Ông Trọng, ông Tập và tiền đề một cuộc cách mạng?
Bauxite Việt Nam 24/01/2019
Ánh Liên
Như mọi khi, chúng ta sẽ nhìn cuộc chiến quyền lực chính trị Việt Nam qua gương Trung Quốc.
Trung Quốc và vòng lặp cách mạng
Christian A. Herter, Giáo sư danh dự về Chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, Biên tập viên của The American Interest, và là tác giả của một bài viết trên The American Interest với nội dung mô tả ba cuộc cách mạng tại Trung Quốc.
Mao, người thực hiện cuộc cách mạng hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Ông áp đặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với tất cả các khía cạnh của đời sống Trung Quốc, quyền lực tập trung ở Bắc Kinh và tạo ra một sự sùng bái cá nhân xung quanh mình. Chủ nghĩa Mao tuyên bố ý định của mình nhằm thúc đẩy các cuộc cách mạng cộng sản, nhưng thực tế phần lớn đã tự cắt đứt với phần còn lại của thế giới.
Sau cái chết của Mao, người kế nhiệm ông, Đặng Tiểu Bình, đã chủ trì một cuộc cách mạng thứ hai, tạo ra một hướng đi khác. Đảng nới lỏng sự kìm kẹp của mình đối với xã hội và, sau đó, các tổ chức độc lập một phần ra đời. Thực tiễn thị trường thay thế phần lớn kế hoạch tập thể và doanh nghiệp tư nhân xuất hiện. Trung Quốc mở cửa ra thế giới, chào đón vốn nước ngoài, các công ty nước ngoài và người nước ngoài đến để kinh doanh và, theo một hướng khác, gửi sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài, và một loạt các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc kể từ năm 2012, đã mang đến một loạt thay đổi lớn thứ ba. Đảng Cộng sản đã tái khẳng định quyền kiểm soát đối với phần lớn cuộc sống của Trung Quốc và công khai tôn vinh nhà lãnh đạo theo những cách chưa từng thấy kể từ thời Maoist. Nhà nước tiếp tục nhúng sâu bàn tay vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi tiếp tục mở rộng sự gắn kết với thế giới, thậm chí áp dụng cách tiếp cận hiếu chiến với khu vực, trái ngược với Đặng (người đề ra nguyên tắc ẩn mình chờ thời).
Nếu động cơ của Mao là chủ nghĩa Mác-Lenin, thiết lập giai cấp vô sản, tạo ra chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn trên đất Trung Quốc thì Đặng, người đã phải giải quyết tất cả những hậu quả mà Mao để lại: sự nghèo đói, xung đột xã hội và cả sự tàn tạ sau cuộc cách mạng văn hóa năm 1960.
Tập thì khác hơn, Tập có vẻ kế hoạch tính chủ nghĩa cá nhân của Mao, nhưng động lực thay đổi đất nước thực sự chưa rõ nét. Lý giải cho điều này xuất phát từ một nền tảng kinh tế tốt mà ông được người tiền nhiệm để lại.
Vậy cuộc cách mạng của Tập là gì? Một thành viên cao cấp CV Starr tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York cho hay, Tập tự đặt mình đối diện với cái mà ông ta tự cho là ‘mối đe dọa lớn’ đối với sự cai trị của ĐCSTQ: internet và tham nhũng.
Tập nhanh chóng phát động một chiến dịch lớn chống lại các quan chức tham nhũng, theo một ước tính, dẫn đến việc sa thải và thậm chí bỏ tù hơn 1,3 triệu người. Vì cuộc chiến này nằm trong nội bộ, nên quyền lực có xu hướng tập trung vào tay lãnh đạo.
Còn internet thì sao? Các tư tưởng và giá trị phương Tây, nền tảng chính trị của các nền dân chủ phương Tây mà người Trung Quốc tiếp xúc ngày càng nhiều kể từ cuộc cách mạng của Đặng, cũng đe dọa sự độc quyền của cộng sản. Do đó, Tập đã tìm cách loại bỏ giá trị Tây phương này ra khỏi các trường đại học và hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của nó trên phương tiện truyền thông. Tập cũng đã thúc đẩy tạo ra một hệ thống kiểm duyệt internet rộng lớn, sử dụng khoảng 2 triệu người để ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên internet, báo, tạp chí và đài phát thanh chính thức.
Thế nhưng, một Trung Quốc cởi mở, khoan dung, bảo vệ dòng chảy tự do của thông tin và hạn chế quyền lực của chính phủ, hợp tác thay vì đe dọa các nước láng giềng, sẽ có thể mang lại cho đất nước hòa bình và thịnh vượng. Các nước phương Tây từng tin tưởng hoặc ít nhất hy vọng điều đó dưới thời Đặng, và giờ đây, dưới thời Tập – mọi thứ xoay ngược lại.
Tuy nhiên, lịch sử có những bước ngoặt bất ngờ và lịch sử Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, và cuộc cách mạng thứ Tư có lẽ là việc tạo ra một quốc gia dân chủ, tự do hơn ở Trung Quốc.
Việt Nam – một đất nước nhỏ bé ở phía Nam Trung Quốc như một người học trò của Bắc Kinh, có lúc dễ bảo, nhưng đôi khi lại trái tính. Thế nhưng dù nói gì đi chăng nữa, thì Hà Nội vẫn xem Bắc Kinh như một người thầy trong học hỏi kinh nghiệm về xây dựng kinh tế, thể chế chính trị đến các khía cạnh nhỏ hơn như… xây dựng đội ngũ cán bộ.
Giống như Tập, ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực để nhằm chống lại 2 mối nguy của chế độ Cộng sản: internet và tham nhũng.
Với tham nhũng, ông Trọng đưa một Ủy viên Bộ Chính trị vào tù với thời hạn trên 30 năm, nhiều tướng trong bộ máy công an cũng bị hầu tòa và kết án. Ông Trọng đang muốn chứng tỏ, không có vùng cấm nào nếu như đủ quyền lực và quyết tâm diệt tham nhũng. Và trong một tuyên bố đầu năm 2019, Trọng tuyên bố: 2019 sẽ kết thúc xử lý 43 vụ việc tham nhũng.
Với giá trị Tây phương, ông Trọng thẳng thừng tuyên bố ‘Luật an ninh mạng là nhằm bảo vệ chế độ’, ông Trọng tiến hành chỉ đạo bộ máy xử lý kỷ luật chống lại những nhà xuất bản đang in ấn các ấn phẩm về giá trị tự do – dân chủ phương Tây, cũng nhưng răn đe và ngăn chặn tình trạng thoái đảng. Ông Trọng nhìn về những người bất đồng chính kiến, những cá nhân đang thúc đẩy giá trị Tây phương Việt Nam bằng góc nhìn độc đoán, khắc khe và hoàn toàn không chấp nhận. Ông Trọng đặt họ vào ngôn từ như cách mà nhà tư bản trong thời kỳ công nghiệp từng nhìn vào đoàn công nhân và phê rằng: lũ lưu manh, cơ hội.
Cũng như Tập, tham nhũng và giá trị Tây phương, đều được coi là mối đe dọa. Nhưng khi đặt cả 2 yếu tố này lên bàn cân và gắn nhãn ‘đe dọa’, bản thân ông Trọng cũng đang vấp phải những mâu thuẫn nội tại bên trong. Ông Trọng cần vun vén quyền lực để chống tham nhũng, nhưng ngăn chặn sự tự do thông tin và giá trị Tây phương phổ quát lại dung dưỡng sự bất tuân dân sự trong xã hội về mặt ý nghĩ, cũng như nó khiến cho cuộc chiến tham nhũng chỉ dừng lại ở các trường hợp điển hình, và trong bộ máy cấp cao hơn là một cuộc chiến chống tham nhũng trong cả hệ thống thể chế.
Do đó, đốt lò chỉ dừng ở mức chiến dịch, mang tính ngắn hạn, xoa dịu những ung nhọt tạm thời hơn là một sự đổi mới, cải cách trong cuộc chiến chống tham nhũng nhằm mang lại những kết quả dài hơi hơn. Hay nói cách khác, những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhìn một cách tổng quát là một sự vun vén quyền lực không hơn không kém. Và tại Việt Nam, những sự vun vén như thế này thường mang lại giá trị trước mắt, nhưng hệ quả sự sự chậm tiến về xã hội và lạc hậu về kinh tế với di họa lớn hơn sẽ kéo dài trong hàng dài thế hệ.
Lê Duẩn – một Tổng Bí thư vun vén quyền lực tập trung để xây dựng bộ máy chiến tranh chỉ thành công trong giai đoạn vệ quốc trước Bắc Kinh, nhưng thất bại hoàn toàn trong giai đoạn xây dựng Tổ quốc, khi lời hứa '10 năm nữa mỗi nhà ở VN sẽ có một cái tủ lạnh' đến nay vẫn còn trong sự phấn đấu.
Trần Phú – Tổng Bí thư giai đoạn đầu tiên của Đảng CSVN - người tập trung những yếu tố gộc gạc của chủ nghĩa cộng sản, và cũng như Mao, có thể ông ta sẽ gây ra thảm họa về mặt xã hội với khát khao mãnh liệt về xây dựng một chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn,… nếu như ông ta không chết sớm.
Ông Trọng – bằng cách nào đó đang hưởng những giá trị của 2 nhân vật này, và tất nhiên, ông ta cũng kế thừa những di hại do quan điểm, chính sách có âm hưởng từ Phú và Duẩn. Đó là chặn đứng luồng chảy tự do tư tưởng Tây phương, vun vén cá nhân để tập trung đốt lò,...
Ông Trọng cung cấp một bản vẽ xã hội hoàn hảo mà Orwell đã đề cập trước đó: một thế giới nhục cảm, bị chèn ép, xám xịt. Và bằng cách nào đó đang tạo ra một hệ quả tương tự như Mao hay Duẩn,… một tiền đề của một cuộc cách mạng đổi mới trong tương lai?
A. L.
VNTB gửi BVN
0 nhận xét