Đôi điều suy tư về mầu nhiệm Giáng Sinh
Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018
18:01
//
Tôn Giáo
Là một sự kiện có thật, vì quả thật trong lịch sử nhân loại đã có một con người siêu phàm tên là Giêsu sinh ra cách nay 2018 năm, trong một máng cỏ nơi một hang đá dành cho bò lừa trú ngụ, vào một mùa đông giá lạnh. Hang đá ấy có tên là Bê-lem(Bethlem), miền Giu-đê thuộc nước Do Thái cổ xưa, dưới thời đế quốc La Mã thống trị, nay cũng đã và đang diễn ra tranh chấp đẫm máu giành quyền làm chủ giữa hai dân tộc Israel và Palestin.
Là một biến cố có thật, vì sự xuất hiện của con người phi phàm Giêsu, đã làm cho vua Hê-rô-đê (Herode) lo sợ mất quyền bính, nên đã ra lệnh sát hại hàng ngàn sinh linh trẻ thơ vô tội. Biến cố ấy đã được lịch sử ghi nhận và thực tiễn đã làm thay đổi tư duy, đời sống con người và bộ mặt thế giới. Biến cố ấy cũng đã được con người chọn làm mốc thời gian năm tháng cho cuộc sống (Dương lịch). Nhưng điều hệ trọng hơn là sự kiện và biến cố ấy đã mang một ý nghĩa mầu nhiệm (miraculous) của đức tin tôn giáo, được thể hiện qua các hiện tượng lạ phát sinh từ và chung quanh con người siêu phàm mang tên Giêsu ấy.
Là một mầu nhiệm, vì để hiểu, biết và tin sự kiện “Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần Cứu Chuộc nhân loại” là sự thật, con người không thể bằng tầm tri thức hữu hạn (đức lý), mà cần được trang bị bằng “cặp mắt đức tin” thuộc phạm trù tôn giáo.
Thật vậy, với tầm tri thức hữu hạn, con người làm sao có thể hiểu được và chấp nhận một hài nhi bé nhỏ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn, bởi một trinh nữ có tên là Maria, sống chung mà không phải vợ chồng, với một người bạn có chung niềm tin, làm nghề thợ mộc có tên là Giuse. Nghĩa là Hài Nhi Giêsu ấy, đã được thụ thai trong cung lòng Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (mà ngày nay khoa học đã chứng minh được qua sự thụ thai không chỉ qua giao hợp lưỡng tính) và Hài Nhi ấy sau này lại xưng mình là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc nhân loại, đã làm nhiều phép lạ cả thể, nhất là những phép lạ xẩy ra vào ba năm cuối đời đi rao giảng Tin Mừng và mạc khải cho loài người về Thiên Chúa và Ơn Cứu Ðộ. Sau cùng đã hoàn tất chương trình cứu độ bằng một cái chết treo khổ nhục trên thập tự giá vào tuổi 33, để rồi sau ba ngày Ðức Giêsu đã sống lại và lên Trời trước mặt nhiều người đương thời.
Những người chứng kiến các phép lạ xảy ra từ và chung quanh con người phi phàm Giêsu có thể biết và tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, song chỉ là số ít. Còn biết bao người đương thời, cũng như con người các thời đại sau này không được tận mắt chứng kiến các phép lạ thì sao?
Hiển nhiên khó mà có lòng tin vào Mầu Nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác thuộc quyền năng của Thượng Ðế. Tuy nhiên đây chỉ là nói theo luận lý thông thường của tầm tri thức hữu hạn của con người. Ngoài tầm tri thức hữu hạn này, con người còn tiềm ẩn một khả năng vượt trội, siêu hình, đó là Ðức Tin, một khi được khơi động sẽ có thể hiểu biết và cảm nghiệm được mọi mầu nhiệm trong thế giới siêu hình vô hạn. Các tín đồ có niềm tin nơi Thượng Ðế, chính là những con người được trang bị “cặp mắt Ðức Tin” tôn giáo, đễ có thể nhận thức được những gì vượt tầm tri thức hữu hạn của con người.
Hiện tại, sau 2018 năm Hài Nhi Giêsu ra đời, đã có hàng tỉ nhân loại tin vào ơn Cứu Ðộ qua mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần cứu chuộc nhân loại. Bằng niềm tin này, người ta có thể lý giải dễ dàng những sự kiện siêu tự nhiên từ một căn bản: Nếu đã tin và chấp nhận một tiền đề Thượng Ðế Toàn Năng đã tác tạo vũ trụ vạn vật và cho nó vận hành theo những quy luật riêng cho từng loài và quy luật chung cho mọi loài, thì không có gì Thượng Ðế không làm được.
Một điển hình, nếu ngày nay con người đã có thể bắt chuớc quy luật cấu tạo con người của Thượng Ðế (chứ không phải “cướp quyền” Thượng Đế) bằng cách lấy chất liệu từ con người vốn là vật thụ tạo của Thượng Ðế, cho thụ thai trong ống nghiệm có điều kiện môi sinh như trong cung lòng người nữ; hay cho thụ thai trong chính cung lòng người nữ, thì đối với quyền năng Thượng Ðế, việc thụ thai của Hài Nhi Giêsu trong cung lòng trinh nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần vào 2018 năm trước đây, là điều hiển nhiên, không có gì phải tranh luận. Trinh Nữ Maria sau khi sinh Hài Nhi Giêsu vẫn còn đồng trinh là hệ quả tất nhiên do cách thụ thai ngoài sự giao hợp lưỡng tính thông thường cũng là điều hiển nhiên không cần biện giải.Vì các tín điều tôn giáo nói chung, Thiên Chúa giáo nói riêng như những định đề toán học không thể chứng minh và không cần chứng minh (Như định đề Euclide: Từ một điểm, ngoài một đường thẳng, ta chỉ có thể kẻ một đường thẳng thẳng góc hay hay song song với đường thẳng ấy” chẳng hạn). Nhưng tin hay không tin và chọn niềm tin tôn giáo nào là quyền tự do của con người không thể áp đặt.
Ðến đây vấn đề chỉ còn là mỗi con người có chấp nhận mầu nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác của Thượng Ðế hay không. Vì đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi con người, mà chính Thượng Ðế đuợc tin là Ðấng sáng tạo ra con người, vạn vật, vũ trụ… cũng phải tôn trọng tuyệt đối quyền tự do của con người, kể cả quyền chối bỏ hay chống lại Thượng Đế. Bởi vì chỉ với quyền tự do tuyệt đối, con người mới chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình và Thượng Ðế mới có dữ kiện xét thưởng phạt công minh về các hành vi công phúc hay tội lỗi mỗi con người khi còn sống, sau cái chết, trở về với cát bụi.
Một so sánh cụ thể và tương đối về vai trò của Thượng Ðế có thể ví như người thợ nặn tượng sau khi bán một bức tượng cho người mua, người này có toàn quyền xử dụng tự do bức tượng theo ý muốn. Người xử dụng bức tượng chỉ có hai lựa chọn khi bức tượng cũ hay hư hỏng, nếu muốn tu bổ để tiếp tục xử dụng sẽ tìm đến người thợ nặn tượng nhờ thực hiện, hoặc vứt bỏ bức tượng đó đi. Theo niềm tin tôn giáo nơi Thượng Ðế cũng vậy, một khi tạo ra thân xác con người theo quy luật truyền sinh, là trao cho linh hồn quyền tự do tuyệt đối trong việc xử dụng thân xác. Linh hồn có thể nuôi dưỡng, tu bổ thân xác độc lập tự chủ hay chậy đến cậy nhờ Thượng Ðế giúp sức (cầu nguyện…), hoặc tự hủy thân xác (tự tử, tai nạn…) là quyền tự do lựa chọn của mỗi con người. Thượng Ðế sẽ chỉ xét đoán, định công, tội nơi mỗi con người sau cái chết để được tái sinh trong “Nước Hằng Sống” cực lạc (Thiên đàng) hay nơi cực khổ đời đời (Hoả Ngục đời đời).theo niềm tin Thiên Chúa giáo.
Là những người có niềm tin nơi Thượng Ðế, đôi điều suy tư trên đây về mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng tôi chỉ muốn xác tín rằng: Hơn 2018 năm trước đây, quả thật đã có một Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần, thực hiện sứ mạng cứu chuộc con người khỏi tội nguyên tổ, tạo điều kiện cho con người tái sinh trong nước hằng sống. Nếu không có sự Giáng Sinh này, số phận con người đã khác, chắc chắn là bi thảm hơn nhiều.
Ðể cảm tạ và tri ân Thượng Ðế, đêm nay cũng như đêm qua và đêm mai, nơi các giáo đường khắp nơi trên mặt địa cầu, những con người có chung niềm tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh đều cất cao lời ca chúc tụng, bằng mọi ngôn ngữ khác biệt của loài người. Chúc tụng và ngợi ca ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần cứu độ muôn dân, đem an bình, ơn phúc và yêu thương đến cho mọi người thiện tâm, mọi dân tộc thiện chí qua các thời đại hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho đến tận thế.Đúng như lời chúc mừng và ngợi ca Thiên Chúa của Thiên Thần vào đêm Chúa ra đời cách nay hơn 2018 năm:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người thiện tâm”
bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Thiện Ý
Giáng sinh 2018
Giáng sinh 2018
0 nhận xét