Làng nghề mùng, mền Bình Hòa tất bật đón Tết
10/01/2019 - 07:31
Vào những ngày này, các cơ sở tại làng nghề may mùng, mền xã Bình Hòa (Châu Thành) tất bật với công việc. Bởi, dịp cận Tết được xem là khoảng thời gian “ăn nên, làm ra” nhất trong năm của các cơ sở nơi đây.
Các chủ cơ sở tại làng nghề truyền thống may mùng, mền xã Bình Hòa cho biết, sản phẩm làm ra được tiêu thụ quanh năm nhưng hút hàng nhất vào khoảng tháng 9 (âm lịch) đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Đặc biệt là vào dịp Tết, sức mua rất mạnh, vì khi đó, người dân sẽ mua sắm, thay thế những đồ dùng thiết yếu trong gia đình để chuẩn bị chào đón năm mới. Anh Nguyễn Thành Thông (chủ cơ sở sản xuất mùng, mền Gia Hân, ấp Bình Phú I) cho biết, các mặt hàng mùng, mền ở địa phương rất đa dạng và phong phú, giá thành tùy thuộc vào từng loại và độ sắc sảo của sản phẩm. Vào thời điểm cuối năm đến Tết Nguyên đán, mặt hàng này tiêu thụ mạnh nhưng giá thành không thay đổi so với ngày thường. Cụ thể, mền có giá từ 70.000 - 300.000 đồng/cái, từ 30.000 - 100.000 đồng/cái mùng, từ 10.000 - 70.000 đồng/cặp áo gối. Ngoài ra, anh Thông còn kinh doanh thêm các mặt hàng, như: thú bông, nệm, màn cửa… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của người dân. Các sản phẩm cơ sở của anh chủ yếu bán cho các thương lái ở các tỉnh, thành phố ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và cả thị trường Campuchia.
Các cơ sở sản xuất mùng, mền tất bật dịp Tết
Để có nguồn hàng cung cấp cho thị trường vào dịp Tết, ngoài việc sản xuất dự trữ từ trước, khoảng thời gian này, anh Thông còn thuê thêm nhân công làm việc tại cơ sở và các lao động vệ tinh. Hiện tại, cơ sở của anh giải quyết việc làm cho gần 10 lao động tại chỗ và gần 60 lao động vệ tinh, với mức thu nhập bình quân từ 2-5 triệu đồng/người. “Từ đầu tháng 9 (âm lịch) cho đến cận Tết là thời điểm sản phẩm tiêu thụ rất mạnh. Bởi, đây là khoảng thời gian, người dân sửa sang nhà cửa, mua sắm mùng, mền, áo gối mới để đón Tết” - anh Thông cho biết.
Gần Tết, hầu như cơ sở nào cũng tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường. Các lao động vệ tinh thì nhà nào cũng có ít nhất 2-3 người may, thậm chí phải làm cả buổi tối để kịp hàng giao hàng theo yêu cầu. Từ đó, thu nhập trung bình của người lao động vào thời điểm này cũng cao hơn từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Nếu như ngày thường, 3 thành viên trong gia đình bà Trương Thị Bích Liên (ấp Phú Hòa I) may được khoảng 100 cái mùng mỗi ngày, thu nhập khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, thì vào những ngày này, gia đình bà phải “tăng ca” may từ 120 - 150 cái mùng/ngày. Bà Thúy cho biết: “Ở đây, nhà nào cũng có người biết làm nghề này. Những ngày gần Tết, đơn đặt hàng nhiều nên gia đình tôi tranh thủ may thêm để kịp giao hàng cho cơ sở và kiếm thêm thu nhập mua sắm, trang trí nhà cửa ăn Tết”.
Vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ cơ sở sản xuất mùng, mền Thanh Thủy (ấp Phú Hòa I) cho biết, dù đang là thời điểm bán chạy nhất trong năm, nhưng sản lượng bán ra không bằng năm ngoái, phần vì thời tiết ít lạnh, phần vì sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. “Bây giờ, không chỉ có các hộ trong làng nghề của mình biết làm, ở các địa phương khác họ cũng biết làm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh. Để có thể đứng vững được trên thị trường, đòi hỏi mình phải đầu tư trang thiết bị, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm”- ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Văn Tài cho biết, nghề may mùng, mền Bình Hòa được hình thành và phát triển hơn 30 năm. Hiện nay, làng nghề có khoảng 26 cơ sở duy trì hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại chỗ và hơn 1.200 lao động vệ tinh, với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm làng nghề được phân phối đi khắp nơi trong tỉnh, khu vực ĐBSCL, một số tỉnh miền ngoài và cả thị trường Campuchia. Hiện nay, ngoài những sản phẩm đã làm nên thương hiệu làng nghề mùng, mền, áo gối… một số cơ sở còn đầu tư, phát triển kinh doanh, chế tạo nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật, thương mại cao, như: nệm, thú bông, mền cao cấp, màn cửa… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU
0 nhận xét