Bản tin Biển Đông ngày 21/09
- Ngày đăng 22-09-2017
- BDN
Bản tin Biển Đông ngày 21/09/2017.
Các công ty năng lượng đang hoạt động ở Biển Đông hiện đang đối diện với hai lựa chọn: đối đầu hoặc nhượng bộ Bắc Kinh
Ngày 21/9, hãng CNBC trích dẫn đánh giá của một chuyên gia nghiên cứu rằng “quyết tâm dùng quân sự của Trung Quốc để gây sức ép ở Biển Đông là một diễn biến đáng lo ngại đối với các công ty năng lượng dầu khí có lợi ích tại khu vực”
Cụ thể, ngày 20/9, ông Hugo Brennan, một chuyên gia phân tích về vấn đề Châu Á thuộc Công ty phân tích rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft khẳng định việc chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình áp dụng “đòn trả đũa quân sự” để gây hấn là “hành động leo thang đáng lo ngại” và cảnh báo nhiều khả năng nước này có thể sẽ tiếp tục gây sức ép đối với các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở khu vực. Ông Brennan cho biết thêm, trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông, các công ty năng lượng được những quốc gia tranh chấp trao quyền thăm dò ở các vùng biển tranh chấp sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Trung Quốc. Thậm chí, nếu có bất kỳ quốc gia nào phớt lờ sự phản đối đó, Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa ra các biện pháp gây hấn trên thực địa hay gạt bỏ quốc gia đó ra khỏi thị trường Trung Quốc và đưa ra đe dọa cảnh cáo đối với nhân viên cũng như tài sản của công ty đó. Ông cũng nhấn mạnh “các công ty cũng cần đánh giá quyết tâm đối phó với Trung Quốc của các nước Đông Nam Á. Nếu không, các công ty có quyền khai thác các lô dầu khí ở các vùng biển tranh chấp có thể thấy rằng họ như bị ngăn khỏi việc thực thi các quyền của mình do một số quốc gia ven biển lo ngại việc sẽ gây ra căng thẳng”
Mặt khác, ông Brennan cho rằng dù Trung Quốc có tìm cách ngăn chặn các nước khác khai thác tài nguyên ở các vùng biển trong phạm vi của yêu sách phi lý “đường chín đoạn” thì “việc khai thác các tài nguyên này cũng chưa có gì phải vội vàng” vì “71,2% tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trong phạm vi đường chín đoạn hiện chưa được xem là có giá trị về mặt thương mại”
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng “việc không tách bạch giữa các hoạt động thương mại và hoạt động hàng hải theo cách này sẽ khiến tài nguyên dầu khí trở thành mục tiêu của mọi cuộc đối đầu quân sự”
Ý kiến học giả quốc tế: Ấn Độ, Nhật Bản dự kiến tăng cường hoạt động hàng hải để chống lại Trung Quốc
Ngày 20/9, trang New Delhi Times cho biết, theo ý kiến của một số chuyên gia quốc tế, Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm đối phó và kiềm chế “Người Khổng lồ Châu Á” Trung Quốc có thể sẽ đưa các tàu tuần tra tới Biển Đông hoặc cung cấp vũ khí cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông sau hai cuộc họp cấp cao mới diễn ra trong tháng 9. Các nhà phân tích cũng cho rằng hai cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modia tại Ấn Độ và cuộc họp giữa hai Thủ tướng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Hòa Kỳ cho thấy có mục đích “nhằm vào Trung Quốc”, đặc biệt là “hành động bành trướng” của nước này ở Biển Đông kể từ năm 2010. Theo ông Andrew Yang, Tổng Thư lý Hội đồng Nghiên cứu Chính sách cấp cao Trung Quốc tại Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản có thể sẽ tuần tra Biển Đông cùng các tàu cảnh sát biển và thỉnh thoảng cũng sẽ đưa các tàu hải quân đến khu vực, những nỗ lực mà ông cho là hai nước này “đang đẩy mạnh các hoạt động chung nhằm khẳng định rằng Ấn Độ và Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ đối với vấn đề hành xử dựa trên luật lệ ở Biển Đông và khu vực. Ông Maria Ela Atienza, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Diliman Philippines cho hay Philippines rất hoan nghênh và tin tưởng sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Bắc Kinh chỉ trích gay gắt bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông
Ngày 21/9, trang India đưa tin, liên quan đến phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối những nguy cơ đối với vấn đề chủ quyền Biển Đông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc gần đây, tại cuộc họp báo ngày 20/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng cáo buộc rằng “những nước như Mỹ đang lấy cái cớ tự do hàng hải để gây ra nguy cơ đe dọa chủ quyền các nước ở Biển Đông bằng cách đưa máy bay chiến đấu và hạm đội ở Biển Đông” . Thậm chí, ông này còn ngang ngược vu cáo Mỹ “tìm cách khuấy động lại căng thẳng ở Biển Đông trong khi tình hình đang “dịu lắng nhờ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN”
Những phát ngôn kiểu như vậy từ trước đến nay cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không từ bỏ cách làm đơn phương của mình để kiểm soát tình hình Biển Đông thông qua việc gạt bỏ sự “can dự” của Mỹ và không ngừng cáo buộc Washington là kẻ “ngoại đạo” luôn tìm cách “gây bất hòa giữa các nước đồng minh khu vực”.
Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Pháp nhất trí tiếp tục theo đuổi hợp tác an ninh và thượng tôn pháp luật trên biển
The Japan Times đưa tin, theo một quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết, ngày 21/9 tại cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron nhất trí đẩy mạnh tăng cường an ninh và trang bị quốc phòng, tái khẳng định, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì thượng tôn pháp luật trên biển. Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định sẽ “tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì trật tự quốc tế trên biển trên cơ sở thượng tôn pháp luật”, một nội dung mà The Japan Times cho rằng đã “đề cập một cách rõ ràng những hoạt động bành trướng trên biển của Trung Quốc”
0 nhận xét