Tin khắp nơi – 17/08/2017
Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017
19:18
//
Slider
,
Tin khắp nơi
,
Tin tức
Tướng Mỹ: ‘Hoa Kỳ và Hàn Quốc
sẽ tập trận vào tuần tới’
Tướng lãnh cao cấp nhất của Mỹ cho biết Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung vào tuần tới, bất chấp áp lực từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đòi hai nước chấm dứt các cuộc diễn tập thường niên.
Phát biểu ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 17/8, Đại tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói Mỹ không có kế hoạch cắt giảm các cuộc tập trận với Hàn Quốc. Các cuộc tập trận này đã gây phẫn nộ cho Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Đại Tướng Dunford nói:
“Tôi không đề nghị giảm thiểu các cuộc tập trận cho đến khi nào, hoặc trừ phi Bắc Triều Tiên chứng minh được là họ sẵn sàng từ bỏ con đường mà họ đang theo đuổi trong lúc này- phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cũng có thể cả Trung Quốc.”
Các cuộc tập trận hàng năm giữa quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc để bảo vệ tự do, được đặt tên là ‘Ulchi-Freedom Guardian’, đã bắt đầu giai đoạn sơ khởi hôm thứ Tư 16/8, với phần chính cuộc tập trận sẽ khởi sự vào ngày thứ Hai tới đây.
Tướng Dunford thừa nhận một giải pháp quân sự để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn sẽ vô cùng “khủng khiếp,” nhưng ông nói để lãnh tụ Kim Jong Un phát triển tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân có thể đe dọa Hoa Kỳ, là điều “không thể tưởng tượng được.”
Đại tướng Hoa Kỳ nói Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà lãnh đạo quân sự xây dựng các giải pháp quân sự đáng tin cậy và khả thi. Ông nói đó chính là điều mà Mỹ đang làm.
Tuy nhiên, Tướng Dunford nhấn mạnh giải pháp quân sự chỉ được sử dụng nếu áp lực ngoại giao và kinh tế không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng trong cuộc chạy đua để phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh mục tiêu sau cùng của các nỗ lực hiện nay là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên trong hoà bình.
Mỹ ‘có lỗi’ trong việc gây tổn hại quan hệ quân sự với TQ
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ tới Bắc Kinh, Trung Quốc nói Hoa Kỳ có lỗi trong việc làm tổn hại quan hệ quân sự giữa hai nước, South China Morning Post tường thuật.
Việc Hoa Kỳ có các hành động “sai” tại Đài Loan, hoạt động tuần tra trên Biển Đông và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến tại Nam Hàn đã gây ảnh hưởng tiêu cực to lớn tới sự tin cậy quân sự hai bên.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương nói hôm thứ Năm 17/8/2017 với tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, rằng cơ chế tin cậy lẫn nhau giữa quân đội hai nước đang tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, tướng Phạm nói, “các hành động sai trái trong vấn đề Đài Loan, việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD quanh Trung Quốc, việc các tàu và máy bay Mỹ hoạt động ở Biển Nam Hải (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông), việc Hoa Kỳ tiến hành do thám sát vào vùng biển và vùng trời gần Trung Quốc đã tạo ảnh hưởng tiêu cực to lớn tới các quan hệ quân sự song phương và sự tin cậy lẫn nhau,” hãng tin Reuters trích dẫn.
Liên quan tới Biển Đông, Bắc Kinh đã rất giận dữ về các hoạt động mà phía Mỹ nói là nhằm ‘đảm bảo quyền tự do hàng hải’, với việc hải quân Hoa Kỳ trong những tháng gần đây đưa tàu chiến áp sát một số đảo có tranh chấp.
Việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí và ủng hộ Đài Loan cũng khiến Bắc Kinh tức giận, bởi Trung Quốc luôn coi đây là một tỉnh ly khai của mình, và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Bắc chính thức tuyên bố độc lập.
Tướng Phạm nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để phát triển quan hệ hợp tác, giải quyết bất đồng và các vấn đề nhạy cảm một cách thích hợp, và để đảm bảo rằng việc hợp tác quân sự sẽ trở thành động lực tích cực trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Hoa Kỳ tỏ ý quan ngại về điều mà Mỹ cho là các vụ không lực Trung Quốc chặn đường theo cách không đảm bảo an toàn đối với phi cơ Mỹ, và về việc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc.
Ông Dunford nói với các phóng viên rằng mục đích chính trong chuyến đi của ông tới Trung Quốc lần này là để kí kết một thỏa thuận khung cho cơ chế đối thoại quân sự chung.
Ông nói hai bên đã có thể tiến hành các cuộc họp qua video giữa ông và tướng Phạm Trường Long, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và cho biết Tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng có thể liên lạc được với Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc.
Trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, tướng Phạm nói rằng hành động quân sự không phải là điều có thể làm để giải quyết được cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn.
Sau cuộc gặp gỡ với tướng Phạm, ông Dunford đã có các cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì.
Bắc Kinh là chặng dừng chân thứ nhì trong chuyến công du châu Á của tướng Dunford.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ được trông đợi sẽ tới Nhật Bản sau thời gian ở thăm Trung Quốc.
Quốc gia ‘mắc kẹt’ giữa Mỹ và Trung Quốc
Karishma VaswaniPhóng viên kinh doanh châu Á
Hai năm trước, Philippines gắn liền với một tranh chấp khốc liệt với ‘ông lớn’ của khu vực, Trung Quốc, như trận chiến giữa David và Goliath về vấn đề các đảo trên Biển Đông.
Tua nhanh tới ngày hôm nay: Philippines muốn tiền của Trung Quốc.
Chuyện gì đã xảy ra? Philippines phần nào đang nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Đó là một quốc đảo nhỏ, nằm tại rìa của Thái Bình Dương, được bao quanh bởi các quốc gia lớn hơn và quyền lực hơn nhiều.
Nguồn thu nhập và tiềm lực quân sự chủ yếu tới từ Mỹ, quốc gia từng đô hộ Philippines.
Philippines cũng có một dân số lớn với nhiều người dân cần công ăn việc làm, và nhiều dự án xây cơ sở hạ tầng cần được đầu tư khẩn cấp mà bản thân đất nước không thể tự trang trải.
Những người bạn mới
Vậy là Philippines buộc phải chơi một trò chơi ‘bao bọc’ giữa Mỹ và Trung Quốc – hai siêu cường quốc cũ và mới của thế giới.
Mặc dù vẫn đang tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, hiện tại Manila cũng thể hiện vị thế mềm mỏng hơn nhằm thu hút đầu tư từ Bắc Kinh.
“Tại thời điểm này, việc xây dựng lòng tin vào nhau là rất quan trọng với chúng tôi,” Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore.
“Chúng tôi không phủ nhận bất kì tuyên bố gì [trong vấn đề Biển Đông] nhưng Tổng thống nghĩ rằng đã đến lúc cần phải có biện pháp thân thiện hơn là dính đến kiện tụng.”
Nhưng mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng nồng ấm thế.
Năm 2014, lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Philippines trị giá không đáng kể ở khoảng 42 triệu USD, một phần rất nhỏ so với lượng vốn đầu tư của Bắc Kinh vào các quốc gia Đông Nam Á khác – một phần do những nghi ngờ của Manila về các động cơ của Bắc Kinh.
Tình bạn này mới chớm nở dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte này chắc chắn đã giúp đỡ Philippines phần nào trong việc khai thác tài khoản khổng lồ của Trung Quốc nhằm giải ngân lượng nợ ông gặp phải, phục vụ cho chính sách “xây dựng, xây dựng, xây dựng” với chi phí dự tính khoảng 180 tỷ USD trong vòng 06 năm tới.
Một phần của chiến lược mới này, Bộ trưởng Dominguez cũng trao đổi với tôi rằng Philippines lần đầu tiên phát hành trái phiếu trị giá 200 triệu USD cho Trung Quốc vào tháng 10, để cố gắng thu hút đầu tư từ nước này.
Nhưng Trung Quốc không bao giờ đầu tư mà không đi kèm giàng buộc nào đó, tôi chỉ ra cho ông – cùng một danh sách các quốc gia châu Á vay nợ Trung Quốc và chỉ mới nhận ra mình không có đủ khả năng để trả lại số nợ này đang tăng mạnh. Liệu Philippines có phải quốc gia tiếp theo?
Bộ trưởng Dominguez nhanh chóng phủ định lo ngại này.
“Chúng tôi nghĩ khoản cho vay của Trung Quốc sẽ có lợi cho cả đôi bên, đặc biệt nếu chúng tôi có thể đàm phán một cách thông minh,” ông nói. “Không ai có thể ép buộc chúng tôi.”
Đây là điều tôi được nghe riêng từ nhiều quan chức châu Á, rằng khoản tiền của Bắc Kinh quá tốt để có thể bỏ qua, và họ tin rằng họ có thể khai thác mối quan hệ giữa hai nước nhằm phục vụ lợi ích riêng của mình.
Nhưng đây cũng là một lựa chọn khá nguy hiểm.
“Có rất nhiều câu chuyện cảnh báo tới từ khắp các quốc gia trong khu vực đã ra đi một cách thua cuộc,” Maria Ressa, giám đốc điều hành website Rappler và một nhà quan sát về Philippines trong một thời gian dài nói với tôi.
“Chính quyền Duterte nhận ra rằng chúng tôi đang yếu hơn, nhưng chúng tôi cũng có cái gì đó có thể đổi lại cho Trung Quốc. Họ đang thử một điều gì đó mới – nhưng họ có thật sự thông minh như những gì họ nói? Chúng ta hãy chờ và xem.”
Sự thay đổi về quyền lực
Hiện tại, Trung Quốc có vẻ đang nằm ở thế trên.
Sáng kiến “Một vành đai. Một con đường.” của Bắc Kinh, một “đại” dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới đã thuyết phục nhiều đối tác châu Á rằng sự chú ý của Trung Quốc dành cho các quốc gia này là dài hạn.
Cùng lúc đó, nhiều quốc gia châu Á dần cảm thấy đối tác truyền thống, Hoa Kỳ, đang trở nên bất ổn từ khi ông Trump được bầu làm Tổng thống. Dù không nói công khai nhưng xu hướng thay đổi chiến lược kinh tế và kinh doanh đang dần lộ rõ.
“Hợp tác kinh doanh giữa chúng tôi với Mỹ sẽ tiếp tục, nhưng sẽ không chiếm phần lớn của nền kinh tế như trong quá khứ,” Bộ trưởng Dominguez nói. “Chúng tôi từng chỉ có xe ô tô của Mỹ vào những năm 60… và bây giờ chúng tôi còn có xe máy của Trung Quốc. Chúng ta cần phải chạy theo thời thế.”
Tiền của Trung Quốc có thể sẽ đi kèm với những rắc rối riêng nhưng quan điểm ở đây là ít nhất Trung Quốc quan tâm tới những gì châu Á cần.
Hong Kong: Nhà hoạt động Joshua Wong bị tù sáu tháng
Nhà hoạt động người Hong Kong Joshua Wong bị án tù sáu tháng với tội danh tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi 2014.
Anh đã bị xét xử và bị kết tội tụ tập trái pháp luật hồi năm ngoái, với mức án phải thực hiện nghĩa vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, trong một diễn biến bất thường, chính quyền Hong Kong kháng nghị bản án vì cho rằng mức án đã ra là quá nhẹ.
Bản án đồng nghĩa với việc anh sẽ không thể ra tranh cử địa phương trong vòng năm năm tới. Hai lãnh tụ sinh viên khác là Nathan Law và Alex Chow cũng bị án tù.
Law bị mức tám tháng, còn Chow bị mức bảy tháng.
Phóng viên BBC Juliana Liu từ Hong Kong nói các nhóm hoạt động đã chỉ trích chính quyền Hong Kong và nói rằng việc kháng nghị là quyết định chính trị, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình trong tương lai và nhằm đẩy giới trẻ ra khỏi các kỳ bầu cử chính trị.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong bác bỏ và nói ‘hoàn toàn không có cơ sở’ để cho rằng có các động cơ chính trị trong đó.
‘Giam được thân thể, không giam được tinh thần’
Ngay sau khi bản án được công bố, Wong viết trên tài khoản Twitter cá nhân một loạt các thông điệp phản kháng.
Anh kết thúc loạt tweet của mình với dòng chữ ngắn gọn “hẹn sớm gặp lại”.
Ba nhà hoạt động bị kết tội tụ tập bất hợp pháp trong một vụ dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp ở Hong Kong.
Họ nằm trong số các sinh viên biểu tình quanh trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong và chiếm lĩnh sân trước của tòa nhà vào hôm 26/9/2014.
Việc cảnh sát tiến hành dep họ đi đã khiến công chúng giận dữ, và hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình vào những ngày tiếp theo.
Các nhà hoạt động ban đầu nhận được mức án là thực hiện nghĩa vụ cộng đồng. Nay, mức án tù khiến họ không được ra tranh cử trong các kỳ bầu cử tới, là các sự kiện mà trước đây họ đã ngỏ ý quan tâm tham gia.
Bất kỳ ai bị án tù trên ba tháng đều không được quyền tranh cử địa phương tại Hong Kong trong thời gian năm năm sau đó.
Hồi năm ngoái, Law đã trúng cử vào cơ quan lập pháp Hong Kong, nhưng tháng trước anh bị tuyên bố không đủ tiêu chuẩn khi tòa thượng thẩm thành phố ra phán quyết rằng anh đã tuyên thệ không thích hợp.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói việc giới chức Hong Kong kháng nghị để dẫn đến mức án tù cho ba nhà hoạt động là ‘một vụ tấn công báo thù’ nhằm vào quyền tự do ngôn luận.
Trung Ấn đụng độ ở biên giới Himalaya
Một cuộc đối đầu đã xảy ra giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp ở phía tây dãy Himalaya, các quan chức Ấn Độ cho biết hôm 15/8.
Cơ quan thông tấn PTI nói các binh lính ném đá, gây thương tích nhẹ cho cả hai bên, khi quân lính Trung Quốc đã tìm cách vào lãnh thổ Ấn Độ gần hồ Pangong.
Bắc Kinh khẳng định rằng quân đội của họ nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Hai quốc gia này cũng ở trong một bế tắc khác ở khu vực Doklam, giáp biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
PTI trích dẫn các quan chức quân đội nói rằng trong cuộc đối đầu gần đây nhất, binh lính phải hình thành một để ngăn chặn một cuộc tấn công của lực lượng Trung Quốc vào các lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền gần khu vực Ladakh của nước này. Trung Quốc cũng tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình.
Một quan chức Ấn Độ nói với BBC rằng ông không thể khẳng định hay phủ nhận thông tin của truyền thông, nhưng nói “những vụ việc như vậy có xảy ra”, và nói thêm rằng “đây không phải là lần đầu tiên có chuyện như thế này xảy ra.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố chính thức rằng “phía Ấn Độ phải ngay lập tức và vô điều kiện thu hồi toàn bộ lực lượng và vũ trang khỏi đất Trung Quốc,” và nhắc lại rằng quân đội của họ đã nằm trong lãnh thổ Trung Quốc khi cuộc đối đầu diễn ra.
Một tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, “Không có Đường Kiểm soát thực tế (LAC) nào được phân ra ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.”
Vụ đụng độ gần đây nhất diễn ra ngay cả khi quân đội hai nước có cuộc đối đầu ở phía đông, gần một cao nguyên được gọi là Doklam theo Ấn Độ hay Động Lãng theo tiếng Trung.
Kể từ cuộc đối đầu bắt đầu vào tháng 6, mỗi bên đã tăng cường lực lượng của mình và kêu gọi bên kia rút lui.
Hai nước đã có một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và các tranh chấp vẫn chưa được giải quyết ở một số khu vực, gây ra căng thẳng leo thang theo thời gian.
Charlottesville: Trump bị cả hai đảng lên án
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang vướng vào một cơn bão chính trị sau khi ông đổi quan điểm về liệu phe nào phải chịu trách nhiệm cho vụ bạo lực hôm thứ Bảy 12/8 ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, xuất phát từ cuộc biểu tình của các nhóm dân tộc chủ nghĩa da trắng cực đoan tại đó. Những phát biểu của Tổng thống Trump hôm 15/8, đổ lỗi cho cả hai bên về vụ bạo loạn ở Charlottesville đã bị thành viên của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa chỉ trích giữa lúc các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mức độ ủng hộ dành cho tổng thống Trumgp tiếp tục suy giảm. Phóng viên VOA Jim Malone có thêm chi tiết sau đây:
Trong cuộc trao đổi với các phóng viên tại tòa tháp Trump, tổng thống Mỹ nhấn mạnh cả hai bên trong vụ tranh cãi phải chịu trách nhiệm trong vụ bạo lực xảy ra trong cuộc biểu tình ở Charlottesville.
Ông Trump nói:
“Tôi đã theo dõi sát những gì diễn ra, theo dõi kỹ hơn nhiều so với quý vị. Có một nhóm người xấu xa thuộc một bên và phía bên kia cũng có một nhóm rất bạo động. Không ai muốn nói điều đó. Tôi xin nói ra điều đó ngay trong lúc này.”
Những bình luận của ông Trump đã bị đảng Dân chủ và nhiều thành viên đảng Cộng hòa lên án, kể cả Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Ông Ryan viết trên Twitter: “chủ nghĩa người da trắng ưu việt là điều đáng ghê tởm … điều đó phải rõ rệt, không thể có một sự mơ hồ về mặt đạo đức.”
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner phát biểu tại một thị trấn ở bang Colorado:
“K-K-K, tân Quốc Xã và những kẻ ủng hộ phong trào người da trắng ưu việt, xin các người hãy trở về hang động của mình.”
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna Romney McDaniel, người từng lên tiếng bênh vực ông Trump, nay bà cũng tố cáo những nhóm gieo rắc hận thù thuộc thành phần cực hữu.
Bà McDaniel nói trên đài truyền hình ABC:
“Chúng tôi không muốn lá phiếu của các ông. Chúng tôi không ủng hộ các ông. Chúng tôi sẽ lên tiếng chống lại. Tổng thống đã nói như vậy, và phó tổng thống cũng nói như thế.”
Hôm thứ Hai 14/8, ông Trump lên án các nhóm phân biệt chủng tộc sau khi ông chịu áp lực phải đính chính lại bình luận đưa ra hôm thứ Bảy, khi ông quy lỗi cho “nhiều bên” gây nên án bạo lực.
Nhà báo Julie Pace của hãng tin AP nói vụ tranh luận này thể hiện tính hiếu chiến của Tổng thống Trump:
“Suy cho cùng, đây là một người đàn ông 71 tuổi tin tưởng vào những gì ông nói. Ông không thể bị kiểm soát và thực sự phát cáu lên khi bị kiềm hãm. Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm sao ông tiếp tục tiến tới phía trước đây?”
Nhà phân tích đảng Cộng hòa Scot Faulkner nói ông Trump vẫn coi những lời chỉ trích là xúc phạm tới cá nhân ông.
“Ông ấy có những phát biểu khoa trương khi nói về thành phần thấp cổ bé miệng, thành phần bị lãng quên và đất nước nói chung. Đào sâu hơn một chút …là thấy ngay tất cả chỉ xoay quanh cá nhân ông.”
Trao đổi qua Skype, nhà phân tích Larry Sabato nhận định Tổng thống Mỹ bị chỉ trích đúng vào thời điểm khi mức ủng hộ đối với ông trong các cuộc thăm dò đã giảm xuống dưới 40%.
“Tình huống thật hỗn độn và gây hoang mang, ai cũng thấy vậy. Tỷ lệ ủng hộ ông đang rơi xuống mức thấp nhất so với bất cứ tổng thống nào khác, kể từ khi bắt đầu các cuộc thăm dò công luận tại thời điểm 200 ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống.”
Trận bão vây quanh những phát biểu của Tổng thống Trump nổ ra cùng ngày tang lễ bà Heather Heyer được cử hành, nạn nhân tử vong hôm thứ Bảy 12/8, sau khi một chiếc xe lao vào đám đông những người chống đối cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng tại Charlottesville.
Hàn Quốc: không muốn có chiến tranh với Bắc Hàn
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hứa sẽ tham khảo ý kiến của Seoul trước khi tiến hành các chiến dịch quân sự chống Bắc Triều Tiên về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.
Trong một cuộc họp báo hôm 16/8 được truyền hình trực tiếp đánh dấu 100 ngày đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông Moon cam kết sẽ không để xảy ra thêm một cuộc xung đột quân sự khác nữa trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc nội chiến 1950-1953 giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đã kết thúc với một cuộc ngừng bắn chứ không phải một hòa ước, và vì vậy trên nguyên tắc, hai bên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Ông Moon lên nắm quyền vào tháng 5 với lời hứa sẽ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, kể cả chỉ định một đặc phái viên tới Bắc Triều Tiên, tuy nhiên cố gắng của ông tìm cách nối kết với miền Bắc đã bị chính quyền Bình Nhưỡng khước từ. Ông Moon nói ông sẵn sàng kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên, nhưng cảnh báo là có một “làn ranh đỏ” không thể vượt qua nếu Bắc Triều Tiên gắn đầu đạn hạt nhân vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tình hình căng thẳng dường như đã dịu đi trong mấy ngày gần đây sau một cuộc đấu khẩu dùng lời lẽ hiếu chiến giữa ông Trump và Bình Nhưỡng, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một loạt biện pháp chế tài mới để trừng phạt Bắc Triều Tiên. Hai bên lời qua tiếng lại sau khi có tin nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Bắc Hàn đã chế tạo một đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa.
Tổng thống Trump hôm thứ Năm 17/8 viết trên trang Twitter rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã làm “một quyết định khôn ngoan và hữu lý” khi hoãn kế hoạch phóng tên lửa về hướng đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông Trump nói nếu điều này xảy ra thì tình huống sẽ vô cùng thảm khốc và không thể chấp nhận được.
Hồi đầu tuần này, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên dẫn lời lãnh tụ Kim nói ông đang trì hoãn kế hoạch để chờ xem “liệu các Yankees Mỹ có tiếp tục những hành động cực kỳ nguy hiểm và liều lĩnh của họ” hay không.
Quân đội Mỹ-Trung
vẫn liên lạc chặt chẽ về các vấn đề quốc tế
Người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ nói tình hình hiện nay cho thấy nhu cầu ngày càng cấp bách đòi hỏi Trung Quốc phải tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên.
Đại Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ phát biểu ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 17/8, trước khi lên đường công du Nhật Bản.
Một phát ngôn viên của Hoa Kỳ cho biết tướng Dunford nói với các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang trong tư thế sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự nếu giải pháp ngoại giao thất bại.
Trong cuộc hội đàm, Tướng Dunford và vị đồng cấp trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để cải thiện thông tin liên lạc giữa hai bên.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư 16/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn duy trì những đường dây liên lạc chặt chẽ với nhau để thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.
Mỹ: Bộ trưởng Tư pháp chỉ trích
các thành phố ‘chứa chấp’
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 16/8 mạnh mẽ chỉ trích giới lãnh đạo chính trị của thành phố Chicago, nói rằng các chính sách ‘chứa chấp’ di dân không giấy tờ của thành phố này là một ví dụ của tình trạng vi phạm luật lệ và trật tự trong nước.
Bộ trưởng Sessions đã bắt đầu ban hành những giới hạn mới trong một số ngân quỹ dành cho khâu thực thi luật pháp của các thành phố không chịu dùng nguồn lực của thành phố thực thi luật di trú liên bang.
Chicago cùng với thành phố San Francisco và tiểu bang California trong tháng này đã đâm đơn ra tòa chống lại các điều kiện này.
Tổng thống Donald Trump thường chỉ trích Chicago và tỷ lệ tội phạm cao của thành phố này. Bài trừ di dân bất hợp pháp là một chủ đề trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 của ông Trump.
Những ý kiến phản đối cho rằng những thành phố trú ẩn an toàn cho di dân không giấy tờ giúp xây dụng niềm tin giữa cộng đồng di dân với lực lượng thực thi luật pháp, từ đó giảm bớt tội phạm.
Bộ trưởng Tư pháp Sessions ca ngợi lãnh đạo các địa phương tuân thủ quy định cho phép nhà chức trách di trú liên bang tiếp cận những người bị giam cầm tại các nhà tù địa phương. Vẫn theo lời ông Sessions, Chicago từ chối không làm như vậy đã biến nơi này thành nơi trú ẩn an toàn cho những người phạm pháp và những tay buôn lậu ma túy.
Thị trưởng Chicago, Rahm Emanuel, nói chính quyền tái tục tấn công di dân_những người xem Mỹ là miền đất hy vọng_trong giai đoạn chính quyền Trump đang đương đầu với vụ bạo động chết người ở Virginia liên quan đến chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa phát xít mới là một lựa chọn sai thời điểm.
Mỹ kêu gọi Châu Mỹ Latin cô lập Bắc Triều Tiên
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16/8 kêu gọi Brazil, Peru, Chile, và Mexico cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên, đồng thời nói thêm rằng ‘mọi phương án’ đang được tính tới với quốc gia cộng sản ở Châu Á này.
“Mỹ coi trọng việc cô lập ngoại giao đối với chế độ Kim và chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Chile, chúng tôi thúc giục Brazil, Mexico, và Peru cắt đứt mọi quan hệ thương mại và ngoại giao với Bắc Triều Tiên,” Phó Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Chile nhân chuyến công du nước này.
Tổng thống Mỹ tuần trước cảnh cáo Bình Nhưỡng sẽ gặp ‘hỏa thịnh nộ’ nếu đe dọa Hoa Kỳ, khiến Bắc Triều Tiên tuyên bố đang xem xét kế hoạch bắn phi đạn về lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngày 16/8 Tổng thống Mỹ hoan nghênh lãnh tụ Bắc Triều Tiên về quyết định ‘khôn ngoan’ khi truyền thông Bình Nhưỡng loan báo ông Kim Jong Un tạm hoãn kế hoạch vừa kể trong lúc chờ xem động thái tiếp theo của Hoa Kỳ.
Giao thương giữa các nước Châu Mỹ Latin với Bình Nhưỡng không đáng kể.
Bắc Triều Tiên có đại sứ quán ở Brasilia và Brazil mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng năm 2009.
Đáp câu hỏi liệu Brazil có cắt quan hệ thương mại, ngoại giao với Bình Nhưỡng không, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao nước này nói ‘Brazil sẽ theo các quyết định của các tổ chức đa phương.’
Peru chưa nhận được yêu cầu trực tiếp từ Mỹ và chưa có kế hoạch hành động, một nguồn tin chính phủ cho hay.
Chile có dàn xếp quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc và Phó Tổng thống Mỹ cho biết ngày 16/8 ông đã yêu cầu Chile cắt đứt mối quan hệ đó.
Argentina, nền kinh tế thứ 3 của Châu Mỹ Latin, cho biết không có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên.
Các chính phủ cánh tả như Cuba và Venezuela phần lớn vẫn giữ im lặng về bế tắc Triều Tiên hiện nay.
CEO từ chức,
Trump giải tán Hội đồng Cố vấn Thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đối mặt với một loạt chỉ trích khi ông cho rằng nên quy trách cả hai phía_những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt và những người biểu tình phản đối họ_về vụ bạo động chết người nổ ra cuối tuần qua tại Charlottesville, bang Virginia.
Hôm 16/8, Tổng thống loan báo giải thể hai Hội đồng Cố vấn Thương mại gồm những giám đốc điều hành các tập đoàn hàng đầu của Mỹ sau khi có ít nhất bảy CEO thông báo từ chức rút ra khỏi các hội đồng này vì những lời phát biểu của Tổng thống.
Phát biểu của ông Trump gặp nhiều chỉ trích, kể cả từ các giới chức hàng đầu bên Đảng Cộng hòa của ông Trump, các tư lệnh quân đội, và giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Vụ bạo động hôm thứ bảy khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và 19 người khác bị thương khi một người theo chủ nghĩa Quốc xã mới lao xe tông vào những người biểu tình chống những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt.
Thoạt tiên, ông Trump quy lỗi cho ‘nhiều bên’. Tới thứ hai, ông lên án những người theo chủ nghĩa Quốc xã mới, những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt, và những thành viên Ku Klux Klan phân biệt chủng tộc vì vai trò của họ trong cuộc bạo loạn.
Đến thứ ba, tại cuộc họp báo ở Tháp Trump, New York, Tổng thống quay lại với nhận định ban đầu.
“Nhìn cả đôi bên. Cả đôi bên đều có phần trách nhiệm. Tôi không nghi ngờ điều đó,” Tổng thống Trump nói.
Ông David Duke thuộc Ku Klux Klan, phe chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng, ngay lập tức ca ngợi phát biểu của ông Trump: “Cảm ơn Tổng thống vì sự chân thành, can đảm nói lên sự thật về vụ Charlottesville và lên án những tay khủng bố cánh tả.”
Tuy nhiên, những đảng viên Cộng hòa chủ chốt đã lên tiếng phản đối quan điểm của Tổng thống Trump.
Lãnh đạo Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, Chủ tịch Paul Ryan, nói: “Chúng ta phải rõ ràng. Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là đáng kinh tởm. Sự mù quáng này chống lại toàn bộ những gì đất nước này đại diện. Không thể nhập nhằng đạo lý.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố: “Tổng thống, ông không thể quy trách những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt chỉ một phần trách nhiệm.”
Thống đốc bang Ohio, John Kasich, kêu gọi: “Tổng thống Mỹ phải lên án những nhóm thù hận này.”
Lãnh tụ Dân chủ ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Charles Schumer, nhắn nhủ với Tổng thống rằng: “Khi David Duke và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hoan hô những lời phát biểu của ông thì nghĩa là ông đã cực kỳ sai. Những vị Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ tìm cách đoàn kết chứ không phải chia rẽ quốc gia. Phát biểu của Tổng thống Donald Trump rõ ràng chứng tỏ ông ta nằm trong số đó.”
Phát biểu của ông Trump cũng bị phản đối từ Anh, một đồng minh của Mỹ. Thủ tướng Theresa May nói: “Tôi không thấy sự tương ứng giữa những người cổ súy các quan điểm phát xít với những người chống lại các quan điểm đó. Quan trọng là những người trong những vị trí có trách nhiệm phải lên án các lập trường cực hữu bất kỳ nơi nào mà họ nghe thấy.”
Hai cựu Tổng thống Mỹ, George H.W. Bush, và con trai ông, George W. Bush, ngày 16/8 ra một thông cáo chung nói rằng vụ Charlottesville nhắc nhớ các chân lý căn bản ghi trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, theo đó mọi người đều bình đẳng và có quyền bình đẳng như nhau.
Obama lên Twitter chống phân biệt sắc tộc
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Bảy 12/8 tải lên trang Twitter một bức ảnh sau khi bạo lực chết người nổ ra tại thành phố Charlottesville, bang Virginia. Đây là tweet được nhiều “likes” nhất trên mạng truyền thông xã hội này.
Bức ảnh chụp ông Obama chống tay lên cửa sổ, áo khoác một bên vai, dõi mắt nhìn lên một nhóm trẻ sơ sinh khác màu da đang nhìn ông từ một khung cửa sổ mở rộng.
Cùng với bức ảnh, ông Obama dẫn lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela:
“Không ai sinh ra là biết thù ghét người khác vì màu da, gốc gác, lý lịch hay tôn giáo của họ…”
Bình luận của ông Obama được tải lên mạng một ngày sau khi những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng tề tựu về thành phố Charlottesville để phản đối quyết định của thành phố hạ bức tượng của một tướng lãnh đã chỉ huy các lực lượng nổi dậy trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ trong những năm 1861-1865. Những người chống nhóm biểu tình dân tộc chủ nghĩa cũng tụ tập để lên án các nhóm cực đoan này, và một người đàn ông lái xe lao vào đám đông, giết chết một phụ nữ.
Tính đến sáng ngày thứ Tư 16/8, bình luận của ông Obama đã được khoảng 2,8 triệu lượt “thích,” vượt qua tweet mà ca sĩ nhạc pop Mỹ Ariana Grande nhận được sau một cuộc tấn công khủng bố tại một trong những buổi hòa nhạc của cô ở Anh hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, người kế nhiệm ông Obama, Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với những lời chỉ trích vì phản ứng trước sự kiện ở thành phố Charlottesville.
Xe tải tông hàng chục người ở Barcelona
Cảnh sát Tây Ban Nha hôm 17/8 nói một xe tải đã lao lên vỉa hè, tông hàng chục người ở trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, làm nhiều người bị thương.
Hãng tin Reuters dẫn lời cảnh sát mô tả vụ việc này là “vụ tông xe quy mô”. Các dịch vụ khẩn cấp khuyến cáo người dân không nên lui tới khu vực quanh quảng trường Placa Catalunya ở Barcelona, và đề nghị đóng cửa các trạm xe lửa và ga tàu điện kế cận.
Báo El Pais cho biết tài xế chiếc xe đã bỏ chạy sau khi cho xe lao vào hàng chục nạn nhân.
Hiện chưa có chi tiết về vụ việc.
Trong những tuần gần đây, các tranh vẽ tường graffiti với nội dung đe dọa du khách đã xuất hiện ở thủ đô Barcelona, điểm đến thu hút ít nhất 11 triệu du khách mỗi năm.
Trong một băng video tung ra với khẩu hiệu “du lịch giết chết các khu xóm”, một số cá nhân trùm đầu chặn lại một chiếc xe buýt chở du khách ở Barcelona, rạch lốp xe và phun sơn lên kính chắn gió.
Úc : Kẹt giữa đối tác Trung Quốc và đồng minh Hoa Kỳ
Nước Úc đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Canberra nên chọn ngả về đối tác thương mại Trung Quốc hay nghiêng sang đồng minh quân sự Hoa Kỳ ? Trong vài viết « Nước Úc : sức cám dỗ từ Trung Quốc » đăng trên báo Le Monde ngày thứ Hai 14/08/2017, tác giả Caroline Taïx nhận định mọi chuyên không hề đơn giản, vì Hoa Kỳ là đồng minh lịch sử của Úc nhưng lại là đối thủ « nặng ký », « đáng gờm » của Trung Quốc.
Nhà báo Caroline Taïx dẫn ví dụ về cảng Darwin để minh họa cho thế khó xử của chính quyền Canberra. Cảng chiến lược Darwin, nằm ở cực bắc nước Úc, gần Indonesia và không xa Trung Quốc. Về mặt lịch sử, thành phố Darwin đã từng giữ vai trò quan trọng trong Đệ Nhị Thế Chiến : Các lực lượng đồng minh đã đóng quân ở Darwin và thành phố đã hai lần bị Nhật Bản ném bom hai tháng sau trận Trân Châu Cảng, hồi tháng 2 năm 1942. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Úc bị tấn công.
Năm 2015, Canberra bán cảng Darwin cho công ty Trung Quốc Landbridge. Mặc dù Landbridge là doanh nghiệp tư nhân nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh. Vấn đề là cách cảng Darwin vài km có một doanh trại quân sự của Úc. Đó là nơi 1.250 binh lính Mỹ tới hồi tháng 04 để tập huấn với các đồng nghiệp Úc. Một phần thiết bị quân sự của Mỹ được bốc dỡ trước mắt người Trung Quốc ở cảng Darwin. Nhiều người lo ngại là rất có thể Bắc kinh đã mua cảng chiến lược Darwin để do thám các hoạt động quân sự của Úc và Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ biết đến thương vụ này sau khi mọi chuyên mua bán giữa Úc và Trung quốc đã xong xuôi. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull : « Lần sau, hãy báo trước cho chúng tôi biết ». Giáo sư Hugh White, thuộc Đại học Quốc Gia Úc, cựu cố vấn của bộ Quốc Phòng Úc giải thích : « Đương nhiên là đồng minh Mỹ không muốn cảng này rơi vào tay người Trung Quốc, nhưng nước Úc lại muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở của nước này. Cảng Darwin là một ví dụ điển hình cho việc Úc phải lựa chọn».Trung Quốc càng lớn mạnh, Úc càng khó có thể tìm thế đứng cân bằng giữa hai « gã khổng lồ » Mỹ – Trung.
Trên thực tế, đối với Úc, sức hấp dẫn từ nền kinh tế Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc đã vượt xa các quốc gia khác để trở thành thị trường lớn nhất cho nước Úc, đặc biệt từ sau thỏa thuận tự do mậu dịch 2015. Hơn 1/3 khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Úc là bán sang Trung Quốc, so với con số 3% vào năm 1991. Nếu từ năm 1991 tới nay, kinh tế Úc không bị suy thoái thì là phần lớn là nhờ nhập khẩu của Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Saul Eslake nhấn mạnh : « Trên Trái Đất này, không có quốc gia nào được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh và tốc độ công nghiệp hóa nhanh của Trung Quốc như nước Úc ».
Từ năm 2007, Trung Quốc đầu tư vào Úc tổng cộng 90 tỉ đô la, chỉ sau Hoa Kỳ. Năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Úc tăng 12%, đặc biệt vào nông nghiệp và hạ tầng cơ sở. Chuyên gia quốc phòng Hugh White khẳng định : « Người Úc coi Trung Quốc là mấu chốt thúc thẩy kinh tế phát triển trong tương lai. Đối với chính phủ Úc, giả thuyết về việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, hay đơn giản chỉ là mối quan hệ này nguội lạnh đi cũng thật đáng lo. Điều này khiến Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng quan trọng tới chính sách của Úc.»
Tuy nhiên, những tác động của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Người Úc lâu nay lo sợ là Trung Quốc theo dõi đất nước mình. Và gần đây họ lại phát hiện ra rằng Bắc Kinh ngày càng tìm cách gây ảnh hưởng, đặc biệt tại các trường đại học và đối với các đảng phái chính trị. Nhiều quan chức tình báo không ngại nhắc tới việc Bắc Kinh giám sát cộng đồng 1 triệu người Hoa ở Úc. Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, ông Dennis Richardon, hồi tháng 05/2017 tuyên bố với báo giới trước khi về hưu rằng việc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động tình báo tại Úc không còn là một bí mật.
Còn ông Duncan Lewis, giám đốc tình báo Úc, đã cảnh báo Quốc Hội rằng các can thiệp của nước ngoài đang ở mức chưa từng có và có thể gây hại cho chủ quyền quốc gia, ngụ ý nói tới Trung Quốc.
Kênh truyền hình Úc ABC và tập đoàn truyền thông Fairfax đã tiết lộ cách thức mà Trung Quốc bí mật thâm nhập vào nước Úc : nhiều doanh nhân tỉ phú Trung Quốc đã chi nhiều triệu đô la để được tiếp cận và gây ảnh hưởng tới các quan chức chính trị. Cách đây hai năm, giám đốc tình báo Lewis đã cảnh báo các đảng lớn như đảng Lao Động hay đảng Tự Do về các khoản tiền cho tặng, quyên góp của hai tỉ phú thân Bắc Kinh – ông Hoàng Tường Mai (Huang Xiangmo) và Chu Trạch Vinh (Chau Chak Wing). Nhưng hai đảng trên vẫn tiếp tục nhận tiền của các doanh nhân Trung Quốc, tổng cộng 4,5 triệu euro trong vòng 10 năm.
Thượng nghị sĩ đảng Lao Động, ông Sam Dastyari đã nhận tiền của doanh nhân Hoàng và năm 2016 đã có tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông : « Biển Đông là việc của Trung Quốc ». Tuyên bố trên đi ngược lại với quan điểm chính thức của đảng Lao Động. Thượng nghị sĩ này cũng đã hai lần liên lạc thúc giục bộ Di Trú cấp cuốc tịch Úc cho tỉ phú Hoàng.
ABC và Fairfax còn tiết lộ về việc Bắc Kinh có các hành động đe dọa các nhà đối lập với đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện đang sống tại Trung Quốc. Hồi tháng 03/2017, Bắc Kinh bắt giữ giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một người Hoa thường trú tại Úc vì chỉ trích Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tới Canberra. Quan hệ hai bên sau đó trở nên nguội lạnh. Hệ quả là Canberra thông báo xem xét lại luật chống gián điệp để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Úc cũng đã hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ ký kết với Trung Quốc.
Trong khi đó, Hoa Kỳ có mối quan hệ lịch sử chiến lược với Úc. Giám đốc viện Lowy Institute, ông Micheal Fillilove, giải thích: « Úc là nước duy nhất chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ trong tất cả các cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở thế kỷ XX, XXI ». Cho tới nay, Úc vẫn là thành viên của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo do Mỹ đứng đầu. Đa phần dân Úc đánh giá liên minh với Mỹ rất quan trọng để đảm bảo an ninh cho đất nước.
Cùng với Anh Quốc, Canada và New Zeland, Mỹ và Úc còn là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes. Washington và Canberra còn có chung một cơ sở hoạt động tình báo giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra các vụ phóng tên lửa đạn đạo của các thế lực thù địch.
Trước các tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Úc sẽ tăng mạnh, vượt ngưỡng 2% tổng thu nhập quốc nội từ năm 2020. Úc cũng mua một phần lớn thiết bị quân sự của Mỹ.
Hồi tháng 01/2017, Rex Tillerson, trước khi chính thức là ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã đưa ra ý tưởng ngăn không cho Trung Quốc tới các đảo mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông, đồng thời nhắc tới sự yên lặng của Úc trong hồ sơ Biển Đông. Để đáp trả, cựu thủ tướng Úc Paul Keating đã nhắc nhở chính quyền : « Chúng ta phải nói với tân chính quyền Mỹ là Úc sẽ không tham gia vào một hành động mạo hiểm như vậy, cũng giống như Úc đã từ chối tham gia chiến tranh Irak cách đây 15 năm ». Theo cựu thủ tướng Paul Keating, điều đó không có lợi cho nước Úc.
Donald Trump, kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, cũng không nể nang gì nước Úc, bắt đầu từ việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Sau đó, Úc đã tìm cách khôi phục TPP và mở cửa với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây lại gây ngạc nhiên khi thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc không tích cực ngăn cản chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhất là về việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Theo nhà báo Caroline Taïx, trong trường hợp khủng hoảng, Bắc Kinh có thể cản trở Úc trao đổi thương mại với phần còn lại của châu Á, nhất là hai thị trường lớn Nhật Bản và Hàn Quốc, vì 2/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Úc được chuyên chở qua Biển Đông. Và cũng chính vì thế, Úc đã đề nghị Mỹ duy trì sự hiện diện trong khu vực.
Từ nay tới cuối năm, Canberra sẽ công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại để bảo vệ lợi ích quốc tế của Úc và xác định chính sách ngoại giao cho những năm tới. Điều này đang được quốc tế chờ đợi vì Úc giữ vai trò cân bằng hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Để kết luận cho bài viết, nhà báo Caroline Taïx dẫn lời nhà nghiên cứu James Curran từ Trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ, thuộc đại học Sydney : « Nếu căng thẳng Washington – Bắc Kinh gia tăng, nhiệm vụ của Ngoại Giao Úc sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều ».
Ukraina muốn chứng minh
sự vô can với tên lửa Bắc Triều Tiên
Hôm 14/08/2017, tờ báo Mỹ The New York Times công bố một cuộc điều tra, gắn liền các tên lửa liên lục địa do Bắc Triều Tiên thử nghiệm với các động cơ sử dụng công nghệ tên lửa Ukraina. Bài báo đã gây chấn động tại Ukraina và bị cực lực phản đối. Ngày 16/08/2017, tổng thống Ukraina Porochenko đã ra lệnh mở cuộc điều tra, nhưng hơi muộn màng.
Tại Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert giải thích :
Chứng minh rằng Ukraina không dính líu gì đến động cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên, và tìm ra nguồn gốc của những thông tin sai lạc làm mất uy tín quốc gia : Đây là các mục tiêu rõ rệt của nhiệm vụ mà ông Petro Porochenko giao cho các cơ quan an ninh Ukraina.
Thế nhưng, quyết định này chỉ được đưa ra hơn hai ngày sau khi bài báo được tờ The New York Times công bố. Trong hai ngày đó, một số yếu tố mới đã tương đối hóa lời khẳng định của tờ báo Mỹ và giải oan cho Ukraina.
Sáng kiến điều tra của tổng thống Ukraina chắc chắn sẽ gây tranh cãi, vì ông chỉ cho giới điều tra vỏn vẹn ba ngày để nghiên cứu một trường hợp rất phức tạp, và thông báo mở điều tra được công bố dường như đã chứa đựng các các kết quả mà ông chờ đợi.
Thay vì tìm kiếm sự thật, cuộc điều tra của ông Porochenko mang dáng dấp của một phản ứng bực bội. Giới lãnh đạo Ukraina đang bị tức tối vì bị cáo buộc thông đồng với chế độ bất hảo ở Bình Nhưỡng.
Và điều này lại xảy ra đúng vào thời điểm Nhà Trắng xem xét việc chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraina, một lượng vũ khí mà Kiev chờ đợi từ lâu.
Anh Quốc : Sẽ không có biên giới với Ireland sau Brexit
Hôm qua, 16/08/2017, chính phủ Anh đã ra những tuyên bố chính thức đầu tiên về vấn đề biên giới với Ireland, một trong ba vấn đề quan trọng nhất trong đàm phán về Brexit. Tuy nhiên, văn bản mà Luân Đôn công bố về vấn đề này vẫn bị xem là không rõ ràng. Ireland hiện vẫn gồm hai phần, một bên là Cộng Hòa Ireland, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và bên kia là Bắc Ireland, một tỉnh của Vương Quốc Anh.
Thông tín viên RFI Marina Daras tại London cho biết thêm chi tiết :
« Chính phủ Anh đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhưng thực chất đề xuất của họ vẫn còn chưa rõ ràng. Họ nói rằng không muốn thiết lập một đường biên giới thực thụ giữa Ireland và Bắc Ireland, nhưng kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu Vương Quốc Anh và Bruxelles đạt thỏa thuận về liên minh thế quan.
Một thỏa thuận về tự do lưu thông hàng hóa sẽ làm cho biên giới giữa Vương quốc Anh và Irelandtrở nên hoàn toàn vô nghĩa. Đây được xem là cách mà Luân Đôn sử dụng để thúc ép các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hiện vẫn từ chối nói về thỏa thuận thương mại.
Kịch bản thứ hai mà chính phủ Anh đề xuất là các biện pháp về thuế quan, có thể bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để tự động rà soát các biển số xe và từ đó kiểm soát lưu lượnghàng hoá mà không cản trở lưu thông hàng hóa.
Nhưngvấn đề biên giới ở Bắc Ireland cũng là một vấn đề ngoại giao. Bắc Ireland hiện tại vẫn không có người đứng đầu chính phủ và tình hình giữa London và Bắc Ireland thì vẫn căng thẳng. Bruxelles và chính phủ Cộng hòa Irleland thì không muốn gây tác hại đến đe dọa tiến trình hòa bình với việc áp đặt một đường biên giới « đóng », nhưng điều này lại là cần thiết để ngăn chặn nạn buôn lậu. »
Pháp : Đệ nhất phu nhân Brigitte
lần đầu tiên trả lời báo chí
Lần đầu tiên kể từ khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, đệ nhất phu nhân Brigitte Macron trả lời phỏng vấn báo chí. Bài trả lời phỏng vấn sẽ được đăng trong tạp chí Elle số ra ngày mai, 18/08/2017, nhưng một số trích đoạn đã được đăng trên mạng hôm nay.
Trả lời tạp chí Elle, bà Brigitte Macron cho biết bà muốn đảm nhận vai trò của bà trước công chúng với tư cách phu nhân tổng thống, và vai trò này sẽ được xác định bằng một văn bản gọi là « hiến chương minh bạch », ghi rõ ràng, chi tiết, những nhiệm vụ của bà và những phương tiện mà bà sử dụng.
Bà Macron nói thêm là trên trang web của điện Elysée (Phủ tổng thống Pháp), mọi cuộc hẹn, mọi hoạt động của bà sẽ được đăng tải đầy đủ, để người dân Pháp biết rõ những gì bà làm.
Cho tới nay, không có văn bản nào quy định về khuôn khổ hoạt động của đệ nhất phu nhân Pháp, cũng như những phương tiện dành cho nhân vật này. Tổng thống Emmanuel Macron ban đầu đã dự trù thiết lập một quy chế chính thức cho đệ nhất phu nhân, nhưng cuối cùng đã từ bỏ ý định này do gặp nhiều chống đối.
« Hiến chương minh bạch » sắp được công bố sẽ xác nhận tình hình hiện nay của phu nhân tổng thống Pháp, theo lời những người thân cận với bà hôm qua. Cụ thể, đệ nhất phu nhân hiện có 3 cộng sự viên, trong đó có hai cố vấn được biệt phái từ điện Elysée, và một thư ký. Nguyên là một giáo viên, bà Macron có thể sẽ hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và người khuyết tật.
Trong bài trả lời phỏng vấn, đệ nhất phu nhân cũng đề cập đến vợ chồng bà, nói đùa về sư chênh lệch tuổi quá lớn (24 tuổi) giữa bà với tổng thống Macron : «Cái dở nhất của Emmanuel, đó là trẻ hơn tôi».
Đây là lần đầu tiên bà Brigitte Macron trả lời phỏng vấn báo chí kể từ khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp. Từ đó cho đến nay, bà không hề lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, ngoại trừ một số phóng sự ảnh trên các tạp chí people hoặc trong các video clip do điện Elysée phát trên các mạng xã hội. Ngày mai, ảnh của bà sẽ nằm trên trang nhất tạp chí Elle ở Pháp, cũng như trên nhiều ấn bản quốc tế của tuần báo này.
Pew Research: Putin được tin tưởng hơn là Trump
Theo kết quả khảo sát toàn cầu của trung tâm nghiên cứu Pew Research được công bố ngày 16/08/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin được tin tưởng hơn tổng thống Mỹ Donald Trump ngay cả tại nhiều nước đồng minh của Mỹ. Cuộc khảo sát thực hiện với những người được chọn ngẫu nhiên trên toàn cầu từ từ tháng 2 đến tháng 4/2017, qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cả hai nhà lãnh đạo đều không đạt điểm cao trong cuộc thăm dò của Pew Research.
Theo khảo sát này, công dân tại các nước đồng minh với Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và bảy nước thành viên NATO tin rằng ông Putin sẽ ra những quyết định đúng đắn cho thế giới hơn là tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều người dân tại các nước liên minh với Mỹ nghi ngờ khả năng bảo vệ của Mỹ dưới thời tổng thống Trump, do ông thường xuyên tuyên bố thất thường về các vấn đề quốc tế.
Putin nhận được sự tin tưởng của 25% người Đức, trong khi tổng thống Trump chỉ được 11%. Tại Hàn Quốc, 27 % người được hỏi ủng hộ Putin và chỉ có 17 % tin vào Trump. Trên toàn cầu, 60% số người được hỏi cho biết họ không tin tưởng vào Putin, và công dân châu Âu là những người hoài nghi nhất về tổng thống Nga. Tuy nhiên, nếu so sánh, tổng thống Nga vẫn nhận được nhiều sự tin tưởng hơn tổng thống Mỹ.
Tại Hy Lạp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, nhiều người tin tưởng vào tổng thống Nga hơn là tổng thống Mỹ. Putin vượt qua Trump 31 điểm ở Liban, 21 điểm ở Việt Nam và 14 điểm ở Mêhicô.
Các nhà khảo sát đánh giá : « Mặc dù sự tin tưởng vào cách xử lý các vấn đề ngoại giao của tổng thống Putin nói chung là thấp, nhưng ở nhiều nước, ông lại đáng tin cậy hơn tổng thống Mỹ Donald Trump. » Tuy nhiên, không phải công dân của nước nào trong khối NATO đều ủng hộ Putin. Theo cuộc khảo sát, ông Trump đạt được kết quả cao hơn ông Putin ở Anh, Canada, Hà Lan và Ba Lan. Tổng thống Mỹ cũng dẫn đầu tại Australia và Philippines, cũng như ở Israel, nơi ông được cho là “đáng tin cậy hơn Putin nhiều”.
Điểm tín nhiện của ông Trump trên trường quốc tế như vậy là thấp một cách đáng ngạc nhiên, vì cho tới nay tổng thống Mỹ vẫn được coi là « lãnh đạo của thế giới tự do » và nhiều quốc gia nhỏ phải dựa vào sự hỗ trợ và bảo vệ của Hoa Kỳ, trong đó có các nước thuộc khối NATO, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước đang bị Bắc Triều Tiên đe dọa.
Bắc Triều Tiên :
Tổng thư ký LHQ muốn làm trung gian hòa giải
Ngày 16/08/2017, khi họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố ông muốn làm trung gian hòa giải để giảm căng thẳng giữa các bên trong vấn đề Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên RFI Marie Bourreau tại New York gởi về bài tường trình :
« Vừa mới trở về sau kỳ nghỉ hai tuần ở Croatia, ông Antonio Guterres đã quyết định bắt tay vào giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất hiện nay. Đây chỉ mới là lần thứ hai trong năm nay ông tổ chức họp báo. Thông điệp của tổng thư ký rất rõ ràng: ông muốn tận dụng nghị quyết được nhất trí thông qua cách đây hai tuần, siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và đề xuất nhận vai trò nhà hòa giải trung thực để cố gắng khởi động lại tiến trình hòa bình.
Ông Guterres nói : « Khi căng thẳng gia tăng, thì nguy cơ của những sự hiểu lầm, những tính toán sai lạc hay nguy cơ làm trầm trọng vấn đề cũng tăng theo. Đây là lý do tại sao lúc này việc giảm những cuộc khẩu chiến và củng cố các biện pháp ngoại giao là giải pháp thiết yếu. Về phần tôi, tôi muốn nhắc một lần nữa là tôi lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải, và tôi đã chuyển tải thông điệp này hôm qua tới đại diện các nước tham gia vào đàm phán sáu bên. »
Ông Antonio Guterres không cho biết chính quyền Mỹ hay Bắc Triều Tiên phản ứng thế nào về đề nghị của ông. Người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc người Hàn Quốc Ban Ki-moon, nhiều lần đã cố đến thăm Bắc Triều Tiên nhưng không thành công. Vai trò hòa giải của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này sẽ là hành động cụ thể đầu tiên của tổng thư ký mới trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao. »
0 nhận xét