Bản tin ngày 19/8/2017
Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Đất Việt: Ngư dân bị tàu lạ phá lưới, đổ dầu ở Hoàng Sa. Như vậy là không chỉ con tàu “ôn dịch” số hiệu 46106 tấn công ngư dân, mà còn có thêm con tàu “ôn hoàng” của Trung Quốc, số hiệu 46102, cũng đã tham gia tấn công ngư dân Việt Nam trước đó.
Bài báo cho biết: Ngày 2/7, tàu cá QNg 91727 TS của ông Võ Đắc đã bị tàu Trung Quốc 46102 cướp: có 5 người Trung Quốc trang bị vũ khí, dùi cui điện, máy quay phim, máy ảnh, nhảy lên tàu cá của ông Đắc “khống chế, dồn toàn bộ ngư dân về phía mũi tàu rồi tiến hành lục soát, chụp ảnh ngư dân, lấy 70 tấm lưới rê“.
Ngày 26/7, cả ba tàu cá gồm: tàu cá QNg 90847 TS của ông Bùi Văn Nhành, tàu cá QNg 90999 TS của ông Võ Văn Hân và tàu cá QNg 90899 TS của ông Võ Cu, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 46102, trang bị vũ khí, dùi cui điện, máy quay phim, máy ảnh, khống chế ngư dân, lục soát và lấy toàn bộ số hải sản đánh bắt được và tài sản trên tàu của ngư dân.
Sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông vừa hết hạn ngày 16/8, đã có cả trăm tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông. Báo Thanh Niên dẫn nguồn từ Tân Hoa xã, cho biết: “Khoảng 100 tàu cá với sự bảo vệ của Cảnh Sát Biển Trung Quốc vào chiều 16/8 đã từ tỉnh Hải Nam xuất phát xuống khu vực Biển Đông để bắt đầu mùa đánh bắt cá“.
VOA có bài: Thủ Tướng Phúc ‘lôi kéo’ Bangkok về phía Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông? Ông Lê Minh Nguyên nhận định: “Vấn đề Biển Đông, các sự kiện vừa qua cho thấy Việt Nam rất là đơn độc, bởi vì gần như hầu hết 10 quốc gia Đông Nam Á hoặc là thân thiện với Trung Quốc hoặc ở trạng thái trung dung và Trung Quốc gây ảnh hưởng cả khối ASEAN … Lợi ích kinh tế của Thái Lan từ việc hợp tác với Trung Quốc quá lớn so với lợi ích kinh tế từ Việt Nam”.
RFI có bài: Biển Đông: Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ? Bài báo dẫn lời ông Euan Graham, một chuyên gia về vấn đề an ninh Đông Á, cho biết, “Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ“.
Mời đọc thêm: Philippines: Đối lập tố cáo chính phủ coi nhẹ hiểm họa Trung Quốc(RFI). – Quan hệ Trung Quốc-Philippines lại căng thẳng vì Biển Đông (KT). – Nhật Bản và Mỹ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông (VOV). – Nhật sẽ giúp VN và Philippines về an ninh hàng hải (BBC). – Bình Định: Tàu cá với chín ngư dân mất liên lạc trên vùng biển Hoàng Sa (ND).
Cán bộ cấp cao và tham vọng quyền lực
Về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng ban hành quy định, cán bộ cấp cao phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, RFA có bài: Phải làm gì để trở thành lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam?
Nhà báo Bùi Tín nhận định: “Tôi nghĩ rằng thì đây có thể là một thủ thuật chính trị, một mưu đồ của ông Trọng để đi tới việc vận dụng những tiêu chuẩn đó nhằm loại bỏ nhóm này hay nhóm khác đang dự định tranh giành cái ghế tổng bí thư mà ông Trọng chỉ muốn duy trì vị trí Tổng Bí thư không những cho đến hết nhiệm kỳ này mà còn sang nhiệm kỳ sau nữa.”
Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Tờ TAZ đưa tin: Người Việt Nam bị bắt cóc ở Bá-linh: Một tên bắt cóc đã bị bắt giữ. Hôm Chủ nhật vừa qua tại Praha, đội đặc nhiệm của cảnh sát Tiệp đã bắt giữ tài xế lái chiếc xe gây án. Bà Frauke Köhler, phát ngôn viên của Công tố viện Liên bang, cho biết: “Tôi xác nhận, đã có một một vụ bắt giữ ở nước ngoài. Vì những lý do về chiến thuật điều tra tôi không thể nói thêm về việc này”.
Thông tin về người bị bắt: Theo lời những người hàng xóm, người đàn ông bị bắt giữ gần 50 tuổi và là công dân Việt Nam. Người này điều hành một văn phòng chuyển tiền “MoneyGram” trong chợ Sapa ở Praha. Facebook Ông Tám Bà Tám cho biết, người bị cảnh sát Czech bắt giữ là ông Nguyễn Hải Long, điều hành văn phòng chuyển tiền MoneyGram.
LS Nguyễn Văn Thân có bài: Bắt cóc rồi ”tự thú” là màn diễn xuất phát từ Bắc Kinh. Theo ông, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên thi hành chính sách bắt cóc, nhưng “lực lượng an ninh Việt Nam đã chứng tỏ tư duy đàn em xuất sắc khi bắt chước công an Trung Quốc đưa nạn nhân lên truyền hình diễn màn tự thú“.
LS Thân cho rằng, Việt Nam đang cần đồng minh chống lại Bắc Kinh, nhưng bây giờ mà “mở miệng nhờ Đức và các nước khác ủng hộ cho vấn đề Biển Đông thì chẳng khác gì một tên tội phạm trơ tráo kêu gọi mọi người khác hãy tôn trọng luật pháp?“.
Bị kỷ luật vì viết bài trên Facebook?
LS Võ An Đôn thông báo: Đoàn LS tỉnh Phú yên sắp kỷ luật tôi. Ông Đôn đính kèm một văn bản của Đoàn LS tỉnh Phú Yên, thông báo “xem xét kỷ luật” đối với ông. Lý do được Đoàn LS Phú Yên đưa ra là, trên Facebook LS Võ An Đôn “có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư đăng tải các clip phỏng vấn giữa LS Võ An Đôn với các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam“.
LS Võ An Đôn cho rằng, “luật sư không có vai trò gì đối với công lý, chỉ là vật trang trí cho đẹp phiên tòa, để người khác nhìn vào phiên tòa có dân chủ. Sự thật thì luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là ‘Cò chạy án’ để lừa người dân lấy tiền“.
“Của Caesar trả lại cho Caesar”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bộ sách Lịch sử Việt Nam đã chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, không gọi chính quyền Việt Nam Cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền, thừa nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn cũng như vương triều Nguyễn.
PGS. TS Trần Đức Cường, cựu viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử VN cho biết: “Trung Quốc cho quân tiến vào lãnh thổ VN mấy chục cây số như vậy thì không thể nói rằng đó không phải là cuộc chiến tranh xâm lược. Và trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của VN không chỉ gói gọn trong tháng 2-1979 mà còn kéo rất dài. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải hy sinh rất nhiều xương máu. Đến năm 1988 mới thực sự tương đối có hoà bình ở vùng biên giới phía Bắc“.
Còn chuyện trước đây Nhà nước VN gọi chính quyền VNCH là ngụy quân, ngụy quyền, ông Cường nói rằng: “Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan…“. Nhân đây, có lẽ cũng nên trả lại cái tên ‘Sài Gòn’ thân thương, thay cho ‘Hồ Chí Minh’ đi các ông!
VAT hay VẮT cổ dân?
TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cảnh báo: Cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT, vì những lý do sau:
Thứ nhất, tăng thuế VAT “sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn – do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng“. Thứ hai, việc tăng thuế suất VAT “không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách“. Thứ ba, “nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp…”.
Báo Tiền Phong có bài: Thuế tận thu, hậu quả khó lường. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Việc tăng thuế chứng tỏ anh không có khả năng kiểm soát chi tiêu. Thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã cao so với nhiều nước trong khu vực, nếu tiếp tục tăng thu VAT sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế”.
Báo Infonet nêu ý kiến của TS Lưu Bích Hồ: Tăng thuế VAT là điều tất yếu, có thể chấp nhận! Ông Hồ nói: “Tôi đồng ý với việc tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 là nhằm tăng thêm nguồn thu, và trong điều kiện kinh tế hiện nay của chúng ta còn nhiều khó khăn thì việc tăng thuế VAT là điều tất yếu có thể chấp nhận. Nhưng nói tăng thuế VAT lên để phù hợp với thông lệ quốc tế là không thuyết phục”.
Báo NLĐ có bài: Tăng thuế GTGT dễ gây phản tác dụng. TS Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, thuộc Bộ Tài chính, nhận định, “lâu nay chúng ta chỉ tập trung tái cơ cấu nguồn thu và tăng thuế mà ít chú trọng đến nguồn chi, khi có nhiều khoản chi hết sức bất hợp lý“.
Fcaebooker Ngô Trường An viết: “Còn tiền thuế của ta đi về đâu mà để trẻ em đu dây qua sông đến trường vậy mấy cha? Tiền thuế của ta làm chi mà để bệnh nhân chen chúc nhau dưới gầm giường và cả ngoài hành lang bệnh viện vậy mấy cha? Tiền thuế của ta ở mô mà để trẻ em chết đói, người lìa trần phải bó chiếu đem chôn vậy mấy mẹ???”
Muốn biết tiền về nơi đâu, mời độc giả xem clip: Gặp gỡ người được BNG Mỹ trao Giải thưởng ’Các lãnh đạo trẻ mới nổi’
GS Trần Hữu Dũng bình luận trên trang Viet-studies: “Điệu kiện tối cần để VAT thành công là các doanh nghiệp phải có một hệ thống kế toán minh bạch và đầy đủ, và nhà nước phải có một hệ thống kiểm toán trong sạch và hiệu quả… Một loại thuế dù có ‘hay’ cách mấy trên lý thuyết, nhưng nếu bộ máy hành chánh và khả năng cán bộ thuế vụ là kém, thì cũng sẽ hoàn toàn thất bại (làm khổ dân, gây méo mó thêm cho nền kinh tế) trên thực tế! Tất nhiên, nếu đặt ra thuế chỉ là để móc túi dân, càng nhiều càng tốt, thì nên hỏi Công An, chứ cần gì ý kiến của các nhà kinh tế?“
Hãy nghe người dân và doanh nghiệp nói gì và các nước trong khu vực tính thuế ra sao, có như giải thích của Bộ Tài chính hay không:
Mời đọc thêm: Thuế tài sản dễ có nhiều lỗ hổng (TBKTSG). – ‘Tăng thuế VAT sẽ dung dưỡng cho việc chi ngân sách vung tay quá trán’ (Zing). – Đề xuất “sốc” tăng thuế VAT: Người nghèo chịu hậu quả nặng nề hơn (DT). – Tăng thuế VAT lên 12%: Hàng triệu người chi tiêu đắt đỏ hơn (Soha). – Tăng thuế VAT lên 12%: Lo “thuế chồng thuế” khi chuyển nhượng bất động sản (DT). – Tăng thuế VAT lên 12%, giá nhà ở đội giá (Infonet). – Tăng thuế GTGT có phải là sự lựa chọn cuối cùng? (DĐDN/ TTTG).
Túng quá rồi…
Bài trên báo Đất Việt: Thủ tướng đốc thúc NHNN huy động vàng, đô trong dân. “Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại 3 lần việc Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD đang nằm trong dân“.
Bài viết của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Cân nhắc kỹ huy động vàng và đôla trong dân. Tác giả cho biết, trong khoảng thời gian 1990-2011 chính phủ đã huy động được của dân khoảng 100 tấn vàng, tương đương 5,5 tỉ USD tại thời điểm đó. Nhưng làm ăn không hiệu quả, đã gây ra những thất thoát nghiêm trọng.
Ông Sơn viết: “Rủi ro cho hệ thống ngân hàng là rất lớn vì nếu không may khủng hoảng xảy ra, Ngân hàng Nhà nước không thể nào ‘in’ ra vàng để giải cứu các ngân hàng thương mại“.
Mời đọc thêm: Huy động vàng, tăng thuế và cái khó chung (VN Finance).
Ngành nào cũng thấy lãng phí
Báo An ninh Tiền tệ có bài: Đường sắt ngàn tỷ chở… vài khách mỗi ngày. Tuyến đường sắt Hạ Long – Hà Nội dài 113 km mặc dù được gọi là “tuyến đường vàng” đạt chuẩn quốc tế, bề thế nhất miền Bắc, tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng, nhưng “khách khứa đâu ra, thi thoảng mới có khách cũng chỉ chở mấy cọng rau cho các bà chợ tạm thôi”.
Ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long cho biết lý do: “Đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,067m,… Còn khách khứa thì người ta chọn đường bộ cho tiện lợi, cực chẳng đã, người ta mới đi tàu”.
Mời đọc thêm: Hà Nội: Cận cảnh nhà ga trăm tuổi trước đề xuất di dời ra khỏi nội đô(DT). – Đường sắt đô thị, mong muốn và nỗi lo (DĐDN). – Yêu cầu bổ sung cao tốc Bắc Nam vào nhóm dự án trọng điểm (VnEconomy).
Bất cập trạm thu phí BOT
Thông điệp của nhà báo Bùi Thanh, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nói thẳng với Bộ trưởng Bộ GTVT: “Phải bỏ ngay trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Hãy chấp nhận sửa sai, chứ không thể tiếp tục đối phó dư luận và bảo vệ điều phi lý“.
Báo Thanh Niên: ‘Ăn chặn’ tiền dân! Bài báo đưa tin, theo tiết lộ của một nhân vật uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông, kể rằng, ông đã bị buộc “phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp ‘sắp chết’, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao“.
Cựu lãnh đạo cấp cao đó là ai? Theo tin từ nhà báo Huy Đức, đó chính là bà Đỗ Thị Huyền Tâm, đệ nhị phu nhân của cựu TBT Nông Đức Mạnh. Ông Huy Đức viết: “Trước năm 2013, bà Đỗ Thị Huyền Tâm ở trong tình trạng thua lỗ, nợ nần tới mức bị Ngân hàng liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng, không hiểu sao ‘tập đoàn’ của bà vẫn được giao hai dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 Hà Nội – Bắc Giang“.
“Từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng, chỉ cần nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ ‘nghìn tỷ’ trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách trọc phú của vợ chồng bà Tâm hiện nay, để thấy bản chất của BOT. Tiền đấy là tiền dân, tiền của chúng ta, chứ không phải là tiền anh Thăng, anh Dũng“.
Bà Đỗ Thị Huyền Tâm chính là người bị con gái ông Nông Đức Mạnh tố cáo hồi năm 2015.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài: Bộ GTVT có dám trả lời những câu hỏi của kỹ sư Huy Toàn. Ông Chênh cho rằng, nguồn cơn của những bức xúc về các dự án BOT chính là sự mập mờ, thiếu minh bạch. Còn về trạm BOT Cai Lậy thì “có nguồn tin cho rằng, trạm thu phí này là của con trai ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Chủ nhiệm UBKTTƯ ĐCSVN, nên mới được hưởng nhiều ưu đãi“.
LS Hà Huy Sơn nêu ý kiến: Luật pháp hiện nay quy định, hình thức đầu tư BOT thì có Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 là cao nhất. Nhưng “nội dung của Nghị định này rất sơ sài đã tạo ra lỗ hổng để thời gian qua và hiện tại nhiều cá nhân, tổ chức có quyền đã và trục lợi trên lưng của toàn xã hội… Do đó, trách nhiệm của bà Chủ tịch Quốc hội và UBTV Quốc hội phải sớm có kế hoạch xây dựng Luật đầu tư đối tác công tư để lấp chỗ hổng này“.
Mời xem video clip tổng hợp về việc thu phí BOT:
Mời đọc thêm: Thanh tra các dự án BOT: 100% chỉ định thầu (TT). – Ứng xử với công sản quốc lộ (TBKTSG). – Bất thường trong dự án Cai Lậy (TP). – Trạm BOT phải dời về đúng chỗ (TN). – Lời kêu gọi toàn quốc chống BOT (FB VVT). – Không mua lại cũng không dời trạm BOT Cai Lậy (TN). – Infographic: BOT – Thiên la địa võng (DV). – Vụ BOT Cai Lậy: Tỉnh Tiền Giang phản ứng Bộ GTVT (NLĐ). – Cai Lậy: BOT để ngỏ khả năng khởi kiện và thế lưỡng nan của Bộ GT-VT (LKTC). – Phương án giải quyết tranh chấp trạm BOT Cai Lậy (FB PLVC).
Nhân quyền ở Việt Nam
RFI đưa tin: Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi thả blogger Nguyễn Văn Oai. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vừa ra thông cáo, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Văn Oai, sẽ ra tòa vào 21/8.
Thông báo có đoạn: “Nguyễn Văn Oai là một trong những tiếng nói công dân sử dụng những phương tiện công nghệ mới để chỉ trích đảng cầm quyền và chính sách của họ. Những cáo buộc đối với anh chỉ là cái cớ để chính quyền chặn đứng những bài viết gây khó khăn cho họ. Chúng tôi kiên quyết kêu gọi chính quyền và ngành tư pháp địa phương trả tự do vô điều kiện cho blogger này vì anh đã không phạm tội gì“.
Mời đọc thêm: RSF kêu gọi trả tự do cho tù nhân Nguyễn Văn Oai (RFA).
Quỹ Lương Tâm thông báo số 06/2017: Quỹ Lương Tâm bắt đầu hỗ trợ thân nhân TNLT Nguyễn Trung Tôn. Thông báo cho biết: “Ngoài việc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, ông còn tham gia hỗ trợ cứu nạn người dân vùng lũ, giúp đỡ ngư dân miền Trung khiếu kiện Formosa...”
Việt Nam chỉ trích báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo: Báo cáo của Mỹ về tôn giáo VN ‘bị sai lệch’ (BBC).
Dân oan Việt Nam
Facebooker Trịnh Bá Phương cho biết: “Mặc dù an ninh sử dụng mọi thủ đoạn nhằm ngăn chặn quyền hội họp của chúng tôi, nhưng với sự đoàn kết và đồng lòng của bà con chúng tôi vẫn duy trì thực hiện hàng tuần“.
Ông Phương cảnh báo: “Sau các biện pháp Hoà Bình và pháp lý, vận động quốc tế mà cường quyền không trả đất thì chúng tôi buộc phải tái hiện cả trăm vụ Đắc Nông… Ngàn đời nay trước giặc xâm lăng cha ông chúng tôi đã đổ bao xương máu để bảo vệ mảnh đất này, và thế hệ chúng tôi cũng sẵn sàng hi sinh và không khuất phục trước một lũ cướp mang danh chính quyền“.
Bất cập giáo dục
BBC có bài: Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm cho tất cả các môn trừ môn văn như năm nay “không có chỗ cho sinh viên thể hiện sự sáng tạo và khác biệt“.
GS toán Nguyễn Tiến Dũng, trường Đại học Toulouse ở Pháp, nhận xét: Chuyện một số trường trong ngành sư phạm có điểm chuẩn chỉ 9 điểm cho ba môn là “rất đáng lo ngại” và việc có học sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt, thì “chắc là chỉ có ở Việt Nam“.
Cả hai vị nói trên đều cho rằng, hiện nay các trường Đại học, Cao đẳng được mở ra quá nhiều, trường nào cũng muốn thu hút học sinh để tăng nguồn thu học phí, nhưng không quan tâm đến chất lượng đầu vào.
Một tượng đài sắp sụp!
Báo Pháp luật TP có bài: Tượng đài đang xây có nguy cơ đổ sụp xuống sông. Bài báo cho biết, công trình di tích lịch sử “Đại đội săn tàu” trên sông Giồng Trôm, Bến Tre “sắp hoàn thành thì bị sạt lở, sắp sụp“.
Xem qua hình ảnh công trình, có thể thấy, tượng này không sụp mới là chuyện lạ, bởi nơi đặt tượng chỉ là một mỏm đất nhô ra trên khúc sông rộng, lại đúng chỗ đoạn cua, nên rất dễ bị sóng đánh làm sạt lở. Việc đơn vị thi công dùng cừ tràm và gỗ dừa đóng xuống sông làm tường chắn là vô ích, vì nền móng gần bờ sông không ổn định, rất dễ đẩy cả công trình xuống sông.
Nổ bom ở Khánh Hòa, 6 người chết
Báo SGGP đưa tin: Nổ bom tại Khánh Hòa, 6 người chết tại chỗ. Vụ nổ xảy ra tại thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn làm 6 người tử vong tại chỗ, trong đó có 3 trẻ em.
Ngoài 6 người chết còn có một người khác bị trọng thương đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hiện chính quyền địa phương đang điều tra, nhưng theo phản ánh của người dân, nguyên nhân có thể do người dân… cưa bom còn sót lại sau chiến tranh.
VOA cho biết thêm: “Theo các số liệu của chính phủ, kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, hơn 42.000 người đã thiệt mạng và hơn 62.100 người bị thương do bom mìn chưa nổ (UXO) gây ra. Hầu hết các vụ nổ xảy khi nông dân chạm phải bom mìn khi canh tác hoặc cưa vỏ bom để lấy thuốc nổ“.
Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67
Trang BNews của TTXVN có bài: Nghị định 67 góp phần hiện đại hoá và nâng cao sản xuất thuỷ sản. Nhưng VTV đưa tin: Quảng Bình: Hàng loạt tàu cá vỏ thép phải nằm bờ vì hư hỏng.
Tin quốc tế
Khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha
RFI đưa tin: Tây Ban Nha: Tấn công khủng bố tại Barcelona và Cambrils. Hai vụ tấn công khủng bố vào chiều và tối 17/08/2017, ở TP Barcelona và Cambrils, cách xa khoảng 120 km, đã giết chết 14 người chết, làm bị thương hơn 100 người. Cả hai vụ, hung thủ sử dụng xe hơi lao vào đám đông, tương tự như vụ bạo loạn xảy ra ở Mỹ hồi cuối tuần trước.
Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định để quốc tang 3 ngày, tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố này:
Tác giả Thạch Đạt Lang có bài: Khủng bố ở Barcelona và kẻ bệnh hoạn trong tòa Bạch Ốc nói về phát biểu kỳ quặc của Trump, khuyến khích tra tấn kẻ khủng bố, nhưng Trump đưa tin sai về tướng John Pershing, khi nói rằng ông tướng này đã hành quyết 49 tù nhân Hồi giáo bằng đầu đạn tẩm máu heo.
Mời đọc thêm: Khủng bố ở Barcelona và Cambrils: Cập nhật mới nhất (BBC). – Barcelona: Đại lộ Ramblas vắng lặng sau khủng bố (RFI). – Tây Ban Nha: Cảnh sát ‘chặn vụ tấn công thứ hai’ (BBC). – Tây Ban Nha chặn đứng một cuộc tấn công khác, bắn chết 5 nghi can (VOA). – Các nạn nhân vụ tấn công tại Tây Ban Nha(BBC). – Xe tông đám đông, vũ khí giết người hàng loạt (RFI). – Tây Ban Nha điều tra liệu các vụ tấn công khủng bố có liên hệ với nhau (VOA). – Thế giới nhất loạt lên án các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha (RFI). – Nghi phạm khủng bố ở Barcelona có thể đã bị hạ sát (VOA).
Vụ tấn công ở Phần Lan: Phần Lan: Cảnh sát bắn một kẻ đâm người tại Turku (BBC). – Tấn công bằng dao gây tử vong ở Phần Lan và Đức (VOA). – Phần Lan : Nhiều người bị đâm. Một nghi can bị bắt (RFI). – Đâm chém bừa bãi ở Phần Lan, 1 chết, nhiều người bị thương (VOA). – Vụ đâm dao ở Phần Lan: 2 người chết (VOA).
Bê bối trong chính trường Mỹ: Hỗn loạn!
Báo NYT đưa tin: Steve Bannon, cánh tay phải của Trump và là chiến lược gia trưởng của TT Mỹ, sẽ phải cuốn gói rời tòa Bạch Ốc. Steve Bannon là một trong những người đã tích cực giúp Trump thắng trong cuộc cử tổng thống năm 2016.
Bannon chính là người đứng đằng sau những chính sách gây tranh cãi của Trump, trong đó có lệnh cấm dân từ đa số các nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ. Ông ta cũng là người “chiến” với các phe nhóm khác bên trong tòa Bạch Ốc, trong đó có con rể tổng thống là Jared Kushner và ông Herbert Raymond McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia, với những màn cáo buộc ông Bannon “đâm sau lưng chiến hữu”.
Reuters đưa tin: Chánh Văn phòng tòa Bạch Ốc và Steve Bannon thống nhất với nhau, hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của Steve Bannon. Báo Người Việt: Hỗn loạn trong Tòa Bạch Ốc, TT Trump sa thải chiến lược gia Steve Bannon. VOA: Chiến lược gia trưởng của Trump ra đi.
Thêm một cố vấn khác của Trump từ chức. Reuters đưa tin, tỉ phú Carl Icahn, cố vấn đặc biệt của TT Trump đã từ chức. Tỉ phú Carl Icahn vừa từ chức vì bị chỉ trích vì mâu thuẫn lợi ích bởi những khuyến nghị của ông Icahn đưa ra cho Tổng thống Trump có thể có lợi cho việc đầu tư của chính ông. VOA có bài tóm lược: Thêm một cố vấn của Tổng thống Trump từ chức.
Về vụ biểu tình bạo loạn ở Virginia, Ngoại Trưởng Tillerson: Kỳ thị chủng tộc là ‘ma quỷ’. “Ngoại Trưởng Rex Tillerson hôm Thứ Sáu lên án các phát biểu có tính cách kỳ thị, nói rằng đây là điều đi ngược với truyền thống Mỹ và phản lại các giá trị mà nước Mỹ dùng làm nền tảng và cũng khuyến khích ở các quốc gia khác“.
Người Việt: TT Trump ngưng thành lập Hội Đồng Cố Vấn Xây Dựng Hạ Tầng. “Quyết định của tổng thống được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông cho giải tán hai hội đồng khác, Hội Đồng Sản Xuất và Diễn Đàn Sách Lược và Chiến Lược, sau khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổng giám đốc và lãnh đạo nghiệp đoàn rút chân ra khỏi hội đồng, phản ứng trước việc ông Trump đổ lỗi ‘cả hai phía’ trong vụ bạo động ở Charlottesville, Virginia“. RFI: Charlottesville: Tổng thống Trump sợ “mất văn hóa Mỹ”.
Khủng hoảng Bắc Hàn
Bài trên BBC: Tướng Mỹ: ‘Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’. Khi đang thăm Trung Quốc, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói rằng, giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn sẽ là “kinh hoàng” nhưng vẫn là một lựa chọn.
Ông Dunford nói: “Điều không thể tưởng tượng được đó chính là cho phép [lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un] phát triển tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân có thể đe doạ Hoa Kỳ và tiếp tục đe dọa khu vực“.
RFI có bài: Mỹ nhấn mạnh vẫn duy trì phương án quân sự với Bắc Triều Tiên. Tại Đối thoại An ninh thường niên giữa hai nước Mỹ – Nhật ở Washington ngày 17/08/2017, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cùng lên tiếng nhấn mạnh rằng các phương án quân sự nhắm vào Bắc Hàn vẫn được duy trì.
Ngoại trưởng Tillerson nói với người đồng nhiệm Nhật Bản: “Chúng tôi đã nói rất rõ về chính sách cũng như quan điểm của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên. Chúng tôi đã sẵn sàng… sẵn sàng về quân sự. Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với các đồng minh của chúng tôi để đáp trả nếu cần thiết“.
Mời đọc thêm: Mỹ: ‘lập tức bắn hạ tên lửa Bắc Hàn nhắm vào Mỹ và đồng minh’(VOA). – Báo chí Bắc Triều Tiên chê thậm tệ tổng thống Hàn Quốc (RFI).
“Cách mạng Dù” ở Hồng Kông
VOA có bài: Cựu Thống đốc Hong Kong Patten chỉ trích án tù cho thủ lãnh Dù Vàng. Ông Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hong Kong trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đã lên tiếng chỉ trích việc bỏ tù ba thanh niên lãnh đạo phong trào đấu tranh cho dân chủ Hong Kong, trong khi ông Rimsky Yuen, Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông bác bỏ vụ án này mang động cơ chính trị.
Ông Chris Patten, nói: “Tôi cho rằng họ sẽ được mọi người nhớ đến, tên tuổi họ sẽ được ghi nhớ rất lâu sau khi không ai còn nhớ tôi là ai, và có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình là ai. Chúng ta nên tự hào về những gì mà những thanh niên trẻ tuổi này đang làm”.
Mời đọc thêm: Chính quyền Hồng Kông trấn áp mạnh giới dân chủ theo lệnh Bắc Kinh? (RFI). – Giới dân chủ HK lo ngại có thêm người bị tù (RFA).
0 nhận xét