Văn hóa ứng xử nơi công cộng - Chuyện xưa nhưng không cũ
Thứ hai, 23/10/2017 01:23
(AGO) - Vứt, xả rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, hút thuốc lá nơi công cộng, không xếp hàng, chen lấn chỗ đông người... những hành vi thiếu văn hóa đó không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà đang dần trở thành thói quen khó sửa của không ít người. Văn hóa ứng xử nơi công cộng đang là một vấn đề lớn đặt ra trong cuộc sống hiện nay.
Sau mỗi lần có chương trình biểu diễn văn nghệ, không khó bắt gặp hình ảnh công nhân vệ sinh hì hục quét dọn, hốt những bọc ny-lon, ly nhựa, hộp thức ăn nhanh… xung quanh và trước sân khấu. Có lần đi xem phim, trong khi cả rạp đang tập trung theo dõi bộ phim, bỗng tiếng chuông điện thoại như còi báo động làm mọi người hoảng hốt. Dù được nhân viên phòng chiếu nhắc nhở để chế độ rung nhưng lát sau tiếng chuông đó vẫn inh ỏi vang lên. Khi bộ phim kết thúc, nhiều người bước ra vẫn ngoái lại nhìn bạn thanh niên với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Bọc, ly nhựa… đầy mặt đường sau chương trình biểu diễn văn nghệ.
“Có người bỏ ra ngoài khi người khác đang phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị tuyên truyền. Tại các chương trình văn nghệ, trong khi các nghệ sĩ đang biểu diễn thì có người la ó, thậm chí chê bai, đứng dậy ra về chỉ vì không thích… Hành động này không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác mà còn cho thấy họ quá coi trọng cái tôi cá nhân và văn hóa ứng xử thấp”- anh N.V.T. công tác trong ngành Văn hóa nhận định.
Những ngày qua, do mưa nhiều cộng với triều cường dâng cao nên không ít con đường trên địa bàn TP. Long Xuyên bị ngập. Thay vì chạy xe với tốc độ vừa phải để tránh nước văng tung tóe, làm ướt mình những người cùng tham gia giao thông, không ít người lại chạy vào chỗ nước sâu nẹt ga, phóng nhanh mặc cho nước bắn vào mặt, văng vào người khác. “Chạy đi đâu mà chạy dữ vậy? Lũi vô chỗ nước sâu mà chạy văng nước ướt mình người ta. Chẳng có văn hóa chút nào” - một chị chạy phía sau nói với theo 2 thanh niên chạy chiếc xe gắn máy vừa qua mặt. “Đường này của bà hả? Tui thích thì tui chạy” - thanh niên điều khiển xe quay sang trả lời. Mặc cho thái độ bực bội của những người xung quanh, 2 thanh niên tiếp tục nẹt ga, chạy xe mất hút.
Nhiều lần chứng kiến những cuộc cãi vã khi có tín hiệu đèn giao thông, với cùng 1 nguyên nhân. Đó là, đèn đỏ xe 2 bánh được rẽ phải nhưng nhiều người không quẹo phải lại đứng chờ đèn đỏ bên phần đường dành cho người quẹo phải. Thế là, xe phía sau bóp kèn liên tục, người thì chạy lên lề, chỉ tay vào những người đậu xe phía trên: “Mua bằng hả?”, “biết luật không?”, “không biết đọc chữ hả?”… Hoặc nếu không may xảy ra va quẹt khi tham gia giao thông, không bên nào chịu nhường bên nào, các chủ phương tiện lao vào cãi vã, chửi rủa, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Khi được can ngăn, họ còn quay sang cự, đánh luôn cả người can.
Xả rác bừa bãi - “Căn bệnh mãn tính” trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Nói về tình trạng này, chị Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, ứng xử thiếu văn hóa không chỉ diễn ra trên đường mà ngay cả trong siêu thị, những nơi công cộng. Lịch sự, văn minh trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt, nơi công sở… đang dần trở nên “xa lạ” với không ít người. Có những nơi treo bảng “cấm hút thuốc” nhưng vẫn có nhiều người “hồn nhiên” phì phà nhả khói, bất chấp thái độ khó chịu của những người xung quanh. Hoặc những bạn trẻ chen lấn, xô đẩy nơi đông người, rồi “quên” xếp hàng khi tính tiền ở siêu thị… Có thể nói, những hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa đó đã trở thành “bệnh mãn tính” trong xã hội.
Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng là một kỹ năng quan trọng. Do đó, để thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, mỗi cá nhân cần có ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm. Khi 3 yếu tố này không được xem trọng, thì rất cần pháp luật can thiệp vì các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức, xử phạt các vi phạm để góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng.
Bài, ảnh: MINH THƯ
0 nhận xét