Cuộc đời cay đắng của người phụ nữ ‘mắn đẻ’, 40 tuổi sinh được 44 người con
Mariam Nabatanzi, 40 tuổi, sống tại làng Kabimbiri, quận Mukono, miền trung Uganda được mệnh danh là người đàn bà “mắn đẻ” nhất châu Phi, sau khi chị hạ sinh được 44 người con. Trong 18 năm qua, chị Mariam đã trải qua 6 lần sinh đôi, 4 lần sinh ba, 3 lần sinh tư và 8 lần sinh một.
Trong số 44 người con của chị Mariam, hiện có 38 người còn sống và hầu hết những đứa trẻ này đều sống chung dưới một mái nhà. Mặc dù là một bà mẹ đơn thân và phải nuôi dưỡng rất nhiều con nhưng chị Mariam vẫn luôn xoay xở đủ tiền để mua thức ăn cho con, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng.
Cuộc sống khó khăn của người đàn bà “mắn đẻ” nhất châu Phi
Cuộc sống của Mariam chưa bao giờ dễ dàng. Từ nhỏ, chị đã sống cùng mẹ kế. Vì ghen ghét con riêng của chồng nên người đàn bà này đã tìm cách sát hại 4 chị em Mariam, bằng cách nghiền thủy tinh cho vào thức ăn.
Kế hoạch sát hại không thành, bà mẹ kế tiếp tục ép Mariam kết hôn với một người đàn ông 28 tuổi, khi chị chỉ mới 12 tuổi. Những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi thoát khỏi bàn tay của người mẹ kế độc ác, nhưng chị Mariam chẳng qua chỉ chuyển từ địa ngục này sang một địa ngục khác.
Khi về ở cùng chồng, chị Mariam thường bị chồng bạo hành mỗi khi chị nói hay làm điều gì khiến anh ta không thích. “Chồng tôi cưới nhiều vợ và có nhiều con với các mối quan hệ trong quá khứ. Tuy nhiên, mẹ của bọn trẻ đã bỏ đi và tôi phải chăm sóc chúng. Chồng tôi là một kẻ vũ phu và đánh đập tôi bất cứ lúc nào anh ta có cơ hội“, Mariam cay đắng nói.
Mariam lần đầu sinh nở là vào năm 1994, khi chị mới 13 tuổi, với một cặp sinh đôi. Hai năm sau, Mariam sinh ba và gần 2 năm sau đó, chị sinh tư. Chị Mariam từng mơ ước có 6 người con nhưng tới năm 18 tuổi, chị đã có 18 đứa con. Tới năm 23 tuổi, Mariam đã có tới 25 người con.
Thật khó để tưởng tượng được một người mẹ đã phải vất vả như thế nào để gồng gánh, nuôi nấng 38 người con khôn lớn. Tuy có chồng nhưng đối với chị Mariam chỉ là “hữu danh vô thực”, bởi anh ta không những không ở bên cạnh chị và các con mà còn không chi một đồng một cắc nào để chị nuôi con.
Để chăm sóc gia đình, chị Mariam phải làm đủ nghề từ bán một số loại thảo mộc, trang điểm cô dâu cho tới trang trí tại các sự kiện. “Tất cả mọi thứ đều do tôi làm ra. Mỗi ngày tôi mua 10 kg bột ngô, 4 kg đường và 3 bánh xà phòng. Tôi cần phải có ít nhất là 100.000 Shs (hơn 600 nghìn đồng) một ngày để phục vụ cho gia đình. Chúa đã đối đãi tốt với tôi vì bọn trẻ chưa bao giờ bị đói“, chị Mariam nói.
Bên cạnh đó, chị Mariam cũng cho biết, mỗi năm chồng của chị chỉ về nhà khoảng một lần và lần nào anh ta cũng trong tình trạng say xỉn rồi đánh đập chị. Mỗi lần về, anh ta đều lẻn vào nhà vào ban đêm và rời đi trước khi bọn trẻ có cơ hội gặp mặt. Thậm chí, một số người con anh ta cũng chẳng nhớ tên.
Charles, 23 tuổi, con trai cả của chị Mariam nói rằng lần cuối cùng anh gặp được cha là vào năm 13 tuổi và một số người em của Charles thậm chí còn chưa hề biết mặt cha. Charles chia sẻ: “Tôi có thể thoải mái chia sẻ với các bạn rằng anh chị em chúng tôi không biết mặt cha trông như thế nào. Lần cuối tôi nhìn thấy ông ấy là năm tôi 13 tuổi nhưng chỉ một thời gian ngắn trong đêm, vì ông ấy sau đấy lại bỏ đi”.
Người mẹ tận tâm ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi sống mà mang theo sự sỉ nhục này bởi vì dì tôi luôn khuyên tôi nên nhẫn nhịn trong hôn nhân và để các con có thể tập trung làm việc. Không chỉ vậy, dì còn khuyên tôi không nên sinh con với người đàn ông khác“.
Nguyên nhân khiến Mariam đẻ nhiều
Khi thấy Mariam nhiều lần sinh đôi, sinh ba và sinh tư, mọi người đều cảm thấy không bình thường, song chị Mariam nói rằng chẳng có gì kỳ lạ bởi vì chị đã từng thấy điều này trước đây. Chị Mariam cho biết, cha của chị có tới 45 người con với một số người vợ và trong số đó có nhiều trường hợp là sinh đôi, sinh bà, sinh tư, thậm chí là sinh năm.
Vào lần mang thai thứ 6, khi Mariam đã có 18 người con, chị muốn dừng lại và tới gặp bác sĩ nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện một số xét nghiệm, bác sĩ phụ khoa Charles Kiggundu thuộc Bệnh viện Mulago, ở Kampala nói rằng, nguyên nhân gây ra khả năng sinh sản cực đoan của chị Mariam có thể là do di truyền. Việc can thiệp vào khả năng sinh sản của chị Mariam dù theo cách nào cũng đều đe dọa tới mạng sống của chị.
Bác sĩ Charles nói: “Trường hợp chị Mariam gặp phải có thể là do di truyền, khiến trứng rụng nhiều hơn trong một chu kỳ, làm tăng khả năng sinh nhiều con“.
Bác sĩ Ahmed Kikomeko thuộc Bệnh viện Đa khoa Kawempe cũng khẳng định: “Những trứng không được thụ thai không chỉ đe dọa phá hủy hệ thống sinh sản của người phụ nữ mà còn có thể tước đi mạng sống của chị“.
Nói về việc tránh thai, chị Mariam chia sẻ: “Tôi đã đặt vòng tránh thai (IUD) nhưng tôi đã bị bệnh và nôn nhiều tới mức gần chết. Tôi đã từng hôn mê suốt một tháng trời. Sau lần đó, các bác sĩ khuyên tôi nên tiếp tục sinh nở“.
Đến năm 23 tuổi, khi đã có 25 đứa con, chị Mariam lại tiếp tục đến bệnh viện nhưng vẫn không thay đổi được việc gì vì số trứng của chị vẫn còn rất nhiều. “Tai họa sinh nở” của chị cuối cùng đã chấm dứt vào tháng 12/2016, sau khi đứa con của chị được sinh ra. Khi đó, các bác sĩ đã “cắt tử cung của chị từ bên trong”, vì tin rằng đó rất có thể là phương pháp để thắt ống dẫn trứng.
Sau khi câu chuyện của chị Mariam được chia sẻ trên tờ Daily Monitor vào tháng 4/2017, một chiến dịch ủng hộ chị đã được thành lập trên GoFundMe. Chỉ trong vòng 1 tháng, quỹ này đã quyên góp được 10.000USD (230 triệu đồng).
Xem thêm vềsinh con
Phương An
0 nhận xét