Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 10/01/2019

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019 14:38 // ,

Tin Biển Đông – 10/01/2019

TQ có thể gia cố thêm đảo nhân tạo

ở Biển Đông nếu cần?

Trung Quốc có thể gia cố thêm các đảo nhân tạo ở Biển Đông tùy thuộc vào các mối đe dọa đối với các tiền đồn này, một sĩ quan hải quân Trung Quốc cho biết hôm 9/1.
Nhà nghiên cứu học viện hải quân, Đại tá Trương Quân Xã, lặp lại lập trường của Trung Quốc rằng nước này có quyền hợp pháp để thực hiện bất kì biện pháp nào mà họ cho là phù hợp trên các đảo ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
“Nếu các nhân viên và các cơ sở trên đảo của chúng tôi bị đe dọa trong tương lai, thì chúng tôi có thể sẽ có những biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ,” AP dẫn lời ông Trương nói trong một buổi cung cấp thông tin cho các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài.
Các quan chức Lầu Năm Góc từ lâu nói rằng Trung Quốc đã không thực hiện cam kết năm 2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình là không mở rộng hoạt động phát triển trong khu vực, nơi Trung Quốc đã xây bảy hòn đảo bằng cách bồi đắp cát và xi măng trên các bãi san hô, một số nơi có bãi đáp máy bay.
Trung Quốc nói hoạt động phát triển này chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự.
Năm chính phủ khác bao gồm Việt Nam có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trong tuyến đường thủy chiến lược này.
Ông Trương cũng cáo buộc Mỹ gây nguy hiểm cho an toàn và an ninh trong khu vực, dẫn ra các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ mà trong đó các tàu Mỹ áp sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Cũng trong buổi cung cấp thông tin này, một trung tướng cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không loại trừ việc thành lập các căn cứ ở nước ngoài để phục vụ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc nếu có nhu cầu.
Ông nói những quyết định như vậy sẽ được đưa ra dựa trên yêu cầu của sứ mệnh và sự chấp thuận của nước sở tại, theo AP.
Trung Quốc mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti ở Sừng Châu Phi vào năm 2017, nơi mà các đối thủ như Mỹ, Nhật Bản và một số nước Châu Âu cũng có sự hiện diện thường trực.

Biển Đông là “tử huyệt”

trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung

Ngày 31.12.2018, tiếp theo Đạo luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ NDAA cho năm tài khóa 2018-2019 được thông qua ngày 15.5.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA), trong đó xác định các biện pháp chiến lược nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng và bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ đây, Biển Đông đã thực sự trở thành “tử huyệt” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.
Xuất phát từ quyết định sai lầm chiến lược của Mỹ
Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông xuất phát từ một quyết định sai lầm lịch sử của giới cầm quyền ở Washington. Đó là, ngày 17.2.1972, trong chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký kết Thông cáo chung Thượng Hải, chính thức chấm dứt kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh giữa hai nước và mở đầu quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung.
Ký kết Thông cáo chung Thượng Hải, giới cầm quyền ở Mỹ toan tính đưa Trung Quốc mở cửa và hội nhập vào nền văn minh phương Tây, từng bước thay đổi thể chế chính trị ở Bắc Kinh và biến Trung Quốc thành “đối tác đàn em dễ sai khiến” của Mỹ. Thực hiện toan tính này, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dù hơn ai hết, Mỹ quá rõ hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam bởi vào thời điểm đó các lực lượng quân sự của chính quyền Sài Gòn đang hiện diện ở hai quần đảo này kể từ năm 1954.
Được Mỹ “bật đèn xanh” và hoàn toàn án binh bất động, năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm và chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, nếu Việt Nam không kịp thời và thần tốc đưa quân ra giải phóng Trường Sa thì quần đảo Trường Sa đã rơi vào tay Trung Quốc.
Từ năm 2009, Bắc Kinh đệ trình Liên Hợp Quốc yêu sách chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông và ngang ngược coi Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Từ thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông. Đáng chú ý nhất là từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu ráo riết xúc tiến xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo đá đánh chiếm phi pháp của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988. Hệ thống vệ tinh trinh sát của Mỹ hoàn toàn có khả năng phát hiện hoạt động này của Trung Quốc nhưng Washington vẫn “nhằm mắt làm ngơ”.
Chỉ đến năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của Việt Nam và bị cả thế giới lên án thì Mỹ mới lên tiếng phản đối. Chỉ 5 năm sau, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo thành các “tàu sân bay” vĩnh viễn, tạo điều kiện cho họ kiểm soát tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược đối với dòng thương mại toàn cầu trị giá tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Như vậy, sai lầm chiến lược của Mỹ khi ký kết Thông cáo chung Thượng Hải không chỉ đã dẫn tới thất bại hoàn toàn trong những toan tính thay đổi chế độ chính trị ở Bắc Kinh, mà vô hình trung còn tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới, bắt đầu thách thức vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ. Không những thế, sau khi chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với gần 80% diện tích Biển Đông, thách thức chiến lược của Washington biến “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi nhận định rằng các đời tổng thống Mỹ trước đây đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” sau chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh. Đến nay, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về kinh tế và trở thành “kẻ thù của nước Mỹ”. Vì thế, bắt đầu từ năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phát động cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc ở cả mặt lập pháp lẫn hành pháp.
Biển Đông: tâm điểm cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung
Cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh hai trụ cột chính là kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và đề án chiến lược “vành đai – con đường”. Hai trụ cột này tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát 80% thị trường hàng hóa công nghệ cao toàn cầu. Vì thế, chính giới thuộc hai đảng cầm quyền ở Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất quan điểm cho rằng “vành đai – con đường” và “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” là hai trụ cột của trật tự thế giới mà Trung Quốc chủ trương xây dựng.
Để chuẩn bị thực hiện đề án chiến lược “vành đai – con đường”, Trung Quốc đã hoạch định chiến lược biển nhằm đưa Trung Quốc phát triển thành cường quốc biển và đại dương trên cơ sở một định đề của học thuyết địa chính trị đã từng được sử dụng làm cơ sở lý luận cho chiến lược toàn cầu của đế chế Hà Lan trong thế kỷ 18, đế chế Anh trong thế kỷ 19 và đế chế Mỹ trong thế kỷ 20: “Quốc gia nào làm chủ được đại dương thế giới sẽ kiểm soát thương mại toàn cầu. Quốc gia nào kiểm soát được thương mại toàn cầu sẽ kiểm soát kinh tế thế giới. Quốc gia nào kiểm soát kinh tế thế giới sẽ giành được quyền kiểm soát toàn cầu”.
Trong chiến lược biển của Trung Quốc, Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trong và về kinh tế, quân sự và địa chính trị. Về kinh tế, theo toàn tính của Trung Quốc, một khi độc chiếm Biển Đông họ sẽ kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ khoảng 213 tỷ thùng, nhiều gần 14 lần nguồn dự trữ đã được xác nhận của Trung Quốc là 15,5 tỷ thùng, và khoảng 2 triệu tỷ mét khối dầu khí. Biển Đông còn là “yết hầu” của hệ thống giao thông không chỉ của Trung Quốc mà là của cả thế giới. Về quân sự, Biển Đông là khu vực phòng thủ trong thế trận chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.
Về địa chính trị, Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ với 14 nước: Phía Bắc giáp Nga, Mông Cổ; Phía Nam giáp Myanma, Lào, Việt Nam; Phía Tây giáp Kazakhstan, Kirghistan, Tajikistan; Phía Tây Nam giáp Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan; Phía Đông giáp Triều Tiên. Bị vây kín về mặt tiếp giáp địa lý với các quốc gia nên muốn mở rộng lãnh thổ thì Trung Quốc chỉ có thể hướng về phía Đông, ra Biển Đông, và từ đó tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Do đó, Biển Đông trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ – Trung và cũng là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la diễn ra tại Singapore ngày 2.6.2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nêu rõ, Trung Quốc đã triển khai phi pháp hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo trái phép và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự.
Ông James Mattis nhấn mạnh:“Mỹ đang thực hiện các bước đi tích cực để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các bãi đá và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Mỹ sẽ ủng hộ Trung Quốc nếu nước này có động thái xúc tiến hòa bình. Không một quốc gia nào theo đuổi tham vọng thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn Mỹ sẽ không yêu cầu bất cứ nước nào phải lựa chọn theo phe Mỹ hoặc Trung Quốc”.
Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đạo luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa 2018-2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn ngày 15.5.2018 xác định nhiều biện pháp nhằm vô hiệu hóa hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này. Đó là, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải định kỳ báo cáo về hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; ra sức ngăn chặn nhằm buộc Trung Quốc phải ngừng toàn bộ các hoạt động cải tạo, bồi đắp ở Biển Đông và rút toàn bộ vũ khí ra khỏi khu vực này theo lộ trình thích hợp trong thời gian 4 năm; cấm Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới RIMPAC ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống lập pháp của Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền ở Nhà Trắng, Hải quân Mỹ đã tiến hành 10 cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOP). Đồng thời, Mỹ hối thúc các nước đồng minh tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông để ngăn chặn nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc. Một số quốc gia đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp cũng đã có kế hoạch hành động cùng với Mỹ ngăn chặn hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý là Mỹ cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã hình thành “tứ giác kim cương” để hiện thực hóa chiến lươc chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington nhằm khống chế tham vọng của Trung Quốc trong đề án chiến lược “vành đai – con đường”.
Để sẵn sàng đối phó với hành động của Mỹ ở Biển Đông, ngày 4.1.2019, Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập Hội nghị công tác quân sự tại Bắc Kinh. Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc phải sẵn sàng đối phó với hành động gây chiến tranh. Phát biểu tại Hội nghị này, Trung tướng Vương Hồng Quang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh nhận định rằng ở Biển Đông và cả eo biển Đài Loan đang có “sóng ngầm cuồn cuộn” và “núi lửa sắp phun trào”.
Cũng tại Hội nghị này, Đại tá Đới Húc, Viện trưởng Viện nghiên cứu an ninh và hợp tác hải dương của Trung Quốc, đề nghị với Hải quân Trung Quốc cần sẵn sàng hành động để đánh chìm tàu chiến của Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông”(!?).
Trên bình diện chính trị, nhằm giảm áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc chấp nhận cùng với các nước Đông Nam Á xúc tiến đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Bắc Kinh trước đây luôn tìm cách trì hoãn. Cuộc đàm phán đầu tiên về COC sẽ diễn ra tại Myanmar trong quý I/2019.
Tuy nhiên, Trung Quốc đưa vào COC nhiều nội dung như cấm các quốc gia bên ngoài Biển Đông tập trận quân sự ở vùng biển này, hạn chế các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, trước hết là nhằm gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực này. Dĩ nhiên, các nước ASEAN sẽ không thể chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc. Vì thế, các cuộc đàm phán về COC sẽ là một quá trình lâu dài và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.

Những ẩn họa trên Biển Đông trong năm 2019

Dù có những diễn biến được xem là êm ả trong năm 2018, nhưng Biển Đông vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn do các hành động của Trung Quốc và điều này có thể tiếp tục gây căng thẳng trong năm 2019.
Sóng ngầm quân sự hóa
Năm qua, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) tiếp tục công bố các hình ảnh vệ tinh chất lượng cao và bằng chứng cho thấy Trung Quốc không ngừng quân sự hóa Biển Đông. Trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, cho rằng vấn đề lớn nhất trên Biển Đông trong năm 2018 chính là việc Trung Quốc không ngừng mở rộng kiểm soát cả trên biển lẫn trên không ở khu vực này.
“Nếu năm 2017 Bắc Kinh tập trung hoàn thiện hạ tầng ở các đảo, thực thể trên Biển Đông, thì năm 2018 các hoạt động hướng đến việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự tại đây”, ông Poling nhận xét và cho rằng: “Dù đã có những hoạt động quốc phòng ở Biển Đông nhằm phản ứng hành vi bá quyền của Bắc Kinh, nhưng nỗ lực của nhiều nước khác dường như chưa đủ để ngăn cản Trung Quốc”.
Phía sau “thiện chí” của Trung Quốc
Trong khi đó, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), đánh giá năm 2018, Trung Quốc đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thực sự hai bên đạt được một số bước tiến về dự thảo COC cũng như cuộc tập trận hải quân ASEAN – Trung Quốc.
“Những điều này được Bắc Kinh giới thiệu như bằng chứng rằng các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông có thể tự giải quyết với nhau mà không cần sự can dự từ bên ngoài”, tiến sĩ Collin nói với Thanh Niên. Ông đồng thời cảnh báo: “Nhưng cũng rõ ràng rằng Bắc Kinh không sẵn sàng xử lý các vấn đề cơ bản, khi tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, đe dọa các hoạt động quân sự với Mỹ, ví dụ như sự cố liên quan tàu chiến USS Decatur của Mỹ tại vùng biển này. Chính vì thế, đừng vội nghĩ rằng Bắc Kinh thực sự “thiện chí” đồng ý từ bỏ những yêu sách mà họ xem là lợi ích để cùng ASEAN đạt được COC”. Sự cố liên quan khu trục hạm USS Decatur chính là việc tàu này trong lúc thực thi tự do hàng hải, hồi cuối tháng 9 trên Biển Đông, đã bị chiến hạm Trung Quốc áp sát gây nguy hiểm.
Tiến sĩ Collin lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành các chiến lược mà nước này đang theo đuổi vì những vấn đề nội bộ, đồng thời hiện nay Trung Quốc và ASEAN chưa có cơ chế chung cần thiết để ngăn cản Bắc Kinh “leo thang”.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) – Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở (Canada) cũng nhận xét nhìn bề ngoài thì năm 2018, tranh chấp Biển Đông có phần nào “êm ả” khi Bắc Kinh và ASEAN đạt bước tiến về COC, quan hệ Trung Quốc – Philippines phát triển theo hướng đối thoại nhiều hơn.
“Thế nhưng ở góc độ sâu hơn thì không hề như vậy. Trung Quốc đã có nhiều bước đi để củng cố sức mạnh trên Biển Đông và dùng thỏa thuận với Philippines về thăm dò tài nguyên trên Biển Đông để phá vỡ sự thống nhất trong ASEAN. Một số thành viên khác của ASEAN cũng khiến cho mối thống nhất của khối bị ảnh hưởng trong quan hệ với Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn không ngừng quân sự hóa Biển Đông, đồng thời thỏa thuận với Manila còn giúp Bắc Kinh tiến hành thăm dò lòng biển phục vụ mục đích phát triển cơ sở tàu ngầm vốn rất cần thiết cho chiến lược bá quyền tại vùng biển này”, PGS Nagy đặt vấn đề.
Khó lường sắp tới
Từ những thực tế trên, tiến sĩ Collin dự báo: “Việc đàm phán COC tiếp tục diễn ra trong năm 2019 nhưng nhanh nhất cũng phải kéo dài trong 3 năm như phía Bắc Kinh đã tiết lộ”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Nếu vội vàng, đạt được thỏa thuận sớm hơn thì ASEAN có thể sẽ phải gánh chịu nhiều vấn đề trong tương lai. Năm 2019 cũng ẩn chứa nhiều diễn biến khó lường có thể cản trở đàm phán COC. Trong đó, đáng lo ngại là những tính toán sai lầm của các bên do các hành động vô ý dễ dẫn đến sự leo thang không đáng có”.
Trong khi đó, PGS Nagy đánh giá: “Năm 2018 cũng chứng kiến tần suất hoạt động nhiều hơn từ các nước bên ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản tại Biển Đông. Đây được xem là thông điệp gửi đến cho Trung Quốc nhiều nước không đồng ý với chiêu trò của Bắc Kinh trong việc giành bá quyền tại Biển Đông. Diễn biến này có thể sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2019”.
Còn ông Gregory Poling thì cho rằng tình hình năm 2019 có thể xấu đi nếu Mỹ và nhiều bên khác không có các hành động can dự hiệu quả.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.