Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Cái mũ rơm "huyền thoại" và vì sao người dân VN không muốn thay đổi?

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019 17:13 // ,

Thứ Ba, 01/22/2019 - 08:25 — Kami 

Nhiều lúc tôi cũng muốn viết về những kỷ niệm chiến tranh, để các anh em bạn bè của tôi ở bên kia vĩ tuyến 17 ngày trước, hiểu được cuộc sống gian khổ của bên thắng cuộc chúng tôi, trong cuộc chiến Bắc - Nam huynh đệ tương tàn. Với mong muốn các bạn hiểu rằng, người dân bên thắng cuộc chúng tôi cũng từng cực khổ, thua thiệt trăm đường, thậm chí còn mất mát nhiều hơn các bạn. Chỉ trừ quê hương thì chúng tôi vẫn còn. Đúng như Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết, “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân đều bại...".
Tình cờ đọc được status của FB Doan Hoa về cái mũ rơm "huyền thoại", bỗng mọi kỷ niệm của một thời thơ ấu cách đây bốn, năm chục năm bỗng ùa về. Ký ức này đã làm cho những người tóc bạc, thế hệ ông, bà chúng tôi chợt thấy mình đã được trẻ lại.
Cái mũ rơm thời "chống Mỹ" có lẽ được ít người biết đến, nhất là các bạn trẻ thời @, song với thế hệ của chúng tôi cái mũ rơm ấy gắn liền với tuổi ấu thơ ngày đến trường. Đó là những kỷ niệm rất đẹp của thời thơ ấu của thế hệ chúng tôi.
Lớp học thời chiến ở miền Bắc
Những chiếc mũ rơm huyền thoại ấy xuất hiện ở miền Bắc trong các năm, khoảng từ năm 1966 và biến mất vào khoảng 1970, thời chiến tranh phá hoại. Ngày ấy chiến tranh lan rộng và ác liệt, không quân Hoa Kỳ ném bom miền Bắc. Hình ảnh những người lớn đầu đội mũ sắt với cây súng trường đeo sau lưng, hay những đứa trẻ đến trường với chiếc mũ rơm đội trên đầu, với túi cứu thương có gắn hình chữ thập đỏ đeo bên hông, cùng với chiếc túi vải đựng sách vở vẫn còn in đậm trong trí nhớ chúng tôi.
Ngày ấy đi sơ tán, những lớp học của chúng tôi thường là ở trong các Chùa, khi ấy các tượng Phật được người ta dẹp đi để nhường chỗ cho những lớp học dã chiến. Phòng học của chúng tôi khi đó chỉ có bàn, ghế và một tấm bảng đen, được ghép tạm bợ từ những mảnh ván. Bức tường lớp học cũ kỹ được đục một ô cửa nham nhở thông ra hê thống giao thông hào phía sau chùa với nhiều hầm trú ẩn hình chữ A. Mỗi khi máy bay Mỹ đến, tiếng súng phòng không nổ váng tai, cũng là khi những đứa trẻ chúng tôi đội mũ rơm lên đầu để chạy ra hầm trú ẩn. Khi ấy súng phòng không nổ đinh tai, nhức óc nhưng ngồi trong hầm những đứa bé chúng tôi tranh cãi nhau tiếng nổ của các pháo cao xạ trung cao, đại cao. Tiếng nổ của pháo cao xạ đại cao rất lớn như xé màng nhĩ nhưng chúng tôi khi ấy hầu như không biết sợ là gì? Nhiều hôm, sau khi báo an (ngớt tiếng súng), chúng tôi vội chạy ra sân Chùa để tìm những mảnh đạn từ trên Trời rớt xuống. Đó là những mảnh kim loại màu thép mới đen bóng, cỡ chừng cái móng tay người lớn rải rác trong sân chùa. Có lẽ những chiếc mũ rơm xinh xinh thời ấy,  có tác dụng chống chọi với những miếng mảnh đạn nhỏ như thế.
Tôi vẫn còn nhớ một bài hát thiếu nhi về chiếc mũ rơm, cho đến bây giờ vẫn còn thuộc lòng lời của bài hát này:
"Nào bạn ơi nhanh tay, nhanh tay ta tết mũ rơm,
Nào bạn ơi nhanh tay, nhanh tay ta bện chặt tay.
Có mũ rơm, tránh máy bay để em chống Mỹ..."
Lũ trẻ con thành phố chúng tôi 6-7 tuổi ở cái tuổi ham chơi vậy mà khi ấy cũng được dạy và rồi cũng biết tết mũ rơm. Nói là biết tết nhưng với bàn tay của những đứa trẻ con thành phố thì làm sao có thể làm được những cái mũ hoàn chỉnh và sử dụng được. Vậy mà lúc nào được ngồi cạnh những đống rơm thì đứa nào, đứa ấy cũng ngồi tập tết rơm để làm mũ theo cách được dậy.  Với người khéo tay, họ tết rơm thành những sợi dây rơm dài bản rộng cỡ một đốt ngón tay, sau đó khâu lại như người ta khâu mũ nan bây giờ, để thành chiếc mũ rơm (hình bên phải). Còn người vụng về, ưa sự đơn giản thì họ cuốn rơm thành những bện rơm và khâu lại (hình bên trái) rồi cũng xong. Lớn lên tôi biết cách tết đuôi sam cũng nhờ thủa bé được học học tết mũ rơm.
Trẻ con vốn tò mò và nghịch ngợm, chính vì vậy mà những chiếc mũ rơm thường bị lũ trẻ chúng tôi tý toáy tháo ra "nghiên cứu", để xem người lớn họ làm cách nào? Thế là những búi rơm gọi là những chiếc mũ ấy vô tình bị tháo và bung ra không thể cứu vãn. Cho đến khi về đến nhà chỉ còn nước làm ổ cho gà. Tôi từng bị ăn đòn không ít trận vì cái tội "ham hiểu biết như thế".
Mũ rơm (Hình minh họa)
Chiến tranh kéo dài, lúc đầu người ta còn sợ máy bay và bom đạn, nhưng riết mãi thành quen. Sau này, máy bay bay trên đầu, tiếng súng và tên lửa phòng không đinh tai nhức óc song chúng tôi vẫn ngửa cổ xem, đâu có biết sợ. Thế hệ chúng tôi sau này gan dạ, hầu như không sợ chết có lẽ một phần nhờ được tôi luyện từ khi đó.
Tác giả Doan Hoa cho rằng, "Chẳng hiểu ai nghĩ ra cái trò này để rồi tuyên truyền rằng mũ rơm có tác dụng ngăn bom bi và các mảnh bom." điều này thì không sai. Nó cũng như câu chuyện những chiếc hầm trú ẩn bằng khung tre lấp đất bên trên thời ấy, thì làm sao chịu nổi bom khi nằm trong khu vực bị trúng bom. Tuy nhiên, ít ra nó cũng là liều thuốc tâm lý để giải tỏa nỗi sợ chết của con người trong chiến tranh.
Còn nhớ từng có lần trên đường đi học về, giữa cánh đồng làng ở ngoại thành Hà nội thời chiến tranh, khi máy bay Mỹ đến giữa tiếng súng, tiếng bom,  nhưng chúng tôi những đứa trẻ đã nằm sấp trên những gò mả ở giữa cánh đồng trống trơn với chiếc mũ rơm trên đầu, nhưng với một cảm giác rất an toàn.
Triết học Marx - Lenine cho rằng, "Vật chất quyết định ý thức" có lẽ đến bây giờ tôi đã thấy nó chưa chắc đúng, nhưng trong trường hợp như tôi vừa kể thì quả không sai. Dù rằng, những cái mũ rơm mỏng manh và bé bỏng như thế làm sao có đủ sức chống chọi với đạn bom? Nhưng nghĩ lại, ít ra nó cũng cho con người trong hoàn cảnh như thế có chút bấu víu và nương tựa hay niềm tin mãnh liệt. Nghĩ cho cùng, nó cũng không khác gì những tín đồ của Phật giáo trong lúc khó khăn, hiểm nguy họ cầu Trời, khấn Phật; cũng như các tín đồ Thiên Chúa giáo khi ấy họ thầm cầu Đức Chúa Giê Su cứu rỗi, thì những đứa trẻ chúng tôi khi ấy tin vào những chiếc mũ rơm "thần thánh ấy". Quan trọng hơn, bởi nó là thứ hiện hữu và có thật. Nó đang nằm trên đầu mình vậy.
Khi lớn lên mới hiểu, đó là một trong bài học về chiến tranh tâm lý hay chính trị. Và cũng hiểu rằng, bởi cái lối tuyên truyền bốc láo như thế mà biết bao thế hệ thanh niên miền Bắc cha anh của chúng tôi, khi ấy đi vào chỗ chết những vẫn cứ đinh ninh rằng mình đang, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Những người cộng sản Việt nam họ thành công trong chiến tranh "giải phóng" trước đây và công cuộc cai trị hiện nay cũng bởi nghệ thuật tuyên truyền như vậy.
Thời chiến tranh, hầu hết đàn ông miền Bắc đều ra trận, ở hậu phương chỉ còn người già và trẻ em, phụ nữ ở nhà cũng hiếm lắm. Vài ba ngày các  gia đình những người lính xấu số trong xóm lại nghe tin báo tử từ mặt trận gửi về. Những khuôn mặt thất thần, với đôi mắt khô khốc vì hết nước mắt dành cho chồng con của những bà mẹ, những người vợ tử sĩ "sinh Bắc tử Nam", cho đến bây giờ vẫn còn ám ảnh trong đầu tôi. Cho đến khi lớn lên, tôi không ít lần được nghe câu cửa miệng của những người già, cầu mong có hòa bình, theo họ có hòa bình khi ấy ăn cơm với muối thì họ cũng cam lòng.
Ngày 22 tháng 01 năm 2019
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.