Bản tin ngày 8/9/2017
Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Đất Việt đưa tin: Ngư dân Quảng Nam tố bị tàu Trung Quốc quấy phá. Ngư dân Trần Phi, chủ tàu QNa-91297, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, kể rằng, tàu của ông cùng các tàu ra khơi theo từng nhóm, nhưng khi đánh bắt cá thì mỗi tàu chia ra từng khu vực.
Ông Trần Phi nói: “Nhiều khi đơn lẻ mà thấy tàu Trung Quốc lừng lững đến quấy phá thì chỉ có cách tìm đường gần nhất tránh thoát và phát tín hiệu cho các tàu gần đó được biết, chủ động tránh xa. Bọn chúng hung hãn lắm, rầm rộ đi trên biển Hoàng Sa, sẵng sàng tấn công ngư dân chúng ta”.
Báo Infonet có bài: Bộ Ngoại giao thông tin thêm về tình hình Biển Đông hiện nay. Thông tin thêm của Bộ Ngoại giao là, khẳng định “quan điểm của Việt Nam vẫn nhất quán với thông cáo đã được gửi đến báo chí ngày 5/9“. Còn hôm nay, nếu Bộ Ngoại giao muốn “thông tin thêm” thì tiếp tục “khẳng định” VN vẫn nhất quán với những thông tin trong buổi họp báo ngày 7/9!
Vẫn tại buổi họp báo: Việt Nam phản hồi về kế hoạch tuần tra Biển Đông của Mỹ. Không rõ buổi họp báo được tổ chức ở đâu, vì Facebook của Bộ Ngoại giao thì mấy năm rồi không cập nhật tin mới, còn website thì mấy tiếng rồi không mở ra được.
Mà Facebook hay website của Bộ Ngoại giao VN có cập nhật được cũng chỉ có vài dòng tin ngắn ngủn, không ghi giờ giấc, địa điểm họp báo, cũng không đăng tải clip họp báo. Website của cơ quan ngoại giao của đất nước, là bộ mặt của một quốc gia, nhưng xem ra còn tệ hơn cổng thông tin điện tử của một cơ quan cấp huyện!
Trang Malaysia 24h đưa tin: Malaysia bắt giữ 2 tàu cá cùng 25 ngư dân Việt Nam tại vùng biển Kuala Terengganu. “Hai tàu cá cùng 25 ngư dân Việt Nam đã bị bắt giữ vì đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Kuala Terengganu của Malaysia vào hôm thứ hai“.
Mời đọc thêm: Việt Nam ủng hộ kế hoạch tuần tra biển Đông của Hoa Kỳ (RFA). – Biển Đông: Nhật-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó với Trung Quốc(RFI). – Chia Dầu Biển Đông? (VT). – Thua kiện, PJICO phải bồi thường 1,5 tỉ đồng cho ngư dân (LĐ). – Cờ Tổ quốc giữa trùng khơi (BP).
Cập nhật tin vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Trang Dân Luận có bài: Đại sứ quán VN tại Séc và ông Hoàng Đình Thắng đã nhúng tay vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh như thế nào? Bài viết đưa ra nhiều chi tiết khó kiểm chứng, nhưng cũng có một số thông tin mà mọi người đều biết, như vai trò của ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên MTTQ Việt Nam, hay vai trò của ông Đào Quốc Oai (trong bài gọi là “Oai đất”), em trai ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của Séc ở Hải Phòng, liên quan tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra sao.
Tác giả Nguyên Đại cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh, các pha trình diễn ngoạn mục dường như chỉ mới bắt đầu. Tác giả viết: “TXT bị bắt sẽ mở đầu cho một cuộc đấu đá nội bộ sâu sắc trong hàng ngũ các đảng viên CS cao cấp tại VN. Vấn đề chỉ là: Chờ, Chạy hoặc Chết. Vở kịch này hứa hẹn nhiều màn hấp dẫn. Trục: TXT, … Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, … Nguyễn Tấn Dũng, có vẻ như sẽ phải đón nhận những cơn bão Trọng trầm trong lịch sử của đảng CSVN”.
Bài tổng hợp của tác giả Hiếu Bá Linh: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Phản ứng của các tổ chức nhân quyền. Ông Ulrich Delius, Giám đốc Tổ chức Nhân quyền GfbV phát biểu: “Thay vì khen ngợi kinh tế nhảy vọt, ca tụng Việt Nam đang trên đường tiến đến dân chủ và trở thành một đối tác chiến lược, thì cần phải nhìn thẳng vào hiện thực nhiều hơn. Nhằm bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, nhà cầm quyền Việt Nam hành xử độc đoán, vi phạm nặng nề những quyền của người dân, không những xảy ra trong nước Việt Nam mà giờ đây xảy ra ngay tại nước Đức này”.
Mời độc giả xem clip của trang Thời Báo phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh:
Dạy thí điểm quyền con người trong trường học
Báo VnExpress có bài: Đưa nội dung quyền con người vào trường học. Hôm 5/9, Thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt nội dung đề án giáo dục, trong đó có nói về quyền con người: “Học sinh từ mẫu giáo đến đại học sẽ được học về bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, quyền công dân theo pháp luật Việt Nam và quốc tế“.
Nhưng trong số 63 tỉnh, thành, chỉ có ba tỉnh, thành, đại diện cho ba miền được học thí điểm về quyền con người trong 4 năm tới! Tại mỗi tỉnh chỉ có hai trường mỗi cấp học, mầm non và phổ thông, được dạy về quyền con người. Và phải đợi tới năm 2025, hy vọng 100% các cơ sở giáo dục trên cả nước sẽ được dạy về quyền con người. Chờ 8 năm nữa, hy vọng người dân sẽ biết mình có được những quyền gì!
Trước khi dạy học sinh về quyền con người, có lẽ chính phủ nên đưa ra đề án mở lớp dạy các quan chức, những người thực thi pháp lực, biết về quyền con người.
Cho dù người dân có ý thức được các quyền mình có, nhưng nếu các nhân viên công lực không biết, thì những người thực thi luật pháp vẫn tiếp tục tước đi quyền con người của người dân, bằng các ép họ “tự tử” khi vào đồn công an, hoặc bức cung, nhục hình khi làm việc với dân. Do vậy, cho dù người dân có biết về quyền con người cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết: “Không biết những lứa học trò sau tôi thì thế nào chứ thế hệ của tôi và trước tôi chắc chắn tìm mỏi mắt không bao giờ thấy được từ ‘nhân quyền’ hay ‘quyền con người’ trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, dù trước đó rất lâu Việt Nam đã tham gia Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, ký rất đều tay các Công ước Quốc tế về Quyền Con người và nhiều lần nhận được khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế về vấn đề giáo dục nhân quyền“.
Nhà báo Phạm Đoan Trang viết: “Tôi chẳng phấn khởi, càng không thấy đây là ‘dấu hiệu gì chăng’ như nhiều bạn đang tự hỏi. Nếu có gì thì đó là dấu hiệu cho thấy lại có cả một bộ sậu nào đấy đã, đang và sắp được ăn bẫm, ăn đủ nhờ đề án ‘đưa nội dung quyền con người vào trường học’ này“.
Quyền con người là đây: Facebooker Lương Dân Lý đã phê thẳng vào văn bản “Thu tiền bảo hiểm học sinh năm học 2017-2018” của trường Tiểu học Hà Nội.
Nhà văn Phạm Đình Trọng có bài: Những lớp người công cụ. Ông viết: “Từ bao giờ ngành giáo dục chỉ chăm chăm biến thế hệ trẻ thành công cụ của chính trị, không biết đến sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của những người thầy là đánh thức những tâm hồn của lớp người đang hình thành nhân cách, gieo những hạt mần nhân văn vào những mảnh hồn được đánh thức đang khát khao cái đẹp, khát khao lí tưởng“.
Tác giả kết luận: “Đất nước với một nền giáo dục không tạo ra những con người sáng tạo chỉ tạo ra những con người công cụ. Đó là đất nước nô lệ, đất nước bị chiếm đóng“.
Nhà giáo Đặng Phước có bài: Tư duy “mũ cối, áo lính” đã làm cho dân tộc Việt Nam tụt lùi với thế giói văn minh! Tác giả cho rằng: “Quân đội nhân dân chính qui tập trung làm kinh tế, nghe nói giặc cướp ngoài Biển Đông thì bỏ chạy té khói, rồi làm màu bắt các cháu học sinh, sinh viên tập quân sự lăn lê bò toài theo chủ trương ‘toàn dân sẵn sàng chiến đấu’.”
Báo Thanh Niên có bài: “Nhập khẩu giáo dục chẳng ‘ngon’ như nhập khẩu thuốc tây đâu!“. Trước thông tin Việt Nam sẽ nghiên cứu ‘nhập khẩu’ chương trình giáo dục của Phần Lan, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường quốc tế Canada, viết: “Còn ta, sau hơn 70 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, chất lượng đội ngũ sư phạm chỉ thấy càng ngày càng xuống dốc và vẫn đứng ngoài lề những chuẩn mực chung của các nền giáo dục tiến bộ. Nhập khẩu giáo dục sẽ chẳng ‘ngon’ như nhập khẩu xăng dầu hay thuốc tây đâu!”
PGS Nguyễn Hữu Hợp, thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, “cần làm trước mắt và trước hết là: đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng GV, quan tâm đến đời sống của GV, giảm sĩ số học sinh. Những điều đó mà không giải quyết được thì đổi mới sẽ khó thành công“.
Nhà báo Huy Đức có bài: Giáo dục: Hỏng hệ thống nhưng nên sửa từ tuyển sinh. Tác giả cho rằng: “Thiếu một triết lý giáo dục thì rất khó cải cách nhưng ngay cả khi đã có triết lý rõ ràng, vẫn phải thiết kế được lộ trình và lựa chọn đúng thứ tự ưu tiên để lộ trình đó thành hiện thực“.
Theo ông: Cần phải trả quyền tuyển sinh cho các trường đại học; Trước khi tính chuyện “nhập khẩu” chương trình giáo dục Bắc Âu, Bộ GD nên mua bản quyền bộ bài thi S.A.T; nên bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia: “Một chương trình được thiết kế giúp trẻ em trở nên, không những là một con người trưởng thành, đủ kỹ năng đối diện với thiên nhiên với xã hội, mà còn có nhận thức của một công dân trách nhiệm“.
Mời đọc thêm: VNEN chưa xong, có nên nhập khẩu giáo dục Phần Lan? (TT). – Đến năm 2025, 100% trường học giảng dạy về quyền con người (TVPL).
Trung Quốc và Việt Nam hợp tác giáo dục
BBC có bài: Chiết Giang đào tạo MBA cho VN bằng chữ Hán (BBC). Bài báo đưa tin: “Đại học Chiết Giang của Trung Quốc và một Viện nghiên cứu tại Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác đào tào bằng cao học quản trị kinh doanh MBA. Sinh viên Việt Nam dự án hệ chính quy “3+1” sẽ học ba năm đầu trong nước để sang năm thứ 4 đến Đại học Công nghiệp Chiết Giang hoàn tất chương trình học tập”.
Tình hình Đồng Tâm
Ông Lê Đình Công có đăng clip về cuộc họp thường kỳ của bà con xã Đồng Tâm. Tại cuộc họp, ông Công tiếp tục khẳng định: Toàn thể nhân dân xã Đông Tâm sẽ kiên quyết giữ đất, vì việc làm của người dân là đúng pháp luật. Mời xem clip:
Đại diện một số dân Đồng Tâm đều khẳng định, đất Đồng Sênh là của dân, không phải đất quốc phòng, chính quyền không thể lấy được. Người dân cũng rất bất bình về việc chính quyền liên tục gửi giấy triệu tập người dân ở đây.
Ông Lê Đình Kình cảnh báo rằng, đã có những người có ý định thủ tiêu ông để cướp đất nông nghiệp Đồng Sênh. Ông Kình đề nghị chính quyền trung ương vào cuộc, tập trung giải quyết, nếu không tình hình sẽ rất phức tạp.
Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: Lễ Vinh danh và trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền năm 2017. Ngày 1/9/2017, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại đã tổ chức Lễ Vinh danh và trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền năm 2017 cho LM An tôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Phú Yên và LM Gioan baotixita Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Song Ngọc.
Trong thông cáo tại buổi Lễ vinh danh, có đoạn: “Trong những tình huống khẩn cấp và trước những xuyên tạc lẫn đe doạ nguy kịch, hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đã dũng cảm dấn thân, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin tôn giáo, bảo vệ công lý và sự thật, bênh vực quyền sống cho người dân bị đe dọa, áp bức”.
Nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết, trang Việt Nam Thời Báo đã bị hack. Hiện vào trang này (ijavn.org) sẽ thấy, nó được rao bán với giá 2.195 Mỹ kim.
Chống tham nhũng hay đang diễn show hài?
Báo Đất Việt có bài: 3 trường hợp kê khai tài sản thiếu trung thực: Không lạ… Trước báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, rằng “năm 2016 có 1.113.422 người kê khai tài sản, 77 người được xác minh, 3 trường hợp thiếu trung thực, trong đó có cả cán bộ cao cấp“, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Tất cả các con số trong báo cáo của nước ta từ trước đến nay không gì kiểm chứng được, rất lâu nay ta vẫn nói câu chuyện liên quan đến tham nhũng, nhưng không có trường hợp nào thanh tra nhà nước phát hiện“.
Còn ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết: “Hiện nay chỉ dừng lại khẩu hiệu, bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính là chính, nhưng dư luận thì quan tâm tài sản đó từ đâu ra, thu hồi hay không thu hồi, trách nhiệm cá nhân, kỷ luật ra sao, đó là vấn đề cần đặt ra và sửa đổi. Đánh giá chung kê khai tài sản không đạt hiệu quả cao chỉ mang tính hình thức“.
Báo Tiền Phong có bài: Kỷ luật 190 cán bộ, đảng viên liên quan tới tham nhũng. Báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định cho biết, từ năm 2011 đến tháng 3/2017 đã xử lý kỷ luật đối với 190 trường hợp sai phạm là cán bộ, đảng viên “để xảy ra tham nhũng và có liên quan tới tham nhũng. Trong đó, 120 trường hợp bị xử lý kỷ luật về Đảng và 70 trường hợp bị xử lý kỷ luật về chính quyền“.
Đại án OceanBank
Báo Pháp luật TP đưa tin: Nóng: Nguyên kế toán trưởng PVN thừa nhận cầm tiền khủng. Cựu kế toán trưởng PVN, ông Ninh Văn Quỳnh, sau nhiều lần thay đổi lời khai, cuối cùng đã khai có nhận 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn để tiêu xài cá nhân, một phần “sử dụng chi cho ban kế toán đi nghỉ mát, số tiền khoảng 1,2 – 1,5 tỉ“.
Bài trên báo Tiền Phong: Hà Văn Thắm ‘xin lại’ ngân hàng bị mua 0 đồng. Ông Hà Văn Thắm nói: “Khoảng tháng 4/2016, khi làm việc với cán bộ điều tra thì bị cáo đề nghị viết thư về cho ngân hàng xử lý nợ thì cán bộ nói ngân hàng của anh bị mua 0 đồng còn đâu. Bị cáo rất mong xem xét lại việc này, bị cáo viết giải trình ngày 13/10, đã có 8.000 tỷ thu hồi được (trong số 15.000 tỷ nợ xấu – PV). Trước đó, bị cáo xin 8 tháng để đưa OceanBank về bình thường, thậm chí có cổ đông đã muốn mua 800 tỷ của PVN tức không bị lỗ. Rất mong HĐXX xem xét cho bị cáo và các cổ đông khác”.
Mời đọc thêm: Xét xử đại án OceanBank: Hà Văn Thắm đã kiểm soát Nguyễn Xuân Sơn? (TN). – Nguyên phó TGĐ PVN bất ngờ khai nhận 20 tỷ từ Nguyễn Xuân Sơn(Zing). – Đại án Oceanbank: 3 cựu sếp đối chất về những túi quà tiền tỷ (VNN). – Đại án OceanBank: Cấp trên xách 20 tỷ đi … biếu cấp dưới? (LĐ). – Đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm đứng ra ‘bảo vệ’ các bóng hồng (VNN). – Đại án Oceanbank: Ninh Văn Quỳnh xin nộp lại 20 tỷ (VNN).
Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Trang Web Chính phủ có bài: Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc của Cty VN Pharma. Bài viết cho biết: “Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và việc trúng thầu cung cấp thuốc của Công ty cổ phần VN Pharma“.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ “tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma trước khi xảy ra vụ án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2017“.
Blog của nhà báo Kỳ Duyên có bài: Vụ việc này không có người “bên trong” của VN Pharma tố ra với công an thì chẳng ai biết được. Tác giả cho biết: “chỉ cần một điều kiện duy nhất THUỐC KHÔNG CÓ NGUỒN GỐC XUẤT XỨ LÀ ĐỦ CƠ SỞ ĐỂ KHẲNG ĐỊNH ĐÓ LÀ THUỐC GIẢ“.
Tác giả Nguyễn Hải Đình cho rằng, ông đồng ý với ý kiến của PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan: “Tôi nói thật, nếu vụ việc này không có người bên trong của VN Pharma tố ra ngoài với công an thì chẳng ai biết được”.
Cập nhật tin các dự án BOT
VOA có bài: Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế. Bài viết nói về ý kiến của PGS. TS. Phạm Quý Thọ trên BBC tuần qua, cho biết phản kháng BOT Cai Lậy, chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực ở VN đã lên đến cao điểm.
“BOT lại là ổ của tham nhũng. Vì thế báo chí trong nước dường như được đảng Cộng sản cho phép nhanh chóng đưa hầu hết các thông tin về BOT. Qua các thông tin chính thống dễ dàng cho chúng ta nhận ra một hình ảnh vỡ nợ đang bao trùm mạng lưới BOT. Và các khoản nợ BOT tiềm ẩn này sẽ là nỗi “bất ổn thể chế” trong những ngày sắp tới“.
Báo Dân Trí có bài: Công an gặp gỡ lắng nghe tâm tư các tài xế trả tiền lẻ tại trạm Cai Lậy. Đại tá Trương Văn Sáng, trưởng Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Việc người dân dùng tiền lẻ thanh toán tiền vé khi qua trạm thu phí BOT pháp luật không cấm. Vì vậy việc một số báo mạng dùng từ công an mời tài xế lên làm việc là không đúng, vì họ đâu có vi phạm pháp luật”.
Ông Sáng nói rằng, “việc công an có mặt ở trạm thu phí là để đảm bảo an ninh trật tự chứ không phải để xử lý việc tài xế đưa tiền lẻ gây ách tắc giao thông“.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Điều tra dấu hiệu gây rối vụ tài xế trả phí bằng tiền lẻ. Ông Đỗ Đình Hào, giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên nói: “Trong vụ việc này có dấu hiệu việc cố tình gây rối trật tự. Theo Bộ Luật hình sự nếu gây rối gây ách tắch giao thông từ 2 tiếng trở lên sẽ xử lý về mặt hình sự. Chúng tôi đang tiến hành điều tra việc này, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án“.
Báo Tiền Phong đưa tin: Kết luận thanh tra các dự án BOT của Bộ GTVT: Phê duyệt sai hàng trăm tỷ. Thanh tra Chính phủ công bố: “qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng hơn 451,5 tỷ đồng“.
Mời đọc thêm: Ông Nguyễn Đức Kiên: BOT không ảnh hưởng đến người nghèo đi xe máy (infonet). – Trạm BOT quốc lộ 5 “gồng mình” đối phó tài xế dùng “chiêu” tiền lẻ (DT). – Nóng trạm thu phí BOT: Bộ GTVT đã làm gì trong những ngày qua?(VOV). – Bộ GTVT tiếp tục lý giải về vị trí trạm Cai Lậy (PLTP).
Nhức nhối Cảnh sát Giao thông ăn hối lộ
Báo Tuổi Trẻ có phóng sự: Cảnh sát giao thông ‘làm luật’ ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Quy trình ăn hối lộ này được lặp đi lặp lại: “CSGT dừng xe; lái xe móc bóp, đưa giấy tờ và tiền; CSGT lấy cuốn sổ công tác che lại, luồn tay vào xấp giấy tờ lấy tiền, kẹp vào cuốn sổ hoặc vo tròn trong lòng bàn tay, đút túi quần rồi trả lại giấy tờ“.
Bài báo cho biết thêm: “Trong số hàng chục xe máy, ôtô bị ra tín hiệu dừng xe, chỉ có một ôtô bảy chỗ bị tạm giữ. Rất ít trường hợp bị lập biên bản“.
Mời xem clip do báo Tuổi Trẻ thực hiện: “CSGT ngang nhiên thò tay lấy tiền từ ví người đi đường”:
Báo Người Lao Động có bài: Bị đuổi đánh vì quay clip CSGT đang làm việc. Một clip trên mạng mô tả lại cảnh 2 CSGT đang xử lý người vi phạm vào ngày 6/9. Một người đàn ông có nhiệm vụ quan sát, khi thấy có người sử dụng máy quay ghi hình, người đàn ông này liền điều khiển xe máy mang BKS 74B1-07288 “chạy theo chặn xe và có hành vi đuổi, đánh đề nghị xóa clip“.
Thông tin trong bài cho biết, người đàn ông nói trên, trước đó “hay xuất hiện cùng lực lượng CSGT khi đang thực thi nhiệm vụ“.
Mời xem clip:
Xử lý bùn thải ở nhà máy Vĩnh Tân
Báo VnExpress có bài: Đề xuất ba giai đoạn xử lý bùn ở Nhiệt điện Vĩnh Tân. Theo bài báo, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo vừa đệ trình phương án nạo vét bùn thải theo 3 giai đoạn cho lãnh đạo Bộ Công thương.
Theo phương án này, giai đoạn 1 bùn thải sẽ được “đổ vào cảng than và luồng dẫn, vũng quay tàu cảng nhập than“. Giai đoạn 2, bùn thải được Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 “chuẩn bị bãi chứa hoặc nhận chìm“. Giai đoạn 3 thì “EVN chuẩn bị bãi đổ hoặc nhận chìm“.
Tin liên quan đến ông Võ Kim Cự. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Võ Kim Cự làm phó Ban chỉ đạo đổi mới phát triển hợp tác xã. Bài báo đưa tin, ông Cự sẽ là phó Ban chỉ đạo, mặc dù ông ta “vừa bị Ban bí thư cách chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 do có nhiều các sai phạm liên quan đến sự cố Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung.”
Ông Cự là người “đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định…”
Nạn xâm hại tình dục và trách nhiệm của công bộc
Nhà báo Bạch Hoàn có bài: Một lũ người vô dụng! Bà Hoàn viết: “Mỗi lần đọc lá đơn xin từ bỏ tự do vì thấy ngang trái và bế tắc của người phụ nữ khốn khổ kia, tôi đều tự hỏi, Hội phụ nữ Việt Nam, với 5 người lãnh đạo hội đều là phụ nữ, họ đã ở đâu, đã làm cái gì trong suốt những ngày qua?”
Bà Hoàn nhận định: “Hội phụ nữ Việt Nam, mỗi năm tiêu xài hết 155 tỉ đồng tiền ngân sách. Từng đồng, từng cắc đều là mồ hôi của nhân dân, là xương máu của nhân dân, mà ở đó có những giọt nước mắt mặn đắng của người phụ nữ. Tiêu xài những đồng tiền ấy mà lại vô cảm như vậy sao? Không, nói đúng hơn là vô dụng đến vậy hay sao?”
Nhà báo Phạm Việt Thắng có bài: Chị là một người mẹ vĩ đại. “Không khởi tố vụ án vì cho rằng chị L đồng tình cho tên A quan hệ là thêm một lần nữa chị L bị làm nhục, bị đẩy vào vòng tai tiếng nhơ bẩn… Xin đi tù vì như kết luận của công an thì chị là loại điếm đàng sao? Xin đi tù vì chị đã không còn tin vào công lí, không còn tin vào cuộc sống. Mà khi không còn niềm tin thì tự do cũng còn có nghĩa lí gì“.
LS Lê Ngọc Luân có bài: Vụ án xâm hại trẻ em Vũng Tàu – Công lý dần về với các cháu. Ông Luân cho biết, hôm qua ông có buổi làm việc trực tiếp với cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát TP Vũng Tàu. Ông đã thấy Bản Kết luận Điều tra, chụp lại và đọc. Viện Kiểm đã xong dự thảo cáo trạng, chuẩn bị chuyển hồ sơ qua tòa án, để xét xử ông Nguyễn Khắc Thủy.
Mời nghe lại clip bé Trương Nam Thi, sinh ngày 3/12/2009, kể lại chuyện bé bị ông già xâm hại:
Cũng chuyện hiếp dâm trẻ em, báo Zing đưa tin: Cụ ông 79 tuổi trả giá 8 năm tù vì ‘làm bậy’ với bé 3 tuổi. Sự việc xảy ra gần 2 năm trước, ở huyện Ba Vì, Hà Nội, gây xôn xao dư luận, khi ông Nguyễn Danh Vĩnh, 79 tuổi, dụ dỗ một đứa trẻ mới hơn 3 tuổi, để hiếp dâm. Mời đọc thêm: Con trai bị cáo 79 tuổi phạm tội hiếp dâm: “Nghĩ đi nghĩ lại ông vẫn là bố đẻ mình…”
Mời xem clip, anh B.T.M, bố của cháu bé B.N.B.N, nạn nhân của vụ hiếp dâm, kể lại những ngày tháng khó khăn mà con anh đã trải qua:
Liệu Vingroup có sản xuất được ô tô?
VOA có bài: VINFAST – giấc mơ ô tô Việt trong tầm tay hay xa vời? Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hải, một người làm marketing cho Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, nói: “Sự hiện diện của các nhà cung cấp ở Việt Nam rất nhỏ lẻ, không đáng bao nhiêu so với quy mô để sản xuất xe hơi. Tôi nghĩ con số các nhà cung cấp hiện tại ở Việt Nam rất khó để đáp ứng cho một nhãn hiệu xe hơi sản xuất từ A tới Z”.
Ông Trần Khắc Huy, giám đốc kỹ thuật của Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, cho biết: “Ngay cả những hãng gạo cội về sản xuất xe hơi, nếu gây dựng một nhà máy hoàn toàn mới ở một thị trường hoàn toàn mới với điều kiện hạ tầng, rồi công nghiệp phụ trợ như Việt Nam, thì tôi cũng không tin trong 24 tháng người ta có thể làm được. Cho nên, khả năng thành công của Vin, theo tôi, rất là thấp”.
Chết, nhớ báo trước 3 ngày!
Báo tuổi Trẻ có bài: Bi hài quy định ‘nhà có người chết báo trước 3 ngày’. “Nhà có người chết, hay bị tai nạn phải báo trước ba ngày, ốm đau cũng phải lên lịch trước mới được nghỉ…” là những quy định của lãnh đạo Công ty TNHH S&H Vina Thanh Hóa, khiến 6.000 công nhân đình công.
Hai ngày qua, hàng ngàn công nhân của Công ty TNHH S&H Vina đã đình công để phản đối lãnh đạo công ty đưa ra những quy định vô lý, cũng như thiếu tôn trọng người lao động, như thiếu tôn trọng công nhân. Hiện viên quản đốc xúc phạm công nhân hôm 6/9 đã bị sa thải.
Mời đọc thêm: Thanh Hóa: Hàng nghìn công nhân đình công, vây kín công ty đòi quyền lợi (Infonet). – 6.000 công nhân đình công vì cho rằng công ty ‘thiếu tình người’ (Zing). – Vụ hơn 6.000 công nhân đình công tại Thanh Hóa: Liên đoàn lao động tỉnh vào cuộc (DT).
Tin quốc tế
Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI cho biết, Quốc tế chuẩn bị tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên. Trong một dự thảo trình bày ngày 06/09 trước 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Hoa Kỳ muốn cấm vận dầu hỏa Bắc Hàn và cấm mua hàng may mặc của nước này. Hãng tin AFP cho biết, Washington cũng muốn phong tỏa tài sản do Kim Jong Un trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát và chấm dứt nguồn thu của lao động Bắc Hàn trên khắp thế giới.
Về phản ứng của các nước thì Mỹ, Nhật, Nam Hàn và Liên hiệp châu Âu tương đối có cùng quan điểm: gia tăng mức trừng phạt cao nhất có thể. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe quả quyết: “Gây sức ép mạnh nhất có thể”. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, ông Federica Mogherini khẳng định: “Đường lối của châu Âu rất rõ về vấn đề này: gia tăng sức ép kinh tế, gia tăng sức ép ngoại giao và đoàn kết với các đối tác trong vùng và quốc tế”.
Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị yêu cầu Hội đồng Bảo an, “Phải phản ứng hơn nữa bằng cách thông qua những biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, trừng phạt và gây sức ép chỉ là một nửa biện pháp chủ chốt để giải quyết. Nửa còn lại thông qua con đường đối thoại và đàm phán”. RFA có bài: Trung Quốc ủng hộ Hội Đồng Bảo An LHQ tăng mức độ cấm vận với Bắc Hàn.
Nga và Trung Quốc có lập trường gần như giống nhau, vẫn lên án mạnh mẽ Bắc Hàn nhưng kèm theo là lời can ngăn không nên quyết liệt quá. BBC có bài: Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’.
Đúng như thế, đã qua biết bao trừng phạt kinh tế, ngoại giao nhưng Bắc Hàn càng ngày càng tiến lên vị thế cường quốc hạt nhân. Tuy vậy, Trung Quốc và Nga cùng kêu gọi cần có thêm đối thoại. Nhưng đối với Mỹ, Nhật và Nam Hàn thì có vẻ dứt khoát hơn.
RFI có bài phân tích về hiệu quả của việc cấm vận dầu hỏa Bắc Hàn và liệu có thể thực hiện được không: Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên: Một chiến lược hiệu quả? Theo giới chuyên gia, đây sẽ là “một đòn chí mạng” nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh. Trên thực tế, Bắc Hàn hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng bao nhiêu.
Theo giới quan sát, đòn trừng phạt này khó có thể được Trung Quốc thông qua, bởi lý do cắt nguồn cung cấp dầu hỏa có nguy cơ làm chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Kịch bản này khiến Bắc Kinh sợ “tái mặt”. Khi Bình Nhưỡng sụp đổ, Nam – Bắc Hàn thống nhất, Trung Quốc không người anh em Bắc Hàn luôn làm cho Mỹ và các nước xung quanh đứng tim, để mặc cả với Mỹ và nhất là sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc, càng làm cho nước này sợ hãi.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là, liệu Hoa Kỳ có dám làm tới không, khi năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc là 115,6 tỷ đô la? Báo Người Việt có bài: Mỹ muốn cấm Bắc Hàn xuất cảng hàng dệt và nhập cảng dầu.
Có lẽ dự đoán của các nhà phân tích có phần đúng. Hôm nay cơn khủng hoảng bắt đầu hạ nhiệt sau khi TT Trump điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. RFI loan tin: Khủng hoảng Bắc Triều Tiên: Tổng thống Mỹ xuống giọng. Ông Trump khẳng định, tấn công Bắc Hàn hiện tại không phải là “lựa chọn số một. Tôi cho rằng chủ tịch Tập đồng ý với tôi 100%”.
Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Chuyện điều tra về Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ năm 2016 vẫn tiếp diễn. Hôm nay, Facebook phát hiện một chiến dịch do Nga tài trợ nhằm thúc đẩy các thông điệp chia rẽ về chính trị và xã hội trên Facebook.
BBC đưa tin: Facebook: ‘Nga chi tiền phát tán thông tin sai’. Facebook cho biết, Nga chi khoảng 100,000 USD cho khoảng 3.000 quảng cáo trong một khoảng thời gian hai năm và ngưng vào tháng 5 năm 2017: “Các quảng cáo và tài khoản dường như tập trung vào các thông điệp xã hội và chính trị gây chia rẽ trên bình diện tư tưởng”.
Mời đọc thêm: Facebook: Nhiều tài khoản từ Nga mua quảng cáo trong đợt bầu cử Mỹ (VOA).
Trump và di dân
Vấn đề di dân của Mỹ trở nên sôi động trở lại với việc TT Trump bãi bỏ chương trình DACA, do cựu TT Obama đưa ra năm 2012. Chương trình DACA nhằm giúp cho số di dân bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ tuổi, được hưởng những điều kiện xã hội như đi làm, đi học nhưng không được quyền công dân.
Vấn đề này, hiện khi chưa có luật do Quốc hội ban hành, vẫn được xem là vấn đề nhân đạo, nên có thể bị bãi bỏ. Tuy nhiên, 15 tiểu bang và thủ đô Washington DC ngày 6/9 nộp đã nộp đơn kiện Tổng thống Donald Trump. VOA đưa tin: Trump bị kiện vì xóa sổ chương trình di dân DACA. Với lý lẽ, “kinh tế của các tiểu bang nguyên đơn sẽ bị tổn hại nếu cư dân trong bang bị mất tình trạng hợp lệ”.
Mời đọc thêm: Bùng nổ tranh cãi pháp lý khi Trump bỏ DACA –– Tìm hiểu về chương trình bảo vệ di dân bị Trump xóa sổ (VOA).
Cũng tin về nội bộ nước Mỹ, phải chăng Bộ Ngoại Giao Mỹ đang khủng hoảng? VOA cho hay: Nhóm chuyên gia đề xuất cải cách Bộ Ngoại giao Mỹ. Dân biểu Cộng Hòa, ông Ed Royce kêu gọi: “Ngoại trưởng Rex Tillerson hành động nhanh chóng để đưa người vào các chức vụ cấp cao còn trống, cả ở Bộ Ngoại giao lẫn tại các đại sứ quán Hoa Kỳ trên toàn thế giới”.
Mỹ trong cơn giông bão
Cơn bão Harvey vừa đi ngang qua Texas gây thiệt hại lên đến 180 tỷ đô la, nhưng thiệt hại do cơn bão này gây ra vẫn chưa tính hết. VOA cho biết: Texas: nước lũ rút, bệnh phát sinh. Bài viết có đoạn: “Các loại nước thải và vi khuẩn trong phân đã được phát hiện trong các mẫu nước lấy từ vùng lũ sau bão Hurvey ở thành phố Houston. Một số mẫu nước cho thấy vi khuẩn E. coli, một loại vi khuẩn tìm thấy trong phân động vật và phân người, cao gấp 125 lần so với chuẩn an toàn cho bơi lội”.
Tiến sĩ Samuel Dorevitch, Đại học Illinois nói: “Những nguy cơ về sức khoẻ cộng đồng sau bão Harvey còn kéo dài hơn tình trạng ngập lụt và mưa lũ bây giờ. Mối lo liên quan tới muỗi và mầm bệnh trong nước đọng, đặc biệt trong các chai lọ. Mốc meo phát sinh trong những căn nhà bị ngập cũng là một mối lo khác”.
Trong khi đó, ở tiểu bang Florida, bão Irma, một cơn bão cấp 5, cấp mạnh nhất, đang đe dọa TP Miami và dự đoán trung tâm bão sẽ đi ngang thành phố này. VOA cho biết, nơi bão Irma đang tàn phá hiện nay: Bão Irma tiếp tục hoành hành tại Caribe, 9 người chết. “Các nhà dự báo khí tượng cho biết trong vài ngày tới bão Irma vẫn là một cơn bão mạnh, với sức gió duy trì ở mức 295 km/giờ”.
Mời đọc thêm: Bão Irma: 10 người thiệt mạng tại Caribbean, tăng mức đe dọa Florida (NV).
Phải chăng những cơn bão dự dội trên thế giới gần đây là do tình trạng trái đất nóng lên? RFI có bài tìm hiểu: Bão ngày càng dữ dội: Do biến đổi khí hậu?
Nhà khí hậu học Valérie Messon-Delmotte, một thành viên của GIEC, nói rằng: “Các cơn bão có cường độ mạnh hơn chính là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu”. Bà Messon-Delmotte giải thích: “Nhiệt độ của nước và độ ẩm càng cao, thì bão càng dữ dội hơn, mà hai yếu tố đó tăng cao chính là do hậu quả của hiệu ứng lồng kính. Nhiệt độ Trái đất cứ tăng thêm 1°C thì độ ẩm trên đại dương lại tăng thêm 7%”.
Chiến tranh Ấn – Trung?
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc làm cho quân đội Ấn Độ bừng tỉnh. RFA đưa tin: Tư lệnh Quân đội Ấn Độ: “Có thể xảy ra chiến tranh với Trung Quốc”. Tướng Bipin Rawat, Tư lệnh Quân đội Ấn, tuyên bố: “Ấn Độ không nên tự mãn mà phải chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện có thể sẽ xảy ra với Trung Quốc”.
Khủng hoảng Rohingya
Khủng hoảng ở bang Rohingya vẫn tiếp diễn. BBC đưa tin: Khủng hoảng Rohingya: Myanmar ‘đặt mìn dọc biên giới’. Bài báo viết: “Một quan chức cấp cao ở Bangladesh nói họ tin rằng các lực lượng chính phủ Myanmar đang tiến hành các vụ đặt mìn để ngăn chặn người Rohingya quay trở lại làng của họ. Theo BBC, có ít nhất ba người bị thương do mìn gây ra trong tuần này”.
Thảm kịch thanh trừng sắc tộc ở Myanma đang làm cho LHQ phải lo. RFI có bài: LHQ: Sẽ phải cứu trợ cho 300.000 người tị nạn Rohingya. Theo Reuters, tổng số dân tị nạn ước tính từ 120.000 đến 300.000. Còn đại diện Chương Trình Lương Thực Thế Giới, cho biết: “Những người tị nạn đến nơi trong tình trạng suy kiệt,… họ không những hết sức đói mà còn rất hoảng sợ”.
Tuy Myanma có chính quyền dân chủ nhưng giới quân đội vẫn còn rất nhiều quyền lực. Hiện giới quân sự nắm ba bộ lớn trong chính quyền, kiểm soát quân đội, cảnh sát và biên phòng, cùng với một phần tư ghế trong Quốc Hội. Điều này làm cho, phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện.
Bài báo của RFI viết: “Có một thỏa thuận ngầm trong dân chúng về việc vấn đề người Rohingya sẽ chỉ được giải quyết bằng cách trục xuất cộng đồng này hoặc cách ly họ, đẩy họ ra ngoài lề xã hội. Một số đông trong chính giới, cả những người thuộc đảng dân chủ, cũng đồng ý về điểm trên. Chính vì thế, rất khó đi ngược lại xu hướng đó. Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi biết rõ điều này.”
Sau những tuyên bố hôm 6/9/2017 của bà Suu Kyi mà các cơ quan bảo vệ nhân quyền cho là “vô trách nhiệm”, RFA loan tin tốt hôm nay: Myanmar đang cố gắng bảo vệ tất cả người cư ngụ trong bang Rakhine. “Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi Giáo và quân đội quốc gia”.
Vài dòng thông tin về Miến Điện: Miến Điện là một quốc gia với hơn 130 sắc tộc, trong đó có hơn 90% dân số theo Phật Giáo, người theo đạo Hồi ít hơn 5%. Các thành phần Phật Giáo cực đoan, có quan điểm chống Hồi Giáo, rất có ảnh hưởng. Đa số dân chúng lại tin rằng dân Rohingya là người nước ngoài, đến từ nước láng giềng Bangladesh.
Nhân quyền ở Hong Kong
RFA đưa tin: Sinh viên Hong Kong phản đối chính quyền đàn áp quyền tự do phát biểu ý kiến. Có vẻ như Hồng Kông dưới sự cai quản của Trung Quốc ngày càng biến dạng từ “hai thể chế” để đi đến sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản. Chỉ có giới sinh viên học sinh vẫn kiên trì chống lại diễn tiến này.
Bài viết có đoạn: “Hiệp hội sinh viên Hong Kong hôm 7 tháng 9 lên tiếng phản đối việc các trường đại học tại Hong Kong đã đàn áp quyền tự do phát biểu ý kiến của sinh viên khi tháo dỡ những băng rôn biểu ngữ kêu gọi độc lập khỏi Trung Quốc”.
Trung Quốc xử người Đài Loan
Những ai đến đất nước cộng sản như Trung Quốc cần lưu ý: tự do ngôn luận không chỉ bị Trung Quốc cấm trên lãnh thổ Trung Quốc mà còn bị cấm ở khắp thế giới.
RFA đưa tin về một nhân viên tổ chức phi chính phủ sắp bị đem ra xử: Trung Quốc sắp xét xử một người Đài Loan vì an ninh quốc gia. Bài báo cho biết: “Một nhà hoạt động xã hội của Đài Loan là Lee Ming-cheh sẽ phải hầu tòa tại Trung Quốc sau khi bị giam giữ mà không được liên hệ với gia đình trong suốt hơn 170 ngày”.
Trung Quốc
Thêm tin về Trung Quốc, VOA có bài bình luận về việc Trung Quốc bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á. Có thể những vũ khí này sẽ được dùng để chống lại Trung Quốc: Trung Quốc bán vũ khí cho châu Á: gậy ông đập lưng ông?
Cũng liên quan tới Trung Quốc, RFI có bài bình luận về vị thế cường quốc thế giới của Trung Quốc trong tương lai thế nào? Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang mong muốn trở thành cường quốc số một, thay mặt Mỹ, nhưng “Trung Quốc đang đứng trước những thử thách ghê gớm, từ ô nhiễm môi trường đến quy hoạch đô thị và phát triển thị trường nội địa.” Và so với Mỹ, TQ vẫn còn thua xa nhưng may mắn cho họ, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại sẽ giúp tạo ra những khoảng trống cơ hội cho Trung Quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu quá lộ liễu trong tham vọng bá chủ thế giới, Trung Quốc có thể sẽ gặp phản ứng mạnh từ Mỹ, làm cho Mỹ đổi chiều trở lại chính sách ngăn chặn Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc cũng có lý do để không lợi dụng cơ hội Mỹ co cụm, do tình thế hiện nay có lợi cho Trung Quốc, theo nghĩa Bắc Kinh giả vờ tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường, nhưng bảo hộ mậu dịch để dành lợi thế làm giàu và gây tổn hại cho người lao động Mỹ.
Dân số châu Á đang già đi
Dân số già đi là hệ quả của sự phát triển kinh tế giúp nâng cao đời sống con người và tận dụng mọi năng lực lao động gồm có phụ nữ, nên chỉ số sinh sản giảm đi. Trong khi đó, điều kiện y tế đầy đủ hơn giúp con người tăng thêm tuổi thọ. Châu Á hiện đang đi theo con đường của châu Âu hay Mỹ.
RFA có bài: IMF cảnh báo dân số già nhanh ở châu Á làm chậm phát triển kinh tế. Bài báo viết: “Các nước có dân số già nhanh nhất ở châu Á bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn và Thái Lan. Nghiên cứu mới của IMF cho thấy dân số châu Á đang già nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới với Nhật bản là nước đi đầu với 28% dân số ở độ tuổi 65 hoặc hơn. 1/5 dân số Nam Hàn cũng được xác định sẽ đến tuổi 65 chậm nhất là đến năm 2030”. Báo Người Việt: Dân số lão hóa sẽ khiến Á Châu già trước khi giàu’.
Philippines: Con tin Abu Sayyaf chạy thoát
Về tổ chức khủng bố từng chặt đầu hai thủy thủ Việt Nam, VOA đưa tin: Thêm 2 con tin thoát khỏi tay Abu Sayyaf. “Hai con tin người Indonesia bị Abu Sayyaf bắt cóc cùng đợt với nhóm thuyền viên người Việt vừa trốn thoát khỏi tay nhóm khủng bố khét tiếng”.
RFA cũng đưa tin: Hai con tin người Indonesia trốn thoát khỏi Abu Sayyaf. Bài báo có đoạn: “Tướng Sobejana còn cho biết thêm có vẻ 2 thuyền viên quốc tịch Indonesia đã được nhóm phiến quân Abu Sayyaf trả tự do khoảng 30 phút trước khi binh sĩ Phi phát hiện, nhưng ông nói rằng không rõ họ có trả tiền chuộc hay không”.
Tình hình Trung Đông
Israel không kích địa điểm nghi có liên hệ với vũ khí hóa học ở Syria. VOA cho biết: “Quân đội Syria nói Israel sáng sớm thứ Năm 7/9 đã tấn công một khu quân sự ở tỉnh Hama mà một tổ chức giám sát chiến tranh nói có thể liên hệ tới hoạt động sản xuất vũ khí hóa học”.
Mỹ gia tăng chiến dịch chống Taliban. Người Việt đưa tin: Hoa Kỳ gửi thêm 3,500 quân sang Afghanistan.
Mời đọc thêm tin quốc tế: ‘Hoàng tử bé’ nước Anh đến trường –– Tòa Tối cao Úc cho phép biểu quyết về hôn nhân đồng tính (VOA). – Bộ trưởng Quốc Phòng châu Âu họp về tương lai an ninh (RFI). – Di dân: Tư pháp châu Âu bác đơn kiện của Hungary và Slovakia (RFI). – Amazon tìm địa điểm cho trụ sở thứ hai, kinh phí 5 tỷ đôla (VOA).
0 nhận xét