Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Lưỡi kéo kiểm duyệt tệ hại

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017 20:53 // , ,

Bùi Tín
12-9-2017



Tác giả Thomas Bass. Courtesy Photo
Tôi có anh bạn Mỹ khá thân, Thomas Bass, giáo sư tiếng Anh, giảng dạy môn báo chí Đại học Albany ở bang New York, Hoa Kỳ.
Chúng tôi quen nhau từ năm 1976, khi cùng nhau gặp Trung tá Hai Trung – Phạm Xuân Ẩn, cán bộ tình báo huyền thoại, tại Sài Gòn để viết bài.
Năm 1955, khi được cử ở lại miền Nam, thâm nhập bộ máy Việt Nam Cộng hòa, Ẩn là thiếu tá tình báo. Hai Trung là bí danh của Trung tá Phạm Xuân Ẩn năm 1975. Tháng 1 năm 1976 được phong Anh Hùng các lực lượng vũ trang Nhân dân, cuối năm 1979 mới được lên cấp Đại tá. Cuối năm 1990 được phong Thiếu tướng, khi chuẩn bị về hưu; mất tháng 9/2006 do bệnh ung thư phổi. Theo lời Ẩn, họ phong Anh hùng, Thiếu tướng cho ông không phải do đánh giá cá nhân ông, mà chủ yếu là để khoe thành tích nổi bật của ngành tình báo! Họ rất dè xẻn khi phong cấp cho ông, do ông đi xe Renault 4, nuôi con chó bergie, sống kiểu tư sản!
Cuối năm 1976, tại Đại hội đảng toàn quân, khi nghỉ giải lao, tôi có dịp dẫn Phạm Xuân Ẩn đến chào, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng nhận nhiều bản báo cáo tình báo quý giá của Hai Trung, nay mới có dịp gặp mặt.
Đã có nhiều bài báo và cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn.
Nổi bật nhất là cuốn «X6 – Perfect Spy» – X6 – Điệp viên hoàn hảo, của Larry Berman ra mắt tại Hoa Kỳ tháng 10/2007, được dịch sang tiếng Việt tháng 9-2013 – nhà xuất bản Trí Việt. Cuốn sách này được dịch nguyên văn, do trúng theo «gu» khoe khoang – đẹp đẽ phô ra – của Hà Nội. Tác phẩm này đang được chuyển sang bộ phim dài nhiều tập, cũng do L. Berman viết kịch bản.
Trong nước, Nguyễn Thị Ngọc Hải ra cuốn «Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời» ăn khách, ca ngợi một chiều theo kiểu tô vẽ, bốc đồng.
Cuốn sách tiếng Anh thứ 2 về Phạm Xuân Ẩn là “The spy who loved us –
The Viet Nam war and Pham Xuan An’s dangerous game” – “Điệp viên yêu chúng ta – Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn” của Thomas Bass, do Public Affairs xuất bản năm 2009, sinh động, chân thật.
Chính cuốn sách này khi được dịch sang tiếng Việt do nhà xuất bản Nhã Nam – Hồng Đức ở trong nước đảm nhiệm gặp rắc rối với tác giả, sau khi ra mắt năm 2009 với tít sách là “Điệp viên Z21- Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.”
Tháng 8/2017 vừa qua, Thomas Bass đã sang Pháp gặp tôi để tâm sự về chuyện dịch cuốn sách của anh tại Việt Nam, sự không hài lòng của anh về lưỡi kéo kiểm duyệt của ngành an ninh văn hóa và thái độ cố chấp rất đáng trách của các biên tập viên nhà xuất bản Nhã Nam.
Đây là nếp tư duy thủ cựu cực đoan, không muốn học hỏi gì ở nơi khác trong khi hội nhập với thế giới văn minh, tự mình đủ tài giỏi, ta không thua kém ai!
Anh cho biết anh không thể chịu đựng được thái độ độc đoán như thế, và vì lẽ phải, vì yêu quý nhân dân Việt Nam anh buộc phải lên tiếng trong một cuốn sách nhan đề “Tệ nạn kiểm duyệt”, dày hơn 200 trang mà anh có nhã ý cho tôi đọc trước bản thảo, hiện đang in.
Anh đã đi về Hoa Kỳ – Việt Nam hơn 16 chuyến bay đề bàn luận, tranh cãi về bản dịch cuốn sách của anh, cố hòa giải cho êm thấm nhưng … không thành. Anh đành để họ cứ in bản dịch theo ý họ, nhưng anh giữ quyền nói lên sự thật về tệ kiểm duyệt “khủng khiếp” ở Việt Nam, một nét văn hóa cực kỳ lạc hậu, phải nói là man rợ, giữa thế kỷ 21 này.
Trong khi nhấm nháp cà phê và bánh ngọt, Thomas kể với phong cách dí dỏm trào lộng riêng của anh, không pha một chút giận dữ cay đắng nào, rằng lưỡi kéo an ninh văn hóa dã man đã “thiến” chừng hơn 220 câu và đoạn văn trong nguyên tác của anh, làm cho tác phẩm anh rách nát không còn là của anh nữa. Họ xóa bỏ sạch trơn 3 chương quan trọng, chương nói về cuộc Di tản của hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bất hạnh và các trại tỵ nạn; chương nói về cuộc Chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc Việt Nam – Trung Quốc năm 1979; chương nói về tướng Giáp lên tiếng trong vụ tố cáo Tổng Cục II, một vụ án siêu nghiêm trọng, và về chuyện tướng Giáp lên tiếng chống lại việc khai thác mỏ Bau-xít rất nguy hiểm cho môi trường trên Cao nguyên, mà lãnh đạo không hề trả lời.
Họ cắt nát các đoạn tác giả kể về thái độ thân thiện, quý mến của nhà báo Phạm Xuân Ẩn đối với nền báo chí tự do, tiên tiến, nhân văn Hoa Kỳ, đối với các bạn thân của ông ở các báo Mỹ Time, New York Herald Tribune, Christian Science
Monitor và Reuters… Họ cắt tất cả các câu nói lên nỗi buồn dai dẳng thấm thía của ông Ẩn khi ông bị ngăn chặn không cho phép tiếp xúc tự do với các bạn nhà báo Mỹ – Pháp tại ngay Sài Gòn, khi ông không được phép sang Hoa Kỳ dự một cuộc họp theo lời mời chính thức cuối năm 1997 dù đã được phong Thiếu tướng.
Họ thiến luôn những đoạn ông Ẩn nói về các lớp học buồn ngủ, giáo điều, thô thiển ở trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung Ương ở Hà Nội, – theo lời kể lại của nhà báo Bùi Tín, do trong thời gian học, không có ai quen ở gần Hà Nội dù ông quê gốc ở Hải Dương nên thường ngày Chủ Nhật ông về nhà ông Bùi Tín chơi. (Tôi quen ông Ẩn từ sáng ngày 1/5/1975 khi tôi ghé qua phòng ông làm việc, trụ sở của báo Time tại khách sạn Continental đường Đồng Khởi – Catinat, khi ấy tôi chỉ biết ông làm việc cho báo Mỹ, chưa biết ông là nhà tình báo huyền thoại).
Tôi rất hiểu con người Phạm Xuân Ẩn vì tin nhau, quý trọng nhau, hợp nhau trên nhiều lĩnh vực. Nhà báo phải có tư duy độc lập. Ta là ta, không cần theo đuôi ai. Phải ngay thật, trung thực với chính mình. Cộng sản dùng anh, nhưng luôn nghi ngờ anh. Anh là Trung tá Hai Trung, khi được phong Anh hùng vẫn cứ là trung tá, khi bao nhiêu sỹ quan được lên cấp ngay sau 30/4/1975. Mãi đến khi gần nghỉ hưu mới được phong Thiếu tướng, nhưng không được đi Mỹ theo mong muốn tha thiết của anh. Họ nghi ngờ anh cũng như họ nghi ngờ mọi người có thời gian tiếp xúc với Hoa Kỳ, làm việc với Hoa Kỳ, với đối phương, cũng như họ đày đọa không chút thương tiếc mọi quân nhân miền Bắc vào Nam từng bị chiêu hồi rồi về sau trở ra miền Bắc.
Họ nghi ngờ, cho mật vụ dò la các mối quan hệ của anh, các cú gọi và nhận điện thoại viễn liên, dù cho anh đã là Anh hùng, thiếu tướng, vì anh từng là điệp viên 4 mặt, làm việc cho an ninh quân đội Pháp, làm báo cho Mỹ, chơi thân với Trần Kim Tuyến trùm an ninh Sài Gòn và săn tin cho Hà Nội. Sự đa nghi cố tật.
Sự chia tay của ông với các biên tập viên – an ninh văn hóa tại nhà xuât bản Nhã Nam là dứt khoát, khi một mực họ áp đặt cái tít cho cuốn sách là “Điệp viên Z21- Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.” Điều này phản ánh não trạng đã cố định, đóng băng thành lập trường chính trị không lay chuyển của lãnh đạo đảng Cộng sản là phải coi Hoa Kỳ là kẻ thù, ít nhất là trong chiến tranh. Một ông tướng cộng sản không có thể, không được phép “yêu nước Mỹ”, yêu các đồng nghiệp, bạn bè là người Mỹ. Chỉ được yêu đảng; yêu nhân dân. Yêu tự do cũng bị cấm.
Khi chia tay tôi, Thomas hẹn 2 tháng nữa sẽ trở lại Paris để tặng tôi cuốn sách “Nạn kiểm duyệt tệ hại.” Ông có cô con gái tốt nghiệp trường Pháp và lấy chồng người Pháp nên thường sang Pháp. Ông từng gặp các nhà văn, nhà báo Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Phạm Chí Dũng, Đoan Trang…
Theo tôi, từng được đọc sơ qua bản thảo, đây sẽ là cuốn sách bổ ích, lý thú cho công luận, cho làng báo quốc tế, nhất là cho các nhà báo trẻ Việt Nam trong khi đất nước đang cố gắng hội nhập với thế giới văn minh thế kỷ XXI.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.