Pakistan dừng dự án nhà máy điện 2 tỷ USD với Trung Quốc – Theo SCMP
Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019
05:37
//
Slider
,
Tin Thế giới
16/01/2019
Pakistan đã đề nghị Trung Quốc dừng dự án nhà máy điện chung trị giá 2 tỷ USD trong bối cảnh chính quyền Islamabad đang đánh giá lại các dự án bị cho là đắt đỏ và không cần thiết của Bắc Kinh.
Cảng Gwadar tại Pakistan. (Ảnh: Reuters)
Pakistan đã chính thức đề nghị Trung Quốc dừng dự án nhà máy điện chung giữa hai nước trị giá 2 tỷ USD trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD. Lý do Pakistan đưa ra cho quyết định của mình là vì dự án này quá đắt đỏ và không được xem là ưu tiên cấp bách của nước này.
Theo một nguồn tin chính phủ giấu tên, đề xuất hủy dự án được đưa ra khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Pakistan Makhdoom Khusro Bakhtyar có chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái để tham dự một cuộc họp về CPEC.
“Chính phủ (Pakistan) đang đánh giá lại một số dự án của Trung Quốc, những dự án tốn kém hơn và chưa thực sự cần thiết ở thời điểm hiện tại, để tiết kiệm ngân sách. Chúng tôi phải tập trung vào các ưu tiên của mình, bao gồm việc phát triển cảng Gwadar và tuyến đường phía tây của CPEC nối khu vực nội địa của Baluchistan và các tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa”, quan chức Pakistan cho biết.
Bộ trưởng Bakhtyar chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Hồi tháng 9/2018, ông Bakhtyar từng tiết lộ ý định của chính phủ Pakistan về việc từ bỏ các dự án năng lượng nhập khẩu than, bao gồm nhà máy điện Rahim Yar Khan tại tỉnh Punjab. Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Yao Jing sau đó nói rằng Bắc Kinh luôn cởi mở với những thay đổi do chính quyền mới của Pakistan đề xuất.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ đi theo chương trình nghị sự của họ”, Đại sứ Yao Jing nói.
Phó trưởng phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Islamabad Lijian Zhao ngày 15/1 cho biết quyết định “hủy bỏ” dự án nhà máy điện được chính quyền tiền nhiệm tại Pakistan đưa ra từ lâu. Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar chia sẻ với các phóng viên rằng: “CPEC hiện chuyển từ giai đoạn phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng sang các ngành công nghiệp và thương mại”.
Nếu được triển khai, dự án nhà máy điện trong khuôn khổ CPEC sẽ bổ sung thêm 1.320 megawatt vào lưới điện quốc gia Pakistan nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện tại nước này. Các quan chức trong chính quyền cựu Thủ tướng Nawaz Sharif tiền nhiệm từng cố gắng tìm cách hủy dự án này do lo ngại chi phí quá cao, tuy nhiên các quan chức Trung Quốc đã bảo vệ thành công dự án.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan. (Ảnh: Bloomberg)
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan đã tìm cách thu hẹp quy mô của CPEC vì cho rằng Pakistan không đủ khả năng để chi trả tất cả các dự án. Ông Khan cũng kêu gọi Pakistan tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng ngành nông nghiệp và tạo việc làm cho giới trẻ.
Ra đời từ 5 năm trước, Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường – kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh tới hơn 70 quốc gia trên thế giới. CPEC được thiết kế để kết nối khu vực cực tây Tân Cương của Trung Quốc với cảng Gwadar tại Pakistan thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường tàu, đường ống dẫn khí và các trung tâm thương mại. Hành lang CPEC dự kiến hoàn tất trước năm 2030, mở ra cho Trung Quốc một tuyến đường thương mại quan trọng tới Trung Đông và châu Phi.
Tháng 12/2018, New York Times đưa tin báo này biết được một kế hoạch bí mật về các dự án quân sự của Trung Quốc tại Pakistan. Theo đó, một đặc khu kinh tế thuộc CPEC sẽ được thiết lập để chế tạo máy bay chiến đấu, trong khi các khí tài quân sự khác sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Pakistan. Ông Lijian Zhao đã bác bỏ thông tin này, khẳng định CPEC chỉ đơn thuần là hành lang kinh tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phủ nhận thông tin do New York Times đưa ra.
Thành Đạt Theo SCMP
0 nhận xét