Hà Tiên và sự hình thành nước Việt Nam hiện đại
29/09/2017 08:00 - Vũ Đức Liêm
Hà Tiên ngày nay là thị xã vùng biên nhỏ nhắn, bình yên, thơ mộng nép mình bên bờ vịnh Thailand. Hà Tiên của hai trăm năm trước là một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất ở Đông Nam Á, nơi diễn ra các tranh chấp chính trị và quân sự không ngừng giữa người Việt, người Thái, người Khmer và các cộng đồng người Hoa. Lịch sử của vùng đất này là minh chứng sống động cho sự đa dạng trong thống nhất của quá trình hình thành nên lãnh thổ và dân tộc Việt Nam.
Một phần biển Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay.
Vùng đất này nằm giữa các diễn ngôn lịch sử rất khác biệt, nhiều khi bị trùm phủ dưới các huyền thoại tạo ra bởi chủ nghĩa dân tộc. Bài viết này chỉ ra những nhân tố cốt lõi làm nên sự thịnh vượng của Hà Tiên và tìm kiếm sự gắn kết của nó đối với lịch sử Việt Nam, như một phần của công cuộc định hình nên không gian của nước Việt Nam hiện đại.
Tại sao việc khôi phục quá khứ huy hoàng của vùng đất này là vấn đề quan trọng? Vì nó góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề nhận thức về quá trình hình thành lãnh thổ, biên giới và các đơn vị hành chính của Việt Nam. Đặc biệt đây là khu vực có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng và tiềm năng kinh tế trong tương lai, gắn liền với Phú Quốc và hành lang phát triển kinh tế dọc theo bờ vịnh Thailand. Lịch sử truyền thống Việt Nam ít chú ý đến tính đa dạng địa phương và quá trình sáp nhập lãnh thổ. Điều này không những không giúp độc giả hiểu được công lao khai phá, quá trình khai thác lãnh thổ, mở rộng đất đai, sáp nhập đất đai của thế hệ đi trước, mà còn gây trở ngại cho sự mở rộng tri thức về quá trình phát triển lãnh thổ Việt Nam và những cách thức đa dạng để trở thành Việt Nam. Đó là cách chúng ta tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng, và trân trọng công lao của tiền nhân, dù là họ Mạc Hà Tiên, các di dân Hoa kiều, cộng đồng người Khmer trên lãnh thổ Việt Nam hay chúa Nguyễn, và vương triều Nguyễn. Nhận thức lịch sử đa chiều cũng là cách củng cố lập luận về quá trình xác lập chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam đối với vùng đất này. Những diễn biến phức tạp và sự năng động của Hà Tiên cho thấy lịch sử không đơn thuần như mô tả của người Campuchia rằng khu vực này vốn là “lãnh thổ”của họ.
Cốt lõi của vấn đề ở chỗ Hà Tiên là vùng đất có lịch sử đa dạng, nằm giữa các dự án chính trị, tranh chấp quyền lực và lãnh thổ ở Đông Nam Á lục địa thời sơ kỳ hiện đại, gắn kết nhiều nhóm cư dân khác nhau. Liên hệ chính trị, lãnh thổ của nó với người Việt-Khmer-Thái là phức tạp. Điều quan trọng là Hà Tiên không chỉ hành động với tư cách là một chư hầu lệ thuộc mà tính năng động và tự chủ của nó giúp định hình khuynh hướng chính trị-lãnh thổ mà nó gia nhập. Sự sáp nhập của Hà Tiên vào lãnh thổ Việt Nam vì thế không chỉ đơn thuần là sự mở rộng không gian của người Việt mà còn là sự chủ động gia nhập của Hà Tiên vào không gian chính trị này. Sự lựa chọn này giúp định hình một con đường để trở thành Việt Nam hiện đại: con đường của Hà Tiên.
Hà Tiên ở thế kỷ XVIII. Nguồn: Nicholas Sellers, The Princes of Hà Tiên, 1682-1867. Brussels: Thanhlong, 1983.
Các huyền thoại về vùng đất Hà Tiên
Trong khi các sách lịch sử của Việt Nam thường bắt đầu bằng sự kiện năm 1708 khi Mạc Cửu phái người đến Phú Xuân (Huế) xin được bổ nhiệm cai quản Hà Tiên, và sau đó được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh (theo Đại Nam Thực Lục). Sự kiện được cho là đánh dấu vùng đất này trở thành một phần của lãnh thổ Đàng Trong. Lịch sử Campuchia mô tả một diễn trình hoàn toàn khác. Một thương nhân người Quảng Đông rời Trung Hoa năm 1671 đi qua Phillipines và Java. Cuối cùng ông ta đến triều đình Chân Lạp ở Udong và giành được sự tin tưởng của nhà vua Chey Chettha IV (Ang Sor). Sự ghen tị của các quan chức cấp cao người Khmer cuối cùng buộc ông phải xin nhà vua cho ra cai quản vùng đất Banday Mas. Nhà vua Khmer sau đó chấp thuận và ban cho ông danh hiệu Okya (Trần 1979:1537).
Một phần phiên bản của câu chuyện này được kể lại bởi Vũ Thế Dinh, một gia thần của dòng họ Mạc viết năm 1818 trong Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (Gia phả dòng họ Mạc của quan Hiệp trấn Hà Tiên). Tuy nhiên nó cũng cung cấp thêm nhiều góc nhìn thú vị về cách thức dòng họ này xây dựng một chính thể tự trị đứng giữa các nhà nước của người Việt, người Khmer và người Thái. Diễn ngôn lịch sử này chú ý nhiều hơn đến tính năng động của họ Mạc và sự chủ động lựa chọn của họ trong mối liên minh/ phiên thuộc với người Việt. Dù được phong Okya, danh hiệu dành cho quan chức cao cấp Khmer (David Chandler 2000: 108-111), Mạc Cửu thấy rõ địa vị bấp bênh của mình trong một vương triều xa lạ. Khi dừng chân ở vùng đất Banday Mas, ông nhận thấy nơi đây là một cảng thị tấp nập với thương nhân người Hoa, Việt, Khmer, Malay tụ hội, nên tìm cách để được sự cho phép của vua Chân Lạp mở các sòng bạc nhằm thu thuế. Như nhận định của sử gia Li Tana, đây chính là các sòng bạc đầu tiên ở Đông Nam Á được mở bởi thương nhân Hoa kiều. Chính sự thịnh vượng này cho phép họ Mạc dần kiểm soát khu vực duyên hải và cảng biển Hà Tiên để xây dựng một trung tâm kinh tế-chính trị riêng (Li Tana 2004:806). Cũng vì nhận thấy sự đe dọa của Chân Lạp ở phía Bắc và Siam ở phía Tây mà Mạc Cửu lại tìm cách tìm đến Phú Xuân.
Những người phương Tây cũng có một phiên bản cho riêng mình về câu chuyện Hà Tiên, vương quốc có tên gọi Ponthaimas. Alexander Hamilton đến vùng đất này năm 1718, gọi đây là cảng thứ hai của Campuchia. Thương nhân người Pháp Pierre Poirve mô tả đó là vương quốc được tạo ra bởi một thương nhân người Hoa, nhưng nằm dưới sự ảnh hưởng của Siam. Trong tham luận năm 1768 trình bày trước Viện Hàn Lâm Lyon, ông mô tả họ Mạc như những thương nhân khôn khéo, chăm chỉ, biết cách khai phá vùng đất trù phú để trở nên thịnh vượng, lại biết sử dụng chính sách ngoại giao khéo léo để được các nước láng giềng hùng mạnh che chở. Hà Tiên vì thế không chỉ là một cảng thị thương mại sầm uất mà còn là “kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á”, nơi người Malay, Nam Hà (Đàng Trong), Siam đều trông vào để bảo đảm cho những nạn đói.
Hà Tiên cũng xuất hiện trong mô tả của người Trung Quốc. Một quan chức nhà Thanh đã ghé qua đây những năm 1740, và ghi chép về vương quốc có tên Cảng Khẩu/ Cảng Khẩu Quốc, nằm dưới sự ảnh hưởng của An Nam (Đàng Trong) và Siam. Tuy vùng đất được xây dựng bởi những cư dân rời bỏ Trung Hoa vào cuối Minh-đầu Thanh, quan chức nhà Thanh ngạc nhiên về sự thịnh vượng, thấm nhuần văn hóa Hán của họ, những người thậm chí còn xây cả Văn Miếu (Hoàng triều Văn hiến thông khảo, 1747). Chính vì điều này mà Hà Tiên cũng được biết đến ở Đàng Ngoài của chính quyền Lê-Trịnh. Lê Quý Đôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với những thành tựu văn hóa của vùng đất này, đặc biệt là ngợi ca “Không thể bảo ở hải ngoại xa xôi không có văn chương”.
Lời tựa của văn bản Hà Tiên Thập Vịnh. Nguồn: EFEO Microfilm, A.441.
Bản thân Hà Tiên cũng tạo ra các huyền thoại cho riêng mình. Các huyền thoại sẽ giúp vùng đất này trở nên hấp dẫn, có khả năng thu hút di dân, thương nhân, tìm kiếm tính chính thống cho sự cai trị của dòng họ, và tìm kiếm các mối quan hệ quốc tế. Từ chuyện các nàng tiên xuất hiện trên sông Giang Thành, đào được hũ bạc, đến bức tượng Phật và ánh sáng huyền bí ở Lũng Kỳ báo hiệu sự ra đời của Mạc Thiên Tứ. Tất cả tạo nên diễn ngôn chính trị, tôn giáo, và dung hợp xã hội mà họ Mạc muốn gửi bức thông điệp đến các nhóm cư dân ven vùng vịnh. Trong một bức thư năm 1742 viết bằng chữ Khmer gửi đến chính quyền Mạc Phủ Tokugawa, Mạc Thiên Tứ tự xưng mình là Neak Somdec Preah Sotoat và tự phong danh hiệu “vua của Campuchia”.
Trong lúc các huyền thoại này có cốt lõi của các diễn ngôn lịch sử gắn Hà Tiên với dòng di cư của người Hoa vào cuối thời Minh đầu thời Thanh xuống Đông Nam Á. Họ can dự vào một loạt các sự kiện kinh tế, chính trị, và quân sự khắp khu vực, từ chiến tranh ở Thailand, xung đột ở đảo Java, Manila, cho đến việc điều hành các khu khai mỏ thiếc dọc theo bán đảo Malay và quần đảo Indonesia làm xáo trộn bức tranh chính trị Đông Nam Á, và khỏa lấp những khoảng trống vắng nhà nước tập quyền ở khu vực. Để rồi sau đó, đến lượt các vùng đất này trở thành nơi tranh chấp của những vương quốc tập quyền khu vực.
Khung cảnh cho sự thịnh vượng của Hà Tiên
Sự thịnh vượng của Hà Tiên đến từ nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm vị trí địa lý, khung cảnh thương mại khu vực và toàn cầu, và sự gia tăng tương tác quân sự dọc theo hạ lưu Mekong. Vùng đất này nằm giữa tuyến giao lưu của các luồng thương mại, các nguồn hàng, các dự án chính trị, di dân, và các nền văn hóa từ các vùng núi của Lào và Campuchia xuống, người Malay từ bán đảo Malay-quần đảo Indonesia, người Thái từ phía Tây, và các nhóm người Hoa xung quanh vùng vịnh, và nam tiến của người Việt. Hà Tiên nằm ngay trên đầu mối của một trong những tuyến thương mại cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, kết nối Ấn Độ Dương với biển Đông qua eo Kra từ các thế kỷ gần CN. Óc Eo, cảng thị quan trọng nhất của vương quốc cổ Phù Nam cũng năm trên trục giao thương này.
Sự phát triển của Hà Tiên diễn ra trong một khung cảnh quan trọng của lịch sử hạ lưu sông Mekong vào thời sơ kỳ hiện đại. Sự mở rộng của các dự án nhà nước tập quyền của người Việt, Khmer, và Thái đến vùng đông nam của bán đảo Đông Dương. Các sử gia về Đông Nam Á gọi đây là những vùng đất tự trị cuối cùng ở châu Á trước khi chúng bị sáp nhập thành lãnh thổ của các nhà nước tập quyền (“the Last Stand of Asian Autonomies”: Anthony Reid 1997). Các học giả khác thì gọi vùng đất này là “đường biên nước” (water frontier), nơi chứng kiến khoảng trống quyền lực nhà nước cuối cùng ở Đông Nam Á với sự dịch chuyển tự do của dòng di cư, thương mại, và xung đột chính trị (Li Tana-Nola Cooke 2004).
Khung cảnh thương mại khu vực trở thành môi trường nuôi dưỡng cho sự thịnh vượng của Hà Tiên, trong một thế kỷ huy hoàng và cực kỳ sôi động trên vùng vịnh Thailand. Trước hết là sự mở rộng của người Thái xuống phía nam, tiến ra biển và bắt đầu nhòm ngó vùng duyên hải từ Chanthaburi, Trat đến Hà Tiên, nơi tập trung các trung tâm sản xuất gỗ, lúa gạo, hải sản, đóng thuyền, lâm sản như đậu khấu, da hươu, gỗ đàn hương, ngà voi… Khi Ayutthaya bị người Miến đốt cháy vào năm 1767, người Thái đã từ bỏ kinh đô phía Bắc và bắt đầu chuyển xuống Thonburi-Bangkok, chỉ cách vùng vịnh Thailand chưa đầy 20 km. Cùng lúc đó, người Malay bắt đầu gia tăng các hoạt động thương mại lên phía Bắc của vùng vịnh, dùng thiếc và vũ khí phương Tây đổi lấy gạo.
Trung Quốc là một trong các thị trường quan trọng của Hà Tiên. Thế kỷ XVIII được coi là thời kỳ “thịnh trị” Khang Hy-Ung Chính-Càn Long, đánh dấu với sự gia tăng dân số gấp đôi từ 150 triệu lên hơn 300 triệu (từ năm 1700 đến năm 1800), dẫn đến nhu cầu lương thực gia tăng mạnh dọc theo duyên hải từ Quảng Đông lên Phúc Kiến. Các cuộc di cư xuống phía Nam buôn bán và nhập khẩu gạo đều hướng đến hai đồng bằng là Mekong và Chao Phraya, trong thời kỳ được gọi là “thế kỷ người Hoa” ở Đông Nam Á (1740-1840) (Anthony Reid 2004). Hà Tiên nằm ở trung tâm của hai vùng cung cấp lúa gạo chủ đạo ở Đông Nam Á. Với vị trí đó, Hà Tiên đóng vai trò là một trong những hải cảng quan trọng nhất ở Đông Nam Á thế kỷ XVIII, theo đề xuất của Li Tana và Paul A. Van Dyke trong khảo cứu của họ về hệ thống trao đổi giữa Quảng Châu và biển Đông (2007). Bảng dưới đây cung cấp số liệu về lượng thiếc nhập khẩu của Quảng Châu từ Đông Nam Á. Hà Tiên ở đây xuất hiện với tên gọi “Cancao” (Bảng 1).
Bảng 1. Nhập khẩu thiếc của Quảng Châu từ Đông Nam Á, 1758-1774. Đơn vị: piculs: 60.479 kg. Nguồn: Li Tana và Paul A. Van Dyke 2007.
Phần mô tả về Hà Tiên trong bản đồ Châu Á của Pierre M. Lapie. Nguồn: Atlas Universel De Geographie Ancienne Et Moderne, Paris : Eymery Fruger et Cie, [1833].
Nguồn thiếc này, theo gợi ý của sử gia Barbara W. Andaya (ĐH Hawaii) trong công trình nghiên cứu về lịch sử đảo Sumatra thế kỷ XVIII, là đến từ Palembang và Bangka – các trung tâm sản xuất thiếc lớn nhất ở Đông Nam Á sơ kỳ hiện đại (Andaya 1993, Reid 2004). Không chỉ là điểm trung chuyển như ghi chép của các thuyền Hà Lan thường xuyên ghé qua Hà Tiên, lấy hạt tiêu đổi muối và gạo, Hà Tiên còn là đầu mối thông thương của hạ lưu Mekong ở thế kỷ XVIII. Không chỉ kết nối với vùng núi Đậu Khấu, cao nguyên ở Lào và Cambodia, mà còn hệ thống thương mại dọc theo các kênh rạch và vùng ngập nước bờ Tây sông Hậu. Giáo sĩ người Pháp Levavasseur đã đi qua các vùng ngập lụt này và thông báo rằng ông ta đã thấy hơn 50 thuyền mành đang trao đổi hàng hóa.
Sức mạnh của một trung tâm giao thương không chỉ cho phép vùng đất này có khả năng đúc tiền riêng, mà còn được biết đến như một huyền thoại về sự thịnh vượng xung quanh biển Đông và vịnh Thailand. Một chỉ dấu chính là việc vùng đất này được biết đến bởi nhiều nhóm người với nhiều tên gọi. Đại Nam Nhất Thống chí gọi vùng đất này là Mang Khảm, Trúc Phiên Thành, Đồng trụ trấn. Người Hoa gọi vùng này là Phương Thành, Cảng Khẩu, Cảng Khẩu Quốc. Tên này có lẽ được phiên lại trong các ghi chép Phương Tây là Cancao, trong khi tên gọi khác là Ponthaimas có lẽ đến từ tiếng Khmer và Thái. Người Khmer gọi vùng đất này là Peam hay Bantay Mas (Bức tường vàng), người Malay gọi là Pantai Mas (Bờ biển Vàng) hay Kuala (Cửa sông), người Thái gọi là Ponthaimas, Phutthaimas hay Ban-Thaay-Mas (Cánh cổng vàng).
Giai đoạn phát triển đỉnh cao của Hà Tiên là giữa những năm 1740 và 1760 sau cuộc đàn áp người Hoa ở Java và tàn phá Ayutthaya của người Miến. Trong các thập kỷ này, Hà Tiên trở thành cảng quan trọng nhất trong vùng vịnh Thailand giao thương với Trung Quốc. Hàng hóa như thiếc, đồng, gạo, hạt tiêu, muối, và sản phẩm rừng là nguồn cung cấp quan trọng cho Quảng Châu.
Sự gắn kết của Hà Tiên vào Việt Nam
Có sự liên hệ tự nhiên đặc biệt giữa Hà Tiên với chính quyền Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Cam kết chính trị và quân sự mạnh mẽ của vùng đất này với Phú Xuân không chỉ trong cuộc chiến tranh với Chân Lạp và Siam, mà còn là công cuộc phục hưng và cuộc chiến tranh 30 năm của Nguyễn Ánh ở vùng hạ lưu Mekong, cũng như đối với việc hoạch định biên cương nhà Nguyễn sau này (xem thêm Tạp chí Tia Sáng số 17 ngày 5/9/2017).
Hà Tiên sớm can dự, thậm chí là trở thành tâm điểm của các cuộc chiến tranh này và gia nhập vào không gian “Việt Nam”. Không chỉ chấp nhận danh hiệu Tổng Binh năm 1708 và Tổng Binh năm 1735, họ Mạc đã trở thành một đồng minh/ chư hầu quan trọng của Đàng Trong trong cuộc tranh chấp quyền lực khu vực. Thực tế là họ Mạc cần chúa Nguyễn để chống lại các cuộc xâm lược thường xuyên của người Thái và Khmer bởi vị thế cực kỳ dễ bị tập kích của Hà Tiên. Người Việt cũng cần kiểm soát vùng đất này như cửa ngõ bảo vệ cho dự án lãnh thổ ở hạ lưu Mekong của mình. Sự gia nhập của Hà Tiên vào Việt Nam vì thế là một quá trình tự nhiên.
Họ Mạc đã tìm cách gắn kết với người Việt bằng nhiều cách thức khác nhau. Mạc Cửu kết hôn với người vợ Việt ở Biên Hòa là Bùi Thị Lẫm, trong khi em gái ông kết hôn với Trần Đại Định (con trai của Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai). Hà Tiên còn tìm kiếm sự kết nối với không gian Việt Nam thông qua góc độ văn hóa, tôn giáo. Sử gia người Singapore, Claudine Ang trong luận án về các dự án văn minh và nhà nước ở vùng biên của Việt Nam (Cornell University 2012) đã làm nổi bật vai trò của những nhân vật như Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ trong việc định hình nên cấu trúc mở rộng của lịch sử Đàng Trong. Đó cũng chính là đóng góp của họ đối với lịch sử hình thành nên hình thể Việt Nam hiện đại. Cũng chính từ những vùng đất trù phú như Hà Tiên, Phú Quốc, Gia Định… mà vương triều Nguyễn được thiết lập năm 1802, triều đại đầu tiên thống nhất lãnh thổ Việt Nam như chúng ta được thừa hưởng ngày nay.
Vai trò của vùng đất này trong việc định hình nên cấu trúc lịch sử Việt Nam sẽ còn tiếp tục ở thế kỷ XIX. Thời kỳ Minh Mệnh, cùng với dự án chính trị thống nhất lãnh thổ là việc xóa bỏ chế độ thế tập cai trị tại các vùng biên và vùng núi sẽ lần đầu tiên biến vùng đất này thành đơn vị hành chính trực thuộc Huế. Trong khi các thủ lĩnh miền núi được thay thế bằng các quan lại miền xuôi do Huế cắt cử thì ở Hà Tiên, xóa bỏ chế độ thế tập của dòng họ Mạc. Từ đây tỉnh Hà Tiên ra đời, nơi ghi dấu ấn các chiến dịch quân sự trên kênh Vĩnh Tế ngăn chặn cuộc xâm lược của Bangkok, và là trung tâm của hệ thống phòng thủ quân sự vùng biên của Việt Nam cả trên bộ lẫn trong vùng Vịnh.
Bản đồ tỉnh Hà Tiên thời Nguyễn. Các yếu tố thể hiện trên bản đồ bao gồm: trụ sở hành chính trong ô vuông: Tỉnh Hà Tiên và Phủ An Biên. Phía bắc tỉnh Hà Tiên giáp gianh địa giới tỉnh An Giang, phía tây giáp Cao Miên và phía nam là đảo Phú Quốc. Nguồn: Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ, EFEO Microfilm, A.1600.
Cuối cùng, Hà Tiên là mảnh ghép sống động và không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của lãnh thổ hình chữ S của nước Việt Nam hiện đại. Lịch sử vốn phức tạp với nhiều tầng bậc và các mối quan hệ đan xen. Hà Tiên là ví dụ đặc sắc cho một thực thể lịch sử như thế. Nổi lên giữa các luồng văn hóa, dòng di cư, thương mại, và xung đột khu vực; để tìm kiếm một phương thức tồn tại, Hà Tiên đã tìm kiếm sự gắn kết vào không gian lịch sử Việt Nam một cách chủ động. Sự tham gia của vùng đất này rõ ràng đã làm gia tăng sự đa dạng của cấu trúc không gian và các diễn trình lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng thì chúng ta tự hào rằng có nhiều cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam hiện đại, và trong sự thống nhất, đa dạng đó, Hà Tiên góp phần tạo dựng nên diện mạo của lãnh thổ Việt Nam. Hà Tiên không chỉ là chặng cuối của quá trình Nam tiến, mà còn là cửa ngõ của Việt Nam mở ra vùng vịnh Thailand và phía Tây.
--------
Tham khảo
David Chandler. A History of Cambodia. Silkworm Books: Chiang Mai, 2000.
Li Tana. Mạc Thiên Thứ (1700–1780): “King of Cambodia”, Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor, edited Ooi Keat Gin. ABC Clio, 2004.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục. Nxb Giáo Dục: HN, 2010.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện. Nxb Thuận Hóa: Huế 2005.
Sakurai,Yumio, and Takako, Kitagawa. “Ha Tien, or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya.” Pp. 150–220 in From Japan to Arabia:Ayutthaya’s Maritime Relations with Asia. Edited by Kennon Breazeale. Bangkok: Foundation for the Promotion of Social Sciences and Humanities Textbooks Project. 1999.
Sellers, Nicholas. The Princes of Hà-Tiên (1682–1867). Brussels: Éditions Thanh Long, 1983.
Trần Kinh Hòa..“Mac Thien Tu and Phrayatakin, a Survey on Their Politics Stand, Conflicts and Background.” Pp. 1534–1575 in VII IAHA Conference Proceedings, vol. 2. Bangkok: Chulalongkorn University Press, 1979.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa: Sài Gòn, 1972
Trương Minh Đạt. Nghiên cứu Hà Tiên. Nxb Trẻ: TP HCM, 2008
Vũ Thế Dinh. Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả. Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Thế Giới, Hà Nội: 2006.
--------
Tham khảo
David Chandler. A History of Cambodia. Silkworm Books: Chiang Mai, 2000.
Li Tana. Mạc Thiên Thứ (1700–1780): “King of Cambodia”, Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor, edited Ooi Keat Gin. ABC Clio, 2004.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục. Nxb Giáo Dục: HN, 2010.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện. Nxb Thuận Hóa: Huế 2005.
Sakurai,Yumio, and Takako, Kitagawa. “Ha Tien, or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya.” Pp. 150–220 in From Japan to Arabia:Ayutthaya’s Maritime Relations with Asia. Edited by Kennon Breazeale. Bangkok: Foundation for the Promotion of Social Sciences and Humanities Textbooks Project. 1999.
Sellers, Nicholas. The Princes of Hà-Tiên (1682–1867). Brussels: Éditions Thanh Long, 1983.
Trần Kinh Hòa..“Mac Thien Tu and Phrayatakin, a Survey on Their Politics Stand, Conflicts and Background.” Pp. 1534–1575 in VII IAHA Conference Proceedings, vol. 2. Bangkok: Chulalongkorn University Press, 1979.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa: Sài Gòn, 1972
Trương Minh Đạt. Nghiên cứu Hà Tiên. Nxb Trẻ: TP HCM, 2008
Vũ Thế Dinh. Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả. Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Thế Giới, Hà Nội: 2006.
0 nhận xét