Tại sao Kim Jong Nam phải chết?
LS Nguyễn Văn Thân
21-10-2017
Phiên tòa xét xử vụ Kim Jong Nam đã bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 và dự kiến là sẽ kéo dài tới ngày 30 tháng 11. Công tố viên sẽ đưa gần 40 nhân chứng và hơn một chục nhân chứng chuyên gia trình diện và khai báo trước tòa. Hai bị cáo là Siti Aisyah (25 tuổi người Nam Dương) và Đoàn Thị Hương (29 tuổi người Việt Nam) không nhận tội sát nhân nhưng nếu bị buộc tội thì phải lãnh án tử hình.
Vào ngày 13 tháng 2 năm nay, Kim Jong Nam xuất hiện tại phi trường Kular Lumpur với vé máy bay về Macau. Trong lúc đang chuẩn bị tự check in, Siti Aisyah tiến tới từ phía sau và dụi tay lên mặt Jong Nam. Jong Nam giật mình hỏi “Cô là ai?”. Lập tức, Đoàn Thị Hương xấn tới và bôi tay lên má của Jong Nam. Cả hai nhanh chóng bỏ đi theo hai hướng ngược chiều và biến mất trong đám đông.
Jong Nam lảo đảo tới bàn thông tin và ra dấu cho nhân viên là ông bị đau mắt. Sau đó cảnh sát phi trường dẫn ông đi vào phòng y tế. Tất cả mọi người bước đi thong thả. Nhưng trong chốc lát thì Jong Nam ngã quỵ trong chiếc ghế trong phòng và chết trong lúc nằm trong xe cứu thương trên đường đến bệnh viện. Theo cảnh sát cho biết thì mọi việc xảy ra chớp nhoáng trong khoảng 20 phút. Kim thọ 45 tuổi.
Tất cả những cảnh này được máy quay phim gắn tại phi trường thu lại. Giấy thông hành để tên là Kim Chol công dân Bắc Hàn. Nếu cảnh sát báo tin cho Tòa Đại sứ Bắc Hàn thì có lẽ thế giới cũng không biết là Kim Jong Nam đã bị ám sát. Nhưng cảnh sát Mã Lai lầm tưởng Kim Jong Nam là một người Nam Hàn bị chết vì nhồi máu cơ tim và họ đã thông báo cho tòa lãnh sự Nam Hàn tại Kuala Lumpur. Qua ngày hôm sau thì tin Kim Jong Nam bị ám sát được loan khắp cả thế giới. Sau khi xem lại máy quay phim, cảnh sát Mã Lai kết luận đây là một cuộc ám sát dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của 4 điệp viên Bắc Hàn đã lên máy bay rời Mã Lai trong ngày hôm đó. Chỉ trong vài ngày sau, cảnh sát đã tìm và bắt giữ hai cô gái Siti và Hương. Sau khi thẩm vấn, công tố quyết định truy tố họ tội sát nhân bằng cách quẹt chất kịch độc VX lên mặt nạn nhân. Ngoài ra, cảnh sát cũng thẩm vấn 3 nhân viên sứ quán khác của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng phản đối và trả đũa bằng cách câu lưu 9 nhân viên sứ quán của Mã Lai tại Bắc Hàn. Vào cuối tháng 3, Mã Lai đồng ý thả nghi phạm và trả xác Kim Jong Nam cho Bắc Hàn. Đổi lại, Bình Nhưỡng cho phép 9 nhân viên sứ quán Mã Lai và gia đình trở về nước.
Kim Jong Nam sinh năm 1971 tại Bình Nhưỡng là con trai trưởng của Kim Chánh Nhật. Mẹ của Jong Nam là một tình nhân không được chế độ công nhận. Ngày sinh của Kim Jong Nam cũng như ngày chết không được truyền thông Bắc Hàn nhắc tới. Nhưng Jong Nam được bố yêu thương hết mức. Nhân viên ngoại giao Bắc Hàn nhận lệnh mang về những loại đồ chơi mắc tiền nhất cho Jong Nam gồm có đồng hồ kim cương và súng nạm vàng. Tiệc sinh nhật của Jong Nam tốn hơn triệu đô Mỹ kim trong khi GDP mỗi đầu người của Bắc Hàn chưa tới 500 đô.
Lúc đầu, Kim Chánh Nhật có ý định truyền ngôi cho thái tử Jong Nam. Nhưng các hoàng tử khác lần lượt ra đời. Chánh Nhật có ít nhất thêm 4 đứa con nữa trong hai thập niên: một đứa con gái với vợ chính, hai đứa con trai và một đứa gái với một phi tần khác. Hai hoàng tử là Kim Chon-Chul sinh năm 1981 và Kim Jong-Un (Kim Chánh Vân) ra đời năm 1984. Lúc đó, Jong Nam đang đi học tại Geneva. Từ nhỏ, Jong-Chul biểu hiện tính tình mềm mại, yếu đuối như một đứa con gái nên không được cân nhắc cho nối ngôi. Trong khi đó, Chánh Vân đã được mặc quân phục và học cách chỉ huy và ra lệnh cho các tướng lãnh. Vào năm 2003, một đầu bếp người Nhật của Kim Chánh Vân mang bút hiệu Kenji Jujimoto xuất bản hồi ký kể lại rằng lần đâu ông gặp Chánh Vân là một cậu bé 7 tuổi trong bộ quân phục như một vị đại tướng tý hon. “Đại tướng” bắt tay và gườm ông như thể muốn nói “mày là một thằng Nhật đáng khinh bỉ”.
Như Jong Nam, Chánh Vân cũng ghi danh học (dưới một tên giả) tại một trường tư ở Thụy Sĩ, nơi mà tính bảo mật được áp dụng triệt để. Chánh Vân rất thích chơi bóng rổ. Hàng ngày, nhân viên đại sứ lái xe đưa đi học. Bạn bè tưởng rằng cậu học trò là con của tài xế chớ không ngờ đó là một hoàng tử đỏ. Vào thời điểm này, ai cũng nghĩ rằng thái tử Jong Nam sẽ được truyền ngôi. Nhưng Jong Nam thích chơi bời hơn làm chính trị. Mới tới tuổi dậy thì là đã biết nhậu nhẹt, gái gú. Một sự kiện xảy ra vào năm 2011 là giọt nước tràn ly. Jong Nam cùng với vợ bé và con sử dụng giấy thông hành giả đến Nhật và bị bắt. Jong Nam giải thích rằng ông muốn dẫn vợ con đi chơi ở Tokyo Disneyland. Nhật Bản quyết định trục xuất cả gia đình Jong Nam về Trung Quốc làm Kim Chánh Nhật nổi điên và phải hủy cả chuyến công du Trung Quốc đã lên kế hoạch từ trước. Jong Nam bị truất phế rồi cùng với người vợ lẽ cùng con cái dời sang sinh sống ở Macau. Tại đây, Jong Nam trở thành khách quen của các sòng bài và lầu xanh thượng hạng.
Kim Chánh Nhật bị tai biến mạch máu não vào tháng 8 năm 2008. Kim Chánh Vân được phong làm tướng vào năm 2010 để chuẩn bị nối ngôi. Khi Chánh Nhật qua đời vào tháng 12 năm 2011 thì Chánh Vân chỉ mới 27 tuổi, nhưng còn khát máu hơn cả hơn cả bố và ông nội. Chỉ trong hai năm sau khi lên ngôi thì Chánh Vân đã hành quyết hơn 140 quan chức cấp cao bị tình nghi không trung thành tuyệt đối với hoàng đế trẻ. Các quan chức khác bị buộc phải tham dự các cuộc hành quyết này để biết sợ hãi.
Theo Tạp Chí Nikkei Asian Review của Nhật, người dượng của Chánh Vân là Jang Song Thaek sang Bắc Kinh gặp Hồ Cẩm Đào vào tháng 8 năm 2012 và đề nghị phương án lật đổ Kim Chánh Vân và đưa anh trai Kim Jong Nam lên thay thế. Lúc đó Hồ chưa có câu trả lời dứt khoát vì đang phải đương đầu với vụ con trai của thư ký riêng Lệnh Kế Hoạch tử nạn xe hơi trong lúc lái chiếc Ferrari đắt tiền trên đường phố Bắc Kinh. Kế hoạch của Jang lọt tới tai Chu Vĩnh Khang lúc đó là trùm mật vụ. Chu báo lại cho Kim vì hai bên có quan hệ làm ăn với nhau. Vào ngày 11/6/2015, Chu nhận án tù chung thân vì tội hối lộ, lạm dụng quyền hành và tiết lộ bí mật nhà nước. Còn Jang bị Kim hành quyết vào tháng 12 năm 2013. Nhưng Kim vẫn luôn bị ám ảnh là sẽ bị người anh cùng cha khác mẹ soán ngôi nên ra lệnh hạ độc thủ luôn cả Kim Jong Nam để trừ hậu họa.
Như những chế độ độc tài khác, Bắc Hàn được xây dựng từ truyền thuyết là họ Kim xứng đáng được trị vì vì mang dòng máu Bạch Đầu. Bạch Đầu (Mount Baekdu) là ngọn núi lửa cao nhất nằm trên biên giới Trung Quốc và Bắc Hàn trong khu vực Mãn Châu. Huyền sử khai quốc bắt đầu từ đây và người Hàn Quốc (cả Nam và Bắc) xem nơi đây là một ngọn núi linh thiêng. Kim Nhật Thành đã tận dụng địa thế hiểm trở tại đây để tổ chức kháng chiến chống thực dân Nhật. Tuy Kim Chánh Nhật sinh ra ở Liên Xô nhưng Bắc Hàn luôn tuyên truyền rằng ông sinh ra ở núi Bạch Đầu để duy trì tính chính danh của triều đại nhà Kim. Chỉ có dòng màu Bạch Đầu mới có thể nối ngôi. Cái chết của Kim Jong Nam có nghĩa là bớt đi một người có thể cạnh tranh ngai vàng với Kim Chánh Vân.
Khi bước vào phi trường Kuala Lumpur thì Kim Jong Nam chỉ đeo theo một túi sách nhỏ nhưng trong đó có 120,000 Mỹ kim tiền mặt. Có người suy đoán là Jong Nam đã bán một số tin tức cho CIA của Mỹ. Từ khi Chánh Vân lên thì Jong Nam không còn nhận chu cấp. Con trai của Jong Nam là Kim Han Sol sinh tại Bình Nhưỡng vào năm 1995 nhưng lớn lên như một thường dân và ghi danh học tại trường học địa phương ở Macau. Vào năm 2012, Han Sol tham gia một cuộc phỏng vấn với Elisabeth Rehn đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bosnia nơi mà Hansol theo học và gọi Kim Chánh Vân là một nhà độc tài và bảy tỏ ước vọng là sau này sẽ theo đuổi các dự án từ thiện và xây dựng hòa bình trên thế giới, nhất là trên bán đảo Triều Tiên. Vào đầu tháng 3, Han Sol xuất hiện trên youtube xác nhận là bố đã bị ám sát và Hansol cùng mẹ và em gái đang ở một nơi an toàn.
Người sau cùng mang dòng máu Bạch Đầu là Kim Jong Chul, anh ruột của Kim Chánh Vân. Vào năm 2015, Kim Chon-Chul bị phát hiện là đi xem chương trình văn nghệ của Eric Clapton tại Luân Đôn vào năm 2015. Trước đó, Jong Chun cũng đã sang Singapore xem Eric Clapton biểu diễn vào năm 2011 và đi theo ban nhạc của Clapton qua 4 thành phố ở Đức vào năm 2006. Không chỉ yêu thích nhạc ngoại quốc tình cảm, ủy mị, Jong Chun cũng bị nghi ngờ là một người đồng tính. Trong lịch sử Hàn Quốc, Kongmin vị vua thứ 31 của triều đại Koryo (1352 -1374) được cho là một người đồng tính. Vua Khải Định của Việt Nam cũng bị nghi ngờ là một người đồng tính.
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nếu vì bất cứ lý do gì mà Kim Chánh Vân từ trần và Kim Jong Chul lên thay thì thế giới sẽ an bình hơn. Chắc chắn sẽ không có các cuộc khủng hoảng nguy cơ chiến tranh hạt nhân hoặc đấu khẩu với Tổng Thống Trump. Mặt khác, giấc mơ thống nhất Nam Bắc Hàn cũng có cơ hội trở thành hiện thực.
Do đó, nếu Kim Jong Chul đột nhiên biến mất trong những ngày tháng tới thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì bất cứ người nào mang dòng máu Bạch Đầu cũng là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ngai vàng của Kim Chánh Vân.
baotiengdan.com/2017/10/21/tai-sao-kim-jong-nam..
———
VÌ SAO NGƯỜI TA GIẾT KIM JONG NAM ?
HÀ TƯỜNG CÁT / NV/ BVB 25-2-2017
Ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn.
(Hình: AP Photo/Shizuo Kambayashi, File)
(Hình: AP Photo/Shizuo Kambayashi, File)
Mặc dầu trước khi nêu lên thắc mắc ấy, một câu hỏi thiết yếu khác (Ai giết Kim Jong-nam?) chưa có lời giải đáp. Nhưng với tất cả mọi dữ kiện, thông tin, và tranh cãi về vụ ám sát như mọi người đã biết cho đến nay, thì khó có thể tìm thấy kết luận nào khác hơn là “Bắc Hàn chủ mưu.”
Kết luận đơn phương chủ quan như thế là vì (1) Ðây là hành động quen thuộc xưa nay của Bắc Hàn, một chế độ bí ẩn với những chuyện lạ lùng không thể nào giải thích theo lý luận bình thường. (2) Trong tình trạng ấy, nếu nhận định rằng Kim Jong-nam không là đe dọa nguy hiểm gì cho chế độ để Bắc Hàn phải ra tay, thì lập luận này chưa đủ thuyết phục vì còn nhiều yếu tố khác.
Những hành động bí mật của Bắc Hàn trong quá khứ
Theo CNN, vụ Kim Jong-nam không phải là lần đầu Bình Nhưỡng dùng nhân viên đặc vụ vào công tác bí mật ở hải ngoại. Ðã có một số các vụ đáng chú ý như sau:
-Ngày 29 Tháng Mười Một, 1987, chiếc máy bay Boeing 707 của Korean Airlines, chuyến 858 từ Baghdad, Iraq, về Seoul, Nam Hàn, nổ tung giữa bầu trời làm 115 người thiệt mạng. Cảnh sát Bahrain điều tra biết được hai người Bắc Hàn đã đặt bom khi máy bay ghé Abu Dhabi. Hai nghi can tìm cách tự sát bằng thuốc độc cyanide, nhưng một người là phụ nữ sống sót, bị dẫn độ về Nam Hàn, và sau đó nhìn nhận tội trạng, lãnh án tử hình rồi được Tổng Thống Roh Tae-woo ân xá,
-Park Sang-hak, một người đào tị từ Bắc Hàn, vẫn dùng bong bóng bơm khinh khí từ biên giới Nam-Bắc Hàn thả truyền đơn về tố cáo chế độ. Tháng Mười Một, 2012, một điệp viên Bắc Hàn định ám sát ông Park trên đường phố Seoul bằng thuốc độc phóng ra từ một dụng cụ ngụy trang làm cây bút, nhưng bị cảnh sát Nam Hàn chặn bắt trước khi tới gần.
-Một trường hợp về hành động bí mật nhưng không giết người xảy ra năm 1978. Ðạo diễn nổi danh Shin Sang-ok và người vợ là diễn viên Nam Hàn Choi Eun-hee tại Hồng Kông bị bắt cóc đưa về Bình Nhưỡng. Sau mấy năm bị giam và “tẩy não,” lãnh đạo Bắc Hàn lúc đó là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) ép buộc họ hợp tác trợ giúp chấn chỉnh kỹ nghệ điện ảnh Bắc Hàn. Tới năm 1986, nhân dịp tham dự một đại hội điện ảnh ở Vienna, Áo, hai người đào thoát vào tòa Ðại Sứ Mỹ và sau đó trở về Nam Hàn. Bắc Hàn không bao giờ công nhận có vụ bắt cóc và nói hành động của hai người là tự nguyện.
-Bắc Hàn bí mật đưa rất nhiều gián điệp qua Nam Hàn hoạt động. Kim Dong-shik, một trong số những điệp viên bị bắt và đầu thú, năm 2015 kể lại với CNN rằng anh được gởi vào trường đại học bốn năm để huấn luyện các kỹ năng chuyên môn, bao gồm võ thuật, bơi lặn dưới nước, tác xạ và sử dụng chất nổ. Theo lời anh, các học viên gián điệp được đối xử ưu đãi như sĩ quan cấp tướng.
Từ thập niên 1970, điệp viên Bắc Hàn thực hiện ít nhất 17 vụ bắt cóc và có thể là có tới trên 100 nạn nhân, chủ yếu là dân Nam Hàn, Nhật, nhưng cũng có cả Mỹ và công dân các quốc gia khác.
Bắc Hàn cũng được dư luận quốc tế chú ý với nhiều vụ thanh trừng nội bộ bất ngờ, hết sức tàn nhẫn và đẫm máu, trong thời kỳ từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nắm quyền.
Hãng thông tấn AP ghi nhận rằng những bằng chứng cho đến nay khiến khó có thể tin rằng Bắc Hàn không phải là chủ mưu của vụ ám sát ở Malaysia. Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn dùng bài bản cũ là hoàn toàn bác bỏ, phủ nhận và chuyển mũi tấn công về hướng khác. Chiến thuật ấy có tác dụng ở quốc nội đối với dân chúng luôn luôn sống trong sợ hãi và nhà nước nắm hết mọi phương tiện thông tin, nhưng ít có hiệu lực ở nước ngoài, một phần do những thành tích bất hảo trong quá khứ của chế độ này.
Kim Jong-nam có thể là lá bài của những thế lực nào?
Kim Jong-nam được coi như không có tham vọng chính trị thể hiện qua việc đã thiếu nỗ lực cần thiết để trở thành người kế nghiệp tự nhiên với tính cách là con trai lớn nhất của Kim Jong-il. Tư tưởng và một số hành động theo bản năng không hợp với nền nếp của chế độ đưa Kim Jong-nam tới chỗ trở thành kẻ lưu vong trong khi người em là Kim Jong-un chưa tới 30 tuổi tiến vào con đường nắm quyền lực.
Có một điểm đáng thắc mắc là Kim Jomg-nam lấy tiền ở đâu để sống suốt hơn 12 năm lưu lạc ở nước ngoài từ Trung Quốc tới Âu Châu, và phần lớn ở Ma Cau, với lối sống buông thả tiêu xài phung phí qua các khách sạn sang trọng và sòng bài. Có những thông tin không thể kiểm chứng được nói rằng Kim Jong-nam được Trung Quốc che chở bảo vệ. Nhưng tầm mức hỗ trợ ấy thế nào, có bao gồm tiền bạc chu cấp hay không? Chưa ai biết.
Không có dữ kiện chính thức hay dấu hiệu cụ thể nào để biết vì thật ra trong nhiều năm ít ai chú ý đến Kim Jong-nam. Một vài cơ quan truyền thông Nhật trước đây có cho biết Kim Jong-nam thỉnh thoảng tỏ bày ý kiến bất đồng với chế độ lãnh đạo cha truyền con nối ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, khoảng ba năm gần đây, sau một chuyện được mô tả là âm mưu ám sát ở Ma Cau, Kim Jong-nam dè dặt hơn và hầu như không khi nào đề cập đến vấn đề chính trị.
Tuy vậy, những dữ kiện chứng tỏ Kim Jong-nam không có tham vọng quyền lực, và không có liên lạc nào với các tổ chức lưu vong hay thành phần đối lập, chỉ xác định được thái độ của cá nhân. Ðiều ấy không loại trừ khả năng Kim Jong-nam vẫn được coi là có một giá trị nhất định dưới nhãn quan của một số các giới hay thế lực khác. Nếu các phe phái nội bộ trong đảng cầm quyền ở Bắc Hàn muốn thay đổi lãnh đạo (Kim Jong-un) chứ không thay đổi chế độ, thì Kim Jong-nam là lá bài tốt nhất để đưa vào vị trí ấy. Phải chăng mưu tính của những thành phần này, dù Kim Jong-nam không đích thân hưởng ứng hay tham gia, đã làm hại Kim Jong-nam vì khiến cho Kim Jong-un hay phe cánh trung thành với nhà lãnh đạo trẻ phải tìm cách thanh toán để trừ hậu họa.
Một giả thuyết khác được nhiều quan sát viên chú ý là vai trò của Trung Quốc. Người ta cho rằng Kim Jong-nam cũng là một lá bài dự trữ của Trung Quốc để thay thế Kim Jong-un khi cần tới. Dù không hoàn toàn đồng ý với Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc có nhiều lý do để phải duy trì chế độ Bắc Hàn, đồng minh duy nhất của mình ở vùng Ðông-Bắc Châu Á. Nếu Bắc Hàn hiểu rằng Kim Jong-nam là lá bài Trung Quốc thì sự lo ngại của họ rất lớn, và thời điểm Kim Jong-nam bị sát hại có lẽ liên quan đến điều ấy. Những vi phạm của Bắc Hàn về thử nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo tầm trung càng lúc càng đẩy Trung Quốc vào thế khó xử vì sự nhắm mắt làm ngơ mãi mãi sẽ phương hại đến vai trò quốc tế của cường quốc nhất nhì thế giới.
Vậy thì có thể, một mặt Bắc Hàn cương quyết tiếp tục chương trình phát triển vũ khí, vì rút kinh nghiệm của Saddam Hussein và Muammar Gadaffi, hai nhà lãnh đạo độc tài này đều bị lật đổ sau khi Iraq và Libya chính thức loan báo chấm dứt kế hoạch nguyên tử. Mặt khác Bắc Hàn nhận thấy thanh toán Kim Jong-nam là việc cấp thiết bây giờ, không nên để kéo dài mối lo ngại quá lâu như từ nhiều năm.
Có một số tin tức khá bất ngờ do truyền thông đăng tải đáng được chú ý. Tạp chí Time cho biết ngay sau vụ Kim Jong-nam, Trung Quốc loan báo tạm ngưng nhập cảng than đá của Bắc Hàn với lý do phản đối vụ thử nghiệm hỏa tiễn từ hơn một tuần trước. Bắc Hàn là nhà cung cấp than lớn thứ tư của Trung Quốc, 22.5 triệu tấn năm ngoái.
Hôm Thứ Năm, hãng thông tấn trung ương KCNA của Bắc Hàn, trong bài bình luận không trực tiếp nhắc tới tên Trung Quốc, viết: “Một quốc gia thường tự xưng là láng giềng thân thiện đang đe dọa rằng Bắc Hàn sẽ phải hứng chịu những thiệt hại lớn. Nước lớn này đang đứng về phía kẻ thù (ám chỉ Mỹ) để ‘làm suy thoái hệ thống xã hội’ của chúng ta.”
Còn nhiều nghi vấn quanh vụ ám sát Kim Jong-nam
Cho đến nay, Malaysia đã bắt giữ hai người đàn ông, một Malaysia, một Bắc Hàn, để điều tra. Hai nữ nghi can trước đó đã khai rằng họ bị bốn người đàn ông đánh lừa vào một chuyện chơi khăm để quay phim, và trả $100. Nhưng chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar hôm Thứ Tư bác bỏ cách giải thích này. Ông nói với các phóng viên rằng hai phụ nữ này, ngay sau khi hành động, đã đi vào phòng vệ sinh, có nghĩa là họ rất hiểu việc vừa làm và cần phải rửa tay.
Do đó Malaysia vẫn chưa cho phép Indonesia tiếp xúc với nghi can Siti Aisyah và Việt Nam tiếp xúc với nghi can Ðoàn Thị Hương. Ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ Ngoại Trưởng Anifah Aman của Malaysia và Ngoại Trưởng Retno Marsudi của Indonesia bên lề Hội Nghị Bộ Trưởng ASEAN ở Boracay, Philippines, đã yêu cầu Malaysia sớm cho phía Việt Nam gặp nghi can mang hộ chiếu tên Ðoàn Thị Hương.
Hôm Thứ Năm, cảnh sát Malaysia loan báo: “Qua phân tích sơ bộ, Trung Tâm Vũ Khí Hóa Học xác định chất độc hóa học được sử dụng là VX.”
Tờ Star dẫn lời ông Abu Bakar giải thích rằng VX là một độc tố tác động đến hệ thần kinh.
Ðây là loại là chất hóa học bị Liên Hiệp Quốc xếp vào loại vũ khí giết người hàng loạt, mạnh hơn nhiều so với sarin, một độc tố thần kinh khác. VX là chất lỏng không mùi, không vị, màu giống hổ phách. Chỉ cần 10 mg là đủ để làm chết người khi tiếp xúc qua da. Liều lượng trung bình gây tử vong khi hít phải hơi, được ước tính trong khoảng 30-50 mg-min/m.
VX có thể được sử dụng dưới hình thức “hai thành phần riêng biệt” (Binary chemical weapon), khi nhập chung mới tạo phản ứng gây độc. Có lẽ vì thế mà cần tới hai nữ nghi can cùng hành động chung và hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 5 giây đồng hồ.
Thi hài Kim Jong-nam, công dân Bắc Hàn mang tên Kim Chol trong sổ thông hành, trong vụ ám sát ở phi cảng Kuala Lumpur hôm 13 Tháng Hai vẫn chưa được thân nhân xác định lý lịch. Nhà cầm quyền Bắc Hàn không nhìn nhận nạn nhân là anh của Kim Jong-un. Nhưng phó thủ tướng Malaysia, các giới chức Nam Hàn, và các cơ quan truyền thông quốc tế đều công nhận là Kim Jong-nam vẫn sử dụng thông hành với tên này từ trước đến nay khi đi du lịch qua nhiều nước.
Những chi tiết còn chưa được rõ trong vụ ám sát này chắc chắn sẽ được giải đáp đầy đủ khi Malaysia công bố kết quả điều tra trong ít ngày nữa. Tuy nhiên, cũng có một điều chắc chắn khác là Bắc Hàn sẽ phủ nhận tất cả những công bố ấy.
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
DI CHÚC CỦA CHA KHÔNG BẰNG MỘT TỜ GIẤY LỘN
TRẦN GIA HUẤN/ BVB 27-2-2017
Kim Jong Nam là anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un, đương kim lãnh tụ Bắc Hàn. Jong Nam vừa bị ám sát bởi một nhóm khoảng mười người, tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai, vào sáng 13/2/2017. Dựa vào những nguồn tin đã được kiểm chứng, tôi tóm tắt lại đôi dòng về thân nhân của Jong Nam để bạn đọc có thêm thông tin.
Mẹ – Song Hye Rim
Kim Jong Nam là con trai đầu lòng của cố Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhất và mẹ Song Hye Rim.
Bà Song Hye Rim sinh tại Nam Hàn. Cha bà là đảng viên Đảng Cộng sản Triều Tiên, nên quyết định đi “tập kết” đưa cả gia đình đến miền Bắc sinh sống.
Là diễn viên điện ảnh xinh đẹp, tài năng, và nổi tiếng, bà Song Hye Rim đã kết hôn với tiểu thuyết gia kiêm dịch giả lừng danh Yi Ki Yong. Vợ chồng bà có con gái sinh năm 1956.
Kim Chính Nhất bấy giờ là con trai duy nhất của bậc khai quốc công thần Lãnh tụ Kim Nhất Thành. Vào khoảng 1967, Chính Nhất lãnh đạo ngành văn hoá và nghệ thuật Bắc Hàn thì gặp cô đào màn bạc Hye Rim. Dục vọng và ái tình đã làm cho vị hoàng tử trẻ 25 tuổi lao vào mê lộ.
Bạn gái thân của bà Song kể lại: Hình như Chính Nhất mất mẹ sớm nên ông thích phụ nữ lớn tuổi. Hơn nữa, Song Hye Rim có nhan sắc vừa mặn mà vừa quyến rũ, thông minh, nói năng duyên dáng, nhạy cảm, và rất khôi hài.
Bà Song sinh năm 1937, đã có chồng, có con. Kim Chính Nhất sinh năm 1941, độc thân. Bà Song dáng người khá cao. Chính Nhất thấp hơn. Bất chấp, Chính Nhất ép bà phải ly dị và bí mật sống với ông như vợ chồng. Kết quả, Kim Jong Nam là bông trái của mối tình đầy sóng gió này.
Xã hội Bắc Hàn khi đó mang đậm màu sắc phong kiến, không ai có thể chấp nhận vị hoàng tử trẻ độc thân, lãnh tụ tương lai của đất nước, lại có thể kết hôn với một phụ nữ hơn tuổi, đã có chồng, có con riêng, và đến từ miền Nam thù địch. Mối tình bị khai tử. Tuy vậy, bà Song vẫn nhận được mọi ân sủng, được thăm và nuôi con.
Năm 1974, bà mắc chứng trầm cảm, đi điều trị ở Moscow, Liên Xô, rồi ở lại luôn. Mỗi lần về lại Bắc Hàn, bà đều được Kim Chính Nhất mời ăn tối, và tiếp đón chu đáo. Ông dành cho bà tình cảm đặc biệt.
Sau khi chia tay với Kim Chính Nhất lúc 37 tuổi, bà Song không thấy có mối quan hệ với người đàn ông nào nữa. Bà qua đời năm 2002, ở tuổi 65, mai táng tại Moscow.
Cha – Kim Chính Nhất
Kim Chính Nhất được cha truyền ngôi, lãnh đạo đất nước 17 năm từ 1994 cho đến khi qua đời năm 2011. Có ít nhất năm người đàn bà đã bước qua cuộc đời tình dục đầy phóng túng của ông.
Người thứ nhất – Hong Il Chon, sinh năm 1942, là bạn cùng Đại học với Chính Nhất. Hai người sống với nhau từ 1966 tới 1969 có một con gái sinh năm 1968.
Người thứ hai – Song Hye Rim, sinh năm 1937, là diễn viên điện ảnh, mẹ của Kim JongNam vừa bị ám sát.
Người thứ ba – Kim Yong Suk, sinh năm 1947, được coi là vợ chính thức của Kim Chính Nhất, bởi vì bà được cha chồng Kim Nhật Thành chọn. Lễ cưới tổ chức vào tháng 10/1973. Họ có hai con gái Kim Sul-Song sinh 1974 và Kim Chun-Song sinh 1976. Bà và Chính Nhất chia tay vào khoảng những năm đầu thập kỷ 1980s.
Người thứ tư – Kim Yong Hui, sinh năm 1953 tại Osaka, Nhật Bản. Tổ tiên của gia đình bà gốc Bắc Hàn di cư tới Nhật đã lâu, nên cha bà đã đưa gia đình trở lại cố hương vào khoảng giữa năm 1960s. Bà là diễn viên múa trẻ và rất xinh đẹp trong đoàn nghệ thuật quốc gia. Hình ảnh bà phủ kín trên các trang bìa của truyền thông Bắc Hàn thời đó. Bà lọt vào mắt hoàng tử Chính Nhất, rồi trở thành người tình từ năm 1975.
Bà sinh con trai Kim Jong Chol vào năm 1981, Kim Jong Un (đương kim Lãnh tụ Tối cao Bắc Hàn) 1983, và cô gái út 1987. Tuy không phải vợ chính thức, không có hôn thú, nhưng bà thường tháp tùng Kim Chính Nhất, giữ vai trò của một Đệ nhất Phu nhân. Bà qua đời vào năm 2004, mới 50 tuổi, do ung thư vú.
Người thứ năm - Kim Ok, sinh năm 1964, là nghệ sỹ biểu diễn dương cầm tài năng trong đội nhạc công phục vụ cán bộ cao cấp. Bà đã lọt vào tầm ngắm, được Kim Chính Nhất tuyển dụng làm thư ký riêng.
Khi người tình thứ tư (mẹ của Kim Jong Un) chết thì Kim Ok xuất hiện như một Đệ nhất Phu nhân. Bà tháp tùng Kim Chính Nhất trong dịp lễ hội, thăm viếng các nước, đón tiếp nguyên thủ. Bà là người duy nhất được tham dự vào công việc hệ trọng, hội họp, hoạch định chính sách, hay ra những quyết định. Bà cũng được coi là người đàn bà sống bên cạnh vị Lãnh tụ Kính yêu lâu nhất, chăm sóc ông chu đáo liên tục 31 năm, từ 1980 đến 2011.
Bà cộng tác rất đắc lực với Jang Song Thaek (chú dượng của Kim Chính Ân) người chủ trương mở cửa, cải cách kinh tế đi theo đường lối của Trung Quốc.
Kim Chính Nhật chết. Kim Jong Un lên thay. Bà Kim Ok bị tước hết quyền hành, tịch thu tài sản, và cả gia đình bà (bố mẹ và anh chị em) bị đày đi cải tạo lao động. Hiện bà 53 tuổi, không có con với Kim Chính Nhất, đang sống trong một trại lao khổ ở Bắc Hàn .
Tóm lại, Kim Chính Nhất có tổng số bảy người con (ba trai bốn gái) với một vợ và bốn người tình. Trong đó, bà Song Hye Rim, người tình hơn tuổi, mẹ của Kim Jong Nam được mô tả là ông sủng ái nhất, với con trai Kim Jong Nam cũng được ông yêu thương nhất .
Dì: Song Hye Ring
Kim Jong Nam sinh 10/5/1971, tại Bình Nhưỡng. Thời gian đầu đời, Jong Nam sống với mẹ, bà ngoại và dì. Năm 1974, khi mẹ qua Moscow chữa bệnh, cha ông mời người dì ruột của Jong Nam, bà Song Hye Ring, em gái của người tình cũ, về kèm học cho Jong Nam mỗi ngày.
Dì Hye Ring, cũng là một minh tinh màn bạc đẹp và nổi tiếng, vừa ly dị chồng, có con nhỏ cùng lứa với Jong Nam. Hàng ngày, dì mang con mình và Jong Nam tới căn phòng bí mật gần nơi làm việc của Kim Chính Nhất để nuôi dạy. Bí mật bởi Chính Nhất không dám để cha biết mối quan hệ của ông.
Đến năm 1979, dì Hye Ring tháp tùng Jong Nam đi học tại trường Quốc Tế Geneva, Thụy Sỹ. Kim Chính Nhất sợ bà mang Jong Nam trốn sang phương Tây, nên lệnh cho hai dì cháu phải học ở Moscow, Liên Xô. Cả tuổi thơ của Jong Nam sống ở Moscow hoặc Geneva.
Jong Nam về lại Bắc Hàn với cha năm 1988. Dì Hye Ring đào thoát. Bà đang sống ẩn danh tại một nước châu Âu. Trong cuốn hồi ký của bà có đoạn viết về tình cha con giữa Kim Chính Nhất và Jong Nam: “Không có từ ngữ nào có thể mô tả nổi tình yêu thương của Kim Chính Nhất dành cho con trai. Vị hoàng tử trẻ tuổi lúc nào cũng ẵm đứa con trai trong giấc ngủ. Khi nó khóc, ông ẵm, ông đưa, ông ru cho đến khi nó nín. Cách ông vỗ về an ủi con chẳng thua kém gì những người mẹ giỏi.”
Sự kiện Disneyland ở Tokyo
Tròn 18 tuổi về lại Bắc Hàn, Jong Nam chứng kiến những đổi thay lớn trong đại gia đình họ Kim. Cha ông đã có vợ mới với những con trai, con gái trong đó có Kim Jong Un. Jong Nam càng bị giấu kín hơn. Ông không bao giờ được báo chí đề cập tới như những người con khác. Mãi cho đến buổi sáng định mệnh 13/2/2017 khi bị ám sát tại Kuala Lumpur, cũng chỉ vài người Bắc Hàn biết tới ông.
Trong thời gian sống ở Bắc Hàn, Jong Nam không được phép ra khỏi Bình Nhưỡng. Những dịp lễ tết, họp mặt đại gia đình họ Kim, Jong Nam cũng không có mặt. Thảng hoặc, ông được phép đến nhà nghỉ của cha nằm trên bờ biển thuộc thành phố cảng Wonsan. Dì Hye Ring kể lại rằng “Bãi biển mêng mông thinh lặng, chỉ có hai đứa trẻ và người lái xe.”
Jong Nam theo học ngành Khoa học Chính trị, rồi chuyển sang Computer Science tại Thụy Sỹ. Ông được mô tả là người thân thiện, khiêm tốn, hòa đồng, nói tiếng Anh, Pháp và Nga lưu loát. Jong Nam rất gần gũi với những nhân vật chủ trương mở cửa, đặc biệt là người cô ruột (em gái của cha), bà Kim Kyong Hui và chồng bà là Jang Song Thaek. Jong Nam lúc ấy được Kim Chính Nhất chọn làm người kế vị.
Bất hạnh thay, trong lần đi du lịch tới Nhật, Jong Nam đã dùng hộ chiếu giả, bị bắt tại phi trường Narita, Tokyo. Jong Nam khai với cảnh sát Nhật rằng ông dùng hộ chiếu giả với mục đích muốn thăm khu du lịch Disneyland, Tokyo.
Sự cố này đã làm Kim Chính Nhất mất mặt. Ông bỏ Jong Nam, và quyết định đưa Jong Un lên nối ngôi. Sau khi cha mất, Jong Nam chính thức bước vào cuộc đời lưu vong.
Di chúc của cha
Jong Un tự phong mình là “Lãnh tụ Tối cao”. Tối cao nên muốn giết ai thì giết.
Un cho tử hình chú Jang Song Thaek, Đại tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, người đồng chí thân cận nhất của cha, và cũng là chồng của cô. Ông Jang bị lột trần truồng rồi thả cho bầy chó săn cắn xé cho đến khi tắt thở.
Jong Un đầu độc cô ruột Kim Kyong Hui, người em gái thân thiết của cha, vì cô dám đứng lên bảo vệ chồng. (Có tin nói bà bị đầu độc, đã chết. Có tin nói bà bị đầu độc hôn mê, chưa chết, đang sống đời sống thực vật)
Jong Un tử hình Tướng bốn sao, Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-Chol, bằng đại bác, tại một trường sỹ quan, trước mặt toàn bộ học viên.
Jong Un cho thiêu sống Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Kim Jong Jin chỉ vì ngủ gật, ngồi không ngay ngắn khi Lãnh tụ Tối cao đang phát biểu.
Jong Un đày ải mẹ kế Kim Ok, người cận kề an ủi, giúp đỡ cha trong những năm cuối đời sức tàn lực kiệt.
Năm năm lãnh đạo, Un tử hình 340 cán bộ cao cấp tương đương hàm bộ, thứ trưởng, bằng những hình thức dã man.
Trở lại năm 2009, cha Kim Chính Nhất đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Con trai Jong Un bấy giờ 25 tuổi, toàn quyền ngành an ninh và tình báo quốc gia. Jong Un cho khám nhà, và bắt Jong Nam cùng nhiều người khác.
Hình như thấy trước được những tai ương, Kim Chính Nhất trước khi chết khoảng một tháng, đã di chúc rõ ràng rằng: Kim Jong Un là người tiếp quyền ông lãnh đạo đất nước. Kim Jong Nam phải được sống một cuộc đời yên ổn. Tất cả mọi người, kể cả chính quyền, không được phép sách nhiễu, gây phiền toái, hay hãm hại Jong Nam. (Thời gian và nội dung của bản di chúc được cơ quan tình báo Nam Hàn thu thập từ những cán bộ cao cấp đào thoát qua miềnNam).
Thôi, cũng xong một kiếp người. Kể ra, Jong Nam còn may mắn và rất có hậu. Có lẽ người mẹ xinh đẹp tài năng, cùng bao oan hồn khác, sống khôn chết thiêng đã phù hộ cho Jong Nam, để ông được chết giữa thanh thiên bạch nhật, giữa phi trường quốc tế, tại một quốc gia không bưng bít thông tin. Công luận bây giờ đã biết tới Kim Jong Nam. Công lý sẽ tới với ông. Truyền thông thế giới khai thác, mổ xẻ, phân tích từng chi tiết. Hình ảnh Kim Jong Namquỵ ngã khi trúng độc được chiếu nhiều lần trên nhiều kênh truyền hình quốc gia. Độc tố giết ông được xét nghiệm. Được bào chế ở đâu? Ai bào chế nó? Ai vận chuyển nó vào Malaysia? Các nghi phạm được phơi bày. Thi thể ông được bảo vệ và tôn trọng.
Còn bao nhiêu nạn nhân Bắc Hàn, chết âm thầm, chết tức tưởi, chết đớn đau, chết oan nghiệt, chết trần truồng, chết đói khát, chết cô đơn, chết không được toàn thây, không ai biết tới, không quan tài, không hương khói, không điếu văn, không kèn trống, không cả một nấm mồ.
Kim Jong Un (còn ai khác?) đã lệnh giết Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ, người đã van xin có cuộc đời ẩn dật, lưu vong, người con trai cả yêu mến của cha, người đầu tiên trong dòng họ nhà Kim bị mưu sát.
Di chúc của cha, nhưng Kim Jong Un coi không bằng tờ giấy lộn.
Tháng Hai, 2017
TGH (Tác giả từ Canada gửi BVB)
nguoiviet.tv/vi-sao-nguoi-ta-giet-kim-jong-nam
0 nhận xét