Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Nhân quyền VN 2018

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019 05:36 // ,


MLBVN – Kể từ sau sự kiện Formosa gây thảm họa môi trường biển từ tháng 4/2016, phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ ở Việt Nam phải đối mặt với làn sóng đàn áp khốc liệt từ phía đảng và nhà nước cộng sản. Trong năm 2018, có hơn 30 người đã bị kết án nặng nề, nhiều người bị đánh đập, trấn áp và một số người khác bị truy nã. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền cũng đã ban hành dự luật An ninh mạng để gia tăng khả năng kiểm soát và bóp nghẹt tự do Internet. Bên cạnh đó, những diễn tiến trong nội bộ đảng cầm quyền, quan hệ mật thiết và sự lệ thuộc của Hà Nội vào Bắc Kinh cũng ảnh hưởng lớn lao đến tình hình chính trị và phong trào dân chủ tại Việt Nam.
1. Từ chối xét xử công khai, công bằng. Kết án nặng nề đối với các blogger độc lập, người bất đồng chính kiến:
Năm 2018 đánh dấu một năm đầy biến cố đối với phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước. Nhiều người bị bắt gồm cả những gương mặt mới lẫn những người đã được công luận biết tới, đặc biệt là những người đã từng bị giam cầm bởi chế độ. Tất cả đều vì những hoạt động tranh đấu cho tự do, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong năm 2018 nhà cầm quyền đã dùng những bản án nặng nề để kết án những người đấu tranh dân chủ. Tổng cộng hàng trăm năm tù đã được tuyên cho hàng chục công dân chỉ vì họ bày tỏ chính kiến và thực hiện các hoạt động ôn hòa với mong muốn đất nước được đổi thay, thăng tiến. Hai mươi năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù là bản án bỏ túi nặng nề nhất trong khoảng hai mươi năm trở lại đây “được” dành cho nhà hoạt động Lê Đình Lượng.
Tất cả những phiên tòa xét xử các nhà tranh đấu, các nhân vật bất đồng chính kiến đều là những phiên xử kín cho dù được nhà nước thông báo là “công khai”. Có người bị xét xử mà không có sự tham gia bào chữa của luật sư. Thân nhân của “bị cáo” không được vào tham dự và quan sát phiên tòa, hoặc chỉ được vào khi có sự can thiệp của luật sư. Trong cái gọi là “phiên tòa”, luật sư cũng như thân chủ của mình không được tự do trình bày quan điểm, lý lẽ của mình. Khi đến phần trình bày của “bị cáo”, micro cũng bị điều chỉnh để âm thanh bị khó nghe, hoặc bị chủ tọa phiên tòa cắt lời. Không một người dân nào được vào tòa để quan sát ngoại trừ công an, mật vụ, người của Tòa án, Viện kiểm sát và những người được nhà nước chỉ định, chọn lựa.
Trước khi các phiên tòa chính trị diễn ra một vài ngày, công an thường bao vây nhà riêng, nơi ở của những người tranh đấu hòng ngăn cản họ đến tòa án. Nhiều người bị đánh đập, bị bắt trái phép chỉ vì cố gắng đến khu vực diễn ra phiên xét xử. Các ngả đường dẫn đến trụ sở tòa án cũng bị phong tỏa, cấm các phương tiện giao thông qua lại. Báo chí nhà nước thường đưa tin sai sự thật về các phiên tòa này.
Nhà nước cũng từ chối, không cho đại diện các chính phủ, cơ quan quốc tế nhân quyền tham dự phiên tòa; hoặc hạn chế số người đại diện cho các tổ chức này tham dự, nhưng phải ngồi theo dõi phiên xử qua màn hình tại một phòng khác.
Dưới đây là một số bản án mà nhà cầm quyền đã áp đặt đối với các nhà hoạt động nhân quyền trong năm 2018. Theo thống kê của chúng tôi (có thể chưa đầy đủ) thì năm 2018 đã có 259 năm tù giam cho hơn 30 nhà hoạt động nhân quyền, chưa kể án quản chế sau khi mãn hạn tù. Bên cạnh đó là hàng trăm người khác bị bắt, bị kết án vì biểu tình chống Dự luật Đặc khu hành chính, luật An ninh mạng và những lý do liên quan đến phản kháng chính đáng khác.
Bản án 20 năm 6 tháng tù giam cho ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc:
Cả 3 nhà hoạt động trên đều bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 BLHS năm 1999.
Phiên sơ thẩm do tòa án Hà Nội mở vào tháng 1/2018 đã kết án ông Vũ Quanh Thuận 8 năm tù giam, 6 năm quản chế. Ông Nguyễn Văn Điển bị kết án 6 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế. Trong khi đó, người trẻ nhất là sinh viên Trần Hoàng Phúc bị 6 năm tù giam, 4 năm quản chế.
Phiên phúc thẩm do Tòa án Tối cao mở vào ngày 10/7/2018 đã giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đây vẫn là một phiên xử kín mặc dù được thông báo là xét xử công khai. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an ngăn chặn, không cho ra khỏi nhà. Một số khác bị bắt, bị đánh đập khi cố gắng tiến đến gần khu vực tòa án.
VKS và tòa án đã buộc tội 3 công dân yêu nước trên là “bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Cáo trạng của VKS cho rằng “khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến đầu tháng 3/2017, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã có hành vi làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, mạng Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân.”. Tuy nhiên, các lý lẽ kết tội ba nhà hoạt động trên là rất yếu ớt và không có cơ sở. Thực chất những việc làm này của các ông Thuận, Điển, Phúc là phản ánh thực tại đất nước, cổ vũ cho nhân quyền, tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và khát vọng về một Việt Nam thăng tiến. Ba nhà hoạt động ôn hòa trên nằm trong vô số nạn nhân khác thuộc chính sách đàn áp nhân quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Bản án 66 năm tù giam cho sáu thành viên Hội Anh Em Dân Chủ:
Ngày 5/4/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án 6 nhà hoạt động nhân quyền là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Cả 6 nhà hoạt động trên đều bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999. Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận mức án nặng nhất là 15 năm tù giam, 5 năm quản chế. Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức nhận chung mức án 12 năm tù giam, 3 năm quản chế. Ông Nguyễn Bắc Truyển nhận mức án 11 năm tù giam, 3 năm quản chế. Cô Lê Thu Hà chịu 9 năm tù giam, 2 năm quản chế và ông Phạm Văn Trội chịu án 7 năm tù giam, 1 năm quản chế tại địa phương sau khi mãn hạn tù. Trừ cô Lê Thu Hà, 5 nhà hoạt động nhân quyền còn lại đều từng bị giam cầm do các hoạt động tranh đấu cho tự do, dân chủ với những bản án khác nhau.
Phiên tòa xét xử các thành viên Hội AEDC chỉ diễn ra trong một ngày. Mọi ngả đường dẫn đến khu vực tòa án đều bị nhà cầm quyền phong tỏa, cấm các phương tiện giao thông qua lại. Nhiều người dân bị bắt, bị đánh đập và bị ngăn chặn chỉ vì muốn đến quan sát phiên tòa, ủng hộ tinh thần cho các nhà hoạt động trên. Công an ngăn cản quyền được tham dự phiên tòa của thân nhân các “bị cáo”. Vợ của các ông Đài, Trội, Tôn, Truyển, Đức và người thân cô Hà chỉ được vào phòng xử án khi có sự can thiệp của các luật sư. Những người này tường thuật lại rằng trong phiên xét xử, các nhà hoạt động trên không được xét xử công bằng. Họ không được tự bào chữa khi liên tục bị tòa ngắt lời. Micro cũng bị điều chỉnh nhỏ hoặc không rõ tiếng khi các ông Đài, Truyền, Tôn, Trội, Đức, cô Hà trình bày trước tòa. Các lý lẽ VKS và tòa án đưa ra để kết tội các thành viên Hội AEDC không hợp lý, không có cơ sở nhưng Tòa án vẫn kết tội họ với những bản án hết sức nặng nề.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhà nước cộng sản Việt Nam là bà Lê Thị Thu Hằng nói với phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/4 rằng Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” và không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ.
Bản án 9 năm tù giam cho bà Trần Thị Xuân, một thành viên khác của Hội AEDC:
Ngày 12/4, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án 9 năm tù giam đối với bà Trần Thị Xuân, sinh năm 1976, một nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường. Bà bị buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999. Ngoài 9 năm tù giam, bà Xuân còn phải chịu 5 năm quản chế sau khi đi hết án tù.
Bà Xuân là một trong những thành viên chủ chốt của Hội Anh Em Dân Chủ và có những hoạt động quả cảm cổ vũ cho nhân quyền, chống Formosa, bảo vệ môi trường.
Bản án 1 năm tù giam phi lý dành cho thầy giáo Vũ Văn Hùng:
Một nhà hoạt động và cũng là một cựu TNLT khác bị tòa án tại Hà Nội kết án 1 năm tù giam với cáo buộc “cố ý gây thương tích”. Phiên tòa diễn ra hôm 12 tháng 4 và kết thúc chóng vánh. Thầy giáo Vũ Văn Hùng ra tòa mà không có luật sư bào chữa. Ông bị kết án 1 năm tù giam.
Vào ngày 4 tháng 1, ông Hùng bị một toán công an Hà Nội chặn đánh trên đường về nhà, sau khi ông đi dự một buổi họp mặt của Hội Cựu Giáo Chức Chu Văn An. Nhiều nhân chứng cho biết ông Hùng bị đánh rất đau mà không hề chống trả nhưng công an sau đó đã vu cho ông tội “gây rối trật tự công cộng” rồi bắt giam ông.
Tại tòa, không hề có mặt “người bị đánh” – yếu tố bắt buộc của một vụ án “cố ý gây thương tích” vì thực tế không hề có người bị hại. Và bởi vì nạn nhân chính là thầy giáo Vũ Hùng, người đang phải đứng ở vị trí bị cáo. Các lý lẽ bên VKS và tòa án đưa ra cũng mâu thuẫn nhau.
Đây là một vụ án được nhà cầm quyền sắp đặt để trả thù những người hoạt động nhân quyền. Thầy giáo Vũ Văn Hùng là một người yêu nước và là một nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm. Ông từng bị bắt và bị kết án 3 năm tù giam, 3 năm quản chế vì các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền hồi năm 2008.
Bản án 14 năm tù giam cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, 2 năm cho ông Nguyễn Nam Phong:
Ngày 06 tháng 02 năm 2018, tòa sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án 14 năm tù giam với nhà hoạt động Hoàng Đức Bình với các cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “Chống người thi hành công vụ” theo các điều 258, 257 BLHS cộng sản. Anh Nguyễn Nam Phong bị tuyên 2 năm tù giam với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”.
Bản án 14 năm tù giam là một sự trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền cộng sản vì những hoạt động hỗ trợ bà con thu thập thông tin về thiệt hại, hỗ trợ bà con viết đơn và đi khởi kiện, biểu tình yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa, đưa lên truyền thông mạng xã hội những hoạt động đánh đập, khủng bố của nhà cầm quyền đối với những ngư dân đi khởi kiện… của anh Hoàng Đức Bình tại 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh: Nơi chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa môi trường biển do nhà máy Formossa gây ra.
Bản án 6 năm tù giam cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ):
Phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng diễn ra vào sáng 15/8/2018 và đã kết thúc chỉ trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ. Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động này, giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm hôm ngày 15 tháng 4 năm 2018. Dũng bị cáo buộc là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo điều 88 BLHS năm 1999. Đây là lần tù thứ hai của Dũng chỉ vì có các hoạt động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và toàn vẹn lãnh thổ.
Đây cũng lại là một phiên xử kín, thậm chí không có luật sư tham gia bao chữa cho “bị cáo”. Luật sư Nguyễn Khả Thành, người được mời bào chữa duy nhất cho Dũng chỉ được thư ký phiên tòa thông báo 1 đêm trước phiên xử nên đã không thể có mặt kịp ở tòa vào sáng 15/8.
Bản án 20 năm tù giam cho nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng:
Ngày 16/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án ông Lê Đình Lượng, một cựu chiến binh Bắc Việt bản án 20 năm tù giam vì cho rằng ông có những “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tại phiên phúc thẩm diễn ra ngày 18/10 sau đó, tòa án tối cao đã giữ nguyên mức án 20 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với ông. Bản án 20 năm tù giam là mức án cao nhất mà một người bất đồng chính kiến phải nhận từ trước đến nay.
Được thông báo rằng đây là một phiên tòa công khai nên hàng trăm người dân cùng giáo xứ với ông Lê Đình Lượng đã đến phiên tòa để ủng hộ tinh thần ông vì cho rằng ông vô tội. Tuy nhiên, mọi vụ án chính trị luôn được xử kín mặc dù được thông báo là xét xử công khai nên đã không có ai được vào. Nhiều người đã bị bắt. bị đánh đập chỉ vì “lảng vảng” gần khu khu vực dẫn đến tòa án. Vợ, con trai và con dâu của ông Lượng chỉ được vào sau khi có sự can thiệp “rất vất vả” từ phía luật sư.
Cũng giống như các phiên tòa xét xử người yêu nước khác, bên trong khán phòng xử ông Lượng, dày đặc các công an mặc sắc phục lẫn mật vụ. Tinh thần của ông Lê Đình Lượng tại cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm được luật sư mô tả lại là “giống như một lãnh tụ tinh thần”.
Bản án 13 năm tù giam cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc:
Ông Nguyễn Văn Túc bị bắt ngày 1.9.2017 với cáo buộc vi phạm điều 79 BLHS 1999 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tòa án tại Thái Bình đã kết án ông 13 năm tù giam, 5 năm quản chế trong phiên sơ thẩm diễn ra ngày 10/4/2018. Tại phiên phúc thẩm diễn ra 5 tháng sau đó (ngày 14/9), tòa án Tối cao đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Túc. Khi được nói lời sau cùng tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Túc đã hô “Địt mẹ tòa!”. Câu chửi tục của ông không chỉ nói đến khí phách không khuất phục trước bạo quyền của ông, mà còn lột tả đầy đủ bản chất của một phiên tòa cộng sản là: bất công, dối trá và tội ác.
Xin nhắc lại rằng đây là lần tù thứ hai của ông Nguyễn Văn Túc. Ông từng bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế hồi năm 2008 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” mà thực chất những hoạt động đó đều cổ vũ cho các quyền tự do, dân chủ và tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ.
Bản án 12 năm tù giam cho ông Nguyễn Trung Trực, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ:
Ngày 12/9, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Trung Trực (44 tuổi), một trong những thành viên ban lãnh đạo Hội AEDC. Như các thành viên còn lại, ông Trực bị cáo buộc tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo khoản 1 điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông bị kết án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Bản án gần 17 năm tù giam cho Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương và ba công dân khác:
Ông Đỗ Công Đương, một người làm truyền thông độc lập đã bị tòa án Bắc Ninh tuyên án 4 năm tù giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra hôm 17/9/2018 còn kết án 3 công dân khác là Lê Thị Thanh Nga 3 năm, Nguyễn Văn Trung 2 năm 4 tháng và Nguyễn Văn Vui 2 năm 6 tháng tù giam.
Người bào chữa tại tòa cho ông Đương là luật sư Hà Huy Sơn nói rằng “Hành vi của ông chỉ là việc đi chụp ảnh, giám sát việc cơ quan công quyền thực hiện thu hồi đất thôi. Chứ ông không chống người thi hành công vụ, không đồng phạm với ai cả để mà gọi là gây rối trật tự công cộng. Và tại tòa tôi nói rằng là cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng minh hành vi đó của ông Đương”.
Ngoài bản án 4 năm tù giam, ông Đỗ Công Đương còn bị có buộc vi phạm điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.
Ngày 12/10, ông Đương bị kết án lần 2 với bản án 5 năm tù giam. Tộng cộng ông chịu mức án 9 năm tù giam do những tội danh ông không bao giờ phạm phải. Tội của ông là tội hoạt động ôn hòa, đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội.
Bản án 14 năm tù giam cho thầy giáo Đào Quang Thực:
Phiên tòa kết án thầy giáo Đào Quang Thực diễn ra tại tỉnh Hòa Bình hôm 19/9/2018 với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999. Ông Thực bị kết án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Thầy giáo Đào Quang Thực sinh năm 1960, là cựu giáo viên Trường Tiểu học Triệu Phúc Lịch, huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Trong quá trình giảng dạy, ông luôn lên tiếng chống những bất công, sai phạm trong nhà trường. Sau này, ông dùng mạng xã hội để lên tiếng chống bất công, bày tỏ quan điểm về tự do, dân chủ và mong muốn Việt Nam tiến bộ.
Bản án 16 năm tù giam cho Mục sư Tin lành Đinh Diêm:
Ngày 12/7, một phiên tòa tại Quảng Ngãi đã mở phiên sơ thẩm xét xử và kết án Mục sư Đinh Diêm với tội danh bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999. Ông bị kết án 16 năm tù giam. Báo Nhà nước nói rằng ông Đinh Diêm tham gia tổ chức của Đào Minh Quân tự phong là “Thủ tướng” Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, và ông từng tham gia tổ chức “phản động” Fulro và bị bắt đưa đi cải tạo.
Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, một hội thánh không được công nhận tại Việt Nam. Ông cũng thuộc thành viên của “Hội đồng liên tôn tại Việt Nam”, một tổ chức XHDS độc lập tranh đấu cho tự do tôn giáo tại VN.
Bản án 2 năm 3 tháng tù giam đối với facebooker Đoàn Khánh Vinh Quang:
Ngày 24/9, ông Đoàn Khánh Vinh Quang, 42 tuổi ngụ ở Cần Thơ bị tòa án quận Ninh Kiều (Cần Thơ) tuyên 27 tháng tù giam vì bị cáo buộc vi phạm điều 258 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cáo trạng của VKS viết rằng ông Quang đã “viết, đăng tải, phát tán những bài viết, hình ảnh có nội dung nêu trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “trong thời gian Quốc hội thảo luận dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (luật Đặc khu), Quang đã viết, đăng những bài, hình ảnh có nội dung xuyên tạc lên Facebook cá nhân để phản đối”.
Công an cũng khám nhà và thu giữ của ông Quang “2 lá cờ 3 sọc và nhiều tài liệu liên quan”.
Những việc làm của ông Đoàn Khánh Vinh Quang hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành. Ông bị bắt và tống giam chỉ vì sử dụng quyền tự do biểu đạt, mong muốn Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ và không lệ thuộc vào Trung cộng.
Bản án 3 năm tù giam cho hai công dân khác tại Cần Thơ:
Ông Nguyễn Hồng Nguyên (38 tuổi) và bà Trương Đình Khang (26 tuổi) bị cáo buộc vi phạm điều 258 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” chỉ vì bày tỏ chính kiến trên mạng Internet một cách ôn hòa. Phiên tòa ngày 29/9 tại quận Cái Răng đã kết án ông Hồng Nguyên 02 năm và bà Đình Khang 01 năm tù giam.
Cả hai công dân này đều bị cáo buộc là “xem các bài viết, hình ảnh, video có các nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan Đảng, Nhà nước, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ vô sản quốc tế; xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tay đắc lực cho các thế lực thù địch”.
Bản án tổng cộng 57 năm tù giam cho nhóm “Liên minh Dân tộc”: 
Ngày 5/10/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án các ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù, và Phan Trung 8 năm tù theo điều 79 “hoạt động nhằm lất đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999.
Ngoài ra, các nhà hoạt động này còn bị phạt án quản chế 3 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù giam.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Lưu Văn Vịnh cho hay “Cả 5 bị cáo ngày hôm nay khi ra tòa đã phản bác hoàn toàn cáo trạng của bên Viện Kiểm Sát. Ngay tại phiên tòa thì chứng cứ và tang vật của vụ án không được đưa ra. Các vật chứng cũng không được đưa ra xem xét.”
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, người bị tuyên án 13 năm tù giam còn tố cáo ông bị tra tấn, đánh đập và ép cung trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, tòa đã không cho ông nói mà vẫn dành cho ông bản nặng nề.
Lời chứng của luật sư Miếng và của các thân nhân “bị cáo” sau phiên xử đã chứng minh đây cũng là một trong các phiên tòa bất công xét xử các nhà hoạt động nhân quyền. Không có xét xử công khai, không xét xử công bằng, tra tấn, đánh đập và tuyên án bỏ túi, đàn áp những người muốn quan sát phiên tòa là đặc trưng của các phiên tòa chính trị.
Bản án 7 năm tù giam đối với Bác sĩ Nguyễn Đình Thành:
Sáng ngày 17/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm bác sĩ Nguyễn Đình Thành, một người hoạt động nhân quyền còn rất trẻ, mới 27 tuổi. Anh Thành bị buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 BLHS năm 1999.
Chỉ khi bị bắt, công luận mới biết về người thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết này. Cáo trạng của công an điều tra cộng sản ghi rằng “Thành đã bí mật mua các trang thiết bị về để soạn thảo, in ấn các bài viết nhằm tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đến tháng 6/2018, để kích động, kêu gọi người dân phản đối dự thảo Luật hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Thành đã soạn thảo, in ấn khoảng hơn 3.300 tờ rơi, bao gồm các hình ảnh, bài viết sưu tập trên mạng có nội dung kích động biểu tình liên quan đến Luật đặc khu để tán phát ra ngoài nhằm kích động người dân biểu tình.
Ngày 8/6/2018, khi Thành đang photo nhiều bản để đi phát tán, thì bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang”.
Vụ bắt giữ và kết án bác sĩ trẻ Nguyễn Đình Thành cho thấy xu hướng phản kháng trong người dân ngày một gia tăng, đặc biệt lan truyền đến giới trí thức trẻ. Đồng nghĩa với việc nhà cầm quyền quyết tâm hơn trong việc dập tắt tiếng nói phản kháng, tiến bộ đến từ các thành phần trong xã hội.
Các phiên tòa kết án những người biểu tình chống Luật Đặc khu:
* Bối cảnh: Ngày 10/6/2018 diễn ra một cuộc biểu tình quy mô lớn với hàng chục ngàn người tham gia tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại Sài Gòn và Bình Thuận.
Cuộc biểu tình nhằm phản đối Dự luật Đặc Khu và luật An ninh mạng. Dự luật Đặc Khu đưa Việt Nam trở thành một thuộc địa kiểu mới cho Trung cộng. Trong đó, Luật An ninh mạng bóp chết quyền tự do biểu đạt và cho phép công an có quyền không giới hạn, tùy tiện bắt giữ, bỏ tù người dân vì những phát biểu trên không gian mạng.
Hàng trăm người đã bị bắt sau đó và bị đưa ra xét xử, kết án trong những phiên tòa bất công và man rợ. Nhà nước cộng sản mở những phiên “xét xử lưu động” – một hình thức xử án man rợ chỉ có ở thời trung cổ, khác hẳn với việc xử kín các nhà tranh đấu cho nhân quyền. Xét xử lưu động cũng là một hình thức đấu tố thời Cải Cách Ruộng Đất khiến nạn nhân bị hủy hoại về tinh thần và nhân phẩm.
- Ngày 26/9, Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã mở Phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động đối với 15 thanh niên tham gia biểu tình chống Lụât Đặc Khu hôm 10/6 tại trụ UBND tỉnh Bình Thuận. Tất cả những người này đều bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng” (theo điều 318 BLHS) trên Quốc lộ 1A tại khu vực cầu Nam, thị trấn Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình.
15 người bị đưa ra xét xử và kết án gồm: Phạm Thành (31 tuổi): 4 năm 6 tháng tù; Đặng Ngọc Tấn (18 tuổi): 4 năm tù; Đặng Văn Tuấn (33 tuổi): 4 năm tù; Bùi Thanh Tư (28 tuổi): 4 năm tù; Trần Văn Xị (23 tuổi): 3 năm tù; Hồ Văn Tâm (29 tuổi): 3 năm tù; Nguyễn Văn Tiến (20 tuổi): 4 năm tù; Nguyễn Văn Thuận (19 tuổi): 2 năm tù; Nguyễn Ngọc Bình (27 tuổi): 3 năm sáu tháng tù; Nguyễn Văn Tân (28 tuổi): 3 năm sáu tháng tù; Nguyễn Văn Hiếu (20 tuổi): 3 năm tù; Nguyễn Tấn Vũ (18 tuổi): 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Hưng (23 tuổi): 3 năm tù; Đỗ Văn Thắng (19 tuổi): 3 năm sáu tháng tù; Ngô Đức Thuận (18 tuổi): 2 năm tù.
- Ngày 30/10, Tòa án cộng sản tại Bình Thuận tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm 30 công dân khác với cáo buộc “gây rối trật tự” theo Điều 318 Bộ Luật Hình sự. Những công dân này bị buộc tội đã có “hành vi hò hét, gây rối, xô đẩy cổng, dùng gạch đá, bom xăng tự chế ném vào bên trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và các trụ sở khác vào tối ngày 10/6 tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.
Mức án được tuyên như sau: Án tù cao nhất là 3 năm 6 tháng tù: 01 người. Mức án 3 năm tù: 06 người. Mức án 2 năm 6 tháng tù: 10 người. Mức án 2 năm 3 tháng tù: 04 người dưới 18 tuổi. Mức án thấp nhất là 2 năm tù dành cho 9 người, trong đó có 3 người dưới 18 tuổi.
- Ngày 29/11, Tòa án tại Bình Thuận mở phiên xét xử và kết án 9 người từng tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi tháng 6/2018. Cả chín người này đều ngụ tại huyện Tuy Phong và bị cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng.” Đây là phiên tòa thứ ba liên quan đến việc biểu tình ở khu vực Phan Rí, chống Luật Đặc khu. Trước đó, 25 người đã nhận án tù cùng tội danh trên.
Trong số 9 người này, nhận mức án nặng nhất là anh Dương Văn Ngoan, 40 tuổi, với 5 năm tù giam. Các anh chị Phan Văn Lành và Nguyễn Thị Hoa mỗi người bị 3 năm 6 tháng tù giam; các “bị cáo” Võ Mến, Đặng Văn Tùng, Lê Văn Tâm, Hồ Đặng Văn An, Nguyễn Văn An và Nguyễn Xí mỗi người bị xử phạt 3 năm tù giam.
- Ngày 30.7, ở phiên sơ thẩm, TAND TP. Biên Hòa đã xét xử và tuyên phạt 15 người kể trên mức án từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng tù, 5 người khác chịu mức án từ 1 năm đến 1 năm 2 tháng cải tạo không giam giữ.
2. Tình trạng công dân chết trong đồn công an
Trong năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân đã tử vong trong khi đang làm việc, hoặc đang bị giam giữ trong đồn công an, và quá nửa trong số này được công an công bố là “tự tử” trong đồn.
- Ngày 14/03/2018, ông Cẩm Văn Chửn (sinh năm 1974), đang chấp hành án tại phân trại số 2, trại giam Thanh Xuân bị công an Nguyễn Văn Bảo – trong khi nhắc nhở ông Chửn về việc uống rượu trong trại – đã tát vào mặt ông Chửn làm ngã ngữa, gây chấn thương sọ não. Phiên toà xét xử công an dùng nhục hình diễn ra vào ngày 14/11/2018 và kết ánh công an Nguyễn Văn Bảo 9 năm tù giam và mức bồi thường thiệt hại là 115 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
- Ngày 5/06/2018, ông Nguyễn Việt Khoa (31 tuổi, ngụ khóm 3, phường 8, thành phố Cà Mau) được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ tại buồng giam số 1, khu C của nhà tạm giữ thuộc CA Thành phố Cà Mau. Công an tỉnh Cà Mau cho biết anh Nguyễn Việt Khoa bị “tạm giữ do liên quan đến việc tàng trữ trái phép chất ma túy.”
- Ngày 24/08/2018, gia đình ông Hoàng Tuấn Long nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, thông báo ông đã chết tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ông Long chết sau 6 ngày bị tạm giam (không rõ lý do) tại công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. Công an phường Thổ Quan cho biết ông này đã cắn lưỡi tự tử nhưng gia đình nạn nhân quả quyết ông đã bị đánh đến chết trong khi bị tạm giam. Nguyên nhân chết được phía công an nói rằng do cắn lưỡi nhưng theo tường thuật của vợ nạn nhân thì phía sau đầu của anh Long có “một vết lõm rất to, xương sườn bị gãy 4 cái, tim thì tụ một cục máu, mật sưng to, các nội tạng khác đều bị sưng”.
- Ngày 7/07/2018, ông Phùng Văn Khê (61) tuổi, trú taị xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã chết sau khi làm việc với công an một ngày trước đó vì mâu thuẫn với một người hàng xóm tên Phạm Văn Nam. Ông Khê sau đó bị bắt rồi được thả về nhà vào buổi tối cùng ngày. Sáng hôm sau thì người nhà phát hiện ông đã chết. Báo chí không đưa thêm thông tin gì về nguyên nhân gây ra cái chết của ông Khê cũng như ý kiến của gia đình ông.
- Ngày 2/08/2018, anh Hứa Hoàng Anh, người tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng (diễn hôm 10/6/2018 ) đã chết sau khi làm việc với công an. Anh Hứa Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ tại xã Bàn Tân Định 1, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã đăng tải trên facebook cá nhân giấy mời làm việc của cơ quan công an. Giấy mời không ghi rõ nội dung làm việc và thậm chí còn ghi sai thời gian- năm 2018 ghi nhầm thành 2017. Thông báo cho bạn bè, nạn nhân cho biết lý do bị mời vì liên quan đến việc tham gia biểu tình ôn hòa hôm 10/6. Trưa ngày 2/8, công an đã đến tận nhà để làm việc với anh, sau đó, thân nhân của anh Hoàng Anh được công an thông báo là anh đã “tự sát”. Khi vợ của anh Hoàng Anh đi ra ngoài để pha trà, lúc quay lại thì đã thấy chồng mình gục xuống với những vết thương ở cổ và bụng. Gia đình (và cả công an) đã đưa anh Hoàng Anh đi cấp cứu nhưng anh đã tắt thở giữa đường. Tổ chức Ân xá quốc tế đã ra tuyên bố thúc giục nhà cầm quyền CS Việt Nam mở cuộc điều tra độc lập, liên quan đến cái chết của ông Hứa Hoàng Anh.
- Ngày 13/08/2018, anh Nguyễn Chí Hiếu (sinh 1989, ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Tp Cần Thơ) đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Tp Cần Thơ vì “vỡ tá tràng, suy đa cơ quan’. Trước đó vào tối ngày 9/08/2018, anh Hiếu đang điều khiển xe gắn máy trên quốc lộ 91 qua địa bàn phường Phước Thới thì bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Do anh Hiếu “có biểu hiện say rượu và không hợp tác” nên bị đưa về chốt làm việc. Anh Hiếu được thả khỏi trụ sở vào sáng sớm ngày 10/8 trong tình trạng đau bụng. Sau khi được thả, anh Hiếu gọi cho bạn thân là Trương Văn Có đến đón vì xe gắn máy đã bị CSGT giữ lại. Anh Hiếu nói với bạn mình là anh “bị mấy anh áo xanh đánh, đá vào bụng”. Vì trời chưa sáng nên anh Có đưa anh Hiếu về nhà trọ ngủ. Đến 10 h sáng, anh Hiếu liên tục kêu đau nên được đưa tới bệnh viện. Đến 3g20 phút sáng ngày 13/8, anh Hiếu đã tử vong tại bệnh viện. Gia đình anh Hiếu đã làm đơn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của công an quận Ô Môn đối với cái chết của anh. Một công an phường Phước Thới là Bùi Đức Nghĩa đã bị bắt tạm giam sau đó để điều tra về hành vi “cố ý gây thương tích”. Công an quận Ô Môn đã hỗ trợ “một phần tiền viện phí, chi phí mai táng cho gia đình với số tiền gần 200 triệu đồng.
- Ngày 13/10/2018, bà Huỳnh Thị Nhung, (45 tuổi, trú thôn Ninh Sim, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) chết khi đang bị thẩm vấn tại phòng làm việc Đội cảnh sát hình sự huyện Ninh Hoà với vết kéo đâm vào cổ. Trước đó, khoảng 14h cùng ngày, lực lượng cảnh sát hình sự Công an thị xã Ninh Hòa phối hợp với Công an xã Ninh Sim, kiểm tra hành chính nhà nghỉ Thùy Nhung (thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim). Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang một đôi nam nữ có hành vi mua, bán dâm. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa đã đưa chủ nhà nghỉ Thùy Nhung cùng một số người về cơ quan điều tra làm việc. Đến 21h40 cùng ngày, khi cán bộ điều tra thụ lý làm việc ra ngoài báo cáo lãnh đạo. Khoảng 2 phút sau, công an phát hiện bà Nhung tay cầm kéo, máu chảy nhiều từ vùng cổ. Bà sau đó được đưa tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cấp cứu. Đến 22h15 cùng ngày, bà Nhung tử vong. Gia đình, người thân bà Nhung vì vụ việc xảy ra trong đêm 13/10, nhưng đến 8h sáng ngày 14/10, gia đình mới nhận được tin báo của cơ quan công an. Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa cung cấp bất cứ thông tin, chứng cứ gì để chứng minh nạn nhân đã tự tử tại phòng làm việc của công an. Gia đình bà Huỳnh Thị Nhung khẳng định bà không tự vẫn mà chính những công an điều tra là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của bà.
- Ngày 18/10/2018, anh Châu Dung Thành (1983, ngụ tại phường 16, quận 11, Sài Gòn) tử vong sau một đêm bị thẩm vấn tại trụ sở Công an quận 11. Trước đó, ngày 17/10, anh Thành bị bắt với cáo buộc tội cướp giật tài sản (điện thoại di động). 4 giờ sáng ngày hôm sau, anh Thành kêu đau và được đưa đến bệnh viện nhưng chỉ khoảng 15 phút sau, anh Thành tử vong. Gia đình nạn nhân nhận được thông báo người thân đã tử vong sau 7 tiếng đồng hồ. Công an quận 11 nói rằng anh Thành chết tại bệnh viện và do anh này mắc bệnh từ trước. Nhưng người thân của nạn nhân khẳng định trước khi bị bắt, Châu Dung Thành hoàn toàn khỏe mạnh và nghi ngờ anh này bị công an đánh chết trong khi bị tạm giữ.
- Ngày 23/12/2018, ông Nguyễn Minh Sang (46 tuổi) tử vong sau khi công an tới bắt những người đánh bầu cua tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM). Theo người thân nạn nhân, chiều ngày 20/12, anh Sang qua một điểm đánh bầu cua ăn tiền tại khu vực này, được một lúc, hai công an thuộc phường 2 (quận Tân Bình) bất ngờ ập vào.Thấy mọi người tán loạn tìm đường trốn khỏi hiện trường, anh Sang cũng tháo chạy theo nhưng bị công an đuổi kịp. “Một số người dân chứng kiến cho biết, anh Sang bị công an dùng dùi cui đánh”. Sau đó, anh Sang bị đưa về trụ sở công an phường 2 (quận Tân Bình). Đến khoảng 15h cùng ngày, người thân đến trụ sở tìm con em mình thì thấy anh Sang nằm trên ghế đá, mặt xanh xao, kêu đau vùng đầu và xin thuốc để uống. Lo lắng vì sức khoẻ của anh Sang không ổn, mẹ anh là bà Huỳnh Thị Thịnh (64 tuổi, ngụ p.5, quận Tân Bình) đã xin công an đưa con mình đến bệnh viện kiểm tra. Nạn nhân nhập viện tại bệnh viện đa khoa Tân Bình để cấp cứu trong tình trạng rất yếu, mê man nên tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Qua chụp CT phần đầu, các bác sĩ cho hay nạn nhân bị chấn thương sọ não. Đến 6h sáng ngày 23/12/2018, nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện.
3. Bắt người, giam giữ tùy tiện và ngược đãi trong nhà tù:
Bệnh nặng không được chữa trị. Thuốc người nhà gửi vào bị trại giam trả về. Đơn xin khám chữa bệnh bằng chi phí riêng của gia đình cũng bị lãnh đạo trại giam làm ngơ. Đó là tình cảnh của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nguyên chủ tịch của Hội Anh Em Dân Chủ hiện đang thụ án 12 năm tù tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai.
Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết, hôm nay 22/10, Mục Sư Tôn gọi điện thoại về nói rằng thương tật ở chân do an ninh tra tấn ông hồi tháng 02/2017 tái phát khiến khớp gối của ông luôn bị đau nhức dữ dội, ông không thể di chuyển bình thường mà phải lết đi từng bước.
Bên cạnh đó, thận bị phình do viêm tiền liệt khiến ông mất ngủ triền miên, lại phải sinh hoạt trong điều kiện trại giam thiếu thốn, bẩn thỉu còn làm cho sức khỏe của Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị giảm sút nhanh chóng.
Bệnh nặng như vậy, nhưng trại giam Gia Trung không có động thái thăm khám hoặc đưa Mục sư Tôn đi bệnh viện chữa trị. Khiến sức khỏe của ông biến chứng và ngày càng trở nên xấu đi.
Tình hình bức thiết đến mức Mục sư Tôn phải viết đơn yêu cầu được đi khám bệnh và chi phí do gia đình tự lo. Nhưng cũng không được lãnh đạo trại giam phản hồi. Trong khi đó, số thuốc được gia đình gửi vào để ông “chữa tạm” lại bị trại giam gửi trả về địa phương.
Cũng liên quan đến hoàn cảnh của Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Công an và chính quyền xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa mới đây tuyên bố sẽ giám sát bà Lành, vợ của ông. Họ đe dọa rằng bà không được tự ý dời khỏi địa phương nếu chưa xin phép, bất chấp việc bà Lành là một người tự do, có đầy đủ quyền lợi của một công dân bình thường được ghi trong chương 2, Hiến Pháp 2013.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.