Định hướng của Việt Nam khi Mỹ - Trung gia tăng cạnh tranh năm 2019
Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019
15:58
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Việt Nam duy trì nguyên tắc độc lập, đa dạng hóa hợp tác khi tình hình thế giới dự kiến diễn biến khó lường trong 2019.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hôm nay cho biết khi các nước lớn có cạnh tranh, điều đương nhiên là nước nào cũng muốn nước khác ủng hộ mình.
Việt Nam "kiên quyết không ủng hộ các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, phát triển, vì mục tiêu của chúng ta là duy trì ổn định ở khu vực. Đó là nguyên tắc của Việt Nam", Phó thủ tướng trả lời câu hỏi của VnExpress về định hướng của Việt Nam khi Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng cạnh tranh chiến lược thời gian tới, tại cuộc họp báo chung tổng kết 2018.
Ông Phạm Bình Minh lưu ý cạnh tranh có thể gia tăng giữa các nước lớn, không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến các nước đều phải tính toán cách ứng xử của mình. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đẩy mạnh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước. Việt Nam nhất quán cho rằng các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, hiến chương của Liên Hợp Quốc.
Trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở lại sau thời gian đình hoãn, Phó thủ tướng cảnh báo Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì có nền kinh tế mở và đang tham gia khá sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông cho rằng Việt Nam cần có điều chỉnh để có nền kinh tế độc lập, đủ khả khả năng chống chọi khi các nước gia tăng cạnh tranh.
Sau nhiều đợt áp thuế lên hàng hóa của nhau trong 2018, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong 90 ngày, khi lãnh đạo hai nước có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 1/12/2018.
Các quan chức hai bên vào ngày 7/1 đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên tại Bắc Kinh. Trung Quốc khẳng định muốn chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng sẽ không thỏa hiệp một chiều.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá diễn biến thế giới năm 2018 hết sức bất thường, không theo chiều hướng dự đoán trước đó. Các nước quay lại chủ nghĩa bảo hộ, đề cao vấn đề dân túy, lấy lợi ích của một nước hoặc một nhóm để xử lý vấn đề đối ngoại, gây nên nhiều bất ổn. Một số nước đi theo trào lưu xóa bỏ các cơ chế đa phương, định chế sẵn có. Dù vậy, Việt Nam đã tạo dấu ấn bằng việc tham gia vào các hoạt động, diễn đàn đa phương quan trọng, thúc đẩy quan điểm cần tôn trọng các cam kết quốc tế đã ký kết và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Năm 2018, các nước quan ngại vì sự thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và quân sự hóa ở các đảo. Các bên liên quan cho rằng khu vực dễ xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình của cả châu Á - Thái Bình Dương.
"Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước, các bên cần không có các hoạt động có thể dẫn tới sự cố gây xung đột ở đây", Phó thủ tướng nêu rõ. Việt Nam cũng duy trì lập trường các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), tôn trọng quyền của các nước có vùng đặc quyền kinh tế.
Phó thủ tướng đánh giá ASEAN và Trung Quốc chưa thực hiện được Tuyên bố của các bên DOC, dù đã nêu nguyên tắc không thay đổi hiện trạng Biển Đông. Vì thế Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) mà hai bên đang thảo luận cần phải có các thành tố pháp lý để bảo đảm nguyên tắc đó. Với Trung Quốc, một nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam duy trì trao đổi thường xuyên về các diễn biến trên Biển Đông.
Nói về định hướng 2019, Phó thủ tướng cho rằng thế giới vẫn trong tình trạng khó lường. Việt Nam sẽ tập trung vào củng cố hợp tác với các nước có vị thế quan trọng trên thế giới. 2019 dự kiến là năm có số lượng các đoàn các nước thăm Việt Nam cao hơn 2018, khi Việt Nam chuẩn bị cho năm là chủ tịch ASEAN vào 2020.
"Nếu Việt Nam muốn khẳng định vị thế của mình thì phải có sáng kiến, trong khi việc đưa ra các đề xuất trong các diễn đàn đa phương không phải dễ. Chúng ta vừa phải đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, quan tâm chung của các nước và đồng thời phù hợp với lợi ích của mình", ông Minh nói.
0 nhận xét