Tin Biển Đông – 24/01/2019
Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019
14:41
//
Biển Đông
,
Slider
Nhật, Pháp quan ngại
về hoạt động của TQ ở Biển Đông
Các ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Pháp cùng bày tỏ quan ngại về tình trạng Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cùng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly đã có cuộc gặp tại một cơ sở hải quân ở thành phố Brest, tây bắc Pháp vào ngày 11.1 (giờ địa phương).
Trong cuộc gặp, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các bên cũng nhất trí phản đối những hành động đơn phương gây căng thẳng trong khu vực, theo Đài NHK.
Pháp và Nhật Bản đồng ý thiết lập khuôn khổ đối thoại về biển nhằm cải thiện khả năng phối hợp giữa Lực lượng phòng vệ Nhật và lực lượng Pháp đóng tại các đảo ở nam Thái Bình Dương. Các phái đoàn của hai bên tham gia đối thoại sẽ thảo luận về nhiều vấn đề như an ninh quốc gia, khoa học, công nghệ, môi trường và năng lượng.
Cũng theo kết quả cuộc gặp, tàu khu trục Nhật sẽ tổ chức tập trận chung với tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle khi chiếc hàng không mẫu hạm này đến Ấn Độ Dương trong năm nay.
Hoạt động quân sự của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông
nhìn từ khía cạnh luật quốc tế
Biển Đông không chỉ có vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực mà còn đối với các quốc gia ngoài khu vực. Những năm gần đây sự hiện diện của Mỹ và Nhật Bản tại Biển Đông ngày càng thường xuyên và đông đảo. Mỹ có tổng lượng hàng hóa qua vùng này chiếm 1/5 và 20% trên tổng số 5000 tỷ USD giá trị giao thương hàng hóa hàng năm. Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia có lợi ích kinh tế gắn bó mật thiết với vùng biển này, 80% dầu thô của nước này đi qua Biển Đông quyết định sống còn đối với nền kinh tế nước Nhật Bản. Chính vì vậy, Mỹ và Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến sự biến động của tình hình trên Biển Đông.
Chính sách hoạt động quân sự của Mỹ, Nhật Bản ở Biển Đông
Chính sách Biển đông của Mỹ được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 ngày 24/7/2010 với nội dung là Mỹ không đứng ngoài những tranh chấp tại Biển Đông mà Mỹ sẽ can dự và xoay trục vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thuật ngữ “tái can dự” hay “Mỹ đã trở lại” được dùng để thể hiện chính sách này của Mỹ. Thông qua hội nghị Mỹ đã nêu lên quan điểm và lập trường ở Biển Đông có thể tóm lược qua những mục tiêu chiến lược như sau:
Thứ nhất, Mỹ là quốc gia có lợi ích đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đối với không gian hàng hải vùng biển chung châu Á nên Mỹ sẽ đảm bảo tự do đó cho chính quốc gia trên cơ sở tôn trọng luật biển quốc tế của các quốc gia duyên hải trong khu vực Biển Đông;
Thứ hai, Mỹ đứng ở vị trí trung lập không ủng hộ bên nào mặc dù trong đó có bên đồng minh truyền thống trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông; tuy nhiên Mỹ sẽ can dự vấn đề liên quan đến tự do hàng hải, hàng không vì nó xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.
Thứ ba, Mỹ tăng cường hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ các nước khu vực nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình trong việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Đồng thời phản đối việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kì bên nào;
Thứ tư, Mỹ hỗ trợ các sáng kiến an ninh và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với DOC cho khối ASEAN;
Thứ năm, Mỹ sẽ thường xuyên hiện diện ở Biển Đông thông qua các cuộc tập trận nhằm làm cán cân đối trọng với Trung Quốc và hơn hết là bảo vệ lợi ích chính đáng của Mỹ tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Mỹ đang theo đuổi bốn mục tiêu đó là: Ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc và tăng cường sự ổn định bằng cách cũng cố các mối liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực; tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á trong chính sách xoay trục bao gồm sự hiện diện mạnh mẽ trong và xung quanh Biển Đông; hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao
năng lực đảm bảo an ninh hàng hải; tìm cách giảm rủi ro của những tính toán sai lầm và xung đột không chủ ý với Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác tại châu Á, bằng cách cải thiện các mối quan hệ quân sự và thống nhất về các biện pháp tránh xung đột.
Chính sách của Mỹ nhìn chung có sự biến động sâu sắc và rõ nét từ Tuyên bố Hà Nội năm 2010 do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và những chính sách mà Mỹ đề ra không trái với luật pháp quốc tế, chỉ nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải tại vùng biển này.
Chủ trương của Nhật Bản liên quan vấn đề Biển Đông
Chiến lược an ninh của Nhật Bản ở Biển Đông thể hiện qua những mục tiêu mà nước này đề ra như:
Thứ nhất, hỗ trợ việc tăng cường khả năng khu vực. Nhật Bản có thể giúp cải thiện những khả năng biển của các nước trong khu vực Biển Đông, với ưu tiên cao nhất là xây dựng thúc đẩy năng lực hoạt động trên biển cho các quốc gia này, trong đó tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển đang là ưu tiên cao nhất. Nhật Bản đã khởi xướng, và năm 2015 đã bắt đầu thực hiện, một số chương trình xây dựng khả năng cho các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam;
Thứ hai, ủng hộ chiến lược của Mỹ và duy trì sự hiện diện của Mỹ; hỗ trợ Mỹ thực hiện tự do hàng hải, là thành phần cốt lõi của chiến lược an ninh của Nhật Bản. Vì là đồng minh nên Nhật Bản phải thực hiện mục tiêu chiến lược này. Hơn hết, Mỹ có khả năng kiềm chế đối trọng với mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực và ngăn chặn việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough; Thúc đẩy hơn nữa các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đã bắt đầu có các cuộc trao đổi quân sự với các quốc gia của khu vực Biển Đông, và nhìn chung các mối quan hệ của Nhật Bản với các nước này rất tốt. Các quốc gia này bao gồm Australia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam.
Lợi ích của quốc gia biển như Nhật Bản là quyền tự do hàng hải nhưng nó không phải là quan trọng nhất, so với Mỹ. Nhật Bản quan tâm nhiều hơn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do hàng hải. Hiện nay Nhật Bản chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với tám quốc gia láng giềng và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc – Hàn Quốc – Nga. Chính vì vậy, những chính sách của Nhật Bản ở Biển Đông đẩy mạnh việc sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia trong vùng biển này và tích cực ủng hộ Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm mục đích hòa bình ở Biển Đông. Không khẳng định sự hiện diện thường xuyên và đẩy mạnh lợi ích hàng hải như Mỹ. Các chính sách đề ra phù hợp với lợi ích quốc gia, hơn hết là phù hợp với những cam kết và trách nhiệm của một quốc gia đồng minh.
Thực trạng hoạt động quân sự của Mỹ, Nhật Bản ở Biển Đông
Từ khi đưa ra lời tuyên bố chính thức và mạnh mẽ năm 2010 thì chính quyền Mỹ có những hoạt động tuần tra giám sát trên khu vực này nhiều hơn. Bên cạnh đó, Mỹ luôn có động thái tích cực phản đối những hành vi gây bất ổn hòa bình khu vực của Trung Quốc tại các diễn đàn ngoại giao và sẵn sàng can dự nếu hành vi đó ảnh hưởng đến tự do hàng hải của quốc gia.
Nhìn chung, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm: tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, mà những lợi ích này là không thay đổi. Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa. Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.
Dù có nhiều mối quan tâm nhưng quan trọng hơn hết là Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ. Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương.
Thực trạng tiến hành hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông cho thấy rằng, quốc gia này tuân thủ đúng những quy định của luật pháp quốc tế. Thứ nhất, Mỹ tiến hành hoạt động trong vùng biển quốc tế nhằm thực thi quyền tự do biển cả, đây được xem là quyền đương nhiên của bất kỳ quốc gia nào. Thứ hai, các cuộc tập trận kết hợp với Philippines là để củng cố mối quan hệ liên minh quân sự với Philippines theo như Hiệp ước phòng thủ chung đã ký 30/8/1951. Hơn hết, năm 2014, Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) được ký kết. Căn cứ vào hai Hiệp định này Mỹ hoàn toàn hợp pháp khi tiến hành hoạt động quân sự ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Philiipines tại Biển Đông dù quốc gia này không này không nằm trong khu vực Biển Đông. Thứ ba,
tính chất và mức độ tiến hành các hoạt động quân sự đều nằm trong khuôn khổ an toàn, an ninh biển không đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác.
Một số hoạt động quân sự nổi bật của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2018:
Ngày 06/01/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đi qua Biển Đông, tới Tây Thái Bình Dương. Trước đó, tháng 12/2017, Mỹ cũng đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough). Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”.
Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai chiến hạm Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm phản đối Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại ở khu vực này.
Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Đây là lần thứ 3 các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện diện ở khu vực này kể từ tháng 2/2018.
Ngày 6/7/2018, Mỹ cử hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) “hoạt động quá cảnh thường kỳ” qua khu vực eo biển có chiều rộng 110 dặm nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Ngày 30/9/2018, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền sai trái, không tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, hoạt động trên của Mỹ còn thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định.
Ngày 29/11/2018, Hải quân Mỹ thông báo tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Ngày 07/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc.
Thực trạng hoạt động quân sự của Nhật Bản tại Biển Đông:
Trong năm 2018, ngoài việc tăng cường hiện diện, tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông:
Bộ Quốc phòng Nhật Bản (8-10/2018) đã đưa ba tàu khu trục (có tàu sân bay trực thăng Kaga) tới Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trước đó, Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (27/9) đã tham gia tập trận hải quân với tàu HMS Argyll của Anh tại Ấn Độ Dương khi chiếc tàu khu trục này đang tiến về phía Biển Đông và Đông Á. Theo ông Kenji Sakaguchi, Tư lệnh Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản, “sự hiện diện thường xuyên hơn của Hải quân Hoàng gia trong khu vực là cơ hội để hai hải quân tập luyện ăn khớp hơn trong tương lai”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (25/6/2018) cho biết Nhật Bản đã ký thoả thuận hỗ trợ Indonesia 2,5 tỉ yên (tương đương 23 triệu đô la Mỹ) nhằm phát triển các cảng và cơ sở nghề cá trên 6 đảo xa bờ của nước này, trong đó có đảo Natuna, trước tháng 1/2020. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản (7/3) đã quyết định tăng cường các chuyên gia quân sự tại các nước đối tác ở Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Theo truyền thông Nhật Bản nhận định, đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đưa các chuyên gia quân sự của mình tới các quốc gia Đông Nam Á và con số chuyên gia dự kiến cũng sẽ tăng từ một lên hai chuyên gia cho mỗi nước nói trên. Cũng
theo Liberty Times, Nhật Bản đang chuẩn bị cung cấp cho quân đội Philippines 3 máy bay TC-90 mới nhằm giúp nước này theo dõi tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc ở gần lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh khác, Cảnh sát biển Nhật Bản và Malaysia (29/1) tiến hành diễn tập chung về tìm kiếm cứu nạn tại một khu vực trên Biển Đông nằm gần bờ biển của Malaysia.
Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ (4/4) chia sẻ quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông. Quan chức 3 nước cũng trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực liên quan đến các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh biển và xây dựng nhận thức trên các lĩnh vực biển… Đồng thời, các bên đều nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng, hòa bình và toàn diện thông qua quan hệ đối tác với các nước ở khu vực.
Bên cạnh các cuộc diễn tập hợp tác với các nước trong khu vực này, Nhật Bản còn nâng cao sự hiện diện của mình ở Biển Đông qua các hợp đồng mua bán vũ khí trọn gói với Australia. Đồng nghĩa với việc các bên ký kết hợp đồng mua bán vũ khí thì sau đó Nhật Bản cũng sẽ cùng tham gia thử vũ khí và hướng dẫn thực hiện trong các buổi diễn tập.
Qua đó cho thấy hầu như các hoạt động của Nhật Bản tại Biển Đông đều có sự liên kết, phối hợp với Philippines, Malaysia, Việt Nam. Xét trên phương diện pháp lý quốc tế thì hành động của Nhật Bản là phù hợp, cũng tương tự như Mỹ, Nhật Bản đã ký kết Hiệp ước quốc phòng năm 2016 với Philippines về sự tương trợ trong lĩnh vực quốc phòng. Từ đó, với mối quan hệ hợp tác Nhật Bản có quyền tham gia vào các hoạt động tại Biển Đông cùng với Philippines.
Như đã đề cập ở trên, hoạt động quân sự trong khu vực Biển Đông của Mỹ -Nhật Bản tính đến thời điểm hiện tại là phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng hoạt động quân sự của hai quốc gia này cũng tác động theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực đối với tình hình Biển Đông:
Mặt tích cực được thể hiện qua các bốn khía cạnh như sau:
Một là, Biển Đông vốn tồn tại như một con đường giao thông huyết mạch, do đó, duy trì hoạt động quân sự trong khu vực này là bảo vệ lợi ích chính đáng, hiển nhiên của Mỹ và Nhật Bản cũng như các quốc gia khác có tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.
Hai là, vì có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, nên cả Mỹ và Nhật Bản có thể hỗ trợ hợp tác với các quốc gia trong tranh chấp để trở thành bên trung lập giúp thúc đẩy quá trình giải quyết các tranh chấp một cách công bằng và hòa bình.
Ba là, hoạt động quân sự của hai quốc gia này, đặc biệt là Mỹ, có khả năng tạo được sự cân bằng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, bởi vì Mỹ là cường quốc quân sự có đủ khả năng kiềm chế đối trọng sự trỗi dậy ngày càng lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.
Bốn là, với vị thế là hai quốc gia hàng đầu thế giới, Mỹ và Nhật Bản có thể hỗ trợ giúp đỡ các nước trong khu vực bảo vệ lợi ích chính đáng trên biển thông qua việc hỗ trợ trang thiết bị, tiền, kinh nghiệm, …
Mặt tiêu cực thể hiện qua ba khía cạnh như sau:
Một là, sự xuất hiện của các quốc gia này có thể làm căng thẳng thêm tình hình, các quốc gia trong khu vực rất quan ngại khi có sự xuất hiện thường xuyên của các cường quốc quân sự. Chính vì thế, sự có mặt này làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang, không ngừng hiện đại hóa quân sự để sẵn sàng đáp trả lại hành vi đe dọa đến lợi ích của quốc gia mình.
Hai là, việc liên minh quân sự riêng của Mỹ hoặc Nhật Bản đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cũng tìm ẩn nguy cơ gây chia rẽ mất đoàn kết. Khối các quốc gia trong khu vực Biển Đông có nguy cơ chia thành hai nhóm, một nhóm thì chấp nhận liên minh quân sự với Mỹ hoặc Nhật Bản và một nhóm còn lại là các quốc gia không chấp nhận liên minh quân sự với Mỹ hoặc Nhật Bản hay với bất kỳ quốc gia nào khác. Vô hình trung, một số quốc gia trong tranh chấp sẽ trở nên yếu thế hơn nếu như quốc gia đang có tranh chấp với mình liên minh với một quốc gia khác để gia tăng sức mạnh quân sự.
Ba là, việc các quốc gia này đẩy mạnh việc mua bán vũ khí tuy nhằm đạt được mục tiêu kinh tế nhưng chính nó cũng tiềm ẩn khả năng gây bất ổn khu vực, rất dễ rơi vào tình trạng chạy đua vũ trang gây đe dọa đến an ninh khu vực và thế giới.
Philippines “tố” quân đội TQ
cài người làm ngư dân ở Trường Sa
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Philippines nói nhiều ngư dân trên tàu cá Trung Quốc hoạt động tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam do dân quân và binh sĩ Trung Quốc cải trang.
Philippines nghi ngờ có binh sĩ Trung Quốc với vỏ bọc là ngư dân trên các tàu cá ở Biển Đông.
“Chúng tôi biết một sự thật rằng hải quân Trung Quốc đã cử người và tài trợ tiền cho lực lượng dân quân để cải trang thành ngư dân trên các tàu dân sự “, quan chức Bộ Quốc phòng Philippines nói với tờ Phil Star.
Quan chức giấu tên nói hàng chục tàu cá Trung Quốc ở trong hoặc gần vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á là cách để Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện và phô trương sức mạnh trong khu vực.
Tuy nhiên, sự xuất hiện với số lượng lớn của các tàu cá Trung Quốc là dấu hiệu lo ngại. “Hiện tại, chúng tôi chưa rõ lý do vì sao số tàu cá Trung Quốc gia tăng đột biến trong khu vực”, quan chức quốc phòng Philippines nói thêm.
Một quan chức quân đội Philippines hối thúc các quốc gia khác trong khu vực tăng cường giám sát các hoạt động của tàu cá Trung Quốc.
Giới quan sát từ lâu đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng lực lượng dân quân biển thực hiện chiến lược “xung đột vùng xám”, nơi đang xảy ra tranh chấp trên biển.
Theo phân tích của chuyên gia Erickson trên Tạp chí National Interest, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như có hành động gây rối.
Chiến lược xung đột vùng xám cho phép Trung Quốc sử dụng dân quân biển, vốn là lực lượng dân sự mà không cần phải leo thang căng thẳng, cũng như khiến các quốc gia trong khu vực khó xử.
0 nhận xét