Da diết nhớ quê khi tết đến, xuân về
30/01/2019
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi những cánh mai vàng hé nở, hoa đào trổ nụ… là trong trái tim bao người con Việt xa xứ lại da diết nhớ quê hương, gia đình, ước mong được trở về đoàn tụ, sum vầy.
Trong ký ức của tôi, Tết là hương vị nếp thơm hoà quyện vào mùi thịt heo và hương khói bên nồi bánh chưng, bánh tét mẹ gói sôi sùng sục trên bếp lửa hồng dưới mái hiên vào đêm 30 Tết; là không khí tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, lau chùi bàn thờ ông bà tổ tiên; là mùi dưa hành, dưa kiệu; là mùi lịch mới ba vừa mới lĩnh; là hũ hạt dưa “chưa Tết đã vơi”; là quả bánh kẹo đủ màu sắc rực rỡ; là bộ quần áo mới mẹ vừa mới ủi để kịp sáng mai con đi chúc Tết ông bà…
Ảnh minh họa
Đêm 30, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng để đón chờ đêm giao thừa – thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, với hy vọng mọi điều tốt đẹp, an lành. Những lúc ấy, ba thường lì xì trước để con gái yêu ấm túi”mà yên tâm đi ngủ, sáng mai dậy sớm theo ba thăm mộ tổ tiên, mừng tuổi ông bà nội, ngoại. Tất nhiên, ba không quên những lời chúc và dặn dò: “Tuổi mới ngoan hơn, học giỏi hơn”.
Còn mẹ thì khác, mẹ lại treo thưởng, khuyến khích sáng mùng 1 Tết dậy thật sớm, nhanh nhẹn, ăn uống no nê, mặc quần áo tinh tươm, gọn gàng, chúc Tết ba mẹ, gia đình rồi mới được nhận lì xì, với hy vọng một năm mới làm ăn mau mắn, khá giả.
Đó cũng là ý nghĩa của lì xì. Lì xì được trẻ nhỏ đón đợi, xem đó là phần thưởng, quà tặng. Với người lớn, đó là cả sự kỳ vọng, hy vọng và may mắn mà họ muốn trao đi để nhận lại những lời chúc tốt đẹp nhất.
Có một điều khá thú vị là, trong suy nghĩ trong trẻo của những trẻ thơ quê tôi lúc ấy, chúng tôi không quan trọng bên trong phong bì kia là số tiền nhiều hay ít, mà chỉ quan tâm chiếc phong bì đẹp hay xấu, lớn hay nhỏ. Nhưng có lẽ, đa phần trẻ nhỏ bây giờ “lớn nhanh” quá, không còn cảm nhận hết ý nghĩa sâu xa và vẻ đẹp diệu kỳ của những phong bao lì xì.
Nó đẹp đẽ, lung linh biết bao. Nhất là ở thế hệ đầu 9X, 8X của chúng tôi về trước. Bởi khi ấy, chỉ có nhà khá giả mới chịu khó “đầu tư” bao lì xì. Cuộc sống bây giờ phát triển, đủ đầy hơn nhiều nên hầu như nhà nào cũng chuẩn bị bao lì xì đẹp, mừng tuổi nên thành ra mọi chuyện hoá bình thường.
Bên cạnh chúc Tết, lì xì, gói bánh chưng, bánh tét, thăm mộ tổ tiên, mừng tuổi ông bà… thì du xuân và những điều kiêng kỵ trong dịp Tết cũng được người lớn “ghé tai” nhau, truyền từ đời này sang đời khác, nhắc nhở cháu con để có một cái Tết an vui, tài lộc dồi dào.
Tôi vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn, xuyên suốt 3 ngày Tết phải mặc quần áo mới, ngoan ngoãn, dậy sớm, gọn gàng, tươi tỉnh, vui vẻ, gọi dạ bảo vâng, phải biết cảm ơn, nhận quà bằng hai tay để cả năm, gia đình phát tài. Bởi đó là những ngày đầu năm mới nên phải tạo cái nếp. Trẻ con luôn mang đến may mắn cho mọi người, nên nhà nào cũng muốn trẻ con là “vị khách” đầu tiên xông nhà mình.
Đặc biệt, trong dịp đầu năm, quê tôi rất kỵ trâu bò vào sân, xem đó là điềm báo chậm chạp; ra đường không được nhặt đồ rơi vãi; không được lớn tiếng, cãi vã, càng hạn chế mua đồ linh tinh như kim chỉ, quần áo, gạo…; không được quét rác trong nhà đổ đi mà phải thu lại một góc, đợi hết mùng 3 mới hốt; không chải tóc trong nhà…
Du Xuân cũng là nét đẹp văn hoá được duy trì tự bao đời. Đó là dịp để bạn bè họp lớp, hàn huyên bao chuyện, là dịp để sui gia ngồi lại với nhau thêm đượm nghĩa tình, là sôi nổi những lễ hội giàu màu sắc như đua thuyền, bóng chuyền, bóng đá…; ghé thăm đền chùa, miếu mạo, nhà thờ… để con người ta được trở về góc tĩnh tâm, giây phút linh thiêng, thánh thiện sau những chuỗi ngày bon chen vất vả vì cuộc sống mưu sinh thường nhật.
Còn rất nhiều, rất nhiều ký ức đẹp về những cái Tết đã đi qua mà tôi chưa kể hết nhưng có lẽ đó là góc nhỏ trong trái tim tôi. Khi con người ta trưởng thành, buộc phải xa quê để làm ăn bươn chải mới thấu hiểu được giá trị vô giá của hai tiếng “quê hương” và “gia đình”.
Tết này tôi chẳng thể ở quê, chẳng thể về nhà ăn Tết cùng ba mẹ, ông bà và những người thương yêu, ruột thịt. Nhưng đâu đó trong thẳm sâu ký ức, tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, tất bật của Tết quê. Hẳn giờ này ở quê, mẹ cha cũng đang mong ngóng, thổn thức xen lẫn nghẹn ngào, cay cay nơi khoé mắt.
Nhưng biết làm sao? Cuộc sống vẫn cứ chảy, dòng đời vẫn cứ trôi, thời gian là thứ ta khó nắm bắt nhất nên hãy biết trân trọng từng giây phút, từng khoảnh khắc bên người thân yêu, các bạn nhé!
Theo BÌNH MINH (Nông Nghiệp Việt Nam)
http://baoangiang.com.vn/da-diet-nho-que-khi-tet-den-xuan-ve-a239750.html
0 nhận xét