Tin Việt Nam – 19/08/2017
Các dự án BOT thu phí đường bộ sai phạm nhiều
Thanh tra Chính phủ Việt Nam nói rằng có rất nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT xây dựng các trạm thu phí đường bộ.
Thanh tra chính phủ đưa ra kết luận như vậy sau khi thanh tra 7 dự án thuộc loại này trên các tuyến đường bộ từ Bắc tới Nam.
Các sai phạm đó được nêu gồm xây dựng những trạm thu phí ở những nơi có nhiều xe cộ qua lại, và quá gần nhau, làm cho người dân không có chọn lựa nào khác; thu phí cao hơn phương án tài chính đưa ra; không có đấu thầu mà chỉ có chỉ định thầu; một số nhà đầu tư không có năng lực; chưa hoàn tất công trình mà đã thu tiền; một số trạm thu phí đặt bên ngoài vùng đất thực hiện dự án…
Theo thanh tra chính phủ, những sai phạm này dẫn đến việc người dân hoặc là phản đối, hoặc là tìm các đường ngang ngõ tắt để đi, gây hư hại cho các đường sá nhỏ.
BOT là chữ viết tắt của ba từ tiếng Anh: Build (xây dựng) Operate (Vận Hành) Transfer (Chuyển giao). Đây là một hình thức đầu tư, trong đó nhà đầu tư dùng vốn của mình xây dựng công trình, thu chi phí để lấy lại vốn, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.
Một chuyên gia kinh tế là ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright tại Việt Nam trả lời truyền thông trong nước rằng hình thức hợp tác để xây dựng BOT giữa nhà nước và tư nhân như vậy dễ dẫn đến chuyện các công ty tư nhân sử dụng những quan hệ thân hữu trong chính quyền để trục lợi, tức là họ sẽ được cho phép thu tiền cao, thu tại nhiều trạm gần nhau, trong khi đó người dân lại không được lợi gì cả, dẫn tới bất bình.
Ông Du nhấn mạnh rằng hình thức BOT càng có tác dụng xấu trong điều kiện điều hành chính sách không minh bạch như ở Việt Nam.
Xin được nhắc lại là trong những ngày gần đây, dân chúng cho là chi phí của trạm BOT Cai Lậy ở Tiền Giang quá cao và việc bố trí các trạm bất hợp lý, đã dùng tiền lẻ để trả, gây kẹt xe, và sau nhiều ngày tranh cãi, trạm thu phí này phải ngừng hoạt động.
Cách đây vài tháng tại trạm thu phí Cầu Giẽ gần thành phố Vinh cũng đã xảy ra chuyện tương tự.
Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam lần thứ hai
sẽ xử tại Paris vào ngày 21 tháng Tám
Kính Hòa RFA
Một vụ án trong đó một doanh nhân Hà Lan gốc Việt là ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam lần thứ hai dự định xử tại Paris, Pháp vào ngày 21 tháng Tám.
Mời quí vị nghe chúng tôi tóm lại lịch sử vụ án này.
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một doanh nhân Hà Lan gốc Việt Nam, đến Hà Lan như là một thuyền nhân vào năm 1976. Sau khi thành đạt ở xứ người, ông về nước làm ăn, bỏ vốn đầu tư vào năm 1990, chủ yếu tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhưng đến năm 1999, ông bị chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu kết án kinh doanh bất động sản trái phép với bản án 11 năm tù giam. Năm 2000 ông trốn tù, vượt biên lần nữa trở lại Hà Lan. Năm 2003 ông kiện chính phủ Việt Nam tại một tòa án ở Thụy Điển. Để tránh vụ kiện này chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với ông ở Singapore vào năm 2006, theo đó thì ông sẽ giữ bí mật thỏa thuận này, không kiện nữa, và đổi lại chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền là 150 triệu đô la Mỹ, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu của ông. Nhưng ông nói với thông tín viên Tường An của đài RFA tại châu Âu rằng chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa nên một lần nữa ông đã kiện chính phủ Việt Nam, và vụ kiện được lên lịch vào ngày 21 tháng tám.
Ông Trịnh Vĩnh Bình nói về việc này với thông tín viên Tường An của đài RFA:
Có một điểm nhất quán giữa hai vụ kiện là: tôi kiện chính phủ Việt Nam lần thứ nhất là vì lý do đòi bồi thường tài sản, trong đó có vấn đề bồi thường nhân thân: nhốt tôi oan. Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. Tôi đọc trong một hồ sơ tôi thấy có những điểm rất là tệ.
Khi tìm kiếm về vụ án Trịnh Vĩnh Bình trên báo chí Việt Nam thì hầu như chỉ thấy có báo Thanh Niên mà cũng chỉ có 8 bài và bài sớm nhất chỉ đến năm 2006.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, lúc đó phụ trách mảng chính trị xã hội tại báo Thanh niên, thì trước năm 2006, báo online chưa phát triển nên không còn lưu giữ các bản tin cũng như bài phóng sự. Ông Chênh nhớ lại lý lẽ mà báo Thanh Niên đưa ra trong việc phản đối bắt ông Bình:
“Chúng tôi nói rằng chuyện người nhà đứng tên mua đất là không sai trái, làm như vậy là không được.”
Trong tám bài viết còn lưu lại trên báo Thanh Niên, có hai bài phân tích Việt Nam nên tham gia vụ kiện lần thứ nhất của ông Trịnh Vĩnh Bình hay không, còn 6 bài còn lại là chuyện các quan chức Bà Rịa Vũng Tàu bị kỷ luật khi tiến hành tham ô các tài sản tịch thu của ông Bình.
Thường vụ tỉnh ủy (Bà Rịa Vũng Tàu) đã quyết định chuyện đó thì sẽ chịu trách nhiệm, và đó là quyết định đúng.
-Cựu viên chức đảng cộng sản nói với ông Huỳnh Ngọc Chênh.
Bất chấp việc lên tiếng của báo Thanh Niên về vụ này, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vẫn kết án ông Bình. Nhưng sau đó có lẽ các viên chức ở cấp cao hơn đã thấy điều nguy hại nên đã ký thỏa thuận Singapore với ông Bình, và theo thông tin từ ông Huỳnh Ngọc Chênh thì Việt Nam có đền cho ông Bình số tiền 15 triệu đô la Mỹ. Nhà nước Việt Nam đã xử một số quan chức cấp thấp liên quan đến vụ này, nhưng theo ông Chênh thì những người ra quyết định vụ án vẫn không bị xử, tức là cơ quan đảng cộng sản của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh thuật lại ý kiến của một quan chức đảng ủy tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:
“Tôi có gặp một ông trong thường vụ trong một bữa tiệc, và tôi có nêu lên vấn đề này. Tôi không nhớ ông ấy tên gì. Hình như ông ấy làm Trưởng Ban nội chính hay gì đó. Tôi nêu lên vụ Trịnh Vĩnh Bình với quan điểm như tôi đã nói, rằng bắt ông Bình là sai, thì ông ấy nói là ông ấy hoàn toàn đúng, Thường vụ tỉnh ủy đã quyết định chuyện đó thì sẽ chịu trách nhiệm và đó là quyết định đúng đắn.”
Chung tôi cũng có gửi email đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để hỏi về vụ này như họ không trả lời.
Tin từ Sứ quan Việt Nam cho chúng tôi biết là Bộ Tư pháp Việt Nam có cử một đoàn sang Paris để ra tòa,
Nhưng báo chí nhà nước Việt Nam thì hoàn toàn im tiếng về vụ này.
Dịch sốt xuất huyết có mức ‘báo động đỏ’ tại một số khu vực ở Hà Nội, theo Bộ Y tế Việt Nam
Báo chí trong nước trích thuật ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại cuộc họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết do Bộ Y tế chủ trì, cho biết 12 quận tại Hà Nội đang ở trong mức báo động đỏ. Đó là các quận: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm.
Trước đó, chiều 17/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố đã có 17.027 ca mắc sốt xuất huyết.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Xanh Pôn cho hay để giảm tải bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu điều trị sốt xuất huyết, các bệnh viên này đã thành lập khu điều trị dã chiến chuyên tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tin trong nước cho hay Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội sáng 18/8 đã họp giao ban với các quận huyện, sở ngành liên quan và Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố cho phép phun thuốc muỗi bằng máy phun cỡ lớn trên ô tô vào cả ban ngày để đối phó với tình trạng bệnh dịch lan truyền hiện nay.
Tăng 42% so với năm ngoái
Hãng AP trích dẫn nguồn Bộ Y tế Việt Nam, tình trạng dịch sốt xuất huyết lan tràn gây khó khăn cho hệ thống y tế của nước này.
Con số bệnh nhân nhập viện tăng 42% và số người chết vì dịch bệnh cao hơn 7 người so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Y tế cho biết hôm thứ Sáu.
Tổng cộng 90.626 người đã bị nhiễm bệnh trong đó 76.848 trường hợp phải nhập viện và con số tử vong cho tới nay là 24 người.
Tại các thành phố lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng, số ca mắc cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Y tế Việt Nam cho rằng dịch sốt xuất huyết bùng phát do thời tiết nóng, mưa nhiều hơn và việc đô thị hoá nhanh chóng khiến muỗi gây bệnh sinh sôi.
Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dengue gây nên, và lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, thường gọi là muỗi vằn.
Bệnh nhân dễ bị tử vong nhất thường là người già, trẻ em hoặc những người có các hiện trạng y tế phức tạp khác.
Dầu thô nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục
Lượng dầu thô mà Việt Nam nhập khẩu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 8 do nhu cầu lọc dầu gia tăng; trong khi sản lượng dầu thô khai thác trong nước giảm xuống.
Hãng tin Reuters loan tải thông tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 8, nói rõ xu hướng tiếp tục trong những tháng tới khi khả năng lọc dầu tăng lên. Đơn đặt hàng dầu thô từ nước ngoài của Việt Nam tăng lên khi mà nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn thứ hai của Việt Nam chuẩn bị sản xuất khí hoá lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay, dự kiến vào đầu năm 2018 nhằm cung cấp cho thị trường nội địa.
Đơn hàng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam được nói vẫn còn ít ỏi so với Trung Quốc và Ấn Độ, mà số lượng được nói là chừng 8 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc và 4 triệu thùng mỗi ngày cho Ấn Độ.
Sản lượng dầu thô của Việt Nam đạt mức cao nhất hồi đầu những năm 2000, chừng 400 ngàn thùng mỗi ngày. Việt Nam đang thăm dò những giếng mới tại Biển Đông; thế nhưng do xung đột với phía Trung Quốc một số hoạt động bị hoãn lại.
Luật sư Võ An Đôn
bị ‘xem xét kỷ luật’ vì chia sẻ trên Facebook
công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh “có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư” cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với “các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam.”
Những phát biểu này “có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp luật sư,” thông báo này nói tiếp.
Viết trong một thông điệp đăng trên Facebook với hình ảnh thông báo này đính kèm, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu “sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh” để tìm cách làm anh im tiếng, “không cho nói sự thật.”
“Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được?” luật sư Đôn bức xúc.
Thông báo không nói rõ sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nào đối với ông.
Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, điều mà anh nói là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam “dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm.”
“Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước,” luật sư Đôn bình luận.
Trước đây, luật sư Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án “Năm công an đánh chết dân” mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014.
Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa.
Cảnh sát Czech bắt một người Việt
liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Người đã đứng tên thuê chiếc xe minivan cho mật vụ CSVN sử dụng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức vừa bị cảnh sát Cộng Hòa Czech bắt giữ. Người bị bắt giữ là ông Nguyễn Hải Long, chủ một cơ sở chuyển tiền MoneyGram trong khu chợ Sapa tại thủ đô Prague.
Tờ thoibao.de của người Việt ở Đức đưa tin, một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đeo mặt nạ của Cộng Hòa Czech vào hôm Thứ Năm 17/08 đã khám xét và niêm phong văn phòng của ông Nguyễn Hải Long tại chợ Sapa. Ông Long được cho là đã đứng tên thuê chiếc xe Volkswagen Multivan, mà các nhà chức trách ở Đức và Czech nghi ngờ đã được sử dụng trong vụ bắt cóc ông Thanh hôm 23 tháng 7 ở Berlin. Chiếc xe thuộc công ty của ông Bùi Quang Hiếu cho thuê. Hôm 28 tháng 7, cảnh sát đã thu giữ chiếc xe trong 2 tháng để điều tra.
Truyền thông Đức cho hay, ông Nguyễn Hải Long đã bị cảnh sát Czech bắt giữ từ hôm 13 tháng 8, nhưng tới ngày 17 tháng 8, văn phòng của ông mới bị khám xét và niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra.
Trong một diễn biến liên quan, đài VOA dẫn một nguồn tin trong Bộ Ngoại Giao Đức cho biết, nhà cầm quyền CSVN đã chủ động liên lạc với phía Đức, và đề nghị đối thoại để giải quyết vụ khủng hoảng ngoại giao, do mật vụ CSVN bất chấp pháp luật nước Đức và quốc tế, tổ chức bắt cóc một người Việt đang xin tị nạn tại Đức.
Huy Lam / SBTN
Ấn Độ cải chính thông tin
về việc bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam
Sau một số thông tin báo chí tiết lộ sự kiện New Delhi đã chuyển giao tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, ngày 18/08/2017, Ấn Độ đã chính thức lên tiếng cải chính. Theo hãng tin Ấn Độ PTI, bộ Ngoại Giao Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó « không chính xác ».
Trả lời câu hỏi trên vấn đề này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định rằng thông tin đó « không chính xác », và phía bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng « đã bác bỏ » thông tin kể trên.
Tuy nhiên, theo hãng tin Ấn Độ, về mặt chính thức, bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề phủ nhận thông tin về thương vụ BrahMos một cách rõ ràng.
Khi được hỏi về thông tin theo đó Việt Nam vừa nhận lô tên lửa BrahMos của Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 17/08 chỉ nói rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ được phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh và quốc phòng…
Về việc mua vũ khí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm là « việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng » đều « phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước ».
Thông tin về việc Ấn Độ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam đã được tờ báo Mỹ World Tribune tung ra ngày 14/08, với lời giải thích theo đó Nga, quốc gia đồng sản xuất BrahMos với Ấn Độ, đã tán thành hợp đồng bán loại vũ khí này cho Việt Nam.
Theo hãng PTI, trong lúc bộ Ngoại Giao Ấn Độ cải chính, thì bộ Quốc Phòng Ấn Độ chưa thấy lên tiếng.
Hãng tin Ấn nhắc lại rằng trong thời gian qua, quả thực là Ấn Độ đã có những cuộc đàm phán với Việt Nam về việc cung cấp tên lửa BrahMos. Tháng hai vừa qua chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi tại Lok Sabha về việc chính phủ Ấn có dự định bán tên lửa Akash và BrahMos cho Việt Nam hay không, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Subhash Bhamre đã xác nhận rằng New Delhi đã có đàm phán với Hà Nội về vấn đề này, và « hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị quốc phòng, là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam ».
Theo nhân định của PTI, Việt Nam, rất quan tâm đến việc có được loại tên lửa siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga đồng chế tạo, có thể sử dụng trên bộ, trên biển hoặc phóng đi từ tầu ngầm. Loại vũ khí này cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
Thực hư của việc Ấn Độ đồng ý bán BrahMos cho Việt Nam chưa rõ, nhưng nếu được xác nhận thì điều đó chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ, nhất là vào lúc quan hệ New Delhi-Bắc Kinh đang bị khuấy động do tranh chấp ở vùng ba biên giới Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan.
0 nhận xét