Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Năm Tuất nói chuyện về chó

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018 19:13 // , ,




Năm Tuất nói chuyện về chó

Chó là con vật trung thành, thân yêu nhất của con người, nhưng cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa có thể kết luận được ông tổ của nó là con gì? Tuy nhiên, họ gần như cùng đồng ý chó là sự tiến hóa của giống sói. 
 
Theo Tiến Sĩ Laura Shannon của trường Đại Học Cornell, sói sống gần nơi con người cư trú cảm thấy quanh quẩn bên con người, ăn những thứ con người vứt bỏ no hơn tự chúng đi săn, rồi sói biến thành chó trong khoảng thời gian cách nay từ 16,000 tới 30,000 năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều thuyết cho rằng chó là hợp chủng của sói với nhiều giống hoang dã khác thuộc dòng họ khuyển (Canidae). Xương chó hóa thạch lâu đời nhất đã được tìm thấy ở Eliseyevichi, Nga, có niên đại 19,000 năm. 

 
Ông Trump tuổi Tuất, vợ ông cũng vậy, kém ông hai con giáp, nên năm Mậu Tuất được tiên đoán là không tốt cho vợ chồng tổng thống. Ông đang ẵm một trong những con chó thắng giải 139th Westminster Kennel Club Dog Show được đến thăm Tòa Bạch Ốc. (Twitter)
 
Một bộ xương chó hóa thạch đã được tìm thấy ở Do Thái có niên đại 14,000 năm. Nhưng chó xuất hiện đầu tiên trên quả đất ở nơi nào thì hiện có ba thuyết khác nhau. Thuyết thứ nhất cho rằng chó xuất hiện đầu tiên trong vùng Hoa Nam ngày nay. Thuyết thứ nhì cho rằng chó xuất hiện đầu tiên ở Trung Đông. Giáo sư Robert Wayne của trường Đại Học California cho rằng chó chia sẻ nhiều đặc điểm của loài Sói Xám Trung Đông. Nhưng nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu về DNA và các xương hóa thạch giống xương loài chó ở 38 nước lại kết luận rằng chó xuất hiện đầu tiên ở Âu Châu cách nay khoảng từ 19,000 tới 32,000 năm. Có lẽ cuộc tranh luận về nơi chó xuất hiện đầu tiên trên quả đất sẽ vẫn còn tiếp tục.
 
Hiện giờ trên quả đất chúng ta có bao nhiêu chó cũng không được biết đích xác, vì ở nhiều nước, nhất là các nước Hồi giáo, người dân không nuôi chó, chó chạy lang thang ngoài đường, không có chỗ ở nhất định, khó thể thống kê. Ở những nước tân tiến như Hoa Kỳ ngành kỹ nghệ chế biến thực phẩm cho chó là một ngành kỷ nghệ hái ra tiền. Mỗi năm người Mỹ chi khoảng $40 tỷ để mua đồ ăn cho chó. 

Theo nhiều thống kê, ở Mỹ có khoảng 73 triệu con chó, ở Canada có khoảng 6 triệu, ở Pháp có khoảng 8.8 triệu, Anh có khoảng 7 triệu, Ba Lan có khoảng trên 7 triệu, Nga có khoảng 12 triệu. Nhưng các thống kê ở các châu lục khác như Á Châu, Phi Châu không thể tin cậy. Thành phố Bắc Kinh có 1 triệu con, nhưng khó biết rõ trên cả nước có bao nhiêu triệu. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã cố gắng ghi nhận số chó ở Phi Châu, vì chó Phi Châu có liên hệ với vi khuẩn bệnh chó dại (rabies virus), nhưng cũng chỉ ước tính trên toàn châu lục này có khoảng 70 triệu con được nuôi trong nhà và khoảng 70 triệu con chạy hoang. Con số 525 triệu con chó đang sống trên thế giới hiện nay cũng chỉ là con số ước tính.

Với trên nửa tỷ chó trên thế giới, Liên Đoàn Chủng Học Quốc Tế (Fédération Cynologique Internationale – FCI) chia ra làm 339 loại giống và 10 nhóm chính. Mỗi nhóm chia thành nhiều nhóm phụ có nguồn gốc quốc gia hay vùng sinh sống.
 
Con người chúng ta dù đen, trắng, đỏ, vàng, to xác, nhỏ con đều hy vọng có thể sống được 100 tuổi, nhưng các giống chó lại có tuổi thọ khác nhau. Các giống chó nhỏ con sống lâu hơn các giống to con. Loại chó nặng 20 pounds (9 kg) thọ trung bình 11 năm, nhưng chó nặng 90 pounds (40.8 kg) chỉ sống trung bình được 8 năm. Những loại chó có đời sống lâu nhất là: Lakeland Terrier từ 12-16 năm; Pomeranian 12-16 năm; Tibetan Spaniel 14 năm; Yorkshire Terrier 14-16 năm; Manchester Terriers 14-16 năm; Rat Terrier 16 năm; Chihuahua 14-18 năm.
 
Chó sống với con người rất lâu, nên chó bàng bạc trong ca dao, tục ngữ thơ văn, và trong các chuyện thần thoại. 
 
Trong thần thoại Hy Lạp, thần Cerberus là con chó ba đầu canh giữ cửa địa ngục. Huyền thoại ở Anh có con chó đen Padfoot đại diện cho ma quỷ, ở đâu có Padfoot ở đó có chết chóc, kinh hoàng. Thần thoại Nhật có con chó Okuri-Inu bảo vệ con người đối với những ma quỷ tàn bạo khác, nhưng nó cũng ăn thịt người nếu con người đang đi bị vấp ngã. Người Tàu tin tưởng nhật thực là do Thiên Cẩu ăn mặt trời. Ngoài tin Thiên Cẩu, người Tàu còn tin có con Hạo Thiên Khuyển của Nhị Lang Thần Dương Tiễn. Ở Nepal và Ấn Độ nhiều nơi thờ chó. Ấn Độ Giáo tin tưởng chó canh giữ cửa Thiên Đàng. Ngày 14 tháng 11 mỗi năm, người Nepal làm lễ Kukur Tihar trong ba ngày liên tiếp để vinh danh chó. Ở Việt Nam, hai thôn Phổ Trung và Phổ Đông, xã Phú Thượng, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên có hai ngôi miếu thờ Thần Chó. Vua Gia Long sau khi lên ngôi đã sắc phong cho bốn con chó Phú Quốc từng theo Ngài là “Tá Khổn Phò Nguy Tá Quốc Huân Thần Thần Khuyển Đại Tướng Quân,” nhưng hiện không còn biết các miếu thờ “Thần Khuyển Đại Tướng Quân” của vua Gia Long nằm ở đâu. Tục thờ chó đá cũng khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc, người dân tin tưởng chôn chó đá trước nhà, hay thờ chó đá có thể xua tà, trấn quỷ.

Người Việt đang chống Tàu Cộng cần nên tránh ăn thịt chó để bày tỏ thái độ. (Getty Images)
 
Tục thờ chó đá ở VN có thể liên quan tới nhiều truyền thuyết lịch sử. Tục truyền An Dương Vương Thục Phán đã dời đô về làng Cổ Loa là do theo chân của một đoàn chó săn. Mẹ Lý Công Uẩn là Phạm thị, trong lúc viếng chùa Tiên Sơn, nằm mơ thấy giao hoan với thần chó đá mà mang thai, sinh Lý Công Uẩn vào năm Giáp Tuất 974. Bấy giờ ở làng Cổ Pháp có con chó đẻ con màu trắng, nhưng trên lưng có hai chữ thiên tử màu đen. Bà Phạm thị vì không chồng mà có con nên mang con đến chùa Cổ Pháp để nhờ nuôi cậu bé. Khi bà ta mang con đến chùa, con chó đá trước cổng chùa bỗng lên tiếng sủa mừng. Nhà sư Lý Khánh Vân cho là điềm lành, nhận nuôi đứa bé, cho mang họ Lý và đặt tên là Công Uẩn. Vào năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, lúc bấy giờ có con chó cái vượt sông bơi theo thuyền vua rồi lên núi Nùng làm ổ để đẻ nên nhà vua đã chọn núi Nùng làm chính điện.
 
Ở VN, ít nhất cũng có trên 70 thành ngữ, tục ngữ về chó. Câu “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà.” Và câu “Chó dại có mùa, người dại quanh năm.” có thể dùng để nói về tình trạng Cộng Sản đã du nhập chủ nghĩa CS vào Việt Nam và ù lỳ với chủ nghĩa này, làm khốn khổ cho dân tộc ta trong trên nửa thế kỷ qua. Câu “Chó nhảy bàn độc” cũng có thể nói lên tình trạng chế độ độc đảng muốn làm gì thì làm hiện nay. Câu “Chó cắn áo rách” có thể dùng để nói lên tình trạng người nghèo đang bị bóc lột trong nước.
Ngoài thành ngữ, tục ngữ; câu hát, ca dao VN cũng bàng bạc hình ảnh con chó và rất dí dỏm như:
 
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đứng trông trên bờ.
 
Có thể nói Nguyễn Trãi là người đầu tiên đưa con chó vào thơ, qua bài Thủ Vĩ Ngâm:
 
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian.

Qua Bài Hạ Nhật Phỏng Biểu Huynh Đặng Thai Quy Tác, Nguyễn Khuyến có câu:
 
Ngoạ thụ bì ngưu hư thử khí, 
Cách trì tiểu khuyển phệ nhân thanh.
Trâu mệt dưới cây phì hơi nóng
Chó nhỏ bên ao sủa tiếng người
 
Bài văn tế Henry Riviere của Nguyễn Khuyến rất được truyền tụng:
 
“Nhớ ông xưa, mắt ông xanh lè, mũi ông thò lỏ, đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt chó.
Nhà ông bày toàn những trai, vườn ông trồng tinh những cỏ
Ông vào làng mặt đỏ để dẹp Cờ Đen cho yên con đỏ.
Ai ngờ nó giết ông, đầu ông nó mang đi, xác ông nó để đó.
Chúng tôi vâng mệnh triều đình cúng ông chuối một buồng, trứng một ổ.
Ông ăn cho no, ông nằm cho yên. Khốn nạn thân ông, đéo mẹ cha nó!”
 
Cụ Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) ở Gia Định có bài Con Chó Già, kể công trạng chó:
 
Tuy rằng muông cẩu có ân ba 
Răng rụng lâu năm nó phải già 
Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối 
Vì lo khỉ Sở mới chùng da 
Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo 
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà 
Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở 
Bây giờ yếu đuối hết xông pha
 
Cụ Nguyễn văn Lạc (1842-1915) thường được gọi là Học Lạc, quê Mỹ Tho, có bài thơ Chó Chết Trôi :
 
Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu 
Thác thả dòng sông xác nổi phều 
Vằn vện xác còn phơi lửng dửng 
Thúi tha danh hãy nổi lều bều. 
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép, 
Đưa đón lao xao lũ quạ diều. 
Một trận gió dồn cùng sóng dập 
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.
 
Cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có bài thơ Nước Lụt, chưởi bọn tham quan:
 
Trời mưa từng trận gió từng hồi, 
Thế giới bao nhiêu nước khỏa rồi. 
Lũ kiến bất tài đòi chỗ bợ, 
Đấu bèo vô dụng kết bè trôi. 
Lao xao rừng cụm nghe chim chíp, 
Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi. 
Nỡ để dân đen trên gác yếu, 
Này ông Hạ Vũ ở đâu ôi!
 
Các thi sĩ Miền Bắc trong thời gian gần đây cũng thường đưa chó vào thơ để nói lên sự buồn thảm, u uất của họ đang phải sống trong chế độ. Phùng Cung:
 
Chạng vạng chiều – rơi 
Trên xóm nhỏ 
Con chó hoang 
Ngoạm vành khăn tang 
Rượt theo lòng xóm 
Tới ngã ba – nhớn nhác 
Lại cắm đầu rượt tiếp 
Phía trước mặt trời đang tắt 
Vầng trăng đang mọc phía sau.
 
Qua thơ văn, ca dao VN, con chó rất gần gũi với người Việt, nhưng ăn thịt chó cũng là chuyện phổ thông ở VN:
 
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
 
Bốn câu ca dao trên cho thấy thịt chó phổ thông ở VN giống như thịt gà, thịt heo. Nhà Văn Vũ Bằng từng viết: “Ngã con cầy ra đánh chén! Sống trên đời, không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?” 
 
Tại nhiều thành phố VN có những khu phố chuyên bán thịt chó như khu phố Nhật Tân ở Hà Nội. Ở Sài Gòn có các khu thịt chó như Cống Quỳnh, Chấn Hưng, Thanh Đa… Thịt chó được chế biến thành nhiều món phổ thông như dồi chó, chả chó, chó hấp, rựa mận, xáo măng, hầm đu đủ, tái lăn, đùi nướng… Nhưng các món trên ngon như thế nào lại là tài riêng của mỗi quán. Người ta nói ở đâu có đông dân Bắc Kỳ mới có quán thịt chó ngon. Những người ăn thịt chó ở VN phân biệt màu lông để biết thịt có ngon hay không qua câu: “Nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm.”
 
Trên thế giới hiện còn 11 nước ăn thịt chó. Mỗi năm có trên 30 triệu con chó bị xẻ thịt, nhưng riêng ở VN có khoảng 5 triệu, lục địa Trung Hoa trên 20 triệu, Nam Hàn 2.5 triệu. Không biết rõ con số chó bị làm thịt ở Bắc Hàn, nhưng Kim Chánh Vân đã chính thức cổ võ dân chúng ăn thịt chó, cho rằng thịt chó là loại thịt siêu bổ, và dân chúng Bắc Hàn đang sống trong tình trạng nghèo đói nên con số chó bị giết có thể cũng rất lớn.
Người Tàu đã ăn thịt chó từ hàng ngàn năm trước.. Chu Lệ Vương (877-841 BC) đã từng chia chó làm ba loại là Điền Khuyển, Phệ Khuyển và Thực Khuyển. Như vậy, người Tàu đã biết ăn thịt chó ít nhất cũng từ đời nhà Chu. Thịt chó được người Tàu gọi là hương nhục và coi là thịt quý: “Trên trời có thịt rồng, dưới đất có thịt chó.” Vào cuối đời nhà Hán, đạo giáo phát triển, người đạo giáo cho rằng thịt chó là thịt dơ bẩn. Vào đời nhà Đường, nhà Tống, nhờ có thêm ảnh hưởng Phật Giáo, nên số người ăn thịt chó đã giảm nhiều. Người Mãn Châu coi ăn thịt chó là điều cấm kỵ, một tội phạm, nhưng người Mãn vào cai trị Trung Quốc đã làm người Tàu đua nhau ăn thịt chó, coi là một hình thức phản Thanh. Đặc biệt là người miền Hoa Nam. Ngày nay, Lễ Thịt Chó ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn người tham dự và trong ngày lễ này có khoảng từ 10,000 tới 15,000 con chó bị giết để khách ăn thịt uống rượu trái vải.
 
Nếu theo con số thống kê, số chó bị giết thịt bình quân theo đầu người thì VN cao hơn Nam Hàn, cao hơn Tàu, nhưng ăn thịt chó không phải là truyền thống dân tộc mà mới bắt chước theo người Tàu. Sách Thực Vật Tất Khảo Tường Ký Lục viết vào thời vua Cảnh Hưng nhà Lê không có món nấu thịt chó. Theo nhiều học giả, vào thập niên 1930 ở Hà Nội chỉ có ba, bốn quán thịt chó. Như vậy, thịt chó chỉ mới du nhập vào VN cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20. Nếu đúng như vậy, thì người Việt cũng nên xét lại việc ăn thịt chó của mình. Người Tàu chống nhà Thanh mà gia tăng ăn thịt chó, thì người Việt đang chống Tàu Cộng cần nên tránh ăn thịt chó để bày tỏ thái độ. Nhất là việc ăn thịt chó đang bị các nước văn minh trên thế giới chỉ trích, tẩy chay. Làm nước đứng đầu sổ về ăn thịt chó trên thế giới chắc chắn không phải là vinh dự cho dân tộc.

Kết thúc bài này, chúng tôi tạm xem sơ lược tử vi cho các bạn tuổi Tuất trong năm Mậu Tuất. Năm nay là Năm Tuổi của người tuổi Tuất nên làm việc gì cũng cần thận trọng, nếu làm theo cảm tính sẽ dễ gặp họa. Tài lộc của người tuổi Tuất khá vất vả trong năm Mậu Tuất. Mậu Thổ và Tuất Thổ làm cho tài lộc gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe của người tuổi Tuất cũng cần quan tâm, hành Thổ và hành Kim quá vượng làm tay chân, gan, phổi dễ bị tổn thương. Nam mạng Bính Tuất sinh năm 2006 bị sao Thái Bạch chiếu mệnh có thể gặp nhiều buồn phiền. Nhưng nữ mạng Bính Tuất có sao Thái Âm chiếu mệnh nên khá tốt, mọi việc hanh thông. Nam mạng Giáp Tuất sinh năm 1994 bị sao Kế Đô, nữ Giáp Tuất bị sao Thái Dương nên dễ hao tài. Nam Nhâm Tuất sinh năm 1982 bị sao La Hầu dễ bị kiện tụng. Nữ Nhâm Tuất bị sao Kế Đô cần đề phòng trong tháng 3, tháng 9. Canh tuất sinh năm 1970, nam mạng bị sao Thái Bạch, nhưng nữ mạng gặp sao Thái Âm nên không quá tệ. Mậu Tuất sinh năm 1958 bị sao Kế Đô, nữ mạng gặp sao Thái Dương; nam nữ tuổi này đều xấu. Tuổi Bính Tuất sinh năm 1946, nam mạng bị sao La Hầu, gặp hạn Tam Kheo, vận niên là Cẩu Cuồng Phong (chó dại), thiên can là Bính gặp Mậu bị hao tốn. Địa chi là Tuất gặp Tuất gặp tam tai, bất an. Có thể nói tuổi Bính Tuất nam mạng rất xấu trong năm Mậu Tuất. Quý bà tuổi Bính Tuất năm nay bị sao Kế Đô, gặp hạn Thiên Tinh nên cũng rất xấu, cần đề phòng sức khỏe..
 
Tổng Thống Trump sinh ngày 14 tháng 6, 1946, tuổi Bính Tuất. Bà Melania Trump sinh ngày 26-4-1970 tuổi Canh Tuất. Nữ Canh Tuất từ 46 tới 50 tuổi bổn mạng yếu kém. Như vậy, năm Mậu Tuất là năm rất xấu cho cặp vợ chồng tuổi Tuất đang làm chủ Tòa Bạch Ốc, lãnh đạo nước Mỹ. Khó biết trong năm mạng xấu của họ sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào. Nhưng những chính sách đối nội và đối ngoại đưa ra trong năm 2017 chắc chắn sẽ bắt đầu có hậu quả từ năm 2018.
HUỆ VŨ

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.