Tin khắp nơi – 05/01/2019
Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019
15:29
//
Slider
,
Tin khắp nơi
Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến
Tái bảo đảm châu Á để tăng cạnh tranh với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) nhằm củng cố cam kết của Washington ở khu vực này, theo SCMP.Theo các nhà phân tích, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á – đặc biệt là ở Biển Đông – sẽ khốc liệt hơn với việc Mỹ vừa ban hành ARIA.
Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật trong tuần này, báo hiệu rằng Hoa Kỳ muốn duy trì các đồng minh và vận động họ chống lại Trung Quốc nếu cần thiết, giới quan sát cho biết.
Trung Quốc 2019: Ưu tiên tập trận và chuẩn bị cho chiến tranh
Ăng ten khổng lồ của Trung Quốc gây lo ngại nguy cơ ung thư
Tập Cận Bình: Đài Loan ‘phải và sẽ’ hợp nhất với TQ
‘Công dân Mỹ cần cẩn trọng hơn khi đến Trung Quốc’
Trump – Kim có chọn VN để họp thượng đỉnh?
Bắc Kinh và Washington đang ngày càng mâu thuẫn trên Biển Đông – một kênh giao thương đường thủy chiến lược nơi hàng hoá trị giá hàng tỷ đô la thương mại lưu thông mỗi năm. Cả hai nước đều đã đưa tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng biển này để thực hiện các cuộc tuần tra, trong đó ít nhất một lần suýt xảy ra va chạm.
Theo đạo luật này, Mỹ sẽ tái khẳng định các cam kết an ninh với các đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Mỹ cam kết chi 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong vòng 5 năm để cải thiện sự hiện diện của mình trong khu vực này. Mỹ cũng sẽ xây dựng quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á.
Một phần của chiến lược này bao gồm việc Mỹ sẽ cùng các nước đồng minh tự do hoạt động hàng hải ở vùng biển Đông và Nam Trung Quốc, các hoạt động mà Bắc Kinh coi là cái cớ để Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự.
Đạo luật này cũng cho phép Mỹ áp dụng các hình phạt đối với các tổ chức và chính phủ có hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ – một vấn đề gây mâu thuẫn sâu sắc khác giữa Trung Quốc và Mỹ.
Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây ra lo ngại trong khu vực. Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết sự tham gia của các đồng minh của Mỹ ở khu vực này có thể sẽ khiến Trung Quốc ‘đau đầu’ hơn.
Tony Nash, người đứng đầu công ty nghiên cứu Complete Intelligence, thì cho rằng việc ký đạo luật này có nghĩa là Hoa Kỳ “có bạn bè”.
Việc ký ban hành đạo luật này diễn ra trong thời gian hai nước thực hiện thỏa thuận ngừng chiến kéo dài 90 ngày để Washington và Bắc Kinh đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng hành động này không phải là một chiến thuật để gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ thương mại.
“Đây là một cam kết với các khu vực khác ở châu Á hơn là một thách thức với Trung Quốc. Nó không tập trung vào Trung Quốc, mà điểm mặt hầu hết các quốc gia khác ở châu Á,” ông Nash bình luận trên SCMP.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46767960
Tương quan sức mạnh hải quân Mỹ – Trung
Hải quân Trung Quốc áp đảo Mỹ về số lượng tàu chiến, nhưng thua kém về công nghệ và năng lực tác chiến.Cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodge hồi tháng 10 nhận định nhiều khả năng chiến tranh Mỹ -Trung sẽ nổ ra trong 15 năm tới. Giới chuyên gia không ngừng so sánh giữa sức mạnh của lực lượng hải quân liên tục được Trung Quốc mở rộng với vị thế bá chủ đại dương của Mỹ từ sau Thế chiến II, theo Engineering.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng và lợi ích của Washington ở châu Á, Bắc Kinh đang mạnh tay đầu tư cho hải quân. Tính tới năm 2017, hải quân Trung Quốc có tổng cộng 317 tàu chiến so với 283 chiếc của Mỹ.
Báo cáo của hải quân Mỹ hồi tháng 5 nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm.
Chuyên gia quân sự Kyle Maxey cho rằng quy mô hạm đội Mỹ nhỏ hơn đối thủ, nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc.
Không chỉ lớn hơn tàu sân bay Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C đang thử nghiệm. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15.
Việc không được lắp lò phản ứng hạt nhân khiến tầm hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên hạm.
Hải quân Trung Quốc có tổng cộng 131 khu trục hạm và tàu hộ vệ các loại, vượt trội so với 85 tàu của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiến hạm hai bên đều bị giới hạn bởi tầm bắn của tên lửa hành trình diệt hạm.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng cảng biển tại các nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines để tấn công mục tiêu giá trị cao của hải quân Trung Quốc ở gần đại lục. Ngược lại, hải quân Trung Quốc có thể tập kích các tiền đồn của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, phá hủy hệ thống liên lạc khiến đối thủ khó phát huy đầy đủ sức mạnh.
Hải quân Trung Quốc hiện có 73 tàu ngầm, nhiều hơn một chiếc so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm của Bắc Kinh có độ ồn cao do công nghệ lạc hậu, khiến chúng dễ bị tàu săn ngầm Mỹ phát hiện và tấn công từ xa.
Dù sở hữu số lượng chiến hạm áp đảo hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc khó lòng đạt khả năng độc lập tác chiến và hiệp đồng ngang ngửa đối phương. Để bù đắp yếu kém này, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).
Một trong những thành phần quan trọng nhất của A2/AD là tên lửa đạn đạo diệt hạm. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới biên chế loại vũ khí này với hai mẫu tên lửa “sát thủ tàu sân bay” là DF-21D và DF-26.
DF-21D đạt tầm bắn 2.000 km, trong khi biến thể nâng cấp DF-26 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 3.000-4.000 km. Nhờ trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1,8 tấn, tên lửa DF-26 có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở đảo Guam, đối phó mũi tấn công từ Biển Đông và đe dọa hoạt động của tàu sân bay Mỹ.
Mỹ đang phát triển nhiều giải pháp đối phó mối đe dọa này như vũ khí laser và lá chắn tên lửa tầm xa dựa trên hệ thống chiến đấu Aegis.
Hải quân Mỹ phụ thuộc nhiều vào kết nối dữ liệu qua vệ tinh để thu thập và trao đổi thông tin nhận dạng mục tiêu, điều phối tấn công và tác chiến hiệp đồng. Trung Quốc có thể tập trung gây nhiễu mạng lưới vệ tinh liên lạc quân sự (SATCOM) và do thám, cũng như vô hiệu hóa, làm sai lệch hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của đối phương.
Nếu giải pháp tác chiến điện tử thất bại, Trung Quốc có thể tính tới phương án bắn hạ khí tài không gian Mỹ. Một số vũ khí diệt vệ tinh đang được Bắc Kinh hoàn thiện, dự kiến đưa vào thử nghiệm và biên chế trong vài năm tới.
Dù có số lượng lớn hơn, hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến. Cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế, cũng như để lại hậu quả thảm khốc bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào, đủ sức tham chiến trong thời gian dài. “Cả hai nước dường như muốn tìm mọi cách để ngăn xung đột trực diện nổ ra trong tương lai”, chuyên gia Kyle Maxey nhấn mạnh.
http://biendong.net/bi-n-nong/25604-tuong-quan-suc-manh-hai-quan-my-trung.html
Bộ Ngoại giao Mỹ nói
không có thời biểu rút quân khỏi Syria
Mỹ không có thời biểu rút quân khỏi Syria nhưng không định ở lại đó vô thời hạn, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Sáu. Đây có thể là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy binh sĩ Mỹ có thể ở lại cho đến khi cuộc chiến chống những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo kết thúc.Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn vẫn đang chiếm lại lãnh thổ từ Nhà nước Hồi giáo ở Syria, các quan chức Lầu Năm Góc nói hôm thứ Sáu, hai tuần sau khi Washington tuyên bố sẽ rút khoảng 2.000 binh sĩ tại đây. Lúc đó, Tổng thống Donald Trump nói rằng các binh sĩ đã hoàn tất thành công sứ mệnh của họ và không còn cần có mặt ở đó nữa.
Thông báo đột ngột của chính quyền vào tháng trước, khiến các quan chức ở Washington và các đồng minh bất ngờ, đã góp phần đưa đến quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và khơi lên lo ngại Nhà nước Hồi giáo có thể trở lại.
Quan chức Bộ Ngoại giao, cung cấp thông tin cho các phóng viên trước chuyến thăm Trung Đông vào tuần sau của Ngoại trưởng Mike Pompeo, dường như tìm cách giảm nhẹ mối lo ngại đó, Reuters cho hay.
“Chúng tôi không có thời biểu rút các lực lượng quân sự khỏi Syria,” quan chức này nói, yêu cầu không xác định danh tính.
“Việc này sẽ được thực hiện theo cách mà chúng tôi và các đồng minh và đối tác của chúng tôi có thể duy trì áp lực đối với [Nhà nước Hồi giáo] và chúng tôi không để hở bất kì khoảng trống nào cho những kẻ khủng bố.”
Mỹ không định duy trì sự hiện diện quân sự vô thời hạn ở Syria, quan chức này nói thêm.
Ông Trump hôm thứ Tư nói Mỹ sẽ rời khỏi Syria từ từ “trong một khoảng thời gian” và sẽ bảo vệ các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở nước này trong khi Washington triệt thoái.
Ông tuyên bố trong cuộc họp nội các ngày hôm đó rằng ông rất muốn dần dần rút quân khỏi Syria, gọi đây là nơi của “cát và chết chóc.”
Ông cũng nói chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo giờ là trách nhiệm của các nước khác, bao gồm Nga và Iran, nói thêm rằng Nhà nước Hồi giáo đã thu hẹp chỉ còn lại những mẩu cứ địa cuối cùng ở Syria.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-noi-khong-co-thoi-bieu-rut-quan-khoi-syria/4730249.html
Mỹ: Chưa đạt được thỏa thuận mở cửa lại chính phủ
Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ ngày 4/1 không đạt được thỏa thuận để chấm dứt vụ đóng cửa một phần chính phủ Hoa Kỳ trong khi họ tranh cãi về đòi hỏi của ông Trump phải có 5 tỉ đôla tài trợ xây tường ở biên giới với Mexico.Ông Trump mô tả một cuộc họp tại Nhà Trắng bàn về vụ đóng cửa là đưa tới kết quả, nhưng bà Nancy Pelosi, tân Chủ tịch Hạ viện mới được bầu chọn sau khi phe Dân chủ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện hôm 3/1, cho biết cuộc họp đôi khi có tranh cãi gay gắt.
“Chúng tôi đã nói với Tổng thống rằng chúng tôi cần chính phủ mở cửa,” Lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer nói với các phóng viên sau cuộc họp trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng. “Ông ta kháng cự. Trên thực tế, ông ta nói rằng ông ta sẽ để chính phủ đóng cửa trong một khoảng thời gian rất dài, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.”
Ông Trump, nói chuyện với các phóng viên sau đó, xác nhận ông sẵn sàng để cho chính phủ đóng cửa nhiều tháng hoặc nhiều năm nhưng hy vọng chính phủ có thể mở cửa trở lại sau vài ngày.
Khoảng 800.000 công chức liên bang hiện không được trả lương do vụ đóng cửa khoảng một phần tư chính phủ liên bang trong hai tuần qua, vì ông Trump không chịu ủng hộ một dự luật cấp ngân quỹ đầy đủ cho chính phủ cho đến khi ông có được tiền để xây tường biên giới.
Ông Trump nói rằng cần phải có bức tường để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy tràn qua biên giới. Khi vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2016, ông Trump thường xuyên hứa sẽ xây tường và tuyên bố sẽ bắt Mexico thanh toán, điều mà nước này đã từ chối thực hiện.
Bà Pelosi cho biết hai bên đồng ý tiếp tục thương thuyết.
“Nhưng chúng tôi biết rằng về phía Dân chủ chúng tôi thực sự không thể giải quyết vấn đề này cho đến khi chúng ta mở cửa chính phủ và chúng tôi đã nói rõ điều đó với Tổng thống,” bà nói.
Phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong tuần này sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái.
Hàng trăm ngàn công chức liên bang đã bị cho nghỉ việc không lương hoặc đang làm việc không lương vì tình trạng chính phủ đóng cửa hiện nay.
https://www.voatiengviet.com/a/my-chua-dat-duoc-thoa-thuan-mo-cua-lai-chinh-phu/4729467.html
Trump sẵn sàng đóng cửa chính phủ Mỹ ‘nhiều năm’
Ông Donald Trump cho biết ông đã chuẩn bị cho việc đóng cửa một phần chính phủ Hoa Kỳ – hiện đang bước vào tuần thứ ba – “trong nhiều năm”.Sau khi họp với các lãnh đạo đảng Dân chủ, ông Trump nói rằng ông có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để vượt quyền Quốc hội và xây dựng một bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Ông Trump khẳng định ông sẽ không ký bất kỳ dự luật nào nếu không có tiền xây tường, điều mà đảng Dân chủ kiên quyết phản đối.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu mở cửa chính phủ
Mỹ: Chính phủ đóng cửa đến hết Giáng sinh
QH Mỹ nỗ lực phút chót tránh đóng cửa chính phủ
Khoảng 800.000 viên chức liên bang đã không được trả lương kể từ ngày 22/12.
Tổng thống Trump, người thuộc đảng Cộng hòa, ban đầu đã đưa ra một nhận định tích cực về cuộc họp vào thứ Sáu 4/1 tại Nhà Trắng, mô tả nó là “rất hiệu quả”.
Nhưng sau đó, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo, ông Trump thừa nhận đã đe dọa sẽ đóng cửa các cơ quan liên bang trong nhiều năm nếu cần thiết.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc sử dụng quyền hạn khẩn cấp của tổng thống để bỏ qua quyền phê chuẩn của Quốc hội đối với việc chi ngân sách xây bức tường không, ông Trump nói ông đã nghĩ tới điều đó.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi cho biết cuộc họp hôm thứ Sáu “gây tranh cãi”.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã nói với tổng thống rằng chúng tôi cần chính phủ mở cửa. Ông Trump phản đối.
“Trên thực tế, ông ấy nói rằng sẽ duy trì tình trạng đóng cửa chính phủ trong một khoảng thời gian rất dài. Nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.”
Nhà Trắng và lãnh đạo đảng Dân chủ cũng đã họp vào đầu tuần này về việc đóng cửa chính phủ.
Ông Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia?
Anthony Zurcher, BBC News, Washington
Donald Trump nói rằng ông có thể tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và xây dựng bức tường dọc biên giới mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Nếu điều này xảy ra, câu hỏi là vì sao ông ta không làm điều đó ngay đi. Tại sao phải đưa người lao động liên bang trải qua nỗi đau của việc bị cắt lương và làm tê liệt các cơ quan quan trọng của chính phủ, bao gồm cả Bộ An ninh Nội địa, nếu ông ta có thể vượt qua sự phản đối của đảng Dân chủ chỉ bằng một cái búng tay?
Câu trả lời là vì giải pháp này không đơn giản. Có những quy định của luật pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống chỉ đạo các dự án xây dựng quân sự trong chiến tranh hoặc trong trường hợp khẩn cấp của quốc gia, nhưng số tiền đó sẽ phải đến từ các quỹ của Bộ Quốc phòng do Quốc hội phân bổ cho các mục đích khác. Một động thái như vậy có thể khiến Quốc hội, bao gồm cả đảng Cộng hòa, phản đối.
Sau đó, có những thách thức pháp lý không thể tránh khỏi từ đảng Dân chủ đối với việc thực thi quyền lực tổng thống như vậy. Bất kỳ lệnh nào của tổng thống để xây dựng một bức tường có thể sẽ bị ngăn chặn bởi một bức tường hùng vĩ không kém từ tòa án.
Các đề xuất mới nhất của ông Trump tốt nhất nên xem là một nỗ lực khác để giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ. Ông Trump nói rằng đó không phải là một mối đe dọa – và có lẽ ông ấy đúng. Đó là lời dọa dẫm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46767651
Hàng trăm nhân viên an ninh ở các phi trường lớn
đồng loạt xin nghỉ bệnh
Đài CNN dẫn lời hai viên chức cao cấp và ba tổ chức nghiệp đoàn TSA cho biết, hàng trăm nhân viên an ninh vận chuyển TSA đồng loạt xin nghỉ bệnh, tại ít nhất bốn phi trường lớn ở Hoa Kỳ. Tình trạng nghỉ bệnh đồng loạt sẽ làm giảm mức an ninh của ngành hàng không, đặc biệt là khi chính phủ đã đóng cửa suốt hai tuần liền.Phát ngôn viên TSA Michael Bilello cho biết cơ quan này đang giám sát tình hình, và thời gian chờ kiểm tra an ninh vẫn sẽ duy trì theo tiêu chuẩn của TSA, nhưng thời gian chờ có thể thay đổi nếu số lượng nhân viên xin nghỉ tăng cao.
Theo chủ tịch nghiệp đoàn TSA Hydrick Thomas, tại phi trường John F. Kennedy, riêng tuần này, mỗi ngày có 170 nhân viên TSA xin nghỉ bệnh. Các viên chức làm ca sáng đã phải làm thêm giờ để lấp các vị trí bị trống. Trong khi đó, tỷ lệ xin nghỉ bệnh ở phi trường Dallas-Fort Worth đã tăng khoảng 200%-300%, ước tính có khoảng 25 đến 30 nhân viên TSA xin nghỉ trong mỗi ca làm việc. Các viên chức của nghiệp đoàn nhấn mạnh, số lượng nhân viên xin nghỉ sẽ tăng trong thời gian tới, khi họ không nhận được tiền lương.
Theo CNN, hai viên chức liên bang cho rằng, tình trạng xin nghỉ ốm là cách các nhân viên phản đối thời gian trả lương chậm. Tuy nhiên, một viên chức của nghiệp đoàn cho biết một số nhân viên xin nghỉ vì lý do chính đáng. Theo đó, các nhân viên là phụ huynh đơn thân xin nghỉ, vì họ không thể chi trả phí chăm sóc trẻ em, hoặc họ buộc phải tìm công việc khác để chi trả tiền thuê nhà và hóa đơn sinh hoạt.
Trả lời CNN, ông Bilello cho biết TSA hy vọng những nhân viên vẫn đi làm sẽ luôn tập trung vào nhiệm vụ, đồng thời tôn trọng hành khách, khi họ đang giám sát an ninh cho hệ thống giao thông quốc gia.
Quản trị viên TSA David Pekoske đã nói với phóng viên rằng nhân viên TSA sẽ nhận được tiền lương đầy đủ sau khi chính phủ mở cửa trở lại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hang-tram-nhan-vien-an-ninh-o-cac-phi-truong-lon-dong-loat-xin-nghi-benh/
Tổng thống Trump xem xét ban hành tình trạng
khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới
Washington, DC – Theo tin từ đài CBS, khi trả lời với các phóng viên tại Rose Garden sau cuộc gặp với các lãnh đạo Quốc hội vào hôm thứ Sáu (4 tháng 1), Tổng thống Donald Trump tin rằng, tình trạng đóng cửa chính phủ sẽ kéo dài nhiều tháng hay một năm. Điều này cho thấy tổng thống vẫn còn bất đồng về ngân sách bức tường biên giới với các đảng viên Dân Chủ ở Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã tìm được cách khác để có được khoản ngân sách mà không cần phải thương lượng với Quốc hội. Theo đó, tổng thống dự định ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới, qua đó, bức tường sẽ được dựng lên mà không cần Quốc hội phê chuẩn.Trong cuộc họp báo đột xuất hôm thứ Năm, tổng thống một lần nữa nhấn mạnh bức tường biên giới là vấn đề an ninh quốc gia. Nếu Tổng thống Trump thiết lập tình trạng khẩn cấp quốc gia, tổng thống có thể đơn phương ra quyết định xây dựng bức tường. Dù tổng thống liên tục khẳng định Mexico sẽ trả tiền xây bức tường biên giới trong thời gian tranh cử, nhưng thực tế thì khoản ngân sách sẽ được lấy từ tiền thuế của người dân Hoa Kỳ, nếu Quốc hội phê chuẩn, hoặc nếu tổng thống ban hành tình trạng khẩn cấp. Theo quy định, tình trạng khẩn cấp là một trong những điều kiện cho phép Ngũ Giác Đài cung cấp ngân sách cho bức tường biên giới. Hiện vẫn chưa rõ mức ngân sách mà Ngũ Giác Đài có thể đưa ra trong tình huống khẩn cấp.
Theo CBS News, một giải pháp khả thi là điều động công binh Lục quân Hoa Kỳ xây dựng bức tường. Đây là lực lượng chủ yếu là thường dân, chuyên phụ trách hợp đồng xây dựng, do đó, binh lính sẽ không phải tham gia xây dựng bức tường.
Tổng thống Trump cho hay Mexico sẽ gián tiếp chi trả ngân sách xây dựng bức tường, sau khi nước này thu về doanh thu cao, nhờ vào thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada – một thỏa thuận chưa được Quốc hội thông qua. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-xem-xet-ban-hanh-tinh-trang-khan-cap-quoc-gia-de-xay-buc-tuong-bien-gioi/
Chính sách của Mỹ về tị nạn
thay đổi ra sao trong năm qua?
Khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen mới đây thông báo chính sách mới để giữ cho những người xin tị nạn ở Mexico trong khi họ đợi phán quyết từ tòa án – đó là biện pháp mới nhất trong một loạt chính sách của chính quyền Trump ảnh hưởng đến quyền tị nạn trong năm qua.Theo những quy định được đưa ra trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn vào năm 1951 được Mỹ thông qua, những người nộp hồ sơ tị nạn phải đáp ứng ba điều kiện: chứng tỏ rằng họ có ‘nỗi sợ hợp lý’ về việc bị ngược đãi ở quê nhà; lo sợ bị ngược đãi vì lý do sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hay là nằm trong một giai tầng xã hội nhất định, và phải chứng tỏ rằng chính quyền ở quê nhà của họ hoặc là có sự ngược đãi hoặc là không thể kiểm soát được nó.
Hồi năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ít nhất bảy chính sách ảnh hưởng đến việc xin tị nạn. Những người cổ súy cho quyền của di dân nói rằng những chính sách này là nỗ lực để ngăn cản di dân đến Mỹ.
Những tiêu chuẩn mới để chứng minh ‘nỗi sợ’
Khi các di dân băng qua biên giới đến Mỹ dù là hợp pháp hay bất hợp pháp và nộp đơn xin tị nạn, trước hết họ được các quan chức của cơ quan Dịch vụ Di trú và Quốc tịch Mỹ phỏng vấn về nỗi sợ của họ để xem có đáng tin không. Người nào qua được buổi phỏng vấn sẽ được chuyển đến tòa án di dân trong bước tiếp theo của quá trình.
Vào đầu năm 2018, chính quyền Mỹ đã đưa ra những hướng dẫn mới và mang tính khắt khe hơn để xác định tiêu chuẩn qua được cuộc phỏng vấn về nỗi sợ xác tín. Theo tin tức báo chí, cách diễn giải ‘nỗi sợ xác tín’ đã được điều chỉnh lại để bao gồm ‘tác phong, thái độ và sự hồi đáp’ để xem xét họ có đáng tin hay không.
Các luật sư về di trú nói với VOA rằng sang chấn tâm lý, khác biệt về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ và hành trình dài từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ thường ảnh hưởng đến hành vi của người xin tị nạn. Hướng dẫn mới này nói rằng những yếu tố này không được xem là quan trọng khi xác định mức độ đáng tin, do đó cho phép các quan chức xét duyệt tị nạn xem những dấu hiệu căng thẳng là nguyên nhân để nghi ngờ về sự thành thật của ứng viên.
“Bằng cách nâng cao điều kiện ngay từ giai đoạn đầu, cơ quan Dịch vụ Di trú và Quốc tịch Mỹ đã tạo ra nguy cơ loại bỏ những người có lời khai thành thật nhưng không có khả năng hay sự tinh tế để trình bày trước quan chức tị nạn vào lúc đầu,” Hệ thống Di trú Hợp pháp Công giáo, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ pháp lý cho di dân, cho biết trên trang web của họ.
‘Không khoan nhượng’
Vào ngày 6/4, chính quyền Trump thông báo sẽ thực thi chính sách ‘không khoan nhượng’ tại biên giới Mỹ-Mexico. Hướng dẫn mới yêu cầu các công tố viên liên bang truy tố hình sự tất cả các di dân trưởng thành vào Mỹ bất hợp pháp, quy định rằng những người này phải bị giam giữ trong suốt quá trình họ làm hồ sơ xin tị nạn.
Trước khi có chính sách ‘không khoan nhượng’ này, khi di dân vào Mỹ không thông qua cửa khẩu, họ đối mặt với tội tiểu hình.
Chính sách đã dẫn đến sự chia cắt con cái với cha mẹ do trẻ em không thể nào bị cầm tù trong thời gian lâu.
Sự phẫn nộ của công chúng khiến Tổng thống Donald Trump phải ký một sắc lệnh hành pháp hồi tháng Sáu để rút lại chính sách này.
Theo Bộ An ninh Nội địa, từ 5/5 cho đến 9/6, hơn 2.500 trẻ em đã bị chia cắt với cha mẹ hay người bảo trợ của các em ở biên giới.
Sau khi rút lại chính sách ‘không khoan nhượng’, chính quyền Trump đã xin tòa án cho phép giam giữ trẻ em cùng với cha mẹ vô thời hạn nhưng không được.
Bạo hành gia đình
Trong một động thái hiếm hoi, cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã can thiệp vào trường hợp xin tị nạn của một phụ nữ El Salvador vốn đã chứng minh rằng bà đã bị chồng bạo hành trong thời gian dài. Ông Sessions đã đảo ngược một phán quyết của Tòa phúc thẩm di trú, nơi đã đồng ý để cho bà được cấp quy chế tị nạn. Phán quyết này cũng được áp dụng cho các nạn nhân của bạo lực băng đảng muốn sang Mỹ xin tị nạn.
Vào tháng 12, thẩm phán liên bang Emmet Sullivan đã ra phán quyết vĩnh viễn về sắc lệnh của ông Jeff Sessions rằng nó vi phạm luật di trú của Mỹ và ‘không có cơ sở pháp lý để ra lệnh cấm hoàn toàn, có hiệu lực’.
Sau phán quyết này, Nhà Trắng ra thông cáo viết:
“Phán quyết hôm nay là bằng chứng mới nhất của sự cổ súy của ngành tư pháp vốn khích lệ di dân bất chấp hiểm nguy, khiến cho các tổ chức tội phạm lan truyền sự hỗn loạn ở tây bán cầu trở nên mạnh bạo hơn và làm tổn hại luật pháp, biên giới, Hiến pháp và chủ quyền của Mỹ,” phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders viết.
Bị đuổi về
Cũng trong tháng Sáu đã xuất hiện tin rằng các nhân viên thuộcLực lượng Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã có hành động phi pháp là đuổi người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico quay về. Mặc dù giới chức di trú gọi việc người xin tị nạn bị đuổi về ở cửa khẩu là ‘tin đồn thất thiệt’, 13 di dân đã kiện chính phủ vì lý do này hồi tháng 7 năm 2017.
Các phiên tòa nhanh hơn
Hồi tháng Ba, ông Jeff Sessions đã vô hiệu hóa một phán quyết năm 2014 của Hội đồng Kháng cáo Di trú thuộc Bộ Tư pháp theo đó bãi bỏ yêu cầu những người xin tị nạn cần phải có một buổi trình bày đầy đủ trước một thẩm phán di trú. Điều này có nghĩa là các thẩm phán di trú giờ đây được phép bác bỏ các đơn kháng nghị xin tị nạn mà không cần lắng nghe nguyên đơn nếu như tại buổi xem xét ban đầu các nguyên đơn đã có dấu hiệu bị xem là lừa đảo hay không có khả năng được thông qua.
Ông cũng ra lệnh đặt chỉ tiêu về số trường hợp mà mỗi thẩm phán di trú cần phải hoàn thành. Đồng thời, số lượng thẩm phán di trú mới được tuyển cũng gia tăng nhanh chóng.
Tại một buổi lễ chào đón 44 tân thẩm phán di trú vừa tuyên thệ hồi tháng 9, ông Sessions đã yêu cầu họ thực thi chức trách theo mệnh lệnh.
“Những quyết định này sẽ giúp quý vị làm việc với sự rõ ràng hơn, giúp quý vị ra phán quyết nhất quán và công bằng. Và điều quan trọng hơn bao giờ hết là quý vị chỉ cần làm như vậy,” ông nói.
TRAC, cơ quan theo dõi số liệu về di trú cho biết năm tài chính 2018 đã phá kỷ lục về số lượng phán quyết cấp hay từ chối quy chế tị nạn do các thẩm phán di trú đưa ra.
Số lượng các vụ việc bị từ chối tăng nhanh hơn số vụ được đồng ý. Khoảng 65% hồ sơ xin tị nạn bị bác bỏ. TRAC đưa tin rằng năm 2018 là năm thứ sáu liên tiếp tỷ lệ hồ sơ bị bác tăng lên. Sáu năm trước, tỷ lệ bị bác bỏ là 42%.
Mặc dù cuối cùng cũng bình ổn, tỷ lệ hồ sơ bị bác một lần nữa lại tăng lên sau khi ông Sessions hạn chế những cơ sở mà các thẩm phán di trú dựa vào đó để cấp quy chế tị nạn.
Xâm nhập bất hợp pháp
Chính quyền Trump đã ra một sắc lệnh hôm 9/11 để hạn chế việc tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico với việc yêu cầu bất cứ ai vào Mỹ bất hợp pháp thì không đủ điều kiện để xin tị nạn.
Liên đoàn các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) kiện. Vào ngày 30/11, thẩm phán liên bang Jon Tigar đã không cho chính quyền Trump thực thi lệnh cấm này.
Tổng thống ‘không thể viết lại luật di trú để áp đặt một điều kiện mà Quốc hội đã công khai cấm,’ thẩm phán Tigar nói.
Sau đó, phán quyết này đã được các tòa phúc thẩm và Tối cao Pháp viện giữ nguyên.
‘Đo chiều dài’
Vụ kiện hồi tháng 7 về việc đuổi người tị nạn ở biên giới quay về nguyên quán đã được điều chỉnh hồi đầu tháng 12 để bao gồm một cách làm khác là hạn chế việc xin tị nạn. Được những người cổ súy di dân gọi là ‘đo lường’ và bà Nielsen, Bộ trưởng An ninh Nội địa, gọi là ‘xếp hàng’, biện pháp này giới hạn số lượng người xin tị nạn được xử lý tại các cửa khẩu ở biên giới Mỹ-Mexico, để dồn một số lượng lớn những trường hợp chưa được giải quyết bên phía Mexico.
Những người hy vọng xin tị nạn ở Mỹ trong danh sách chờ giờ đây đã lên đến hàng ngàn người. Các luật sư nói rằng điều này đã gây ra khủng hoảng nhân đạo ở biên giới. Một số di dân nói với VOA rằng họ đã chờ đợi hàng tuần.
Tại một phiên điều trần ở Quốc hội hồi cuối năm ngoái, bà Nielsen đã biện hộ cho biện pháp này.
“Đó là do không thể làm xuể. Không thể làm xuể,” bà nhấn mạnh.
Phát ngôn nhân CBP nói rằng ‘hết lúc này đến lúc khác, chúng tôi phải xử lý những hàng dài và giải quyết những hồ sơ dựa trên khả năng đáp ứng.’
Hợp tác với Mexico
Vào cuối năm ngoái, Mỹ và Mexico đã quyết định cùng hợp tác mà theo đó những người xin tị nạn vẫn ở trên lãnh thổ Mexico trong khi hồ sơ của họ được thụ lý ở Mỹ.
Các quan chức chính quyền Trump cho biết chính phủ Mexico đã tự nguyện đồng ý việc này. Những thay đổi nào, cho dù khi nào có hiệu lực đi nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đến những người vượt biên hợp pháp và bất hợp pháp. Các chuyên gia tị nạn cho biết chính sách mới nhất này sẽ bị đưa ra tòa.
Tin tức trên truyền thông đưa cho thấy cuộc khủng hoảng ngày càng tăng tại các cửa khẩu ở biên giới với Mexico nơi mà các khu tạm trú đã quá tải.
Trong khi đó có hai trẻ em thiệt mạng khi bị giam giữ trong cơ sở của biên phòng sau khi vào Mỹ bất hợp pháp.
“Hệ thống đã bị quá tải, và chúng ta phải làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và bảo vệ những người dễ bị tổn thương,” bà Nielsen cho biết trong một thông cáo được công bố hôm 29/12 sau khi bà có chuyến đi đến El Paso, Texas, một trong những cửa khẩu vượt biên tấp nập nhất ở Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-thay-%C4%91%E1%BB%95i-ra-sao-trong-n%C4%83m-qua-/4729902.html
Con số thống kê tốt đẹp về việc làm
cho thấy kinh tế Mỹ vững mạnh
Các chủ hãng ở Mỹ đã tuyển dụng nhiều nhân viên nhất trong 10 tháng tính đến tháng 12/2018 trong khi cũng đã tăng lương, điều này là chỉ dấu về sức mạnh bền vững của nền kinh tế, có thể làm giảm nỗi lo về nguy cơ tăng trưởng bị giảm tốc một cách đột ngột.Báo cáo về việc làm của Bộ Lao động hôm 4/1, với các số liệu lạc quan, hoàn toàn trái ngược với các báo cáo trong tuần này cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã sụt giảm lần đầu tiên trong 19 tháng tính đến tháng 12/2018, cùng lúc, sản lượng đã giảm hơn trước ở phần lớn châu Âu.
“Báo cáo về việc làm này cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có đà tiến lớn đáng kể”, ông Paul Ashworth, kinh tế gia hàng đầu của Capital Economics ở Toronto, nhận xét.
Danh sách hưởng lương trong các ngành phi nông nghiệp đã tăng vọt thêm 312.000 việc làm vào tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2018. Dữ liệu về tháng 10 và tháng 11 được điều chỉnh lại cho thấy các con số đã được báo cáo trước đó còn tăng thêm 58.000 việc làm nữa. Nền kinh tế đã tạo ra 2,6 triệu việc làm trong năm ngoái so với 2,2 triệu vào năm 2017.
Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,11 đô la, tương đương 0,4% trong tháng 12, sau khi tăng 0,2% trong tháng 11. Điều này đã nâng tỷ suất tăng lương hàng năm lên 3,2%, từ mức 3,1% trong tháng 11. Mức 3,2% cũng ngang với mức tăng của tháng 10. Số giờ làm việc trung bình trong một tuần tăng lên 34,5 giờ trong tháng 12 so với 34,4 giờ trong tháng 11.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% từ mức của tháng 11 là 3,7%, là mức thấp nhất trong gần 49 năm, khi thị trường lao động vững mạnh đã giúp khoảng 419.000 người Mỹ thoát cảnh thất nghiệp.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, hay còn gọi là tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi lao động có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm, đã tăng 0,2 điểm phần trăm lên mức 63,1%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Bản báo cáo tốt đẹp về việc làm nhiều khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang vẫn tiếp tục lịch trình tăng lãi suất trong năm nay, động thái đó làm sâu sắc thêm những xung đột với Phố Wall và Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang và chủ tịch của Cục, ông Jerome Powell, về việc liên tục tăng lãi suất.
https://www.voatiengviet.com/a/con-so-thong-ke-tot-dep-ve-viec-lam-cho-thay-kinh-te-my-vung-manh/4729222.html
Vì sao Microsoft đang thịnh, Apple sa sút?
3 giờ trướcChỉ mới vài tháng trước, Apple là công ty đầu tiên được thị trường đánh giá trị giá một ngàn tỉ đôla.
Người tài cũng cần gặp thời mới thành công?
Robot liệu có cai trị con người?
Ngày 4/1/2019, Microsoft đang là công ty có giá nhất thế giới, khoảng 760 tỉ đôla, tiếp theo là Amazon 745 tỉ, Alphabet (công ty mẹ của Google) 720 tỉ. Còn Appe chỉ còn là công ty lớn thứ tư thế giới, 685 tỉ đôla.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Microsoft đã bỏ xa các đối thủ trên thị trường chứng khoán. Đến cuối năm, Microsoft vượt lên Apple để trở thành công ty đại chúng lớn nhất thế giới – đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Microsoft làm được vậy.
Tuần này, Apple làm Phố Wall sốc khi ra cảnh báo doanh thu lần đầu tiên sau 16 năm.
Chuyện gì đã xảy ra?
Trog thư gửi cổ đông, tổng giám đốc Apple, Tim Cook, gợi ý Trung Quốc là nguyên do chính. Trung Quốc đã là thị trường khổng lồ cho Apple, nhưng doanh thu gần đây đã không đạt chỉ tiêu.
Ông Cook cũng nói về “một số thị trường phát triển” – có vẻ ám chỉ Mỹ và châu Âu – mà tại đó, tỉ lệ nâng cấp điện thoại mới giảm đi.
Michael Gartenberg, cựu giám đốc tiếp thị ở Apple, bình luận: “Đây là lúc chúng ta sẽ chứng kiến Tim Cook thực sự bị thử thách.”
Apple đã tăng trưởng với sự ra đời của máy nghe nhạc iPod năm 2001, cửa hàng iTunes năm 2003, rồi sau đó là iPhone lần đầu ra mắt năm 2007.
Khi mà cả thế giới dường như ai cũng đã có điện thoại, liệu Apple có cần ra mắt sản phẩm sáng tạo mới để duy trì tăng trưởng?
Ngân sách nghiên cứu của Apple năm ngoái tăng 23%, ở mức 14,2 tỉ đôla.
Công ty mới đây đã tuyển dụng cựu thiết kế gia của Tesla Andrew Kim và người là thiết bị thực tế ảo Oculus VR Dorian Dargan. Điều này thể hiện tham vọng của Apple trong lĩnh vực vận tải và thực tế ảo.
Dự kiến Apple sẽ sớm ra mắt dịch vụ video cạnh tranh với Netflix.
Trong quý vừa qua, các sản phẩm gần đây của Apple như Apple Watch và AirPod có doanh thu tăng gần 50%.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư e ngại Apple sẽ không tìm ra sản phẩm nào thành công bằng iPhone.
Chỉ sau vài tháng, giá trị thị trường của Apple đã mất khoảng 400 tỉ đôla. Để so sánh, giá trị thị trường của Facebook hiện khoảng 380 tỉ đôla.
Trong bối cảnh này, tại sao Microsoft có vẻ bỗng dung thăng tiến?
Microsoft thành lập năm 1975, Apple năm 1976.
Nhờ sản phẩm Windows ra mắt năm 1985, Microsoft đã trở thành công ty lớn hàng đầu vào khoảng giai đoạn 1999-2000 trong khi Apple đứng bên vực khủng hoảng.
Người sáng lập Microsoft Bill Gates lúc đó nói về Steve Jobs, người đứng đầu Apple: “Ông ta biết ông ta không thể thắng đâu.”
Bill Gates nói sớm quá. Chưa đầy hai năm sau, Apple sống dậy nhờ iPod, và rồi là iPhone năm 2007.
Đến năm 2010, Apple đã có giá trị cao hơn Microsoft. Năm 2015, Apple có giá 683 tỉ đôla, còn Microsoft chưa đầy một nửa con số đó.
Nhiều người trách cứ Steve Ballmer, người kế vị Bill Gates từ 2000 đến 2014.
Satya Nadella, tổng giám đốc Microsoft từ tháng 2/2014, quyết định bớt quan tâm tới hệ điều hành Windows và các phần mềm nổi danh của công ty, mà tập trung vào phần mềm cho công ty thương mại và vi tính đám mây.
Microsoft bỏ ra 26,2 tỉ đôla để mua lại Linkdin, mạng xã hội cho doanh nhân, năm 2016
Ông Nadella nhận ra rằng khu vực khách hàng công ty sẽ muốn mô hình đăng ký dùng phần mềm đám mây.
Microsoft bắt đầu bán phiên bản thương mại của Office 365 (bộ phần mềm gồm cả Word và Excel) theo mô hình đám mây.
Từ đó, Microsoft lại có thể bán cho các công ty các sản phẩm ăn theo như lưu trữ file trên mạng. Điều này giúp Azure, thuộc sở hữu Microsoft, trở thành dịch vụ đám mây lớn thứ nhì thế giới.
Câu chuyện thành công nào cũng phải kèm theo may mắn.
Microsoft không ngoại lệ. Dịch vụ tìm kiếm Bing của họ đủ nhỏ để không bị chính giới săm soi về tính riêng tư như với Google.
Dịch vụ phần cứng của họ – máy tính Surface và máy trò chơi Xbox – cũng đủ nhỏ để không nảy sinh vấn đề khi khách hàng giảm, hay xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Thế gian lúc thịnh lúc suy. Liệu Apple có phục hồi, hay Microsoft có duy trì tăng trưởng, sẽ là những bài học đáng giá trong tương lai.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46769470
Căng thẳng Bắc Kinh-Ottawa:
Sáu nghị sĩ Canada đến Trung Quốc
Thanh HàNgày 05/01/2019, một phái đoàn gồm 6 dân biểu và thượng nghị sĩ Canada bắt đầu công tác tại Trung Quốc trong nhiều ngày. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Ottawa và Bắc Kinh nguội lạnh từ sau vụ tư pháp Canada bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi. Để trả đũa, Trung Quốc đã tống giam hơn một chục công dân Canada.
Phái đoàn Canada sẽ dừng chận tại Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông. Chuyến đi đã được dự trù từ lâu, nhưng đặc biệt thu hút chú ý từ sau vụ giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Vancouver hôm 05/12/2018. Chính quyền Ottawa cho biết, trong ba tuần qua, đã có 13 công dân Canada đã bị bắt giữ trên lãnh thổ Trung Quốc.
Các dân biểu Canada kỳ vọng chuyến công tác lần này sẽ góp phần thuyết phục Bắc Kinh nhanh chóng trả tự do cho các công dân Canada. Thông tín viên đài RFI, Pascale Guericolas từ Quebec giải thích thêm :
“Sáu dân biểu và thượng nghị sĩ Canada ý thức rằng họ ở trong thế của người làm xiếc đi dây khi đề cập đến trường hợp của các ông Michael Kovrig và Michael Spavor với phía Trung Quốc. Cả hai đã bị bắt giữ từ nhiều tuần qua, nhưng phía Bắc Kinh không nêu lên các lý do chính thức.
Một mặt các dân biểu Canada muốn tránh làm phật lòng các giới chức Trung Quốc khi đòi tự do ngay lập tức cho các ông Kovrig và Spavor, mặt khác phái đoàn Canada cũng muốn là hai ông này phải được hoàn toàn tự do bào chữa, bởi vì kể từ khi bị bắt, hai người này mới chỉ được tiếp xúc với đại sứ Canada tại Trung Quốc có một lần.
Theo giải thích của phía Trung Quốc, các ông Kovrig và Spavor vi phạm luật pháp tại quốc gia họ đang cư ngụ. Phái đoàn Canada hy vọng giải thích với phía Bắc Kinh là Ottawa không có sự chọn lựa nào khác khi ban hành lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi trong lúc bà quá cảnh tại Vancouver.
Canada và Mỹ đã đạt một thỏa thuận bắt buộc đôi bên phải tôn trọng lệnh dẫn độ của nhau. Một thượng nghị sĩ thuộc cánh tự do dẫn đầu phái đoàn Canada muốn giải thích với chính quyền Trung Quốc, là qua việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Ottawa chỉ thi hành bổn phận về mặt pháp lý”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190105-cang-thang-ngoai-giao-bac-kinh-ottawa-sau-dan-bieu-canada-den-trung-quoc
Tổng thống Bolsonaro
sa thải 300 công chức bị cho là ‘thiên tả’
Trong tuần đầu năm 2019, Tổng thống Jair Bolsonaro ra lệnh sa thải 300 công chức bị cho là theo tư tưởng ‘xã hội chủ nghĩa và cộng sản’ ở Brazil.Khi còn tranh cử, ông Bolsonaro, 63 tuổi, cựu đại uý quân đội từng tuyên bố rằng lá cờ xanh-vàng của Brazil ‘sẽ không bao giờ có màu đỏ’.
Sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Cộng hòa Brazil hôm 1/1/2019, chính phủ Bolsonaro ra quyết định trong tuần:
Chuẩn bị để chuyển đại sứ quán Brazil ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, bày tỏ xu thế thân chính quyền Netanyahu cũng thuộc phe hữu;
Sa thải ngay 300 nhân viên, quan chức làm hợp đồng vì lý do họ theo ý thức hệ ‘xã hội chủ nghĩa’ hoặc ‘cộng sản’;
Ông Bolsonaro tỏ ý sẵn sàng để Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự ở Brazil nhằm phòng ngừa Nga;
Chính phủ của ông cũng nói sẽ cải cách kinh tế, cắt giảm chi tiêu cho hệ thống hưu bổng và phúc lợi của người thiểu số.
Theo BBC Monitoring, truyền thông Brazil và các nước Nam Mỹ chú ý đến tuyên bố của ông Jair Bolsonaro “giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa xã hội”.
“Jair Bolsonaro hứa bảo vệ nền dân chủ Brazil bằng cách giải phóng nước này khỏi dây trói ý thức hệ,” báo El Mercurio ở Chile đăng bài hôm 2/1.
Cựu Tổng thống Lula của Brazil bị kết tội tham nhũng
TQ chúc mừng Jair Bolsonaro vì lo ngại?
Bầu cử Brazil: ứng viên cực hữu tỏ ra ‘cứng rắn’
Hai phi cơ ném bom Nga sang Venezuela làm gì?
Báo Argentina, La Nacion thì nhắc lại rằng lãnh đạo Brazil hứa “tái lập trật tự, chống tham nhũng và giải phóng khỏi CNXH”.
Báo Colombia, El Colombiano hôm 2/1 chạy tựa”
“Thời đại Bolsonaro bắt đầu.”
Từ Guatemala, báo Prensa Libre có bài với tựa đề nhấn mạnh quan điểm thiên vị tôn giáo của tân Tổng thống Brazil, “người đặt Thượng Đế lên trên tất cả”, và đang muốn phục hồi các giá trị truyền thống.
Trả lời đài SBT TV, ông Jair Bolsonaro nói ông sẵn sàng để Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Brazil vì có lo ngại quan hệ chặt chẽ của Nga với nước láng giềng Venezuela, theo Reuters hôm 3/1.
Làn sóng thiên hữu
Trang Cubadebate của chính phủ Cuba ghi nhận chính quyền Jair Bolsonarolà “cực hữu” và đang rời đi khỏi các liên minh ở các quốc gia đang phát triển.
Trong quá khứ, ông Bolsonaro thường cáo buộc các đối thủ chính trị là ‘phe đỏ’ và nói thành viên Đảng Lao động Brazil (PT) “tốt nhất là vào tù hoặc đi sống lưu vong”.
Hồi tháng 10/2018, khi ông Bolsonaro mới là ứng viên tổng thống nhưng đã tung ra nhiều khẩu hiệu tranh cử nhắm vào phe tả Brazil, báo Anh, tờ The Independent có bài bình luận nói về xu thế độc đoán mới ở quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ.
Ngay từ khi đó, các nhóm vận động chống phe tả đã dùng ứng dụng nhắn tin WhatsApp -để tung ra làn sóng tin giả nhằm thu hút cử tri.
Hậu quả là, theo bài báo, nhiều cư dân Brazil tin rằng đảng cánh tả PT không khác gì một băng đảng mafia kiểu như Sinaloa ở Mexico cộng với Liên Xô thời Stalin.
Một phần dân số Brazil tin rằng PT tìm cách ‘xây dựng nền độc tài cộng sản’.
Nhưng bài báo khi đó đã viết rằng nếu thắng cử, ông Bolsonaro sẽ tìm cách đặt PT ra ngoài vòng pháp luật và sẽ gọi các hội đoàn giúp người mất đất, người vô gia cư là “khủng bố”.
Sau khi ông Bolsonaro lên cầm quyền, tuần này, các báo khu vực cũng nói sau một thập niên cầm quyền của Đảng Lao động (2003 -2016), dưới thời các tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva và Dilma Rousseff, chính trị Brazil nay hoàn toàn ngả về phía cực hữu.
Phe tả Brazil từng đấu tranh vì quyền lợi của người lao động và bảo vệ các giá trị quốc tế, chống lại nền độc tài quân sự ở nước này trong các thập niên sau Thế Chiến 2.
Tuy nhiên, chính quyền của các tổng thống cánh tả Lula da Silva và Rousseff cũng gây thất vọng vì các vụ scandal.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46761749
Khu vực kêu gọi Tổng thống Venezuela ra đi
Mexico hôm 4/1 đã từ chối cùng với các nước khác trong khu vực gây sức ép yêu cầu Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đừng nhậm chức cho nhiệm kỳ mới trong tháng này.Đây là lần đầu tiên Mexico không ký vào Tuyên bố chung của Khối Lima vốn ra đời nhằm để gây sức ép buộc Caracas thực hiện những cải cách dân chủ.
Mexico từng là một trong những quốc gia chỉ trích ông Maduro mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên quan hệ giữa hai nước đã nồng ấm trở lại dưới chính quyền của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador theo cánh tả, người đã hứng chịu chỉ trích vì đã mời ông Maduro đến dự lễ nhậm chức của ông hồi tháng trước.
Mexico nói với Khối Lima rằng họ muốn giữ kênh liên lạc ngoại giao với Caracas để giúp tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này, một nguồn tin chính phủ Peru cho biết với điều kiện giấu tên.
Mexico vẫn nằm trong Khối Lima, nguồn tin giấu tên này và một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mexico cho hay.
Các thành viên còn lại của Khối Lima, trong đó có các nước Canada, Brazil, Argentina, Colombia, Chile và Peru, nói rằng họ sẽ không công nhận nhiệm kỳ mới của ông Maduro bởi vì cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái không hề tự do cũng không công bằng, theo tuyên bố chung mà họ ký kết.
Họ cũng đồng ý tái đánh giá lại mối quan hệ ngoại giao với Venezuela và ngăn cấm những quan chức Venezuela cấp cao vào đất nước của họ miễn là luật pháp sở tại cho phép, tuyên bố cho hay.
https://www.voatiengviet.com/a/khu-v%E1%BB%B1c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-venezuela-ra-%C4%91i/4729898.html
Pháp: Áo Vàng xuống đường trở lại
tiếp tục thách thức chính phủ Macron
Trọng NghĩaVào hôm nay, 05/01/2019, trong sự kiện được mệnh danh là « Hồi VIII » của phong trào phản kháng, những người Áo Vàng lại xuống đường ở Paris cũng như nhiều thành phố khác trên lãnh thổ Pháp. Theo các nhà quan sát, quy mô các cuộc biểu tình hôm nay sẽ là bài trắc nghiệm về sức mạnh của phong trào Áo Vàng, mà sức động viên có phần giảm sút hẳn vào cuối năm, trong lúc chính phủ Pháp đã tung ra những tín hiệu cứng rắn nhằm tái lập trật tự trị an.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, từ buổi sáng, những người biểu tình đã bắt đầu tụ tập tại nhiều địa điểm tiêu biểu ở các thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Toulouse, Lyon…
Tại Paris, nhân Hồi VIII của phong trào đấu tranh, những người Áo Vàng đã chính thức đăng ký hai cuộc biểu tình với sở Cảnh Sát: Một cuộc tuần hành từ Quảng Trường Tòa Đô Chính (Place de l’Hotel-de-Ville) đến trụ sở Quốc Hội Pháp vào cuối buổi trưa, và một cuộc tập hợp trên đại lộ Champs-Elysées nơi được những người Áo Vàng rất ưa chuộng trong những đợt biểu tình trước đây.
Theo một phóng viên AFP, vào khoảng 11 giờ sáng, đã có khoảng 500 hay 600 người Áo Vàng tụ tập gần Khải Hoàn Môn, Paris, bày tỏ quyết tâm biểu tình tại nơi này mỗi thứ Bảy, cho đến khi « công dân giành lại được quyền hành ».
Đối với hãng tin Pháp, Hồi VIII của phong trào Áo Vàng hôm nay là một bài trắc nghiêm về sức huy động của những người muốn tiếp tục phản kháng. Từ 282.000 người tham gia khi phong trào bắt đầu rầm rộ hôm 17/11/2018, số người biểu tình đã giảm dần xuống còn khoảng 12.000 nhân Hồi VII ngày 29/12 vừa qua.
Đây cũng là một bài trắc nghiệm đối với chính phủ Macron, đã quyết định nhượng bộ trước một số đòi hỏi của những người Áo Vàng, nhưng trong những ngày đầu năm đã cam kết tái lập lại « trật tự của nền Cộng Hòa ».
Một số hành động và tuyên bố cứng rắn của chính quyền đã được thực hiện trong những ngày qua như phát biểu hôm qua, 04/01/2019, của phát ngôn viên chính phủ Benjamin Griveaux, theo đó phong trào đã biến chất thành nơi hành động của những « kẻ kích động nổi dậy và lật đổ chính phủ. ».
Chính quyền cũng đã câu lưu một trong những gương mặt nổi bật của phong trào Áo Vàng, làm dấy lên những phản ứng bất bình của các đảng đối lập cực hữu cũng như cực tả.
http://vi.rfi.fr/phap/20190105-phap-ao-vang-xuong-duong-tro-lai-de-thach-thuc-chinh-phu-macron
Nga và cuộc săn lùng kho báu của Hoàng đế Napoleon
Tin tức đó đây…… do BBC Monitoring thu lượmMột sử gia người Nga đưa ra thuyết mới về huyền thoại Hoàng đế Napoleon của Pháp giấu các toa xe chở đầy báu vật cướp được trong cuộc lui quân thảm hại của mình từ Moscow hồi 1812.
Viacheslav Ryzhkov nói rằng những người đi săn tìm kho báu từ suốt 200 năm nay đã đi tìm sai chỗ, và nói với một tờ báo địa phương, Rabochy Put, rằng họ cần phải để ý tới thị trấn quê hương ông mới đúng – thị trấn Rudnya gần với biên giới Belarus.
Cộng sản, Bạch vệ và kho báu Sa Hoàng
Cộng sản, Sa hoàng, cướp biển Viking và nước Nga
Từ lâu nay đã có những đồn đoán rằng thất bại thê thảm Grande Armée khiến việc mang theo 80 tấn vàng và nhiều của cải châu báu khác mà binh lính của Napoleon cướp được ở Moscow trở nên quá khó khăn, cho nên số tài sản này đã được chôn cất trên đường rút về Pháp.
Người ta chưa từng tìm được bất kỳ dấu vết gì, nhưng Philippe de Ségur, một trong số những người thân cận của Napoleon, nói rằng kho báu đã được đổ xuống Hồ Semlevo ở Vùng Smolensk.
Địa điểm này nghe có vẻ đáng tin, bởi quân Pháp đã bỏ lại một lượng lớn vũ khí đạn dược ở nơi gần đó.
Một số các quan chức, các nhà khảo cổ và những người đi săn lùng kho báu người Nga đã tìm kiếm hồ nước này kể từ thời thập niên 1830, nhưng không đạt kết quả nào.
Tuy nhiên, các sử gia khác cho rằng lời nói của Tướng de Ségur là nhằm hướng sự chú ý ra khỏi nơi cất giấu thực sự, và nói rằng Sông Berezina ở Belarus nhiều khả năng là một địa chỉ đúng. Tuy nhiên, một cuộc tìm kiếm do Pháp và Belarus phối hợp thực hiện hồi 2012 đã không tìm được gì.
Giả thuyết mà ông Viacheslav Ryzhkov nói với truyền thông quốc gia Nga trong dịp Năm Mới có sức hấp dẫn nhất định, bởi cách phân tích khá phong phú của ông đối với những gì đã xảy ra.
‘Đoàn xe nghi binh’
Ông tin rằng Napoleon đã cho một đoàn xe giả làm đoàn xe chở kho báu để đánh lừa gián điệp Nga rằng số tài sản được bỏ lại Hồ Semlevo, trong lúc bản thân hoàng đế và kho báu thật đã được đưa theo ngả phía nam, về hướng Rudnya và Hồ Bolshaya Rutavech gần đó.
Tại đó, Napoleon đã cho xây một lối đi dẫn ra giữa hồ, và vàng cùng châu báu được đem cất giấu cẩn thận trong một mô đất bùn dưới đáy hồ.
Để củng cố cho giả thuyết này, ông Ryzhkov nêu ra những lời kể của dân địa phương về lối đi dẫn ra giữa hồ, vốn đã dần bị mòn mục sau năm 1812, và một phân tích hồi 1989 cho thấy hàm lượng ion bạc cao đến mức bất thường ở nước hồ.
Các phóng viên đặc biệt chú ý đến chi tiết trong tuyên bố của ông rằng “với thiết bị và các chuyên gia thích hợp, kho báu sẽ có thể được lấy lên từ dưới lớp bùn nơi đáy hồ.”
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục.
Người săn lùng kho báu chuyên nghiệp Vladimir Poryvayev là người mà truyền thông Nga thường tìm đến để hỏi về số vàng của Napoleon. Ông cũng là người đã dành nhiều năm lần tìm dấu vết khối tài sản được đề cập đến.
“Chỉ là tưởng tượng. Từ hàng thế kỷ nay các sử gia và các nhà lưu trữ hồ sơ đã ghi nhận mức độ di chuyển hàng ngày của Napoleon trong chiến dịch ở Nga… Hoàn toàn không thể có chuyện ông ấy bỏ lại đội quân của mình và bỏ đi với ‘các toa xe chất đầy vàng’, cần đến 400 ngựa kéo, ông nói với tờ báo lá cải Moskovsky Komsomolets
‘Hoàn toàn hoang tưởng’
Về giả thuyết lối đi dẫn ra giữa hồ, ông Poryvayev tỏ ra dửng dưng không kém.
“Cần vài trăm kỵ binh Pháp làm việc trong nhiều ngày mới có thể xây xong trong cái lạnh của mùa thu, rồi lại phải xây dựng một hầm ngầm dưới nước để chứa hàng tấn châu báu nữa? Họ có các thiết bị thợ lặn không? Hoàn toàn là chuyện hoang tưởng.”
Napoleon và một số chuyện về sau
Waterloo – Lịch sử trừng phạt kẻ đến muộn
Chuyên gia săn kho báu này đặt câu hỏi khi nào thì ông Ryzhkov sẽ cung cấp một số bằng chứng để củng cố cho thuyết của mình ngoài việc hàm lượng ion bạc trong nước, khi mà Hồ Semlevo cũng có hàm lượng cao, mà nguyên nhân là do các điều kiện đất tự nhiên của Vùng Smolensk.
Một khả năng khác nữa là Bolshaya Rutavech, bên cạnh năm hồ nước khác trong cùng hệ thống hồ, đã được bảo vệ đặc biệt về môi trường kể từ 1975 tới nay.
Các xuồng gắn motor bị cấm, thậm chí việc câu cá cũng chỉ được thực hiện từ bờ hồ, cho nên việc tiến hành khai quật lớn lòng hồ có thể sẽ gây giận dữ.
Vladimir Poryvayev nói mọi người tới gặp ông với những ý tưởng sáng tạo về vị trí có vàng nhiều lần mỗi năm, tuy không phải mọi giả thuyết đều hấp dẫn như thuyết đoàn tàu nghi binh Rudnya.
Nhưng ông không hoàn toàn bi quan, và nói rằng kho báu của Napoleon có thể vẫn đang tồn tại. “Nó hầu như sẽ là được tình cờ tìm thấy,” ông kết luận.
Martin Morgan tường thuật
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46760743
Nhật và Nga bắt tay ngăn sức mạnh TQ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang nỗ lực khép lại tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ sau Thế chiến thứ hai trong bối cảnh hai nước cùng muốn chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.Trong nhiều sự kiện quốc tế dồn dập cuối năm 2018, có một chiến dịch ngoại giao diễn ra ở Đông Bắc Á ít ồn ào nhưng dự báo có tầm ảnh hưởng lớn: Nga và Nhật tìm cách ký hiệp ước hòa bình. Sau đây là bài phân tích của chuyên gia HIROYUKI AKITA trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật:
Các chuyên gia nhận định đã đến lúc Tokyo và Matxcơva vượt qua mối bất hòa “lãnh thổ” kéo dài hàng chục năm qua để tiến tới bình thường hóa quan hệ. Bước đi này sẽ làm thay đổi cán cân địa chính trị châu Á theo hướng có lợi cho cả hai bên.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hạ quyết tâm chấm dứt tranh chấp và ký hiệp ước hòa bình với Nga trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, các cố vấn thân cận của ông cho biết.
“Đây không phải là theo đuổi danh vọng hay công lao, nó thuộc về cảm giác trách nhiệm” – một người mô tả tình thế hiện tại.
Chiến lược của ông Abe là lấy lại đảo Habomai và Shikotan trước, sau đó tiếp tục thương lượng hai đảo Etorofu và Kinashiri.
Tuy nhiên, điều này gần như đồng nghĩa Tokyo phải từ bỏ chủ trương đòi lại toàn bộ Lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril), và nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Thủ tướng Nhật.
Về phía Nga, ông Putin cũng ở vào thế khó, nhượng đảo cho Nhật – dù chỉ 2 đảo nhỏ, sẽ vấp phải chỉ trích từ dư luận.
Hôm 17-12-2018, Ngoại trưởng Sergey Lavrov ra điều kiện là Nhật phải công nhận kết quả của Thế chiến thứ hai (tức công nhận chủ quyền của Nga với 4 đảo tranh chấp), trước khi hai nước có thể bắt đầu thương lượng.
Nga rất muốn tháo nút thắt cuối cùng trong quan hệ với Nhật giữa lúc năng lực quân sự và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng. Về lâu dài, mở rộng quan hệ kinh tế với Nhật còn giúp Matxcơva giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nếu ông Abe từ bỏ được mục tiêu đòi lại cả 4 đảo để theo đuổi quan hệ với Nga, ông Putin sẽ rất thuận lợi vì Matxcơva có thể dàn xếp vụ này với tối thiểu nhượng bộ.
Hai đảo Habomai và Shikotan chỉ tương đương 7% diện tích 4 đảo tranh chấp cộng lại, do đó chính quyền Nga sẽ dễ thuyết phục công chúng hơn.
Ngoài ra, đây còn lại dịp để Nga đặt thêm điều kiện. Trong chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng 10-2018, ông Nikolai Patrushev – cố vấn của Tổng thống Putin, đã yêu cầu Tokyo phải hứa không cho quân đội Mỹ đồn trú trên hai đảo Habomai và Shikotan nếu chúng được trả lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đưa ra yêu sách tương tự với Tổng tham mưu trưởng Katsutoshi Kawano khi phái đoàn Lực lượng Phòng vệ Nhật công du đến Nga sau đó.
Trong cuộc hội đàm ngày 14-11-2018, Thủ tướng Abe (trái) và Tổng thống Putin đồng ý thúc đẩy một hiệp ước hòa bình dựa trên tuyên bố chung năm 1956 giữa Liên Xô và Nhật – Ảnh: REUTERS
Theo các nguồn tin ngoại giao và an ninh Nhật, Thủ tướng Abe có 2 lý do để chốt sớm thỏa thuận bất chấp đòi hỏi của người Nga.
Thứ nhất, ông cho rằng thời gian càng trôi qua, Nhật càng bất lợi. Bốn hòn đảo đã ở trong tay Nga hơn 70 năm, nhiều người dọn đến đó sống và Matxcơva đã cho xây nhiều hạ tầng dân sự lẫn quân sự.
Ông Abe nhận định thời gian trôi qua, người Nga càng có ít lý do để trả lại đảo, dù chỉ 1 chứ đừng nói 2. Nói cách khác, ông muốn “cắt lỗ” ngay bây giờ!
Lý do thứ hai là tiềm năng hợp tác chiến lược với Nga. Matxcơva thừa hiểu Trung Quốc đã trở nên mạnh và có sức ảnh hưởng hơn, dù không công khai nói ra.
Một khi tranh chấp lãnh thổ giải quyết xong, Nhật và Nga có thể thắt chặt quan hệ đối ngoại và an ninh, đủ sức hóa giải bất cứ đe dọa tiềm tàng nào từ Trung Quốc.
“Tôi tin rằng Thủ tướng Abe cùng chia sẻ mối quan tâm này, rằng hiện trạng quan hệ bây giờ là không bình thường. Cả Nhật và Nga cùng muốn sửa chữa quan hệ, không chỉ vì chúng ta muốn thứ gì đó từ Nhật ở góc độ kinh tế” – ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo thường niên ở Matxcơva tuần trước.
Nhìn chung, nếu tranh chấp lãnh thổ Nga – Nhật có bước đột phá, bức tranh địa chính trị châu Á sẽ thay đổi đáng kể.
Trong năm 2019, các động thái của hai nước sẽ được quốc tế theo dõi sát khi các cuộc thương lượng chính thức bắt đầu.
http://biendong.net/bi-n-nong/25601-nhat-va-nga-bat-tay-ngan-suc-manh-tq.html
Tây Ban Nha trở thành mục tiêu
của di dân vượt Địa Trung Hải
Tây Ban Nha đã thay thế Ý trở thành nơi được các di dân vượt Địa Trung Hải chọn là điểm đến ở châu Âu, theo đánh giá của Liên minh châu Âu được công bố hôm 4/1.Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển Frontex cho biết khoảng 150.000 người vào EU bằng cách vượt biên hồi năm 2018, con số ít nhất trong năm năm và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn một triệu người hồi năm 2015.
Số lượng di dân đến Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi lên 57.000 người khiến cho tuyến đường di cư từ Ma-rốc đến bán đảo Iberia là con đường tấp nập nhất ở châu Âu và chủ đề di dân trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu ở Tây Ban Nha trước các cuộc bầu cử trong năm nay.
Số di dân đến Ý đã giảm 80% xuống còn khoảng 23.000 người, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Nước Ý đã có những biện pháp ngăn chặn di dân được cứu nạn cập bến tại nước họ.
Số di dân đến Hy Lạp và đảo Síp thông qua con đường đông Địa Trung Hải tăng lên 56.000 người, đa số là đến từ Afghanistan, Syria hay Iraq.
Lực lượng tuần dương Tây Ban Nha cho biết họ đã dừng đăng thông tin thường xuyên về việc giải cứu các di dân trên biển lên mạng xã hội mặc dù họ vẫn cung cấp thông tin cho các nhà báo gọi điện hỏi.
Quyết định này đã dẫn đến chỉ trích từ đảng cực hữu mới Vox mà thông điệp trung dung, chống di dân của họ đã bất ngờ giúp họ giành được 12 ghế trong cuộc bầu cử địa phương ở Andalusia hồi tháng trước.
Lãnh đạo Đảng Vox Santiago Abascal đã nhắm vào Thủ tướng Pedro Sanchez của Đảng Xã hội để chỉ trích. Ông Sanchez đã đề xuất nhận di dân, bao gồm hơn 600 người chủ yếu từ vùng hạ Sahara của châu Phi trên một con tàu từ thiện bị mắc kẹt.
“Thật là khó tin chính phủ đang che giấu những con số trong thảm kịch mà ông Pedro Sanchez gây ra,” ông Abascal viết trên Twitter. Ông nói rằng ông Sanchez trên thực tế đang khuyến khích di dân tìm đường đến Tây Ban Nha.
Đảng Vox đang giành được thêm nhiều ủng hộ trong các cuộc thăm dò dự luận, nhưng có sự khác biệt lớn giữa các cuộc thăm dò này. Một cuộc thăm dò chính thức hôm 4/1 cho thấy họ có thể giành được 3,7% số phiếu nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngày hôm nay, chỉ vài ngày sau khi một cuộc thăm dò của Sigma Dos cho thấy họ sẽ giành được 13%.
https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%A2y-ban-nha-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-c%E1%BB%A7a-di-d%C3%A2n-v%C6%B0%E1%BB%A3t-%C4%91%E1%BB%8Ba-trung-h%E1%BA%A3i/4729892.html
Đài Loan và giải pháp ‘một nước, hai chế độ’?
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 nói bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan.Đây là phản ứng mới nhất của bà Thái sau diễn văn hôm 2/1 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó, ông Tập nhấn mạnh phải thống nhất Đài Loan và Trung Quốc.
Bà Thái có buổi gặp 47 phóng viên nước ngoài hôm 5/1.
Bà nói mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của Trung Quốc và Đài Loan.
Khi được hỏi chính phủ của bà sẽ nói chuyện với Bắc Kinh không, bà nói không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải “đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với chúng tôi”.
Từ đầu năm 2019, dư luận ở Đài Loan và Hong Kong tranh luận về thông điệp “Một quốc gia, hai chế độ” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tới Đài Loan.
Tập Cận Bình: Đài Loan ‘phải và sẽ’ hợp nhất với TQ
Du khách Việt trốn lại Đài Loan và danh dự dân tộc
Dân chủ Hồng Kông đang lung lay hơn bao giờ hết?
Vào hôm 2/1, ông Tập có bài phát biểu về Đài Loan, mang nhan đề “Cùng phấn đấu vì thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy hoà bình thống nhất đất nước”.
Trong bài, ông Tập đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan “một nước hai chế độ”, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình.
Theo báo chí Trung Quốc, trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nói phương án Đài Loan theo “Một quốc gia, hai chế độ” sẽ khác với mô hình Hong Kong và Macau, “sẽ chiếu cố đầy đủ đến phúc lợi của nhân dân hai bờ, trong tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, vị thế, chế độ xã hội, phương thức sống, lợi ích của Đài Loan đều sẽ được tôn trọng và đảm bảo đầy đủ, và sẽ ban hành chế độ liên quan”.
Phản ứng diễn văn này, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố: “Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận cơ sở một nước hai chế độ.”
Trang tin Đài Loan Taiwan News hôm 3/1 dẫn lại khảo sát năm 2018 của Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan. Theo đó, chỉ có 3% dân Đài Loan muốn thống nhất ngay, và chỉ có 12,5% muốn sau này thống nhất.
Diễn văn ngày 2/1 của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Tiền đồ của Đài Loan là ở thống nhất đất nước, phúc lợi của đồng bào Đài Loan gắn liền với phục hưng dân tộc; vấn đề Đài Loan phát sinh bởi dân tộc yếu và chiến tranh loạn lạc, tất sẽ kết thúc cùng với sự phục hưng dân tộc.”
Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 2/1 đăng xã luận nói: “Bất chấp tranh luận ở Hong Kong về một nước hai chế độ, đó vẫn là giải pháp tốt nhất cho Đài Loan. Giải pháp khác thì xấu cho tất cả.”
Còn trong mục bình luận của báo này, hôm 4/1, cây bút Alex Lo nói có nhiều lý do để ‘một nước hai chế độ’ sẽ thành công ở Đài Loan.
Alex Lo viết: “Quan hệ của Bắc Kinh với Đài Loan sau thống nhất có lẽ sẽ giống như Brussels với một nước thành viên EU, hơn là giữa Bắc Kinh với Hong Kong và Macau sau khi chuyển giao.”
“Đài Loan, tóm lại, có vị trí tốt hơn hơn Hong Kong để ‘một nước hai chế độ’ thành công.”
‘Đồng thuận 1992′?
Trang tin Đài Loan Taiwan News sang ngày 4/1 dẫn lại khảo sát qua phone của Hiệp hội Chính sách Lưỡng ngạn, thực hiện hôm 27/12, nói rằng 84,1% người Đài Loan được hỏi đã không chấp nhận cái gọi là “đồng thuận 1992″ về “nguyên tắc một Trung Quốc”.
“Đồng thuận 1992″ là một thuật ngữ của một chính khách Quốc dân đảng, Su Chi, đưa ra năm 2000 về một cuộc gặp năm 1992 giữa hai tổ chức của Bắc Kinh và Đài Loan.
Các bên có cách hiểu khác nhau về chữ này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng cùng nói cả Đại lục và Đài Loan cùng thuộc về “một Trung Quốc”.
Nhưng Bắc Kinh nói đảng cộng sản là đại diện chính thống của Trung Quốc, trong khi Quốc dân đảng nói Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) là đại diện chính thống.
Trong khi đó, đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn thì nói Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia riêng biệt.
Bắc Kinh đã nói rằng bất kỳ nhóm nào muốn có đối thoại chính thức với Bắc Kinh thì phải công nhận ‘đồng thuận 1992′.
Khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống năm 2016, bà từ chối công nhận “đồng thuận 1992″.
Kể từ đó, Trung Quốc gia tăng sức ép ngoại giao để loại Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế, và quan hệ giữa hai phía đã đóng băng.
Chủ tịch Quốc dân đảng Ngô Đôn Nghĩa ngày 4/1 lên tiếng giải thích về chữ ‘đồng thuận 1992′.
Theo trang Focus Taiwan, ông Ngô nói Quốc dân đảng xem ‘đồng thuận 1992′ nghĩa là cả hai phía đều tự do diễn giải ‘một Trung Quốc’ là gì.
Ông Ngô cũng bác bỏ ý của ông Tập Cận Bình rằng ‘một nước hai chế độ’ là nội dung trong ‘đồng thuận 1992′.
“Tự do diễn giải ‘một Trung Quốc’ chính là đồng thuận 1992,” ông Ngô tuyên bố hôm 4/1.
Cựu thị trưởng Đài Bắc Eric Chu của Quốc dân đảng cũng khẳng định ‘đồng thuận 1992′ và ‘một nước hai chế độ’ là hai chuyện khác hẳn nhau.
“Trung Hoa Dân Quốc luôn trung thành con đường dân chủ và tự do và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai,” ông Chu nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46763720
Đài Loan kêu gọi quốc tế ủng hộ độc lập,
Chủ tịch TQ ra lệnh cho quân đội chuẩn bị chiến đấu
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ ở trong nước cũng như quốc tế đối với độc lập của Đài Loan khỏi Trung Quốc.Lời kêu gọi này được đưa ra sau phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/1/2019, kêu gọi Đài Loan về với Trung Quốc như Macao hay Hong Kong, chấp nhật mô hình một đất nước, hai chế độ.
BàThái Anh Văn nói với các phóng viên báo chí tại Đài Bắc rằng bà không thể nào thấy được bất cứ một chính trị gia có trách nhiệm nào ở Đài Loan lại chấp nhận lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình vì nó không đúng theo mong muốn và nguyện vọng của người dân Đài Loan.
“Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý và phối hợp nỗ lực để lên tiếng thay mặt cho chúng tôi”, bà Thái Anh Văn nói.
Khi nói về phát biểu một nước, hai chế độ, bà Thái Anh Văn cho biết bà trông đợi các đảng chính trị ở Đài Loan tuyên bố chố bỏ một nhà nước hai chế độ và không có chuyện hai bên nói chuyện về thoả thuận 1992 về điều này.
Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn sau khi bà từ chối cái gọi là thoả thuận 1992 đã được những người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn chấp nhận mà theo đó Đài Loan và Trung Quốc là một phần của một nước và mỗi bên cho phép cách diễn giải riêng của mình về Trung Quốc,
Trong khi đó, vào ngày 4/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo các quan chức hàng đầu của Quân uỷ Trung ương phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn diện. Ông Tập Cần Bình yêu cầu tất cả các đơn vị quân đội hiểu chính xác các thách thức an ninh lớn và xu hướng phát triển của quốc gia, từ đó nâng cao ý thức về khó khăn, khủng hoảng và những cuộc chiến mà Trung Quốc có thể đối mặt bất cứ lúc nào.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-president-message-to-xi-01052019092410.html
Lãnh đạo Đài Loan lại phản bác
lời kêu gọi của ông Tập ‘về với đại lục’
Chủ tịch Trung Quốc nói “người Trung Quốc không nên đấu với người Trung Quốc” và cam kết đảm bảo toàn vẹn “chế độ, hệ thống xã hội cũng như lối sống của đồng bào Đài Loan”. Nhưng lãnh đạo Đài Loan nói không.Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc kêu gọi chấm dứt đối đầu quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng đã tới lúc Bắc Kinh và Đài Bắc có các bước đi chấm dứt sự chia cắt 70 năm giữa hai bên, gợi ý chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có thể sẽ phát huy tác dụng.
“Những chia cắt về mặt chính trị không nên kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác” – chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 2-1 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Ông Tập khẳng định việc tái thống nhất Đài Loan phải được thực hiện theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, nhấn mạnh “không ai và không một thế lực nào có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, cũng như thực tế lịch sử và pháp lý rằng cả hai bờ eo biển đều cùng là một Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để tái thống nhất và ngăn Đài Loan độc lập nhưng quân đội sẽ chỉ nhắm vào các thế lực và những phần tử gây chia rẽ đến từ bên ngoài.
“Người Trung Quốc không nên đấu với người Trung Quốc” – chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa hai bên không nên là trở ngại cho việc thống nhất, khẳng định nó có thể được giải quyết thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ” – cách tiếp cận được Bắc Kinh áp dụng khi thu hồi Hong Kong và Macau.
“Mục đích ban đầu của việc đưa ra mô hình một quốc gia, hai chế độ là dựa trên tình hình tại Đài Loan cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích của các đồng bào ở Đài Loan.
Hệ thống xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng hoàn toàn, các tài sản riêng, tôn giáo và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ toàn vẹn sau khi thống nhất hòa bình, và với điều kiện chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia được bảo đảm” – ông Tập cam kết.
Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu của ông Tập, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ”, nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển cần phải dựa trên nguyên tắc giữa “hai chính phủ” – theo hãng tin Reuters.
“Đại đa số người dân Đài Loan kiên quyết phản đối cái gọi là một quốc gia, hai chế độ. Đó là sự đồng lòng của người dân Đài Loan” – bà Thái nhấn mạnh.
Bà Thái cũng kêu gọi Bắc Kinh nên nghĩ nhiều hơn về những gì người Đài Loan suy nghĩ và mong muốn.
Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng sau khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền ở Đài Loan năm 2016. Trong năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã gây sức ép buộc một số nước từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.
http://biendong.net/bi-n-nong/25603-lanh-dao-dai-loan-lai-phan-bac-loi-keu-goi-cua-ong-tap-ve-voi-dai-luc.html
Kinh tế TQ sẽ còn tồi tệ hơn trong năm nay
Trung Quốc đang bước vào thời kỳ nhiều bất ổn, có thể khiến nhiều nước khác cũng gặp rắc rối.Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. GDP năm 2018 được dự báo tăng chậm nhất kể từ 1990. Và năm 2019 có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu ảnh hưởng từ triển vọng thương mại yếu đi và chính phủ kiềm chế tín dụng rủi ro. “Các yếu tố khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vẫn chưa hoàn toàn tác động lên nền kinh tế. Và sự kết hợp của chúng là chưa từng có tiền lệ”, các nhà phân tích tại Moody’s cho biết trong một báo cáo tháng trước, “Việc này đã tạo ra rủi ro và bất ổn rất lớn”.
Những gì diễn ra tại Trung Quốc có ảnh hưởng đến thị trường và doanh nghiệp toàn cầu. Họ là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, nhập nguyên liệu từ các nước khác để lắp ráp smartphone, laptop và hàng tấn sản phẩm khác. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại đây cũng biến nước này thành thị trường tiêu dùng khổng lồ, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho các công ty toàn cầu. “Trung Quốc đã trở thành cỗ máy tăng trưởng lớn nhất thế giới”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại hãng nghiên cứu IHS Markit nhận định.
Năm 2018, nỗi lo sợ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đã khiến các thị trường tài chính chao đảo. Chỉ số Shanghai Composite đã rơi vào thị trường giá xuống hồi tháng 6/2018 và mất 25% năm ngoái. Thị trường Mỹ và châu Âu cũng chịu chung số phận.
Điều thiếu chắc chắn hiện tại là mức độ suy giảm của Trung Quốc đến thế nào và chính phủ nước này sẵn sàng hành động đến đâu để xoa dịu ảnh hưởng này. Ẩn số lớn hiện nay là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu năm ngoái và sẽ tiếp tục trong năm nay.
Sau khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, hai bên hiện trong thời kỳ 90 ngày đình chiến để đàm phán một thỏa thuận, muộn nhất là ngày 1/3. Nếu thất bại, thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao.
Thiệt hại kinh tế từ chiến tranh thương mại được dự báo sẽ rõ ràng hơn tại Trung Quốc trong vài tháng tới, kéo tụt xuất khẩu và lợi nhuận các công ty. “Tăng trưởng xuất khẩu vẫn sẽ chịu sức ép, kể cả nếu thuế không tăng nữa”, Evans-Pritchard – nhà kinh tế phụ trách Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.
Giới phân tích cũng bất đồng về khả năng hai chính phủ đạt được một thỏa thuận bền vững trong 2 tháng tới. Do xung đột giữa hai nước không chỉ về thương mại, mà còn về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, chính sách công nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường.
Ngoài áp thuế nhập khẩu, Chính phủ Mỹ năm ngoái còn ngăn hai hãng công nghệ lớn của Trung Quốc mua linh kiện cần thiết từ Mỹ, tăng rà soát các thương vụ đầu tư nước ngoài và còn tìm cách dẫn độ lãnh đạo cấp cao Huawei từ Canada sang Mỹ.
“Con đường hòa giải giữa hai siêu cường kinh tế này có lẽ còn gập ghềnh và kéo dài”, các nhà phân tích tại quỹ đầu tư Vanguard nhận định. Trong thời gian đó, hai nước có thể còn gây nhiều tổn hại kinh tế cho nhau.
“Chiến tranh thương mại có thể kéo tụt đáng kể tăng trưởng. Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào việc hai bên sẵn sàng đẩy chuyện này đi đến đâu”, Gerard Burg – nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại National Australia Bank dự báo. Tin tức về các cuộc đàm phán gần đây cho thấy Trung Quốc “cần đạt thỏa thuận nào đó với Mỹ để có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong môi trường kinh tế ngày càng khắc nghiệt”, Diana Choyleva – kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu Enodo Economics cho biết.
Một câu hỏi quan trọng với Trung Quốc hiện tại là người tiêu dùng của họ phản ứng với sự bất ổn này thế nào. Tăng trưởng thần kỳ vài thập kỷ qua đã kéo hàng trăm triệu người dân nước này thoát nghèo, tạo ra sự bùng nổ tiêu dùng. “Chi tiêu của các hộ gia đình chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tại đây”, Edmund Goh – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Aberdeen Standard Investments nhận xét.
Tuy nhiên, những vết nứt trong tiêu dùng đã xuất hiện. Vài tháng qua, doanh số bán xe hơi giảm sút, khiến nhiều đại gia toàn cầu như Volkswagen hay Ford gặp rắc rối. Doanh số bán lẻ nhìn chung cũng đang chậm lại. Khối nợ tiêu dùng của người Trung Quốc đang tăng rất nhanh, có thể khiến họ ngần ngại chi tiêu, Goh cho biết.
Trung Quốc có thể sẽ phải giải quyết khó khăn trong nền kinh tế thông qua chính sách truyền thống là chi tiêu công. Đến nay, họ đã giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Năm nay, giới phân tích dự báo Trung Quốc còn phải tung nhiều biện pháp hơn nữa.
Giới chức có thể nới lỏng các lệnh hạn chế lên thị trường bất động sản, để khuyến khích các công ty tăng tốc xây dựng, các nhà kinh tế học gợi ý. Tuy vậy, tăng kích thích có thể làm chậm lại nỗ lực giải quyết các vấn đề gốc rễ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc, như kiềm chế khối nợ trong hệ thống tài chính. “Chính phủ Trung Quốc đã tạm gác lại việc cải tổ và thay vào đó sẽ tập trung vào các biện pháp kích thích tăng trưởng”, Iris Pang – nhà kinh tế học tại ngân hàng ING kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25606-kinh-te-tq-se-con-toi-te-hon-trong-nam-nay.html
TQ đóng tàu chiến khủng bán cho Pakistan
Trung Quốc đang trong quá trình đóng một trong 4 tàu chiến hiện đại nhất cho hải quân Pakistan. Đây cũng là tàu chiến lớn nhất và uy lực nhất mà Trung Quốc từng xuất khẩu.Tờ China Daily ngày 2-1 dẫn thông tin của Tập đoàn đóng tàu quốc doanh Trung Quốc (CSSC) cho biết đã bắt đầu đóng phiên bản xuất khẩu của một trong những tàu chiến tiên tiến nhất nước này và sẽ bàn giao cho Pakistan theo một thỏa thuận mua bán vũ khí quy mô lớn giữa hai nước.
CSSC khoe con tàu sẽ bán là phiên bản của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc, nhưng không nêu cụ thể loại tàu.
Cuối tháng 12-2018, CSSC từng cho biết tàu chiến này đang được đóng tại xưởng tàu Hỗ Đông – Trung Hoa ở thành phố Thượng Hải.
CSSC nhấn mạnh rằng tàu sẽ được trang bị các hệ thống vũ khí và dò tìm hiện đại, với đầy đủ năng lực chống ngầm, chống tàu nổi và phòng không.
Một báo cáo dẫn thông tin của hải quân Pakistan cho biết con tàu trên thuộc lớp Type 054AP, tức được đóng dựa trên lớp tàu Type 054A của hải quân Trung Quốc. Đây là một trong 4 tàu chiến được Pakistan đặt hàng từ Trung Quốc.
Theo báo cáo, một khi được bàn giao, tàu chiến này sẽ là một trong những tàu chiến lớn nhất và có công nghệ tiên tiến nhất của Hải quân Pakistan, “giúp tăng cường khả năng phản ứng của Pakistan trước các thách thức trong tương lai, duy trì hòa bình, ổn định và cân bằng sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương”.
Thủ tướng Imran Khan của Pakistan bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 2-11-2018 – Ảnh: AP
Một nguồn thạo tin cho biết con tàu trên cũng là tàu chiến lớn nhất và uy lực nhất mà Trung Quốc từng xuất khẩu.
Theo tờ Economic Times, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan. Cả hai nước cũng đã tham gia dự án sản xuất chung JF-17 Thunder – loại máy bay chiến đấu đa nhiệm một động cơ.
Báo New York Times gần đây còn tường thuật Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch chế tạo máy bay tiên tiến thông qua sáng kiến Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) ở Pakistan. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin đó.
Giới chuyên gia đánh giá Ấn Độ hiện lo ngại trước các bước đi của Trung Quốc trong dự án CPEC. Hồi tháng 11-2018, Ấn Độ đã kịch liệt phản đối sau khi Trung Quốc và Pakistan đề xuất triển khai dịch vụ xe buýt chạy qua khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan (PoK) trong khuôn khổ CPEC.
Nay thương vụ tàu chiến nêu trên còn cho thấy sự lệ thuộc ngày càng lớn của Pakistan vào Trung Quốc. Ông Cao Wei Dong – chuyên gia tại Viện nghiên cứu hải quân (NMSRI) của quân đội Trung Quốc, cho biết Hải quân Pakistan thường yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc lắp hệ thống rađa và vũ khí của phương Tây trên các tàu đặt mua do Islamabad tin rằng công nghệ của phương Tây tốt hơn của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, tất cả vũ khí và rađa trên tàu chiến mới lần này dường như đều là sản phẩm của Trung Quốc. Điều đó cho thấy những tiến bộ của chúng ta (Trung Quốc) trong ngành công nghiệp này và lòng tin của hải quân Pakistan vào công nghệ và năng lực của chúng ta”, ông Cao bình luận.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25602-tq-dong-tau-chien-khung-ban-cho-pakistan.html
Tập Cận Bình kêu gọi
quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu
Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc phải tăng cường tính khẩn trương và làm mọi thứ có thể để chuẩn bị chiến đấu, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong cuộc họp với giới lãnh đạo quân sự chóp bu hôm thứ Sáu.Trung Quốc đang nóng lòng tăng cường lực lượng vũ trang của mình trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và căng thẳng leo thang với Mỹ về các vấn đề từ thương mại cho đến tư cách của Đài Loan.
Thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã cho biết ông Tập phát biểu trước Quân ủy Trung ương rằng Trung Quốc đang đối diện những rủi ro và thách thức ngày càng tăng, và các lực lượng vũ trang phải nỗ lực bảo đảm nhu cầu an ninh và phát triển.
Ông Tập, người cũng giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, nói các lực lượng vũ trang phải vạch ra chiến lược cho kỉ nguyên mới và đảm nhận các trách nhiệm chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.
“Thế giới đang đối diện một thời kì thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỉ và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn cơ hội chiến lược quan trọng để phát triển,” ông được dẫn lời nói.
Ông nói các lực lượng vũ trang cần có khả năng phản ứng nhanh chóng trước các tình huống khẩn cấp, cần nâng cấp những năng lực hoạt động chung và bồi dưỡng các lực lượng chiến đấu mới.
Những phát biểu này của ông Tập được đưa ra sau những phát biểu hôm thứ Tư rằng Trung Quốc vẫn bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để đạt được “sự thống nhất” với Đài Loan và ngăn chặn sự độc lập của hòn đảo này.
Bài diễn văn của ông Tập về Đài Loan diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kí thành luật Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của hòn đảo này.
https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-keu-goi-quan-doi-trung-quoc-san-sang-chien-dau/4730151.html
Trung Quốc bơm 210 tỷ đô la kích thích kinh tế
Thanh HàNgân Hàng Trung Ương Trung Quốc ngày 04/01/2019 thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Biện pháp này cho phép bơm thêm 210 tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế. Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh các dự phóng cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại.
Nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc sẽ giảm 0,5% điểm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 15 tháng Giêng và đợt thứ nhì sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng Giêng, tức gần sát cận Tết Nguyên Đán. Mục tiêu đề ra nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại dễ dàng cấp tín dụng, đặc biệt là cho các công ty tư nhân và các doanh nghiệp cỡ nhỏ.
Theo nhận định của tờ báo, quyết định kích cầu vừa nêu là hậu quả trực tiếp từ cuộc đọ sức thương mại với Hoa Kỳ kéo dài từ mùa xuân năm ngoái. South China Morning Post nhắc lại trong năm 2018, Bắc Kinh đã bốn lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Song song với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong tuần lễ cuối cùng của năm 2018 Bắc Kinh đã cho phép các chính quyền địa phương tăng các khoản chi tiêu nhằm tăng tốc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo hãng tin Anh Reuters tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 dự báo ở mức 6,5%, thấp hơn so với tỷ lệ 6,9% của năm 2017. Riêng chuyên gia Louis Kuij thuộc viện nghiên cứu Oxford Economics của Anh bi quan hơn khi cho rằng tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thứ nhì thế giới trong năm 2019 chỉ đạt 6,1%.
Thượng Viện Mỹ muốn Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc
Trên vế thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh xác nhận tin một phái đoàn Mỹ sẽ đến Trung Quốc đàm phán trong hai ngày mồng 7 và 08/01/2019. Trả lời báo chí ngày 04/01/2019, tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông tin tưởng “sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”. Cũng hôm 04/01/2019 một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình một dự luật buộc chính quyền Washington phải có thái độ cứng rắn trước những đe dọa xuất phát từ công nghệ số và công nghệ cao của của một số quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc. Thượng nghị sĩ bang Viginia, ông Mark Warner thuộc đảng Dân Chủ và Marco Rubio của bang Florida bên đảng Cộng Hòa là đồng tác giả dự luật nói trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190105-trung-quoc-bom-210-ty-do-la-kich-thich-kinh-te
Triều Tiên: Những cuộc đào tị gây chú ý
Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên ở Ý, người mà cơ quan gián điệp Hàn Quốc cho biết đã lẩn trốn cùng với vợ của ông ta, dường như là thành viên mới nhất của tầng lớp tinh hoa Triều Tiên từ bỏ nhà nước toàn trị bí ẩn này.Nhiều người trong số họ đã bày tỏ bất bình về điều mà họ mô tả là một nhà nước công an trị áp bức ở Bình Nhưỡng hoặc mong muốn gia đình họ có cuộc sống mới ở Hàn Quốc hay ở phương Tây.
Triều Tiên, nơi tự xưng là thiên đường xã hội chủ nghĩa, cực kì nhạy cảm về những vụ đào tị, đặc biệt là trong giới tinh hoa của họ. Bình Nhưỡng từng khẳng định đây là âm mưu của Hàn Quốc hoặc của Mỹ nhằm phá hoại chính phủ của họ.
Ngược lại, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên sát hại hoặc tìm cách ám sát những người đào tị trước đây.
Một số vụ đào tị khỏi Triều Tiên gây chú ý:
KIẾN TRÚC SƯ ‘JUCHE’
Dù đã qua đời nhưng Hwang Jang Yop tới nay vẫn là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đào thoát khỏi quốc gia cộng sản này để xin tị nạn ở Hàn Quốc.
Ông Hwang, cựu thành viên cao cấp trong Đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên, là kiến trúc sư trưởng của tư tưởng cai trị “juche” đề cao tinh thần tự lực tự cường và từng là thái sư của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il, cha của nhà cầm quyền đương nhiệm Kim Jong Un.
Ông Hwang là một trong những quan chức quyền lực nhất của Triều Tiên khi ông đào thoát trong chuyến thăm Bắc Kinh. Sau khi tái định cư ở Hàn Quốc vào năm 1997, ông Hwang trở thành người lớn tiếng chỉ trích giới lãnh đạo Triều Tiên mà ông từng một tay vun đắp. Điều này đưa tới những lời đe dọa và nỗ lực ám sát ông mà Seoul quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng.
Ông Hwang, khi đó 87 tuổi, qua đời vào năm 2010 sau khi bị nhồi máu cơ tim, vài tháng sau khi hai thiếu tá quân đội Triều Tiên bị kết án tù ở Hàn Quốc vì âm mưu ám sát ông.
THÀNH VIÊN HOÀNG GIA
Hàn Quốc nói Lee Han-young, cháu trai của một trong những người vợ cũ của Kim Jong Il, chết vào năm 1997 dưới tay các điệp viên Triều Tiên được phái đi để báo thù. Nhưng cảnh sát không bắt được những kẻ tấn công trước khi họ được cho là quay trở lại miền Bắc.
Ông Lee đã đào thoát qua Thụy Sĩ vào năm 1982, nhưng Seoul giữ bí mật về chuyện ông đến Hàn Quốc vào năm 1996, thời điểm mà mẹ ông cũng trốn khỏi miền Bắc. Ông chỉ trích gay gắt chính phủ Bình Nhưỡng và người chú độc tài.
Ông Lee chết do trúng đạn sau khi bị tấn công trước căn hộ gần Seoul vào tháng 2 năm 1997. Theo những người hàng xóm, ông Lee sau vụ nổ súng nói, “gián điệp, gián điệp,” và giơ hai ngón tay, có lẽ cho biết số lượng những kẻ tấn công. Cảnh sát cho biết một người phụ nữ vờ làm phóng viên tạp chí đã gọi điện thoại tới căn hộ để hỏi khi nào ông Lee sẽ về nhà trước vụ tấn công.
CÁC NHÀ NGOẠI GIAO
Sự biến mất của ông Jo Song Gil, quyền đại sứ của Triều Tiên tại Ý, có thể gây khó xử về mặt truyền thông cho lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong khi ông theo đuổi ngoại giao với Washington và Seoul và đang cố thể hiện mình là một chính khách quốc tế.
Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể phớt lờ vụ đào tị khả dĩ này của ông Jo hoặc kìm chế những chỉ trích gay gắt để tránh nêu bật những điểm yếu của chính phủ giữa nỗ lực thúc đẩy ngoại giao.
Trường hợp tương tự gần đây nhất trước vụ ông Jo là vụ nhà ngoại giao cấp cao Thae Yong Ho, phó đại sứ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở London, chạy sang Hàn Quốc vào năm 2016.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả ông Thae là “cặn bã loài người” sau vụ đào tị và nói ông đang tìm cách tránh bị trừng phạt vì phạm phải những tội ác nghiêm trọng. Ông Thae phủ nhận cáo buộc đó và nói rằng ông đào tị vì ông không muốn con cái của ông sống “khốn khổ” ở miền Bắc.
Năm 1997, đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập Chang Sung Gil cùng vợ đã đào tị và được cấp quy chế ị nạn tại Mỹ. Trong một hành động có phối hợp, một người anh em của ông này là ông Chang Sung Ho cũng đào tị khỏi một phái bộ thương mại của Triều Tiên tại Pháp và cũng được cấp quy chế tị nạn để tới Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-nhung-cuoc-dao-ti-gay-chu-y/4729879.html
0 nhận xét