Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

‘Tứ trụ’ CSVN cam kết ‘hợp tác toàn diện’ với Trung Quốc

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017 15:47 // , ,

02/10/2017
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bốn lãnh đạo chóp bu của CSVN thường được gọi là “tứ trụ triều đình” tại Việt Nam vừa gửi điện văn cam kết “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc như dấu hiệu không muốn tiếp tục căng thẳng với Bắc Kinh.
Du khách Trung Quốc tràn ngập một số thành phố ven biển của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Trong hình, du khách Trung Quốc tại mọt show trình diễn “The Mermaid Show” tại khi công viên nước Vinpearl Land Amusement Park, Nha Trang, ngày 8 Tháng Chín, 2017. (Hình: Getty Images)
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hôm 30 Tháng Chín loan tin ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân của Việt Nam vừa gửi “điện mừng” tới ông tổng Bí Thư, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Thủ Tướng Lý Khắc Cường, và ông Uy Viên Trưởng Ủy Ban Thường vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc Trương Đức Giang nhân dịp kỷ niệm lần thứ 68 quốc khánh Trung Quốc,
“Các nhà lãnh đạo khẳng định đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thực chất, đưa quan hệ hai đảng, hai nước không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh…”
TTXVN thuật nội dung của các bước “điện mừng” của “tứ trụ” CSVN “bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công nhà nước hiện đại, xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa.”
Bức điện văn được gửi đi sau khi hai bên vừa kết thúc cuộc đàm phán vòng thứ 8 của “Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc” họp ba ngày từ 25 đến 27 Tháng Chín, 2017, không đạt được tiến bộ nào cụ thể. Báo chí nhà nước CSVN chỉ loan tin mơ hồ là “Hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn về việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng trên biển, giữ kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp.”
Một tuần lễ trước, tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đã cầm đầu một phái đoàn đến “giao lưu quốc phòng biên giới” tại Lai Châu và Vân Nam nhằm chứng tỏ Bắc Kinh cũng muốn xuống thang, tránh làm căng thêm nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Bản tin của Bộ Quốc Phòng CSVN viết hôm 23 Tháng Chín ca ngợi cuộc giao lưu quốc phòng biện giới là “lãnh đạo Bộ Quốc Phòng hai nước thống nhất tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ quốc phòng thông qua nhiều cơ chế hợp tác.”
Trước đó ba tháng, Tướng Phạm Trường Long đã đùng đùng bỏ về nước sau khi đã gặp mặt các lãnh tụ Hà Nội thay vì tới Lai Châu và Vân Nam để “giao lưu.” Bộ Ngoại Giao Hà Nội giải thích lý do ông Phạm Trường Long đột ngột bỏ về nước vì “lịch làm việc” thay đổi. Nhưng truyền thông quốc tế tiết lộ ông ta buộc Hà Nội ngừng lập tức hoạt động thăm dò dầu khí đang diễn ra tại lô 136-3 Đông Nam Vũng Tàu khoảng 200 hải lý. Tuy lô này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại vướng cái vạch chủ quyền “Lưỡi Bò” ngang ngược của Trung Quốc.
Tin tức tiết lộ Hà Nội đã vội vã cho ngừng khoan tìm tại lô 136-3 khi Bắc Kinh dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Trường Sa. Biến cố đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em với “16 chữ vàng” và “4 tốt” chùng xuống thấp hẳn. Hơn một tháng trước đó, ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đến Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình và ra một bản thông cáo chung “không ngừng làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc.”
Ngay sau khi ông Phạm Trường Long bỏ về nước, bỏ “giao lưu,” ngày 29 Tháng Sáu, TTXVN loan tin Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương của đảng CSVN Phạm Minh Chính khẳng định với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội là “đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc.”
Những dấu hiệu kể trên cho thấy Hà Nội vẫn cần đến Bắc Kinh như một chỗ dựa để tồn tại trong khi vẫn níu lấy Mỹ như một thứ lực đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông và thị trường xuất cảng để nuôi chế độ. (TN)
(Người Việt)

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.