Tin Việt Nam – 17/08/2017
Tàu cá ngư dân Việt lại bị tấn công tại Hoàng Sa
Năm tàu cá Quảng Ngãi ra vùng biển Hoàng Sa ngày 31 tháng Bảy để đánh bắt cá, đến ngày 7 tháng Tám bị 2 chiếc tàu lạ tấn công khi neo đậu tại ngư trường truyền thống này của Việt Nam.
Những nạn nhân báo cáo cho cơ quan chức năng khi về bến hôm 16 tháng 8.
Theo lời khai của ông Nguyễn Hữu Lâm, chủ tàu cá QNg 91261 TS , 5 tàu cá Việt Nam bị húc vỡ thân tàu hay mũi tàu, ngư lưới cụ bị phá hỏng nên không thể tiếp tục đánh bắt.
Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tịnh Kỳ là ông Trần Đình Tiến cho hay đã trình báo vụ việc cũng như phối hợp với biên phòng để xem xét mức độ thiệt hại của những tàu cá bị tấn công trên biển. Hiện còn 2 tàu cá của ngư dân xã Tịnh Kỳ được những tàu bạn báo cũng gặp tình cảnh tương tự đang trên đường về bờ.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-fishing-boats-attacked-08172017113841.html
Trạm Cai Lậy: Phản ứng của tài xế ‘hiệu quả, cần thiết’
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nói với BBC vụ việc tại trạm BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch không có tầm nhìn, vụ lợi và phản ứng của tài xế là hiệu quả và cần thiết.
Liên quan đến vụ việc tài xế dùng tiền lẻ trả phí để phản đối trạm BOT Cai Lậy, hôm 16/8 Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang và chủ đầu tư đã quyết định sẽ giảm sẽ giảm 22-33% phí qua trạm nhưng thời gian thu phí lại tăng gấp đôi.
Vì vậy vụ việc có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt.
Tài xế sẽ tiếp tục ‘chiến đấu’
Trao đổi với BBC hôm 17/8, anh Đỗ Cô Ca một tài xế hay đi qua đoạn đường có trạm thu phí Cai Lậy cho biết, dù Bộ GTVT và chính quyền cùng nhà đầu tư đã thống nhất giảm giá, các tài xế sẽ vẫn tiếp tục dùng tiền lẻ phản đối.
“Thứ nhất là vị trí trạm thu phí đã đặt sai chỗ. Trạm thu phí BOT là cho đường tránh mà sao đặt ở Quốc lộ 1A. Hàng năm đã đóng phí cầu đường rồi sao giờ lại thu thêm phí cho quốc lộ.
“Thứ hai là mức phí quá cao, người dân họ chở con đi học, đi chợ phải đã tốn 70.000. Một xe bốn chỗ qua trạm 4 lần/ngày là 100.000 rồi. 26 ngày/tháng là 2,6 triệu hơn lương tài xế rồi.
“Mà giờ có đường tránh, xả trạm BOT, người dân vẫn đi Quốc lộ, tại vì đường tránh hẹp lắm, có một làn mỗi chiều. Nhiều xe đi là cũng chậm.
“Những người tài xế phản đối là chẳng qua người ta bảo vệ cái nồi cơm của người ta thôi. Những người tài xế chạy cho doanh nghiệp họ không quan tâm, họ lấy phiếu về đưa cho doanh nghiệp thanh toán, thì doanh nghiệp áp vô mặt hàng đội giá, dân lại chịu thì thôi,” anh Ca nói thêm.
Trước đó trạm thu phí đã lập danh sách 19 tài xế hay trả phí bằng tiền lẻ để “gửi đến ngành công an để điều tra, xử lý theo pháp luật,” theo báo VnExpress.
Phản ứng của tài xế là ’hiệu quả, cần thiết’
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nói với BBC rằng phản ứng của tài xế là hiệu quả và cần thiết.
Ông Thuận cũng cho rằng “chỉ nên thu phí đường mới, đây là đường đã có rồi, tính tiền đã thu rồi thì đó là cái tiêu cực”.
Nếu không có đấu tranh thì làm gì có giải quyết, đây là cái cách cho người ta thấy đấu tranh là như thế nào, và người dân đã trưởng thành trong việc đấu tranh để thay đổi thể chế này ra sao.Luật sư Trần Quốc Thuận
“Nhưng những sự việc này không bể ra vì thanh tra cũng ở trong một bộ cả, cũng cùng một giuộc, cùng một nhóm họ ăn chia. Cơ chế thể chế nó sai cho nên tiêu cực cứ phát triển mãi không bao giờ dừng được.
“Ở phía Bắc, dân họ còn chặn xe lại đây người ta đưa tiền lẻ, tiền đó vẫn có giá trị, vẫn hiện hành, không có lí do gì nói thế này thế kia.
“Nếu không có đấu tranh thì làm gì có giải quyết, đây là cái cách cho người ta thấy đấu tranh là như thế nào, và người dân đã trưởng thành trong việc đấu tranh để thay đổi thể chế này ra sao.”
Nhà đầu tư ‘vay ngân hàng rồi thu phí dân’
Trạm BOT Cai Lậy nằm gần đoạn giao giữa Quốc lộ 1A và đường tránh, và bắt đầu hoạt động từ 1/8/2017.
Theo báo Nông Nghiệp, dự án xây dựng tuyến tránh 12km là theo hợp đồng BOT có vốn đầu tư là 1.395 tỷ vay vốn ngân hàng. Sau đó, đã có thêm 400 tỷ được bỏ ra để “tăng cường mặt đường Quốc lộ 1A”.
Tất cả dự án BOT để huy động nguồn lực của nhà đầu tư gần 80-90% đều đi vay ngân hàng. Thực sự cái vốn đấy cũng là vốn của người dân còn bản thân nhà đầu tư có vốn đâu mà gọi là nhà đầu tư. Đó là lấy mỡ nó rán nó!Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Một nhà bình luận từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói ông từng làm việc tại một ngân hàng nhiều năm trước và nhận định:
“Tất cả dự án BOT để huy động nguồn lực của nhà đầu tư gần 80-90% đều đi vay ngân hàng. Thực sự cái vốn đấy cũng là vốn của người dân còn bản thân nhà đầu tư có vốn đâu mà gọi là nhà đầu tư. Đó là lấy mỡ nó rán nó!
“Tôi có thể cam đoan nếu có kiểm toán độc lập nếu chỗ đầu tư gần 1,400 tỷ giỏi lắm được 700 tỷ, và tôi nghĩ họ thu hồi được vốn thật cộng với lãi vừa phải cũng chỉ 3-4 năm.
Cũng có cùng quan điểm với ông Trần Quốc Thuận, nhà phê bình Nguyễn Quang A còn góp ý thêm rằng:
“Phải công khai minh bạch hoàn toàn tất cả dự toán đầu thầu tất cả mọi dự án thu phí như thế nào, thời gian bao lâu phải công bố công khai cho dân chúng, chuyên gia biết. Chỉ trên cơ sở đấy thì cơ quan có thẩm quyền mới đứng ra đấu thầu và đấu thầu cũng phải công khai và người dân phải dám sát sự minh bạch đó.
“Rất đáng tiếc những điều tôi vừa nói là những điều không xảy ra ở Việt Nam chính vì thế dẫn đến chuyện rất là không hay ở các dự án BOT và các trạm thu phí BOT,” ông A kết luận.
BOT Cai Lậy: giảm phí vẫn bị phản đối
Các mức phí qua trạm BOT đường tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã được giảm vào khoảng 30% sau nhiều ngày diễn ra phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế. Tuy nhiên, động thái giảm giá này vẫn không xoa dịu được sự bức xúc của dư luận.
Ngoài mức phí được cho là quá cao, cánh tài xế còn cho rằng việc đặt trạm thu phí đường tránh trên Quốc lộ 1 để thu phí luôn những người không sử dụng đường tránh là “không hợp lý”.
Động thái này được đưa ra trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải, tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư trạm BOT Cai Lậy hôm 16/8 sau nhiều ngày lộn xộn tại trạm thu phí do các tài xế phản đối bằng cách trả phí bằng tiền lẻ gây kẹt xe kéo dài.
Theo đó, các mức phí lần lượt giảm từ 35.000 xuống 25.000 đồng, từ 60.000 xuống 40.000 đồng, từ 100.000 xuống 70.000 đồng và từ 180.000 xuống 140.000 đồng tương ứng với các loại phương tiện có sức chứa và tải trọng khác nhau.
Mức phí mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 21/8, theo báo mạng VnExpress. Ngoài ra, người dân có hộ khẩu thường trú tại bốn xã xung quanh trạm thu phí sẽ được miễn hoặc giảm 50% tùy vào loại phương tiện.
Tuy nhiên, với thông báo giảm mức phí này, nhà đầu tư không cho biết liệu thời gian thu phí có kéo dài hay không. Trạm thu phí đường tránh Cai Lậy đưa vào hoạt động từ ngày 1/8 với thời gian thu phí là 6 năm 5 tháng.
Trả lời câu hỏi của báo Người Lao Động về việc có kéo dài thời gian thu phí hay không, ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, nói rằng việc giảm phí “chắc chắn phải tính đến phương án tài chính của dự án” nhưng “bây giờ chưa thể tính được”.
VnExpress đưa tin rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng “đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra ùn tắc tại khu vực trạm thu phí” và sẽ “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, hành động trả tiền lẻ của nhiều tài xế khi qua trạm thu phí mặc dù gây ùn tắc giao thông nhưng được nhiều luật sư nhận định là không vi phạm pháp luật.
Tờ Người Lao Động cho biết trước thông tin về việc giảm phí này, “rất nhiều tài xế vẫn bày tỏ sự phản đối”. Tờ báo này dẫn lời ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Các cơ quan nhà nước phải nhìn rõ lý do tại sao tài xế phản đối. Họ không đồng tình vị trí của trạm thu phí, dù không đi đường tránh nhưng vẫn phải mua vé. Một xe tải mỗi năm đóng mười mấy triệu đồng phí bảo trì đường bộ. Nâng cấp Quốc lộ 1 sao không sử dụng phí đó mà phải dùng BOT?”
Trao đổi với VOA, một tài xế xưng tên là Dũng thuộc Hợp tác xã Vận tải số 9 ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông không đồng tình với giải pháp giảm phí này.
“Giá thu thì Nhà nước quy định và có tính toán với nhà đầu tư. Tụi tôi đi thì tụi tôi trả. Còn không đi thì không trả.”
Người tài xế này nói nếu trạm thu phí này dời đi vào vị trí đường tránh thị xã Cai Lậy thì dù mức phí không giảm, cánh tài xế “cũng sẽ chấp nhận”.
Chủ đầu tư trạm thu phí Cai Lậy phản ứng
Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn BOT Tiền Giang, ông Nguyễn Phú Hiệp nói với Báo Người Lao Động rằng Bộ Giao Thông Vận Tải và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang đồng ý cho trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại với giá mới từ ngày 21 tháng 8, tuy nhiên phải chờ Bộ Giao Thông Vận Tải phê chuẩn.
Ông Nguyễn Phú Hiệp còn cho biết nếu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn BOT Tiền Giang, là chủ đầu tư sẽ trả lại dự án cho nhà nước nếu như bị buộc phải dời trạm thu phí vào đường tránh 12 km vì như vậy thì chủ đầu tư sẽ không đủ khả năng hoàn vốn do phải trả lãi ngân hàng gần 10 tỉ đồng/tháng.
Người đại diện của chủ đầu tư dự án trạm thu phí Cai Lậy nói rằng ông mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để vận động cũng như giải thích cho người dân hiểu rõ vấn đề này.
Về phía chính quyền tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải, ông Trần Văn Bon lên tiếng tỉnh chỉ tham gia giải phóng mặt bằng khu vực 12 km tuyến đường tránh Cai Lậy và 26 km tăng cường mặt Quốc lộ 1, nhưng không tham gia nghiệm thu. Ông Trần Văn Bon cũng cho biết tỉnh Tiền Giang không quản lý và sẽ bàn giao cho Tổng Cục Đường bộ sau khi thu phí xong.
Bộ GTVT bào chữa cho dự án thu phí bị phản đối
Vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang đã được khảo sát qua một quá trình rất lâu và kỹ lưỡng. Các trạm BOT khác đều được lấy ý kiến của các cơ quan như Bộ Tài chính, đoàn Đại biểu Quốc hội.
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải, ông Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo ngày 17 tháng 8 về những vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy bị phản đối.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Đông, những vấn đề phát sinh vừa qua đã được đề cập trong hợp đồng. Cũng theo ông Đông, trách nhiệm của những vấn đề đó tuần tự là chủ đầu tư, Tổng Cục Đường Bộ và cơ quan chức năng địa phương.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi chất vấn của phóng viên liên quan đến việc thay hai cây cầu thành tuyến đường có trạm thu phí BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết do phương án kỹ thuật của cấu trúc cầu quá nhỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc thay đổi thiết kế ban đầu là 7 cây cầu, nhưng khi thực hiện có hai cây cầu được thay bằng cống là kỹ thuật để đảm bảo thoát nước. Chi phí dù có chênh lệch cũng không quá nhiều.
Xin được nhắc lại, từ ngày 13 tháng 8, nhiều tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để mua vé qua trạm thu phí BOT Cai Lậy nhằm phản đối vị trí đặt trạm và mức phí cao. Vụ việc này khiến cho Quốc lộ 1 kẹt xe hơn 3 km, gây náo loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Ngay sau đó, chủ đầu tư buộc phải xả trạm để tránh ùn tắc giao thông. Và từ ngày 15 tháng 8 đến nay, trạm BOT Cai lậy phải ngưng hoạt động chờ xử lý.
Thực trạng “bất tuân dân sự” tại Việt Nam như thế nào?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Dư luận trong nước những ngày qua cho rằng các tài xế dùng tiển lẻ trả phí BOT trên quốc lộ 1A để phản đối mức phí cao và trạm thu phí đặt sai chỗ là “bất tuân dân sự”. Thực trạng “bất tuân dân sự” tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Phản kháng hợp pháp?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ dùng từ “bất tuân dân sự” trong trường hợp này thì e rằng không chính xác khi xét về phương diện ngữ nghĩa của khái niệm này, bởi vì “bất tuân dân sự” là một đề tài mà trước đây ông Henry David Thoreau, một triết gia người Mỹ đã đặt ra liên quan đến trong trường hợp một công dân nhận thấy một luật bất công và bất hợp lý thì họ có quyền không tuân thủ luật pháp đó, để thể hiện sự phản kháng của mình.
Ý niệm “bất tuân dân sự” từ ông Thoreau đã được phát triển về sau trên thực tế bởi những nhà cách mạng như ông Mahatma Gandhi và ông Nelson Mandela, chẳng hạn. Chúng ta phải lưu ý đến một yếu tố quan trọng, đó là có một điều luật hay một đạo luật không những bất công mà còn bất hợp lý khiến cho việc tuân thủ sẽ tạo ra một sự bất công trong xã hội và người dân có quyền không tuân thủ điều luật hoặc đạo luật đó.
Chúng ta thấy phản kháng của các tài xế ở Cai Lậy, Tiền Giang không phải họ bất tuân theo hướng không thanh toán tiền, mà họ vẫn thanh toán tiền nhưng họ tạo ra sự khó khăn khiến cho hoạt động giao thông bị đình trệ. Do đó, giữa ý niệm ban đầu về “bất tuân dân sự” với hành động của các tài xế tại trạm thu phí BOT ở Cai Lậy không có sự tương hợp với nhau để gọi hành động đó là “bất tuân dân sự”.
Nếu tất cả người dân đều hiểu rằng họ cần phải bất tuân những đạo luật bất công và bất hợp lý của nhà cầm quyền, bất tuân dân sự thì có lẽ xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng hơn
-Luật sư Lê Công Định
-Luật sư Lê Công Định
Hòa Ái: Thưa Luật sư, với hình thức phản kháng của các tài xế như thế, xét về phương diện pháp lý, họ có bị vướng vào những sai phạm nào hay không?
Luật sư Lê Công Định: Việc các tài xế trả bằng tiền lẻ ở Cai Lậy, Tiền Giang theo cách mà họ muốn gây trở ngại cho hoạt động của trạm thu phí BOT đó hoàn toàn không có một sự vi phạm điều luật nào cụ thể. Bởi vì theo luật của Việt Nam thì không có nghiêm cấm công dân thanh toán tiền bằng tiền lẻ và mọi loại tiền đều có giá trị hợp pháp và đều phải được sử dụng. Chỉ những người nào từ chối nhận tiền lẻ thì mới vi phạm pháp luật. Chứ việc thanh toán đó là hoàn toàn hợp pháp.
Chúng ta thấy không có một điều luật hay một đạo luật nào bất công hay bất hợp lý trong trường hợp này, mà chỉ có việc đặt ra trạm thu phí đó đã tạo ra một sự bất hợp lý, khiến cho các tài xế cảm thấy điều này không đúng và họ phản kháng trong ôn hòa, trong sự ý thức được là họ đang hành động đúng luật, chứ không có gì sai luật cả.
Hòa Ái: Theo nhận định của Luật sư, trong những năm gần đây, có phải người dân ngày càng nhận thức và hiểu biết hơn về nhân quyền và dân quyền; đồng thời họ cũng chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền được hiến định của họ?
Luật sư Lê Công Định: Tôi thấy rõ ràng người dân càng ý thức được quyền của mình và họ ý thức được quyền đó phải được Hiến pháp và Luật pháp bảo vệ, cho nên họ không ngần ngại khi họ phản kháng lại những hành động bất hợp lý của nhà cầm quyền và họ không nghĩ rằng mình đang vi phạm pháp luật. Qua đó, tôi thấy hành động phản kháng của công dân ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng. Điều vui mừng này không có nghĩa là chúng ta cổ súy cho hành động vi phạm pháp luật hay cổ súy cho hành động gây ra trở ngại cho công quyền. Và điều quan trọng là không phải người dân giảm sự phản kháng đó mà chính nhà cầm quyền phải nhận thấy cần phải tôn trọng hơn nữa quyền của công dân. Nếu tất cả người dân đều hiểu rằng họ cần phải bất tuân những đạo luật bất công và bất hợp lý của nhà cầm quyền, bất tuân dân sự thì có lẽ xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng hơn.
Cần phải bất tuân dân sự?
Hòa Ái: Một khi người dân Việt Nam ý thức được và thực hiện bất tuân dân sự thì những rủi ro nào họ phải đối diện?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy hành động bất tuân dân sự nào trên thế giới cũng đều đưa đến một hậu quả là sự trừng phạt của luật pháp.
Tôi xin so sánh đối với Luật pháp Việt Nam; chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến Pháp, nhưng có một điều luật bất công, đó là Điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành, trừng phạt những ai tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 88 này rõ ràng là vi hiến, bất công và bất hợp lý.
Do đó, nếu chúng ta công khai vi phạm Điều 88 để thể hiện quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Hiến pháp thì tất nhiên những ai vi phạm Điều 88 đều bị Nhà nước bắt giam. Bởi vì chiếu theo Điều 88 thì Nhà nước có quyền trừng phạt những người cất lên tiếng nói trong phạm vi quyền tự do ngôn luận của họ.
Tôi thấy nhiều bị can, bị cáo liên quan đến Điều 88 đều phủ nhận mình đã vi phạm pháp luật, tức là họ phủ nhận sự bất tuân dân sự. Tôi cho rằng cần phải công nhận mình vi phạm Điều 88 bởi chính điều luật đó là điều bất công và bất hợp lý, cần phải loại bỏ ra khỏi Bộ Luật Hình Sự.
Tôi tin rằng tiến trình quá trình tiệm tiến đó chắc chắn sẽ diễn ra một cách điều đặn, chiều hướng phát triển này không bao giờ lùi lại được vì người dân ý thức được quyền của mình và họ thể hiện sự phản kháng cũng như bất tuân
-Luật sư Lê Công Định
Hòa Ái: Hòa Ái ghi nhận có sự gắn kết giữa các tổ chức xã hội dân sự với bất tuân dân sự, qua diễn tiến ở các quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, các tổ chức dân sự độc lập đóng vai trò gì trong việc bất tuân dân sự của người dân?
Luật sư Lê Công Định: Các tổ chức dân sự đôc lập tuy bị cấm hoạt động nhưng họ đóng góp rất lớn vào tiến trình thay đổi xã hội Việt Nam vì các tổ chức này đều có những chương trình, tôi tạm gọi là khai dân trí để giúp cho người dân hiểu biết về các quyền của họ được ghi trong Hiến pháp, cụ thế là quyền công dân và quyền con người. Nhờ sự phổ biến kiến thức rộng rãi trên mạng xã hội mà bây giờ ai cũng có phương tiện theo dõi được thì người dân ngày càng ý thức về các quyền hợp pháp của mình và do đó người dân ngày càng đấu tranh đòi Nhà nước phải tôn trọng quyền của công dân. Và nếu Nhà nước không tôn trọng thì họ thể hiện một sự phản kháng rất rõ rệt, như vụ các tài xế trả tiền lẻ ở trạm thu phí BOT tại Cai Lậy là một ví dụ điển hình.
Tôi cũng tin rằng theo thời gian do sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự mà nhiều tầng lớp người dân khác nhau cũng ý thức và hiểu rõ được quyền của mình cần được Nhà nước bảo vệ.
Hòa Ái: Bác sĩ-Blogger Hồ Hải, trước khi bị bắt hồi đầu tháng 11 năm ngoái, có đưa ra ý kiến rằng đã đến lúc người dân Việt Nam cần phải thực hiện bất tuân dân sự, còn quan điểm của Luật sư thế nào, thưa ông?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ dân trí ngày càng được khai mở rộng hơn nhờ mạng xã hội thì người ta cũng sẽ thể hiện sự phản kháng của họ. Đầu tiên là sự phản kháng ôn hòa trong khuôn khổ luật pháp. Về sau sẽ tiến dần lên mức gọi là bất tuân dân sự, tức là bất tuân luôn cả luật pháp và họ chấp nhận sự vi phạm một cách cố ý nhưng hợp lý vì thể hiện sự công bằng trong xã hội.
Tôi tin rằng tiến trình quá trình tiệm tiến đó chắc chắn sẽ diễn ra một cách điều đặn, chiều hướng phát triển này không bao giờ lùi lại được vì người dân ý thức được quyền của mình và họ thể hiện sự phản kháng cũng như bất tuân.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Luật sư Lê Công Định dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với RFA.
Thủ tướng Phúc ‘nêu quan ngại Biển Đông’ ở Bangkok?
Truyền thông Thái Lan cho hay chuyến thăm Thái Lan ba ngày từ hôm 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tập trung chủ yếu vào giao thương nhưng ông cũng sẽ “nêu quan ngại về Biển Đông” tại Bangkok.
Đoàn tùy tùng của ông Phúc gồm các bộ trưởng Công thương, Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông…
Hôm 17/8, ông Phúc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Toà nhà Chính phủ để trao đổi về hợp tác quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, kết nối và hợp tác khu vực, theo tờ Nation của Thái.
Sau phiên họp, hai thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại, viễn thông, khoa học và công nghệ, và hợp tác “thành phố chị em” giữa Trat của Thái Lan và Cà Mau của Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam và người đồng cấp Thái Lan được cho là sẽ trao đổi quan điểm về sự phát triển, quản lý và tác động môi trường ở tiểu vùng sông Mekong. “Hai nhà lãnh đạo ưu tiên cách tiếp cận cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong khi vẫn đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân”, The Nation tường thuật.
Báo này cũng cho hay, ông Phúc và ông Chan-o-cha cũng sẽ “nêu quan ngại nghiêm trọng của Việt Nam về tranh chấp tại Biển Đông”.
“Cả hai sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải. Hai thủ tướng cũng sẽ tập trung vào việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông 2002.”
“Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ cho việc Asean và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, sau cuộc họp cấp Bộ hồi đầu tháng này tại Manila, nơi thông qua khuôn khổ để thiết lập Bộ quy tắc này.”
Thái Lan sẽ thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố liên quan đến vấn đề này, vì quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc là rất thân mật, thậm chí, ngoại trưởng Trung Quốc còn tới thăm Thái Lan trước khi tới dự hội nghị với Asean và tuyên bố hai nước này là “anh em”.ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS)
‘Thận trọng’
Hôm 17/8, trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok, nói: “Tôi không rõ chuyến thăm của ông Phúc đã được lên kế hoạch từ trước hay được quyết định mới đây, nhưng bối cảnh là Asean vừa hoàn thành dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và theo như các nguồn tin quốc tế thì Việt Nam đã thất bại trong việc lồng ghép các từ ngữ trực diện và gay gắt nhắm đến Trung Quốc.”
“Thái Lan là một trong những nước dẫn đầu khối Asean, nên tất nhiên trong chuyến thăm lần này ông Phúc sẽ mang đề tài Biển Đông ra để đàm luận và cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía người Thái.”
“Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, Thái Lan sẽ thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố liên quan đến vấn đề này, vì quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc là rất thân mật, thậm chí, ngoại trưởng Trung Quốc còn tới thăm Thái Lan trước khi tới dự hội nghị với Asean và tuyên bố hai nước này là “anh em”.
“Mặt khác, kim ngạch thương mại Thái -Trung cũng rất lớn, cho nên, Thái Lan sẽ không dễ gì mà lại đi thử thách mối quan hệ với Trung Quốc chỉ vì Việt Nam.”
“Ngoài ra, các vấn đề thương mại chắc chắn cũng sẽ được bàn luận, càng ngày càng có nhiều công ty Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ảm đạm, việc người Thái đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam là điều tích cực, và hết sức cần thiết đối với cả người dân và chính quyền Việt Nam.”
“Còn phía chính quyền Thái Lan, bản thân họ cũng cần sự ủng hộ từ phía Việt Nam, vì hiện họ đang ở trạng thái chính quyền quân sự, và thời gian tổ tức tổng tuyển cử vẫn chưa rõ ràng, bản thân chính quyền Thái hiện tại không phải là chính quyền dân cử cho nên họ cũng cần sự ủng hộ của các nước trong khu vực.”
“Tôi mong rằng các vấn đề liên quan tới lao động nhập cư cũng sẽ được đưa ra bàn thảo, bởi lượng người Việt Nam đang lao động tại Thái Lan cũng khá nhiều, và sắp tới sẽ chịu tác động mạnh mẽ bởi Luật Lao động mới.”
“Việt Nam cần phải có các tác động tới chính quyền Thái để đảm bảo quyền lợi cho công dân của mình đang làm việc tại nước này.”
Ông Sơn nói thêm: “Tôi không nghĩ là ông Phúc sẽ đem vấn đề người Việt Nam tỵ nạn đang ở Thái Lan ra để bàn luận, và tôi thực sự không mong là ông ta sẽ làm thế.”
“Vì số người tỵ nạn Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số người tỵ nạn ở Bangkok, so với cộng đồng Pakistan. Và bản thân người tỵ nạn bên này cũng không làm gì ảnh hưởng tới chính quyền Việt Nam cả.” “Nhưng nếu ông Phúc đề nghị chính quyền Thái hồi hương người tỵ nạn, thì đây sẽ là một vấn đề nhân đạo lớn.”
Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và sức khỏe lãnh đạo
Kính Hòa RFA
Tháng Tám năm 2017, trên các trang tin thời sự của báo chí trong nước, người ta thấy vắng bóng hai ông, Đinh Thế Huynh Trưởng Ban tuyên giáo trung ương, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước. Cả hai ông đều là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam.
Có nhiều tin đồn rằng hai ông bị bệnh phải đi điều trị ở nước ngoài.
Tin đồn về sự đấu đá phe phái
Chuyện thông tin không rõ ràng về sức khỏe của các vị lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam không phải là lần đầu tiên được nói đến qua trường hợp của hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang hiện nay. Vào năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Trưởng ban nội chính trung ương, bị bệnh, đi nước ngoài trị bệnh, nhưng thông tin không hề được công bố suốt nhiều tháng, làm dấy lên nhiều lời đồn đoán rằng ông bị bệnh hiểm nghèo, thậm chí đã chết vì bị ám sát.
Vai trò của họ (Ban bảo vệ sức khỏe trung ương) giống như một Bộ y tế, giống như một Bộ y tế của Trung ương đảng, chuyên chữa trị cho Trung ương đảng thôi.
-Ông Phạm Chí Dũng.
Trường hợp ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng, mất vào năm 2005 cũng vậy, việc chậm trễ công bố thông tin đã làm dấy lên tin đồn là ông bị ám sát.
Nhận xét về những lời đồn đoán chung quanh sức khỏe của hai ông Đinh Thế Huynh, và Trần Đại Quang, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, thuộc Ban Dân vận trung ương nhận xét:
“Cái này chưa biết nó như thế nào, nên không thể nói theo dư luận hiện nay được, nhưng xung đột lợi ích giữa các nhóm là rõ, âm mưu tiêu diệt lẫn nhau là có thật, nhưng hai trường hợp này phải chờ thêm.”
Sự nghi ngờ về việc ám hại nhau giữa các nhóm quyền lực khác nhau được quan sát thấy trên mạng xã hội trong thời gian hiện nay sau khi người ta thấy hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang vắng bóng, mà chỉ có một thông tin được báo chí nhà nước Việt Nam đưa ra vào đầu tháng Tám, nói ông Trần Quốc Vượng, một Ủy viên Bộ chính trị tạm thời đảm nhận công việc của ông Huynh ở bộ này.
Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện sống ở Đà Lạt nói:
“Nó có uẩn khúc thì họ mới phải giấu, chứ ốm đau bình thường thì giấu làm gì. Có uẩn khúc họ hại nhau thế nào đó thì mới giấu. Tóm lại cái chính thể lừa dân, họ cứ nói đoàn kết chứ trong nội bộ họ phân ly kinh khủng.”
Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và đấu tranh nội bộ
Mặc dù các thông tin về sức khỏe của các vị lãnh đạo ít được công bố như vậy, nhưng đảng cộng sản Việt Nam lại có cả một tổ chức gọi là Ban bảo vệ sức khỏe trung ương đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, sống ở Sài Gòn và từng làm việc nhiều năm trong guồng máy của đảng nói với chúng tôi về Ban bảo vệ sức khỏe này:
“Ban bảo vệ sức khỏe trung ương là một ban mềm, tôi dùng từ mềm trong ngoặc kép, của Bộ chính trị. Đây là Ban có chức năng nhiệm vụ chuyên chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, và những người thuojc diện quản lý của Bộ chính trị, và Ban bí thư. Vai trò của họ giống như một Bộ y tế, giống như một Bộ y tế của Trung ương đảng, chuyên chữa trị cho Trung ương đảng thôi.”
Ngoài ra ở các cấp đảng thấp hơn ở các tỉnh và thành phố lớn cũng có những ban bảo vệ sức khỏe như vậy.
Một bác sĩ giấu tên từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương, nói với chúng tôi rằng khi các cán bộ lãnh đạo bị bệnh và được Ban bảo vệ sức khỏe trung ương điều trị, thì họ không có quyền công bố bệnh tình của bệnh nhân mà phải có quyết định từ cấp lãnh đạo cao hơn. Theo bác sĩ này thì việc chẩn đoán bệnh tình của các cán bộ lãnh đạo là một trong những cách mà các phe phái khác nhau dùng để loại đối thủ chính trị của mình vì lý do sức khỏe. Thậm chí, ông nói rằng có những trường hợp bệnh nhân khám bệnh và nhận thuốc từ các bệnh viện bên ngoài, phải được sự cho phép của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương mới được uống.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng và những người biết về hoạt động của Ban bảo vệ sức khỏe này của đảng thì hiện nay vai trò của ban này ngày càng mờ nhạt. Ông Dũng nói:
Việc chẩn đoán bệnh tình của các cán bộ lãnh đạo là một trong những cách mà các phe phái khác nhau dùng để loại đối thủ chính trị của mình vì lý do sức khỏe.
-Một bác sĩ từng làm ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương.
“Nhưng mà sau này với sự phát triển của các bệnh viện tư, rồi máy móc theo chiều sâu, mang tính chất chuyên sâu nhiều hơn, thì các Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh ủy, thành ủy và trung ương phần lớn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý.”
Theo người bác sĩ từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương thì các lãnh đạo cao cấp sau này thường đi nước ngoài chữa trị.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh, vào tháng giêng năm 2015, Ban bảo vệ sức khỏe trung ương lần đầu tiên ra thông báo về sức khỏe của ông, trong đó nói ông bị bệnh từ tháng Năm năm 2014, và đi Mỹ chữa trị, tức là bảy tháng trước đó. Ông Thanh mất một tháng sau khi bệnh tình của ông được công bố.
Vào năm 1969, ông Hồ Chí Minh, người thành lập nhà nước cộng sản Việt Nam mất vào ngày 2 tháng Chín, nhưng cái chết chỉ được công bố sau đó là ông mất vào ngày mùng ba tháng Chín, và ngày này được xem là ngày chính thức tổ chức kỷ niệm ngày ông Hồ mất trong một thời gian dài.
Ông Nguyễn Khắc Mai nói về trường hợp này:
“Trường hợp ông Hồ thì người ta nói là để cho dân ăn tết độc lập, vào ngày mùng hai tháng Chín, nên dời lại không làm hỏng ngày lễ độc lập. Cho nên họ hoãn lại việc tuyên bố, đó là thủ đoạn chính trị thôi. Nhưng mà rồi cái chết thì trước sau cũng chết, làm như thế cũng vô nghĩa.”
Nhìn rộng ra trong thế giới các quốc gia cộng sản xưa và nay, chuyện giữ bí mật sức khỏe hay cái chết của các vị lãnh đạo là một chuyện rất phổ biến. Ông Hà Sĩ Phu nhận xét:
“Ngay từ thời xa xưa, thời Stalin và Lenin cũng đã có những việc như thế này. Bản thân chủ nghĩa cộng sản phi khoa học, đầy bất hợp lý ở bên trong, nên nếu họ mở ra công khai thì mọi thuẫn nó phơi bày ra, họ tan rã thôi.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì nói rằng khuynh hướng giữ kín thông tin về sức khỏe cũng như sự sống chết của các cán bộ lãnh đạo cộng sản cũng nằm trong khuynh hướng độc đoán của sự cai trị của những đảng cộng sản mà thôi.
Việt Nam xem trọng quan hệ với Đức
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì, phát triển quan hệ đối tác chiến lược với nước Đức.
Đó là phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 8 tại Hà Nội. Bà nói như vậy khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về quan hệ Việt- Đức sau vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức Việt Nam bị Hà Nội truy nã về cáo buộc sai phạm khi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí VN.
Từ tháng 7 năm ngoái, người bị truy nã được nói có mặt tại Đức.
Vào ngày 31 tháng Bảy vừa qua, truyền thông đồng loạt loan tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại Bộ Công An.
Tuy nhiên, vài ngày sau Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng cho rằng Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, vi phạm nghiêm trọng luật pháp nước này cũng như luật quốc tế, không thể chấp nhận được. Phía Đức triệu đại sứ Việt Nam đến và ra thời hạn 48 tiếng buộc viên chức phụ trách tình báo của Hà Nội tại Berlin rời khỏi Đức; đồng thời phải trả ông Trịnh Xuân Thanh lại để Đức tiến hành mọi tiến trình theo đúng thủ tục pháp lý nước này qui định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến lúc này không xác nhận, cũng không phủ nhận có tổ chức vụ bắt cóc này hay không. Tuy nhiên phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.
Truyền thông tại Đức và trên thế giới cập nhật những diễn tiến vụ việc và hiện công tác điều tra cáo giác Việt Nam đưa nhân viên sang Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được Công tố Liên Bang Đức đảm trách.
Trong một diễn biến khác giữa quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu, hôm qua, 16 tháng Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với một số nhà ngoại giao châu Âu về vấn đề đầu tư, không thấy sự có mặt của ông Đại sứ Đức mà chỉ có vị Đại biện lâm thời của nước này đến dự.
Trong phần câu chuyện thời sự, mời quí vị theo dõi trình bày về quan ngại liệu vụ việc Trịnh Xuân Thanh có tác động bất lợi đến Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do Việt Nam và Liên Minh Châu Âu hay không.
VN: ‘Báo cáo tự do tôn giáo 2016 của Mỹ
dẫn thông tin sai lệch’
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/8 chính thức lên tiếng về phúc trình tự do tôn giáo 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng dù đã có những chỉnh sửa sát với thực tế tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ‘vẫn trích dẫn các thông tin sai lệch, dẫn đến những bình luận không khách quan’.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp thường kỳ ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “đáng tiếc trong báo cáo vẫn đưa ra những thông tin không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.”
Hãng tin AP hôm 17/8 trích lời bà Hằng nói rằng báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có “các điều chỉnh sát với tình hình thực tế” ở Việt Nam.
Báo Infonet trích lời bà Hằng nói: “Việt Nam luôn nhất quán trong chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đã thông qua luật tôn giáo, tín ngưỡng và luật này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2018.”
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/8 nói rằng chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận và các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các nhóm không đăng ký và những người từ các dân tộc thiểu số, vẫn bị chính quyền sách nhiễu bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tấn công hành hung, tạm giam ngắn hạn, truy tố và hạn chế đi lại.
Tại cuộc họp báo, bà Hằng cho biết thêm: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.”
Từ buôn bán chui đến ngân hàng chui
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Ngoài vụ khủng hoảng Bắc Hàn, Trung Quốc còn gặp sức ép về mậu dịch của Hoa Kỳ, mà bên trong lại có một bài toán nghiêm trọng hơn cho kinh tế Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những hồ sơ rắc rối này.
Sức ép mậu dịch của Hoa Kỳ
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chấp hành Nghị quyết Trừng phạt của Hột đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề nghị, hôm Thứ Hai 14, Bộ Thương Mại Bắc Kinh thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, chì và thủy sản của Bắc Hàn. Nhưng hôm sau, cũng Bộ Thương Mại Bắc Kinh lại hăm dọa trả đũa Hoa Kỳ vì Tổng thống Donald Trump vừa chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ điều tra để xác định xem chính sách thương mại của Trung Quốc có làm doanh nghiệpMỹ bị thiệt hại về sở hữu trí tuệ hay không. Hai động thái trái ngược ấy khiến ta nên tìm hiểu thêm về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong vụ này, tôi cho rằng chúng ta có một lúc khá nhiều vấn đề, trước hết là chuyện Bắc Hàn, sau đó là quan hệ buôn bán giữa kinh tế Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới còn có nhiều chỉ dấu đáng ngại hơn ngay trong nội tình Trung Quốc.
Trước hết, về vụ Bắc Hàn thì dư luận cho rằng kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để tấn công Hoa Kỳ sẽ gây nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Hàn. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy và sau một tuần e ngại đại chiến, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề không là quan hệ giữa xứ Bắc Hàn nghèo đói và hung hăng với một siêu cường toàn cầu là Hoa Kỳ mà liên can tới sáu nước và chúng ta nên dùng “thuyết đấu trí” hay “game theory” thì hiểu ra những tính toán của từng nước mà dự báo tình hình. Trong cuộc đấu, ta thấy có sáu nước là Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Mối tương tác giữa các nước ấy mới có ảnh hưởng thật. Thứ hai, trong quan hệ đa diện ấy, Bắc Hàn, Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn gì?
Nguyên Lam: Nếu vậy, xin ông khởi sự từ ba quốc gia này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cả ba nước đều muốn tránh chiến tranh, kể cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà ta quen gọi là Bắc Hàn. Lãnh đạo xứ này vốn chẳng tin ai, từ Liên Xô thời xưa tới Trung Quốc hay Liên bang Nga ngày nay mà chỉ muốn chế độ tồn tại với giấc mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự thống trị của mình. Họ đóng một lúc ba vở kịch là một chế độ hung đồ hiếu sát, có nền kinh tế kiệt quệ rất dễ sụp đổ và gieo họa cho lân bang là Trung Quốc và có lãnh đạo khùng điên khiến ai cũng sợ mà tránh gây hấn với một chế độ bất thường. Việc chế tạo võ khí hạch tâm theo đuổi từ mấy chục năm nay là để có thế mạnh nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ sự tồn tại của chế độ rồi việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo.
Việc chế tạo võ khí hạch tâm theo đuổi từ mấy chục năm nay là để có thế mạnh nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhưng giấc mơ thống nhất đó của Bắc Hàn lại khiến Bắc Kinh e ngại, vả lại, Nam Hàn là cường quốc bạn hàng của Trung Quốc và việc Mỹ duy trì quân đội tại Nam Hàn sau hiệp ước đình chiến năm 1953 là điều khó chịu cho Bắc Kinh mà họ chẳng làm gì được. Vì vậy, nếu Bắc Hàn gây hấn vừa đủ thì Bắc Kinh có thế đàm phán với Nam Hàn và Mỹ để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng nếu Kim Chính Ân làm quá thì Bắc Kinh cũng ngại. Các mục tiêu mâu thuẫn đó giải thích vì sao Bắc Kinh đồng ý với nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn và vừa tuyên bố là sẽ cho thi hành mà chưa chắc đã thật lòng. Nghịch lý ở đây là Bắc Kinh không muốn Bắc Hàn sụp đổ mà cũng chẳng muốn Bắc Hàn hung hăng quá mức.
Nguyên Lam: Thưa ông, còn Hoa Kỳ tính toán những gì về bán đảo Triều Tiên và cả cục diện Đông Á?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ là siêu cường có thể quyết định về số phận của bán đảo mà còn có ba mục tiêu trong cả khu vực Đông Á: 1/ là tránh việc Bắc Hàn tiến hành và phổ biến võ khí hạch tâm qua nơi khác, là chế độ Hồi giáo hung đồ như Syria hay Iran hay các tổ chức khủng bố Hồi giáo; 2/ duy trì tương quan lực lượng bấp bênh hiện nay để không xứ nào có thể thách đố quyền tự do lưu thông ngoài biển từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á; và 3/ trấn an các đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á về khả năng bảo vệ chiến lược của mình. Vì ba mục tiêu ấy, Hoa Kỳ phải chống một lúc hai việc là hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm của Bắc Hàn, lẫn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh, mà không gây ra rủi ro chiến tranh. Phải nói thêm là ông Donald Trump ra vẻ hung hăng không chỉ để răn đe Bắc Hàn mà còn nhắm vào Bắc Kinh và các chế độ Hồi giáo chống Mỹ.
Yếu tố mới là Chính quyền của ông lại giàng an ninh vào quan hệ kinh tế và dùng cả hai vế an ninh lẫn kinh tế làm đòn bẩy khi đàm phán với Bắc Kinh. Việc đòi trừng phạt Bắc Kinh tội vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ nằm trong hướng đó. Có lẽ ta đang chứng kiến màn đấu khẩu thay cho đấu lực trong khi Bắc Kinh vẫn thích chuyện buôn bán chui! Vả lại, trước khi có Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn thì Bắc Kinh đã đơn phương hạn chế việc nhập khẩu quặng sắt từ xứ này mà chẳng ngăn được Bắc Hàn cứ thử nghiệm võ khí tàn sát. Ta có thể suy ngẫm rằng Bắc Hàn không sợ vì sức ép của Bắc Kinh cũng chỉ là một màn kịch thôi và chính vì vậy Hoa Kỳ càng phải gây thêm áp lực kinh tế với Trung Quốc.
Nguyên Lam: Thưa ông, những áp lực đó từ phía Hoa Kỳ sẽ thể hiện ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới bên ngoài ít biết là Hoa Kỳ có một rừng luật lệ phức tạp về ngoại thương, nhưng chủ yếu lại cho Hành pháp lấy nhiều quyết định mà khỏi cần thông qua Quốc hội. Khi Chính quyền Trump quan niệm ngoại thương cũng là an ninh, Nội các của ông có thể vận dụng nhiều đạo luật cho phép trừng phạt mọi đối tác xâm phạm an ninh của Hoa Kỳ. Chuyện Bắc Hàn hiển nhiên là yếu tố an ninh, nhưng việc bảo vệ ngành thép của Mỹ cũng vậy, là điều có quy định trong một đạo luật thương mại mở rộng vào năm 1962 và đã được Chính quyền Trump viện dẫn để trừng phạt ngành thép của Trung Quốc.
Bây giờ, Nội các Donald Trump vừa viện dẫn khoản 301 trong đạo luật thương mại năm 1974 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ. Lý do là Bắc Kinh bắt doanh nghiệp Mỹ mà liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc thì phải chia sẻ kiến năng về tổ chức kinh doanh, và nhất là loại công nghệ hay thuật lý tiên tiến, là high technology. Chính sách thương mại ấy giúp Bắc Kinh thủ đắc kỹ thuật của thiên hạ để có lợi thế cạnh tranh và gây thiệt hại cho Mỹ. Thành thử, lồng trong hồ sơ an ninh của Bắc Hàn ta còn thấy một nguy cơ khác là chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều thật ra Bắc Kinh cũng ngại và muốn tránh. Nhưng thà là chiến tranh mậu dịch hơn là chiến tranh hạch tâm ở gần biên giới của Trung Quốc!
Nội tình kinh tế Trung Quốc
Nguyên Lam: Như ông vừa phân tích thì các quốc gia theo đuổi một lúc nhiều mục tiêu nên bật ra nhiều tín hiệu đôi khi trái ngược khiến cho nước kia khó đoán và tất cả có thể nằm trong một cuộc đấu trí kinh tế để tránh đấu lực quân sự. Bây giờ, thưa ông, bước qua chuyện kinh tế thì ông thấy có chỉ dấu gì là đáng ngại trong nội tình của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ Bắc Kinh cứ thích buôn bán chui với chế độ hung đồ, chẳng ngờ là bị một mối nguy khác ở bên trong là hiện tượng “ngân hàng chui” hay shadow banking!
Một cách đơn giản thì khi ngân hàng cấp phát tín dụng, luật lệ ngân hàng đòi hỏi bút ghi các khoản nợ đó trong sổ sách ngân hàng, cụ thể là trong bảng kết toán tài sản, với một bên là tiền ký thác nhận vào và bên kia là tiền cho vay ra. Nhiều ngân hàng Trung Quốc đã sáng tạo để tránh luật, bằng cách cho vay ngoài sổ sách, là không bút ghi nghiệp vụ tín dụng hay đầu tư vào loại sản phẩm gọi là “quản lý tài sản”. Vì vậy tôi mới gọi là ngân hàng chui. Lý do của họ là kiếm lời, nhưng lại gây rủi ro vì cho vay ra mà không có mức dự trữ ngự phòng tương ứng.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị một tai ách là có núi nợ quá lớn, bên trong có loại nợ xấu, là nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị một tai ách là có núi nợ quá lớn, bên trong có loại nợ xấu, là nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Nhưng trong loại ngân hàng chui thì tỷ trọng nợ ung thối còn cao gấp bội. Xưa nay, chẳng ai biết khối nợ ngoài sổ sách ấy lên tới bao nhiêu mà chỉ có thể phỏng đoán. Gần đây, Bắc Kinh ra lệnh khảo sát và công bố loại nợ ấy mà ta mới thấy nó cao gấp ba những dự đoán trước đây, có thể là bằng bốn ngàn tỷ đô la.
Nguyên Lam: Thưa ông vì sao chuyện ấy mới là một mối nguy đáng sợ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì thời lượng có hạn, tôi xin được giản lược trình bày cái chuỗi nhân quả như thế này và sẽ phân tích thêm vào một chương trình khác. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn kiếm lời trong lĩnh vực bất động sản và thiếu tiền thì đi vay, kể cả vay hệ thống ngân hàng chui. Lĩnh vực đó có kích thích khu vực xây dựng và tạo ra việc làm nhưng với tiền quá rẻ và vay quá dễ thì cũng thổi lên bong bóng đầu cơ. Bây giờ bóng bể thì giá nhà đất hay tài sản đầu tư đều sụt, các doanh nghiệp phá sản, ngân hàng mất nợ và kế tiếp sẽ là khủng hoảng tài chính lẫn suy trầm kinh tế, khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 vào vài tháng tới. Chuyện ấy còn nguy hơn vụ Bắc Hàn!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin hẹn một kỳ khác ta sẽ nói vệ hệ thống ngân hàng chui của Trung Quốc.
Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và hệ lụy
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị phía Đức cáo buộc Việt Nam sang bắt cóc đưa từ Berlin về Hà Nội trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước lâu nay. Quan ngại nhất là hành động đó sẽ gây hại đến mối bang giao Việt - Đức và cả Việt Nam – Liên Minh Châu Âu- EU.
Phóng viên RFA tại Việt Nam ghi nhận ý kiến của giới quan sát.
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhận định, mối quan hệ Việt - Đức sau khi nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
“Riêng tôi thấy phát ngôn của ông Ngoại trưởng là khá căng. Ông ấy bảo đây là một hành động không thể chấp nhận được, và phía Đức không tha thứ cho hành động này. Thì trong quan hệ quốc tế mà nói như thế là rất nặng. Đây là một tình trạng rất mong manh. Và câu chuyện này, tôi nghĩ có thể phát triển rất phức tạp.”
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – thành viên của Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển Việt Nam đánh giá, vụ việc Trịnh Xuân Thanh có ảnh hưởng mạnh mẽ và tiêu cực đến mối bang giao Việt - Đức.
“Bây giờ Việt Nam làm như thế này là vi phạm nghiêm trọng cái luật pháp của người ta. Thì rõ ràng là một cái ảnh hưởng rất là lớn, rất xấu.”
Trên cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện một số ý kiến cho rằng, chính phủ Đức áp dụng “tiêu chuẩn kép” về phòng chống tội phạm trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, và vụ việc này không ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Đức, Việt – EU. Bà Nguyễn Nguyên Bình phản bác lại những điều đó.
“Mà đến như thế, làm sao mà không ảnh hưởng đến quan hệ. Giả sử như hai người là hai hàng xóm láng giếng của nhau, mà anh cứ tự nhiên xông vào nhà, lục lọi nhà người ta ra để bắt một người mà anh gọi là tội phạm của nhà anh. Thế thì làm sao mà cái người hàng xóm ấy lại để yên được, người ta không giận, không muốn cắt đứt với anh. Đấy là nói chuyện hàng xóm với nhau, chứ còn hai quốc gia thì nó phải khác. Đức là một quốc gia có luật pháp lâu đời và nghiêm chỉnh, làm sao người ta chịu những chuyện như thế.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng có quan điểm tương tư nhà văn Nguyên Bình và ông nhận định, việc Chính phủ Đức yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức không phải vì họ muốn giữ hay ủng hộ Thanh.
“Vấn đề như họ đã nói với thủ tướng ta, cái việc trao trả Thanh phải đúng quy trình, theo các bước đi trong luật pháp Đức. Chứ không phải họ nói thế vì họ muốn giữ Thanh. Ở đây, ta phải phân biệt các vấn đề về pháp lý và thủ tục, gọi là xin tỵ nạn. Chứ không phải thấy họ đòi trả lại Thanh là họ ủng hộ đâu. Hoàn toàn không phải.”
Đức là một quốc gia có luật pháp lâu đời và nghiêm chỉnh, làm sao người ta chịu những chuyện như thế.
- Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình
- Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình
Theo thông tin từ báo Taz, phía Chính phủ Đức có thể đình chỉ việc giải ngân các gói tín dụng cho Việt Nam. Ông Joachim Nagel - đại diện toàn quyền của KfW (“Cơ quan Tín dụng Tái thiết”), giám đốc tương lai của ngân hàng phát triển Đức đã huỷ chuyến thăm Việt Nam.
“Thì ông này có kế hoạch sang Việt Nam, nhưng mà bây giờ đã hoãn, không sang nữa. Và người phát ngôn của cơ quan này nói rằng, “bây giờ chưa phải thời điểm để bàn về việc này”. Thì tôi thấy rằng đây là tác động rõ nhất.”
Thông tin mới trên truyền thông Đức cho biết, ngày 10/8/2017, Văn phòng Công tố liên bang Đức đã tiếp nhận hồ sơ để điều tra vụ việc Trịnh Xuân Thanh từ Văn phòng công tố của tiểu bang Berlin, với nghi vấn ông Thanh bị giữ tại Đại sứ quán Việt Nam trước khi được đưa về Hà Nội. Bên cạnh đó, cảnh sát Cộng hoà Czech cũng đã vào cuộc điều tra sự việc. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, đây là một sự mở rộng phạm vi điều tra và có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam- EU, trong đó có tiến trình thông qua Hiệp định thương mại Tự do (E-V FTA) giữa hai bên, bởi liên minh này có những điều khoản về chính sách đối ngoại và an ninh chung.
“Tôi hy vọng, cái điều tốt nhất, hy vọng không ảnh hưởng đến cái hiệp định. Chứ nếu nay mai, sự việc này còn diễn tiến, hai bên không giải quyết được với nhau. Thì tôi biết hiện nay, hai bên đang giải quyết sau hậu trường rất là mạnh. Nhất là khi 1 nhà ngoại giao của ta bị trục xuất. Thông thường theo thông lệ quốc tế, là phải có trục xuất trở lại, nhưng Việt Nam chắc không có động thái đó. Như vậy thì phải có cái hợp tác với nhau, giải quyết với nhau cho ổn thoả chuyện này, chứ để bung bét ra là rất nặng nề.”
Trong hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) vừa qua tại Manila, Việt Nam bị “cô lập”, đơn độc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, với vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam sẽ càng khó khăn trên con đường tìm kiếm sự ủng hộ của Cộng đồng quốc tế cho các giải pháp ngoại giao và pháp lý, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Nếu mà phía Đức vẫn cứ dứt khoát nói rằng Việt Nam vi phạm không chỉ luật pháp Đức mà còn luật pháp quốc tế nữa. Sau này, trong vấn đề ta muốn dùng luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, những nơi mà chúng ta bị vi phạm thì tiếng nói của ta sẽ yếu đi. Bởi vì bản thân anh không tôn trọng luật pháp quốc tế, thì sao anh đòi nước khác phải tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Truyền thông Đức đánh giá, đây là giai đoạn khó khăn, “thời kỳ đóng băng” trong quan hệ song phương Việt - Đức. Chưa biết khi nào thì mối quan hệ có thể được cải thiện, nhưng những hệ luỵ, tác động trước mắt là không hề nhỏ.
Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam
có bị ảnh hưởng sau vụ Trịnh Xuân Thanh?
Hãng Reuters trong tuần qua đưa tin cho biết phía Đức đang cân nhắc những biện pháp tiếp theo trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người có lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam, sau 10 tháng lẩn trốn đã xuất hiện ở Hà Nội, và cũng đề cập đến những khoản viện trợ phát triển đáng kể đang và sẽ có thể giúp cho Việt Nam.
Một trong những vấn đề được chú ý là liệu Việt Nam có gặp trở ngại trong thời gian chờ đợi thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) hay không?
FTA có thể chấm dứt
Trước tiên, cần phải nhắc lại vào khoảng thời gian tháng 11 năm 2016, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ở Hà Nội, ông Phil Hogan, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) cho biết hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn và các công việc đang diễn ra theo đúng như kế hoạch để hai bên sớm ký kết hiệp định tự do thương mại, có thể vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Và cũng tại buổi tiếp đón, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU bởi hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Điều này có nghĩa là khoảng cuối năm nay, hoặc trễ nhất là đầu năm 2018, nếu không có gì trở ngại, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ hoàn tất.
Thế nhưng, sự việc Trịnh Xuân Thanh, nhân vật bị Bộ Công an Việt Nam truy nã, sau hơn 10 tháng lẩn trốn ở Đức, nay đột ngột xuất hiện trên truyền thông Việt Nam cùng với tờ đơn tự thú, có vẻ đang là một trở ngại lớn cho Việt Nam trong việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU, mà Đức là một quốc gia có tiếng mạnh nhất trong khối này.
Ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, có một bài viết đăng tải trên Diplomat bình luận về vấn đề này. Quan điểm của ông thể hiện ngay trong tiêu đề của bài viết, “Vụ bắt cóc ở Berlin dẫn đến thất bại của Việt Nam trong việc ký kết FTA với EU như thế nào” (How A Kidnapping In Berlin Could Bring Down Vietnam’s FTA With Europe).
Chúng tôi liên lạc với nhà báo David Hutt qua email để hỏi rõ hơn về những yếu tố dẫn đến nhận định như thế? David Hutt cho biết, theo ông, ông không nhìn thấy thiện ý trao trả Trịnh Xuân Thanh về Berlin như yêu cầu của phía Đức.
“Vì Hà Nội không muốn trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho Đức, như Berlin đã yêu cầu. Và chính phủ Đức đã nói rằng không thể chấp nhận những gì Việt Nam đã làm trên ngay trên lãnh thổ của Đức, nghĩa là đã bắt cóc ông Thanh.
Và những gì Đức thực sự làm sẽ là một vấn đề khác. Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.”
Ông David Hutt cho rằng đây sẽ là mối de doạ đáng kể đối với Việt Nam.
Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam. Nhà báo David Hutt
Hoàn toàn ngượi lại với ý kiến của nhà báo David Hutt, ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định sự việc sẽ không nghiêm trọng như thế.
“Quan điểm cá nhân của tôi, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam với Đức là xu thế.
Tôi không hình dung được vì chuyện này mà Đức cấm vận hay tuyên chiến với Việt Nam. Bởi vì câu chuyện này là câu chuyện tham nhũng chứ không phải vấn đề nhân quyền hay chính trị.”
Ngày 9 tháng 8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức được Reuters dẫn lời rằng Đức từng hy vọng sẽ cùng với Việt Nam có cách giải quyết thoả đáng sau khi xảy ra vụ việc vi phạm trầm trong luật pháp Đức và luật quốc tế trong vụ Trịnh Xuân Thanh từ phía Việt Nam như thế.
Tuy nhiên, sự việc không diễn tiến như mong đợi, nên Đức đang xem xét những biện pháp có thể làm để Việt Nam thấy rõ là Berlin không chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật từ phía Hà Nội.
Cũng chính phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức đã trả lời với hãng tin Reuters rằng một vấn đề nghiêm trọng như thế không cách nào đóng lại được.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, từ Singapore cho chúng tôi biết quan điểm của ông trong vấn đề này là sẽ có những cách giải quyết theo chiến lược ngoại giao.
“Theo suy nghĩ cá nhân thì có lẽ bên Việt Nam cũng đang có những liên lạc với phía Đức để trao đổi thông tin để nói chuyện với phía Đức để làm dịu tình hình căng thẳng ngoại giao diễn ra giữa hai bên.”
Nhận định này có sự tương đồng với nguồn tin của Reuters đưa ra hôm 9 tháng 8, đó là vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết mọi giải pháp đều đang được đề ra và tiết lộ là hai chính phủ Đức và Việt Nam đã có nói chuyện với nhau.
Nội dung thế nào, các truyền thông lớn đều không đề cập.
Theo suy nghĩ cá nhân thì có lẽ bên Việt Nam cũng đang có những liên lạc với phía Đức để trao đổi thông tin để nói chuyện với phía Đức để làm dịu tình hình căng thẳng ngoại giao diễn ra giữa hai bên. – TS Hà Hoàng Hợp
Lựa chọn cuối cùng
Nhà báo David Hutt đã đưa ra những luận điểm cá nhân để chứng minh Hiệp định tự do thương mại EU đối với Việt Nam đang là một vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc”. Thêm vào đó, ông cho rằng một khi Mỹ quyết định rút TPP, thì Hiệp định tự do thương mại EU là hy vọng lớn nhất cuối cùng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, qua nội dung trao đổi với chúng tôi, ông có nói thêm “có một số lý do mà có thể Đức sẽ không thực hiện việc này, nghĩa là không chấm dứt FTA” với lý do.
“Thứ nhất, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại của Đức với Việt Nam. Thứ hai, nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai với các nước châu Á khác.”
Ông David Hutt cho biết theo những nguồn tin khả tín ông có được, Đức có thể xem xét điều này nhưng nó sẽ là lựa chọn cuối cùng sau khi tất cả những vấn đề khác đã được xem xét và cố gắng giải quyết.
Phải làm gì?
Cho đến hiện tại, phía nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng trước công luận. Chỉ một lần duy nhất là ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng với phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng “Việt Nam rất lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đưa ra” và Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước Việt – Đức.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin là vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Đức và luật pháp quốc tế.
“Khi mà có chuyện Trịnh Xuân Thanh nộp cái đơn xin tỵ nạn chính trị thì nước Đức buộc phải làm thủ tục xem xét việc xin tỵ nạn chính trị ấy có thể xảy ra được hay không? Đó là pháp quyền của nước Đức.”
Ông nói rằng người Đức muốn tìm hiểu việc Việt Nam truy nã và yêu cầu trục xuất Trịnh Xuân Thanh có hợp pháp quyền hay không?
Khi được hỏi liệu Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Berlin như yêu cầu của Đức, để Hiệp định thương mại tự do với EU không gặp khó khăn hay không, nhà báo David Hutt cho biết ông đoán rằng ông Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả về Đức, nơi mà ông ta đang nộp hồ sơ xin tỵ nạn.
Cũng xin được thưa thêm, Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) từng bị phái đoàn giáo phận Vinh đi vận động quốc tế, thúc giục Liên minh châu Âu cẩn trọng khi xem xét việc thông qua vì những quan ngại về nhân quyền và ô nhiễm môi trường ở Việt nam. Vì thế, có nhiều người cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh lại là một yếu tố để Liên minh châu Âu cân nhắc về việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam.
0 nhận xét