Tâm tình với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng về việc G.S Tương Lai ra khỏi Đảng
07/09/2017
Nguyễn Thị Thanh Bình: Thưa nhà báo, nhà văn, T.S kinh tế Phạm Chí Dũng, cho phép xin được “tra tấn” thêm một chuyên viên trả lời phỏng vấn rất tinh tế và thành thật như anh. Chắc anh đã nghe, đã thấy và cũng không lạ gì với tình trạng hỗn mang tranh sáng tranh tối của giới đấu tranh cho dân chủ tự do, và nhân quyền lúc này. Do đó hy vọng cuộc trò chuyện này được mở ra trong tinh thần xây dựng, có lý có tình hơn là sẵn sàng bôi bác, thành kiến và đào sâu thêm những hố thẳm chia rẽ, ngăn cách.
Ông Lê Hiếu Đằng (áo sậm, phải) – một người cộng sản đã tuyên bố từ bỏ đảng vào tháng 12 năm 2013 |
Thường thì khi đảng viên sắp hoặc đã về hưu trí, có chữ “nguyên” đi kèm đánh dấu mọi sự ngừng sinh hoạt, cũng có thể cả đảng phái của họ, thì những đảng viên ấy mới dám phản tỉnh bằng cách nộp đơn ra khỏi Đảng, vậy điều gì đã khiến họ phải “ngâm tôm” nỗi bứt rứt trăn trở của mình suốt năm tháng dài để cuối cùng mới dám đưa ra quyết định hẳn là rất nhiêu khê khó khăn ấy? Phải chăng đa phần chỉ vì sợ sẽ bị khai trừ sớm muộn trước sau gì, hoặc hứa hẹn gặp phải phiền toái nào đó nên đảng viên mới chọn cảnh “dứt áo ra đi” mà thôi, và khi ra đi thì liệu họ có còn điều gì để phải cảm thấy lấn cấn, ngoài những hệ lụy gia đình chăng?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Nếu tính từ năm 2013 trở lại đây, con số bỏ đảng là quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng. Tình hình này phản ánh tâm thế e ngại và sợ sệt vẫn bao phủ trong tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù theo tôi biết thì tâm lý đảng viên trong đảng đã quá chán ngán chế độ chính trị này, và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Do bị gò bò bởi kỷ luật đảng và sợ ảnh hưởng đến vị thế chính trị lẫn công việc nên rất hiếm trường hợp đảng viên dám ra đảng trong lúc còn làm việc, mà chỉ đến khi nghỉ hưu mới có một ít người dám “xổ lồng”. Cho tới nay, đây vẫn là một tâm lý bao phủ lên 3,7 triệu đảng viên.
Nhưng có một thực tế là ngay cả một ít đảng viên hưu trí từ bỏ đảng lại không phải xuất phát từ thái độ dứt khoát chia tay ý thức hệ hoặc phản kháng với một đảng tham nhũng, mà do những người này đã có những hoạt động bị đảng quy kết là “đa nguyên”, thậm chí “ủng hộ các thế lực phản động”, nên cấp ủy đảng gây sức ép khai trừ họ. Để tránh bị “hạ nhục”, những đảng viên này đã chủ động tuyên bố ra đảng trước khi bị khai trừ.
Tuy nhiên, tình trạng thoái đảng lại rất lớn ở Việt Nam. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.
Nếu như những năm trước, có những người muốn bỏ đảng nhưng vẫn lo sợ bị chính quyền cắt sổ hưu hoặc bị sách nhiễu bản thân và thân nhân, thì với một số trường hợp bỏ đảng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt gần đây như ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ông Lê Văn Hòa – cựu chuyên viên Ban Nội chính Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà báo Tống Văn Công – nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động… cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí, xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an, cũng muốn công khai bỏ đảng.
Hoàn toàn không thể có chuyện chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng, vì làm như vậy là vi phạm pháp luật.
Một nguy cơ khác đối với đảng cầm quyền là đang manh nha dấu hiệu một số cán bộ lão thành, trung cấp và cả cao cấp, muốn từ bỏ đảng CSVN để trở về… đảng Lao Động. Trường hợp này vừa xảy ra với giáo sư Tương Lai ở Sài Gòn. Nếu khuynh hướng này mở rộng trong thời gian tới, tương lai “tách đảng” là dễ thấy.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Dường như anh có người bố đã có 65 tuổi Đảng, và khi anh chia sẻ bức tâm thư đoạn lìa “ly dị” Đảng, thì ba anh có tỏ ra thông cảm cho một đứa con vốn có cá tính mạnh và độc lập tư duy như anh chăng? Thật ra anh đã phải thuyết phục gia đình như thế nào để được tôn trọng tự do cá nhân và sự dũng cảm của anh, cũng như thấy quyết định của anh là một quyết định đứng đắn hợp thời đã dám buông bỏ, thoát ra khỏi những cũi lồng để được bay bổng tự do?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Thật ra, tôi đã không hề hỏi ý kiến ba tôi về việc tôi công khai tuyên bố từ bỏ đảng vào tháng 12 năm 2013, vì tôi không muốn bị phân tâm bởi sự tác động của gia đình.
Việc từ bỏ đảng của tôi hoàn toàn không dễ dàng: từ năm 2003 khi nhận thấy càng đấu tranh thì tham nhũng càng nhiều, tôi bắt đầu nhận ra nếu chỉ có một đảng thì triển vọng chống tham nhũng sẽ là vô phương. Tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều hơn một đảng để có được cơ chế kiểm soát chéo quyền lực như ở phương Tây, và cũng bắt đầu nghĩ đến việc đến một lúc nào đó sẽ ra đảng.
Nhiều đảng viên vẫn cho rằng ở lại trong đảng thì có điều kiện đấu tranh hơn là ra đảng. Nhưng tôi lại nhận ra một bài học đắt giá là chính đảng CS cũng luôn tuyên truyền và thuyết mị như thế để mọi người khỏi ra đảng, trong khi thực tế từ trước đến nay việc đấu tranh hiệu quả chống tiêu cực trong đảng là vô cùng hiếm hoi, mà bằng chứng rất rõ là toàn bộ những đảng viên trí thức, cựu quan chức trong nhóm 72 trước đây và nhóm 61 sau này đã không nhận được bất kỳ một hồi âm nào từ phía đảng và chính quyền sau khi họ gửi đi nhiều bản kiến nghị đầy tâm huyết.
Phải mất 10 năm tôi mới có được quyết định của mình. Tôi không cho đó là một sự dũng cảm của bản thân, mà chỉ đơn giản là khi tôi thấy ông Lê Hiếu Đằng – mà tôi xem như một người anh – quyết định viết thư bỏ đảng trên giường bệnh, tôi nghĩ rằng nếu lúc đó mà tôi không thể quyết định bỏ đảng thì e rằng sau đó có thể bị nhụt chí và chẳng biết bao giờ mới có đủ quyết tâm.
Vậy là ngay đêm hôm sau khi ông Lê Hiếu Đằng ra đảng, tôi viết tâm thư từ bỏ đảng và công bố luôn trên mạng xã hội để chặn đường lùi của mình, và sang ngày hôm sau mới nộp đơn ra khỏi đảng cho chi bộ như một thủ tục cần có. Sau đó cũng buồn một thời gian, nhưng lại nhẹ lòng vì mình không còn nằm trong một chính đảng không đi cùng được với nhân dân. Phải ra đảng, rồi muốn ra sao thì ra…
Nguyễn Thị Thanh Bình: Về việc chọn một ngày đặc biệt như ngày “Quốc Khánh 2/9” để xin ra khỏi “Đảng Nguyễn Phú Trọng” đang thao túng, nhưng vẫn muốn “chiến đấu” trong vai trò một đảng viên cũ của Đảng Lao Động, G.S Tương Lai là một khuôn mặt trí thức nổi bật của XHCN mới đây nhất vẫn một mực nêu cao “Tư tưởng HCM”, vậy liệu anh có thấy mình ủng hộ sự chọn lựa này, hay ít nhất là tôn trọng, đồng cảm với việc G.S Tương Lai đã chặt đứt tư duy “còn Đảng còn mình” với Đảng CSVN hay “Đảng Nguyễn Phú Trọng”, cách gọi muốn nhấn mạnh của G.S chăng. Liệu như thế có đồng nghĩa là G.S Tương Lai cho rằng Đảng của đời này (Nguyễn Phú Trọng) khác với Đảng của đời xưa (Hồ Chí Minh) và dĩ nhiên đảng của những thế hệ trước, thế hệ của chính G.S đã có mặt tham dự đóng góp là tốt, và đáng ca ngợi trường tồn, và đó là điều vị G.S này có quyền núp bóng hãnh tiến, nhất là khi phải đối diện với “Đảng Nguyễn Phú Trọng” đương thời thì than ôi chỉ thấy rặc những tham vọng quyền lực, giáo điều không thể chấp nhận được, nên phải nói lời chia tay, và như thế liệu có điều gì lợn cợn, lập lờ và điều gì bất ổn dưới cái nhìn dứt khoát của nguyên là đảng viên CS như anh?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Theo những tin tức mà tôi được biết trong mấy năm qua, việc đưa đảng Cộng sản VN trở lại tên đảng Lao Động là tâm tư của một bộ phận nhỏ đảng viên, chủ yếu là đảng viên hưu trí. Kể cả đổi tên nước, từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thâm tâm, những đảng viên này có phần tin rằng nếu trở lại quá khứ dù chỉ với tên gọi như thế, đảng cầm quyền ở Việt Nam có thể tự thanh lọc mình và gần dân, vì dân hơn.
Từ năm 2014, khi cuộc xung đột trong nội bộ đảng CSVN trở nên công khai và dữ dội, sử dụng mạng xã hội để bôi xấu và tấn công nhau, có những dấu hiệu một lực lượng trong đảng có thể đã muốn ngả về khuynh hướng “tách đảng”, tức tách đảng CS làm hai – một phần là đảng CS, còn phần kia trở về đảng Lao Động. Nhưng cần chú ý, “tách đảng” và “đa đảng” là hai việc khác nhau nhiều về bản chất. Với động cơ tiếp tục duy trì quyền lực và lợi ích nhóm của những lực lượng trong nội bộ đảng, “tách đảng” chỉ là một hình thức “đảng trong đảng”, mà về thực chất vẫn là cuộc chơi tham tàn của các nhóm xuất thân từ đảng CS, chưa hẳn chấp nhận đa nguyên chính trị và vẫn không có vai trò của nhân dân trong đó.
Tôi tôn trọng suy nghĩ và cách hiểu của những đảng viên hưu trí muốn trở về tên đảng Lao Động. Tuy nhiên, cần nói thẳng là cho dù có gắn tên Lao Động hay những cái tên khác cho đảng mà không thật sự cải cách theo hướng bỏ điều 4 hiến pháp về độc đảng, tam quyền phân lập một cách thực chất và công nhận xã hội dân sự – tức những quyền căn bản của nhân dân đã được hiến định – thì cũng sẽ chỉ là động tác “thay áo” để mị dân mà thôi. Có khi lại kéo dài thêm một thời kỳ đau khổ mới cho con dân nước Việt, vốn trước đó đã quá khốn khổ.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Trong bức tâm thư ra khỏi Đảng vốn được nhiều người và dư luận tâm đắc của anh mới đó cũng đã gần 4 năm rồi, anh đã viết không kém những bài diễn văn hùng hồn, và mãnh liệt nhất của một giai đoạn lịch sử có những đảng viên trí thức phản tỉnh: “Tôi tự thấy Đảng CS không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi cho đại đa số nhân dân và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng, cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy, tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng CS.” Và câu kết luận rất đánh động lòng người: “Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng CS là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi với nhân dân và quyền lợi người nghèo. Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.” Tâm đắc ở đây đồng nghĩa với sự ủng hộ hết mình, và cảm phục tấm lòng cùng ý chí sâu sắc của anh. Vậy thì qua bản “Tuyên bố” của G.S Tương Lai, anh có thể chia sẻ là anh tán thành với G.S điều gì và không thể đồng cảm điều gì? Nhất là tôi hơi thắc mắc một điều là không phải chính ông Hồ Chí Minh cũng đã thú nhận với đảng viên kỳ cựu là ông Nguyễn Văn Trấn: “Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê.” Không lẽ G.S Tương Lai không thấy cả thế giới đã rũ bỏ thứ chủ thuyết lỗi thời Mác-Lê này hay chính ông một lần nữa phải tự đánh lừa mình có một “hệ tư tưởng”, một chủ thuyết giả tưởng như thế làm kim chỉ nam để giữ sự tồn tại trong một chế độ chuyên chính, hay chỉ là những mâu thuẫn đối kháng nội tâm nào đó thật không dễ để giải thích? Chúng ta cũng đã có dịp nghe khá nhiều bình luận và chỉ trích trên những trang cá nhân Facebook, cũng như báo chí truyền thông với những bài viết thẳng thắn của TS Hà Sĩ Phu, TS Nguyễn Quang A, cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên…. Ước gì có thêm một cái nhìn lắng đọng, phân tích cặn kẽ chân tình đến từ một nhà báo độc lập, đối lập như anh. Và điều này hy vọng sẽ được G.S Tương Lai đón nhận lên tiếng phản hồi trong tinh thần “dân chủ đa nguyên” trong nay mai.
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi tôn trọng quan điểm của giáo sư Tương Lai, nhưng tôi thấy khó chia sẻ suy nghĩ trở về “đảng Hồ Chí Minh” của ông. Câu chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là quá khứ của hơn bảy chục năm trước, cùng sự khác biệt rất lớn về bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, quốc tế. Không có gì bảo đảm là nếu đảng CS chịu lấy lại tên đảng Lao Động thì tình hình đất nước sẽ khả quan hơn. Cũng chưa có bất kỳ cơ sở nào để nhìn ra một sự “thành tâm” của giới chóp bu trong đảng CS nếu họ muốn “thay áo”. Tất cả chỉ tính toán cho quyền lực cá nhân và lợi ích nhóm, lo tranh giành đấu đá, tham nhũng và “ăn của dân không chừa thứ gì”.
Vào năm 2014 và 2015, không ít đảng viên và cả người thuộc giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam đã từng kỳ vọng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như một “Gorbachev Việt Nam”. Nhưng rốt cuộc ngoài vài lời nói ve vuốt mơ hồ về dân chủ và tinh thần “thoát Trung”, ông Dũng đã không thể hiện bất cứ hành động nào để ít ra cũng cho thấy ông ta quan tâm đến tuyệt đại đa số người dân Việt đang ngụp lặn trong vũng bùn quan chức. Ngược lại là đằng khác, chế độ Nguyễn Tấn Dũng bị rất nhiều người xem là một chế độ tham nhũng và phá chưa từng có trong toàn bộ lịch sử của triều đại cộng sản ở Việt Nam. Giả dụ sắp tới Nguyễn Tấn Dũng có đứng ra thành lập hoặc hậu thuẫn để thành lập đảng Lao Động thì hành động này cũng chỉ là hình ảnh “bình mới rượu cũ” mà thôi.
Vì thế, tôi nghĩ rằng giáo sư Tương Lai nên dứt khoát tuyên bố từ bỏ đảng CS chứ không chỉ cắt đứt liên hệ với “đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng”, trước khi đảng này có thể làm điều gì đó xúc phạm ông. Còn ở thêm trong đảng ngày nào, còn phải mang danh nghĩa đảng viên của một đảng mà đã từ lâu không còn của dân nhưng vẫn ăn thuế của dân, điều được gọi là lòng tự trọng và liêm sỉ của mỗi chúng ta đều đáng bị người dân đánh giá thấp hơn thế.
Một khả năng có lẽ duy nhất mà tôi thấy có ý nghĩa là nếu giáo sư Tương Lai và những người như ông khởi động một phong trào trở về tên đảng Lao Động, việc này có thể lôi kéo một số đảng viên đảng CS “tự chuyển hóa”, làm tiền đề cho việc tách đảng CS, trước khi dẫn đến đa đảng một cách thực chất. Hành động này sẽ được nhiều đảng viên, cựu quan chức và kể cả quan chức đương nhiệm ủng hộ theo nhận thức “có còn hơn không”. Tuy nhiên, làm thế nào để khi trở về tên đảng Lao Động mà không bị các lực lượng và các nhóm lợi ích trong đảng CS lợi dụng thì lại là một vấn đề rất khó khăn, mà về điều đó thì tôi e rằng có thể sẽ không được kiểm soát bởi giáo sư Tương Lai hay những người như ông.
Sau cùng, tôi muốn nói về Tương Lai. Đất nước này, xã hội này đang tràn ngập những chỉ dấu bất ổn và chuẩn bị biến động như thời chỉ vài ba năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990. Khi đó, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên kia mà! Và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an! Nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. Việt Nam cũng đang và sẽ như vậy chỉ trong ít năm nữa thôi, bất chấp số đảng viên được xem là “trung thành” còn tới gần 4 triệu người. Và cũng chỉ trong ít năm nữa thôi, tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn hẳn đảng viên không vì phải chịu sức ép khai trừ mà sẽ hoàn toàn chủ động chia tay với đảng, chia tay với một chính đảng phi nhân bản để kiếm tìm một bến bờ mới hứa hẹn nhân văn hơn rất nhiều. Dù là để đến được bến bờ đó, xã hội và chính trị Việt Nam có thể phải trải qua một thời gian đầy biến động và hỗn loạn như thời hậu Xô viết vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tôi nghĩ rằng cần chờ đợi thêm, nhưng là chờ đợi trong tâm thế chủ động. Sau SUY tất phải VONG, rồi mới PHỤC được. Mỗi người trong chúng ta vẫn có thời gian cho những lựa chọn chính trị của mình.
Trân trọng cảm ơn thời giờ quý báu, chịu khó soi rọi kỹ lưỡng những góc khuất của lòng mình và xã hội cho độc giả khắp nơi của nhà báo, nhà văn Phạm Chí Dũng.
7/9/2017
Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện
(Dân Làm Báo)
0 nhận xét