lần đối đầu với những người biểu tình mặc gilet jaune ( áo vàng ), biểu tượng của phong trào phản kháng xã hội đã làm rung chuyển nước Pháp từ hai tháng rưỡi qua.
Trong những ngày qua, nhiều nhóm « Áo Vàng » ở Canada đã được thành lập trên mạng Facebook, có nhóm quy tụ đến hơn 100 ngàn thành viên. Những người « Áo Vàng » này đã có những lời lẽ rất nặng nề nhắm vào thủ tướng Trudaeu, chỉ trích thuế carbon mà chính phủ của ông muốn ban hành hoặc bài bác chính sách của ông bảo vệ tính đa văn hóa của Canada và chính sách nhập cư.
Không những thế, theo ghi nhận của AFP, nhiều thành viên của các nhóm nói trên còn đe dọa có hành động bạo lực đối với thủ tướng Canada, thậm chí dọa giết ông. Cảnh sát liên bang Canada khẳng định với AFP là họ có biết về những chỉ trích nói trên và họ vẫn xem mọi lời đe dọa thủ tướng đều là énghiêm trọngé.
Khi được hỏi về những lời đe dọa nhắm vào ông, thủ tướng Trudeau hôm qua nhắc lại rằng Canada là « một quốc gia mà người dân được khuyến khích phát biểu công khai, bày tỏ chính kiến và nêu lên những mối quan ngại. Đó chính là một trong những sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta ».
Ông Trudeau nói thêm : « Nếu có ai bất đồng với những gì tôi làm, hoặc chất vấn về hành động của chính phủ, tôi muốn lắng nghe họ, trao đổi, thảo luận với họ để tìm phương cách cùng nhau tiến về phía trước »
Thủ tướng Trudeau tuyên bố như trên vào lúc các nhóm « Áo Vàng » Canada đang kêu gọi xuống đường trên toàn quốc trong hai ngày cuối tuần 12 và 13/01, và cũng gọi đây là « acte I » ( hồi một) giống như bên Pháp. Bên Pháp, những người « Áo Vàng » thường đóng đô ở các « rond-point » ( vòng xoay ), để gây cản trở lưu thông. Ở Canada có rất ít rond-point, mà trời tháng Giêng thì rất lạnh, cho nên những người « Áo Vàng » được kêu gọi tập hợp trong các quán cà phê nổi tiếng Tim Hortons ( có đến gần 4.000 quán cà phê Tim Hortons ở Canada ).
Chưa biết « Áo Vàng » Canada sẽ đòi được gì, nhưng trước mắt doanh số các quán cà phê chắc là sẽ tăng vọt !
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190111-thu-tuong-canada-cung-nhuc-dau-vi-%C2%AB-ao-vang-%C2%BB

Bất chấp chỉ trích,

Tổng thống Venezuela bắt đầu nhiệm kỳ mới

Tổng thống Venezuela Maduro ngày 10/1 bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì bất chấp những chỉ trích của Hoa Kỳ và các nước Châu Mỹ Latin gọi ông là kẻ tiếm quyền bất hợp pháp của một quốc gia mà những xáo trộn về kinh tế đã gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Tối cao Pháp viện thân chính phủ của nước này, chiếm chỗ của Quốc hội do phe đối lập điều hành, đã cho ông Maduro tuyên thệ nhậm chức tiếp sau một buổi lễ chào mừng với một giàn nhạc giao hưởng và những người ủng hộ reo mừng vẫy cờ Venezuela.
Buổi lễ đối nghịch với những thực tế khó khăn mà cựu tài xế xe buýt trở thành nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội phải đối mặt trong đó có siêu lạm phát, khan hiếm thực phẩm và thuốc men trầm trọng và cuộc di dư của hàng triệu công dân trốn thoát sự khó khăn.
Ngay trước khi ông đọc xong bài diễn văn nhậm chức, Hoa Kỳ cáo buộc ông “tiếm quyền” và Paraguay loan báo cắt đứt các quan hệ ngoại giao-một biểu tượng của sự cô lập về ngoại giao ngày càng tăng mà ông sẽ đối mặt trong nhiệm kỳ mới.
Sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Maduro nói “Một thế giới mới đã nổi lên từ chối bị kiểm soát bởi đế quốc và các trật tự làm bá chủ của một quốc gia duy nhất hay những nước vệ tinh.”
“Đây là tập họp những tiếng hét của cuộc cách mạng của chúng ta gởi đến người dân và chính phủ của thế giới.”
Các nhà lãnh đạo đối lập xem lễ nhậm chức như là thời điểm mà ông Maduro sẽ được quốc tế gán cho nhãn hiệu là một nhà độc tài tiếp sau việc tẩy chay rộng rãi cuộc bầu cử năm 2018 mà nhiều chính phủ nước ngoài mô tả là một trò hề.
Tuy nhiên, được quân đội, một số phe phái đối lập tiếp tục ủng hộ, và sự đàn áp tàn bạo các chỉ trích đối lập có nghĩa là ông Maduro dường như sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng mới trong nước, bên cạnh những chỉ trích quốc tế.
Lịch trình làm việc đầu tiên của ông Maduro trong nhiệm kỳ 2 là một buổi lễ tại học viện quân sự Venezuela, nói lên tầm quan trọng của lực lượng vũ trang.
Những người ủng hộ, nhiều người là công chức mặc áo thun của các cơ quan nhà nước, tập họp tại trung tâm Caracas để chào mừng Tổng thống trong nhiệm kỳ mới. Một số người nói ông Maduro phải làm nhiều hơn để truy quét người đứng đầu các doanh nghiệp vì đã nâng giá.
Ông Maduro tái đắc cử vào năm ngoái dù lạm phát siêu tốc, khan hiếm thực phẩm kinh niên và kinh tế suy sút trầm trọng. Ông đổ lỗi cho một “cuộc chiến tranh kinh tế” do Hoa Kỳ chỉ đạo và những đối thủ đối lập địa phương tạo nên thống khổ cho đất nước.
Đa số đông đảo phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử năm ngoái vì cho rằng cuộc bầu cử gian lận có lợi cho ông Maduro.
Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Mỹ Latin, các nước châu Âu lên án cuộc bầu cử khiến cho ông Maduro chỉ còn được sự ủng hộ của một số ít đồng minh thuộc các chính phủ cánh tả.
“Đây là lúc Venezuela bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp có thể khôi phục trật tự dân chủ hiến pháp bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng tôn trọng ý chí của người dân Venezuela,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trong một tuyên bố.
Tổng thống Paraguay Mario Abdo nói nước ông đóng cửa tòa đại sứ và rút tất cả các nhà ngoại giao vì điều ông gọi là “phá vỡ trật tự hiến pháp” do lễ tuyên thệ nhậm chức gây ra.
Hầu hết các nước khác dự trù vẫn giữ tòa đại sứ và các quan hệ ngoại giao với Venezuela, theo các nguồn tin được Reuters tham khảo, nhưng hầu hết các quốc gia châu Âu và Châu Mỹ Latin không phái các nhà ngoại giao đến dự lễ tuyên thệ.
Các nhà hoạt động đối lập kêu gọi biểu tình ngày 10/1. Nhà chức trách đối phó bằng cách dựng các trạm kiểm soát trên đường phố và các đội tuần tra võ trang của quân đội.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-venezuela-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-m%E1%BB%9Bi/4737863.html

LHCÂ : Rumani lên làm chủ tịch

vào lúc bị chỉ trích dữ dội

Mai Vân
Ngày 10/01/2019, Rumani chính thức nhậm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong sáu tháng đầu năm. Buổi lễ được tổ chức long trọng ở thủ đô Bucarest trong không khí “lạnh giá”.
Nhiều tiếng nói đã vang lên, bày tỏ thái độ nghi ngờ năng lực của Rumani trong vai trò chủ tịch, vì chính quyền Bucarest đang đi theo con đường không phù hợp với giá trị Châu Âu về nhà nước pháp quyền.
Thông tín viên RFI, Joana Hostein, có mặt tại chỗ, cho biết chi tiết :
“Quả thực là âm nhạc đã không làm dịu được bầu không khí vào tối hôm qua trong dinh Athénée ở thủ đô Rumani. Trong các diễn văn chính thức, bên nào cũng đưa ra những lời chỉ trích của mình.
Về phía Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, một lần nữa như đã “đập bàn” : “Liên Hiệp Châu Âu được tạo nên từ những nhượng bộ lẫn nhau, nhưng liên quan đến nhà nước pháp quyền, đến việc chống tham nhũng, thì không thể có thỏa hiệp”.
Chính quyền Bucarest hiện đang phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích về công cuộc cải cách ngành tư pháp đầy tranh cãi.
Về phía Rumani, Bucarest tố cáo Ủy Ban Châu Âu là muốn can thiệp vào chính sách nội bộ của quốc gia này. Ông Florin Iordache, phó chủ tịch Hạ Viện Rumani, khẳng định : “Cho dù vai trò chủ tịch của chúng tôi là dành ưu tiên cho Châu Âu hơn là quốc gia, nhưng tôi có thể nói một cách hết sức tự tin là chúng tôi sẽ đảm trách vai trò một cách có chủ quyền ! “
Vào lúc không khí bên trong điện Athénée đầy căng thẳng, thì ở bên ngoài, hàng trăm người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Châu Âu, Châu Âu”, đồng thời tố cáo các hành đông bị cho là “bài Châu Âu” của chính quyền.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190111-lhca-rumani-len-lam-chu-tich-luan-phien-vao-luc-bi-chi-trich-du-doi

Nga lên án kế hoạch của Anh

 lập căn cứ quân sự ở nước ngoài

Nga hôm 11/1 lên án các kế hoạch của Anh mở các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và vùng Caribê, và nói rằng Nga sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa nếu lợi ích của họ hoặc của các đồng minh bị đe dọa.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson, nói với nhật báo Sunday Telegraph hồi tháng trước rằng London đang thực hiện kế hoạch xây dựng hai căn cứ mới ở nước ngoài “trong vòng vài năm tới” sau khi rời Liên hiệp châu Âu.
Ông Williamson không nói cụ thể nơi các căn cứ có thể được xây dựng, nhưng tờ nhật báo cho biết các lựa chọn bao gồm Singapore hoặc Brunei gần Biển Đông, và Montserrat hoặc Guyana ở Caribê.
Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, hôm 11/1 gọi những phát biểu của ông Williamson là “gây bất lợi” và cảnh báo rằng những kế hoạch như vậy có thể gây bất ổn đối với quan hệ quốc tế.
“Tất nhiên, Anh cũng như bất kỳ quốc gia nào là một nước độc lập nếu nói về kế hoạch xây dựng quân sự của họ. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng quân sự và chính trị đang gia tăng trên toàn thế giới … những tuyên bố về mong muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước thứ ba là phản tác dụng, gây bất ổn và có thể mang tính chất khiêu khích”, bà Zakharova nói.
“Trong trường hợp có bất cứ biện pháp nào đe dọa đến an ninh của Nga hoặc của các đồng minh, Nga có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa thích hợp”, bà nói thêm.
Nga có căn cứ quân sự ở một số quốc gia trên khắp Liên Xô cũ và vận hành các cơ sở quân sự ở Syria. Họ cũng đã nói đến việc mở lại các căn cứ thời Liên Xô ở Cuba và Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-len-an-ke-hoach-cua-anh-lap-can-cu-quan-su-o-nuoc-ngoai/4738960.html

Thủ tướng Đức tới Hy Lạp

bàn về khủng hoảng tị nạn

Trọng Thành
Cuộc khủng hoảng tị nạn tiếp tục là vấn đề gây mâu thuẫn lớn tại châu Âu và là một trong những chủ đề chính trong chuyến công du Hy Lạp của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10/01/2019. Đây là lần đầu tiên bà Merkel tới Hy Lạp kể từ khi ông Alexis Tsipras nhậm chức thủ tướng năm 2015.
Trong chuyến công du này, thủ tướng Đức cũng hoan nghênh việc Hy Lạp công nhận tên gọi mới của Cộng Hòa Bắc Macedonia – một thành viên của Liên Bang Nam Tư cũ – chấm dứt bất đồng 30 năm nay, cho phép Cộng Hòa Bắc Macedonia đàm phán gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Từ Athens, thông tín viênCharlotte Stiévenard tường trình:
« Alexis Tsipras ôm hôn lãnh đạo Đức Angela Merkel trước phủ thủ tướng Hy Lạp ở thủ đô Athens. Sau hai giờ thảo luận riêng, hai thủ tướng trở lại phát biểu trước công chúng về cuộc khủng hoảng nhập cư. Đối với thủ tướng Đức, còn nhiều việc phải làm : ‘‘Thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại nhiều kết quả, nhưng không đủ. Hôm nay, chúng tôi muốn nói đến vấn đề này, đặc biệt liên quan đến việc những người tị nạn buộc phải rời khỏi Hy Lạp’’.
Thỏa thuận Liên Âu – Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đưa người tị nạn Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trên thực tế, thỏa thuận này đã không được thực thi. Rất nhiều người tị nạn đang phải sống chen chúc trong một số trại tại các đảo của Hy Lạp trên biển Agean, nhiều khi không bảo đảm điều kiện vệ sinh.
Trong lúc các thương thuyết về quy chế mang tên Dublin – tức quy chế chia sẻ gánh nặng đón tiếp người xin tị nạn tại châu Âu – bế tắc, thủ tướng Hy Lạp chỉ trích các quốc gia gây ra tình trạng này. Ông nói : ‘‘Có các nước cho rằng nguyên tắc đoàn kết được áp dụng tùy theo tình huống. Họ muốn đoàn kết trong vấn đề trợ giúp kinh tế, thông qua các quỹ tương trợ, thế nhưng về một chủ đề quan trọng như khủng hoảng tị nạn, thì nguyên tắc đoàn kết lại không tồn tại nữa’’. Chỉ trích của thủ tướng Hy Lạp trên thực tế nhắm vào ‘‘nhóm Visegrad’’, bao gồm bốn quốc gia Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Slovakia, với lập trường từ chối tiếp nhận người tị nạn ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190111-thu-tuong-duc-toi-hy-lap-ban-ve-khung-hoang-ti-nan

Tổng giám đốc Renault

 bị tư pháp Nhật truy tố thêm hai tội

Trọng Thành
Ngày 11/01/2019, tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp Renault, cựu lãnh đạo tập đoàn Nhật Nissan, bị truy tố thêm hai tội danh mới. Với hai tội danh này, ông Carlos Ghosn có thể bị phạt tù tới 15 năm. Cũng hôm nay, các luật sư của ông Ghosn đệ đơn xin tòa cho bị cáo được bảo lãnh để tại ngoại hầu tra. Tuy nhiên, với hai quyết định truy tố mới, rất ít khả năng Carlos Ghosn được rời khỏi nhà tù.
Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :
« Carlos Ghosn bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm nghiêm trọng, với việc chuyển vào tài khoản của Nissan khoản tiền âm 15 triệu euro, thiệt hại do các đầu tư cá nhân của ông vào chứng khoán, với sự hỗ trợ của một người bạn tỉ phú Ả Rập Xê Út.
Ông chủ Renault cũng bị truy tố về tội không khai báo một phần thu nhập trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2018, trong báo cáo hàng năm mà Nissan đệ nạp lên cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản. Tập đoàn Nissan, với tư cách là một pháp nhân, cũng bị truy tố.
Carlos Ghosn cũng lần đầu tiên bị truy tố vì tội không khai báo toàn bộ thu nhập trong khoảng thời gian 2010-2015. Cánh tay phải của ông, Greg Kelly, được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại, đã bị truy tố lần thứ hai vì tội giúp ông chủ của mình khai báo thu nhập ít hơn, trong ba năm gần đây.
Việc công tố viên Tokyo chưa đưa ra lệnh bắt giam thứ tư đối với ông Carlos Ghosn để ngỏ khả năng tổng giám đốc Renault có thể được phép bảo lãnh để tại ngoại. Tuy nhiên, trên thực tế, các thẩm phán Nhật hiếm khi nào chấp nhận thả các bị cáo bác bỏ các cáo buộc.
Báo chí Nhật tiếp tục tung ra các thông tin bất lợi cho cựu lãnh đạo Nissan, về việc ông Ghosn nộp thuế tại Hà Lan, về các quà biếu cho những người quen biết tại Liban hay Oman, với tổng giá trị 40 triệu euro, lấy từ ngân quỹ của Nissan ».
Theo AFP, hãng xe hơi Pháp Renault hôm qua, 10/01/2019, thông báo về một số kết quả ban đầu của cuộc điều tra nội bộ về vấn đề trả lương cho các lãnh đạo công ty, trong đó có tổng giám đốc Carlos Ghosn. Theo Renault, việc trả lương riêng trong hai năm 2017 – 2018 là hoàn toàn hợp lệ. Hãng xe hơi Pháp tiếp tục điều tra về các năm trước.
Đọ sức giữa luật sư của Ghosn và « Ông thanh liêm »
Trong vụ án tổng giám đốc Renault, báo chí Pháp cũng chú ý đến cuộc đọ sức về pháp lý giữa luật sư Motonari Otsuru của ông Carlos Ghosn với các nhà điều tra, đứng đầu là ông Hiroshi Morimoto, lãnh đạo lực lượng thanh tra đặc biệt của viện ông tố Tokyo, nhân vật được dân Nhật mệnh danh là « Ông thanh liêm ». Hơn 10 năm về trước, luật sư Motonari Otsuru từng phụ trách chính cơ quan thanh tra này, và là thủ trưởng của Hiroshi Morimoto.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190111-tong-giam-doc-renault-bi-tu-phap-nhat-truy-to-them-hai-toi-moi

Pháp- Nhật tăng cường hợp tác quân sự

tại Thái Bình Dương

Tú Anh
Bốn vị bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Pháp-Nhật gặp nhau 11/01/2019 tại Brest, căn cứ hải quân Pháp ở tây-bắc. Mục đích cuộc họp 2+2 này nhằm « thúc đẩy » dự án đối tác quân sự đã được khởi động cách nay 5 năm.
Tham dự hội nghị 2+2 tại Brest gồm ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Phía Pháp có ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly.
Theo Reuters, cuộc trao đổi Pháp-Nhật được tổ chức theo công thức ngoại giao-quốc phòng mà Paris chỉ có với một nước bạn quan trọng ở vùng Ấn-Độ Thái Bình Dương, được thiết lập từ năm 2014 nhằm đáp ứng hai nhu cầu. Thứ nhất, Tokyo muốn khẳng định vai trò của Nhật trên trường quốc tế, tham gia các chiến dịch bảo vệ hoà bình, chống khủng bố và tìm kiếm sự hỗ trợ trước mối đe dọa bành trướng của Trung Quốc.
Thứ hai, là Paris có lợi ích trong việc tham gia hoạt động và có tiếng nói trong khu vực chín triệu cây số vuông, trải dài từ Ấn Độ Dương đến tận Thái Bình Dương, nơi mà tự do hàng hải đang bị tham vọng của Bắc Kinh đe dọa.
Tập trận vào mùa xuân
Với căn cứ Nouméa ở đảo Nouvelle – Calédonie, chiến hạm Pháp có thể nhanh chóng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tháng 2/2018, tuần dương hạm Vendémiaire, bằng thủy lộ này, tập trận với hải quân Nhật và sẽ trở lại Hoa Đông vào tháng 4/2019. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên hàng không mẫu hạm hạt nhân Charles de Gaulle sẽ được tái bố trí ở Ấn Độ Dương và sẽ tập trận với các chiến hạm Nhật tại « phía đông Ấn Độ Dương » theo thuật ngữ ngoại giao của bộ Quân Lực Pháp. Nhưng ngoài an ninh quốc phòng, còn có vế thứ hai là hợp tác chế tạo vũ khí.
Theo một nguồn tin ngoại giao Nhật, Tokyo muốn cùng Paris ghi dấu một bước tiến cụ thể hơn trong cuộc họp 2+2 tại Brest : đó là tiến hành chế tạo tiềm thủy đỉnh tự hành chống thủy lôi do Thalès và Mitsubishi Heavy Industies thực hiện.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190111-phap-nhat-tang-cuong-hop-tac-quan-su-tai-thai-binh-duong

Phố Thiên Đường “không rác” ở Paris

Thu Hằng
Cứ mỗi giây lại có thêm 35 kg rác thải ở Paris. Như vậy, gần 2,2 triệu người dân thủ đô của Pháp thải ra mỗi ngày 3.000 tấn và mỗi năm khoảng 1,1 triệu tấn. Giảm khối lượng rác thải là một trong số mục tiêu của Kế hoạch Khí hậu Paris (Plan Climat Paris) mà thành phố muốn triển khai trên diện rộng để mọi công dân, mọi cơ quan, ngành nghề đều có thể tham gia, bắt đầu từ những hoạt động đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Vào tháng 12/2018, lần đầu tiên « Tuyến phố không rác » (Zéro déchets) được thí điểm ở phố Thiên Đường (Rue de Paradis, quận 10) nhộn nhịp, nằm giữa khu phố sầm uất gần nhà ga phía Đông (gare de l’Est), và thể hiện rõ sự đa dạng của Paris. Con phố dài 500 mét không sạch bong như tên gọi « không rác », vẫn còn đầu mẩu thuốc lá, vết kẹo cao su trên vỉa hè, nhưng mục tiêu của dự án là cùng giảm khối lượng rác thải, 10% trong năm 2019, của khoảng 6.000 người sống và làm việc ở phố Thiên Đường.
Bà Léa Vasa, trợ lý thị trưởng quận 10 Paris, giải thích trên đài phát thanh Europe 1 (06/12/2018) về dự án cùng giảm rác thải :
« Những người tình nguyện ( vì chúng tôi không ép ai cả ), sẽ được hội Zero Waste Paris hỗ trợ, tùy theo hoàn cảnh của họ, vì rác thải có nhiều loại khác nhau, như rác thải từ các nhà hàng, hộ dân… Chúng tôi sẽ đồng hành với họ.
Đầu tiên, chúng tôi cung cấp nhiều thông tin nhất có thể, sau đó cùng họ chọn những việc nho nhỏ, dễ làm và giúp thực sự giảm được khối lượng rác mà người ta thải ra. Chúng tôi sẽ tiến từng bước trong suốt năm nay. Ngay khi gặp một trở ngại, chúng tôi sẽ áp dụng những giải pháp, hoặc đã tồn tại, hoặc mời các nhà sáng tạo muốn thử nghiệm giải pháp của họ, hoặc tạo ra những ý tưởng mới».
« Thiên Đường không rác» : Tiểu thương ủng hộ từ ngày đầu
Quán cà phê San Jose - « 1 euro, rẻ nhất Paris » - của ông Patrice Pages, luôn tấp nập khách ra vào. Vừa luôn tay pha cà phê tại chỗ, vừa đóng gói cà phê rang xay cho khách mang về, ông Pages giải thích với RFI tiếng Việt :
« Phố Thiên Đường được chọn vì ở đây có nhiều trường học, nhà hàng, hộ dân cư và văn phòng. Chương trình vừa mới bắt đầu. Hiện tại, chưa có ai ở thành phố Paris đến làm việc với cửa hàng tôi, mà chỉ có hiệp hội Zero Waste Paris đến dán logo tham gia chương trình, ghi vào danh mục các cửa hàng tham gia trên website để người dân trong khu phố biết rằng họ có thể mua cà phê và đựng trong cốc mà họ mang đến.
Nhưng như tôi giải thích với hiệp hội Zero Waste Paris, từ 10-12 năm nay, khi bắt đầu bán lẻ cà phê, tôi đã có rất nhiều khách hàng mang cốc riêng đến mua để tránh sử dụng cốc dùng một lần. Còn nếu uống tại chỗ, chúng tôi có tách sứ. Nhưng khi họ đến mua cà phê mang về văn phòng, họ thường mang cốc đến, với trà cũng như vậy ».
Vẫn theo ông Pages, từ lâu, người dân sống xung quanh cửa hàng của ông đã ý thức được về việc giảm rác thải. Để khẳng định điều mình nói, ông mở cổng chính dẫn vào tòa nhà đối diện quán cà phê. Sau dãy hành lang dài là một khu sân chung và trong góc sân là một bình ủ phân hữu cơ lớn, đầy vỏ rau củ.
Việc biến rác hữu cơ thành phân bón đã được thành phố Paris triển khai từ khá lâu. Tính đến giữa năm 2018, thành phố Paris đã tặng khoảng 500 bình ủ phân hữu cơ cho người dân. Bà Léa Vasa giải thích :
« Một phần tư thùng rác là chất thải hữu cơ và chúng ta có thể dễ dàng biến chúng thành phân bón ngay trong nhà hoặc dưới sân chung của khu nhà. Ngoài thiết bị làm phân bón có thể làm tại nhà, chúng tôi cũng rất muốn thử hệ thống tái chế rác thực vật cho cả khu phố.
Ngoài ra, trong một thùng rác ở Paris, trung bình một nửa là bao bì mà chúng ta có thể tránh được. Ví dụ, như vỏ chai dầu gội đầu, chúng ta có thể thay thế bằng xà phòng Marseilles chẳng hạn, hoặc tự chế ra sản phẩm tẩy rửa trong nhà. Đối với vỏ bọc sản phẩm chia thành phần nhỏ, hoặc đồ sử dụng một lần như cốc uống ở các nhà hàng, các tiểu thương hoàn toàn có thể thay đổi cách làm ».
Phương pháp này được ông Abdoulaye, chủ nhà hàng Le Tricycle, nhiệt tình ủng hộ từ khi dự án được khởi động :
« Gần đây thành phố Paris khuyến khích người dân tự mang hộp cơm rỗng, dao dĩa hoặc mang túi đến mua đồ. Điều này giúp chúng tôi tránh được vấn đề bao bì gây rác thải. Dù đó là bao bì bằng giấy, bìa tái chế, chúng tôi đều tìm cách tránh tối đa. Với đồ ăn mua mang đi, chúng tôi cố để chung nhiều món trong cùng một hộp, thay vì mỗi một món trong một hộp riêng, nhằm sử dụng ít bao bì nhất có thể.
Ví dụ trong tương lai, nếu nhiều người mang hộp rỗng đến, tôi chắc chắn là có thể giảm được rất nhiều rác. Chúng tôi áp dụng chương trình này cách đây chưa lâu, khoảng một tháng, đã có nhiều người chú ý mang hộp rỗng đến, nhưng đúng là vẫn còn nhiều việc phải làm ».
Tầng hai nhỏ nhắn được dành cho khách hàng ăn tại chỗ. Ở nhà hàng Le Tricycle, không có bàn kê riêng, khách ngồi chung bàn và chia nhau bình nước uống. Đồ ăn được phục vụ trong bát gỗ, đồ uống trong cốc thủy tinh, không ống hút và giấy ăn làm từ giấy tái chế. Ngoài món ăn sẵn mang đi, khách hàng còn có thể mua rau củ quả được bày bán ngay trong các kiện gỗ trước cửa hàng, cùng với dòng lưu ý : « Mang túi của bạn tới ».
Mục tiêu giảm ít nhất 10% khối lượng rác
Giảm lượng rác ngay từ gốc là mục tiêu chính mà thành phố Paris đề ra, vì cho dù bằng hình thức đốt hoặc tái chế, cả hai phương pháp đều tạo ra khí thải gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Để người dân thấy được nỗ lực của mình, chính quyền quận 10 sẽ thường xuyên cân rác thải từ các xe thu gom trên toàn tuyến phố. Mỗi hộ gia đình còn có thể nhận được cân riêng để tự theo dõi và so sánh từng thời điểm khối lượng rác mà họ thải ra. Bà Alexandra Cordebard, thị trưởng quận 10, tỏ ra khá tin vào sự tích cực của người dân, vì theo bà, « người Paris đang đi tìm giải pháp để giảm rác thải ».
Hàng trăm chiếc gạt tàn bỏ túi sẽ được tặng cho những nhân viên hút thuốc lá làm việc trong phố để ngăn tình trạng đầu mẩu thuốc lá vẫn bị vất bừa bãi trên vỉa hè. Khoảng 26.000 đầu lọc thuốc lá được thu lượm chỉ trong vòng một ngày, vào tháng 06/2018, ở bên bờ kênh Saint-Martin là ví dụ mới nhất cho thấy thói quen xấu này của người Paris.
Ngoài đào tạo cho người dân trong khu phố về « Không rác thải » và phân loại rác, hội Zero Waste Paris, đơn vị phối hợp với thành phố Paris, sẽ tổ chức nhiều lớp học « tự làm » (do it yourself), như tự chế biến mỹ phẩm hoặc sản phẩm tẩy rửa, dạy nấu ăn từ thức ăn thừa, tự làm vải bọc tẩm sáp ong để thay giấy bạc bọc đồ ăn, dùng bình đựng nước thay vì uống nước đóng chai, sửa đồ thay vì vất bỏ hoặc mua mới…
Giảm 10% khối lượng rác cũng là mục tiêu đề ra cho cả thành phố Paris trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020. Trong trường hợp thành công, kinh nghiệm từ phố Thiên Đường sẽ được nhân rộng ra nhiều quận khác của thủ đô, theo giải thích của bà Léa Vasa, trợ lý thị trưởng quận 10.
« Ý tưởng của chúng tôi là rút ra kinh nghiệm từ trải nghiệm này và từ từ phổ biến những gì mà chúng tôi đã thu lượm được, tiến hành những thử nghiệm mới và nếu cho kết quả tốt, chúng tôi sẽ nhân rộng hơn. Dù sao thì mục tiêu của chúng tôi là đi xa nhất có thể được và ở khắp nơi.
Chúng tôi biết rõ thách thức trước mắt. Nếu tất cả mọi người tiêu thụ như người Pháp thì chúng ta cần đến ba hành tinh tài nguyên. Kể từ ngày 02/08, nhân loại tiêu lạm vào nguồn tài nguyên mà thế giới có thể tái tạo. Vì vậy, chúng ta phải xem lại sâu sắc cách tiêu thụ và sản xuất của mình. Cho nên chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm thu được trong lần thử nghiệm này ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190111-pho-thien-duong-khong-rac-o-paris

Ba Lan bắt một quan chức Huawei người TQ

vì ‘tình nghi gián điệp’

An ninh Ba Lan bắt một quan chức đại diện tập đoàn Huawei ở nước này vì ‘nghi vấn gián điệp’, theo truyền thông châu Âu sáng hôm 11/01/2019.
Một cựu nhân viên của chính Cục An ninh Quốc gia (ABW) là người Ba Lan cũng bị bắt trong cùng vụ việc.
Tin này được Phó Giám đốc Cục An ninh ABW, Maciej Wasik xác nhận với báo chí.
Theo Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan (TVP), người Trung Quốc bị bắt là Weijing W., giám đốc một bộ phận của tập đoàn Huawei tại Ba Lan.
Người Ba Lan bị bắt là Piotr D. cựu nhân viên an ninh cao cấp và hiện đang làm việc trong ngành viễn thông.
Đài TVP đưa tin “Piotr D” rời ABW sau khi có cáo buộc tham nhũng, nhưng ông ta chưa bao giờ bị truy tố.
Bộ Nội vụ Ba Lan cho hay hai người này bị bắt hôm 8/1 và đã bị tòa ra lệnh tạm giam ba tháng chờ điều tra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng họ “hết sức lo ngại” về vụ bắt người này.
TVP đưa tin Cục An ninh Quốc gia khám văn phòng Huawei ở Ba Lan, cũng như văn phòng của Orange Polska nơi ông “Piotr D” được cho là đang làm việc.
Có tên là Stanislaw
Đài báo Ba Lan trong ngày 11/01 liên tiếp đăng bài về vụ ‘bắt gián điệp’.
Theo các thông tin đã đăng tải đó, ông Weijing W. có họ là Wu, và dùng tên Ba Lan là Stanislaw.
Được biết ông học ngành ngôn ngữ Ba Lan ở Bắc Kinh và nói thạo tiếng này, và từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk cho đến 2011.
Còn ông Piotr D. từng làm trong Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan ở Warsaw.
Cả hai ông Stanislaw Weijing Wu, và Piotr D. đều không nhận tội khi bị bắt.
Công tố viên Ba Lan nêu cáo buộc họ “cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc” và có hành vi “chống lại nước Cộng hòa Ba Lan”.
Nếu bị kết án, họ có thể nhận 10 năm tù giam.
Trong một thông cáo, Huawei nói hãng “tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định ở các quốc gia mà hãng hoạt động, và chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên tuân thủ luật lệ và quy định ở những nước họ làm việc.”
Hãng dịch vụ viễn thông Orange nói trong một thông cáo rằng an ninh Ba Lan đã thu thập thông tin có liên quan đến một nhân viên, nhưng hãng không rõ liệu cuộc điều tra có liên quan tới công việc chuyên môn của nhân viên đó hay không.
Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan, nói với BBC rằng nhà riêng của cả hai người đàn ông đều đã bị lục soát trong cuộc điều tra.
Năm ngoái, Orange Polska cộng tác với Huawei để triển khai mạng mobile 5G ở Ba Lan.
New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của họ.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng Huawei để do thám các quốc gia đối thủ.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc hãng này có liên hệ bí mật với chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái vì cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.
Tin mới nhận nói CH Czech cũng vừa ra lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei và một số nhà bình luận tại Ba Lan viết trên báo chí nước này về nhu cầu “làm tương tự”, sau vụ “bắt gián điệp” tuần này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46837637

Ba Lan bị phản đối vì ra lệnh giết 210.000 heo rừng

Cựu tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski phê phán chính phủ cánh hữu đương quyền về quyết định giết hết 210.000 heo rừng ‘để phòng chống virus’.
Ông Komorowski lên tiếng hôm 9/1/2019 sau khi đã có nhiều văn nghệ sỹ, nhà hoạt động môi trường tham gia chiến dịch chống quyết định ‘diệt chủng’ toàn bộ loài lợn rừng ở Ba Lan.
Người biểu tình trước Quốc hội Ba Lan ở Warsaw tối 9/1 đã mang theo các biểu ngữ đòi bộ trưởng môi trường từ chức.
Loại pho mai tuyệt vời của Ba Lan
Vì sao Tổng thống Ba Lan thăm VN?
Ba Lan hạ lương hưu hàng nghìn công an CS
Bộ Môi trường nước này gây ngạc nhiên khi ban ra lệnh cho các hội săn bắn vào rừng giết chết heo rừng, bắt đầu từ ngày 12/1.
Dự tính đến cuối tháng 2 toàn bộ 210 nghìn heo rừng Ba Lan sẽ bị giết.
Cho đến nay, có tin một số hội săn bắn đã vào rừng giết heo rừng, cả những con đang có mang, hoặc heo con.
Chính quyền nói việc giết loài heo rừng ở Ba Lan có mục tiêu ngăn không cho virus lây lan.
Tuy nhiên, những ngườn phản đối chỉ ra rằng việc giết heo rừng không liên quan gì đến bệnh dịch ở các đàn heo nuôi trong trang trại.
Như một tờ báo Ba Lan viết, “hai loài heo không thể gặp nhau để truyền bệnh”.
Tổ chức bảo vệ các loài tự nhiên WWF Polska phản đối việc này, và cho rằng chính cách cho thợ săn vào rừng săn bắn heo rừng mới là cách truyền virus cúm heo châu Phi (African swine fever – ASF).
Ông Piotr Chmielewski từ WWF Polska được trích lời trên National Geographic Polska nói:
Hàng triệu cây bị chặt ra sao trên thế giới?
Cảnh sát Ba Lan mang quan tài đi biểu tình
Ba Lan: Cháy ‘escape room’ 5 em gái chết ngạt
“Chính giầy, ủng, quần áo, dụng cụ của thợ săn sẽ mang virus từ rừng ra môi trường của con người.”
Báo Ba Lan cũng nhắc rằng tại Bỉ, khi có dịch virus ASF, chính quyền đã cấm dân chúng vào rừng săn bắn.
Còn trang báo Anh, tờ Telegraph thì có bài nói kế hoạch của Ba Lan nhằm giết hết heo rừng và thưởng tiền (180 USD) cho một heo mẹ bị bắn chết, là chuyện “kinh dị”.
Tờ báo cũng nói Ba Lan không thể nào ngăn được heo rừng di chuyển từ Ba Lan qua biên giới sang các nước khác, và dịch bệnh vẫn có thể lan truyền.
Giết chóc phi đạo đức
Ông Komorowski, Tổng thống Ba Lan từ 2010 đến 2015, bản thân là người yêu thích săn bắn.
Nhưng nay ông nói với trang Wirtualna Polska rằng việc giết đồng loạt cả một loài thú rừng như quyết định của chính phủ hiện hành là “quá mức”.
Vị cựu tổng thống cũng nói theo cách nhìn của ông thì yêu cầu các hội săn bắn đi giết thú rừng như vậy là “trái đạo đức”.
Săn bắn, ông nói, là cách để con người “tiếp xúc với thiên nhiên, còn săn bắn không có đạo đức thì chỉ là giết chóc”.
Hồi năm 2017, chính phủ Ba Lan cũng đột nhiên ra luật nới lỏng chính sách bảo vệ cây và gây ra tình trạng đốn gỗ vô tội vạ.
Luật Szyszko – theo tên họ của Bộ trưởng Jan Szyszko – cho phép chủ đất đốn bất cứ cây nào trên đất của họ, kể cả cây có 2000 tuổi.
Điều này khiến ở Ba Lan nổ ra phong trào bảo vệ cây nhưng cuộc đấu tranh của họ cũng chỉ phần nào giảm đi nạn chặt đốn cây xanh.
Từ 2015, chính phủ Ba Lan do Đảng cánh hữu Pháp luật và Công lý (PiS) nắm và họ đã ra nhiều chính sách hạn chế tự do báo chí, sa thải thẩm phán, gây ra phản đối ở trong nước và chỉ trích từ EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46825930

Đức: Đình công, hơn 600 chuyến bay bị hủy

Ngày 10/1, hơn 640 chuyến bay tại Đức bị hủy bỏ vì các nhân viên an ninh tại các phi trường Duesseldorf, Cologne và Stuttgart đình công trong nỗ lực gây sức ép lên ban quản lý trong những cuộc thảo luận về lương bổng.
Trong tổng số 1.054 chuyến bay, có 643 chuyến bị hủy, các phi trường cho biết và nói thêm là nhiều hành khách sẽ bị ảnh hưởng vì sẽ có tắc nghẽn tại các điểm kiểm soát an ninh. Trung bình có khoảng 115.000 hành khách ra vào phi trường mỗi ngày.
Công đoàn khu vực công Verdi cho biết hiện đang thương thuyết nhân danh cho 23.000 nhân viên an ninh tại Đức. Những cuộc thảo luận về lương bổng sẽ tái tục vào ngày 23/1, công đoàn nói. Công đoàn yêu cầu tăng lương lên 20 euro (23,05 đô la) một giờ trước thuế.
Hôm 7/1, đình công tại phi trường Schoenefeld và Tegel ở Berlin đã làm cho một số chuyến bay bị hoãn hay hủy bỏ.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-%C4%91%C3%ACnh-c%C3%B4ng-h%C6%A1n-600-chuy%E1%BA%BFn-bay-b%E1%BB%8B-h%E1%BB%A7y-/4738342.html

Iran có truyền thống đấu vật

nhưng nay chuộng đá bóng

Iran là quốc gia có truyền thống đi đấu vật và đua ngựa nhưng người dân nay chuộng đá bóng và môn thể hình.
Tuyển quốc gia Iran từng bốn lần vô địch giải bóng đá Asian Championship vào các năm 1968, 1974, 1976 và 2002.
Tổng thống Croatia yêu bóng đá hay muốn ghi điểm?
Bóng đá, tuổi trẻ và lòng yêu nước VN
Giao duyên Mỹ-Việt từng nhờ bóng đá
AFF Suzuki Cup: Việt Nam 2-1 Myanmar
Truyền thống vật
Với dân số 80 triệu và có cả cộng đồng nói tiếng Ba Tư (Persian) vài triệu nằm ngoài lãnh thổ, Iran là dân tộc có tham vọng cường quốc khu vực.
Về chính trị, Iran được xếp vào vùng Trung Đông nhưng về địa lý thì thuộc Tây Á, và chia sẻ di sản đấu vật, đua ngựa trên thảo nguyên với các dân tộc Trung Á.
Môn vật cổ xưa, còn gọi là ‘vật hoàng gia’ (koshti pahlavani), vẫn được thi đấu trên cả nước, trong các lễ hội.
Nhưng đấu vật theo kiểu hiện đại (freestyle) đã tiếp nối truyền thống đó và giúp Iran có đội tuyển quốc gia mạnh.
Lần đầu tiên Iran đoạt huy chương vàng môn vật ở Olympics ở Melbourne năm 1956, và gần đây nhất là tại Rio de Janero 2016.
Môn vật còn đem lại cho Iran các giải nhất quốc tế (World Championship) liên tục từ nhiều thập niên qua.
Đẩy tạ và luyện thể hình cũng là thể thao phổ biến trong nam giới ở Iran.
Đặc biệt, môn bodybuilding hiện đại cũng lấy cảm hứng từ các thể thức luyện cơ thể và võ thuật cổ truyền, đôi khi còn để phục vụ lễ hội tôn giáo.
Bóng đá trên hết
Trong thế kỷ 20 các môn thể thao Phương Tây du nhập vào Iran mà nổi bật nhất có bóng đá và rugby.
Từ năm 1934, Iran đã đưa thể dục vào trường học và đội Iran dự Olympic lần đầu năm Games in 1948.
Bóng đá Iran từng có thành tích cao, bốn lần vô địch châu Á và tham gia World Cup lần đầu năm 1978.
Nhưng Cách mạng Hồi giáo 1979 đã tạo ra bước lùi cho bóng đá.
Sau ba lần vô địch châu Á trước 1979, phải đến 2002 tuyển Iran mới giành lại vinh dự đó.
Một số lãnh đạo Iran coi sân vận động là nơi tụ họp đông người cạnh tranh với giáo đường đạo Hồi.
Phụ nữ trong nhiều năm bị cấm vào sân xem bóng đá và gần đây được vào nhưng phải ngồi ở khu riêng.
Trong năm 2018, sự kiện một số cô gái Iran vào khán đài xem bóng đá, trận Iran – Tây Ban Nha, và chụp selfie rồi đăng lên mạng xã hội đã gây chấn động dư luận.
Ngoài các cầu thủ đá trong nước, Iran có một số gương mặt thi đấu ở nước ngoài, đông nhất là ở Đức.
Trong số họ nổi tiếng hơn cả có Vahid Hashemian, Ali Karimi và Mehdi Mahdavikia.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-46835947

Nhật Bản mua hẳn một hòn đảo để tập trận với Mỹ

Nhật Bản dự định chi tiền mua một hòn đảo không người ở để tập trận với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ.
Tờ Yomiuri đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định chi khoảng 16 tỷ yên (hơn 147 triệu USD) để mua hòn đảo Mage thuộc tỉnh Kagoshima để dành cho tập trận có sự góp mặt của tàu sân bay quân đội Mỹ.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết hòn đảo Mage nằm cách căn cứ Không quân Iwakuni của Mỹ 400 km. Căn cứ Iwakuni là nơi triển khai 60 chiến đấu cơ hoạt động được trên tàu sân bay.
Đảo Mage thuộc về một công ty tư nhân tại Tokyo. Trước khi hết tháng 3 này, hòn đảo Mage sẽ được chuyển giao cho quân đội Nhật Bản. Trong vài ngày tới, hai phía sẽ ký thỏa thuận sơ bộ.
Trong quá trình cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay, các chiến đấu cơ thường tạo ra nhiều âm thanh lớn, đây là điều khiến người dân Nhật Bản nhiều lần phản đối. Do vậy, cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản đã được chuyển đến hòn đảo Iwo Jima xa xôi, cách Tokyo hơn 1.200 km.
http://biendong.net/diem-tin/25754-nhat-ban-mua-han-mot-hon-dao-de-tap-tran-voi-my.html

Điểm bất bình thường trong phát ngôn

của Lục Khảng về hoạt động chấp pháp

nghề cá của TQ trên Biển Đông

Phát ngôn của Lục Khảng về chấp pháp nghề cá của Trung Quốc bất bình thường vì lực lượng hải cảnh của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, không thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc. Chính tàu hải cảnh của Trung Quốc mới là lực lượng xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam.
Ngày 03/01/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng có buổi họp báo thường lệ. Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động chấp pháp nghề cá của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2018, Lục Khảng cho rằng các quốc gia láng giềng trên thế giới có tranh chấp về nghề cá là việc “bình thường” và tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần xua đuổi, tấn công tàu cá của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa cũng là điều “bình thường”. Cái cớ mà Lục Khảng đưa ra để biện hộ cho hành xử ngang ngược của lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là thi hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” để nuôi dưỡng, phát triển nghề cá hải dương.
Thoạt nghe, câu trả lời của Lục Khảng có vẻ bình thường, nhưng đào sâu một chút sẽ thấy rất bất tình thường vì một số lý do.
Thứ nhất, tàu hải cảnh của Trung Quốc chẳng có danh nghĩa và cơ sở pháp lý gì để hoạt động ở Hoàng Sa vì Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng biển xung quanh Hoàng Sa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam. Các chứng cứ lịch sử đều cho thấy rõ điều này.
Một là, Hoàng Sa được nêu trong các bản đồ đáng tin cậy của Việt Nam và các nhà truyền giáo và hàng hải phương Tây, trong khi các bản đồ của Trung Quốc và các nước phương Tây chỉ thể hiện cực nam của lãnh thổ Trung Quốc giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam. Các tài liệu chính thống của Việt Nam (như bộ Hồng Đức bản đồ năm 1469, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư năm 1686 mô tả Hoàng Sa là “Bãi cát vàng”, nhà Nguyễn có Đại Nam nhất thống toàn đồ,…) khẳng định rõ Hoàng Sa là của Việt Nam. Các tài liệu của phương Tây (như Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam, Hà Lan năm 1606, bản đồ do Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, bản đồ do Vanlangren vẽ năm 1598, An Nam Đại quốc hoạ đồ của Giám mục Jean Louis Taberd năm 1838; các ký sự của các nhà truyền giáo và hàng hải phương tây như Nhật ký Batavia xuất bản 1631-1636, Nhật ký Pierre Poivre, Ghi nhớ của Bá tước M.d’Estaing năm 1754, ghi chép về xứ Đàng Trong năm 1820 của Jean Baptiste Chaigneau, cuốn Địa lý của Vương quốc Đàng Trong năm 1849 của Gutzal…). Ngược lại, các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc không hề đề cập đến Hoàng Sa (như Giao Châu dị vật chí, Nam Châu dị vật chí thời Đông Hán, Tứ di lộ trình thời nhà Đường, Lĩnh ngoại đại đáp đời Nam Tống, Dư địa đồ của nhà Nguyên, Vũ bị chí đời nhà Minh, Hải ngoại kỷ sự và Đại Thanh nhất thống chí của nhà Thanh,…). Đáng lưu ý, trên các bản đồ Trịnh Hoà sau 7 lần đi qua Biển Đông không ghi chép danh xưng về Hoàng Sa (hay theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa), và các tài liệu chính sử của nhà Minh thế kỷ XV coi Hoàng Sa là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành lúc đó đã là lãnh thổ của Đại Việt.
Hai là, Nhà nước Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa hoà bình, liên tục và theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc chiếm hữu và áp đặt chủ quyền với Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực, trái với luật pháp quốc tế. Việt Nam thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự từ khi còn vô chủ, ít nhất từ thế kỷ XVII. Đồng thời, Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục, hoà bình và rõ ràng. Các nhà nước phong kiến Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) đã tổ chức quản lý hiệu quả với Hoàng Sa thông qua đội Hoàng Sa.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ bắt đầu để ý đến Hoàng Sa từ thế kỷ XX năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn chỉ huy 3 thuyền chiến đánh chiếm Phú Lâm. Sau đó, Trung Quốc liên tục dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa, vi phạm Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó Trung Quốc là một trong các thành viên sáng lập. Cụ thể, năm 1946 Trung Quốc đưa quân ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông Hoàng Sa, năm 1956 chiếm nhóm đảo An Vĩnh và chiếm nốt phần phía tây Hoàng Sa năm 1974.
Thứ hai, “lệnh nghỉ đánh bắt cá” của Trung Quốc ban hành hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 8) dùng để viện dẫn cho hoạt động ngang ngược của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là hoạt động đơn phương và cũng trái với luật pháp quốc tế. Khu vực Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá không tương thích với bất cứ quy định nào về vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia có trong UNCLOS 1982. Điểm cực Nam của vùng cấm đánh bắt cá cách rất xa so với giới hạn 200 hải lý EEZ của Trung Quốc tính từ đường cơ sở từ đất liền của Trung Quốc hoặc đảo Hải Nam.
Điều có thể lý giải là việc ban hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong khu vực biển này là nhằm phục vụ mục tiêu bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc dùng lực lượng hải cảnh để thi hành cái gọi là “tuần tra đánh bắt cá” thực chất là dùng sức mạnh để mở rộng kiểm soát không gian biển ra khu vực vượt quá quyền tài phán quốc gia. Chính tàu hải cảnh của Trung Quốc mới là lực lượng xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25783-diem-bat-binh-thuong-trong-phat-ngon-cua-luc-khang-ve-hoat-dong-chap-phap-nghe-ca-cua-tq-tren-bien-dong.html

Trung Quốc khuyến khích Đông Nam Á

sử dụng đồng nhân dân tệ

Ngày 11/1, Trung Quốc công bố một bản kế hoạch chi tiết 5 năm nhằm phát triển hội nhập kinh tế và tài chính giữa tỉnh miền nam Quảng Tây và khu vực Đông Nam Á, và đại diện cho nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh là thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ, theo Reuters.
Quốc vụ viện Trung Quốc (nội các) đã đồng ý xây dựng Quảng Tây, giáp giới với Việt Nam, thành một cửa ngõ tài chính giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Reuters dẫn tuyên bố trên trang web của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết.
Là mục tiêu trọng yếu trong kế hoạch, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ giữa các nước ASEAN, với kế hoạch tạo thuận lợi cho viện thanh toán thương mại xuyên biên giới, các giao dịch tiền tệ, đầu tư và tài trợ bằng đồng tiền của Trung Quốc.
Cụ thể hơn, Trung Quốc sẽ khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch hàng hóa với ASEAN, hỗ trợ cho vay bằng đồng nhân dân tệ cho các dự án trong khu vực, tìm cách xây dựng thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài và thúc đẩy đầu tư tài chính xuyên biên giới.
Bản kế hoạch, kéo dài 5 năm cho đến cuối năm 2023, được đưa ra bởi 13 cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý ngoại hối, cơ quan giám sát chứng khoán và bộ tài chính.
Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư cho phép sử dụng đồng nhân tệ để thanh toán thương mại ở khu vực biên giới với Trung Quốc kể từ ngày 12/10/2018.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khuyen-khiach-dong-nam-a-su-dung-dong-nhan-dan-te/4738919.html

Tân Cương : Hãng Mỹ hủy hợp đồng

với nhà cung cấp Trung Quốc

Mai Vân
Một tập đoàn Mỹ trong ngành may mặc quần áo thể thao sẽ cắt đứt quan hệ với một nhà cung cấp Trung Quốc, do quan ngại về khả năng đối tác này sử dụng lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương, nơi chế độ Bắc Kinh giam giữ người Hồi Giáo, đại bộ phận là người Duy Ngô Nhĩ.
Theo AFP, ngày 09/01/2019, tập đoàn Badger Sportswear ở Bắc Carolina cho biết sẽ ngưng mua quần áo từ công ty Trung Quốc Hòa Điền Thái Đạt (Hetian Taida), mà cơ sở sản xuất đặt ở Tân Cương. Hãng Mỹ giải thích : « Trong bối cảnh có nhiều lo ngại và trong mục tiêu loại bỏ mọi nghi kỵ về dây chuyền cung ứng hàng hóa (…) chúng tôi sẽ không nhận bất kỳ sản phẩm nào đến từ Hòa Điền Thái Đạt hay miền tây bắc Trung Quốc. »
Vấn đề Tân Cương đang nổi cộm với việc quốc tế lên án các trại cải tạo cầm giữ đến cả triệu người Hồi Giáo trong những điều kiện tồi tệ. Theo gia đình các nạn nhân và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những người bị giam đã bị cưỡng bức lao động.
Bắc Kinh luôn phản bác những cáo buộc trên, khẳng định rằng đấy chỉ là những trung tâm « huấn nghệ », để giúp những người này từ bỏ thái độ cực đoan và hội nhập vào xã hội.
Nhật báo Mỹ The New York Times vào tháng 12/2018 cho biết tập đoàn Badger đã nhận một container T-shirt do Hòa Điền Thái Đạt sản xuất. Vấn đề là chính đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã xác nhận rằng công ty này đã sử dụng « những người lao động » trong các trại « cải huấn » dành cho tù nhân người Hồi Giáo.
Cho dù những nhà điều tra độc lập cũng như của chính tập đoàn Badger đều xác nhận rằng hãng Mỹ không vi phạm « nguyên tắc đạo đức trong sản xuất », nhưng hãng này vẫn hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc, vì « các thông tin mà Hòa Điền Thái Đạt cung cấp về cơ sở sản xuất quá mơ hồ ».
Bắc Kinh dĩ nhiên đã có phản ứng gay gắt : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã cảnh cáo rằng, « nếu ngưng hợp tác thương mại với đối tác Trung Quốc vì những lý do trên, thì tập đoàn Mỹ chỉ gây ra thảm kịch cho chính mình mà thôi ». Ông Lục Khảng đồng thời tái khẳng định rằng các trại « huấn nghệ » ở Tân Cương không cưỡng bức lao động.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190111-tan-cuong-mot-hang-my-huy-hop-dong-voi-mot-nha-cung-cap-trung-quoc

Thông điệp của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

khi thăm TQ

Người phát ngôn Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (8/1) ra tuyên bố, nhận lời mời của Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 7/1-10/1.
Trước đó, theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc, ông Kim Jong-un sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 8/1. Chuyến thăm này được cho là sẽ củng cố vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán với Mỹ trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 có thể sẽ diễn ra trong thời gian không xa. Chuyến thăm cũng được đánh giá là “một diễn biến tích cực” và đang được dư luận quốc tế, đặc biệt những nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản hết sức quan tâm.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông Kim Jong-un
Đây là chuyến thăm lần thứ 4 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ những nội dung chi tiết gì sẽ được hai nhà lãnh đạo Trung – Triều thảo luận trong cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 4 này. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un đang làm dấy lên đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rất có thể muốn tận dụng cơ hội tham vấn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cũng có ý kiến lại cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ như đang muốn tăng cường mối quan hệ với ông Tập Cận Bình để tạo đòn bẩy buộc Mỹ phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân.
Giống bất cứ chuyến công du Trung Quốc trước đó của ông Kim Jong-un, chuyến thăm lần thứ 4 này cũng không được thông báo trước và truyền thông quốc gia mỗi bên chỉ xác nhận sau khi ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc. Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần này, ngoài phu nhân Ri Sol-ju còn có các quan chức cấp cao của Triều Tiên như ông Kim Yong-chol, Ri Su-yong, Pak Thae-song, Ri Yong-ho, No Kwang-chol. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm được coi là khá đặc biệt, trùng dịp sinh nhật của ông Kim Jong-un và cũng trùng thời điểm diễn ra cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như triển vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai trong thời gian tới.
Quan hệ Trung – Triều gần đây
Trung Quốc là đồng minh thân cận và duy nhất của Triều Tiên. Các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từng khiến Trung Quốc không hài lòng nhưng đột phá trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và phương Tây khiến Bắc Kinh phải có điều chỉnh trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bên cạnh vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược khi đảm bảo Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi hiện nay có đến 28.500 đơn vị quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng từng có quan hệ mật thiết trong lịch sử. Trung Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần gọi nhau là “đồng minh xương máu” từng kề vai sát cánh trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953. Sau Chiến tranh Triều Tiên, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận trong vài thập kỷ, trước khi ông Kim Jong-un kế nhiệm người cha quá cố.
Việc Triều Tiên ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường thử nghiệm tên lửa hạt nhân năm qua đã khiến quan hệ song phương đi xuống nhanh chóng. Khi Trung Quốc ủng hộ những nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, các cơ
quan truyền thông trung ương Triều Tiên liền chỉ trích công khai và thậm chí đe dọa Trung Quốc. Gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục có những dấu hiệu “làm lành” trong Thế vận hội mùa đông và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc đã “bắt” được những tín hiệu này và muốn nối lại quan hệ với Triều Tiên. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với ông Kim Jong-un rằng các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau “như những người họ hàng” và đề nghị lãnh đạo hai bên thiết lập các kênh liên lạc mới. Tân Hoa Xã cũng khẳng định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un đánh dấu một bước đột phá cho mối quan hệ từng lạnh nhạt giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), phát biểu tại bữa yến tiệc chiêu đãi, ông Kim Jong-un đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính quyền Bắc Kinh vì đã chấp thuận đề xuất viếng thăm Trung Quốc của ông, cùng sự tiếp đón nồng hậu và những nỗ lực giúp chuyến thăm diễn ra thành công. Trung Quốc vẫn ủng hộ cách tiếp cận kép đối với Triều Tiên: đó là gây áp lực song song với tăng cường đối thoại. Cách tiếp cận này trái ngược với đề xuất gây áp lực tối đa của chính quyền ông Trump.
Ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định chuyến thăm cho thấy ông Kim Jong-un vẫn xem Trung Quốc là đồng minh.Trong khi đó, Bắc Kinh chấp nhận đề xuất của Bình Nhưỡng vì muốn tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ, được Trung Quốc xem là giúp ích cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, ông Zhou thừa nhận Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên và động cơ đằng sau chuyến thăm là lợi ích của chính Bình Nhưỡng. Còn ông Jia Qingguo, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh, phân tích: Triều Tiên cũng có thể lợi dụng tình hình Mỹ-Trung căng thẳng vì nguy cơ chiến tranh thương mại để kéo Bắc Kinh về phía mình. Trung Quốc muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa, những không muốn xa lánh Triều Tiên trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi nhanh chóng.
Thế giới đang dõi theo chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un
Hiện chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan. Phát biểu với báo giới ngày hôm nay (8/1), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga khẳng định, chính phủ nước này đang rất quan tâm tới chuyến thăm, tuy nhiên từ chối bình luận về ý định của Triều Tiên cũng như Trung Quốc và những tác động của chuyến thăm vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Trong khi, giới chức Hàn Quốc cũng đã lên tiếng hoan nghênh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm có thể góp phần vào nỗ lực phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom hôm nay cho biết Hàn Quốc đã được cả Triều Tiên và Trung Quốc thông báo trước về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên, bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Trung cũng sẽ dẫn tới cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Triều Tiên và Mỹ: “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc sẽ góp phần đóng góp vào nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Các cuộc trao đổi đang diễn ra giữa hai miền Triều Tiên, giữa Triều Tiên và Trung Quốc và giữa Triều Tiên với Mỹ, chúng tôi hy vọng mỗi cuộc trao đổi như thế này sẽ đều có tiến triển và kéo theo những diễn biến tích cực cho các cuộc trao đổi khác. Chúng tôi cũng đặc biệt hy vọng chuyến thăm lần thứ 4 tới Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Triều Tiên và Mỹ”. Cùng quan điểm trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết, Chính phủ Hàn Quốc hi vọng rằng các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc đàm phán cấp cao giữa Triều Tiên và Trung Quốc, bao gồm cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ có thể góp phần thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên; đồng thời cam kết Hàn Quốc sẽ tiếp tục cố gắng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các hoạt động ngoại giao tương tự mà hai miền Triều Tiên cũng như các cường quốc khu vực đang thực hiện.
Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng ông Kim cần lời khuyên từ ông Tập về cách thức đương đầu với ông chủ Nhà Trắng vì nhà lãnh đạo Triều Tiên thiếu kinh nghiệm về ngoại giao thượng đỉnh. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ tìm cách thu về càng nhiều lợi thế càng tốt trước các cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc rõ ràng là quân bài tốt nhất giấu trong tay áo. Cuộc gặp ông Tập Cận Bình có thể giúp ích khi ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã nhắc ông ta về lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân.
Thông điệp của ông Kim Jong-un khi tới thăm Trung Quốc
Các chuyên gia nhận định việc ông Kim Jong-un đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc hội đàm cấp cao với người láng giềng Triều Tiên sẽ đảm bảo Bắc Kinh không bị cho “ra rìa” khỏi bất kì thỏa thuận nào giữa hai bên Mỹ-Triều. Ông Wang Peng, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viên Charhar, Bắc Kinh, nhận định: Cuộc hội đàm của ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình đã giúp Triều Tiên nâng cao vị thế trước thềm hội nghị thượng đỉnh cấp cao Mỹ-Triều. Triều Tiên muốn nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc để có thêm tiếng nói và sự tự tin để đạt được kết quả tốt trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Mỹ.
Rõ ràng chưa thể ngay lập tức khẳng định mục đích chính trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, song nhìn chung các bên đều đánh giá tích cực bước đi mới này của Bình Nhưỡng. Có vẻ như việc lựa chọn thời điểm đầu năm để thực hiện chuyến thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn ngầm khẳng định lại cam kết mạnh mẽ mà chính ông đưa ra trong thông điệp Năm mới 2019, đó là theo đuổi đến cùng nỗ lực phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng mục đích chuyến thăm này của ông Kim Jong-un là tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc về triển khai đường hướng chính sách mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phác thảo trong thông điệp đầu năm mới, mặt khác nhằm củng cố vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Sean King, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là Phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies, nhận định Triều Tiên có xu hướng dựa vào sự bảo lãnh an ninh của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo ông Sean King, nếu ông Kim Jong-un thực sự sẽ gặp ông Donald Trump lần hai, ông ấy chắc chắn sẽ muốn tham vấn ông Tập Cận Bình trước khi một lần nữa bước ra trường quốc tế. Ông Kim Jong-un dường như muốn có được cam kết bảo lãnh từ Bắc Kinh.
Nhận định về chương trình nghị sự chuyến thăm, ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejon ở Seoul (Hàn Quốc), cho rằng cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Tập có thể sẽ tập trung vào vấn đề giải trừ hạt nhân, thiết lập cơ chế hòa bình thay thế cho hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên. Cũng theo chuyên gia này, không loại trừ khả năng, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un sẽ thảo luận việc đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên để tiến hành dỡ bỏ – một vấn đề mà Mỹ muốn giải quyết.
Harry J. Kazianis, một chuyên gia nghiên cứu tại Washington, cho rằng: “Ông Kim Jong-un muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Trump rằng ông ấy vẫn có những phương án ngoại giao và kinh tế ngoài những phương án mà Washington và Seoul đưa ra. Trung Quốc cũng có thể dễ dàng khiến chiến lược của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép tối đa với Triều Tiên rơi vào quên lãng”. Với Trung Quốc, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm “không thể thuận lợi hơn” khi đang diễn ra đàm phán thương mại Mỹ-Trung và rõ ràng Trung Quốc có trong tay quân bài Triều Tiên và có thể tung ra bất cứ khi nào cần. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (7/1) nhấn mạnh, hai vấn đề này hoàn toàn không liên quan. “Phía Trung Quốc đã thể hiện rõ với chúng tôi rằng đây là hai vấn đề không liên quan. Hành động của họ đã cho thấy như vậy và chúng tôi đánh giá cao điều đó”, ông Pompeo nói. Về phần mình, ông Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định rằng đây là một chiến lược của ông Kim Jong-un nhằm tận dụng sự cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. “Điều này giúp ông Kim Jong-un có cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu có thể đồng thời phát triển hạt nhân và phát triển kinh tế”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á của Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) Phương Hạo Phạm nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un có ít nhất 3 điểm lớn đáng xem xét. Thứ nhất, chuyến thăm được ông Kim thực hiện để cho thế giới thấy Trung Quốc và Triều Tiên là các nước láng giềng hữu hảo. Diễn ra vào đúng sinh nhật của ông Kim Jong Un, chuyến thăm này rõ ràng có ý nghĩa lớn. Thứ hai, diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai, chuyến thăm này sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho ông Kim. Theo ông Phương, ông Kim có thể sẽ tham khảo các ý kiến của Bắc Kinh về cuộc gặp Mỹ – Triều lần hai cũng như bước đầu nói về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp. Thứ ba, trong chuyến thăm bốn ngày tại Trung Quốc, ông Kim có thể sẽ tham gia các chuyến khảo sát kinh tế bên ngoài Bắc Kinh và thảo luận hợp tác kinh tế Trung – Triều.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị quốc tế Vương Sinh tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un cũng là nền tảng quan trọng để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai diễn ra thuận lợi, trong bối cảnh Bình Nhưỡng muốn thoát khỏi vòng vây trừng phạt của quốc tế. Với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần một cũng như cuộc gặp sắp tới, Bình Nhưỡng luôn muốn bước lên vũ đài chính trị “mặt đối mặt” bằng một hậu phương vững chắc. Bình Nhưỡng xem Bắc Kinh là một yếu tố không thể thiếu trong các chuyển động của bán đảo Triều Tiên.
Ông Han Suk-hee, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Yonsei, lại cho rằng quyết định thay đổi bộ máy nhân sự Nhà Trắng gần đây của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của ông Kim Jong-un. Ví dụ, việc bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton – người đặc biệt cứng rắn trong các chính sách đối ngoại – rất có thể đã khiến Triều Tiên gia tăng lo ngại trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, và có vẻ Triều Tiên chỉ sẵn sàng đối phó với Mỹ nếu nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25781-thong-diep-cua-nha-lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-khi-tham-tq.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.