Nước Tàu từ thời chiến tranh Nha phiến 1840 tới nay
Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
18:45
//
Phân tích
,
Slider
Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Gần đây, tờ báo VietTimes, từ số ra ngày 3/8/2018, có đăng một loạt bài của ông Cao Thiện Văn, bài đầu mang tựa đề "Những người Trung hoa dưới 30 tuổi hãy gội đầu cho tỉnh ngủ, chuẩn bị sống những ngày khốn khổ", bài thứ 2: "Chiến lược" Made in China 2025 "khiến lợi ích quốc gia Mỹ bị thách thức", bài thứ 3: "Chống Trung cộng đang trở thành nhận thức chung của giới chính trị Mỹ". Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ có thể chú trọng nhiều vào bài thứ nhất. Hơn thế nữa ở trong đó có câu:
“Nhớ lại từ Chiến tranh Thuốc phiện tới nay, các bước ngoặt lịch sử liên tiếp xuất hiện, Trung quốc toàn lựa chọn sai lầm (năm 1949 cùng Liên sô hay Phong trào theo Tây thời Mãn Thanh), ngoại trừ 2 lần đúng do Đặng Tiểu Bình lựa chọn (tức đề ra Phương châm 16 chữ vàng và Cải cách mở cửa.)”
Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ thêm để làm sáng tỏ vấn đề.
Nói đến Chiến tranh Nha phiến là bắt đầu vào năm 1840, thời vua Đạo Quang năm thứ 20 (1820 -1850), tới nay 2018 là 178 năm, thời gian cũng dài, nước Tàu đứng trước biết bao bước ngoặt lịch sử. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài này, chúng tôi cũng chỉ có thể hạn chế, xét về những bước ngoặt và những quyết định do Đảng cộng sản Tàu lấy.
A) Những quyết định do Đảng Cộng sản Tàu lấy trước những bước ngoặt lịch sử, đó là:
1) Quyết định theo Liên sô thành lập đảng Cộng sản năm 1920.
2) Cướp được chính quyền năm 1949 và vẫn tiếp tục theo Liên sô.
3) Thực hiện Bước Tiến nhảy vọt năm 1958 làm cho 40 triệu dân Tàu chết đói.
4) Làm Cách mạng Hồng vệ binh 1966 – 1971 không có gì hơn là cuộc tranh giành quyền lực, sau Bước tiến đại nhảy vọt, lúc đó Mao dựa vào giới trẻ, và một phần quân đội của tướng Lâm Bưu, để giật lại chính quyền. Sau đó Lâm Bưu cũng phản, định làm một cuộc đảo chính, mưu sát Mao nhưng không thành.
5) Hai quyết định của Đặng Tiểu Bình từ năm 1978, như ông Cao Thiện Văn nói: “Phương châm 16 Chữ vàng và Cải cách mở cửa”.
Tại sao những quyết định trước đó là sai và chỉ có 2 quyết định sau là đúng?
1) Quyết định thành lập Đảng Cộng sản Tàu, đi theo mô hình phát triển Mác – Lê là một sai lầm lớn, thay vì đi theo mô hình phát triển Hoa kỳ.
Người ta có thể nói đi theo ý thức hệ của Marx là một sai lầm lớn từ thời Lénine, vì “Lý thuyết của Marx chỉ là cặn bã của nền văn hóa Âu châu” (Xin xem thêm bài của cùng tác giả, trên http://perso.orange.fr/chuchinam). Nhưng Lénine đã ý thức điều này và đã sửa sai. Nhớ lại lịch sử Nga thời bấy giờ về kinh tế. Lúc đầu Lénine chủ trương hoàn toàn áp dụng lý thuyết của Marx, chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu; nhưng gặp sự chống đối của dân, và cảnh “cha chung không người khóc, ruộng chung không người cày”, lâm vào cảnh chết đói. Lénine đã phải sửa sai, đưa ra Chính sách kinh tế mới (NEP), trả lại một phần tư hữu về cho dân. Nhưng sau khi Lénine chết, Staline và những người kế vị vẫn áp dụng chính sách bãi bỏ quyền tư hữu, hợp tác xã, kinh tế quốc doanh.
Hơn thế nữa, đảng Cộng sản Tàu là do Đệ Tam quốc tế, Liên sô, thành lập.
Theo 2 nhà sử học Jung Chang và John Halliday, thì:
“Những nhân viên nòng cốt của Moscou. Grigori Voitinski thành lập đảng Cộng sản Tàu năm 1920 (Grigori Voitinski fonda le Parti communiste chinois en 1920). Maring, một nhà hoạt động cách mạng nhà nghề, gốc người Hòa lan, đồng chủ trì Đại hội đảng cộng sản Tàu đầu tiên ở Thượng hải năm 1921 (Maring, un agitateur hollandaise, coprésida le 1er Congrès du PCC à Shanghai en 1921.)” (Jung Chang và John Halliday – quyển Mao- những trang hình- Nhà xuất bản Gaillimard – Paris 2005.)
Chúng ta cũng biết Jung Chang là con một cán bộ cao cấp của Đảng, sinh năm 1952, theo Hông vệ binh lúc 14 tuổi, đã thuật lại thân thế và gia cảnh của mình trong quyển Những Con Thiên nga man dại (les Cygnes sauvages (1992 – Plon). Bà đã kể cảnh bố mẹ bà đã tự nguyện hết mình theo cộng sản, sau đó bị bạc đãi trong Cách mạng Hồng vệ binh. Bố bà trở nên điên khùng. Ông chính là người được Đảng ủy thác xây quảng trường Thiên an môn.
Hiện nay bà Jung Chang đang sống ở Anh và làm việc cho đại học York.
John Halliday là nhà văn, sử gia, làm việc cho đại học Luân đôn.
Hai người còn viết:
“Mao Trạch Đông, trong vòng 27 năm, đã nắm quyền một cách tuyệt đối trên một phần tư dân số của nhân loại, đã giết 70 triệu người trong thời bình, hơn bất cứ một người lãnh đạo nào của thế kỷ 20” (Sách đã dẫn – trang bìa sau).
Đảng Cộng sản Tàu, có thể nói là hoàn toàn nhập cảng từ ngoại quốc, nên đây là một quyết định sai lầm như ông Cao Thiện Văn nói là đúng. Tuy nhiên có lẽ vì hoàn cảnh đang sống ở trong nước, dưới sự cai trị của đảng cộng sản nên ông không thể nói rõ ra.
2) Sai lầm to lớn thứ 2, đó là sau khi cướp được chính quyền từ tay Tưởng giới
Thạch, là một quốc gia to lớn, rất có thể trụ được một mình, đứng trung lập, không theo phe nào; nhưng vẫn theo phe cộng sản Liên sô, lúc đầu quá tin tưởng vào Liên sô, nghĩ rằng sẽ nhận được một nguồn viện trợ to lớn. Nhưng thực tế không phải vậy, như lời nói của Mao vào cuối năm 1949, sau khi viếng Liên sô: “Kiếm được một miếng viện trợ của Liên sô khó khăn chẳng khác nào lấy miếng thịt từ miệng con hổ.”
Thêm vào đó, với ý tưởng cố định cho rằng một cường quốc là phải có bom nguyên tử, Mao đã yêu cầu Liên sô giúp đỡ để chế bom nhưng bị từ chối nhiều lần, gây ra tình trạng bất hòa Nga - Hoa.
Hơn nữa, chúng ta cũng biết là ngay sau khi cướp được chính quyền, Trung cộng buộc phải gửi cả triệu quân qua Hàn quốc, giúp Kim nhật Thành đương đầu với sự đổ bộ cũa Hoa kỳ. Trong lịch sử 2 nước, đây là lần đầu tiên 2 nước đối đầu nhau một cách công khai, chính thức.
Nhưng cũng may là cuộc chiến này chỉ kéo dài 3 năm, rồi đình chiến.
3) Quyết định sai lầm thứ 3 là làm Bước tiến nhảy vọt năm 1958, bắt toàn dân phải sản xuất sắt thép, bỏ việc đồng áng đưa đến hậu quả làm cho 40 triệu người chết đói.
Giới lãnh đạo cộng sản nói chung và cộng sản Tàu nói riêng, có thể giỏi về tranh quyền, cướp nước, đấm đá nội bộ, đàn áp dân, nhưng rất dở về kinh tế.
Mao và giai tầng lãnh đạo, đi từ một ý tưởng đơn giản rằng một quốc gia phát triển là một quốc gia có một khả năng sản xuất sắt thép cao. Từ ý tưởng đó, họ đã bắt dân bỏ việc đồng áng, dồn vào việc làm ra những lò luyện thép, mặc dù nhỏ, được mệnh danh là “lò bỏ túi”, mang nồi niêu xong chảo ra luyện thành thép. Kết quả là công việc nhà nông không làm, mặc dầu không phải là mất mùa, nhưng số thu hoặch canh nông sút giảm đưa đến hậu quả là chết đói cả nước. Theo nhiều tài liệu thì chỉ 2 năm, từ năm 1958 đến 1960, mà đã làm cho 40 triệu người chết đói.
Khi họp Trung Ương đảng, không một ai dám lên tiếng chỉ trích Mao mà đổ lỗi cho thiên tai. Có một vài người dám lên tiếng, như Bành Đức Hoài, thì sau này trong Cách mạng Hồng vệ binh, Mao đã trù dập cho chết, mặc dầu trước đó là Mao và Bành rất thân ở Diên an, Mao Bành như hình với bóng, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường!.
Như kiểu dân gian thường nói, đối với người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo, “Chỉ có quyền và tiền, chứ không có tình.” Quả thật không sai!.
4) Sai lầm to lớn thứ tư là khởi xướng Cách mạng Hồng vệ binh làm cho cả 20 triệu người dân Tàu phải chết:
Sau Bước Tiến đại nhảy vọt từ năm 1958-1960, phần lớn nhũng người trong Đảng không dám chỉ trích công khai Mao, nhưng phần đông bất mãn, quyền hành bị vượt khỏi tay Mao, rơi vào tay bộ ba Lưu Thiếu Kỳ - Chu Ân Lai – Đặng Tiểu Bình. Trong ba người này, người muốn triệt hạ luôn Mao, chính là Lưu Thiếu Kỳ. Đây cũng là nguyên do chính khiến Mao trù dập họ Lưu đến chết mất xác. Người phản đối Lưu Thiếu Kỳ là Đặng Tiểu Bình và đây cũng là một phần lý do khiến họ Đặng mặc dù bị trù dập nhưng trải qua được nhiều sóng gió trong thời kỳ Cách mạng Hồng vệ binh. Người đứng trung lập là Chu Ân Lai, chỉ bị sỉ nhục, chứ không bị đi đày. Vào tháng 2 năm 1972, khi tiếp Nixon và Kissinger, Chu được quyền ngồi chiếc ghế bành như mọi người. Nhưng vào tháng 12/1973, khi tiếp vua Népal, mọi người, ngay cả thông dịch viên, đều được ngồi ghế bành, chỉ riêng Chu ngồi một chiếc ghế thường (Theo Jung Chang va john Halliday – quyển Mao – trang hình- số 73).
B) Hai quyết định của Đặng Tiểu Bình từ năm 1978, đó là “Phương châm 16 chữ vàng và cải cách mở cửa”. Và theo ông Cao Thiện Văn, thì chỉ có 2 quyết định này là đúng từ thời Chiến tranh Nha phiến tới nay.
Ông Cao Thiện Văn cũng có lẽ quá phóng đại, cho rằng từ thời Chiến tranh Nha phiến tới nay, tất cả những quyết định quan trọng của nước Tàu là sai, chỉ có 2 quyết định của họ Đặng là đúng.
Cách nói này của ông họ Cao cũng hơi quá. Từ thời Chiến tranh Nha phiến tới giờ là đã thấm thoát gần 200 năm mà chỉ có 2 quyết định của Đặng Tiểu Bình là đúng, thì hơi lộng ngôn.
Chúng ta cũng biết, nước Tàu mở cửa ra với Mỹ là đã được lấy từ thời Mao, nên mới có cuộc gặp Thượng hải 1972.
Phương châm 16 chữ vàng đó là: “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu.”
Cải cách mở cửa đây là mở cửa với Tây phương, đặc biệt là với Mỹ.
Việc đánh Việt Nam vào năm 1979, dạy cho một bài học của Đặng Tiểu Bình, mục đích chính, theo ông Cao Thiện Văn, là được Mỹ chấp nhận.
Được Mỹ chấp nhận, có giao thương, buôn bán, từ đó đến nay là đã được 40 năm.
Tuy nhiên cũng theo ông Cao:
“Cơ sở chính trị cho việc giao lưu bình thường trong quan hệ Trung-Mỹ 40 năm qua nay đã không còn nữa. Quan hệ Trung-Mỹ sẽ bước vào thời kỳ vô cùng bất ổn, không xác định, đầy sự đối kháng trong thời gian dài, trung ương cần chuẩn bị tốt, đầy đủ cho điều này. Quay đầu lại xem xét thì thấy trung ương thực ra chưa chuẩn bị tốt, cho đến tận bây giờ, có lẽ sự chuẩn bị của chúng ta vẫn chưa tốt.”
Mục đích của bài viết là đề cao đường lối chính sách mà Đặng Tiểu Bình đã lấy cách đây 40 năm, nhưng một cách âm thầm gián tiếp chỉ trích đường lối hiện nay của Tập cận Bình. Theo ông vì không nghe lời họ Đặng, nên có thể họ Tập sẽ đưa nước Tàu vào một thời kỳ đen tối trong tương lai cả bao chục năm.
Dù sao ở một nước độc tài, mà ông có can đảm dám viết một bài như vậy, cũng là đáng nể. Phải chăng ông là người của đảng và được cho phép của Trung ương Đảng. Đây là một câu hỏi lớn, người ngoài cuộc khó trả lời.
C) Một cách tổng quát thì những điều ông đưa ra không sai. Tuy nhiên cũng nên làm rõ một vài vấn đề:
1) Vấn đề đánh Cộng sản Việt Nam của Đặng Tiểu Bình vào đầu năm 1979 để được Mỹ chấp nhận:
Không ai chối cãi rằng quyết định của Đặng Tiểu Bình đánh Cộng sản Việt Nam là để được Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên đây không phải là mục đích duy nhất của họ Đặng. Họ Đặng trở lại chính quyền vào năm 1978. Ông còn phải tranh quyền với Hoa Quốc Phong, người được Mao Trạch Đông trước khi chết chỉ định, là người thừa kế chính thức của mình, bên cạnh đó còn có bà Giang Thanh, Vương H ồng Văn v.v…và lực lượng của Cách mạng Hồng vệ Binh. Việc quan trọng trong chế độ cộng sản là ai nắm được quân đội thì sẽ nắm quyền trong tương lai. Trong quân đội Trung cộng lúc đó có 2 quan niệm: a) Quan niệm của Hoa Quốc Phong là vẫn giữ quân đội ở hình thức cũ của quân đội giải phóng, du kích. b) Quan niệm của Đặng Tiểu Bình là phải hiện đại hóa quân đội.
Trận đánh vào đầu năm 1979 chứng tỏ rằng quân đội Trung cộng còn võ trang thô sơ, quan niệm của họ Đặng là đúng. Những trận đánh đầu tiên quân đội Trung cộng bị thua, thiệt hại nặng, nhưng họ Đặng đã thắng về chính trị, vì quan niệm của ông đã đúng. Chính vì vậy mà họ Đặng mới loại được Hoa Quốc Phong. Ngoài ra còn có việc, chứng tỏ Trung cộng lúc bấy giờ không sợ Liên sô và sẵn sàng ngả theo Mỹ, vì Liên sô và Cộng sản Việt Nam vừa mới ký Hiệp ước thân Thiện quân sự, giúp Cộng sản Việt Nam đánh sang Căm bốt năm 1978.
2 ) Vấn đề Mỹ viện trợ những vũ khí tối tân để đánh Việt nam:
Ông Cao Thiện Văn viết:
“Đặng Tiểu Bình gây chiến tranh biên giới 1979 chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam, sau đó Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung cộng để gây chiến. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung cộng khi đó vượt quá đẳng cấp Mỹ giành cho các đồng minh của họ; Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung cộng thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung cộng được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.”
Đồng ý là ở một nước độc tài như Trung cộng, những hiệp ước, thỏa thuận đều được giữ bí mật; nhưng ở một nước tương đối dân chủ như Hoa kỳ, những hiệp ước, thỏa thuận như ông Cao Thiện Văn nêu trên, khó giữ kín, vì phải thông qua quốc hội, với những tài khoản tiền bạc, do quốc hội nắm giữ. Tuy nhiên chúng ta không thấy có một dấu vết chi cả. Hơn thế nữa, nếu quân đội Trung cộng được Mỹ trang bị vũ khí hiện đại thì đã không bị thiệt hại nặng trong trận chiến này. Trên chiến trường ở biên giới Việt Hoa, xẩy ra nhiều trận đánh, trong suốt 10 năm, theo những nhà quan sát, thì họ cũng không tìm thấy “những vũ khí của Hoa kỳ ở đẳng cấp cao”.
Đánh để được Hoa kỳ chấp nhận, điều này ai cũng đồng ý, nhưng có cần phải kéo dài cuộc chiến cả chục năm trời, và những trận sau này nhiều khi còn khốc liệt, dã man hơn những trận lúc ban đầu.
Điều này chứng tỏ Đặng Tiểu Bình và giới Lãnh đạo Đảng cộng sản Tàu vẫn mang nặng đầu óc bá quyền nước lớn: Chỉ có quan hệ đại quốc và chư hầu, chứ không có quan hệ đồng minh, chỉ biết ra lệnh, nếu chư hầu không theo thì sẽ bị trừng phạt đích đáng. Đây là quan hệ giữa Trung cộng và Cộng sản Việt Nam còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Ông Cao Thiện Văn chỉ nói đến những hành động đúng của Đặng Tiểu Bình, mà không nói đến những hành động sai.
Có thể nói họ Đặng đã đóng vai trò rất quan trọng trong Đảng, nhất là từ năm 1934, trên đường Vạn lý Trường chinh, khi Mao được bầu lên Chủ tịch Đảng, họ Đặng đã là một trong 7 người trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đặc trách về Ban bí thư Trung Ương Đảng, đồng thời là Thư ký của Quân Ủy hội. Tổ chức này chỉ có 2 người dân sự là ông và Mao. Đã nhiều lần ông được Mao đề nghị thăng lên chức Thống tướng nhưng ông từ chối. Tất cả những việc làm của Đảng Cộng sản Tàu, từ những vụ thanh trừng, rèn quân chỉnh cán, đều có bàn tay của ông.
Nhưng việc làm đáng trách nhất, sau khi Mao chết, đó là ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên học sinh, thợ thuyền, công nhân vào năm 1989, trong Biến cố Thiên an môn.
Đây là một vết nhơ trong lịch sử Đảng cộng sản Tàu do chính ông làm ra.
Sau khi ông chết vào năm 1997, Đảng Cộng sản Tàu tiếp tục làm những điều sai trái, nhất là với Giang trạch Dân và Tập cận Bình hiện nay.
Họ Giang qua chính sách đàn áp Pháp luân Công và hành vi mổ cướp nội tạng có hệ thống, được nhà nước bao che, các tù nhân lương tâm như những người tu Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Ki tô giáo, đã và đang bị cả thế giới lên án là hành vi diệt chủng.
Họ Tập vì quên 16 Chữ vàng của họ Đặng “Bình tĩnh quan sát, Giữ vững trận địa, Ẩn mình chờ thời, Quyết không đi đầu”, đi theo chính sách bành trướng, đế quốc, mạo hiểm nên đã đưa nước Tàu đến bờ vực thẳm hôm nay.
Chính vì vậy mà ông Cao Thiện Văn có lời tiên đoán tương lai tối tăm về dân tộc Tàu, nhất là giới trẻ, trong vòng bao thập kỷ tới:
Ngay cái đề bài: “Những người Trung quốc dưới 30 tuổi hãy gội đầu cho tỉnh ngủ, chuẩn bị sống những này khốn khổ”.
Chúng ta nghĩ gì về lời tiên đoán và bài viết nói chung?
Những lời tiên đoán có vẻ bi quan về phía Trung cộng, nhưng nó cũng nói lên một phần nào sự thật, vì so sánh lực lượng từ thương mại, kinh tế tới quân sự, thì cuộc tranh hùng Mỹ-Hoa, cán cân ngả về phía Hoa kỳ, bất lợi cho Trung cộng.
Về bài viết, dù sao nó cũng cho chúng ta một vài sự kiện để suy ngẫm, nhất là vào lúc này, chiến tranh thương mại và kinh tế Mỹ-Trung đang ở cao điểm. Thêm vào đó lại có cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Điều này liên quan trực tiếp tới Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày thành lập, năm 1930, sau Đảng Cộng sản tàu 10 năm, chỉ là một cây tầm gởi. Lúc đầu thì bám vào Liên sô, sau khi Liên sô sụp đổ, bị Trung cộng dạy cho một bài học năm 1979, hơn 10 năm sau, 1990 thì muối mặt theo lại Trung cộng tại Hội nghị Thành đô.
Không biết Trung cộng sụp đổ thì Cộng sản Việt Nam theo ai? Bám vào đâu?
Câu trả lời là nên theo dân và bám vào dân, từ bỏ chủ thuyết Mác Lê, từ bỏ chế độ độc đảng, độc tài. Vì chỉ như thế mới sâu rễ bền gốc, như các cụ đã dạy.
Và có lẽ đây cũng là một bài học cho ngay chính Đảng Cộng sản Tàu. Có lẽ làm như vậy thì đỡ phải gội đầu cho tỉnh ngủ đề chờ những ngày đen tối, như lời ông Cao Thiện Văn cảnh cáo.(1)
Paris ngày 10/01/2019
_______________________________
(1) Xin xem thêm những bài về Tàu, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/
0 nhận xét