Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Lân - sư - rồng chuẩn bị mùa Tết

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019 19:01 // ,

21/01/2019 - 09:04

Tết Nguyên đán đang cận kề, đây là thời điểm những “nghệ nhân” làm đầu lân cùng các “nghệ sĩ” múa lân - sư - rồng tất bật chuẩn bị mang mùa xuân vui tươi, hạnh phúc đến với mọi nhà.

Múa lân - sư - rồng là môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Trung thu và Tết Nguyên đán. Theo quan niệm của người xưa, lân - sư- rồng là 3 linh vật tượng trưng cho thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc và hanh thông. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp đường làng ngõ xóm dễ dàng bắt gặp các đoàn múa lân - sư - rồng làm cho mùa xuân thêm rộn ràng, tươi mới.

Kiểm tra đầu lân và dụng cụ chuẩn bị múa Tết
Mùa lễ hội và hoạt động vui xuân đầu năm đang rộn ràng khắp mọi nơi, nên nghề làm và sửa chữa đầu lân cũng đến mùa làm ăn sôi động. Chúng tôi đến thăm nhà ông Trần Văn Thành (xã Khánh Hòa, Châu Phú), người hơn nửa đời người gắn bó với việc múa và làm đầu lân. Ông Thành cho biết, từ tháng 7 (âm lịch), ông đã bắt tay vào việc tạo sườn cho đầu lân đã được đặt hàng chuẩn bị Tết. Nghề làm đầu lân mang tính thời vụ, chủ yếu rơi vào các dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, hay các dịp cúng đình… Những ngày này, công việc sửa chữa đầu lân và bán các dụng cụ như: cờ lễ hội, dùi trống, chập chã, các loại đuôi lân, đầu rồng, đuôi rồng, đồng phục, mặt nạ ông địa… cho các đoàn lân để chuẩn bị múa Tết rất đắt hàng.
Không khí chuẩn bị Tết đang vô cùng nhộn nhịp ở các đoàn lân- sư- rồng chuyên nghiệp lớn, nhỏ tại TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và nhiều nơi khác, đó là chưa kể đến các nhóm lân nhí do các em nhỏ tự thành lập. Dù không chuyên, nhưng cũng tập luyện hăng say để có thể góp vui cho mọi người dịp Tết. Ông Lâm Phương Dũng, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Quan Đế miếu (TX. Tân Châu) cho biết, bộ môn này có rất nhiều kỹ thuật và bài múa. Người mới vào nghề, để múa được thường mất từ nửa năm đến 1 năm tập những động tác đơn giản đến các bài múa phức tạp. Múa lân - sư - rồng đòi hỏi vận động viên phải gan dạ, khỏe và quyết đoán. Chỉ một tích tắc mất tập trung là có thể sai và té ngã cả đội. Những thành viên trong các đoàn lân - sư - rồng rất đa dạng về ngành nghề, độ tuổi. Có người còn là học sinh, có người làm nông dân, buôn bán… Trừ các trưởng đoàn luôn phải bám nghề, còn lại tất cả đến với múa lân đều xuất phát từ đam mê. Vì vậy, hàng đêm các “nghệ sĩ” múa lân phải tập trung luyện tập nhiều động tác tổng hợp uyển chuyển, linh hoạt để điệu múa lân đẹp, hấp dẫn, biểu lộ được thần thái và tình cảm của lân. “Hiện đoàn lân - sư - rồng Quan Đế miếu có 24 thành viên, tất cả sẽ tham gia múa dịp Tết này. Nếu ngày thường chỉ tập vài buổi trong tuần, thì từ tháng 11 (âm lịch) mọi người phải tăng cường tập luyện vào tất cả các đêm trong tuần. Phải thành thạo mọi bài múa thể hiện sự bình an, bốn mùa thịnh vượng, phát tài… thường xuyên được diễn vào Tết, để hạn chế tối đa sơ suất vào những ngày đầu năm” - em Nguyễn Văn Cậy (thành viên đoàn lân - sư - rồng Quan Đế miếu) tâm sự.

Đoàn lân-sư-rồng Quan Đế miếu tập luyện hàng đêm chuẩn bị Tết
Theo nhiều đoàn lân - sư - rồng chia sẻ, trong năm có khách hàng mời khai trương hoặc rước tài lộc… cả đoàn tập trung lại phục vụ. Đến Tết mới là thời điểm các đoàn lân- sư - rồng chính thức vào mùa, nhiều nhất vẫn là sự kiện xông đất, cầu tài lộc. Với quan niệm, lân vào nhà là may mắn, việc đi xông đất để rước niềm vui, khởi đầu một năm mới với tài lộc, bình an… Chính vì vậy, những ngày đầu năm mới, đặc biệt là mùng 4, mùng 6, mùng 8, mùng 9 (tháng giêng), nhiều cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… mời các đoàn lân - sư - rồng đến biểu diễn trong lễ khai trương, có ngày đoàn múa đến 4-5 ca.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, gia đình chị có truyền thống cứ mùng một Tết là mở cửa đón đoàn lân vào nhà xông đất, với những điệu múa sôi động, tiếng trống rộn ràng, vui tươi mong ước đem lại một năm mới phát đạt đến với gia đình. “Đêm giao thừa, đoàn lân - sư - rồng phục vụ cho bà con xông đất, rước lộc đến gần sáng mới về đến nhà. Dù nhận được rất nhiều lời mời xông đất nhưng đành phải hẹn lại vì trùng giờ, trùng lịch… Tuy mệt, nhưng niềm vui của mọi người là được chứng kiến nét mặt rạng rỡ, vui cười của khán giả trong năm mới hạnh phúc, bình an, tràn đầy hy vọng” - ông Dũng chia sẻ.
TRỌNG TÍN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.