Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 2/11/2017

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017 18:22 // , ,

Báo Tiếng Dân

Tin trong nước

Tin Biển Đông

RFI đưa tin: ASEAN và Trung Quốc diễn tập trên biển, Việt Nam vắng mặt. Ngày 31/10/2017, “lực lượng trên biển của Trung Quốc cùng với 6 nước ASEAN đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông”. Một số nước không tham gia gồm có: Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia.
RFI có bài trường trình về chuyến hải hành của chiến hạm Auvergne, Pháp ở Biển Đông: Trung Quốc bám sát chiến hạm Pháp ở Hoàng Sa. Theo báo Le Monde, Bắc Kinh chứng tỏ ý định không lay chuyển về việc củng cố các vị trí ở Hoàng Sa và Truờng Sa. Đô đốc Denis Bertrand, chỉ huy trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Pháp nhận định: ‘Nếu tự do hàng hải bị xâm phạm tại đây, thì chẳng bao lâu sẽ bị xâm phạm ở khắp mọi nơi’.” 

Chiến hạm chống tàu ngầm Auvergne của Pháp. Ảnh: Wiki
RFI có bài: Tham vọng quân sự Trung Quốc khiến láng giềng bắt đầu lo ngại. Theo AFP, “việc ông Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một đạo quân có thể ‘đánh và thắng’, đã gióng lên hồi chuông báo động ở các nước láng giềng, trong đó có nhiều nước đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc”.
RFA đặt câu hỏi về chính sách Biển Đông của chính quyền Mỹ: Tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận vấn đề biển Đông trong chuyến thăm châu Á ra sao? Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, cho biết: “Rất khó để biết về lập trường của Tổng thống Trump đối với vấn đề biển Đông và ông sẽ nêu vấn đề ra ở mức độ nào. Đã có nhiều những tín hiệu lẫn lộn đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề biển Đông. Một mặt thì đã có những thảo luận cứng rắn đối với Trung Quốc… Tuy nhiên mặt khác, đã 10 tháng trôi qua mà chính quyền mới vẫn chưa có (hoặc không có) một chiến lược rõ ràng về vấn đề biển Đông, và làm thế nào để gây sức ép với Trung Quốc trước thái độ quyết đoán của nước này ở biển Đông và giúp đỡ các đối tác và đồng minh của mình trong khu vực”. 
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy có bài viết chi tiết về sinh nhật lần thứ 6 của No-U FC: No-U FC: 6 năm, một chặng đường gian nan. Tác giả cho biết, lần sinh nhật này tưởng đã không thể tổ chức được vì những đàn áp gắt gao gần đây. “Đã tưởng năm nay, trong hoàn cảnh bị đàn áp gắt gao, No-U FC phải tạm thời bỏ sinh nhật. Kế hoạch tổ chức sinh nhật chỉ được gửi tới từng người trước vài giờ, nói lên việc tổ chức sinh nhật No-U FC năm nay, được tiến hành hết sức bí mật, nhằm tránh sự đánh phá của nhà cầm quyền“.
Quan hệ Việt – Trung
Sau khi ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng, thăm TQ, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Việt Nam 3 ngày, kể từ hôm nay 2/11. VOA đưa tin, ông Vương Nghị sẽ thảo luận với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, như hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào chiều nay. Ngày mai, ông Vương Nghị sẽ chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Về mục đích chuyến thăm của ông Vương Nghị, báo điện tử ĐCSVN cho biết: “Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về các phương pháp, biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, nhất là trao đổi, tiếp xúc cấp cao và việc mở rộng, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các cơ chế hợp tác, các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao trong thời  gian tới“.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Mạnh Hùng/ ĐCSVN
VOA có bài về cảnh báo của các chuyên gia: ‘Sẽ là thảm họa nếu Việt Nam vận dụng Tư tưởng Tập Cận Bình’. Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam, nhận định: “Tư tưởng Tập Cận Bình trở thành điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tai họa lớn nữa đối với Việt Nam. Tư tưởng Tập Cận Bình – thực chất là một tư tưởng độc tài toàn trị, phản dân chủ, dùng Đảng trị nước, giẫm đạp lên trên hiến pháp và pháp luật, và không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của nhân dân – nếu vận dụng đưa vào trong đất nước Việt Nam thì đấy là một thảm họa”.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cảnh báo: Môi trường kinh doanh ‘Việt Nam vượt Trung Quốc nhưng chớ rung đùi’. VOA dẫn lời ông Doanh, cho biết: Một trong những bất cập lớn đang làm cản trở môi trường kinh doanh tại Việt Nam là các chi phí ngoài pháp luật mà các doanh nghiệp phải trả để ‘bôi trơn’. Do một số quan chức vẫn đòi hỏi phải có chi phí ‘bôi trơn’ thì mới có thể làm thủ tục được nhanh đúng thời hạn. Mà doanh nghiệp thì sốt ruột, họ phải bảo đảm xuất khẩu, họ phải bảo đảm các yêu cầu để giao hàng. Cho nên họ sẵn sàng chi trả mặc dù rất than phiền”.
APEC 2017 và quan hệ Việt-Mỹ
VOV có bài: Chuyên gia Mỹ nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump. Ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Tập đoàn Albright Stonebridge, nhận định: “Tôi cho rằng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Donald Trump, ít nhất sẽ có cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Có thể hai bên sẽ thể hiện sự sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại tự do song phương mặc dù điều nay là không dễ, tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc cấp cao như vậy sẽ tạo ra các bước tiến tới mở rộng quan hệ song phương“.
Trang Soha có bài: ĐB Dương Trung Quốc chỉ ra điểm khác trong chuyến thăm của ông Donald Trump và ông Obama. Ông Quốc nói: “Có thể thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dành thời điểm rất có ý nghĩa quan trọng, trong đó, như ông Tập Cận Bình là khởi đầu nhiệm kỳ mới của mình để thăm Việt Nam. Điều này, chắc chắn sẽ mở ra sự bền vững, lâu dài trong quan hệ giữa các nước với Việt Nam“.
VOA đưa tin: Đại sứ Mỹ Ted Osius sẽ làm Phó chủ tịch ĐH Fulbright sau khi mãn nhiệm. Đại sứ Ted Osius cho biết, sau khi kết thúc nhiệm kỳ 3 năm, “ông sẽ chuyển vào sinh sống tại TP.HCM từ tháng 1/2018 và đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam”.
Về Hội Cờ Đỏ
LS Hà huy Sơn có bài: Thử xem xét Hội Cờ Đỏ dưới mấy góc độ. Ông Sơn cho rằng, Hội Cờ Đỏ không thể được đăng ký hợp pháp như Đoàn thanh niên, Dân phòng … hay như Hồng Vệ Binh của Trung Quốc. Đây chỉ là hội quần chúng tự phát, dù được “bảo kê”. Và nếu xảy ra xung đột với người dân thì Hội Cờ Đỏ sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Hội Cờ Đỏ cũng không thể thực hiện được nhiệm vụ “khủng bố”. Còn nếu thực hiện nhiệm vụ “khủng bố” một cách công khai thì chính quyền sẽ bị lên án. Như vậy, theo LS Sơn, Hội Cờ Đỏ không như lực lượng Dân phòng và không thể được bảo vệ như đám Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc.
Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà có bài: Về Hội Cờ Đỏ. Theo bà Ngà, “đừng vội cho rằng họ là những con rối của chính quyền. Chính quyền không thể giật dây kích động từng đó con người nếu như trong mỗi người họ không có trước sự mâu thuẫn, xung đột với ‘thành phần phản động,’… Hãy nhìn họ như một hội nhóm đối lập và cư xử với họ trên tinh thần văn minh. Có thể không tôn trọng, nhưng chí ít là lịch sự tối thiểu của những người làm chính trị thông minh”.
Tác giả Thạch Đạt Lang có bài viết phản bác: Đôi lời trao đổi với Nguyễn Thị Bích Ngà về Hội Cờ Đỏ. “Không ai có thể giật dây, kích động từng đó con người nếu họ chưa được lập trình như những robot. Cũng không ai khinh thường hay miệt thị niềm tin của họ, chỉ thương hại họ thôi. Trong điều kiện xã hội hiện nay, khó lòng nhìn họ như một nhóm đối lập và cư xử trên tinh thần văn minh. Bích Ngà có một tấm lòng quá nhân hậu, nhưng trong điều kiện xã hội khủng hoảng như ở VN hiện nay, tôi tin rằng con người chỉ có thể cư xử trên tinh thần văn minh tới một giới hạn nào đó“.
Nhân quyền ở Việt Nam
Tiếng Dân có tin: Thư bày tỏ quan ngại về trường hợp của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga của các học giả và chuyên gia trên toàn thế giới. Thư được viết bằng hai thứ tiếng Việt – Anh, gửi tới 4 vị lãnh đạo hàng đầu VN và các đại sứ quán nước ngoài. Thư được ký tên bởi hầu hết các học giả, các chuyên gia nước ngoài, ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Hà Lan…
Blog RFA có bài của nhạc sĩ Tuấn Khanh: Nhà hoạt động trẻ Lê Hồng Phong “Tôi chọn là người tự do”. Lê Hồng Phong sinh ra ở Bình Dương, trong một gia đình có nhiều người thân phục vụ cho Đảng Cộng sản. Bản thân Phong được gia đình đặt tên theo cố TBT đảng CSVN Lê Hồng Phong, thế nhưng Phong lại “chọn con đường dấn thân, tìm hiểu để góp sức thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam, xây dựng Việt Nam thật sự là một quốc gia đáng sống…“.
Phong tâm sự: “Tôi hiểu ra rằng chẳng ai cướp mất cái gì của mình cả. Tự do, dân chủ là không miễn phí, muốn có nó thì chính mỗi người phải hành động giành lấy nó, để xứng đáng có được nó“. Hiện Phong đang theo học ở Phillipines và cùng nhóm Thức Followers vận động cho chiến dịch “Bầu Cử Tự Do Và Quyền Tự Quyết Cho Dân Tộc Việt Nam”.

Nhà hoạt động trẻ Lê Hồng Phong. Ảnh: Tuấn Khanh/ internet
LS Hà Huy Sơn đưa tin: “Ngày 30/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ an đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến VKS tỉnh Nghệ An đề nghị truy tố Hoàng Đức Bình theo khoản 2, Điều 258 BLHS“. Trong đó quy định: “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm“.
Facebooker Hoàng Tư Giang cho biết: Luật An ninh mạng của Việt Nam lần này có những quy định rất “ngặt nghèo”, chẳng hạn như quy định “phải đặt máy chủ ở VN”. Ông Giang lấy dẫn chứng ở Mục C, khoản 2 điều 52, quy định: “Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nước ngoài chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, đăng ký kinh doanh và đặt máy chủ chứa dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam“.
RFA có bài: Giáo sư Carlyle Thayer nói về chuyến thăm VN chính thức của ông Trump. Trả lời câu hỏi: “Tổng thống Trump sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam không?” GS Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Úc, cho biết: “Trong thông cáo thì họ có nhắc tới đó, nhưng tất nhiên họ sẽ nói rằng họ tổ chức đối thoại rồi thì Mỹ nói thế này, Việt Nam nói thế kia rồi ghép lại thành một bài… Việt Nam gần đây ngày càng gia tăng việc bắt giữ các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và số vụ đàn áp, đánh đập do côn đồ có quan hệ với chính quyền cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông Trump sẽ nói đến chuyện này“.
Ánh dương chói lọi hay thiên đường mù?
Báo SGGP có bài của bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM: Cách mạng Tháng Mười – Ánh dương luôn chói lọi. Mặc dù bà Thư hết lời ca ngợi cách mạng tháng 10 Nga là “ánh dương chói lọi“, làm “rung chuyển thế giới, lay động tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản” nhưng lại thừa nhận, CNXH đang gặp “khó khăn to lớn”, “bị đổ vỡ ngay trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười”.
Định đẩy dân tộc Việt Nam “Xuống Hố Cả Nút” hay sao mà bà kêu gọi kiên định con đường XHCN trên tinh thần CM tháng 10 Nga? Còn ai dám kiên nhẫn tin vào con đường mà bà đang phải dò dẫm “tìm tòi những cách thức và bước đi hợp lý” để mơ “xây dựng chủ nghĩa xã hội thực sự tốt đẹp văn minh“, trong khi đảng trưởng còn tâm tư, “đến hết thế kỷ này không biết đã có cnxh hoàn thiện ở việt nam hay chưa“.
Báo QĐND chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Không để các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị. “Để thực hiện mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong những năm tới, các thế lực thù địch sẽ tập trung chống phá trên các vấn đề chủ yếu sau đây: Xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin trên các nguyên lý cơ bản như: Lý luận về hình thái kinh tế-xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hạ thấp và đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội“.
Mặc dù chỉ chửi đổng, không dám gọi tên một nhân vật nào, nhưng dường như báo QĐND nhắm vào loạt bài viết này của GS Nguyễn Đình Cống: : Bài 1: Bản chất con người   —  Bài 2: Vật chất và Ý thức  —  Bài 3: Đấu tranh giai cấp   —  Bài 4: Giá trị thặng dư(TD).
Tinh giản bộ máy
Nhà báo Nguyễn Thông có bài: Hai chọn một. Tác giả cho rằng, đảng cần nhất thể hóa với chính quyền, gánh luôn việc của chính quyền, thay vì cứ “ngồi không ăn bám, họp hành suốt ngày, chỉ tay năm ngón thế được“. Ví dụ, đảng đã có Ban đối ngoại thì bỏ luôn Bộ Ngoại giao, có Ban kinh tế thì bỏ Bộ Công thương, bỏ Bộ tài chính, Bộ Công nghiệp…
Còn nếu đảng không làm được thì để chính quyền làm và “dẹp đảng đi, tự đóng đảng phí nuôi nhau, hay xin tài trợ, lấy quảng cáo thế nào để sống thì tùy. Khôn sống mống chết, chứ đâu có thói ăn bám, lý luận suông mà sống phè phỡn mãi thế được. Cả thế giới người ta làm vậy, người ta giàu sang sung túc, còn xứ mình cứ đi một đường riêng rồi lại há họng kêu khổ. Vớ vẩn“.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Tái cấu trúc các tỉnh thành? Tác giả cho rằng, rất có thể việc sáp nhập một số tỉnh thành theo nhiều ý kiến sẽ là “sai lầm” giống thời Lê Duẩn. Nguyên nhân thất bại của mô hình này được cho là do nền kinh tế quốc doanh, chính trị tập trung, khác biệt ý thức hệ, khác biệt lối sống… Do vậy không nên bàn, chỉ mất thời gian.
Theo ông Tuấn, nên “chia VN thành ‘hai tiểu bang’, gồm tiểu bang Nam kỳ lãnh thổ dưới vĩ tuyến 17 và tiểu bang Bắc kỳ, lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Những người tôn thờ Hồ chí Minh và chủ nghĩa Mác Lê Nin thì ra miền Bắc xây dựng ‘xã hội chủ nghĩa’. Còn ai không thích thì vào miền Nam, mọi người ai muốn làm gì thì làm, miễn không phạm luật, không xâm phạm tới quyền và lợi ích của người khác”.
Cũng không ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, chỉ cần nhà nước hiện tại đừng làm gì thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Bởi vì, không ít trường hợp, việc “nhúng tay” của nhà nước “lại làm cho tình trạng tệ hơn hay thất bại của nhà nước xảy ra“.
Có trường hợp hai bộ thì choảng nhau chan chát, người dân không biết đâu mà lần. Theo báo PLTP, trong phần giải trình trước QH của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì người dân còn có “cái may” là “năm 2016 ta điều chỉnh giá dịch vụ về gần giá trị thực”. Thế nhưng ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu không đồng ý với bà Tiến.
Theo ông Cầu, “Cử tri thì rất bức xúc và bất lực khi hai ngành y tế và BHXH đôi co nhau,… Đơn cử là tháng 4 và tháng 8-2017, Bộ Y tế ban hành hai công văn thì chỉ sau hai tuần, BHXH Việt Nam cũng ban hành hai công văn không đồng ý với hai công văn của Bộ Y tế“. Nên bỏ một trong hai, hoặc sáp nhập hai ông làm một, cho dân nhờ.
Tư cách đảng viên theo tiêu chuẩn nào?
VOV có bài: Sẽ rà soát sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Ông Nguyễn Văn Định, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Đề án, trong đó có quy định “rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, trong đó có một bộ phận là những cán bộ, đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi về nghỉ hưu“.
TS Chu Mộng Long có bài: Khó quá: Tư cách gì? Ông Long không hiểu “tư cách đảng viên” dựa vào tiêu chuẩn nào? Ông Long nói, “nếu sàng lọc thẳng thắn, quyết liệt để đưa ra khỏi Đảng, tôi nghĩ… không còn ai đâu ạ“.
Củi Đinh La Thăng có vô lò?
BBC có bài: ‘Làm sạch tận gốc’ Tập đoàn Dầu khí VN? Trong báo cáo giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã mạnh miệng nhận định “các nguyên lãnh đạo của PVN, Vinatex phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ“, đồng thời hứa “làm sạch tận gốc” PVN.
Gốc của sai phạm trong PVN là Đinh La Thăng vẫn còn đang “chễm chệ” ngồi cùng phòng với ông đó, ông Trần Tuấn Anh ơi. Liệu ông có dám thực hiện cam kết của mình, hay phải dựa vào ông Trọng?
Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm
RFA có bài phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: Nợ Công của Việt Nam. Theo ông Nghĩa, nợ công của Việt Nam gia tăng nhanh chóng và nguy hiểm “vì nạn bội chi ngân sách – là chi nhiều hơn thu“, tỷ lệ bội chi từ 5% GDP vào năm 2000 đã vượt 6,5% vào năm 2016 và vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam cũng giống như Trung Quốc ở chỗ, đó là “đi vay để nuôi bộ máy chính trị của đảng” và “khối nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các khoản nợ xấu, khó đòi và dễ mất“. Nhưng khác với Nhật và Mỹ, người dân Việt Nam “không được quyền hỏi đi vay để làm gì nên chẳng giới hạn được việc đi vay mà sẽ còn è cổ gánh vác việc trả nợ.” Hơn nữa, có thể có “khoản nợ ghê tởm” do một nhóm “đi vay và chia chác cho nhau mà dân không được biết“.
Mời xem cilp của VTC: Nợ công của Việt Nam vẫn tăng bình quân mỗi năm khoảng 300.000 tỷ đồng.
Báo Lao Động có đồ họa về nợ công mà mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh:

Đồ họa: Báo LĐ
Tuy nhiên, thực tế nợ công Việt Nam có thể cao hơn số liệu của báo Lao Động nhiều. Theo Đồng hồ nợ công, tính đến ngày 1/11/2017, nợ công của Việt Nam đã lên tới hơn 223 tỷ Mỹ kim, tương đương mỗi người dân đang phải gánh gần 53 triệu đồng nợ công.
Lương hưu “chết đói”
Báo Tiền Phong có bài: Vụ lương hưu cô giáo 1,3 triệu đồng/tháng: Sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương. Về việc cô giáo Lan nhận lương hưu chưa đầy 1,3 triệu đồng/tháng, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, giải thích: do lương cơ bản của cô giáo Lan trước kia quá thấp và nhà nước mới có biên chế từ năm 1995.
Cũng theo ông Chính, người hưởng lương phải chờ trung ương đảng CSVN có nghị quyết về cải cách căn bản chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp. Còn Tổng Liên đoàn Lao động VN thì mới đang đi “khảo sát thực tế về tiền lương”, để có báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với Trung ương.
LS Trần Vũ Hải có bài: Đời là thế, dù đầy bất công! Ông Hải kể về hai trường hợp cùng thời điểm vào nhà nước làm. Trong khi một người làm ngành công an thì lương hưu hơn 10 triệu đồng/tháng, mặc dù trong quá trình công tác không có đóng góp gì nhiều, chỉ ngồi bàn giấy. Còn người kia làm giáo viên thì lương hưu chỉ bằng 1/3 của công an, trong khi phải vừa dạy học vừa làm để kiếm thêm thu nhập.
TS Chu Mộng Long có bài: Về lương nhà giáo: Nói đi đôi với làm. Tác giả cho rằng, chỉ có thủ tướng mới có thể giúp được giáo viên sống bằng lương, bằng cách: điều chỉnh thu nhập, “đánh thuế thu nhập thật cao các ngành nghề có thu nhập quá chênh lệch với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, lấy nguồn đó mà điều chỉnh lương cho những ngành cống hiến nhiều nhất cho quốc gia mà không có thu nhập nào thêm“.
Kế đến là “giải tán ngay các hội, các đoàn thể ăn lương hoặc để cho các tổ chức ấy tự làm tự nuôi. Tinh giản tối đa bộ máy quyền lực cồng kềnh ăn hại đái nát để tích lũy ngân sách, lấy nguồn đó điều chỉnh lại lương”. Và cuối cùng là, “tước đoạt tài sản của những quan lại giàu khủng đưa vào ngân khố để cải thiện tiền lương cho người lao động“.

Đồ họa: Vương Fương Anh/Báo NLĐ
ĐBQH hay “cò” doanh nghiệp?
Báo Dân Việt có bài: “Dậy sóng” trước phát biểu của ĐB Hồ Văn Năm. Về phát biểu của ông Hồ Văn Năm, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, liên quan tới vụ phân bón Thuận Phong: “Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố”. 
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, “tôi không thể nghĩ đây lại là ĐBQH trên nghị trường để đại diện cho người dân. Đặc biệt trong đó là hơn 60 triệu nông dân, có rất nhiều người nghèo khó đang phải chịu vấn nạn sản xuất phân bón giả hoành hành, họ sẽ nghĩ gì sau những phát biểu của ông Năm?”
Cũng theo ông Hùng, “nếu không xử lý nghiêm minh sẽ không thể lập lại trật tự quản lý nhà nước về phân bón. Tất cả công ty sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ lấy vụ Thuận Phong làm tiền lệ, rất nguy hiểm“.
Bỏ sổ hộ khẩu?
Báo Nông Nghiệp VN có bài: Sẽ vĩnh biệt cái ‘gông’… sổ hộ khẩu?  Báo NNVN dẫn nguồn tin từ Bộ Công an, cho biết, sắp tới “dữ liệu thông tin của hơn 90 triệu công dân Việt Nam sẽ được nhập vào hệ thống công nghệ thông tin gồm 1 máy chủ tại Hà Nội, 1 máy chủ tại TP Hồ Chí Minh…  Và cùng với đó, một hệ thống đường truyền tốc độ cao sẽ kết nối hai máy chủ này tới 63 tỉnh, thành phố, 713 quận, huyện và 11.000 xã, phường, thị trấn. Kể từ đó, sẽ vĩnh biệt sổ hộ khẩu“.
Bài viết có đoạn: “Quản lý công dân bằng hộ khẩu là việc làm vi hiến. Bởi tất cả các bản hiến pháp từ năm 1946 đến nay, đều ghi ‘công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước…(điều 23 Hiến pháp năm 2013)’. Nhưng không hiểu sao, cuốn sổ hộ khẩu lại ‘trói’ chặt con người vào nơi họ có hộ khẩu suốt đời. Mất sổ gạo chỉ đói, nhưng mất sổ hộ khẩu, thì còn khổ hơn nhiều. Bởi đi học, đi làm: Hộ khẩu? Lấy vợ lấy chồng: Hộ khẩu? Con mới sinh, làm giấy khai sinh: Hộ khẩu? Mua bán nhà đất, xe cộ: Hộ khẩu...”
Báo PLTP có bài: TP.HCM chính thức bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng. Chính quyền TPHCM vừa có quyết định bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức, như hủy bỏ yêu cầu phải có “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức và hủy bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” khi tuyển dụng công chức.
Bê bối ở học đường
Báo Thanh Niên có bài: Chấm dứt lợi dụng ban đại diện phụ huynh để thu tiền. Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành yêu cầu “kiểm tra và xử lý” dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Công văn cũng yêu cầu: “Ban đại diện cha mẹ HS không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Ban đại diện cha mẹ HS chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Đan/ báo LĐ.
Cũng chuyện lạm thu, báo Lao Động có bài: Trường tiểu học lạm thu, huyện “tuýt còi” yêu cầu trả lại 738 triệu đồng cho phụ huynh. Đó là trường Tiểu học xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng, đã bị UBND huyện An Lão ra văn bản, yêu cầu trường phải trả lại cho phụ huynh số tiền hơn 738 triệu đồng, vì đã thu trái quy định trong 2 năm học 2015-2016, 2016-2017.
Mời đọc thêm: Phát hiện trường tiểu học lạm thu hơn 700 triệu đồng (TT). – Hà Nội: Xử lý nghiêm lạm thu tiền trường (KTĐT). – Xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục (MT&CS). – Hà Tĩnh: Nhiều khoản thu “xã hội hóa” không ghi trong biên bản họp phụ huynh (VNN). – Bộ GDĐT yêu cầu chấm dứt lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu (LĐ). – Khi thức ăn bẩn, loạn thu ở trường: Ban phụ huynh ở đâu? (TP). – Lạm thu, làm sách, dạy thêm, thu thêm lên diễn đàn Quốc hội (GDVN). – Chuyện lạ ở Quảng Ninh: Phụ huynh nộp học phí muộn sẽ bị phạt  —  Phòng Giáo dục lên tiếng về chuyện phụ huynh bị phạt khi nộp học phí muộn (giadinh.net).
Bộ trưởng “ngáo đá”
Báo VnExpress có bài: Bộ trưởng Nông nghiệp: ‘Việt Nam có thể xuất khẩu tôm cho cả thế giới’. Phát biểu trước QH về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN và PTNT cho biết: “biến đối khí hậu mang đến nhiều thách thức, tuy nhiên trong khó khăn cũng có thể xoay chuyển bằng cách hướng vào những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh. Ông đơn cử, đồng bằng sông Cửu Long trước đây tập trung sản xuất theo thứ tự là lúa gạo – thuỷ sản – trái cây, thì nay chuyển đổi sang thuỷ sản – trái cây – lúa gạo“.
Chưa biết có làm được gì không, nhưng ông cho rằng: “Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tăng 5-7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn“. Đừng nên thắc mắc tại sao ngành Nông nghiệp vẫn mãi lạc hâu.
Vụ trưởng công an xã “tung cước”
Báo Tuổi Trẻ có bài: Khiển trách trưởng công an đá thúng rau, thau cá của dân. Như vậy là sau màn tung cước đá bay thúng rau và thau cá của bà con ở chợ, lãnh đạo huyện Krông Ana, Đắk Lắk đã đưa ra hình thức kỷ luật “khiển trách” đối với ông Lê Tấn Thịnh, trưởng Công an xã Quảng Điền.
Ông Lê Đức Thành, trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Krông Ana, Đắk Lắk cho biết lý do: “Trước đó ông Thịnh cũng thừa nhận hành vi của mình là phản cảm, đã xin lỗi và bồi thường người dân. Từ những tình tiết như vậy nên hội đồng kỷ luật thống nhất mức kỷ luật khiển trách”.
Ngày chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa
Nhân ngày đảo chánh Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam là Ngô Đình Diệm, BBC có bài: Tháng 11/1963: dòng họ Ngô Đình và Kennedy. Theo sử gia Richard Reeves viết trong cuốn sách President Kennedy, xuất bản năm 1993, cho biết, “tân đại sứ Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge biết về âm mưu giết ông Diệm và ông Nhu của phe đảo chánh và phía Mỹ đã chần chừ không muốn cho hai ông đi ra nước ngoài, vì khi được yêu cầu một tướng Mỹ nói phải mất 24 tiếng đồng hồ mới có máy bay, trong khi căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Philippines chỉ cách Sài Gòn chừng 3 giờ bay”.

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Nga, Ukraine hối thúc Mỹ điều tra liên hệ Manafort- Yanukovych. Ông Shymkov, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine dưới quyền Tổng thống Poroshenko cho biết: “Điều tra các hoạt động kinh doanh ở Ukraine của ông Manafort có thể phơi bày mức độ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái nó sâu rộng tới đâu. Nhưng ngay cả bây giờ, thì rõ ràng Moscow đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và các cơ sở truyền thông tiếng Anh của họ để ảnh hưởng cử tri Mỹ theo một cách có lợi cho ông Trump”.
Để tìm hiểu vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, các nhà lập pháp chất vấn các công ty công nghệ về can thiệp bầu cử. VOA đưa tin: Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Ba cho biết, họ muốn làm việc với Thung lũng Silicon để tìm ra các câu trả lời liên quan đến chuyện can thiệp bầu cử khi họ bắt đầu hai ngày điều trần của Quốc hội về cách thức mà Nga bị cho là đã thao túng các mạng truyền thông xã hội nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016”.
Về vụ tấn công khủng bố ở Mỹ hôm qua, BBC trưng ra hình ảnh vụ tấn công New York. Sở cảnh sát New York nói, một chiếc xe tải trắng đã lao vào người đi đường ở Lower Manhattan chiều hôm thứ Ba, làm 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương nặng. Cảnh sát đã bắt được thủ phạm Sayfullo Saipov, 29 tuổi, người nhập cư gốc Uzbekistan, đến Mỹ từ năm 2010.

Hình ảnh chiếc xe tải tấn công ở New York hôm qua. Ảnh: Reuters
VOA có bài: Nhà chức trách thẩm vấn nghi phạm vụ tấn công khủng bố New York. Nhà chức trách New York cho biết, nghi phạm Sayfullo Saipov có liên kết với các tài khoản mạng xã hội có chứa những tài liệu liên quan đến Nhà nước Hồi giáo. Tin tức cho biết “một ghi chú đã được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công, trong đó anh ta tuyên thệ trung thành với nhóm thánh chiến này”. 
Tình hình châu Á
VOA dẫn nguồn từ Reuters: Mỹ tiếp xúc ngoại giao bí mật với Triều Tiên. Hôm 1/11, Reuters cho biết, “họ có thông tin từ một quan chức không nêu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay ông Joseph Yun, đặc sứ Hoa Kỳ về Triều Tiên, đã và đang đối thoại với các nhà ngoại giao của Triều Tiên thuộc phái bộ của họ ở Liên Hiệp Quốc”.
VOA có bài viết về sứ mạng quan trọng nhất của Tổng thống Trump, trong chuyến công du Châu Á: Căng thẳng bán đảo Triều Tiên và chuyến Á du của TT Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, cho biết: “Mục đích của chúng tôi không phải là chiến tranh, mà là tình trạng phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể được kiểm chứng, và không thể lật ngược, của bán đảo Triều Tiên”.
VOA đưa tin: Shinzo Abe tái đắc cử thủ tướng Nhật. Chiến thắng này sẽ là động lực to lớn cho việc ông Abe “sửa đổi hiến pháp chủ hòa thời hậu chiến của Nhật Bản giới hạn quân đội nước này chỉ được hành động tự vệ”.
TPP sắp hoàn tất: Đàm phán TPP không có Mỹ gần hoàn tất trước APEC. VOA cho biết, các nhà đàm phán của 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tập trung trong 3 ngày ở Urayasu, phía đông thủ đô Nhật Bản, để đi đến thỏa thuận tháo gỡ những trở ngại từ hiệp định gồm 12 nước ban đầu. Dự kiến hiệp định sẽ chốt lại chung cuộc tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tuần tới tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản nói: “Tác động kinh tế chắc chắn không nhỏ, nhưng thông điệp thậm chí còn lớn hơn là hiệp định này có thể ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu và mang lại hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. RFI: Nhật Bản hy vọng cứu được TPP trước hội nghị APEC.
BBC đưa tin về vụ Nghi phạm Nhật ‘giết chín người trong hai tháng’. Theo truyền thông Nhật Bản, Takahiro Shiraishi, nghi phạm vụ giết người ở Zama, gần Tokyo, thú nhận giết 9 người trong 2 tháng. “Cảnh sát tìm thấy hai cái đầu và phần thân của bảy người khác tại nhà Takahiro Shiraishi hôm 31/10”.
Đuốc Olympic đã tới: Hàn Quốc đón đuốc Olympic mùa đông 2018. VOA đưa tin, máy bay mang ngọn lửa Olympic có tính biểu tượng đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Incheon vào sáng sớm ngày 1/11. “Ngọn đuốc sẽ bắt đầu được rước chuyền tay nhau qua 2.018 km trong 100 ngày tới Pyeongchang, vừa đúng thời gian cho lễ khai mạc vào ngày 9/2/2018”.
Trung Quốc
BBC có bài: Những khó khăn trong vụ Mỹ điều tra thương mại TQ. BBC cho biết, chỉ có 6 công ty tỏ ra sẵn sàng khiếu nại, theo hồ sơ ghi nhận các nội dung góp ý được công bố. Giới phân tích nói rằng các hãng do dự trong việc phải đặt mình vào tình thế rủi ro, dễ dẫn đến việc mất quyền tiếp cận vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới khi lên tiếng”.
VOA đưa tin: Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ về biến đổi khí hậu. Đặc sứ Trung Quốc phụ trách biến đổi khí hậu, Xie Zhenhua, cho biết, “Trung Quốc sẵn lòng tăng cường hợp tác với Mỹ trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu sau khi Hoa Kỳ cho biết sẽ lưu lại với các cuộc đàm phán dù đã rút chân ra khỏi hiệp ước [Paris]”. Hiện nay, Trung Quốc là nước sử dụng than đá lớn nhất thế giới và cũng là nước thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới.
Châu Âu và Trung Đông
RFI có bài nhận định: Chuyên gia Pháp: « Cách Mạng tháng Mười » chỉ là cuộc đảo chính bôn-sê-vích. Tác giả cho biết: Tháng 10/1918, nhân kỷ niệm một năm sự kiện, tờ Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của phe bôn-sê-vích cũng nói rõ rằng đây là một cuộc đảo chính. Mãi đến tháng 10/1920, tức là ba năm sau đó, chính quyền mới biến sự kiện này thành một hành động cách mạng, thông qua việc dàn dựng công phu với âm thanh và ánh sáng, diễn tả một đám đông Hồng quân tấn công vào Cung điện Mùa Đông, biểu tượng cho nhân dân đứng lên cầm vũ khí”.
Về phong trào đòi độc lập của vùng Catalunya: Carles Puigdemont bị tư pháp Tây Ban Nha triệu mời. RFI đưa tin, “ông Carles Puigdemont có thể bị truy tố về tội ‘phản loạn’ sau tuyên bố ‘Catalunya độc lập’ ngày 27/10 vừa qua”.
VOA đưa tin: Iran: Phi đạn đủ tầm trúng mục tiêu Mỹ. Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách áp đặt các biện pháp chế tài mới, chống lại chương trình hạt nhân của Iran, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari, người đứng đầu lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, khẳng định: “Phi đạn của chúng tôi có tầm bắn 2 ngàn cây số và có thể được tăng cường, nhưng chúng tôi tin là tầm hoạt động này là đủ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vì đa số lực lượng Mỹ và hầu hết các lợi ích của họ trong khu vực đều nằm trong tầm bắn này”.
VOA đưa tin: Putin đến Iran bàn về Syria, thỏa thuận hạt nhân Dẫn nguồn từ Reuters, một quan chức Iran cho biết: “Đây là một chuyến thăm rất quan trọng của ông Putin … Nó cho thấy quyết tâm của Tehran và Moscow nhằm tăng cường liên minh chiến lược … sẽ định hình tương lai của Trung Đông”. Một quan chức khác của Iran cho rằng, “chính sách về Iran của ông Trump đã làm cho ban lãnh đạo vốn bị chia rẽ theo phe phái của Iran trở nên đoàn kết trong việc liên minh với Nga”.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.