Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Không còn hy vọng

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019 09:36 // ,

24-1-2019
Mới đây, lại có thêm một vị lãnh đạo tòa soạn trong nước rủ tôi vào làm nhưng tôi đã từ chối, dù rằng theo họ sẽ an toàn, mau giàu, có nhiều tiếng nói hơn. Nhưng… lương thiện cần hơn sự nổi tiếng, nếu cho tôi vào nhà ông Trọng tác nghiệp thì tôi làm.
Trong quá khứ, cũng chưa có tòa soạn nào kiếm chác được cái hợp đồng truyền thông nào từ tôi, làm cho họ nhưng tôi chưa bao giờ ca ngợi họ.
Với tôi, đất nước này chỉ có những người được cấp thẻ nhà báo chứ hầu như không có nhà báo. Ngay từ đầu, khi chứng kiến các bạn tung hô những người như Hằng Nga, tôi đã hình dung ra một tương lai đầy đen tối, một sự phản kháng dễ bị dắt mũi trên quê hương mình.
Chỉ khi nào có nhiều đặc khu trên đất liền, nhiều dân oan mất đất, vô tù, vỡ nợ công, thi nhau ra đường bới rác như Venezuela, xung đột lớn trong nhóm tứ trụ, nhóm cấp tiến áp đảo… thì mới mong có được một sự thay đổi. Còn không, người dân đã quá quen với sự giả dối, nền giáo dục giả dối đến từ Trung Quốc, nó đã biến họ thành những kẻ vô cảm chứ không phải hoàn toàn do họ.
Tôi cũng rất yêu quý các anh, chị làm trong hệ thống báo, đài nước ngoài, làm cho họ tôi sẽ có một mức thu nhập hấp dẫn, nhưng chỉ cần sơ hở một chút, những kẻ ác nhân, ghen ăn tức ở sẽ tìm cách vu khống, quy chụp, tra khảo, những nơi tôi từng làm việc cũng sẽ nhảy vào vu khống, những trận tra tấn cùng những thước phim tư liệu có thể khiến cho bất kỳ người vô tội nào trở thành có tội.
Cho nên, tiếp tục tự biên tự diễn, làm tổng biên tập kiêm phóng viên, các độc giả có thể mua tỏi đen, mật ong rừng, cà phê nguyên chất… ủng hộ, bảo vệ sức khỏe gia đình mình cũng như ủng hộ những người nông dân tội nghiệp, chân chất đang trên bờ vực phá sản, bị hàng tàu, hàng giả lấn áp.
Tôi cũng mới từ vài ngôi làng ung thư trở về, ngồi thẫn thờ một lúc lâu mới quyết định lấy một ít ra dựng phim, vì bên cạnh tội ác của chính quyền, doanh nghiệp, có một phần tội ác, sự cam chịu rất lớn từ phía người dân.
Một trong những ngôi làng tôi tới là làng Mẫn Xá (thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), đây là một ngôi làng giàu lên nhanh chóng từ nghề tái chế nhôm, nhiều người ở tận trong nam ra làm thuê cho họ, nhiều người bản địa đã dọn lên thành phố và ra nước ngoài sinh sống.
Nhưng, cũng có những con người với số phận nghệt ngã ở lại, họ cuộn mình trong những làn khói đen sì bốc lên từ hàng trăm lò nấu nhôm, sắt vụn không qua xử lý, không biết bao nhiêu tấn sỉ nhôm được vứt thẳng ra cánh đồng, phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, số bụi lơ lửng vượt nhiều lần quy chuẩn, hóa chất ngổn ngang khắp mọi nơi, hàm lượng chì trong môi trường cao gấp vài chục lần… là những gì đau đớn diễn ra trên mảnh đất này.
Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi được biết làng Mẫn Xá (xã Văn Môn) được xếp vào 1 trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải.
Tạm biệt Mẫn Xá, tôi tới làng Quan Độ (cũng thuộc xã Văn Môn), rác công nghiệp của Văn Môn được chất thành rừng, thành núi, nằm ngổn ngang giữa cánh đồng làng Quan Độ, giáp với xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, khiến cho dân làng Thụy Lâm, Hà Nội cũng bị ung thư theo.
Tình trạng đốt rác công nghiệp ở làng Quan Độ diễn ra trên 10 năm, khi chưa đốt nó đã chứa rất nhiều hóa chất độc hại như chì, sơn, khi đốt vào, phần lớn chuyển hóa thành dioxin.
Sẽ không còn cơ hội đổ tội cho Mỹ nữa, dioxin không thiếu trong thời bình, nó bay đến đâu thì làng ung thư mọc lên đến đó, cây cối, vật nuôi, con người cũng chết.
Tôi đau xót khi chứng kiến đủ loại phế thải công nghiệp không qua phân loại như vỏ nhựa, dây điện, dây cáp, thiết bị điện, nilon… đều được mang ra Quan Độ đốt tùm lum, nhựa chảy xuống đất, những con sông đen ngòm không còn chỗ cho các loài sinh vật sinh sống.
Cứu một mạng người như xây bảy tòa tháp, tôi hy vọng chính quyền tỉnh Bắc Ninh sớm tu tâm sửa tính, lấy lại phần người đã mất, khẩn trương xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, công trình xử lý ô nhiễm giao cho tư nhân, nước ngoài làm chủ, không chỉ riêng gì xã Văn Môn, huyện Yên Phong.
Dù rằng đó là việc bắt buộc các bạn phải làm, dù rằng sự khốn nạn đã có hệ thống, cầu xin các bạn cũng chẳng khác gì cầu xin những tên tử tù, những kẻ đầy tớ, trong khi những kẻ đầy tớ đó đã tiếp tay giết hại nhiều thế hệ dân làng.
Nghĩ về cảnh cụ rùa không sống nổi vì ô nhiễm, những ngôi làng thuần nông trên đất nước này chết đi, sự bất bình đẳng ngày càng rõ rệt trong xã hội, nghĩ về phận mình, phận người… cảm xúc trong tôi không còn lại gì ngoài chữ buồn.
https://baotiengdan.com/2019/01/24/khong-con-hy-vong/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.